Lớp học cuối cùng
Chương 19
TUẦN THỨ TÁM
Tác giả: Mitch Albom
Tôi cầm tờ báo lên cho thầy Morrie đọc.
TÔI KHÔNG MUỐN TRÊN MỘ BIA MÌNH CÓ KHẮC DÒNG CHỮ: “TÔI KHÔNG BAO GIỜ LÀM CHỦ ĐƯỢC MỘT MẠNG LƯỚI.”
Thầy Morrie cười phá lên, lắc đầu. Ánh nắng ban mai chiếu rọi qua ô cửa sổ sau lưng thầy, đậu xuống chậu dâm bụt màu hồng đặt nơi bệ cửa. Trùm cá mập truyền thông đại chúng Ted Turner, nhà sáng lập đài CNN than thở mới thống thiết làm sao vì không giành giật được mạng CBS tại cuộc thương lượng đa công ty! Sáng nay tôi đem câu chuyện này kể cho thầy nghe, xem ông tỉ phú lẫy lừng này có giành dược một vị trí nào đó trong trái tim vị cựu giáo sư của tôi hay không. Hơi thở thầy biến mất, cơ thể cứng đờ, cuộc sống của thầy hắt hiu từng ngày – liệu thầy có hăng hái chuyện làm chủ một mạng lưới?
“Đó là tất cả mọi mặt của cùng một vấn đề đấy. Mitch à. Chúng ta đặt giá trị của mình lên điều sai trái. Và nó dắt mũi chúng ta tới cuộc sống ảo tưởng viễn vông. Thầy nghĩ ta nên bàn về chuyện này.”
Thầy lưu tâm cao độ. Có ngày tốt ngày xấu. Hôm nay thầy có vẻ khá hơn. Đêm qua có một nhóm nhạc acappella địa phương tới đàn hát cho thầy vui. Nghe thầy hào hứng kể lại, tôi ngỡ như chính nhóm Ink Spot nổi danh ghé thăm vậy. Ngay trước khi ốm nặng, thầy đã mê âm nhạc lắm. Bây giờ tình yêu đó còn mãnh liệt hơn – nó khiến thầy ứa nước mắt. Thỉnh thoảng thầy vẫn nghe nhạc opera vào ban đêm, hòa mình vào mỗi làn điệu trầm bổng.
“Lẽ ra con nên nghe họ chơi. Thật là mê ly”, thầy xuýt xoa.
Thầy vốn thường đam mê những thú vui bình thường, hát, cười sảng khoái, khiêu vũ. Hơn bao giờ hết, hiện vật chất đã không còn hoặc còn rất ít ý nghĩa đối với thầy. Khi chết, người ta luôn nghe văng vẳng bên tai lời răn bảo: “Anh không thể mang của cải theo cùng”. Thầy Morrie hình như đã biết điều đó từ lâu lắm rồi.
“Nước Mỹ sở hữu một phương pháp tẩy não độc chiêu” – thầy thở dài não nề “Con có biết người ta làm gì để tẩy não nhau không? Người ta lập đi lập lại một điều gì đó – liên miên không ngớt. Ở đất nước này, người người tôn sùng cách thức tra tấn lỗ tai của nhau. Sở hữu vật chất thì rất tốt. Có nhiều của cải hơn thì thật tuyệt. Buôn bán thông thương phát đạt là điều đáng mơ ước. Nhiều, hãy nhiều hơn nữa, càng nhiều càng tốt, tiến lên và tiến lên. Bọn họ nhắc tới nhắc lui, ra rả thâu đêm suốt sáng – cho đến khi chúng ta mụ mẫm cả người, đến độ không còn tâm trí nghĩ đến chuyện gì khác hơn là kiếm tiền. Bao nhiêu con người ngụp lặn bì bõm trong dòng tư tưởng thời thượng đó – và không còn biết đến điều gì khác quan trọng trên đời.
“Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu thầy đặt chân tới, thầy đều bắt gặp những con người muốn ăn tươi nuốt sống một cái gì đó mới mẻ. Họ ngấu nghiến một chiếc xe hơi; vồ vập một thứ đồ trang sức; háo hức một món đồ chơi mới nhất. Chưa đủ! Họ lại còn muốn những người khác trầm trồ thán phục điều họ có và điều họ làm: “Hãy đoán xem tôi đạt được điều gì? Hãy đoán xem tôi nhận được cái gì?”
