Nam Hoa chân kinh
CHƯƠNG 11 – TẠI HỰU 莊子 南華經
Vui quá thì thương tổn khí dương; buồn giận quá thì thương tổn khí âm. Hai khí âm và dương mà không quân bình thì bốn mùa không thuận, khí tiết nóng và lạnh không hoà, mà làm thương tổn trở lại thân thể con người. Con người hoá ra vui và giận thất thường, tính tình bất định, cư xử không yên, hành vi không hợp với trung đạo, mà thiên hạ mới hoá ra giả dối, cong queo, xảo quyệt, tự đắc, cố chấp. Ai thích cái vui của mắt thì mê hoặc về màu sắc; ai thích cái vui của tai thì mê hoặc về âm thanh; ai thích điều nhân thì làm loạn cái Đức; ai thích điều nghĩa thì làm phản cái lí; ai thích điều lễ thì giúp cho sự phù hoa; ai thích âm nhạc thì mắc tật dâm đãng; ai thích thánh thì mắc tật xảo trá; ai thích trí thì mắc tật tranh biện.
1
Tôi nghe nói phải phóng nhiệm (tức vô vi) và khoan dung với thiên hạ, chứ không nghe nói phải cai trị thiên hạ (tức phải hữu vi). Phải phóng nhiệm để thiên hạ hồn nhiên giữ được thiên tính; phải khoan dung để cho cái đức thiên phú của họ đừng biến đổi. Nếu mọi người giữ được thiên tính và cái đức thiên phú thì cần gì có một chính quyền nữa?
Xưa kia, khi vua Nghiêu cai trị thiên hạ thì dân chúng hân hoan vui sống, như vậy là không được điền tĩnh. Vua Kiệt trị thiên hạ thì dân chúng ưu sầu, thấy sống là khổ, như vậy là không được vui thích. Không được điền tĩnh, không được vui thích, đều là không giữ được cái Đức thiên phú của mình. Không giữ cái Đức mà sống lâu được[333], là điều không hề thấy.
Vui quá thì thương tổn khí dương; buồn giận quá thì thương tổn khí âm. Hai khí âm và dương mà không quân bình thì bốn mùa không thuận, khí tiết nóng và lạnh không hoà, mà làm thương tổn trở lại thân thể con người. Con người hoá ra vui và giận thất thường, tính tình bất định, cư xử không yên, hành vi không hợp với trung đạo, mà thiên hạ mới hoá ra giả dối, cong queo, xảo quyệt, tự đắc, cố chấp, do đó mà có những hành động của bọn Đạo Chích, Tăng Sâm, Sử Ngư. Muốn ngăn tình trạng ấy, đem tất cả những bảo vật, chức cao mà thưởng người tốt, dùng tất cả những cực hình để phạt kẻ xấu cũng không đủ, vì thiên hạ lớn quá, làm sao thưởng phạt cho hết. Từ đời tam đại đến nay, người ta ồn ào lạm dụng thưởng phạt, và có làm cho một người nào yên tĩnh sống theo thiên tính được đâu.
Ai thích cái vui của mắt thì mê hoặc về màu sắc; ai thích cái vui của tai thì mê hoặc về âm thanh; ai thích điều nhân thì làm loạn cái Đức; ai thích điều nghĩa thì làm phản cái lí; ai thích điều lễ thì giúp cho sự phù hoa; ai thích âm nhạc thì mắc tật dâm đãng; ai thích thánh thì mắc tật xảo trá; ai thích trí thì mắc tật tranh biện.
Nếu thuận theo bản tính[334] của mình thì tám cái đó có cũng được, không cũng không sao. Nếu không thuận theo bản tính của mình thì tám cái đó làm cho vũ trụ nhiễu loạn. Thế rồi thiên hạ lại hoá ra tôn quí chúng. Sự mê hoặc của thiên hạ thật quá lắm. Nào phải người ta chỉ coi tám cái đó là những vui thích nhất thời, qua rồi thì thôi; người ta còn trai giới, bàn luận về chúng, quì lạy để dâng cúng, múa hát để tán tụng chúng nữa chứ! Như vậy thì có biện pháp nào bây giờ?
