Nam Hoa chân kinh

CHƯƠNG 24 – TỪ VÔ QUỶ 莊子 南華經



Người trí mưu mà không có cơ hội tư lự thì không vui; người biện luận không có cơ hội biện thuyết thì không vui; người khảo sát không có cơ hội chỉ trích, rầy la thì không vui. Những người đó đều bị ngoại vật trói buộc. Kẻ sĩ thanh cao thì được đề cao ở triều đình; kẻ sĩ khéo trị dân thì được vinh hiển; kẻ có sức mạnh thì thích sự gian nan; kẻ dũng cảm thì thích chống hoạn nạn; binh sĩ thì thích chiến tranh; kẻ khắc kỉ thân hình khô đét thì ham hư danh; kẻ thích pháp luật (Pháp gia) thì thích mở rộng trật tự trong nước; kẻ thích lễ nhạc (Nho gia) thì sửa sang dáng điệu; người thích nhân nghĩa thì trọng sự giao tế.

1

Ẩn sĩ nước Nguỵ là Từ Vô Quỉ, do Nữ Thương[615] giới thiệu, vô yết kiến Nguỵ Vũ Hầu. Nguỵ Vũ Hầu uỷ lạo:

– Tiên sinh tiều tuỵ quá. Chắc đời sống trong rừng núi cực nhọc lắm, nên mới lại thăm quả nhân đây.

Từ Vô Quỉ đáp:

– Tôi lại uỷ lạo nhà vua, chứ nhà vua can gì uỷ lạo tôi. Nếu lòng nhà vua đầy thị dục, cứ tiếp tục yêu ghét không dứt thì tính mệnh sẽ bị tổn hại; mà nếu nhà vua bỏ hết thị dục, không yêu không ghét nữa, thì tai mắt sẽ bị tổn hại. Vì vậy tôi lại uỷ lạo nhà vua đây, chứ nhà vua can gì phải uỷ lạo tôi?

Vũ Hầu chưng hững, không biết đáp sao. Một lát sau, Từ Vô Quỉ lại nói:

– Tôi xin trình bày với nhà vua những nhận xét của tôi về loài chó. Thứ chó hạ đẳng thì chỉ nghĩ tới chuyện ăn cho no, không khác gì loài chồn; con nào nhìn mặt trời vào hạng trung đẳng; còn thứ thượng đẳng quên thân thể của chúng đi. Thuật coi tướng chó của tôi còn kém thuật coi tướng ngựa nữa. Loài ngựa, con nào mà đường nét hoặc thẳng như vạch bằng dây mực, hoặc cong như cái móc, đường thì vuông như thước thợ, đường thì tròn như vẽ bằng cái qui (com-pa), con đó đáng là ngựa quí trong nước, nhưng còn kém những con quán tuyệt trong thiên hạ, cực có tài mà bề ngoài như rầu rĩ, ngơ ngác như tự quên chúng. Những con này tài tới nỗi khi phi không lưu lại một vết hoặc làm tung một hạt bụi nào cả[616], không ai theo được dấu của chúng.

Vũ Hầu nghe thích quá, cười vang.

Khi Từ Vô Quỉ bước ra ngoài, Nữ Thương hỏi:

– Chỉ có Từ Vô Quỉ làm cho nhà vua vui được như vậy, nhờ cách nào đó? Muốn làm cho nhà vua vui, chúng tôi xa thì nói về thi, thư, lễ, nhạc, gần[617] thì nói về kim bản, lục thao[618], không biết bao người gắng sức phụng sự mà không làm cho nhà vua hé môi ra được. Nay tiên sinh nói với nhà vua những gì mà nhà vua vui như vậy?

Từ Vô Quỉ đáp:

– Tôi chỉ nói về cách coi tướng chó và tướng ngựa thôi.

Nữ Thương ngạc nhiên:

– Chỉ có vậy thôi ư?

– Vậy ông không biết chuyện một người nước Việt bị đày đi xa ư? Mới xa nước được mấy ngày, gặp người quen thì mừng. Xa nước được một năm, mới thấy người nào giống người nước Việt thì đủ mừng rồi. Xa nước càng lâu, lòng nhớ người đồng hương càng nặng.

Một người lạc vào một nơi hoang vắng, đương tìm lối ra trong cỏ lê cỏ hấp lấp kín đường của loài chồn loài cáo, bổng nghe thấy tiếng chân người thì làm sao không mừng, huống hồ là được nghe thấy tiếng nói tiếng cười của anh em, cha mẹ, thân thích. Đã từ lâu rồi, nhà vua chúng ta không được nghe những lời đàm tiếu của người thường.[619]

 

2

Từ Vô Quỉ yết kiến Vũ Hầu, Vũ Hầu bảo:

– Tiên sinh ở trong rừng núi, ăn trái “tự”, trái “lật”, rau hành, rau “phỉ” mà bỏ quả nhân từ bấy lâu. Nay tiên sinh đã già. Tiên sinh muốn nếm mùi rượu thịt hay là muốn quả nhân mưu hạnh phúc cho xả tắc đây?

