Nền Giáo Dục Của Người Giàu

Giới thiệu



TẠI SAO TRÍ TUỆ THỰC TIỄN luôn đánh bại trí tuệ hàn lâm?

(Trường đời quan trọng hơn sách vở?)

Người ta rót vào tai bạn rằng nếu học hành chăm chỉ ở trung học, đạt điểm số cao, vào một trường đại học danh tiếng, có tấm bằng trong tay thì chắc chắn bạn sẽ thành công trong suốt cuộc đời.

Điều này có thể đúng nếu chúng ta sống cách đây 50 năm. Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác.

Giờ đây, nếu muốn thành công, bạn phải tự trau dồi thêm cho mình các kỹ năng và tư duy thực tế. Điều này vẫn đúng cho dù bạn có học đại học hay không.

Cuốn sách này sẽ chỉ dẫn cho bạn cách làm điều đó.

* * *

Trong một buổi phỏng vấn xin việc, một người 37 tuổi học MBA ở Harvard ngồi đối diện với một thanh niên khoảng 25 tuổi bỏ học giữa chừng đã vài lần “lỡ hẹn” với tấm bằng đại học chuyên ngành sân khấu và đạo diễn của Đại học Nam California (USC). Người có bằng MBA mặc vest sang trọng, đeo cà vạt vàng. Chàng thanh niên hơn 20 tuổi mặc quần jean, áo nỉ chui đầu, không mặc sơ mi bên trong, râu ria tua tủa, tóc tai bờm xờm không chải như thể anh ta vừa chui ra khỏi giường và lao thẳng đến buổi phỏng vấn vậy.

Buổi phỏng vấn diễn ra vô cùng nhạt nhẽo. Người phỏng vấn chẳng mảy may ấn tượng với bảng thành tích học tập của người được phỏng vấn và thấy anh ta không đủ kinh nghiệm để đem lại giá trị thực cho một công ty mới thành lập trong bối cảnh thị trường khó khăn như công ty của anh.

Bryan Franklin, từng là một sinh viên chuyên ngành sân khấu bỏ học giữa chừng quyết định sẽ tuyển dụng một người vào vị trí nhân viên hành chính và nhập liệu cho mình với mức lương 10 đô-la một giờ thông qua kênh tuyển dụng Craigslist vài ngày trước đó.

Khi còn theo học đại học, Bryan từng thành lập và điều hành, quản lý phát triển một công ty thiết kế âm thanh. Tổng cộng có tới hơn 300 phim truyện được biên tập hoặc lồng tiếng ở studio của anh, trong đó có Gladiator, The Last Samurai và Arfitificial Intelligence. Bằng nỗ lực tự vươn lên, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và chưa bao giờ cần đến sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư, Bryan đã bán công ty của mình vào năm 2000 sau khi Dody Dorn được đề cử giải Oscar dành cho biên tập viên với bộ phim Memento thực hiện ở studio này. Nhờ bán công ty mà “tôi mua được một ngôi nhà trên đường Lombard, San Francisco,” Bryan nói thêm với nụ cười mãn nguyện.

Vào đầu năm 2002, anh điều hành doanh nghiệp thứ ba do chính mình thành lập và đầu tư vốn. Bryan chia sẻ rằng việc kinh doanh rất phát đạt và cần một trợ lý, vì thế anh đã đăng quảng cáo tuyển dụng trên Craigslist. “Trong vòng 24 giờ, tôi nhận được 200 phản hồi. Hầu hết các ứng viên đều là cử nhân đại học, một vài thạc sỹ và nghiên cứu sinh mới vượt qua kỳ thi đầu vào, thậm chí có cả một số tiến sỹ đã tốt nghiệp và khoảng sáu MBA. Có một MBA tốt nghiệp Harvard khiến tôi tò mò. Tôi đưa anh ta vào danh sách chốt gồm 10 ứng viên được phỏng vấn.

“Anh ta đến nhà tôi trong bộ đồ công sở chỉn chu. Tôi nói sơ qua về website mà anh ta sẽ chịu trách nhiệm nhập số liệu với mức lương 10 đô-la một giờ và thấy anh ta quả thật là “một con gà” về công nghệ Web. Tôi không tin nổi anh ta đã nhắc đến từ “IPO” và cả “ưu tiên thanh khoản” trong buổi phỏng vấn.