[Chỉ có biện pháp này]. Người quân tử [tức hạng sáng suốt] bất đắc dĩ mới phải cai trị thiên hạ; vậy thì vô vi là hơn cả. Chỉ người nào vô vi rồi thì mới thuận theo thiên tính của mình được. Cho nên chỉ giao việc trị thiên hạ cho người nào coi sự an ninh của bản thân là đáng yêu quí hơn việc thiên hạ. Người quân tử nếu biết giữ cho ngũ tạng không bị thương tổn thì không biểu lộ sự thông minh của mình ra. Không nhúc nhích như một thần chủ mà lại uy nghi như con rồng, lặng lẽ như vực thẳm mà lại vang lên như tiếng sấm. Chỉ vận dụng tinh thần mà tự nhiên hợp với thiên lí; ung dung vô vi mà vạn vật bốc lên, chất lên (nghĩa là sanh và lớn lên, dâng lên). [Vô vi là đủ rồi], có cần gì phải trị thiên hạ.
2
Thôi Cồ hỏi Lão Đam:
– Không trị thiên hạ thì làm sao cải hoá được lòng người?
Lão Đam đáp:
– Phải cẩn thận, đừng làm dao động lòng người. Lòng người hễ đè thì nó ép xuống, kích thích thì nó bồng lên. Ép xuống rồi bồng lên hoài thì nó không được thảnh thơi. Nhu thắng được cương. Ai vụ danh thì làm tổn hại bản tính, lòng có lúc nóng như lửa, có lúc lạnh như đá[335]. Tư tưởng biến đổi rất mau, tới nỗi trong thời gian cúi đầu và ngửng đầu lên, nó đã đi ra ngoài bốn bể rồi trở về rồi. Khi nghỉ thì nó lặng lẽ như cái vực; không đợng thì nó như treo trên trời. Lòng người thật kiêu căng và không gì cưỡng chế được.
Xưa, vua Hoàng Đế là người đầu tiên dùng nhân nghĩa làm dao động lòng người, rồi vua Nghiêu và vua Thuấn mới hi sinh tới nỗi bấp vế tiêu hết thịt, ống chân trụi hết lông, để lo cho hình thể nhân dân được an thích; hai ông ấy làm tiều tuỵ ngũ tạng để lo việc nhân nghĩa, khô kiệt khí huyết để đặt ra pháp độ, mà vẫn không thành công. Rồi vua Nghiêu phải đày Hoan Đâu lên núi Sùng, đánh đuổi rợ Tam Miêu tới Tam Nguy, trục xuất Cung Công tại U Đô, như vậy chẳng phải là thất bại ư?
Tới đời Tam đại (Hạ, Thương, Chu), thiên hạ đại loạn. Kẻ đê hèn như Kiệt, Chích, người cao thượng như Tăng [Sâm], Sử [Ngư]. Nho Mặc xuất hiện. Kẻ vui thích và kẻ bất bình nghi ngờ lẫn nhau, người ngu và kẻ trí khinh bỉ lẫn nhau, người thiện và kẻ ác chê bai lẫn nhau, người ngay thẳng và kẻ gian dối trách mắng lẫn nhau, mà thiên hạ suy. Khi cái Đức lớn không được mọi người cùng theo thì xã hội tán loạn. Do đó người ta chế tạo ra cái rìu, cái cưa để xẻ, dùng dây và mực để [vạch đường mà] đẽo, cái búa, cái dùi để đục, mà thiên hạ rối bời. Lỗi về những kẻ làm thiên hạ rối bời. Lỗi về những kẻ làm dao động lòng người.
Từ đó, người hiền ẩn cư trên núi cao, trong hang đá, mà ông vua mười ngàn cổ xe (vua nước lớn) lo lắng, sợ sệt ngồi trên miếu đường. Ngày nay, những kẻ bị tử hình nằm chồng chất lên nhau, đâu đâu cũng thấy những kẻ bị tra tấn, xử tội; và Nho, Mặc mới từ trong cảnh cùm xích đó, gắng sức cứu đời. Hởi ơi! Sao họ không thấy xấu hổ, không biết nhục nhỉ! Thì ra thánh trí chỉ để tạo ra những gông cùm. Và làm sao biết được Tăng Sâm, Sử Ngư chẳng tiếp tay cho tên Kiệt và tên Chích?
Cho nên bảo: “Tuyệt thánh khí trí rồi thiên hạ sẽ thái bình”.
3
Hoàng Đế ở ngôi mười tám năm, lệnh được thi hành khắp thiên hạ. Ông nghe nói có Quảng Thành tử ở trên núi Khổng Đồng[336] lại yết kiến, thưa:
– Tôi nghe nói phu tử đạt được Đạo cực cao, xin phu tử cho biết tinh hoa Đạo đó ở đâu. Tôi muốn dùng tinh hoa của trời đất để giúp ngũ cốc phát triển mà nuôi bách tính. Tôi lại muốn điều hoà âm dương để hợp với vạn vật. Muốn vậy thì tôi phải làm gì?