Vũ Hầu bảo:

– Muốn gặp tiên sinh từ lâu. Quả nhân muốn yêu dân, theo đạo nghĩa mà dẹp việc binh đi, nên chăng?

Từ Vô Quỉ đáp:

– Không nên. Yêu dân tức là bắt đầu hại dân đấy. Theo đạo nghĩa mà dẹp việc binh tức là gây ra binh đao đấy. Nhà vua làm vậy sẽ không thành công đâu, vì muốn cho quá tốt thì sẽ gây hoạ. Nhà vua làm điều nhân nghĩa thì chẳng bao lâu sẽ hoá ra giả dối. Có cái hình tích [trỏ nhân nghĩa] gây ra hình tích: thành công tất gây ra thất bại, cải biến phép thường thì tất gây ra chiến tranh với nước ngoài. Nhà vua đừng nên dàn bộ binh ở dưới lầu cao, đừng tập hợp kị binh ở trên đàn, đừng trái đạo mà cầu thoả dục, đừng dùng xảo trá mà thắng người, đừng dùng mưu mô để thắng người, đừng dùng chiến tranh để thắng người. Giết nhân dân của người ta, xâm chiếm đất đai người ta để thoả mãn tư dục cùng tâm thần của mình, chiến tranh như vậy là tốt ở chỗ nào? Nhà vua đừng nên làm như vậy mà nên bồi dưỡng lòng thành, ứng với luật trời đất, đừng bao giờ làm trái nó, như vậy dân sẽ tránh được cái hoạ chết chóc. Sao nhà vua lại muốn dẹp việc binh đi?

 

3

Từ Vô Quỉ đáp:

– Tôi sinh trong một gia đình nghèo hèn, chưa bao giờ dám nghĩ tới việc hưởng rượu thịt của nhà vua. Tôi tới đây là để uỷ lạo nhà vua.

– Sao vậy? Quả nhân có gì mà phải uỷ lạo?

– Uỷ lạo hình thể và tâm thần nhà vua.

– Thế là nghĩa làm sao?

Từ Vô Quỉ đáp:

– Trời đất nuôi người, ai cũng như ai. Người ở địa cao cũng không tự cho là quí, người ở địa vị thấp cũng không tự cho là tiện. Riêng nhà vua làm chủ một nước có vạn cổ xe mà bắt dân chúng phải lao khổ để cung phụng cho tai mắt mũi miệng của mình, điều đó tâm thần nhà vua[620] không chấp nhận, vì tâm thần mọi người đều thích sự hoà đồng mà ghét sự vị kỉ. Sự vị kỉ là một thứ bệnh, cho nên tôi uỷ lạo nhà vua. Tại sao nhà vua cứ giữ bệnh đó hoà vậy?

Hoàng Đế lại thăm Đại Ngỗi ở trên núi Cụ Tì. Phương Minh đánh xe [ngồi bên trái], Xương Ngụ ngồi bên phải [cho cân]; Trương Nhược và Tập Bằng đi phía trước, dẫn ngựa, Côn Hôn và Hoạt Kê đi phía sau. Tới cánh đồng Tương Thành[621], bảy ông thánh ấy lạc lối, không gặp ai để hỏi đường. Bỗng họ thấy một đứa trẻ chăn ngựa, bèn hỏi:

– Em biết đường lên núi Cụ Tì không?

Đứa nhỏ đáp:

– Con biết.

Hoàng Đế hỏi:

– Em biết ông Đại Ngỗi không?

– Con biết.

Hoàng Đế bảo: Thằng bé này lạ thật, chẳng những biết núi Cụ Tì mà còn biết chỗ ở của ông Đại Ngỗi nữa. [Rồi quay lại hỏi đứa nhỏ]:

– Thế em biết cách trị thiên hạ không?

– Trị thiên hạ cũng vậy chớ có chuyện gì đâu. Hồi nhỏ con đi chơi trong cõi lục cực [khắp thiên hạ], bị chứng mờ mắt. Một người lớn tuổi bảo con đánh cái xe mặt trời[622] mà đi chơi trong cánh đồng Tương Thành, nay bệnh của con đã đỡ, con lại đi chơi ra ngoài cõi lục cực. Trị thiên hạ thì cũng như vậy mà thôi.[623]

Hoàng Đế bảo:

– Trị thiên hạ quả không phải là việc của em rồi, nhưng tôi cũng cứ hỏi em thêm nữa.

