Một Mình Giữa Đại Dương

ÁNH SÁNG HẢI ĐĂNG



Đã gần tới đích. Anh cất tấm hải đồ khái quát toàn Đại Tây Dương, để dùng một bản đồ chi tiết, với thước tỉ lệ lớn hơn, về vùng biển Ăng-ti. Để kỷ niệm sự kiện này, anh ném xuống biển một thông báo bỏ trong cái lọ gắn kín. Thông báo viết:
“Cuộc thử nghiệm đã thành công. Chuyến đi trên thực tế đã hoàn thành. Yêu cầu những ai bắt được thông báo này, vui lòng chuyển tiếp đến đến địa chỉ v.v…” Anh muốn thử xem một “thông điệp” gửi bằng đường biển thế này có bao giờ tới địa chỉ của nó hay không. Ngày 21-12, gặp một chiếc tàu nữa trên đường. Đánh dấu chính xác tọa độ đã được xác nhận trên bản đồ, anh vui mừng nhận ra chỉ còn phải đi chừng bảy mươi hải lý nữa thôi, theo hướng tây nam, thì sẽ gặp bờ bắc đảo Bác-bát. Gió đang thổi mạnh. Dựa vào tốc độ ước lượng của xuồng, anh nhẩm tính cứ đà này, khoảng từ nửa đêm đến hai giờ sáng mai sẽ trông thấy ánh sáng ngọn hải đăng ở mũi cực bắc đảo. (Cuốn sách chỉ dẫn ghi cụ thể đặc điểm của ngọn đèn biển này: ánh sáng trắng, nhấp nháy kép, cách nhau mười giây một, tầm chiếu xa hai mươi hải lý). Ngày hôm ấy khá mệt. Tuy vẫn biết lúc này chưa nhìn thấy gì đâu, anh vẫn cứ trương mắt ra chằm chằm dò xét chân trời, như hy vọng một sự thần kỳ sẽ xảy ra. Ngủ đến nửa đêm, anh thức dậy bắt đầu “phiên trực”. Đến mười hai giờ rưỡi, bầu trời bỗng lóe lên một tia chớp, tiếp sau đó ngay lập tức một tia thứ hai.
Anh vội vàng dán mắt vào đồng hồ đeo tay. Chưa đến mười giây, bầu trời lại lóe lên hai ánh chớp nữa. Đúng là ánh sáng hải đăng, gặp mây phản chiếu xuống biển. Lần đầu tiên từ 65 ngày, anh tiếp cận đất. Lúc này chiếc Ngược đời ở cách điểm cực bắc của đảo Bác-bát khoảng mười sáu hải lý. Như vậy, anh còn mười hai giờ để chuẩn bị việc cập bờ sao cho an toàn. Thật ra, anh có thể đi ngủ tiếp. Nhưng anh vẫn cứ ngồi yên như phỗng suốt hai tiếng đồng hồ, đếm từng ánh chớp, sau đó mới hoàn toàn tin chắc không phải mình đang mơ. Bờ phía đông của đảo Bác-bát rất khó ghé đối với những ai chưa quen thuộc. Phần bắc của bờ đông này là những ghềnh đá thẳng đứng. Xế về phía nam, cách bờ chừng một hải lý, có một chuỗi đá ngầm và cồn nổi, tạo thành một rào cản. Giữa các mỏm đá ngầm có lạch, thuyền bè đi lại được. Nhưng phải là người rất thông thuộc thì mới dám mạo hiểm cập bờ bằng lối này. Thời xưa, khoảng đầu thế kỷ 18, một viên chúa đảo đã lợi dụng địa hình ấy để đánh bẫy tàu nước ngoài. Hắn cho trồng hai dãy dừa song song, treo đèn đỏ đèn trắng trên ngọn, làm như thể đấy là lối vào cảng. Tàu lạ vào húc phải đá ngầm. Thế là tên chúa đảo xua những nô lệ của hắn ra cướp bóc, tàn sát, không cho bất kỳ ai sống sót, để khỏi bại lộ hành vi tàn bạo. Nô lệ nào trở về mà không mang theo ít nhất một đầu người, sẽ bị hắn ra lệnh hành hình ngay tức khắc. Nhờ những vụ cướp bóc này, tên chúa đảo ấy giàu không thể nào tưởng tượng nổi. Như vậy, đối với anh, chỉ còn hai lối: hoặc là cố gắng cập bờ ở đoạn ngắn ngủi nơi cực bắc (dài chừng bảy ki-lô-mét), hoặc vượt sang bên kia, neo xuồng gần bờ, rồi dùng gương phản chiếu, đánh tín hiệu gọi hoa tiêu của cảng ra giúp. Trời sáng. Xuồng đã vào gần bờ hơn ước lượng của anh, chỉ còn cách chừng bốn, năm hải lý. Lần đầu tiên kể từ khi khởi hành, anh buông bánh lái phụ để điều khiển chiếc xuồng tránh va vào bờ đá. Những lời vị đô đốc dặn dò lúc anh ghé lại Ca-da-blăng-ca thật cực kỳ bổ ích. Người bị nạn chớ nên bao giờ quên rằng 90% tai nạn xảy ra là vào lúc sắp đến bờ. Nôn nóng lúc này là hỏng việc. Hãy kiên nhẫn. Hãy dừng lại, quan sát và lựa chọn. Phải tìm ra nơi sóng nhẹ hơn cả, chỗ ấy sẽ là bãi