Quảng Thành tử đáp:
– Điều ông hỏi đó là cái bản chất của vạn vật, còn việc ông muốn làm là tàn sát vạn vật. Ông trị dân như vậy thì mây không tụ mà mưa cũng đổ; thảo mộc không vàng úa mà lá cũng rụng; mặt trời mặt trăng cũng mau mờ đi. Cái ý mị dân đó thật là hẹp hòi. Như vậy tôi làm sao giảng cho ông cái Đạo cực cao được?
Hoàng Đế bèn về, thoái vị, sai dựng một cái chòi riêng, trải một chiếu cói, ở trong đó ba tháng rồi trở lại yết kiến Quảng Thành tử.
Quảng Thành tử nằm, đầu hướng về phương Nam[337], Hoàng Đế ở dưới gió[338], quì lết tới gần, lạy hai lạy, đầu sát đất, hỏi:
– Tôi nghe nói phu tử đạt Đạo cực cao; tôi xin hỏi phải giữ mình cách nào để được sống lâu.
Quảng Thành tử ngạc nhiên, vùng dậy, bảo:
– Hỏi câu đó nghe được lắm. Lại gần đây, tôi giảng cho nghe thế nào là Đạo cực cao. Tinh khí của Đạo ấy u viễn, tột đỉnh của nó mờ mờ, tịch mịch. Ông đừng nhìn gì cả, đừng nghe gì cả, cứ giữ cho tinh thần thanh tĩnh rồi hình thể ông tự nhiên sẽ định. Thanh tĩnh vô vi, đừng làm nhọc thể xác, đừng làm dao động tinh thần thì ông sẽ sống lâu. Thận trọng về nội tâm, đừng để ý đến ngoại vật, dùng nhiều tâm trí thì sẽ suy bại. Tôi dắt ông tới ngoài chỗ cực sáng, ông sẽ thấy được nguồn gốc của cái “cực dương” (cực sáng). Tôi dắt ông vô cái cửa u minh, ông sẽ thấy được nguồn gốc của cái “cực âm” (cực tối). Trời đất có cái nhiệm vụ của nó, âm dương có chỗ chứa của nó. Ông cứ lo tu dưỡng hình thể của ông và vạn vật sẽ tự nhiên phát triển. Tôi theo luật hợp nhất của vũ trụ, để giữ sự trung hoà[339], cho nên tôi đã sống được một ngàn hai trăm năm mà cơ thể tôi không suy nhược[340].
Hoàng Đế lạy hai lạy, đầu sát đất, thưa:
– Quảng Thành tử đồng thể với trời đất rồi.
Quảng Thành tử bảo:
– Lại đây, tôi giảng cho nghe. Vũ trụ vô cùng mà người ta cho rằng nó có thuỷ có chung; nó biến hoá không sao lường được mà người ta cho rằng nó hữu hạn. Chỉ người nào hiểu được Đạo của tôi thì khi sống chỉ thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng, mà khi chết sẽ trở về đất. Tôi sắp từ biệt nhân gian để vô cái vô cùng mà ngao du trong cõi vô cực, cùng chiếu sáng với mặt trời mặt trăng, cùng trường tồn với trời đất. Người ta lại gần tôi[341], tôi không thấy; người ta lánh xa tôi, tôi cũng không biết. Mọi người đều chết, riêng tôi vĩnh viễn tồn tại[342].
4
Tướng quân Mây qua phương Đông, đi qúa cây Phù Dao, thấy Hồng Mông[343] vỗ vào đùi nhảy nhót dạo chơi, bèn ngừng lại đứng ngay ngắn, hỏi:
– Cụ là ai đó? Cụ làm gì vậy?
Hồng Mông vừa vỗ đùi vừa nhảy như con chim, đáp:
– Đi chơi.
Tướng Mây nói:
– Cháu muốn hỏi cụ một câu:
Hồng Mông ngửng lên nhìn thẳng vào mặt tướng Mây:
– A.
Tướng Mây nói tiếp:
– Thiên khí bất hoà, địa khí bất kết, lục khí[344] hỗn loạn, bốn mùa trái tiết. Cháu muốn điều hợp tinh tuý của lục khí để nuôi nấng vạn vật, thì phải làm sao?
Hồng Mông vẫn vỗ đùi, nhảy như con chim, lắc đầu đáp:
– Lão không biết, lão không biết.