Em đó từ chối. Hoàng Đế cố hỏi, em đáp:

– Cách trị thiên hạ có khác gì cách chăn ngựa đâu. Chỉ trừ cái hại cho ngựa là được.

Hoàng Đế cúi đầu sát đất, lạy hai lạy, gọi em là “thiên sư” (bực thầy trên trời) rồi đi.

 

4

Người trí mưu mà không có cơ hội tư lự thì không vui; người biện luận không có cơ hội biện thuyết thì không vui; người khảo sát không có cơ hội chỉ trích, rầy la thì không vui. Những người đó đều bị ngoại vật trói buộc.

Kẻ sĩ thanh cao thì được đề cao ở triều đình; kẻ sĩ khéo trị dân thì được vinh hiển; kẻ có sức mạnh thì thích sự gian nan; kẻ dũng cảm thì thích chống hoạn nạn; binh sĩ thì thích chiến tranh; kẻ khắc kỉ thân hình khô đét thì ham hư danh; kẻ thích pháp luật (Pháp gia) thì thích mở rộng trật tự trong nước; kẻ thích lễ nhạc (Nho gia) thì sửa sang dáng điệu; người thích nhân nghĩa thì trọng sự giao tế.

Nông phu mà không có việc cày bừa để làm thì không vui; thương nhân không có công việc chợ búa thì không vui; người thường có công việc làm từ sáng tới tối thì mới hăng hái; thợ thuyền có khéo chế tạo được khí cụ thì mới phấn khởi; kẻ tham tiền mà không tích luỹ được tiền của thì buồn; kẻ quyền thế không có gì hơn người để khoe thì rầu rĩ; kẻ mạo hiểm sinh sự thì thích thời biến loạn để rình cơ hội mà dùng tài năng của mình, không thể vô vi được.

Tóm lại, mọi người đều theo thời, mỗi người một việc mà không thay đổi được; họ lôi kéo hình hài, bản tính của họ, chìm đấm vào ngoại vật, suốt đời không giác ngộ. Buồn thay!

 

5

Trang tử bảo Huệ tử:

– Người bắn cung vô tình bắn trúng đích thì có thể gọi là thiện xạ rồi kết luận rằng mọi người đều là Hậu Nghệ cả không?

Huệ tử đáp:

– Được.

Trang tử lại hỏi:

– Nếu trong thiên hạ không có chân lí chung cho mọi người mà ai cũng tự cho mình là nắm được chân lí, thì có thể bảo rằng mọi người đều là minh triết như vua Nghiêu được không?

Huệ tử đáp:

– Được.

Trang tử bảo:

– Vậy thì Nho, Mặc, Dương Chu, Công Tôn Long là bốn, với ông nữa là năm, nhà nào nắm được chân lí? Hay cũng như chuyện Lỗ Cự[624]? Một hôm một môn sinh của Lỗ Cự bảo:

– Con đã học được đạo của thầy: mùa đông con tạo ra lửa để nấu cái vạc và mùa hè đã tạo ra băng[625].

Lỗ Cự bảo:

– Cách đó chỉ là dùng khí dương thu hút khí dương, khí âm thu hút khí âm, không phải là đạo của ta.

Nói rồi, Lỗ Cự hoà hai cây đàn sắt, một cây đặt ở phòng ngoài, một cây đặt trong phòng trong. Khi ông ta gảy âm “cung” của một cây đàm thì âm “cung” của cây đàn kia cũng vang lên; gảy âm “giốc”[626] cũng vậy, đó là lẽ “âm luật tương đồng”.

Nếu Lỗ Cự sửa đổi một dây của một cây đàn để thành điệu lạ (biến điệu) thì sẽ không còn sự hoà hợp giữa ngũ âm nữa. Như vậy đụng vào một dây thì hai mươi lăm dây của cây đàn kia rung động cả lên, sẽ nghe thấy tiếng đấy nhưng là những tiếng không hoà hợp nhau, không có âm nào làm chủ âm cả. Sự không hoà hợp đó cũng như sự tranh biện của năm nhà đó vậy.[627]

Huệ tử bảo:

– Nay các phái Nho, Mặc, Dương Chu và Công Tôn Long tranh biện với tôi, dùng lời lẽ công kích nhau, lớn tiếng áp đảo nhau, ai cũng cho là phải, như vậy là làm sao?[628]

Trang tử đáp:

– Nước Tề có người qua Tống tìm đứa con trai thất lạc mà không cho người giữ cửa thành nước Tống đủ chi tiết về nó, rồi khi trở về, chở theo nhiều bình và chuông quí, bao rất kỹ lưỡng. Người đó không tìm con, tuy qua Tống mà cũng như không ra khỏi nhà. Thái độ người đó thật khó hiểu.