cát dài, chứ không phải là một mỏm đá ngầm tai hại. Hãy quan sát kỹ mặt biển. Gần bờ mà có sóng bạc đầu, có nghĩa chỗ ấy sóng gặp vật cản, hãy tránh xa. Chỉ nên ghé vào những nơi thoáng và sóng vỗ nhịp nhàng. Vượt quá được điểm cực bắc, anh bắt đầu dùng gương phản chiếu báo hiệu cho những trang trại và lò sản xuất đường rải rác ven bờ. Đến một bãi ngang thấy có bốn năm người dân địa phương đang bắt nhum, anh quyết định cập bờ ở đây. Bây giờ chẳng còn gì đáng lo cho tính mạng của anh cũng như an toàn của chiếc xuồng và mọi thứ mang theo. Những điều ghi chép được rất bổ ích. Anh quyết định giữ gìn nó bằng bất cứ giá nào. Việc cập bờ tuy vậy cũng không đơn giản đối với một người đã kiệt sức như anh. Những người dân đánh cá trông thấy chiếc Ngược đời. Ba, bốn chiếc thuyền xúm lại. Mấy chú bé da đen nhảy đại lên xuồng cao su, lục lọi mọi thứ. Điều cực kỳ quan trọng đối với anh lúc này là phải bảo vệ cho nguyên vẹn số lương thực dự phòng, cùng với bộ đồ câu cá nhà nghề mà anh đã kiên quyết không động tới, qua đó chứng minh những người đắm tàu có khả năng tự xoay xở để sống còn. Bởi vì, nếu đắm tàu thật sự, thì làm sao có những thứ dự phòng mang theo? Vào cách bờ chừng hai mươi mét, anh nhảy ào xuống nước, vừa bơi vừa nắm sợi dây kéo chiếc xuồng cao su vào bờ. Lúc này đã có thêm nhiều dân địa phương đến xem. Họ tiếp tay giúp anh lôi hẳn chiếc xuồng lên bãi. Cát trên bờ thụt, khó đi, nhưng anh vẫn bước được.
Người bàng hoàng, sung sướng đến quên cả đói. ấy cũng là một điều hay, vì lúc này không cẩn thận, ăn ngay thức ăn đặc, có thể chết ngay lập tức. Anh hỏi từ đây đến đồn cảnh sát gần nhất bao xa. Một viên cảnh sát lúc ấy cũng vừa có mặt, cho biết cách ba ki-lô-mét. Anh hiểu từ đây đến đồn, mình không thể nào mang theo các thức ăn dự phòng. Mà cũng chẳng có cách gì bảo vệ nguyên vẹn những thứ đó trước sự tò mò của các em bé. Vì vậy anh yêu cầu dân địa phương xác nhận các túi đựng thức ăn còn nguyên dấu niêm phong như lúc mới ra đi. Hai người có học thức hơn cả, tức là viên cảnh sát và cô giáo trường làng, được cử ra ký biên bản. Làm xong thủ tục, anh mở thức ăn chia cho các em bé đứng quanh. Anh cũng không hiểu làm sao mình có thể lê tới được đồn cảnh sát. Viên đồn trưởng lộ vẻ phân vân ra mặt: Không rõ người đến trình diện đây thật đúng là một nhà đi biển cực kỳ dũng cảm, hay chỉ là một tên cướp biển sa cơ. Khoảng mười một giờ trưa, có điện thoại của ngài đại tá chỉ huy biên phòng toàn bộ quần đảo Ăng-ti (lúc bấy giờ là thuộc địa của Anh) đích thân nói chuyện. ông ta báo tin, một chiếc xe hơi đã lên đường, lát nữa sẽ đón anh về thủ phủ Brít-tao. Xe đến thành phố này khoảng hai giờ chiều. Đại tá chỉ huy cùng viên lãnh sự Pháp tại quần đảo đang chờ. Bác sĩ trưởng của thành phố cũng có mặt. Anh yêu cầu bác sĩ kiểm tra và xác nhận thể trạng của anh, để sau này công bố cho mọi người cùng rõ. Mặc dù sụt hai mươi lăm ki-lô-gam so với lúc khởi hành, người anh còn tươi tỉnh lắm. Anh còn đi lại thoải mái và tự mình lên thang gác được, không cần có người giúp. Mấy ngày sau, thể lực anh mới suy sút rõ rệt, mới xuất hiện thật sự hậu quả của hai tháng sinh hoạt không bình thường. Vừa làm xong thủ tục nhập cảnh thì có ba người vừa reo hò vừa chạy đến ôm choàng lấy anh. Thật 185 186 hết sức bất ngờ! Đó là ba trong số các nhà thể thao đi một chiếc du thuyền đã gặp anh trước lúc anh rời châu Phi. Họ mời anh, trong thời gian chờ đợi trở về Pháp, đến nghỉ tại du thuyền. Trước mắt, ít nhất là trong thời gian tám ngày, anh còn phải ăn toàn thức ăn lỏng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.