Tướng Mây không hỏi gì thêm được nữa.
*
Ba năm sau, tướng Mây lại qua chơi phương Đông, khỏi bờ cõi nước Tống thì gặp Hồng Mông, mừng quá, chạy vội lại hỏi:
– Cụ quên cháu rồi sao? Quên cháu rồi sao?
Rồi quì xuống lạy hai lạy, đầu chạm đất, xin Hồng Mông dạy bảo cho.
Hồng Mông bảo:
– Lão tuỳ hứng đi chơi, không biết để làm gì, không có mục đích gì cả, thấy cái gì thì ngắm cái đó, lão không biết gì hơn nữa.
– Cháu cũng vậy. Cháu vô tâm hành động, không có mục đích gì. Vậy mà cháu đi đâu, dân chúng theo tới đó. Cháu bất đắc dĩ săn sóc dân chúng, mà dân chúng lại bắt chước cháu. Xin cụ giảng cho tại sao.
– Làm loạn luật trời, trái với chân tính của vạn vật tức là ngăn cản thiên nhiên, làm cho các loài thú hoảng sợ li tán, loài chim hót ban đêm [chứ không hót ban ngày nữa], tai hoạ tới cả cây cỏ, côn trung. Lỗi tại nhữ kẻ muốn cai trị dân chúng.
– Vậy cháu phải làm sao bây giờ?
– Vô phương cứu vãn. Thôi ta gắp về trời đây[345].
– Cháu gặp bước khó khăn, xin cụ dạy cho cháu một lời.
Hồng Mông đáp:
– Phải dưỡng tâm như vầy: cứ vô vi rồi vạn vật tự nhiên cải hoá. Quên hình hài của anh đi, bỏ cái thông minh của anh đi, quên cả nội tâm lẫn ngoại vật, rồi thì vạn vật sẽ hợp nhất với bản căn. Ai bất giác thấy lại được bản căn của mình, cứ hồn nhiên theo tự nhiên thì suốt đời sẽ không rời bản căn. Đừng tìm biết tên các vật, đừng tìm hiểu chúng ra sao, như vậy vạn vật tự nhiên sanh sản.
Tướng Mây bảo:
– Cụ giảng cho cháu hiểu cái Đức, đã dạy cháu làm thinh đừng nói. Trước kia cháu tìm chân lí mà không thấy, bây giờ [nhờ cụ] cháu thấy rồi[346].
Nói xong, tướng Mây quì xuống lại hai lạy, đầu chạm đất, rồi đứng dậy, tiếp tục đi.
5
Thường tình ai cũng yêu người giống mình, ghét người khác mình. Yêu người giống mình, ghét người khác mình là vô tình muốn vượt lên trên mọi người khác. Nhưng vượt như vậy có được không? Không. Vì [một người không thể kinh nghiệm rộng bằng mọi người được], chấp nhất ý kiến của mình không sáng suốt bằng tập hợp ý kiến của mọi người[347].
Những người muốn trị nước đều noi gương thời Tam đại, chỉ thấy cái lợi mà không thấy cái hại của thời đó[348]. Họ đem quốc gia ra cầu may. Cầu may như vậy thì làm sao mà không mất nước được? Cái may giữ được nước, vạn lần không được một mà cái rủi mất nước thì có cả vạn phần. Buồn thay! Nhửng người trị nước không hiểu lẽ ấy. Làm chủ một nước là làm chủ một cái gì lớn thì đừng nên quan tâm đến những vật nhỏ [tức lợi vật chất]. Chỉ người nào biết dùng vật, muốn thống trị vật thì đừng để vật thống trị mình, hiểu được lẽ ấy là chẳng những trị được dân mà còn thông thả ra vô cõi lục hợp, ngao du chốn cửu châu[349], muốn đến muốn về lúc nào tuỳ ý. Người độc lập như vậy là bậc “chí quí” (cao quí nhất).
Bậc đại nhân ảnh hưởng tới người khác như hình với bóng, như thanh âm với tiếng vang. Ai hỏi gì, người đó cũng đem hết sự hiểu biết của mình ra giảng, phục vụ cho mọi người. Sống tĩnh mịch, không có tiếng tăm, hành động tuỳ theo vật, không có vết tích. Vạn vật đi rồi trở về bản tính trong cảnh giới vô biên, xuất hiện rồi mất đi trong thời gian vô cùng. Hình hài người đó hoà đồng với vạn vật. Cái gì đại đồng thì “vô kỉ” [không có cái “ta” riêng], đã vô kỉ thì làm gì còn tồn tại [riêng] nữa? Những người mà chúng ta thấy còn tồn tại [riêng] đó chỉ là những bậc quân tử thời xưa; những người chúng ta không thấy tồn tại [riêng] nữa (nghĩa là vô danh), đó mới là bạn của trời đất[350].
