Nam Hoa chân kinh
CHƯƠNG 12 – THIÊN ĐỊA 莊子 南華經
Trời đất tuy rộng nhưng đều theo một luật biến hoá; vạn vật tuy nhiều nhưng điều theo một trật tự như nhau. Theo đúng Đạo mà được địa vị thì ngôi vua là chính đáng, theo đúng Đạo mà định phận trên dưới thì nghĩa vua tôi được sáng; theo đúng Đạo mà xét tài năng thì quan chức làm tròn được bổn phận, nếu hết thảy đều theo Đạo thì vạn vật đều thuận ứng với tự nhiên. Hợp nhất với trời là Đạo, thích ứng với đất là Đức, thực hiện ở vạn vật là Nghĩa…
1
Trời đất tuy rộng nhưng đều theo một luật biến hoá; vạn vật tuy nhiều nhưng điều theo một trật tự như nhau; nhân dân tuy đông nhưng đều do một ông vua cai trị. Vua theo cái Đức mà đạt được tự nhiên. Cho nên bảo: “Thời thượng cổ, vua vô vi mà trị thiên hạ, chỉ thuận theo đức tự nhiên của trời mà thôi”.
Theo đúng Đạo mà được địa vị thì ngôi vua là chính đáng, theo đúng Đạo mà định phận trên dưới thì nghĩa vua tôi được sáng; theo đúng Đạo mà xét tài năng thì quan chức làm tròn được bổn phận, nếu hết thảy đều theo Đạo thì vạn vật đều thuận ứng với tự nhiên.
Hợp nhất với trời là Đạo, thích ứng với đất là Đức, thực hiện ở vạn vật là Nghĩa; vua trị dân là làm tròn nhiệm vụ với quốc gia, tài năng khéo léo phát sinh ra công nghệ. Công nghệ ở trong nhiệm vụ của quốc gia, nhiệm vụ này gồm ở trong Nghĩa, Nghĩa gồm trong Đức, Đức ở trong Đạo, Đạo gồm ở trong Trời[353].
Cho nên bảo: “Thời xưa, vua nuôi dân, không có dục vọng gì cả (vô dục) mà dân tự túc được; không làm gì cả (vô vi) mà vạn vật tự hoá; trầm tĩnh mà trăm họ an ninh”. Sách chép rằng: “Hiểu rằng đạo lí chỉ có một thì làm được mọi việc; mà vô tâm thì quỉ thần phải kính phục.[354]
2
Phu tử[355] bảo: “Đạo che và nâng đỡ vạn vật.[356] Nó mênh mông, vĩ đại thay. Người quân tử phải bỏ chủ kiến đi để hiểu nó. Làm với thái đô vô vi, đó là “trời”; nói với thái độ vô vi (nghĩa là không nói mà nói), đó là “đức”; yêu người và làm lợi cho vạn vật, đó là “nhân”; coi vạn vật đồng nhất thể, đó là “lớn” (đại); có thái độ không cao ngạo, không lập dị, đó là “khoan” (tinh thần rộng rãi); vạn vật tuy khác nhau mà có đủ ở ta, đó là “phú” (giàu); giữ được cái đức, đó là kĩ cương; đức mà thành, thế là có nhân cách (lập); cứ theo đạo mà làm, đó là được phòng bị [với mọi biến cố]; không vì vật mà ngã lòng, đó là giữ được đủ bản tính mình. Người quân tử hiểu được mười điều ấy thì thật là cao thượng; mọi vật sẽ qui phụ. Không khác gì vàng nằm ở trong núi, trân châu nằm dưới vực. Người như vậy không ham của cải, không gần kẻ phú quí, thọ không mừng mà chết yểu cũng không buồn, hiển đạt không cho là vinh, nghèo hèn không cho là nhục, dù làm chủ được của cải trên đời cũng không cho là của riêng mình, dù làm vua khắp thiên hạ cũng không cho là vinh hiển. Hiển thì sáng[357]. Vạn vật chỉ là một, sống với chết như nhau”.
3
Phu tử bảo: “Đạo yên lặng như cái vực, trong trẻo như dòng nước. Không có nó thì kim thạch không kêu được. Kim thạch chỉ kêu khi người ta gõ vào; vạn vật chỉ an định khi được một bậc chí đức cai trị. Bậc đó cứ theo tự nhiên, không thèm dùng trí để hiểu sự vật. Theo chân lí bản nguyên thì sáng suốt như thần mà đức được rộng lớn, cứ vô tâm, tuỳ theo vạn vật mà phản ứng.
