Luật Hấp Dẫn: Bí Mật Tối Cao

Chương 8: Hãy Để Tư Duy Tích Cực Hoạt Động



Ý tưởng xuyên suốt cuốn Bí mật của Rhonda Byrne là: suy nghĩ mang lại sức mạnh. Điều đang diễn ra trong đầu bạn chính là điều bạn sẽ đưa đến cuộc đời mình. Nếu suy nghĩ tích cực, những điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Nếu suy nghĩ tiêu cực, bạn cũng sẽ lôi kéo sự tiêu cực đến với cuộc đời mình.

Nếu bạn có thể nhớ lại mình đã như thế nào trước khi lên hai tuổi, bạn sẽ nhận ra rằng bạn không hề phân biệt được giữa những điều tốt và không tốt. Mùi hương không được phân định ra thành dễ chịu hoặc khó chịu. Bạn không biết nên hoặc không nên cho gì vào miệng. Nhưng khi bạn lớn lên, hệ thần kinh bắt đầu phát triển và bạn học được rằng những đồ ăn hỏng sẽ làm bạn ốm và cần phải tránh nó.

Trong suốt 200.000 năm phát triển của loài người, chúng ta đã tập hợp vô vàn sắc thái cảm xúc tiêu cực trong bộ sưu tập vô thức của mình. Hãy chú ý cảm giác về mùi, những mùi tồi tệ sẽ làm bạn thấy không thoải mái vì đa số chúng đều có có hại cho sức khỏe. Tạo hóa khiến cho chúng ta suy nghĩ tiêu cực về những thứ này vì bản năng sinh tồn của mình và kết quả đưa lại là mối liên hệ sâu sắc trong tinh thần của con người giữa cảm xúc khó chịu và những điều nên tránh. Nếu chúng ta đối diện với một điều gì đó dường như không an toàn, suy nghĩ tiêu cực sẽ bật ra ngay lập tức trong đầu chúng ta. Lúc đó, bản năng tự vệ sẽ giúp chúng ta không bị xâm hại. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, phản xạ này lại đi quá xa và phản ứng tiêu cực gây ra nhiều tác hại hơn là có lợi. Ví dụ như, chúng ta nghĩ rằng màu trắng là tốt và màu đen là xấu. Khi niềm tin vô thức này bước vào cuộc sống hàng ngày của bạn, khả năng tiếp nhận sự thật trong những tình huống đó sẽ bị bóp méo và chúng ta sẽ có nhận định tiêu cực về chúng ngay cả khi đó không phải là sự thật.

“Không có gì là tốt hay xấu, chỉ có suy nghĩ của ta biến nó thành như vậy.”

-WILLIAM SHAKESPEARE

Mọi người đều luôn chịu áp lực và chủ định thay đổi; suy nghĩ tiêu cực của bạn có sức mạnh để thay đổi cách suy nghĩ của người bạn đang trò chuyện. Tất nhiên, suy nghĩ tích cực cũng vậy. Bản năng tư duy tiêu cực về kẻ thù có lẽ được sinh ra bởi khát vọng sống, nhưng thực sự nó có hiệu ứng ngược lại. Theo như Luật Hấp Dẫn, nếu chúng ta mang trong người mình sự thù địch này, suy nghĩ tiêu cực của ta sẽ mang lại những mối đe dọa không thể từ chối. Và như chúng ta đã nói trong chương 3. Mối đe dọa này sẽ kết hợp với tác động tiêu cực do chính đối tượng của những suy nghĩ tiêu cực đó dội lại chúng ta. Tuy nhiên, nếu một người suy nghĩ tích cực, anh ta sẽ chỉ tiếp nhận những suy nghĩ tiêu cực ta nhằm vào anh ta như một võ sĩ quyền anh hạng nặng hứng một cú đấm trẻ con mà thôi.

KHƠI DẠY NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

Nhà quản lý hay đả kích hoặc thể hiện những cảm xúc tiêu cực trước nhân viên của mình thường không thành công. Chắc chắn họ sẽ làm gia tăng tiêu cực trong những nhân viên của mình, đặc biệt với những người bản chất đã tiêu cực. Một nhà quản lý có thể hét vào mặt nhân viên và nghĩ rằng điều này sẽ thúc đẩy họ tiến bộ. Tuy nhiên, chỉ những sự ủng hộ tích cực bằng động viên, khen ngợi và sự chân thành mới thực sự làm cho người khác thể hiện tốt nhất năng lực của mình. Khi cần phải phê bình, hãy phê bình nhẹ nhàng và cẩn trọng.

