Hỡi ôi, còn những sáu trăm hải lý nữa cơ. Nhưng tinh thần anh phấn chấn. Anh biết chính xác tọa độ của mình. Gia đình anh hẳn yên tâm vì được báo tin. Anh đã lấy lại giờ đúng cho đồng hồ. Lại được biếu cả một bộ pin mới để nghe đài. Vì sao anh đã nhầm khi tính kinh độ? ấy là bởi hôm rời quần đảo Ca-na-ri, một ngày có sóng lớn, anh nhầm, lấy đầu một ngọn sóng làm đường chân trời. Chẳng qua do ngẫu nhiên mà vĩ độ anh tính không sai nhưng giờ thì sai mất 45 phút, tương ứng với mười độ kinh. Bây giờ điều chỉnh, tọa độ đúng của anh không phải là 60o mà là 50o. Có nghĩa là phải đi hơn một nghìn ki-lô-mét nữa. Anh sẽ cố gắng hướng mũi xuồng sao cho tốt nhất là cập bờ đảo Mác-ti-ních. Nếu có gió bắc mạnh thì vào đảo Bác-bát, và nhỡ có bị hụt, không cập bờ được cả đảo này nữa thì sẽ phải đi thêm năm trăm ki-lô-mét, ắt chạm lục địa châu Mỹ. Ngày
Thứ ba tính từ hôm gặp tàu A-ra-ka-ka, anh phải chống chọi một cơn bão to, đúng vào một giờ khuya. Xuồng Ngược đời đã chịu hai mươi ngày có bão, nhưng chỉ bị nước tràn vào có hai lần. ấy thế mà trong mười hai ngày tới, nó sẽ bị tràn tới bốn lần. Nhưng anh đã có kinh nghiệm tát nước, cho nên cũng không đến nỗi quá vất vả như lần đầu. Điều sung sướng nhất là cuối cùng, nhìn thấy cánh buồm căng phồng và nghe tiếng không khí hút bên tai: gió đã lên. Chiếc Ngược đời đang lướt với tốc độ lớn nhất của nó, khoảng bảy ki-lô-mét một giờ. Một hôm, anh đang ngủ, hoàn toàn yên tâm, chợt giật mình thức giấc, với cảm giác có một chuyện gì bất thường xảy ra. Anh ngồi dậy.
Mặt biển sau anh ánh lên những vệt lân tinh do đường bơi của một con vật to tướng tạo nên. Một con cá kiếm hay lại một con cá mập? Lần này, con vật có vẻ “cao cường” hơn nhiều so với những loài anh đã gặp. Nó đâm bổ vào anh, rồi ngụp xuống, sát đến nỗi sống lưng chạm đáy xuồng. Thần kinh căng thẳng, anh định chủ động tấn công trước thì bỗng dưng nó biến mất, cũng đột ngột như khi xuất hiện. Sáng hôm sau thức dậy, anh thấy mình ướt sũng, mặc dù đêm qua không có ngọn sóng nào ập vào xuồng. Có lẽ vây lưng con vật còn cọ mòn đáy xuồng ở một chỗ nào đó, khiến nước rò vào.. May sao, các ngăn phao vẫn nguyên lành, áp lực hơi vẫn căng như trước. Không có cách nào sửa chữa vì không tìm ra lỗ rò. Thành thử cứ sau năm giờ, nước trong xuồng lại dâng lên mấp mé tấm ván lát. Và từ hôm ấy trở đi, suốt mười ngày ròng, anh phải thường xuyên làm công việc khổ sai là tát nước. Suýt nữa thì xảy ra tai họa tồi tệ nhất vào một ngày đẹp trời. Hôm đó, quay mặt về sau, anh chợt nhìn thấy một đám đen dèn dẹt đang di động.
