Mưa

CHƯƠNG 4



Hôm sau bà Đavítxơn xanh xao, mệt nhọc. Bà than là nhức đầu. Vẻ bà già đi, sọm lại. Bà kể chuyện với bà Mácphâylơ rằng cả đêm ông chồng không ngủ được, trằn trọc ghê gớm rồi năm giờ sáng xuống phố. Họ hắt một ly bia vào ông làm cho quần áo ông bê bết. Nghĩ đến cô Thômxơn, mắt bà Đavítxơn sáng lên, bà bảo:
– Con đó sẽ chua xót hối hận rằng đã dám coi thường ông Đavítxơn. Lòng ông ấy rất tốt, sẵn sàng giúp đỡ mọi người; nhưng đối với tội lỗi thì ông rất nghiêm khắc, và khi cơn giận chính đáng của ông đã bùng lên thì thật là ghê ghớm.
Bà Mácphâylơ hỏi:
– Ông nhà tính làm gì đây?
– Tôi không biết. Nhưng tôi không ở vào địa vị con đó.
Bà Mácphâylơ rùng mình. Trong thái độ quyết tin đắc ý ấy có cái gì rất đáng sợ. Vì hôm đó, hai bà có việc cùng đi với nhau, nên họ song song xuống cầu thang. Ngang qua cửa phòng để ngỏ của cô Thômxơn, họ thấy cô bận một cái áo ngủ có vẻ nhớp nhúa, đương nấu nướng cái gì trên lò.
Cô ta nhanh nhẩu:
– Mạnh giỏi? Sáng nay ông Đavítxơn đã bớt chưa?
Họ làm thinh bước qua, mặt vênh lên, như không trông thấy ả.
Tiếng cười chế nhạo vang lên, làm cho họ đỏ mặt. Bà Đavítxơn thình lình quay lại:
– Sao chị dám ăn nói với tôi như vậy hả? Chị mà chửi tôi thì tôi đuổi chị ra khỏi nơi này, nghe!
– Này, tôi có mời ông Đavítxơn lại chơi với tôi không? Mà ông ấy tới?
Bà Mácphâylơ vội nói nho nhỏ:
– Kệ nó, đừng đáp.
Khi đi xa rồi, không còn nghe được gì nữa, họ mới ngừng lại. Bà Đavítxơn giận dữ gần như nghẹt thở:
– Quân này cả gan thật, cả gan thật!
Khi trở về nhà, họ gặp cô ta mặc đồ rất bảnh, dạo ở bến. Chiếc nón rộng lớn, hoa rực rỡ, có vẻ khiêu khích. Đi ngang, cô ả gọi, giọng đùa cợt, làm cho hai bà ngượng chết đi, và hai người lính thủy Mỹ thấy vậy, cười ngạo. Về tới nhà thì mưa lại bắt đầu đổ.
Bà Đavítxơn cười cay chua.
– Bộ đồ vía của nó sẽ hư hết.
Giữa bữa cơm trưa thì ông Đavítxơn về, ướt như chuột lột, nhưng không chịu thay quần áo. Im lặng rầu rĩ, ông ta nuốt vài miếng rồi chăm chú nhìn những hạt mưa nghiêng nghiêng. Bà vợ kể chuyện hai lần gặp ả Thômxơn ông cũng không đáp, chỉ cau mày một chút, tỏ rằng có nghe.
Bà Đavítxơn đề nghị:
– Mình có nên nói với chủ tiệm đuổi nó ra khỏi nhà này không? Không thể để cho nó chửi chúng mình được.
Mácphâylơ hỏi:
– Bảo cô ta đi đâu bây giờ?
– Lại ở với tụi thổ dân ấy.
-Thời tiết như vầy mà ở trong chòi thì bất tiện lắm.
Nhà truyền giáo nói:
Tôi đã ở chòi nhiều năm.
Khi hầu gái bưng món ăn xen thường ngày, tức món chuối chiên lên, Đavítxơn quay lại bảo nó:
– Xuống hỏi cô Thômxơn khi nào cô ấy có thể tiếp tôi được.