Khi tôi nói rằng: “Xem nào, tôi đang tìm kiếm người nhập số liệu và chăm sóc khách hàng. Tôi muốn chắc chắn rằng khi khách hàng gọi đến, họ sẽ cảm thấy mình là Thượng đế.”

Thì anh ta đáp lại: “Ồ, anh biết đấy, tôi nghĩ cần phải xây dựng chiến lược xem chúng ta sẽ thúc đẩy những mối quan hệ nào…” Buổi phỏng vấn cứ thế diễn ra. Có lúc anh ta hùng hồn nói: “Luôn có những con đường và giải pháp khác nhau để dẫn đến thành công, vì thế một trong những điều tôi sẽ thực hiện trong tuần đầu tiên đi làm là thiết lập một “ma trận ưu tiên” để chúng ta cùng tham khảo…” Lúc đó, tôi hình dung trong đầu cảnh tượng anh ta ngồi hí hoáy vẽ ma trận ưu tiên còn tôi thì phải hùng hục giải quyết tất cả mọi việc.

“Cuối cùng, tôi đã thuê một phụ nữ Mỹ gốc Phi còn khá trẻ. Cô ấy chỉ học hết trung học nhưng có tinh thần làm việc nhiệt tình và sở hữu nhiều “trí thông minh đường phố.” Cô đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình suốt hơn 3 năm qua, được tăng lương vài lần và hiện đang quản lý một nhóm 3 nhân viên dưới quyền.”

Đương nhiên, bạn có thể học được rất nhiều điều thú vị từ trường đại học, nhưng thực tế, chúng lại chẳng giúp ích gì cho thành công trong sự nghiệp và tài chính của bạn. Bạn có thể mở rộng tầm hiểu biết, mài giũa các kỹ năng tư duy phê phán, đưa ra những ý tưởng và quan điểm mới mẻ, đam mê khám phá những di sản văn hóa hay tìm hiểu trí tuệ của những nhà tư tưởng vĩ đại nhất hành tinh. Đó đều là những đam mê đáng theo đuổi.

Giả sử, trong một thị trường bất ổn, bạn muốn là Bryan Franklin hơn là vị thạc sỹ Harvard nọ. Nói cách khác, bạn muốn tối ưu hóa các cơ hội của mình trong cuộc sống, là nhà tuyển dụng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thay vì là kẻ xin việc.

Để đạt tới mục tiêu tối đa hóa cơ hội thành công về chuyên môn trong bất kỳ điều kiện kinh tế nào, bạn cần phải bắt đầu học hỏi những gì?

Đây chính là câu hỏi trọng tâm mà cuốn sách này sẽ trả lời. Tôi sẽ đưa ra lời giải đáp cụ thể, chi tiết cho câu hỏi này trong hàng trăm trang sách tiếp theo.

Nhưng trước tiên, bạn hãy tìm lời giải cho câu hỏi:

Tại sao ngày hôm đó Bryan không có bằng đại học lại ngồi ở vị trí nhà tuyển dụng và tại sao người đàn ông có bằng MBA của Harvard lại là người tìm việc?

Tôi không có thông tin cá nhân nào về người có bằng MBA kia, vì thế tôi chỉ có thể đưa ra phỏng đoán về cảnh ngộ khó khăn của anh ta. Nhưng tôi lại rất tường tận câu chuyện của Bryan vì anh ấy là bạn thân của tôi. Tính đến thời điểm đó, anh ấy đã dành 10 năm ròng để trau dồi những kỹ năng giúp anh thành công như kinh doanh, marketing, lãnh đạo, quản lý, tài chính và kế toán từ những trải nghiệm kinh doanh thực tế ở các công ty do chính anh gây dựng lên bằng nguồn tài chính của mình. Nói cách khác, Bryan đã hướng đến sự tự giáo dục bên ngoài các lớp học, như một số nhà nghiên cứu gọi là “trí tuệ thực tiễn” hay còn có tên là “trí tuệ đường phố”, để hoàn thành mọi thứ trong cuộc sống thật hiệu quả.

Còn người đàn ông học MBA ở Harvard có vẻ đã học và nghiên cứu các tài liệu về marketing, kinh doanh, quản lý, lãnh đạo, tài chính và kế toán. Nhưng tôi đoán chủ yếu là những lý thuyết sáo rỗng. Để hoàn thiện chương trình cơ bản cho học viên, trọng tâm của nền giáo dục này là trí tuệ hàn lâm để hoàn thành tốt các bài kiểm tra thay vì trí tuệ thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề thực tế.