Đạo diễn tài năng có thể làm ra những bộ phim sáng chói và thành công lớn mà không cần phải có diễn viên nổi tiếng. Hơn nữa, họ còn có thể khiến cho bất kỳ diễn viên nào thể hiện tốt nhất khả năng diễn xuất của mình. Khi James Cameron để Kate Winslet và Leonardo DiCapiro nhận vai chính trong Titanic, họ đều chưa phải là những tài năng được biết đến trong các bộ phim trước kia, nhưng Titanic vẫn trở thành một bộ phim có tiếng vang lớn và được các nhà phê bình đánh giá rất cao. Gần đây hơn là thành công vang dội của đạo diễn Peter Jackson với bộ phim xuất sắc Chúa tể của những chiếc nhẫn (Lord of the Rings) mà không cần phải dựa vào sức mạnh ngôi sao của bất kỳ diễn viên nào trong đoàn.

Khả năng khơi dậy năng lực tốt nhất của người khác có thể giúp bạn kết bạn ngay cả trong đám đông mờ ám nhất. Và tương tự như vậy, người khơi dậy phần xấu xa nhất trong con người cũng sẽ tìm thấy kẻ thù ngay cả trong một cộng đồng giàu lòng trắc ẩn nhất. Giống như âm và dương, tích cực và tiêu cực luôn hòa quyện vào nhau; vấn đề chỉ là bạn sẽ tập trung và lấy ra được khía cạnh nào thôi.

Chỉ có nhà lãnh đạo dũng cảm nhất mới có thể khơi dậy lòng can đảm trong đội quân của mình. Tướng Mỹ George S. Patton, một trong những vị tướng thành công nhất trong Thế chiến thứ hai, biết rất rõ điều này. Ông đã từng nói: “Người nhút nhát sẽ không bao giờ khơi dậy được sự tự tin ở người khác.” Sống theo phương châm rằng bạn nên “luôn làm mọi điều bạn yêu cầu người dưới quyền”, Patton đã thôi thúc được sức chiến đấu ở đội quân của mình đến mức đáng kinh ngạc, giành được sự tôn trọng qua những chiến công trên chiến trường khắc nghiệt nhất của Hitler, sau này Hitler gọi ông là: “Vị tướng cao bồi điên khùng kiểu Mỹ.”

Nếu ta mở rộng phạm vi ra khỏi chiến trường, người nào cho đi nhiều yêu thương sẽ nhận lại nhiều hơn thế. Đầu những năm 1970, John Lennon và Yoko Ono đã thực hiện một cuộc biểu tình phản chiến “nằm giường” (“bed-in”): họ nằm trên giường, ăn uống trên giường và hát những bài hát ca ngợi hòa bình, phi bạo lực để quảng bá cho thông điệp về sự hòa hợp trong suốt thời chiến tranh Việt Nam, và đã có hàng trăm nghìn người hưởng ứng thông điệp này của ông. Khi Lennon qua đời, hơn 100.000 người đã tập trung tại Công viên trung tâm Manhattan để tưởng nhớ ông và “Strawberry Fields,” một khu vườn tưởng niệm gần công viên, là địa điểm nổi tiếng dành cho những người trân trọng thông điệp về hòa bình đó.

Giống như Tiến sỹ John Gray, tác giả cuốn Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim (Men Are From Mars, Women Are From Venus), đã từng nói trong cuốn Bí mật: “Để nhận được tình yêu… hãy để tình yêu tràn đầy trong bạn cho đến khi mình trở thành một thỏi nam châm.”

KHƠI DẬY KHẢ NĂNG TỐT NHẤT Ở NGƯỜI BẠN ĐỜI CỦA MÌNH

Trong mọi quyết định thì lựa chọn người bạn đời cho mình gây ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của bạn. Một khi bạn đã đưa ra quyết định của mình, hạnh phúc hoặc đau khổ sẽ bắt đầu từ đó. Kết hôn giống như bạn được sinh ra lần nữa. Và sau đám cưới, bạn sẽ có một gia đình hoàn toàn mới – bố mẹ, các mối quan hệ, con cái… càng ngày sẽ càng đông. Suy nghĩ một cách nghiêm túc xem liệu người bạn đời tương lai của bạn có hội tụ đủ ưu điểm hay không. Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, thà ta sống độc thân còn hơn phải ở cạnh một người bạn đời không tốt đẹp.