Hình thể của ta sinh ra là nhờ Đạo; bản tính[358] của ta không có Đức thì không sáng. Giữ được hình thể [cho khoẻ mạnh tới già], giữ được bản tính cho thật sáng, lập được Đức, hiểu được Đạo, như vậy chẳng phải là bậc chí đức ư?
Rộng lớn thay, hốt nhiên hiện ra, hốt nhiên hành đồng[359] mà vạn vật qui phục, như vậy là bậc chí đức, [cai trị được nhân dân].
Bậc chí đức thấy được trong bóng tối, nghe được trong yên lặng. Trong chỗ mù mịt, chỉ người đó thấy được ánh sáng, trong sự yên lặng chỉ người đó thấy được hoà âm. Đã sâu sắc lại thêm sâu sắc, huyền diệu lại thêm huyền diệu, nên nuôi được vạn vật, phát được tinh hoa.
Tiếp ứng với vạn vật thì hư tâm mà cung cấp được nhu cầu cho chúng. Thuận thời mà thích ứng với mọi trường hợp: lớn nhỏ, ngắn dài, gần xa”.[360]
4
Vua Hoàng Đế đi chơi ở phía bắc Xích Thuỷ (dòng sông đỏ), leo lên núi Côn Lôn, khi định quay về phương nam thì thấy mất viên ngọc đen (tượng trưng đạo huyền vi), sai Trí (tượng trưng cho trí tuệ) tìm mà không thấy, lại sai Li Chu (tượng trung cho sự tinh mắt)[361] tìm mà cũng không thấy, lại sai Khiết Cấu (tượng trưng cho sự biện luận)[362] tìm mà cũng không thấy. Sau cùng sai Tượng Võng (tượng trưng cho sự vô tâm) thì thấy. Hoàng Đế bảo: “Tượng Võng mà tìm nó được thì lạ thật!”.
5
Thầy của vua Nghiêu là Hứa Do, thầy của Hứa Do là Niết Khuyết, thầy của Niết Khuyết là Vương Nghê, thầy của Vương Nghê là Bị Y[363].
Vua Nghiêu hỏi Hứa Do:
– Ông Niết Khuyết có thể làm thiên tử được không? Nếu được thì tôi nhờ ông Vương Nghê mời ông ấy lại đây.
Hứa Do đáp:
– Như vậy sẽ nguy hại cho thiên hạ vì ông Niết Khuyết là người thông minh tài trí, mẫn tiệp, chỉ tính hơn người, lại muốn dùng trí tuệ của người để phục hồi bản tính tự nhiên, hăng hái diệt lỗi lầm của người mà không hiểu được nguyên nhân những lỗi lầm ấy. Để ông ấy trị thiên hạ thì ông ấy sẽ tin ở sức người mà quên thiên nhiên đi. Ông ấy sẽ lấy bản thân ra làm gương, dùng trí tuệ để gấp đạt kết quả. Ông ấy sẽ bị sự việc sai khiến, bị ngoại vật câu thúc; ông ấy sẽ thích ứng với mọi vật mà muốn hợp với mọi người, chịu mọi ảnh hưởng mà cứ thay đổi hoài. Như vậy thì sao đáng được cai trị thiên hạ? Ông ấy có pháp độ, có căn bản[364], có thể cai trị một đám dân, nhưng không thể hướng dẫn những người cầm quyền[365]. Dùng trí thì gây được trật tự mà cũng gây nên loạn, cho nên dùng ông ấy làm bề tôi thì sẽ hoạ, mời ông ấy làm vua thì sẽ tàn mạt.
6
Vua Nghiêu đi quan sát miền Hoa. Viên quan giữ biên cương ở đó chào đón:
– Ngài là thánh nhân, tôi xin chào thánh nhân, chúc thánh nhân trường thọ.
Vua Nghiêu đáp:
– Tôi không muốn thọ.
– Tôi xin chúc thánh nhân giàu có.
– Tôi không muốn giàu.
Lại chúc nhiều con trai, vua Nghiêu cũng không muốn.
Viên quan đó bèn hỏi:
– Ai cũng muốn được thọ, giàu, nhiều con trai, mà riêng ngài không muốn là tại sao?
