Nền Giáo Dục Của Người Giàu
Kỹ năng thành công số 2
CÁCH TÌM KIẾM CÁC CỐ VẤN VÀ NGƯỜI HƯỚNG DẪN TUYỆT VỜI
(Xây dựng mạng lưới kết nối với những người có ảnh hưởng và quyền lực)
Mọi người cho rằng chàng trai 20 tuổi Elliott Bisnow thật điên khùng và ngớ ngẩn khi anh ấy gọi điện cho những người hoàn toàn xa lạ, mời họ tham gia một chuyến trượt tuyết miễn phí hoàn toàn tới Utah và Elliott là người chi trả toàn bộ chi phí vé máy bay, khách sạn, vé vào khu trượt tuyết và ăn uống bằng thẻ tín dụng cá nhân của mình.
Nhưng Elliott Bisnow hoàn toàn không điên khùng hay ngớ ngẩn.
Năm 2005, khi vừa vào Đại học Wisconsin–Madison, Elliott bắt đầu nảy ra ý tưởng tạo nên sự khác biệt cho những người mà anh quan tâm. Cha anh đã đầu tư khá nhiều tiền để thành lập công ty thư quảng cáo đầu tư bất động sản Bisnow.com nhưng không mang lại lợi nhuận. Elliott đã tìm thấy cơ hội hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình. Anh nảy ra ý tưởng bán quảng cáo trong thư mà gọi theo thuật ngữ chuyên môn là mở rộng bán các vị trí quảng cáo.
“Ở ký túc xá, hàng ngày tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng, thi thoảng vào khoảng 4 giờ 30 phút. Tôi sẽ gửi e-mail kinh doanh từ 5 tới 6 giờ. Tôi nhận được học bổng tennis ở trường, vì thế tôi sẽ tập tennis từ 6 giờ đến 7 giờ. Thời gian đó là vào cuối mùa thu ở Madison, vì thế tôi phải khó nhọc băng qua mưa tuyết để trở về phòng ký túc. Từ 7 giờ 30 đến khoảng 10 giờ, tôi gọi điện để xin tài trợ và đạt được một số thỏa thuận. Năm học đầu tiên, tôi không đến lớp cả học kỳ. Tôi ở trong phòng ký túc xá và chốt được các thương vụ từ 10 đến 50 nghìn đô-la. Tôi có nhiều máy tính, nhiều điện thoại cá nhân. Tôi chỉ tìm kiếm, thực hiện các cuộc gọi ngẫu nhiên (cold-calling) và giao dịch.”
Một hôm, Elliott nhìn thấy khói bốc lên từ căn phòng của một nhân viên tư vấn nhà ở. Tò mò, anh mở cửa và phát hiện ra Anthony Adams đang là những chiếc áo phông. Hóa ra anh ta đang kiếm được khoảng 1.000 đô-la một tháng nhờ bán áo phông có in hình vui nhộn. Số tiền đó dùng để trả học phí còn căn phòng đang ở được miễn phí vì anh ta là nhân viên quản lý khu ký túc.
Elliott đã hỏi anh ta rằng: “Anh tự kinh doanh bằng cách nào thế?”
Anthony trả lời: “Ồ, tôi có một công ty trách nhiệm hữu hạn, một tài khoản ngân hàng và tôi chỉ bán áo phông thôi.”
Elliott đã hơi bất ngờ. “Tôi không hiểu – anh không phải làm thuê cho ai sao? Ai thuê anh thế?” Và Anthony đã giải thích cho anh ấy biết doanh nhân là gì.
“Khoan đã, ý anh là tôi có thể tự kiếm tiền mà không cần phải làm việc cho bất kỳ ai hả?” Elliott hỏi Anthony và anh ta gật đầu.
“Thế anh làm gì sau khi ra trường?” Elliott hỏi. Câu hỏi đó được trả lời bằng một cái nhìn chòng chọc có ý rằng “Cậu bị ngớ ngẩn à?”.