Một người nước Sở ở nhờ nhà một người khác mà nổi giận trách người coi cửa của chủ nhà, rồi nửa đêm, lúc không có người, gây lộn với người đưa thuyền, bị người này liệng xuống sông trước khi rời bờ.[629]

 

6

Một hôm Trang tử đưa ma, ngang qua mộ của Huệ tử, bèn quay lại nói với người đi phía sau:

– Một người đất Dĩnh (nước Sở) đầu mũi dính[630] một cục đất sét trắng lớn bằng cánh con ruồi, nhờ người thợ mộc tên là Thạch dùng lưỡi rìu đẽo đi. Thạch múa rìu vù vù như tiếng gió, đẽo văng cục đất sét mà không đụng tới mũi, và người kia cũng không hề thất sắc.

Vua Tống Nguyên Quân hay truyện đó, cho vời thợ mộc Thạch lại bảo: “Thử làm lại với quả nhân xem nào”. Thạch từ chối: “Thần đã làm được việc đó, nhưng đối thủ của thần chết đã lâu rồi”[631]. Trang tử kết: “Từ khi Huệ tử mất, đối thủ của tôi cũng chết rồi, tôi không còn ai để tranh luận nữa”.

 

7

Bài này tức nửa dưới bài VI.3 trong Liệt tử chép truyện Quản Trọng khuyên vua Tề dùng Thấp Bằng, chỉ khác dăm ba chữ. Trong Liệt tử chúng tôi đã dịch rồi – trang 106-09.

 

8

Vua Ngô qua sông Trường Giang, lên núi Khỉ. Nhiều con khỉ trông thấy, sợ, chạy trốn trong rừng sâu. Chỉ có một con ung dung ngồi gãi, tỏ tài để khiêu khích nhà vua. Vua Ngô bắn một mũi tên, nó bắt được. Nhà vua bèn bảo bọn tuỳ tùng xúm lại bắn, rốt cuộc con khỉ bị bắn chết..

Nhà vua quay lại bảo bạn là Nhan Bất Nghi:

– Con khỉ ấy chết vì cậy tài và khiêu khích quả nhân. Nên lấy đó mà răn mình. Đừng tỏ vẻ ngạo mạn với người khác.

Nhan Bất Nghi về nhà, thờ Đổng Ngô làm thầy để bỏ vẻ tự cao, diệt tính ham thanh sắc và vinh hoa. Sau ba năm, Nhan được mọi người trong nước khen.

 

9

Nam Bá Tử Kì ngồi tựa cái bàn con, ngửa mặt lên trời, thở dài. Nhan Thành tử[632] lại gần thưa:

– Thầy là bậc siêu nhân. Sao thầy phải làm cho thân hình như cây khô, lòng như tro tàn thế kia?

Nam Bá Tử Kì đáp:

– Ta có thời ở ẩn trong núi trong hang. Lúc đó, vua Tề là Điền Hoà một lần lại thăm ta mà được dân chúng nước Tề ba lần khen. Ta tất phải có danh tiếng rồi ông ấy mới biết ta được chứ; ta tất phải tự khoe ta rồi ông ấy mới tìm kiếm ta chứ. Nếu ta không có danh tiếng thì làm sao ông ấy biết ta? Than ôi! Ta thương cho kẻ nào tự táng tâm, ta lại thương cho người nào thương kẻ đó, ta lại thương cho người nào thương cho người thương kẻ đó; và từ đó ta cứ mỗi ngày mỗi xa lần người đời.

 

10

Khổng Tử lại nước Sở, vua Sở đãi rượu mừng. Tôn Thúc Ngao cầm bình rượu đứng lên, Thị Nam Nghi Liêu[633] vẩy rượu[634] rồi nói:

– Cổ nhân gặp những lúc như lúc này tất tuyên bố một lời gì đây.

Khổng Tử bảo:

– Ta nghe nói có thứ ngôn luận mà không nói. Tôi chưa hề giảng về điều đó, bây giờ xin giảng. Ông Thị Nam Nghi Liêu tung các viên đạn mà tránh được cái hoạ cho hai nhà[635]; ông Tôn Thúc Ngao nằm yên cầm quạt lông mà dân thành Dĩnh (kinh đô nước Sở) khỏi phải ra trận[636]. Tôi giá có một cái miệng rộng ba thước cũng không dùng được vào việc gì đâu?