Cả hai người đều được giáo dục rất tốt nhưng tôi đoán, nền giáo dục của một người thiên về lý thuyết với kiến thức sẵn có trong kho của các trường đại học, cao đẳng, nền giáo dục của người còn lại (đó là nỗ lực tự học hỏi không giống bất kỳ lớp học chính thức nào) thiên về thực hành. Nền giáo dục của một người mang tính chất quan liêu, mô phạm và sách vở; người còn lại thu nhận kiến thức từ những vật lộn trong cuộc sống, những bờ vực của thất bại cá nhân. Một người được giáo dục trong ngôi trường danh giá, người còn lại được tôi luyện trong trường đời. Một người tập trung vào tri thức sách vở, người kia quan tâm tới tri thức đường phố.

Theo bạn, tri thức nào sẽ giành chiến thắng trong thời đại kinh tế suy thoái?

Tri thức nào sẽ chiến thắng khi nền kinh tế khởi sắc trở lại?

Trong cuộc tranh luận không hồi kết giữa trí tuệ thực tiễn và trí tuệ hàn lâm, giữa tri thức đường phố và tri thức sách vở, có một chút mơ hồ liên quan đến thiên hướng mà cha mẹ, họ hàng, các thầy cô, các nhà truyền thông và các chính trị gia “lái” chúng ta theo ngay từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ.

Trong bộ phim The Graduate (Tạm dịch: Lễ tốt nghiệp) có một cảnh nổi tiếng là trong bữa tiệc tốt nghiệp tổ chức xung quanh bể bơi của gia đình, nhân vật Benjamin, do nam diễn viên Dustin Hoffman thủ vai, một cử nhân quản trị kinh doanh mới tốt nghiệp, nhận được lời khuyên chân thành về nghề nghiệp từ một người bạn của gia đình. “Tôi muốn nói với cậu một từ. Chỉ một từ thôi… Cậu có muốn nghe không?” người bạn của gia đình hỏi.

Benjamin gật đầu đồng ý.

“Plastics.”

Lời khuyên cho thành công: “Học chăm chỉ thời trung học, bước vào một đại học danh tiếng và cầm lấy tấm bằng tốt nghiệp” đang dần trở nên rỗng tuếch, cũ rích và lỗi thời. Nếu bạn muốn biết ngày nay, một tấm bằng đại học chứng nhận trí tuệ học thuật của bạn có giá trị tới đâu, bạn chỉ cần đăng một quảng cáo tuyển dụng việc làm thêm trên mạng.

Bản thân tôi cũng đăng rất nhiều quảng cáo tuyển dụng trong nhiều năm qua, gồm nhiều việc làm thêm lặt vặt, khuân vác, lau dọn gara hay đẩy xe rác. Như trong ví dụ của Bryan, tôi có thể khẳng định rằng: Cho dù công việc có tẻ nhạt hay được trả công thấp đến mức nào đi chăng nữa, bạn vẫn nhận được hàng loạt đơn xin việc từ các cử nhân đại học.

Những ứng viên đầy bằng cấp có tất cả những công cụ mà xã hội, gia đình, thầy cô và mọi người xung quanh cho là cần thiết để thành công. Thế nhưng trong trường hợp của Bryan, tình trạng khủng hoảng kinh tế những năm 2000 đã khiến hàng trăm cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ xếp hàng để có được công việc tẻ nhạt với mức lương bèo bọt 10 đô-la/giờ đăng bởi một chủ doanh nghiệp trẻ không có bằng đại học.

Bạn muốn chạy theo bằng cấp hay theo đuổi thành công?

Trong thời đại công nghiệp hóa ngày nay, những người có kinh tế ở mức khá trở lên cho rằng điều quan trọng nhất mà những đứa trẻ từ 6 đến 22 tuổi cần theo đuổi chính là điểm số. Điều đáng quan tâm thứ hai là những hoạt động ngoại khóa như các môn thể thao, âm nhạc, các hoạt động tình nguyện để tô điểm cho hồ sơ và bản CV đầu vào đại học. Nhưng nếu hỏi rằng mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các chính trị gia và xã hội muốn con trẻ của họ để tâm tới suốt 16 năm trời, từ 6 đến 22 tuổi là gì, thì câu trả lời quá rõ ràng và đơn giản: Đạt được điểm tốt.

