Nam Hoa chân kinh

CHƯƠNG 8 – BIỀN MẪU 莊子 南華經



Tỏ ra nhân nghĩa thái quá, biểu lộ cái đức, làm hại cái bản tính để cầu danh, như vậy khiến lòng người hoá ra mê hoặc, muốn theo mình mà không theo được, phải vậy không? Đa ngôn, nguỵ biện, dùng những lời vô ích như ngói chất đống, chỉ rối nùi, đùa giỡn với thuyết “kiên bạch, dị đồng”, tức là làm cho tâm thần mỏi mệt, tìm cái hư danh bằng những lí luận phù phiếm, phải vậy không? Vạn vật tự nhiên sinh ra mà không biết tại sao; được bẩm thụ tính này tính nọ mà không biết do đâu. Từ xưa đến nay vẫn như vậy, không có gì thiếu sót.

1

Ngón chân cái dính ngón thứ nhì, tay có nhánh (tức có sáu ngón) tuy là do trời sinh, nhưng đều là dư về phương diện cơ thể; cái bướu, chỗ thịt thừa tuy từ thân thể phát ra nhưng đều dư về phương diện bản tính tự nhiên. Nhân và nghĩa tuy cũng như ngũ tạng[293], nhưng nếu thi hành quá mức thì không phải là đạo đức chân chính.

Ngón chân dính nhau là có một miếng thịt vô dụng; tay có sáu ngón là có một ngón vô ích. Ai thi hành quá mức những tình cảm phát ra từ ngũ tạng (tức từ nội tâm), thì là kiểu sức nhân nghĩa mà lạm dụng sự thông minh.

Lạm dụng thị giác thì làm mê loạn ngũ sắc, sai lạc cả đường và nét, khiến người ta choá mắt vì màu xanh, màu vàng và sự rực rỡ của hình thêu, phải vậy không? Li Chu[294] là thí dụ điển hình.

Lạm dụng thính giác thì làm cho ngũ thanh[295] hỗn tạp, lục luật[296] thác loạn, khiến người ta đinh tai về tiếng đồng, tiếng đá, tiếng tơ, tiếng trúc[297], tiếng hoàng chung, đại lữ[298] phải vậy không? Sư Khoáng là thí dụ điển hình.

Tỏ ra nhân nghĩa thái quá, biểu lộ cái đức, làm hại cái bản tính để cầu danh, như vậy khiến lòng người hoá ra mê hoặc, muốn theo mình mà không theo được, phải vậy không? Tăng Sâm và Sử Ngư[299], là những thí dụ điển hình.

Đa ngôn, nguỵ biện, dùng những lời vô ích như ngói chất đống, chỉ rối nùi, đùa giỡn với thuyết “kiên bạch, dị đồng”[300], tức là làm cho tâm thần mỏi mệt, tìm cái hư danh bằng những lí luận phù phiếm, phải vậy không? Dương Chu và Mặc Địch là những thí dụ điển hình.

Tất cả những kẻ đó đều bước lầm vào con đường thái quá, không phải là theo cái chính Đạo trong thiên hạ.

 

2

Người nào làm gương mẫu về chính Đạo, thì giữ được sự thể tự nhiên của tính mệnh (nghĩa là trời sinh ra sao thì cứ để như vậy), cho nên ngón chân có liền nhau cũng không gọi là dính, ngón tay có mọc nhánh cũng không cho là dư, dài không cho là thừa, ngắn không cho là thiếu. Vì vậy mà chân vịt tuy ngắn, nếu nối cho dài ra thì vịt sẽ đau; chân hạc tuy dài, nếu cắt ngắn đi thì hạc sẽ khổ. Vậy thì cái gì trời sinh ra dài thì không nên làm cho ngắn lại; cái gì trời sinh ra ngắn thì không nên nối cho dài ra. Tự nhiên nó như vậy rồi, có gì đáng ngại mà phải sửa đổi? Nhân và nghĩa chẳng phải là tính tự nhiên của con người ư? Thế thì tại sao những người nhân từ lại nhiều ưu tư như vậy?