“Nếu bạn có khả năng nhận thức từng khoảnh khắc hiện tại, những hình ảnh về chướng ngại vật – mà hơn 90% là có thể nhận thấy được – sẽ bị phá hủy và biến mất.”

-DEEPAK CHOPRA,
Bảy qui tắc tinh thần để thành công
(The Seven Spiritual Law of Success)

Dù bạn có tin vào nghiệp, thần thánh hay sự trùng hợp ngẫu nhiên – những điều có thể mang bạn đến với một người nhất định hay không thì bạn cũng vẫn có thể để nhận thức của mình dẫn đường cho bạn thoát khỏi một tình huống không như mong muốn. Nhận thức là một công cụ hoàn hảo không có chút thành kiến nào để nhận định về một tình huống và đưa ra quyết định phù hợp. Nếu bạn đang lái xe lên núi và đột nhiên một vách đá bất ngờ hiện ra, chỉ có sự tập trung cao độ mới giúp bạn lái an toàn. Nguyên tắc cơ bản này cũng áp dụng được cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống: bạn có thể phải đối mặt với thảm họa nhưng nhận thức sẽ cứu bạn. Cuộc sống trao tặng cho ta rất nhiều điều, một số có thể không như mong muốn, nhưng cách bạn phản ứng lại với chúng sẽ quyết định tương lai của bạn. Tập luyện nhận thức có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời chúng ta.

Khi cần lựa chọn bạn đời, hãy chắc chắn rằng bạn đã sử dụng tới sự tỉnh táo và sáng suốt để nhận thấy phản ứng của mình đối với người đó và đưa ra quyết định phù hợp. Nhờ vậy, bạn sẽ tự tạo ra được số phận và sẽ không chỉ lựa chọn người bạn đời của mình dựa trên tâm trạng thất thường hay những cảm xúc phù du như sự thèm muốn và phấn khích hoặc cô đơn và buồn chán.

Những mối quan hệ lãng mạn thật ra rất kỳ bí. Một số đôi đã gặp gỡ nhau hàng năm trời rồi mới tiến tới hôn nhân và lại chia tay chỉ sau vài tháng ngắn ngủi trong khi có những đôi chỉ tìm hiểu nhau vài tháng và sống bên nhau trọn đời. Tất nhiên, mối quan hệ nào cũng đều có lí do của nó.

Hãy cẩn trọng đừng so sánh người bạn đời hay con cái của mình với ai khác vì bất kỳ lí do gì. Tán dương ưu điểm của đứa trẻ khác với con của bạn và nói rằng con bạn còn có thể làm tốt hơn thế sẽ không bao giờ hiệu quả và thậm chí còn gây nguy hiểm. Suy nghĩ tích cực là cách nên làm. Hãy duy trì một thái độ tích cực sẽ để xua tan điểm yếu trong những người bạn yêu mến. Hãy thật cẩn trọng khi cãi vã, đừng bao giờ mang những hành động trong quá khứ ra làm lý lẽ để tranh luận. Nó sẽ chỉ làm mọi việc xấu hơn. Hãy nhìn vào ưu điểm và bạn sẽ thấy bạn chẳng có gì để mất mà lại có mọi điều để nhận – quan trọng nhất là một mái ấm hạnh phúc. Có thể đôi khi bạn không thể xoay chuyển suy nghĩ và khát vọng của người khác chỉ bằng cách suy nghĩ tích cực, dù sao, bạn cũng vẫn có thể tác động rõ ràng khiến cuối cùng họ vẫn hành động đúng. Kể cả không có những điều này thì việc duy trì sự tích cực vì sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bạn cũng đã là lí do đủ mạnh để bạn làm thế rồi.

“Bất kỳ điều gì ta làm với năng lượng tiêu cực cũng sẽ làm hỏng nó và lúc ấy, sẽ mang lại nhiều nỗi đau, nhiều bất hạnh hơn. Thêm nữa, bất kỳ trạng thái tinh thần tiêu cực nào cũng dễ lây: Sự bất hạnh lây lan dễ hơn cả một căn bệnh thể chất.”