Bạn đã bao giờ dừng lại và suy nghĩ xem những vấn đề này kỳ quái thế nào chưa? Vì sao tất cả chúng ta đều bị thuyết phục rằng các khóa đào tạo sẽ mang đến cho bạn những tri thức học thuật hiệu quả, cần thiết và tiên quyết cho thành công trong cuộc sống? Tại sao tất cả chúng ta đều bị thuyết phục rằng mớ kiến thức ấy xứng đáng để chúng ta cống hiến 16 năm đẹp đẽ nhất cuộc đời? Chúng ta có nên dành phần lớn tuổi trẻ của mình, những năm tháng vui vẻ nhất, tràn đầy nhiệt huyết nhất, đam mê nhất và sáng tạo nhất, để theo đuổi những con số và con chữ bé nhỏ nhằm chứng tỏ trí tuệ học thuật?

Ken Robinson, tác giả cuốn sách The element: How Find your Passion Changes Everything (Tạm dịch: Nguyên tố: Tìm kiếm đam mê thay đổi mọi thứ) rất quan tâm đến câu hỏi khó nhằn này. Trong chương trình TED (Technology Entertainment and Design: Thiết kế và giải trí công nghệ), có một cuộc nói chuyện qua video rất nổi tiếng với tựa đề “Ken Robinson nói rằng trường học giết chết sự sáng tạo” (sau này nó trở thành một trong những cuộc nói chuyện được tải nhiều nhất từ TED.com), Ken cho rằng: “Nếu bạn bước chân vào nền giáo dục chính thống như một kẻ ngoại đạo và thắc mắc: ‘Nền giáo dục công lập phục vụ điều gì?’ Tôi nghĩ khi nhìn vào kết quả đầu ra, nhìn vào những người thành công nhờ nó, người tạo nên được những điều tốt đẹp và cả những người chiến thắng, bạn sẽ phải kết luận rằng toàn bộ mục đích của hệ thống giáo dục công lập trên toàn thế giới là sản sinh ra các giáo sư đại học. Không phải vậy sao? Họ luôn là người dẫn đầu… Tôi yêu quý các giáo sư đại học, nhưng bạn biết đấy, chúng ta không tôn vinh họ như những đỉnh cao thành công của nhân loại. Họ chỉ là một hình thái khác của cuộc sống.”

Nhà phê bình giáo dục đương đại Charles Murray quan niệm: “Các loại hình công việc đòi hỏi nền giáo dục đại học giống như người đầu bếp phải qua giai đoạn nỗ lực học nghề để trở thành một đầu bếp thượng hạng, dẫu đây chỉ là lĩnh vực thu hút một số ít người.” Nhưng nếu bạn không muốn dấn thân vào con đường khoa học nghiên cứu, bạn sẽ thấy chỉ có trí tuệ hàn lâm là không bao giờ đủ. Phát triển tri thức thực tiễn sẽ cải thiện đáng kể năng lực và thành công của bạn.

Cuốn sách này chính là cẩm nang giúp bạn phát triển những kỹ năng thực tế thiết yếu. Chúng tôi tập trung vào bảy kỹ năng quan trọng cần thiết để bạn đạt tới thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Dĩ nhiên, những kỹ năng thực tế này không thể thay thế cho tấm bằng đại học. Bạn có thể học được nhiều điều tuyệt vời ở trường đại học. Bạn có thể nảy ra những ý tưởng mới, mở rộng cái nhìn về cuộc sống, học về kỹ năng tư duy phản biện nhạy bén và đắm mình trong kho tàng văn hóa, trí tuệ của nhân loại.

Nhưng tôi dám chắc rằng dù bạn đã học xong đại học, bạn vẫn không được học cách biến những kiến thức học thuật trừu tượng thành những ứng dụng thực tế trong cuộc sống của chính mình. Hơn nữa, việc bổ sung những kỹ năng thực tế là không bắt buộc trong các trường đại học. Vì thế, những kỹ năng trình bày trong cuốn sách này là phần bổ sung thiết yếu cho hệ giáo dục đại học để bạn thành công hơn nữa trong công việc và cuộc sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.