Vua Nghiêu đáp:
– Nhiều con trai thì lo sợ nhiều, giàu thì bận rộn (đa sự), thọ thì bị nhục nhiều. Ba cái đó không giúp ta nuôi cái đức được; nên ta từ chối.
– Lúc nãy tôi coi ông là một thánh nhân, bây giờ mới biết chỉ là hạng quân tử thường thôi. Trời sinh ra con người, giao cho mỗi người một chức phận. Ông có nhiều con mà giao cho mỗi con một chức phận thì có gì đâu mà sợ nhiều? Ông giàu có mà phân phát của cải cho người khác thì sao còn bận rộn? Thánh nhân thì ở như con chim “thuần”, ăn thì như con chim con,[366] đi đâu thì không để dấu vết như con chim bay, thiên hạ mà bình trị thì cùng hưởng cảnh thịnh vượng với mọi người, thiên hạ mà loạn lạc thì sửa đức mà ẩn cư. Sống ngàn năm rồi, chán cõi trần thì lên tiên, cưỡi đám mây trắng mà tới cõi Thượng Đế. Ba cái tai hoạ [ông kể đó] không xảy ra, thân thể không hoạn nạn, thì sao mà nhục được?
Nói xong, viên quan ấy bỏ đi. Vua Nghiêu chạy theo, bảo:
– Cho tôi hỏi vài lời đã.
Đáp:
– Tôi đi đây.
7
Khi vua Nghiêu trị thiên hạ, phong Bá Thành Tử Cao làm chư hầu; rồi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn lại truyền ngôi cho ông Vũ, Bá Thành Tử Cao bèn bỏ chức chư hầu mà về cày ruộng. Ông Vũ lại thăm, thấy ông ta đương cày ruộng, cung kính lại gần, đứng phía dưới gió, thưa:
– Xưa vua Nghiêu trị thiên hạ, phong ông làm chư hầu; rồi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho tôi, ông bèn bỏ chức chư hầu và về cày ruộng, dám xin ông cho biết tại sao?
Tử Cao đáp:
– Xưa vua Nghiêu trị thiên hạ, không khen thưởng ai mà dân chúng đều gắng sức [làm điều thiện], không trừng phạt ai mà dân sợ. Ông dùng thưởng phạt mà dân lại bất nhân, đạo đức suy vi, do đó phải đặt ra cực hình. Đời sau mà loạn là bắt đầu từ đây. Thôi ông đi đi, để tôi làm việc.
Nói xong, Tử Cao lại cặm cụi làm ruộng, không ngó ngàng tới ông Vũ nữa.
8
Thời khởi thuỷ, chỉ có cái “vô”, [không có cái “hữu”], cái “vô” không có tên[367]. Từ cái “vô” sinh ra cái “một” trước hết[368], cái “một” không có hình tích. Vạn vật lại từ cái “một” sinh ra, cho nên gọi nó là “Đức”.
Cái chưa có hình tích đó phân biệt ra âm dương, âm dương lưu thâng không ngừng, gọi là “mệnh”. Âm dương lưu động mà sinh vạn vật, vật thành rồi thì gọi là “hình”. Hình thể bảo vệ tinh thần, hai cái đó có qui tắc riêng, gọi là “tính”. Ai sửa tính của mình thì trở về với “Đức”. Đức mà tới cực điểm thì hợp nhất với trời đất thời khởi thuỷ mà nhập vô cảnh giới hư không. Cảnh giới hư không rất lớn. Nó như con chim hồn nhiên hót, nó đồng nhất với vũ trụ. Đồng nhất với vũ trụ, cho nên nó như ngu muội, tối tăm, gọi là “huyền đức” (đức huyền vi). Nó với tự nhiên là một.
9
[Khổng] phu tử nói với Lão Đam:
– Có người tìm hiểu đạo bằng cách ngược đời: cái có thể được (khả) thì bảo là không thể được (bất khả), cái như vậy thì bảo là không phải vậy. Người ta biện luận như vầy: “Phân biệt sự cứng và sự trắng [của một phiến đá] như treo riêng mỗi cái trên không trung”[369]. Người như vậy gọi là thánh được không?