-ECKHART TOLLE,
Một trái đất mới

Người cực kỳ tiêu cực cần có một lượng năng lượng tích cực rất lớn để thay đổi. Bạn cần phải gửi cho họ năng lượng tích cực trong nỗ lực nhằm cân bằng tính tiêu cực của họ. Nhưng nếu không có đủ năng lượng tích cực, bạn sẽ không thành công được đâu; hơn nữa, có thể bạn sẽ thành con mồi cho sự tiêu cực của họ vì nó cũng lây sang bạn như một căn bệnh truyền nhiễm. Người cực kỳ tiêu cực có thể chuyển hóa những cố gắng của bạn để sử dụng nét tích cực đó trong cuộc sống của họ một cách tiêu cực. Trong trường hợp này, bạn đừng nên cố gắng nữa và hãy bỏ đi. Hãy nghĩ thế này: nếu bạn tiếp tục cung cấp tiền cho một kẻ tham lam, bạn sẽ hết tiền trước khi người ta bỏ tính tham lam của họ, và nếu như bạn không buông tay họ sớm, có thể bạn sẽ chồng chất nợ nần!

“Hãy lựa chọn cách sống lạc quan, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều.”

-DALAI LAMA thứ 14

Câu nói đó nghĩa là, chúng ta có thể với tới một ngưỡng phát triển cao hơn con người hiện tại và được giải thoát nếu biết sử dụng suy nghĩ tích cực để chuyển thứ 14 hóa suy nghĩ tiêu cực. Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục mắc phải những cái bẫy mà tư duy vô thức bắt nguồn từ suy nghĩ tiêu cực tạo ra. Nhìn thật gần vào suy nghĩ và cảm xúc của mình sẽ giúp chúng ta sống và hành động tích cực.

HÃY SỐNG GIỮA NHỮNG NGƯỜI TÍCH CỰC

Một trong số các bí mật của nghệ thuật sống là hãy sống giữa những người tốt. Nếu bạn thấy mình đang sống giữa những người hay ghen tị, hẹp hòi, ích kỷ, dối trá,… hãy cố gắng giải thoát mình khỏi họ trước khi những tiến bộ về tinh thần và thể chất của bạn bị phá hỏng. Nếu bạn không thể từ bỏ, hãy cố gắng hết sức để điều xấu xung quanh không thể xâm nhập vào tâm trí bạn.

Đáng tiếc là Luật Hấp Dẫn có nghĩa rằng người xấu tính, ví dụ như hay ngồi lê đôi mách hoặc ghen tị chẳng hạn, sẽ tự nhiên tìm đến với nhau. Nếu bạn nghe một nhóm người tọc mạch nói chuyện với nhau và khát khao được tham gia vào cuộc đối thoại, hãy kiểm soát cơn bốc đồng này của mình và dừng lại. Nếu không, cuối cùng có thể bạn cũng sẽ gia nhập vào vòng quay này và thấy mình biến thành cái đích của những tin đồn nhảm nhỏ mọn.

Như một câu danh ngôn từ xưa đã nói: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”. Những người bạn có thói quen xấu có thể gây ảnh hưởng không tốt đến chúng ta. Hãy giữ cho mình những người bạn có tính cách đáng ngưỡng mộ và họ sẽ giúp bạn sống trong tư tưởng lành mạnh.

TRẺ EM LÀ MỘT TẤM TOAN TRẮNG

Trẻ con cực kỳ nhạy cảm. Chúng như tấm toan trắng ghi lại nét vẽ của cha mẹ hay người thân. Bức vẽ sẽ tươi đẹp và xán lạn hay tối tăm và lộn xộn, phụ thuộc hoàn toàn vào người cầm cọ. Nhiều em bé khi lớn lên có những nét tính cách không mong đợi là vì chúng đã được vẽ nên theo cách đó (tất nhiên cũng có ngoại lệ là các em bé bị các khuyết tật di truyền bẩm sinh). Cha mẹ của những em bé có vấn đề về hành vi có thể nghĩ rằng họ đang góp phần tạo nên một công dân tốt bằng cách mắng mỏ và chỉ trích hành vi cư xử của chúng. Thường thì họ sẽ thất bại trong việc nhìn nhận vai trò của mình đối với sự phát triển của con cái. Họ có thể đánh lừa xã hội nhưng cuối cùng sẽ phải chịu hậu quả vì sự ngu muội của mình. Không ai có thể đánh lừa quy luật về nghiệp.

Nếu ta không có thời gian dành cho con cái mình, chúng cũng sẽ không có thời gian cho ta. Nếu ta cư xử vô lí với chúng, chúng cũng sẽ không cư xử có lí với ta. Tính keo kiệt có di truyền của nó. Và nếu như sự ảnh hưởng không thể nhận thấy rõ ràng ở bên ngoài, chắc chắn nó lẩn quất đâu đó bên trong. Khi con bạn đã trưởng thành, chúng sẽ có xu hướng mang chính những nét tiêu cực chúng ta truyền cho chúng vào trong gia đình của mình – ví dụ như những nỗi sợ từ thời ấu thơ vì bị bỏ rơi sẽ thành chứng đa nghi liên quan đến sự phản bội trong hôn nhân – và vòng quay cứ thế tiếp tục.