“Con biết không Mitch, ta luôn tìm cách lý giải bản chất của hiện tượng này. Ôi chao! Niềm khao khát tình yêu của những con người hay chạy theo vật chất cháy bỏng quá, da diết quá nên họ đành phải chấp nhận giải pháp thay thế. Họ nâng niu quý mến của cải; họ thực dụng – những mong vật chất có thể thay thế được vòng tay ôm ghì hoặc nụ hôn nồng nàn của người thân. Nhưng làm sao chuyện đó xảy ra được cơ chứ! Ta không thể đem nhà cửa ra đổi lấy tình yêu và sự âu yếm. Ta không thể lấy đô la ra để lấn lướt sự dịu dàng và tình đồng chí.
“Tiền bạc hay quyền lực đều không thể là thứ thay thế được cho nghĩa nhân – cái cách chúng ta đối xử với nhau chân tình mới đáng kể. Ta quả quyết với con rằng, khi ta ngồi hấp hối ở đây – hay đối với bất cứ ai sắp lìa xa cõi đời – thì cả tiền bạc lẫn quyền lực (cho dù dồi dào và phong phú tới cỡ nào) đều không mang lại cho thầy cái cảm giác lâng lâng mà thầy đang ráo riết tìm kiếm”.
Tôi kín đáo liếc quanh phòng làm việc của thầy. Mọi thứ vẫn y nguyên như ngày đầu tôi tới với thầy. Tùng hàng sách vẫn nằm im trên kệ. Vài tờ giấy vẫn mở hờ hững trên chiếc bàn cũ. Các căn phòng vẫn chưa chỉnh trang hay nâng cấp thêm. Đã nhiều năm nay rồi, thầy Morrie không mua sắm đồ đạc mới – trừ các thiết bị và dụng cụ y tế! Cái ngày thầy nhận ra mình ốm nghiêm trọng cũng là ngày thầy mất đi hứng thú sắm sửa.
Vậy đó! Cái tivi cô thầy thường cùng nhau xem, chiếc xe hơi cô Charlotte lái đi làm mỗi ngày đều vẫn là những đồ lỗi mốt cũ kỹ. Cả bồn nước, bát đĩa, bộ đồ ăn bằng bạc, khăn trải bàn cũng thế. Tuy nhiên, căn nhà đã biến đổi thần kỳ. Nó chan hòa tình yêu tình gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình thầy trò. Nó râm ran tiếng nói cười, tiếng giảng giải lẽ sống, tiếng rủ rỉ khuyên răn. Nó là nơi họp mặt của các vị giáo sư đáng kính, các nhà doanh nghiệp, các luật sư thành đạt, các y bác sĩ tất bật, các chuyên gia liệu pháp lặng lẽ, và cả nhóm nhạc acappella địa phương. Nó đã trở thành một căn nhà giàu có, dù cho tài khoản trong ngân hàng của thầy vơi đi nhanh chóng.
Thầy trầm ngâm:
“Một sự giằng xé dữ dội giữa điều ta muốn với điều ta cần. Chúng ta cần thực phẩm, nhưng chúng ta lại muốn kem trái cây sôcôla. Chúng ta phải tự thành thực với chính mình. Rõ ràng, anh không cần chiếc xe hơi thể thao đời mới nhất. Anh cũng không cần ngôi biệt thự rộng lớn nhất. Sự thật trớ trêu là, anh không cảm thấy thỏa mãn với những thứ đó. Chính anh mới biết đích xác điều gì làm cho anh mãn nguyện!”
Thầy nói cái gì ạ!?
“Hãy cho người khác những gì con phải cho!”
Lời thầy nghe sao giống như lời tuyên thệ của hướng đạo sinh.
“Ta không có ý nói đến tiền bạc, Mitch à. Điều ta muốn nêu bật ở đây là thời gian, là mối lo lắng, là những cuộc chuyện trò kia! Những điều đó không quá khó khăn lắm đâu. Gần đây có một trung tâm dưỡng lão. Rất nhiều người già đến đó hàng ngày. Các nam thanh nữ tú với bất cứ kỹ năng gì khả dĩ truyền đạt cho người khác – như vi tính chẳng hạn – đều luôn được dang tay đón nhận. Họ rất biết ơn anh. Bằng cách cho đi những gì mình có, anh đã khởi đầu nhận được sự trọng vọng và sự ngưỡng mộ.