Lão Đam đáp:
– Hạng người như vậy chỉ như hạng tôi tớ hay thợ, bị luỵ vì cái kĩ năng của mình mà lao thân, khổ tâm mà thôi. Chó vì giỏi bắt chồn mà bị hoạ, khỉ vì nhanh nhẹn mà bị bắt ra khỏi rừng. Khâu (tên Khổng Tử), tôi cho anh hay một điều mà chưa ai nói, mà chính anh diễn cũng không được. Không thiếu gì người có đủ thân thể từ đầu tới ngón chân mà không có tim, không có tai (nghĩa là không có tinh thần). Họ không hiểu được rằng cái có hình thể với cái không có hình thể (tức cái trừu tượng) không thể đồng thời tồn tại được[370]. Chẳng hạn động rồi ngừng, sinh rồi chết, suy rồi thịnh, là do Đạo, mà chúng ta không sao biết được nguyên nhân. Đặt cho nguyên nhân trước sau là do người. Người nào quên được ngoại vật, quên cả thiên nhiên, tức là quên mình thì hoà hợp với tự nhiên.
10
Tương Lư Miễn lại thăm Quí Triệt, thưa:
– Vua Lỗ hỏi ý kiến tôi về thuật trị nước. Tôi không từ chối được nên phải đáp, không biết đúng hay không, xin trình lại với ông. Tôi nói với vua Lỗ: “Phải cung kính và tiết kiệm, đề bạt những người công tâm, trung chính, không che chở những kẻ a dua với mình, như vậy không ai đám trái mình”.
Quí Triệt cười sằng sặc, đáp:
– Ông khuyên các vua chúa như vậy [mà họ theo ông] thì không khác gì con bọ ngựa đưa hai cái càng lên để cản chiếc xe, làm sao cản nổi mà còn nguy vào thân nữa. Vua Lỗ mà nêu cao những đức ấy để dùng người thì số người tự tiến thân rất đông.
Tương Lư Miễn ngạc nhiên, bảo:
– Tôi không hiểu ý ông, xin ông chỉ cho tôi đại cương đạo của ông.
Quí Triệt đáp:
– Bậc đại thánh trị dân thì giải phóng lòng dân [nghĩa là không bó buộc họ], giáo dục họ bằng cách sửa đổi phong tục, diệt mầm xấu của họ và để họ tuỳ theo khuynh hướng của họ. Như vậy họ theo bản tính tự nhiên mà không hiểu tại sao. Trị dân như vậy thì đâu có trọng phương pháp dạy dân của Nghiêu, Thuấn mà bắt chước hai ông đó. Chỉ hoà đồng với cái Đức mà lòng tự nhiên được yên.
11
Tử Cống (một môn đệ của Khổng Tử) sau khi xuống nước Sở ở phương Nam, trở về Tấn, đi qua đất Hán Âm, thấy một ông lão đương làm vườn. Ông ấy xuống một đường hầm, vô một cái giếng, rồi xách một vò nước để tưới rau. Cực nhọc mà kết quả chẳng được bao. Tử Cống nói với ông Lão:
– Có một cái máy một ngày có thể tưới được một trăm luống rau, cụ muốn dùng không?
Ông lão ngững lên nhìn Tử Cống, hỏi:
– Cái máy ấy ra sao?
– Máy ấy bằng gỗ đục, phía sau nặng, phía trước nhẹ, đưa [vò] nước lên như thể kéo bằng tay vậy, mau như nước sôi tràn nồi. Tên nó là cái “cao”[371].
Ông lão làm vườn nghe xong, nổi giận, đỏ mặt lên, cười nhẹ, bảo:
– Lão nghe thầy lão nói rằng hễ dùng cơ giới thì tất có cơ tâm (lòng máy móc), có cơ tâm thì không còn thiên tính trong trắng nữa mà tâm thần không yên ổn, tâm thần không yên ổn thì Đạo sẽ lánh xa, không che chở mình nữa. Lão không phải không biết cái lợi của cơ giới, nhưng cho dùng nó là nhục, thế thôi.
Tử Cống xấu hổ, cúi đầu không đáp. Một lát sau, ông lão làm vườn mới hỏi:
– Chú là ai?
– Thưa, một môn đệ của Khổng Khâu.
– Chú phải thuộc hạng người muốn học cho rộng để đòi làm ông thánh, hô hào để thiên hạ theo mình, gãy đàn, ca hát than thở để chuốc danh đấy không? Chú nên quên thần khí, bỏ hình hài của chú đi thì may ra mới gần được Đạo. Thân chú, chú còn không “trị” được thì làm sao trị được thiên hạ? Thôi đi đi, để lão làm việc.