Chúng ta không được phép nuôi dạy con mình một cách ngu muội mà phải bằng sự minh mẫn và quan tâm đúng đắn. Hãy giữ chúng tránh xa khỏi người tiêu cực ngay từ đầu. Hãy sống tích cực nhất có thể để khuyến khích chúng làm theo và kiềm chế nói lên bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào của mình về chúng hay người khác để dừng việc lan truyền điều xấu. Đừng là một tấm gương xấu bằng cách làm những việc như tọc mạch, hút thuốc, uống rượu… Tốt nhất là không bao giờ bảo đứa trẻ đừng làm việc gì mà hãy bảo chúng nên làm gì. Thay vì bảo chúng, “đừng thi trượt”, thì hãy nói “gắng được điểm tốt nhé”. Thay vì nói “đừng về muộn,” thì hãy nói “về đúng giờ nhé.” Chúng ta đã thảo luận trong chương 3 về lí do vì sao ta lại làm thế. Cũng tương tự như vậy, nói đến phần thưởng chứ không phải hình phạt sẽ mang lại hình ảnh tâm lý tích cực cho đầu óc con trẻ. Cả những nghiên cứu và hiểu biết thông thường đều nói rằng đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình tốt đẹp và hạnh phúc sẽ thành những người tích cực và hạnh phúc hơn. Rất hiếm có đứa trẻ nào có tính cách bẩm sinh tốt đẹp có thể ngẩng cao đầu bước ra khỏi một môi trường xấu.

HÃY THAY ĐỔI BẢN THÂN MÌNH TRƯỚC, BẠN SẼ THÚC ĐẨY ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH

Hãy tránh suy nghĩ xấu về những điều tiêu cực. Nếu bạn gặp ai đó ích kỷ, đừng nghĩ tiêu cực về tính ích kỷ mà hãy chấp nhận nó như một điều bình thường. Sau tất cả, mọi người đều sẽ chịu đựng hậu quả của căn bệnh này. Khi mầm bệnh đã phát tán trong không khí, cách chống lại tốt nhất là hãy giữ cho mình vui vẻ. Căm ghét chúng, day đi day lại vào chúng hay tập trung tâm điểm vào một kịch bản tiêu cực trong đầu bạn sẽ chẳng giúp được gì cả. Với đầu óc thanh thản, bạn có thể lựa chọn được hành động khôn ngoan nhất.

Tính cách một người được quyết định bởi rất nhiều yếu tố: di truyền, cách nuôi dạy, trình độ giáo dục, kinh nghiệm sống là một vài trong số các yếu tố đó. Sẽ là rất hẹp hòi nếu đánh giá một con người là “xấu”, là “tiêu cực” chỉ qua vài lần gặp gỡ. Chúng ta nên cân nhắc đến tất cả các yếu tố định hình nên tính cách của con người đó.

“Đừng phán xét và cũng không lên án những gì con không biết nguyên nhân nó diễn ra, cũng như kết quả của nó là gì. Và hãy nhớ rằng: những gì con lên án sẽ lên án con, và những gì con phán xét một ngày nào đó sẽ đến với con.”

-“CHÚA”
trong Neale Donald Walsch,
Đối thoại với Chúa,
Quyển 1

Nền văn hóa và các truyền thống mà chúng ta lớn lên trong đó cũng ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta suy nghĩ là tích cực hay tiêu cực. Ví dụ như ở Ấn Độ, mọi người lắc đầu để nói “có”, trong khi cử chỉ tương tự ở phương Tây lại mang ý nghĩa trái ngược. Trong một số nền văn hóa, lè lưỡi với người khác nghĩa là thương mến thì ở nơi khác lại bị coi là thô lỗ. Sự khác biệt đến từ quan niệm của con người và từ những đánh giá ta tạo nên dựa trên điều kiện và xu hướng ta nhìn nhận vấn đề.

Chúng ta đều biết rằng thay đổi thói quen và cách suy nghĩ của bản thân không phải một việc đơn giản nhưng thay đổi những điều đó ở người khác còn khó hơn nhiều. Đừng ngại cố gắng. Bạn có thể giúp người khác nhiều nhất bằng cách thay đổi chính bản thân mình. Nếu bạn suy nghĩ tích cực, bạn sẽ truyền được sự tích cực đó sang cho người xung quanh.