6
Phải chấp nhận sự vật dù nó không có giá trị. Phải thuận theo ý của dân dù họ thấp hèn. Phải làm công việc của mình dù không ai biết tới. Phải tuyên bố luật lệ dù nó còn mập mờ. Phải làm trọn vẹn bổn phận dù nó không thích thú. Phải mở rộng lòng nhân ra dù không thể yêu khắp được. Phải tiết giảm cái lễ đi mà không phải là không đôn hậu. Phải giữ mức trung mà vẫn là có đức rất cao. Duy nhất mà vẫn ứng với mọi biến hoá, đó là Đạo. Thần bí, không biết được mà vẫn có tác động, đó là trời [Tự nhiên].
Cho nên thánh nhân chỉ quan sát thiên nhiên chứ không giúp thiên nhiên, có đức cao chứ không luỵ vì nó, hành vi hợp Đạo mà không mưu tính, có lòng nhân mà không tự cho là có ân huệ với người, có lòng nghĩa mà không thái quá, giữ lễ mà không câu nệ, làm bổn phận mà không trốn tránh, theo pháp luật mà không gây rối loạn, dựa vào dân mà không coi thường dân, thuận theo bản tính của vạn vật, việc đời tuy không đáng làm [về phương diện Đạo], nhưng vẫn làm [về phương diện đời].
Tóm lại, không hiểu lẽ tự nhiên thì đức không được thuần, không hiểu được Đạo thì sẽ bị trở ngại [thất bại]. Đáng thương thay, kẻ nào không hiểu Đạo.
Đạo là gì? Có Đạo trời và Đạo người. Đạo Trời thì vô vi mà được tôn sùng; Đạo người thì hữu vi mà bị hệ luỵ. Làm chủ tể vạn vật, đó là Đạo Trời, làm bề tôi, đó là Đạo người. Hai cái đó khác nhau xa, không thể không xét cho kĩ.[351]
NHẬN ĐỊNH VỀ BỐN CHƯƠNG
BIỀN MẪU, MÃ ĐỀ, KHƯ KHIẾP, TẠI HỰU
Hầu hết các nhà chú giải, phê bình đều sắp bốn chương đầu của phần Ngoại thiên này vào chung một “tổ hợp” vì nội dung đã nhất trí: thiên nhiên vốn hoàn hảo, nên người trị nước chỉ cần thuận theo thiên nhiên, tức thiên tính của con người, đừng làm gì khác (vô vi); mà hình thức cũng có một điểm giống nhau: trong trọn bộ chỉ có bốn lần dùng danh từ “tam đại” để trỏ ba đời Hạ, Thương, Chu, mà hai lần ở chương Biền mẫu, một lần ở chương Khư khiếp, một lần ở chương Tại hựu [352].
Vì vậy người ta cho rằng bốn chương đều do một môn phái viết vào khoảng cuối đời Chiến Quốc hoặc trong đời Tần, Hán do lẽ cuối đời Chiến Quốc mới có danh từ “tam đại”, và qua đời Tần, Hán mới có thuyết: ngũ hành có liên quan với ngũ tạng, ngũ thường được nhắc ở đầu chương Biền mẫu. (chú thích thứ hai bài 1, chương VIII).
Có nhà như Hoàng Cẩm Hoành còn quả quyết rằng hai chương Biền mẫu và Mã đề do một người viết; hai chương Khư khiếp và Tại hựu do một người khác viết – nhưng cũng thuộc một phái như người trên – vì cách hành văn trong hai chương sau đều dùng thể vấn đáp, khác với hai chương đầu mà tư tưởng cũng kịch liệt hơn. Điều đó có thể đúng, chứ chưa chắc vì tôi thấy bút pháp chương Tại hựu kém hẳn chương Khư khiếp: ý tưởng lộn xộn, nông cạn (bài 3, 4), mà tư tưởng bài 6 ôn hoà chứ không kịch liệt như những bài khác trong chương (tác giả bảo phải “có lòng nhân nghĩa mà không thái quá, giữ lễ mà không câu nệ”, rồi lại phân biệt Đạo Trời thì vô vi, Đạo người thì hữu vi; cơ hồ đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của Nho giáo).