Tử Cống xấu hổ, tím mặt lại, sợ sệt. Không trấn tỉnh lại được ngay. Đi ba chục dặm rồi tâm thần mới định.
Bọn đệ tử hỏi Tử Cống:
– Người lúc nãy là ai vậy? Tại sao thầy biến sắc suốt ngày như vậy?
Tử Cống Đáp:
– Trước kia ta cho rằng trong thiên hạ chỉ có mỗi một người [là Khổng Tử], không ngờ còn ông lão này. Ta nghe thầy ta dạy: “Hành động thì phải hợp với thời cơ, công nghiệp thì phải tính sao cho thành công. Dùng sức ít mà kết quả nhiều, đó là đạo của thánh nhân”. Lời của ông lão nay khác khác hẳn; [ông ấy khuyên] hễ giữ được Đạo thì cái Đức mới toàn vẹn, Đức toàn vẹn thì hình thể mới toàn vẹn, hình thể toàn vẹn thì tinh thần được toàn vẹn. Giữ cho tinh thần toàn vẹn là đạo của thánh nhân. Thánh nhân sống tạm ở đời này cũng như mọi người, không biết [chết rồi] về đâu. Thật là hoàn toàn trong sạch. Người nào chỉ nghĩ tới cái lợi mà dùng cơ giới là không giữ được cái tâm như ông lão ấy. Ông ấy chỉ theo ý chí của mình, hành động theo lòng mình. Dù được cả thiên hạ khen vả theo lời mình, ông ấy cũng thản nhiên; dù bị thiên hạ chê là lời ông ấy không theo được, ông ấy cũng không buồn. Khen hay chê cũng không làm ông ấy thay đổi gì cả, như vậy là toàn đức. Ta chỉ là hạng người dễ bị ảnh hưởng của người khác như làn sóng dưới gió.
Về tới Lỗ, Tử Cống kể lại chuyện ấy với Khổng Tử. Khổng Tử bảo: “Người đó hiểu lầm đạo thuật của thời nguyên thuỷ hỗn mang. Người đó biết một mà không biết hai, biết trị nội tâm mà không biết trị ngoại vật. Giữ cái tâm sáng suốt, chất phác, vô vi để trở về với tự nhiên, giữ được bản tính và tinh thần, ngao du trong cõi thế tục, cái đó có gì cho anh ngạc nhiên? Đạo thuật của thời nguyên thuỷ hỗn mang, có đáng gì cho thầy trò mình biết?”.
12
Tối-tăm-dày-đặc đi ra biển lớn, gặp Gió-lốc ở bờ biển Đông. Gió-lốc hỏi:
– Anh đi đâu vậy?
Tối-tăm-dày-đặc đáp:
– Ra biển lớn.
– Để làm gì?
– Biển lớn là chỗ nước đổ vào bao nhiêu cũng không đầy, tát đi bao nhiêu cũng không cạn. Tôi muốn đi chơi cho biết.
Gió-lốc bảo:
– Tuy ông không để mắt gì tới dân chúng, nhưng tôi cũng xin ông cho nghe cái đạo của thánh nhân.
– Thánh nhân trị dân như vầy: đặt ra các chức quan theo nhu cầu, giao chức vụ tuỳ theo tài năng của mỗi người, hiểu hết sự tình của dân và thuận theo khuynh hướng của dân mà làm. Người trị dân mà nói và làm đúng theo qui tắc ấy thì dân tự nhiên cảm hoá. Chỉ đưa ngón tay lên hay liếc mắt mà dân chúng bốn phương đều qui phụ. Đó là đạo trị dân của thánh nhân.
Gió-lốc lại hỏi:
– Xin ông cho nghe hành vi của người có đức.
– Người có đức ở không thì không nghĩ gì cả, hành động thì không lo lắng gì cả; không phân biệt phải trái, đẹp xấu. Dân bốn bể được lợi là người ấy vui rồi, dân bốn bể đủ ăn mặc là người ấy yên tâm rồi. Không biết nhờ cậy ai như em bé mồ côi mẹ, hoang mang như người đi lạc đường. Có của cải, thức ăn mà không biết do đâu. Như vậy là người có đức.
– Bây giờ xin ông nói cho nghe về bậc thần nhân.