“Đừng tập trung vào lỗi lầm của người khác, Những việc đã làm hoặc chưa làm của người khác, Chỉ xem xét những gì chính mình đã làm hoặc chưa làm.”

-ĐỨC PHẬT

Chương trình đối thoại nổi tiếng của Oprah Winfrey(1) đã trải qua rất nhiều thay đổi trong suốt sự nghiệp của cô. Trước kia, Oprah rất ít quyết đoán và có vấn đề về cảm xúc dẫn đến những cơn trầm cảm và háu ăn. Con đường cá nhân của cô giờ đây đã chuyển hướng thành việc tìm kiếm tinh thần và theo đuổi một sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất của Chúa, của linh hồn, của cuộc sống… Kết quả của hiểu biết cao hơn, khả năng kiên định vững vàng hơn và những điều tích cực khác xuất hiện trong cuộc sống là chương trình của cô đã thay đổi từ việc nói đến các vấn đề mốt thời thượng hoặc người nổi tiếng thành vấn đề về tầm quan trọng tinh thần. Chúng ta không thể đánh giá thấp ảnh hưởng tốt đến từ năng lượng tích cực mới có được ở Oprah.

HÃY NHẤN MẠNH VÀO ĐIỀU TÍCH CỰC VÀ LOẠI TRỪ ĐIỀU TIÊU CỰC

Người suy nghĩ tích cực không sợ bị phê bình; họ trân trọng nó và biết cách sử dụng nó đúng đắn. Người suy nghĩ tiêu cực luôn coi thường những lời phê bình. Họ sẽ tranh cãi hoặc sẽ ngấm ngầm phản ứng để bảo vệ hình ảnh cá nhân mình, nhưng thực sự thì họ chỉ làm cho mọi việc xấu đi. Phản ứng của họ cực kỳ không cân xứng với lời phê bình ban đầu. Có thể chỉ là họ đã không biết cách tiếp nhận đúng và tạo ra một suy nghĩ thấp kém về bản thân khiến họ tuyệt vọng.

Người suy nghĩ tích cực và tiêu cực phản ứng hoàn toàn khác nhau khi nhận được một lời khuyên. Một người sẽ tập trung, trân trọng lời khuyên và thấy nó thật giá trị trong khi người kia sẽ có phản xạ tự vệ cá nhân trước lời khuyên và không bao giờ nhìn ra được cơ hội của mình trong đó.

Người suy nghĩ tiêu cực nghĩ rằng mắng mỏ hoặc chỉ trích người khác sẽ làm họ cảm thấy tốt hơn. Thực tế lại ngược lại – suy nghĩ tiêu cực sẽ thu hút những gì tương tự và thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này thật không dễ dàng.

Người suy nghĩ tích cực động viên và cổ vũ người khác vì họ có thể nhận ra và thúc đẩy điều tốt đẹp nhất trong bản thân người khác đồng thời truyền cho họ cảm hứng để làm điều tương tự cho chính họ. Mọi sự đều có khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó, vậy nên ngay cả người vĩ đại nhất cũng phải chiến đấu để được giải thoát khỏi điều tiêu cực và ngưỡng mộ điều tốt đẹp trong con người. Hãy tập trung vào điều này, nhìn xem nó hoàn thiện cảm xúc và hành vi của người khác như thế nào.

Hãy chắc chắn rằng bạn cũng xử sự như thế với người bạn đời của mình. Tất cả chúng ta ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu; chúng ta có thể nhận ra điểm tốt ở người khác hay không, thậm chí là tìm ra những điều tích cực trong tính xấu của họ, hoàn toàn tùy thuộc vào cách nhìn của bạn. Những điểm tốt ở mỗi người rất khác nhau, vậy nên một cặp đôi có thể bù đắp cho nhau trong lĩnh vực mà người kia còn thiếu. Một cặp đôi hạnh phúc nhất là cặp đôi luôn nhìn vào điểm tốt của người kia.

Người tiêu cực gần gũi với ta, như đồng nghiệp, thường nguy hiểm hơn cả kẻ thù của ta. Bởi vì họ đã vô tình gửi đến cho ta điều tiêu cực. Hãy tỉnh táo và tập trung đủ để nhận ra bạn có đủ tích cực để trung hòa nét tiêu cực trong họ hay không hay cần phải tìm lối thoát.