* Điều chắc chắn là cả bốn chương đều không phải của Trang tử.
Về hình thức, lời văn, như trên chúng ta đã thấy, không phải là lời của thời đại Trang; mà giọng văn cũng không phải giọng Trang. Trang không có giọng gay gắt như trong chương Khư khiếp: “Ai ăn cắp một nước thì thành chư hầu”, “làm cho bọn Đạo Chích được lợi lớn mà không sao cấm chúng được, đó là cái tội của thánh nhân” (bài 4); “đả đảo thánh nhân, phóng thích đạo tặc thì thiên hạ thịnh trị” (bài 3)…
Trang lại phóng khoáng, hùng tâm, đâu có cái giọng khiêm tốn như cuối bài 5 chương Biền mẫu: “Tôi xấu hổ vì Đạo đức kém, nhưng tôi không dám làm điều nhân nghĩa mà cũng không có những hành vi thác loạn, bậy bạ”.
Về nội dung, còn hiển nhiên hơn nữa: mười phần thì có chín phần là của Lão.
– Trong Nội thiên không hề tả xã hội loài người thời nguyên thuỷ mà Lão cho là xã hội lí tưởng (chương 80 Đạo đức kinh):
“Nước nhỏ ít dân, tuy có khi gấp chục gấp trăm sức người mà không dùng…, tuy có thuyền, có xe mà không ngồi… dân thắt dây để ghi nhớ… thoả mãn với thức ăn, y phục, nhà cửa mà vui vẻ với phong tục của họ. Dân những nước ở sát nhau trông thấy nhau, nghe tiếng gà tiếng chó của nhau mà đến già chết cũng không qua lại với nhau”.
Chương 3 và chương 12, Lão còn nhấn mạnh vào điểm này: chỉ cần cho dân “no bụng cứng xương” thôi (thực kì phúc, cương kì cốt); còn những cái khác đều không ham.
Tác giả hai chương Khư khiếp và Mã đề diễn lại đúng những ý đó, có khi dùng đúng những lời của Lão nữa:
“Thời đó người ta thắt dây để ghi nhớ, thoả mãn về thức ăn, y phục, phong tục, nhà ở. Dân các nước ở sát nhau, trông thấy nhau, nghe tiếng gà gáy, chó sủa của nhau, mà tới khi già chết, cũng không qua lại với nhau”. (X.6).
“Con người ở trong nhà không biết mình làm gì, ra ngoài không biết mình đi đâu, ăn thấy thích, no rồi thì vỗ bụng đi chơi (IX.4)… người nào cũng bước chậm chạp, ung dung… trong núi không có đường mòn, trên chằm không có thuyền, không có cầu (IX.2)… họ dệt vải để mặc, cày ruộng để ăn… sống vô dục, hồn nhiên, chất phác (IV.2).
– Câu “Huỷ bỏ Đạo đức để thay nhân nghĩa vào, đó là tội của thánh nhân” (bài IX.3) cũng diễn đúng ý của Lão tử trong chương 16 Đạo đức kinh: “Đại Đạo phế, hữu nhân nghĩa”.
Trang tử tuy chê nhân nghĩa là thừa, xấu xa: “vua Nghiêu đã đem nhân nghĩa xâm vào mặt anh [tức Ý Nhi tử], dùng thị phi cắt mũi anh thì làm sao anh còn đạt được cảnh giới tiêu dao, thuận ứng với mọi sự biến hoá được nữa” (chương VI, bài 6), nhưng không bảo nhân nghĩa là mầm của loạn, mà bọn vua chư hầu mượn nhân nghĩa để ăn cắp của dân (X.4).
– Câu “Thánh nhân là lợi khí của thiên hạ, không nên để cho thiên hạ thấy” (X.5) rõ ràng là mượn chữ trong chương 36 Đạo đức kinh: “Quốc chi lợi khí, bất khả dĩ thị nhân”.
– Chương 12 Đạo đức kinh bảo: “Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắc, ngũ âm làm cho người ta điếc tai”; bài 1 chương Biền mẫu cũng mượn ý đó mà lật ngược lại: “Lạm dụng thị giác thì làm mê loạn ngũ sắc… lạm dụng thính giác thì làm cho ngũ thanh hỗn tạp…”.