Nghi Liêu và Thúc Ngao diễn cái Đạo không bằng lời nói[637] [mà bằng hành động]; còn Khổng Tử thì ngôn luận mà không nói. Cho nên cái Đức bao gồm trong cái Đạo, mà lời nói ngừng lại ở chỗ trí tuệ không thể biết được, lẽ đó thực cao minh. Cái mà Đạo bao gồm thì Đức không thể bao gồm được, cái mà trí tuệ không biết được thì lời nói không thể diễn được. Sự phân biệt cái danh[638] (hay chính danh?) dù của Nho gia hay Mặc gia đều tai hại.

Biển không từ một dòng nước nào chảy qua phía Đông[639] mà không nhân, nhờ vậy mà nó cực rộng lớn. Bậc thánh nhân bao gồm cả trời đất, gia ân cho khắp thiên hạ mà không ai biết, cho nên sống thì không có tước vị, chết không có tên thuỵ [tên đặt cho người chết theo hành vi lúc còn sống], không làm giàu, không cầu danh; như vậy là bậc đại đức.

Chó không phải cứ sủa giỏi mà là chó tốt; người không phải cứ nói hay mà là người hiền, huống hồ là cố ý muốn thành công lớn. Thành công lớn chưa đủ để thành vĩ đại, huống hồ là cố ý làm ra có đức.

Vĩ đại, hoàn bị thì không gì bằng trời đất mà trời đất có cầu được như vậy đâu. Đã vĩ đại, hoàn bị thì không cầu gì cả, không mất gì cả, không bị ảnh hưởng của ngoại vật, tự tìm thấy những cái kì diệu vô cùng trong bản tính mình, theo cổ nhân mà không bắt chước cái hình thức của cổ nhân. Đó là cái đức chân chính của bậc “đại nhân”.

 

11

Tử Kì có tám người con, bảo chúng đứng sắp hàng trước mặt, rồi vời Cửu Phương Nhân lại, nhờ coi dùm xem đứa nào có tướng tốt.

Cửu Phương Nhân bảo:

– Cậu Khốn có tướng tốt.

Tử Kì ngạc nhiên, mừng rỡ hỏi:

– Tốt ra sao?

– Cậu Khốn sau sẽ suốt đời được ăn chung với vua.

Tử Kì rầu rầu rơi nước mắt, than:

– Con tôi sao mà tới nỗi cực khổ như vậy?

Cửu Phương Nhân bảo:

– Được cùng ăn với vua thì vinh dự cho cả ba họ [họ cha, họ mẹ và họ vợ], huống hồ là cha mẹ, mà ông lại khóc, vậy ông sợ phúc lộc à? Con có phúc mà cha lại cho không có phúc.

Tử Kì hỏi:

– Thầy Nhân, làm sao thầy biết chắc rằng thằng Khốn sẽ sung sướng? Nó sẽ ăn thịt, uống rượu nhưng nó đâu biết rượu thịt đó ở đâu mà ra không? Tôi không mục súc mà ở góc nhà tây nam bỗng có một con cừu, tôi không săn bắn mà ở góc nhà đông bắc bỗng có một con chim “thuần”, như vậy mà không ngạc nhiên sao được? Tôi và con tôi ngao du trong khoảng trời đất, cha con tôi cùng chia cái vui của trời, chia thức ăn của đất , không gây chuyện gì, không mưu tính gì, không làm gì khác thường, thuận theo trời đất, không bị ngoại vật quấy rối, cứ phóng nhiệm, không định làm việc gì cả. Nay thầy đoán rằng con tôi sẽ được thưởng (được chức tước), như vậy là nó sẽ có công lao gì đó. Lời đoán đó kì dị thì chắc hành động của nó cũng sẽ kì dị. Nếu bị cái hoạ đó thì không phải tội của cha con tôi, mà là mệnh trời. Vì vậy mà tôi khóc.

Ít lâu sau thằng Khốn bị phái qua nước Yên, giữ đường bị cướp bắt. Nếu để còn cả hai chân thì khó bán làm nô lệ [vì có thể chạy trốn được], nên tên cướp chặt một chân thàng Khốn, rồi đem bán cho người nước Tề tên là Cừ, để làm gác cổng,[640] nhờ vậy mà Khốn được ăn thịt suốt đời.

 

12

Niết Khuyết gặp Hứa Do, hỏi:

– Ông đi đâu đó?

– Tôi trốn vua Nghiêu đây.

– Tại sao?