– Bậc thần nhân siêu việt thì cưỡi ánh sáng, cho nên hình thể không có dấu vết. Như vậy là chiếu sáng khắp vũ trụ. Tận dụng sự phú bẩm của mình, phát triển hết bản tính của mình. Cùng vui với trời đất mà không luỵ về việc đời. Vạn vật trở về bản nguyên. Như vậy là hợp nhất với trạng thái hỗn mang nguyên thuỷ.
13
Môn Vô Quỉ và Xích Trương Mãn Kê coi đoàn quân của vua Vũ diễn qua. Xích Trương Mãn Kê bảo:
– Vua Vũ kém vua Thuấn, cho nên phải dùng đến cái [mầm] tai hoạ này (tức binh đội).
Môn Vô Quỉ hỏi:
– Nhưng khi vua Thuấn lên ngôi, thiên hạ đã bình trị rồi ư? Hay thiên hạ đang loạn mà vua Thuấn bình trị được?[372]
– Nếu thiên hạ bình trị rồi thì đâu phải nhờ tới vua Thuấn? Ống Thuấn đã đắp thuốc lên đầu một vết thương ở đầu, đội tóc mượn lên cái đầu hói. Có đau mới mời thầy thuốc. Người con có hiếu đem thuốc lại dâng cha hiền mà mặt rầu rầu. Thánh nhân thấy vậy làm nhục[373].
Thời chí đức thì người ta không trọng người hiền, không dùng người tài giỏi. Người cầm quyền như những cành cao (nghĩa là ở trên mọi người), dân [tự do, vui vẻ] như con hươu trên đồng. Ai nấy đều đoan chính mà không biết như vậy là hợp nghĩa; đều yêu nhau mà không biết như vậy là có đức nhân; đều thành thực mà không biết như vậy là trung thành; đều giữ lời mà không biết như vậy là có đức tín; đều giúp đỡ nhau mà không biết như vậy là làm ơn cho nhau. Vì vậy mà hành vi của họ không để lại hình tích gì cả, sự nghiệp của họ không được truyền lại.
14
Người con có hiếu không a dua với cha mẹ, người bề tôi trung không nịnh bợ vua. Làm con và bề tôi như vậy là được.
Nếu cha mẹ nói gì con cũng nhận là phải, làm gì con cũng khen là tốt, thì người ta cho là đứa con hư; nếu vua nói gì bề tôi nhận là phải, làm gì bề tôi cũng khen là tốt, thì người ta cho là hạng bề tôi xấu. Người ta thường phán đoán như vậy mà không biết như vậy đúng hay sai. Nhưng nếu có ai nhận là phải điều gì mà mọi người nhận là phải, khen là tốt việc gì mà mọi người khen là tốt, thì lại không mang tiếng a dua, nịnh bợ. Như vậy thì chẳng hoá ra kính trọng người đời hơn cha mẹ cùng vua của mình ư? Nếu có ai bảo ta là a dua, nịnh bợ thì ta nổi giận, đỏ mặt lên, vậy mà ta suốt đời a dua, nịnh bợ người đời. Này nhé, chúng ta so sánh, dùng lời hoa mĩ để được nhiều người đứng về phía mình, thế mà trước sau chẳng ai trách ta cả; chúng ta trang sức y phục, tô điểm màu sắc, trao chuốc dung mạo, để làm vui lòng mọi người, vậy mà không tự nhận mình là a dua, nịnh bợ. Người nào chỉ bắt chước người khác, phụ hoạ với họ, họ cho là phải mình cũng cho là phải, họ cho là trái mình cũng cho là trái, người nào như vậy mà không tự nhận mình thuộc đám quần chúng, thì thật chí ngu.
Người nào nhận mình là ngu chưa phải là đại ngu, người nào nhận mình là mê hoặc thì chưa phải là rất mê hoặc. Người nào rất mê hoặc thì không bao giờ tỉnh ngộ được; người nào đại ngu thì trọn đời không bao giờ sáng suốt được.
Ba người cùng đi mà có một người mê hoặc thì còn có thể đi tới chốn được vì số mê hoặc ít hơn số người sáng suốt. Nếu hai người mê hoặc thì mệt nhọc mà không sao tới chốn được, vì số người mê hoặc nhiều hơn số người sáng suốt.
Ngày nay, cả thiên hạ mê hoặc, tôi có muốn tìm đúng đường đi cũng không được. Buồn thật.