– Trang tử cũng như Lão tử ghét trí xảo, khinh công nghệ, coi nó không hơn gì thương mại (V.5). Tác giả các chương Biền mẫu và Mã đề cực đoan hơn, đòi huỷ bỏ hết công nghệ:
“Phải dùng cái móc, cái dây [nẩy mực], cái qui, cái củ để sửa lại là làm tổn thương bản tính” (VIII.3)
“Người thợ gốm đầu tiên bảo: “Tôi khéo nặn đất sét”, rồi dùng cái qui để làm hình tròn, cái củ để làm hình vuông. Người thợ mộc đầu tiên bảo: “Tôi khéo làm đồ gỗ”, rồi dùng cái móc để làm hình cong, cái dây để làm hình thẳng. Bản tình của đất sét, gỗ có hợp với cái qui, cái củ, cái móc, sợi dây không? Vậy mà đời sau khen…” (IX.1).
– Trang tử vẫn trọng thánh nhân. Chẳng hạn Tề vật luận 5, ông bảo: “Thánh nhân dung hoà, coi thị phi là một mà theo luật quân bình tự nhiên”. Ngay trong bài 1 chương Tiêu dao du ông cũng có câu: “Chí nhân vô kỉ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh”, và còn nhiều chỗ khác trong các chương Đại tôn sư, Ứng đế vương nữa.
Đành rằng những thánh nhân ông nói đó là thánh nhân theo quan niệm của ông, tức hạng “thánh nhân vô vi”, hoà đồng với Đạo, chứ không phải hạng thánh nhân hữu vi của Nho giáo. Nhưng đối với hạng thánh nhân này, ông không bao giờ mạt sát, có khi còn khen nữa; chẳng hạn chương II bài 9, ông cho ông Thuấn sáng suốt khuyên vua Nghiêu đừng đánh các nước Tông, Khoái, Tư Ngao; chương V bài 1, ông cho Khổng Tử diễn những tư tưởng của ông, và khen Nghiêu, Thuấn “giữ được chính khí”. Chỉ có mỗi một chỗ, trong bài 1 chương VI, ông bảo nên coi Nghiêu và Kiệt như nhau; nhưng nói như vậy ông không có ý chê Nghiêu, trái lại vẫn nhận Nghiêu là thiện, Kiệt là ác, mà chỉ muốn khuyên ta “tề vật” đừng nên phân biệt thiện ác, thị phi, tốt xấu, thế thôi.
Trái lại, bốn chương đầu Ngoại thiên này, thánh nhân bị mạt sát kịch liệt. Lão tử như một giáo sư già, chỉ nhẹ nhàng khuyên ta: “tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội” (chương 19); còn tác giả bốn chương đó như bọn trẻ hung hăng, trút tất cả tình trạng hỗn loạn thời Chiến Quốc lên đầu thánh nhân:
“… Rồi thánh nhân xuất hiện, dùng lễ nhạc uốn nắn con người… đề cao nhân nghĩa để vỗ về nhân tâm. Từ đó dân chúng mới tận lực dùng trí xảo, tranh nhau lợi lộc , không làm sao ngăn được nữa”. (IX.4)
Thánh nhân là hạng người giúp cho kẻ cướp nước, chứng cứ là pháp độ họ đặt ra, giúp cho Điền Thành tử (kẻ giết vua Tề, cướp nước Tề) yên ổn trị vì, truyền ngôi tới mười hai đời (X.2). Cũng chính thánh nhân tổ chức xã hội, cho vua chúa đủ uy quyền với bề tôi, dạy bề tôi phải trung với vua, vì vậy mà bọn hiền thần như Tỉ Can, Ngũ Tử Tư mới bị sát hại (X.3). Lý luận thật đanh thép: thời nào hạng người hiền năng cũng hiếm mà kẻ ác thì nhiều, và bọn cầm quyền tàn bạo luôn luôn lợi dụng, lạm dụng pháp độ thánh nhân đặt ra để đàn áp, bốc lột, sát hại dân chúng. Cho nên “thánh nhân không chết thì đạo tặc không hết. Giao cho thánh nhân trị thiên hạ [đặt ra pháp chế để trị dân] tức là làm lợi cho Đạo Chích”. (X.4).
Qui kết là không nên dùng thánh nhân, phải bỏ hết các pháp độ do thánh nhân đặt ra: bỏ nhân nghĩa, lễ nghi, chẻ đấu, bẻ cán cân đi; bỏ trí xảo, đập nát ống tiêu và đàn cầm, bịt tai Sư Khoáng đi, không dùng ngũ sắc nữa, làm mờ mắt Li Chu đi, bỏ hết cái móc và dây nẩy mực, liệng cái qui cái củ đi, chặt ngón tay của Công Thuỳ (một người thợ khéo đời vua Nghiêu) đi (X.5); tóm lại là triệt để phá huỷ tất cả nền văn minh Trung Hoa đã gây dựng nên mà trở về đời sống nguyên thuỷ: ngủ kỉ, ăn no rồi vỗ bụng đi chơi.