– Vua Nghiêu hăm hỡ làm việc nhân, tôi e sẽ bị thiên hạ cười mất và đời sau sẽ có cái nạn người ăn thịt người. Qui tụ dân là việc dễ, yêu họ thì họ thân với mình, cho họ lợi lộc thì họ chạy tới, khen họ thì họ gắng sức, mà bắt họ chịu cái gì không thích thì họ li tán. Lòng yêu và cái lợi liên quan tới nhân nghĩa. Những hành vi nhân nghĩa thường là giả dối, và làm công cụ cho kẻ tham lam. Sự quyết đoán của một người không cai trị được thiên hạ cũng như liếc mắt một cái không thấy được mọi khía cạnh của mọi vật[641]. Vua Nghiêu biết rằng người hiền có lợi cho thiên hạ, mà không biết rằng người hiền cũng có hại cho thiên hạ. Phải là bậc cao hơn bậc hiền trí mới hiểu được lẽ đó.

 

13

Có những kẻ hợm hĩnh, tự cho mình là phải, có những kẻ cẩu thả sống gởi, có những kẻ cong lưng gánh vác việc đời.

Kẻ hợm hĩnh cho mình là phải là kẻ chỉ học một ông thầy rồi dương dương tự đắc, mãn nguyện rồi, không biết rằng thời nguyên thuỷ, vũ trụ không có một vật nào cả. Như vậy là hợm hĩnh.

Kẻ cẩu thả sống gởi như những bọ chét sống trên mình con heo, lựa những chỗ lông thưa mà coi là những cung điện và vườn tược rộng rãi, dùng những nếp da ở đùi, ở vú, khuỷu chân, kẻ chân làm phòng yên ổn, dễ chịu[642], có ngờ đâu một ngày kia người đồ tể vung tay chất củi và cỏ lên mà thui con heo và chúng cũng bị thiêu sống luôn. Họ cũng như những con bọ chét đó, cũng tiến cũng thoái với người che chở chúng. Như vậy là cẩu thả an phận.

Kẻ còng lưng gánh vác việc đời thì như ông Thuấn. Thịt cừu đâu có yêu gì kiến, chính là kiến đánh hơi mà bu lại vì thịt cừu có mùi hôi. Hành vi của ông Thuấn cũng nặng mùi, khiến cho dân chúng thích; cho nên ba lần dời chỗ ở mà dân chúng vẫn qui phụ, sau tới miền Chí Đặng mà cũng tụ tập được trăm ngàn gia đình. Vua Nghiêu nghe tiếng ông Thuấn là người hiền, đề cử ông ở một miền cằn cỗi, không có cây cỏ, bảo: “Xin nhờ ông gia ân trạch cho dân miền này”. Thế là ông Thuấn được đề cử cai trị một miền cằn cỗi. Lúc đó ông Thuấn đã già, trí óc đã suy, mà không được nghĩ. Ông Thuấn là hạng người còng lưng gánh vác việc đời.

 

14

Bậc thần nhân[643] không thích quần chúng qui phụ. Quần chúng qui phụ thì sinh xung đột mà hoá ra bất lợi. Cho nên thần nhân không thân quá, cũng không sơ quá, giữ đạo đức, bồi dưỡng cái khí để thuận ứng thiên hạ. Như vậy gọi là chân nhân. Chân nhân bỏ cái trí tuệ của con kiến, mong tự tại như con cá, bỏ cái ý muốn của con cừu.[644]

Người nào chỉ nhìn theo cái sức nhìn được của con mắt, chỉ nghe theo cái sức nghe được của lỗ tai, chỉ suy nghĩ theo khả năng suy nghĩ của cái tâm, người đó quân bình, ngay thẳng, biến hoá đều thuận tự nhiên. Bậc chân nhân thời cổ cư xử với người theo đạo tự nhiên, không ép tự nhiên phải theo ý chí của mình. Đó là bậc chân nhân thời cổ.

Được là sống, mất là chết; nhưng cũng có thể được là chết mà mất là sống.

Trong các loại thuốc có vị cẩn, có vị cát cánh, có vị kê ưng, có vị trư linh[645]. Những vị ấy vốn tầm thường mà có lúc lại là quí[646]. Trong đời nhiều việc như vậy lắm, kể sau cho hết?

Khi Việt vương Câu Tiển thống nhất ba ngàn quân [mà thua Ngô vương Phù Sai] phải rút về Cối Kê, chỉ có vị đại phu Văn Chủng là biết nước Việt sẽ phục hồi được. Nhưng lại chỉ có Văn Chủng là không biết trước được mình sẽ bị giết [khi Câu Tiển thắng được kẻ thù].[647]

Cho nên bảo mắt con cú có cái ứng dụng của nó [là nhìn ban đêm], chân con hạc có cái độ dài của nó, chặt cho ngắn đi sẽ đau khổ cho nó.