Người hầu e lệ cúi đầu rồi đi ra.
Bà Đavítxơn hỏi:
-Tại sao mình lại muốn thăm nó?
– Anh có bổn phận phải nói với cô ta. Anh không muốn hành động trước khi cho cô ta cái cơ hội cuối cùng là để cải tà quy chính.
– Mình không biết nó mà. Nó chửi mình cho mà xem.
– Thà cô ta cứ chửi. Cứ khạc nhổ vào mặt tôi này. Linh hồn của cô ta bất diệt, và anh phải gắng hết sức tìm đủ mọi cách để cứu vớt linh hồn đó.
Tiếng cười ngạo mạn của cô ả như vẫn còn văng vẳng bên tai bà Đavítxơn.
– Nó sa đọa quá rồi.
– Sa đọa quá đối với lòng từ bi của Chúa ư?
Cặp mắt ông bỗng sáng lên và giọng ông hóa ra êm ái, uyển chuyển:
– Không khi nào! “Khi một kẻ tội lỗi sa xuống thấp hơn cái hạ từng của Địa ngục, thì tình yêu của Chúa Kitô cũng tới kẻ đó được”.
Người hầu gái trở lên với câu trả lời:
– Cô Thômxơn gởi lời chào cha Đavítxơn; cô ấy sẽ vui lòng tiếp người miễn là người đừng lại phá trong những giờ làm việc của cô ấy.
Nghe lời nhắn đó, ai nấy im lặng, không khí trở nên lạnh lẽo. Bác sĩ mím môi để khỏi mỉm cười sợ làm chướng mắt bà vợ; lời khiêu khích như vậy làm sao mà vui được!
Tới cuối bữa không ai nói với ai nửa lời. Rồi các bà đứng dậy, lấy kim chỉ ra. Từ đầu chiến tranh, bà Mácphâylơ đã đan vô số khăn bao mũi và lúc này bà đương đan một cái khác. Chồng bà đốt ống điếu. Ngồi lỳ ở chỗ cũ, ông Đavítxơn ngó mặt bàn, vẻ suy nghĩ lung. Sau cùng ông đứng dậy lẳng lặng đi ra. Họ nghe thấy tiếng ông xuống cầu thang và giọng khiêu khích của cô Thômxơn: “Mời vô!” khi ông ta gõ cửa. Một giờ sau ông ta mới trở ra.
Mácphâylơ ngó mưa trút. Thần kinh ông không chịu nổi nó nữa rồi. Ở bên Anh mưa lặng lẽ, nhẹ nhàng rớt xuống đất; ở đây mưa tàn nhẫn đến phát ghê; người ta tưởng đâu như trong mưa có cái ranh mãnh của những sức man dã của hỏa công. Không phải là một trận mưa rào, mà là một cơn lụt, một cơn hồng thủy nó đập vào nóc tôn như tiếng búa đều đều, không ngớt, làm cho người ta hóa điên lên! Quả thực là có sự cuồng nộ trong cái mưa đó. Thỉnh thoảng người ta muốn gào lên, bảo nó ngừng đi nhưng rồi khốn khổ, thất vọng, người ta ngồi phịch xuống, uể oải, như là gân cốt bỗng xụm xuống.
Khi Đavítxơn trở về, Mácphâylơ quay lại, và hai bà đều ngửng đầu lên.
-Tôi đã thử đủ cách, đã khuyên nó cải tà quy chính. Con quỷ!
Ông ta ngưng nói. Bác sĩ thấy mắt ông ta tối lại và vẻ mặt xanh xao hóa cứng rắn, nghiêm khắc.
– Bây giờ thì tôi sẽ vung cây roi mà Chúa Kitô đã dùng để trục xuất bọn đổi tiền và bọn sét-ti ra khỏi đền của Đấng Tối Cao.
Ông ta mắm môi, cau cặp mày đen, đi đi lại lại trong phòng.
– Nó có chạy trốn đến chân trời thì tôi cũng đuổi theo kỳ cùng.
Thình lình ông ta quay lại rồi chạy ra khỏi phòng. Người ta lại nghe thấy ông xuống cầu thang.