Đám đen ấy đến gần, anh phân biệt rõ những đốm trắng trên nền đen. Và khi nó chỉ còn cách chiếc xuồng chừng mười lăm mét, anh nhận ra đấy là một con cá đuối khổng lồ đang đuổi theo mình. Không lo lắng nhiều, vì đây là một loài cá mà thịt của nó “người ăn được”. Anh bình thản chụp ảnh, không mảy may nghĩ rằng lúc này mình đang trải qua nguy cơ bị cá ăn. Con cá lẽo đẽo theo sau chiếc xuồng chừng hai giờ. Rồi có lẽ đâm chán, cái đám dèn dẹt ấy từ từ chìm xuống và mất tăm, như thể nó bị đáy sâu hút xuống vậy. Về sau, một người đánh cá từng trải ở cảng Đa-ca cho hay: đó chính là lúc anh trải qua cơn nguy hiểm lớn nhất cuộc hành trình, hơn cả nguy cơ bị cá mập ăn thịt hoặc cá kiếm đâm thủng xuồng. Chỉ cần con cá đuối ấy quẫy mạnh đuôi là chiếc xuồng bị lật úp và thêm một động tác rướn tới nữa là anh bị nó đớp luôn. Càng đi càng gặp nhiều chim chóc. Và cuối cùng, ngày 13-12, xuất hiện một con hải âu. Cũng ngày hôm đó, anh quan sát được cảnh chim “tàu buồm” bắt cá một cách tài tình. Đã nhiều lần anh tự hỏi, không hiểu sao loại chim này lại có thể rình các con cá chuồn từ dưới nước bay lên để vồ mồi đúng lúc. Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần một con chim từ trên không bổ nhào xuống là y như có một chú cá chuồn bị nó cắp vào mỏ. Hóa ra loài chim này phối hợp với đồng minh là cá đô-rát. Cá đô-rát hay nhào vào giữa đàn cá chuồn, khiến những con cá bé bỏng này hoảng hốt vọt lung tung.
Chim “tàu buồm” ta chờ dịp này. Hễ trông thấy cá đô-rát nhào vào đàn chuồn thì nó từ trên cao bổ xuống. Và khi nó lấy đà để bay trở lên thì đã có một con mồi nằm ngang mỏ. Lên tới một độ cao nào đấy, nó buông cho cá rơi tự do, rồi với một tốc độ lớn hơn nó lại bổ xuống theo đúng đường rơi của cá chuồn. Trong nháy mắt cá lọt gọn vào cái mỏ há hốc của chim. Bằng cách ấy, chim “tàu buồm” vừa bay vừa bắt cá vừa ăn mồi. Anh ghi được cảnh kỳ thú ấy vào phim. Bữa ăn nhẹ nhàng dùng trên tàu A-ra-ka-ka có hậu quả đáng ngạc nhiên. Ngay hôm sau, chứng đau bụng khỏi hẳn. Anh tưởng mình sẽ đi ngoài nhiều hơn, vì rau quả là thức ăn nhuận tràng. Điều đáng ngạc nhiên nữa là bữa ăn ấy làm cho anh từ bấy trở đi cứ cảm thấy thòm thèm. Bụng thường xuyên cồn cào. Mặc dù bữa nào cũng ăn nhiều cá sống hơn những ngày trước đó, anh vẫn cứ ngáp luôn miệng đúng hệt như một người háu đói, điều chưa từng xảy ra suốt năm mươi ngày qua. Đêm mơ toàn những món ăn ngon, và -không hiểu tại sao -lặp đi lặp lại giấc mơ thấy mình ăn món gà hầm. Ra dạ dày có thói quen của nó. Do ăn cá sống một thời gian dài, dạ dày anh tạm quên rằng nó từng có thời sống theo chế độ khác. Quả trứng lập là và mẩu gan bê đánh thức dậy thói quen cũ. Thế là dạ dày kêu gào, đòi hỏi được trở lại chế độ chính đáng của nó. Như những tấm ảnh chụp chứng minh, mười hai ngày cuối, kể từ khi gặp tàu A-ra-ka-ka cho đến lúc cập bờ, anh gầy xọp hẳn đi, gầy hơn nhiều so với năm mươi ba ngày trước đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.