Cho nên bảo gió thổi trên sông làm cho nước sông bốc hơi, mặt trời chiếu xuống sông làm cho nước sông bốc hơi. Cả gió lẫn mặt trời cùng làm cho nước sông bốc hơi, vậy mà sông vẫn không cạn, vì luôn luôn có nước nguồn chảy xuống sông. Vậy đất tiết ra nước, nước không bao giờ rời đất; hình chiếu thành bóng, bóng không bao giờ rời hình; sinh vật không bao giờ rời khỏi những giới hạn tự nhiên của nó.

Nhìn cho rõ quá thì hại mắt, nghe cho rõ quá thì hại tai, tham quá thì hại tâm. Tóm lại, tài năng nào cũng làm suy tổn những khả năng tự nhiên của ta và sự suy tổn đó khó mà bồi bổ được. Cho nên cái khổ mới tăng lên. Vì ham thành công mới bị thất bại, cái hoạ mãi lâu về sau mới xuất hiện. Ai cũng cho tài năng của mình là vật quí, buồn thay! Vì không biết xét như vậy nên mới khiến cho nước mất và dân bị giết.

 

15

Chân chỉ dẫm lên một khoảnh đất nhỏ, nhưng nhờ có tất cả chỗ đất không dẫm lên mà nó mới đi được xa. Trí tuệ chỉ biết được một ít sự vật, nhưng nhờ có tất cả những cái nó không biết mà nó mới hiểu được thế nào là Đạo tự nhiên.

Biết được cái hợp nhất lớn, cái âm (trái với dương) lớn, nhãn quan lớn, cái quân bình lớn, cái luật lớn, cái đức tin lớn, cái yên định lớn, tức đạt được tri thức tuyệt cao. Vì cái hợp nhất lớn quán thông được hết thảy, cái âm lớn giải trừ được hết thảy, cái nhãn quan lớn thấy được hết thảy, cái quân bình lớn bao quát hết thảy, cái luật lớn điều hành hết thảy, cái đức tin lớn thu phục được hết thảy, cái yên định lớn nâng đỡ được hết thảy.

Có đạo lí tự nhiên, có sự giác ngộ thấu triệt, có cái then chốt của Đạo lớn, có phép tắt tuỳ thuận ngoại vật.

Giải thích mà có vẻ như không giải thích, biết mà có vẻ như không biết, không biết rồi sau mới biết. Tìm hiểu là việc không thể có giới hạn mà cũng không thể không có giới hạn. Vạn vật tuy lộn xộn nhưng đều có cái gì không thay đổi. Cổ kim không thể thay đổi nhau được mà cũng không suy tổn. Như vậy mà luận đạo thì chẳng là sơ lược ư?

Sao không hỏi đạo lí [thâm diệu] ấy mà cứ mê hoặc hoài vậy? Đem cái không mê hoặc giải cái mê hoặc để trở về bản tính không mê hoặc, rồi sau mới đạt được cảnh giới “đại bất hoặc” [tức đạt được Đại Đạo][648].

 

*

(Xem nhận định ở cuối chương XXXII Liệt Ngự Khấu).

 

Chú thích :

[615] Một đại thần nước Nguỵ. Nữ là tên họ.

[616] Đó là nghĩa gốc của từ ngữ “tuyệt trần” mà ngày nay dùng với nghĩa là: nhất đời.

[617] Nguyên văn là hoành và tung: ngang và dọc, mà các bản tôi có đều dịch là xa và gần.

[618] Kim bản, lục thao là, tên hai thiên trong Chu thư, theo L.K.h., nói về thống kế và võ bị.

[619] Ý nói nhà vua chỉ được nghe những lời trần hủ trong thi, thư, lễ, nhạc. Nguyên văn: chân nhân chi ngôn. Chữ chân nhân ở đây nghĩa khác hẳn chữ chân nhân (bậc đạt Đạo) trong các bài khác, trỏ hạng người thường như chúng ta. L.K.h. dịch là: paroles vraiment humaines.

[620] Nguyên văn: thần giả. H.C.H. dịch là bậc thần minh. Tôi dịch là tâm thần nhà vua cho hợp với câu của Từ Vô Quỉ ở trên: Uỷ lạo hình thể và tâm thần nhà vua.

[621] Những tên Đại Ngỗi, Phượng Minh, Xương Ngụ, Trương Nhược, Tập Bằng, Côn Hôn và Hoạt Kê đều là những tên tưởng tượng, tượng trưng cái gì đó. Núi Cụ Tì và cánh đồng Tương Thành cũng chưa chắc là những tên thật.

[622] Nguyên văn: thừa nhật chi xa. Quách Tượng bảo là: mặt trời mọc thì đi chơi, mặt trời lặn thì thôi.