Bà Mácphâylơ hỏi:
– Ông ấy làm gì thế này?
– Tôi không biết.
Bà Đavítxơn gỡ cặp kính kẹp mũi để lau.
– Khi nhà tôi làm việc cho Chúa thì không khi nào tôi hỏi han gì cả.
Nói xong rồi thở dài.
– Bà làm sao vậy?
– Nhà tôi không biết giữ sức, kiệt sức mất thôi.
Người chủ nhà cho bác sĩ hay kết quả đầu tiên của Đavítxơn. Mácphâylơ đang đi ngang cửa tiệm, thì Hơn bước ra bắt chuyện, vẻ mặt lo lắng dữ.
– Cha Đavítxơn trách tôi sao lại cho cô Thômxơn mướn phòng, nhưng trước kia tôi đâu có biết cô ấy là ai. Có kẻ nào lại mướn phòng của tôi thì tôi chỉ cần biết kẻ ấy trả nổi tiền phòng hay không. Mà cô ta đã trả trước một tuần.
Bác sĩ không muốn liên lụy vào vụ đó.
– Nghĩ cho cùng thì ông là chủ nhà. Ông cho chúng tôi ở trọ cũng là may cho chúng tôi rồi.
Hơn dò xét bác sĩ, vẻ nghi ngờ, Mácphâylơ bênh vực Đavítxơn tới cái mức nào? Rồi hắn ngập ngừng, tiếp:
– Tất cả các nhà truyền giáo đều phe với nhau. Khi các ông ấy tấn công một con buôn nào thì chỉ còn cách là đóng cửa tiệm rồi bỏ xứ.
– Ông ấy có yêu cầu tôi đuổi cô ta đi không?
– Không, miễn là cô ta có thái độ đàng hoàng. Ông ấy bảo không muốn tỏ vẻ bất công đối với tôi. Tôi đã hứa không cho cô ấy tiếp khách nữa. Tôi mới bảo cô ấy vậy.
– Cô ta nghĩ sao?
– Cô ta chửi vào mặt tôi.
Chủ nhà lúng túng vụng về trong chiếc quần trắng cũ. Cô Thômxơn này khó xử quá.
– Có lẽ cô ta sẽ dời chỗ. Không được tiếp khách nữa thì ở đây làm cái gì phải không ông?
– Cô ta đi đâu bây giờ, vô ở trong một cái chòi nào đó ư?
Vả lại lưới tầm sắt của các nhà truyền giáo đã bổ xuống thì có người thổ dân nào dám chứa cô ta nữa.
Bác sĩ nhìn mưa.
– Đợi tạnh làm gì, hoài công!
 
٭**********
 
Tối hôm đó trong phòng khách, Đavítxơn kể lại hồi kỳ ở trường trung học. Nhà nghèo, ông ta phải làm đủ các việc kỳ cục trong các vụ nghỉ để có tiền ăn học.
Dưới nhà yên lặng. Cô Thômxơn ngồi một mình trong căn phòng nhỏ. Bỗng có tiếng máy hát. Cô vặn lên để khiêu khích mà cũng để có vẻ bớt cô liêu, nhưng chẳng có ai ở đó để ca, thành thử nghe nó buồn như một tiếng kêu gọi chới với. Đavítxơn không để ý tới. Thản nhiên, ông tiếp tục câu chuyện dài ông đương kể. Máy hát vẫn chạy. Cô Thômxơn thay đĩa hoài. Hình như cảnh tịch mịch ban đêm làm cho cô ta chịu không nổi.
Không khí oi bức và nặng nề. Ông bà Mácphâylơ chợp mắt không được. Nằm cạnh nhau, mắt mở thao láo, họ nghe tiếng muỗi vo ve đến bực mình ở ngoài mùng.
Bà Mácphâylơ thì thầm:
– Cái gì vậy?
Bên kia bức vách có tiếng ai đều đều, hăng hái, khẩn khoản. Tiếng ông Đavítxơn. Ông ta lớn tiếng cầu nguyện cho linh hồn cô Thômxơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.