Một người có ngón chân dính nhau, cắt rời ra thì khóc; một người có ngón tay mọc nhánh, chặt đi thì gào thét. Hai người đó hoặc thiếu ngón chân (vì hai ngón dính liền làm một thì kể như một), hoặc dư ngón tay, cũng đau khổ như nhau. Những người nhân từ đời nay đau khổ nhìn nỗi đau khổ của người khác. Trái lại những kẻ bất nhân, coi thường những tình cảm tự nhiên (tức lòng thương người), chỉ tham phú quí. Nhân và nghĩa không phải là tính tự nhiên của con người sao? Nhưng tại sao từ đời tam đại[301] tới nay người ta bàn tán ồn ào về chúng như vậy?

 

3

Phải dùng cái móc, cái dây (nẩy mực), cái qui (compas), cái củ (thước vuông) để sửa lại, thì tức là tổn thương bản tính; phải dùng dây thừng dây gai, dùng keo sơn để giữ cho chắc thì đều là làm trái với thiên chân. Uốn nắn con người bằng lễ nhạc, vỗ về bằng nhân nghĩa, như vậy là làm mất cái chân tính tự nhiên của họ.

Vật nào cũng có cái chân tính tự nhiên; chân tính đó tự nhiên cong thì không phải dùng đến móc, tự nhiên thẳng thì không phải dùng đến dây, tự nhiên tròn thì không phải dùng đến cái qui, tự nhiên vuông thì không phải dùng đến cái củ. Cái gì tự nhiên dính nhau thì không phải dùng đến keo sơn, cái gì tự nhiên cột chắc với nhau thì không phải dùng đến dây thùng, dây gai. Vạn vật tự nhiên sinh ra mà không biết tại sao; được bẩm thụ tính này tính nọ mà không biết do đâu. Từ xưa đến nay vẫn như vậy, không có gì thiếu sót. Đã vậy thì làm sao nhân và nghĩa có thể kết chặt mọi người như keo sơn, như dây lớn dây nhỏ mà ảnh hưởng được tốt tới thế giới do Đạo và Đức chi phối? Chúng chỉ làm cho người ta mê hoặc thôi.

 

4

Mê hoặc nhỏ thì làm thay đổi phương hướng, còn mê hoặc lớn thì làm thay đổi bản tính. Làm sao biết được điều ấy? Từ khi vua Thuấn đề cao nhân nghĩa, thiên hạ đều chạy theo nhân nghĩa, như vậy chẳng phải là ông đã làm thay đổi bản tính con người đấy ư? Chúng ta hãy bàn rõ về điểm đó nào. Từ đời tam đại đến nay, không ai là không bị ngoại vật làm thay đổi bản tính: kẻ tiểu nhân hi sinh cho lợi, kẻ sĩ hi sinh cho danh, đại phu hi sinh cho nhà, thánh nhân hi sinh cho thiên hạ [mà không nghĩ gì tới thân], những hạng người đó công việc khác nhau, danh phận khác nhau, nhưng làm tổn thương bản tính, quên mình vì ngoại vật thì đều như nhau.

Tang và Cấu[302] đều chăn cừu và để cừu lạc, đứa thứ nhất vì mãi đọc sách, đứa thứ nhì vì mãi đánh bạc; nguyên nhân[303] tuy khác nhau nhưng đều là đánh mất cừu cả.

Bá Di chết vì danh ở chân núi Thú Dương, Đạo Chích chết vì lợi ở gò Đông Lăng; nguyên nhân chết tuy khác nhau nhưng đều làm tàn hại đến sinh mệnh, tổn thương bản tính cả, vậy thì tại sao khen Bá Di mà chê Đạo Chích? Đều hi sinh cho ngoại vật cả mà kẻ chết vì nhân nghĩa thì người đời gọi là quân tử; kẻ chết vì tiền của thì người đời gọi là tiểu nhân. Đều chết như nhau cả mà phân biệt quân tử với tiểu nhân. Xét về điểm họ làm tàn hại sinh mệnh, tổn thương bản tính thì Đạo Chích và Bá Di cũng như nhau, sao lại gọi người này là quân tử, người kia là tiểu nhân?