[623] L.K.h. giảng: đại ý đoạn này là trị thiên hạ thì đừng nghĩ đến cái lợi vật chất như người ngao du ở ngoài cõi lục cực. Lục cực là trên dưới và bốn phương. Các cuốn khác không giảng.

[624] Một người đầu đời Chu.

[625] Có sách chú thích cách đó như sau: gom thật nhiều than hồng ở dưới cái đỉnh, và thả một bình nước sôi (!) xuống giếng.

[626] Cung và giốc là hai trong ngũ âm.

[627] Tức của Nho, Mặc, Dương, Công Tôn Long và Huệ Thi.

[628] Trong phần I, tiểu mục Đời sống (của Trang tử), cụ Nguyễn Hiến Lê có trích dẫn đoạn tranh biện giữa Trang tử và Huệ tử từ đầu bài 5 đến lời đáp này của Huệ tử; nhưng lời đáp đó ở trong phần trích dẫn lại như thế này: “Nay các phái Nho, Mặc, Dương Chu và Công Tôn Long tranh biện với tôi, dùng lời lẽ công kích nhau, lớn tiếng áp đảo nhau, mà không ai bác bẻ được tôi, còn gì sướng cho bằng”, và cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Huệ Thi chỉ là một nhà nguỵ biện (…) [Huệ Thi] tranh biện chẳng phải tìm chân lí gì cả, mà chỉ cốt tìm cái vui là không ai bác bẻ được mình” (?).  

[629] Hai truyện người nước Tề và người nước Sở này, không có sách nào giải thích được ý nghĩa. Tôi theo bản dịch của L.K.h., nhưng chính Liou cũng thú thực chẳng hiểu gì cả.

[630] H.C.H. dịch là quyệt lên đầu mũi một cục đất sét…

[631] Ý muốn nói: Phải có người bình tĩnh, không thất sắc như người đất Dĩnh kia thì mới thi hành cái tài của mình được.

[632] Môn sinh của Nam Bá Tử Kì. Trong Tề vật luận bài 1 gọi là Nam Thành Tử Du.

[633] Tôn Thúc Ngao làm tướng quốc Sở Trang vương, đồng thời với Nghi Liêu; lúc đó Khổng Tử chưa sanh. Vậy truyện này chỉ là một ngụ ngôn.

[634] Cổ nhân, trong các dịp long trọng, cũng như khi tế lễ, vẩy rượu xuống đất rồi mới uống.

[635] Theo H.C.H. thì quân Sở và quân Tống đương giao chiến, Nghi Liêu tung các viên đạn lên rồi bắt (lúc nào cũng có tám viên ở trên không, chỉ có một viên ở trong tay), quân hai bên ngưng chiến để coi. Nhưng có bản chú thích khác hẳn.

[636] Vì quân địch thấy ông bình tĩnh như vậy, không dám xâm phạm mà rút về.

[637] Nguyên văn: bất đạo chi đạo.

[638] H.C.H. dịch là thanh danh, tôi e lầm.

[639] Các sông lớn của Trung Hoa đều từ phía Tây chảy ra phía Đông (biển).

[640] Có sách bảo chữ Cừ ở đây chính là chữ Khang, và tên Khốn làm chức thanh tra đường phố chứ không phải gác cổng.

[641] Có sách dịch là: cũng như cắt một cái mà muốn mọi vật chỉnh tề. Toàn là đoán mò cả, chỉ vì nguyên tác có chữ miệt (chữ tất bên chữ kiến) mà mỗi nhà hiểu mỗi khác.

[642] Nguyễn Tịch (một trong Trúc lâm thất hiền đời Lục Triều) bảo người quân tử ở trong thiên hạ như con rận ở trong quần, chắc đã đọc đoạn này.

[643] Tức rất sáng suốt.

[644] Ám chỉ: thái độ của con kiến là thấy thịt cừu thì bu lại, mùi hôi của thịt cừu thu hút loài kiến (cũng như đức nhân của vua Thuấn thu hút dân chúng); và thái độ tiêu dao của con cá trong sông hồ.

[645] Cẩn, cũng có tên là ô đầu, trị phong; cát cánh trị bệnh huyết trong tim; kê ưng, tức kê đầu thảo, uống thì sống lâu, trư linh trị bệnh khát

[646] Nguyên văn là có lúc lại làm hoàng đế, nghĩa là thành vị chính trong thang thuốc.

[647] Truyện này có chép kĩ trong Đông Chu liệt quốc.

[648] Đoạn này nghĩa hơi tối, mỗi sách hiểu một khác, mà cách hiểu nào cũng có lí. Tôi châm chước H.C.H.

(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.