Chúng ta có những điểm tiêu cực ngay bên trong con người mình nhưng lại không nhận thức được điều đó. Nó rất hại cho sức khỏe tinh thần và có thể cả thể chất, biểu hiện thành bất cứ điều gì, từ cơn đau do sai tư thế đến khối u ác tính. Chúng ta luôn phải thận trọng và tỉnh táo, sẵn sàng cho các cuộc đua ngạt thở của hành vi xấu xa, sự oán giận, ghen tị và những thứ tương tự trong chính con người ta ngay khi chúng xuất hiện. Khi ấy, chúng ta có thể giải thoát vô thức của mình khỏi chúng.

“Hệ miễn dịch luôn nghe trộm cuộc đối thoại bên trong chúng ta.”

-DEEPAK CHOPRA

Có một thực tế không hay là: một suy nghĩ tiêu cực có sức mạnh làm chúng ta quên đi rất nhiều điều tốt đẹp khác nhưng một suy nghĩ tích cực không có được ảnh hưởng tương tự với những điều xấu xa. Một đứa trẻ đã từng bị bố mẹ bạo hành một lần sẽ mang trong mình dấu ấn từ thời thơ ấu ấy cho đến tận cuối cuộc đời kể cả khi cha mẹ của nó luôn mẫu mực và tích cực.

Cách chúng ta suy nghĩ hoàn toàn có thể dự đoán được. Chúng ta làm vậy theo những gì đã được lập trình trong mỗi người khi còn trẻ. Chúng ta nhìn thấy điều này khi tham dự hội trường. 30 năm đã qua nhưng một số người bạn của ta dường như vẫn nghĩ theo cách cũ, kể những câu chuyện cũ và có cách nhìn đối với cuộc sống như hồi xưa. Mức độ thành công của mỗi người trong cuộc đời thường được quyết định bởi cách suy nghĩ. Khi người suy nghĩ tiêu cực có một cơ hội tốt để thành công, họ thường không nhận ra vì quá nhiều năng lượng của họ đã bị tiêu phí bởi suy nghĩ tiêu cực. Henry Ford đã tổng kết bằng câu nói: “Bất kể bạn nghĩ là bạn có thể hay không thể, bạn đều đúng cả.”

NGHỀ NGHIỆP “TÍCH CỰC” VÀ “TIÊU CỰC”

Dù bạn làm nghề nào đi chăng nữa, người khác cũng có định kiến về nó. Định kiến là nguyên nhân dẫn tới việc họ phản ứng với bạn tích cực hay tiêu cực.

Bác sỹ, đặc biệt là trước kia, được coi trọng và nhìn nhận như những người thực sự muốn giúp đỡ người khác. Hình ảnh này mạnh đến mức ngay cả một tên trộm cũng không tấn công bác sĩ và cảnh sát thường làm ngơ cho hành động xấu của họ. Tuy nhiên, định kiến này đang mất dần đi, một trong những yếu tố gây ra điều đó là giá cả của các dịch vụ chăm sóc y tế ở một số quốc gia tăng đột biến.

Cảnh sát là người luôn có hình ảnh tiêu cực không thể tránh khỏi vì yêu cầu suy nghĩ tiêu cực của họ. Việc gặp một nhân viên cảnh sát trên phố có thể làm dấy lên cảm giác hoang mang và chúng ta bắt đầu tự hỏi không biết liệu mình có làm gì để bị nghi ngờ không nhỉ.

Nhân viên cảnh sát phải nghe quá nhiều câu chuyện tiêu cực lặp đi lặp lại; không ai gọi một người cảnh sát để kể rằng họ đã có một ngày tuyệt vời. Cảnh sát phải luôn cẩn trọng để không sa lầy vào công việc của mình quá sâu. Tầm quan trọng của việc duy trì nhận thức khoảnh khắc hiện tại trong suy nghĩ của một người cần được nhấn mạnh ở trường, và nó phục vụ cho chức năng sống còn ở một trường đào tạo cảnh sát để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các sĩ quan khi thực sự làm việc sau này.