 

5

Người nào cưỡng với bản tính để thi hành nhân nghĩa thì dù có được như Tăng Sâm, Sử Ngư[304] tôi cũng không cho là giỏi; người nào cưỡng với bản tính để nếm ngũ vị thì dù có được như Du Nhi[305], tôi cũng không cho là giỏi. Cũng vậy, người nào cưỡng bản tính để thẩm định ngũ âm, thì dù có được như Sư Khoáng tôi cũng không cho là tai sáng; người nào cưỡng bản tính để nhận định ngũ sắc, thì dù có được như Li Chu, tôi cũng không cho là mắt sáng. Cái tôi gọi là giỏi, không phải là nhân nghĩa mà là cái mà mình tự có sẵn trong bản tính. Cái tôi gọi là giỏi, không phải là theo nhân nghĩa, mà là theo bản tính cùng khả năng thiên phú của mình. Như người tôi gọi là sáng tai, thì không nghe người khác mà chỉ tự nghe mình thôi; người tôi cho gọi sáng mắt thì không thấy người khác mà chỉ tự thấy mình thôi. Không thấy mình mà thấy người, không tự mình mà phải nhờ người, thì ta bỏ mình theo người, được cái sở đắc của người mà mất cái sở đắc [tức cái thiên chân] của mình, thích cái người khác thích[306] chứ không thích cái mình thích, thì Đạo Chích và Bá Di đều thiên lệch, lạc lối hết.

Tôi xấu hổ vì Đạo Đức kém, nhưng tôi không dám làm điều nhân nghĩa mà cũng không dám có những hành vi thác loạn, bậy bạ.

*

(Chương này và ba chương sau có nhiều điểm giống nhau nên sẽ nhận định chung sau).

 

Chú thích :

[292] Từ chương này, nhan đề không tóm tắc đại ý trong chương; cổ nhân lấy vài chữ đầu trong chương làm nhan đề.

[293] Nghĩa là người ta có ngũ thường (năm đức): nhân, lễ, nghĩa, trí, tính cũng như có ngũ tạng (tâm, can, tì, phế, thận). Người Trung Hoa cho rằng ở trong vũ trụ là ngũ hành (kim mộc thuỷ hoả thổ), ở trong cơ thể con người là ngũ tạng, phát ra ngoài là ngũ thường.

[294] Là người mắt rất sáng ở đời Hoàng Đế, đứng xa hơn một trăm bước mà thấy được đầu lông mùa thu. Trong sách Mạnh tử gọi là Li Lâu.

[295] Ngũ thanh tức là ngũ âm: cung, thương, dốc, chuỷ, vũ.

[296] Lục luật (trong số đó có hoàng chung), và lục lữ (trong số đó có đại lữ) là những danh từ về âm nhạc, khó giải thích cho rõ được.

[297] Tức tiếng nhạc khí làm bằng đồng, đá, tơ hay trúc.

[298] Đại lữ: một trong các lữ; danh từ âm nhạc.

[299] Tăng Sâm, tên tự là Dư, môn đệ Khổng Tử, thuật cuốn Đại học, rất có hiếu. – Sử Ngư, một người đồng thời với Khổng Tử, rất ngay thẳng, làm gương cho đời bằng đức nghĩa.

[300] Thuyết “cứng không phải trắng” này đã chú thích ở phần trên, bài 6 chương V. Còn thuyết “dị đồng”, xin coi chú thích bài 9 chương XXXIII: Thiên hạ.

[301] Tức ba đời Hạ, Thương, Chu.

[302] Có người bảo chữ cốc ở đây chính là chữ cấu. Tang là tên chung trỏ các nô lệ đàn ông, cấu là tên chung trỏ các nô tì.

[303] Dịch sát thì là: công việc.

[304] Tăng Sâm là môn sinh của Khổng Tử, rất có hiếu. Sử Ngư là một đại phu nước Vệ, rất ngay thẳng, tự sát để can vua. 

[305] Một người sành ăn thời cổ, biết dùng riềng và quế để gia vị.

[306] Như Bá Di thích danh, Đạo Chích thích tiền của, toàn là những cái thuộc về thế tục, chứ không thuộc về thiên chân của họ.

(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.