Hạng người thường không hiểu nổi thứ âm nhạc cao nhã, mà nghe những bài “Chiết liễu” (Bẻ liễu), “Hoàng hoa” (Hoa rực rỡ) họ thích thú và cười. Cũng vậy, những lời thanh cao không làm cảm động được hạng người thường, những lời cực cao không thể phát ra được vì bị những lời thế tục át mất. Như tới ngã ba, không biết theo đường nào[374] thì không thể tới chốn được. Ngày nay, cả thiên hạ mê hoặc, tôi có muốn tìm đúng đường cũng không biết làm sao tìm được? Biết rằng không thể được mà cứ miễn cưỡng tìm nó cho được thì cũng lại là mê hoặc nữa. Không bằng bỏ mặc mà không tìm gì cả, không tìm gì cả thì ai là người cùng lo buồn với tôi?[375] Một người đàn bà cùi nửa đêm sanh con, vội vàng đem đèn lại coi xem nó có giống mình không.[376]
15
Cây trăm năm cưa ra làm chén thờ sơn xanh sơn vàng, còn gỗ dư đem ném xuống hào. So sánh những chén thờ và gỗ dưới hào ấy thì đẹp xấu khác nhau xa nhưng đều là mất bản tính cả. Đạo Chích với Tăng Sâm, Sử Ngư cũng vậy, tuy khác nhau về đức hạnh, nghĩa khí nhưng cũng mất bản tính như nhau.
Có năm cách mất bản tính:
1- ngũ sắc làm loạn mắt mà mắt hoá mờ,
2- ngũ âm làm loạn tai mà tai hết thính,
3- năm mùi làm nghẹt mũi mà xông lên tới óc,
4- ngũ vị làm dơ miệng mà miệng lạt đi, không nếm được nữa,
5- thích và ghét làm loạn cái tâm mà tâm tính hoá ra phù táo (dễ nóng nảy).
Năm loại đó đều làm hại bản tính. Vậy mà Dương Chu và Mặc Địch lại dụng tâm biểu hiện tài năng, cho mình là đắc ý. Tôi không nghĩ vậy. Đắc ý mà bị khốn, còn bảo là đắc ý được nữa không? Bảo là được thì như con chim cưu, con chim hào ở trong lồng kia, cũng có thể bảo là đắc ý được. Cũng vậy, hạng người bị sự thích và ghét thanh sắc làm tắc nghẽn nội tâm, bị mũ da, mũ lông, cái hốt, cái đai, quan trùng áo dài và các đồ trang sức trói buộc hình hài, mà nội tâm thì bị tắc nghẽn, rào kín, như thể bị dây lớn ràng buộc cũng có thể cho là đắc ý được; mà bọn tội nhân bị trói tay cột chân, các con hổ con báo bị nhốt trong chuồng, cũng có thể tự coi là đắc ý nữa.
*
(Chương này và hai chương sau có nhiều điểm giống nhau nên sẽ có nhận định chung ở cuối chương XIV).
Chú thích :
[353] Vì có câu ở dưới, nên một nhà chú giải Trang tử, Vương Thục Mân bảo nguyên văn chép lộn. Không phải là: “thông ư thiên địa giả, Đức dã; hành ư vạn vật giả, Đạo dã”. Nên sửa là: “thông ư thiên giả, Đạo dã; thuận ư địa giả, Đức dã; hành ư vạn vật giả, nghĩa dã”. Và các bản dịch bây giờ đều theo Vương.
[354] Bài này mỗi sách giảng một khác. Chẳng hạn câu cuối, nguyên văn là: “Thông ư nhất nhi vạn sự tất, vô tâm đắc nhi quỉ thần phục”. L.K.h. dịch: Hiểu được sự đồng nhất nguyên thuỷ thì thành công trong mọi việc; không có thành kiến thì quỉ thần kính phục. Tôi nghĩ “nhất” đó là đạo vô vi, mà “vô tâm” tức là “vô dục” trong câu trên.
[355] Không rõ ai. Có sách bảo là Lão tử hay Khổng Tử; có sách bảo là Trang tử.
[356] Có sách khép dấu ngoặc kép ở đây, có sách tới cuối bài mới khép dấu ngoặc kép.