“Những nơi như thế có rất nhiều. Ta chẳng cần phải có tài năng kiệt xuất mới giúp đỡ được họ. Những người cô đơn trong những bệnh viện hay nhà mở đang đau đáu khát khao tình đồng loại. Anh có thể đến chơi bài với các ông bà lão, anh sẽ tìm ra lòng tự trọng mà từ trước tới nay anh chưa hề cảm nhận được bởi vì người ta rất cần anh.
“Con hãy ghi nhớ điều ta nói về việc tìm ra ý nghĩa cuộc sống? Ta đã viết ra rồi, nhưng bây giờ ta có thể nhắc lại: Hãy hết lòng yêu người, hãy gắn bó mật thiết với cộng đồng quanh ta, và hãy chí thú tìm kiếm điều có thể mang lại cho ta mục đích cùng ý nghĩa cuộc sống.
“Con nên nhớ trong đầu rằng”, thầy toét miệng cười nói thêm – “tất cả những điều đó không dính líu gì đến lương bổng cả!”
Tôi lọ mọ ghi chép vào xấp giấy màu vàng. Hí húi đưa bút chẳng qua chỉ vì tôi không muốn thầy nhìn vào mắt mình – sợ thầy đọc được suy nghĩ của tôi. Suốt quãng đời từ khi tốt nghiệp, tôi đã nhắm mắt nhắm mũi chạy đuổi theo những gì mà thầy chống lại kịch liệt – tiện nghi vật chất, nhà cao cửa rộng. Tôi đã lao đi cùng với đoàn vận động viên giàu có và nổi tiếng – hăm hở vươn tới một cái đích vô hình. Tôi tự thanh minh rằng những nhu cầu của tôi rất thực tiễn; rằng lòng tham của tôi thật nhỏ nhặt so với tham vọng của vô khối người.
Tôi đang còn hoang mang trước màn khói bảng lảng thì thầy Morrie đã khéo vén nó lên:
“Mitch à! Nếu ta cứ cố khoa trương cho những người thuộc tầng lớp thượng lưu coi, thì hãy quên điều đó đi. Họ sẽ nhìn xuống ta bằng nửa con mắt! Còn nếu như ta muốn “làm màu” cho những người cùng đinh ngước lên xem, thì hãy cũng quên đi. Ta sẽ chẳng khơi dậy trong họ điều gì khác hơn là sự ghen tị! Địa vị không dẫn ta đi đâu cả. Chỉ mở toang trái tim ra mới cho phép ta bay bổng giữa mọi người”.
Thầy ngừng lại, nhìn tôi:
“Thầy đang chết phải không?”
Thầy không cần câu trả lời của tôi.
“Thưa thầy, nhưng mà tại sao thầy lại nghĩ rằng ta phải rộng lòng thấu hiểu những vấn đề của người khác, trong khi chính bản thân mỗi người chúng ta đây đều phải quằn quại với nỗi đau bi thiết của riêng mình?”
“Tất nhiên là ai cũng có nỗi thảm sầu riêng. Nhưng chỉ có tấm lòng hướng về người khác mới khiến ta cảm thấy mình đang sống. Không phải xe hơi hay cái nhà của ta; không phải diện mạo của ta trong gương làm được điều ấy! Khi thầy san sẻ thời gian của mình cho ai đó; khi thầy làm cho một người nở nụ cười sau nỗi mất mát của họ. Chỉ những khi ấy thầy mới cảm thấy tràn trề sinh lực hơn bao giờ hết.
“Con hãy làm những gì trái tim mách bảo. Khi đó, con sẽ được thanh thản, con sẽ không thèm khát, đố kỵ với người khác. Ngược lại, lòng con sẽ trĩu nặng những cảm xúc tiêu cực vì không được đền đáp.”
Thầy ho húng hắng rồi với tay tìm chiếc chuông treo trên ghế. Thầy quờ quạng mấy lần không thấy, nên tôi phải ấn nó vào tay thầy.
“Cám ơn con”, thầy nói sẽ sàng và rung chuông yếu ớt gọi Connie.
“Cái tay Ted Turner này không thể nghĩ tới cái gì khác hơn cho bia mộ của mình sao?” Thầy tủm tỉm cười.
“Mỗi đêm đi ngủ, tôi chết.
Và sớm hôm sau, tôi tái sinh khi thức dậy”
MAHATMA GANDHI
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.