Rõ là lời hô hào của một người triệt để theo chủ nghĩa vô chính phủ. Trong lịch sử nhân loại, không biết còn lời mạt sát văn minh nào kịch liệt như vậy nữa không. Chẳng những Trang, ngay cả Lão đọc những chương đó tất cũng phải nghĩ bụng: “Hậu sinh khả uý”. La Căn Trạch trong cuốn Chu tử sách (Nhân dân xuất bản xã – 1958) đã có lí khi bảo rằng tác giả những chương đó thuộc tả phái của Đạo gia.
Chú thích :
[333] Nguyên văn: phi Đức dã nhi khả trường cửu giả, thiên hạ vô chi. H.C.H. dịch là: làm tổn hại đức tính của dân mà trị vì lâu được, quốc gia tồn tại lâu được… Tôi dịch như trên để chuyển xuống đoạn dưới.
[334] Theo Lão, Trang tính là cái ta bẩm thụ được của Đạo, nó siêu thiện ác, mà thuần phác, hồn nhiên (coi bài 12).
[335] Câu này rất tối nghĩa, L.K.h. thú thực chẳng hiểu gì cả. H.C.H. dịch cũng không xuôi. Tôi đành tạm theo H.C.H.
[336] H.C.H. giảng Quảng Thành tử tức Lão tử. Đây là một ngụ ngôn, nhân danh và địa danh đều tượng trưng.
[337] Vua Trung Hoa lâm triều thì quay mặt về phương Nam. Đầu hướng về phương Nam thì ý nghĩa cũng vậy.
[338] Để tỏ ý kính trọng.
[339] Nguyên văn rất tối nghĩa: Ngã thủ kì nhất, dĩ xử kì hoà. Mỗi sách giảng một khác.
[340] Thuyết trường sinh bất tử này nhất định không phải của Trang tử, mà của người cuối đời Chiến Quốc hay đầu đời Tần.
[341] Nguyên văn: đương ngã. L.K.h. dịch là hại tôi.
[342] Vì là một phần tử của vũ trụ.
[343] Theo L.K.h., Mây ở đây tượng trưng trí thông minh tìm hiểu; cây Phù Dao là Cây Bảo; Hồng Mông là cái Màn lớn. – Tư Mã Bưu bảo Phù Dao là cây thần, Hồng Mông là nguyên khí tự nhiên.
[344] Lục khí là âm, dương, gió, mưa, tối, sáng.
[345] Nguyên văn: Độc tai, tiên tiên hồ, qui hĩ. Có sách giảng là: Đó là tự mình làm hại, phải mau mau trở về bản căn, thôi đừng hỏi lão nữa.
[346] Cả đoạn này trong nguyên văn có chữ thiên, Vương Tiên Khiêm chú thích, bảo: “kính trọng thì gọi là thiên”; tôi theo Vương, nên dịch là: cụ. Nhưng H.C.H. giữ đúng nghĩa chữ thiên, bảo là trời. Vì vậy lối hiểu của Hoàng khác hẳn.
[347] Câu này tôi dịch thoát dài dòng cho dễ hiểu.
[348] Tức của chính sách dùng nhân, nghĩa.
[349] Lục hợp tức trời đất và đông tây nam bắc. Ngày xưa Trung Hoa chia ra làm chín châu, nên gọi là cửu châu.
[350] Câu này H.C.H. dịch là: bậc quân tử ngày xưa nhận rằng vật tồn tại; còn bạn của trời đất thì nhận rằng không có vật nào tồn tại.
[351] Cả bài này rất tối nghĩa, các bản dịch khác nhau rất xa. Tôi châm chước hai bản của H.C.H. và L.K.h., nhưng vẫn còn ngờ lắm.
[352] Trong chương Tại hựu, chúng ta thấy danh từ “tam đại” được cụ Nguyễn Hiến Lê dùng đến ba lần, nhưng lần đầu là phiên âm hai chữ 三代 (tam đại), còn hai lần sau là dịch thoát hai chữ 三王 (tam vương); nghĩa là trong nguyên tác danh từ “tam đại” chỉ được dùng có một lần.
(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.