[357] Nguyên văn: hiển tắc minh. Nghĩa từng chữ: có danh vọng thì sáng. L.K.h. dịch là: ai tự cho mình có danh vọng thì tất phô trương ra. Giảng như vậy gượng quá. Các sách khác giảng cũng không xuôi. Chẳng hạn H.C.H. giảng là: hiển thì sáng suốt, không phân biệt mình và vạn vật. Tiền Mục ngờ rằng ba chữ đó chỉ là lời chú thích của người đời sau.
[358] Chữ sinh ở đây phải đọc là tính.
[359] Nghĩa là vô tâm, cứ thuận theo thiên nhiên.
[360] Có sách bảo ở đây mất mấy chữ, nên nghĩa không rõ. [Trong sách thiếu dấu ngoặc kép khép lại; tôi tạm đặt nó ở đây – Goldfish].
[361] Li Chu là người rất tinh mắt, ngoài trăm thước thấy được đầu lông mùa thu. – Có thể hiểu là tượng trưng cho trực giác.
[362] Có sách giảng là tượng trưng cho sự phân tích, nghĩa cũng vậy.
[363] Về ba nhân vật Niết Khuyết, Vương Nghê, Bị Y, coi chú thích bài 1 chương VII. Niết Khuyết tượng trưng cho trí tuệ phân tích.
[364] Nguyên văn: hữu tộc, hữu tổ (có họ hàng, tổ tiên), mỗi sách giảng một khác.
[365] Nguyên văn: bất khả dĩ vi chúng phụ phụ: không thể làm cha của bậc cha dân.
[366] Có sách chú giải con chim “thuần” ở không có chỗ nhất định, chim con được chim mẹ mớm cho. Có lẽ tác giả muốn nói “thánh nhân” nay đây mai đó, tới đâu cũng được người ta cung cấp cho, ăn uống rất ít.
[367] Lão tử đã nói: Vô danh, thiên địa chi thuỷ (cái không có tên là nguồn gốc của vạn vật)
[368] Lạo tử đã nói: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.
[369] Nguyên văn: Li kiên bạch, nhược huyền ngụ. Mỗi nhà giảng một khác. Tôi theo Nghiêm Phục. Cứng và trắng, hai cái đó đều thuộc vào một phiến đá mới thấy – nghĩa là phải thuộc vào một cái gì cụ thể. Nay tách chúng ra khỏi phiến đá, chúng thành ra trừu tượng, như vậy thì không khác gì treo chúng lên không trung. L.K.h. dịch là: Có thể phân biệt sự cứng và sự trắng của một phiến đá cũng dễ dàng như như phân biệt những vật treo trong nhà.
[370] Cả đoạn này, mỗi sách giảng một khác, mà đều không xuôi. Người viết bài này không biết rằng thời Khổng Tử chưa có thuyết “li kiên bạch” ư? Hay là biết mà bất chấp lịch sử?
[371] Tức cây “cần vọt” thường dùng ở miền Trung, Đông Nam Kì (BT).
[372] Có lẽ tác giả muốn nói: hễ loạn thì phải dùng binh, phải dùng binh hay không dùng binh là do hoàn cảnh, chứ không nhứt định rằng ông vua không phải dùng binh là một vua hiền.
[373] Nghĩa là thánh nhân trị nước không để cho tới nổi loạn mà phải dùng binh, cũng như để tới đau rồi phải dùng thuốc.
[374] Nguyên văn: dĩ nhị thuỳ chung hoặc. Các sách Trung Hoa đều giải thích như vậy. L.K.h. chắc theo một bản trong đó chữ chung viết là chúng (gót chân) nên dịch là: treo gót chân lên không thì làm sao tới chốn được. [Câu tương ứng, các trang trên mạng đề chép: 以二缶钟惑 (dĩ nhị phẫu chung hoặc), theo bác Vvn giải thích thì “chữ 缶 đọc là phẫu (hoặc phữu; chứ không phải thuỳ), ám chỉ khúc nhạc có âm thanh thô lậu, thô tục như tiếng gõ chậu sành; và nghĩa cả câu là: bị hai cái khúc hát thô lậu trên làm cho hồ đồ” – Goldfish]
[375] L.K.h. dịch là: không bằng bỏ mặc, đừng kích thích đời nữa, mà an tâm sống với nó. Nguyên văn: Thuỳ kì tỉ ưu?
[376] Câu cuối bài này, Nghiêm Phục bảo là một đoạn riêng, không liên quan gì với cả bài.
(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.