Dạy học là một nghề nghiệp cần nhiều suy nghĩ tích cực. Các thầy, cô giáo mang một trách nhiệm rất lớn vì họ là người tạo nên tương lai của cả một đất nước. Mỗi học trò đều có một hoàn cảnh gia đình riêng, năng lực cảm xúc và tư duy riêng. Giáo dục một đứa trẻ có sẵn suy nghĩ tích cực không khó, nhưng động viên một đứa trẻ tiêu cực bẩm sinh phá bỏ những điều xấu thực sự là một thử thách. Để duy trì danh tiếng của một ngôi trường thì việc loại bỏ học sinh kém là có thể hiểu được nhưng làm như vậy sẽ để lại dư âm vô cùng tiêu cực đến cả cuộc đời sau này của những đứa trẻ ấy. Đối với chúng, cơ hội được hoàn thiện mình khi bị xếp ra ngoài môi trường tích cực của học đường giảm đi đáng kể và khả năng phạm pháp sẽ gia tăng. Đây không phải chỉ là một nguy cơ với đứa trẻ và gia đình chúng mà còn với toàn xã hội.

Y tá là nghề có cơ hội lan tỏa năng lượng tích cực vô số lần trong ngày. Họ không chỉ tiếp xúc với những đau đớn thể chất mà họ còn phải đối mặt với chấn thương tình cảm của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Y tá tốt biết cần phải làm gì: họ giữ cho mình thản nhiên nhưng duy trì sự tích cực và gửi năng lượng này đến người bệnh và người nhà của họ. Khi một người không khỏe, vô thức thường nhạy cảm hơn bình thường nên sự thiện chí và tích cực từ y tá sẽ được ghi nhận đến tận rất lâu sau này.

Sự khác biệt nổi bật giữa con đường trước mặt một người suy nghĩ tiêu cực và tích cực cũng rõ ràng như chặng đường phía trước một người bắt đầu cuộc du hành nguy hiểm nhưng đeo băng bịt mắt với một người đi thẳng về phía mặt trời chiếu sáng. Trong khi người suy nghĩ tiêu cực thường rầu rĩ vì bóng tối quanh mình thì người suy nghĩ tích cực sẽ đi thẳng, và tắm mình trong ánh sáng chan hòa. Về bản chất tự nhiên của mọi giống loài, bất kể thực vật hay động vật đều hướng về phía mặt trời để tìm được nguồn năng lượng sống còn. Cũng như vậy, con người cũng được dẫn dắt bởi sức mạnh của vô thức về phía ánh sáng bắt nguồn từ những tư duy tích cực vĩ đại nhất của thế giới.

Chương 8: Những điều tối mật

HÃY ĐỂ TƯ DUY TÍCH CỰC HOẠT ĐỘNG

  1. Người lãnh đạo phải suy nghĩ tích cực để khơi dậy được điểm tốt nhất ở cấp dưới của họ.

  2. Suy nghĩ tích cực là tài sản giá trị trong mọi lĩnh vực của cuộc sống: chính quyền, quân đội, kinh doanh và gia đình.

  3. Suy nghĩ tích cực thường xuyên và kiên định để trung hòa ảnh hưởng xấu từ những người tiêu cực mà bạn gặp. Hãy tự tin và bạn sẽ hoàn thành kỳ tích này.

  4. Hãy giữ người tốt và tích cực làm bạn, tránh càng xa người tiêu cực càng tốt. Cả hai kiểu người này đều sẽ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của bạn.

  5. Hãy nhìn nhận mỗi người như những gì họ có mà không hấp tấp đưa ra đánh giá. Ai cũng đều có mặt xấu và mặt tốt, nhưng hãy cố hết sức để tập trung và trân trọng điểm tốt.

  6. Hãy nhận ra khi nào suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong đầu bạn và sử dụng câu thần chú này: “Mình làm chủ suy nghĩ của mình.”

  7. Có hai loại suy nghĩ: một là những gì ta muốn nghĩ, hai là những gì tự động xuất hiện. Ít nhất 80% suy nghĩ của ta là loại thứ hai. Hãy dùng nhận thức của mình để nắm bắt chúng và cuối cùng chúng sẽ mờ đi. Suy nghĩ mà bạn thực sự lựa chọn sẽ có hiệu quả tốt hơn.

  8. Suy nghĩ tích cực về những gì có thể được coi là chướng ngại vật và bạn sẽ được hoàn thiện từng ngày.

  9. Đừng cố gắng thay đổi người khác. Hãy để họ sống theo cách của họ. Thay đổi bản thân mình và phép màu sẽ xảy ra với bạn và với cuộc đời mọi người.

  10. Thành Rome không được xây dựng chỉ trong một ngày, nhưng nó có thể bị phá hủy chỉ trong một ngày. Hãy cẩn thận với suy nghĩ và hành động tiêu cực vì chúng có thể nhanh chóng phá hỏng tất cả những kết quả tích cực bạn có được trong đầu người khác và ngay cả chính bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.