Đầu óc còn non trẻ của Elliott đã được thổi vào một suy nghĩ mới, rằng bạn không cần làm việc cho bất kỳ ai mà vẫn có thể kiếm được tiền. Anh tin rằng mình cũng có thể thành lập một công ty bán áo phông. Thời gian còn lại của cả năm học đầu tiên được dùng để thử nghiệm nhưng thất bại thảm hại. Đến năm thứ hai, anh thành lập một công ty tư vấn cố gắng thu hút tất cả các cửa hàng ở Madison thuê anh tuyển chọn các sinh viên đại học có khả năng đưa ra các giải pháp marketing cho họ. Công ty này cũng thất bại. (Một tình huống đáng xấu hổ đã xảy ra: Anh định gửi e-mail giới thiệu dịch vụ cho một khách hàng tiềm năng nhưng thay vì gửi danh sách tất cả các cuộc gọi trong cùng một buổi giới thiệu thì anh lại gửi thông tin chi tiết từng cuộc gọi tới một khách hàng cụ thể.)
Nhưng, Elliott nói: “Anh sẽ học hỏi qua những trải nghiệm và thất bại. Với công ty thứ hai này, tôi hiểu rõ hơn cách kết hợp các yếu tố với nhau trong kinh doanh. Các vụ chào hàng của tôi ngày càng tốt hơn. Đến lần thứ ba, khi kinh doanh thư quảng cáo bất động sản, tôi đã có hai năm kinh nghiệm giới thiệu dịch vụ và bán hàng. Hai năm qua tôi đã học hỏi được rất nhiều điều nên tôi đã bán thành công các sản phẩm dịch vụ thư quảng cáo.”
Với tài kinh doanh và nỗ lực không mệt mỏi (thậm chí phải bỏ học), anh ấy đã có một doanh nghiệp thư quảng cáo bất động sản với doanh thu 7 con số. Cuối cùng, anh quyết định rời hẳn trường để tập trung phát triển kinh doanh.
Tới khi không thể tự xoay xở công việc một mình mà không có ai hỗ trợ, anh có ý định thuê thêm một nhân sự cho công ty nhưng anh không biết phải làm thế nào để thuê được người, tìm ở đâu và đánh giá như thế nào.
Anh nghĩ chắc hẳn cũng có một số doanh nhân trẻ khác tại Mỹ phải đối mặt với các câu hỏi này, vì thế anh bắt đầu thực hiện một cuộc điều tra nhỏ và quả đúng như anh đoán. Anh tình cờ có được danh sách top 25 doanh nhân dưới 25 tuổi theo khảo sát của tạp chí BusinessWeek và top 30 doanh nhân dưới 30 tuổi từ Inc. “Những chàng thanh niên này trở thành thần tượng mới của tôi,” Elliott đã chia sẻ vậy.
Anh bắt tay thực hiện các cuộc gọi liên hệ với các CEO trẻ trong danh sách mà mình có được. Nếu như chìa khóa cho các thương vụ làm ăn lớn là phải có một sản phẩm tuyệt vời để tung ra thị trường thì Elliott lại mong muốn có được cuộc chào hàng lớn nhất lịch sử: “Thực hiện chuyến đi trượt tuyết miễn phí hoàn toàn tới Utah với một số CEO trẻ hàng đầu khác, vé máy bay sẽ là vé hạng nhất và chúng tôi sẽ gặp nhau ở đó để chia sẻ thông tin và kiến thức.” Như Elliott nói: “Thuyết phục ai đó tham gia vào một chuyến trượt tuyết miễn phí chẳng có gì khó khăn cả.” Trước đây, hầu hết các CEO trẻ đều chưa từng gặp nhau và đây cũng là cơ hội để họ được gặp gỡ các nhà lãnh đạo trẻ khác.
20 CEO tham gia vào chuyến đi đầu tiên này vào tháng Tư năm 2008. Trong đó có Josh Abramson và Ricky Van Veen, đồng sáng lập CollegeHumor; Vimeo và BustedTees đều là sinh viên bỏ học giữa chừng từ Blake Mycoskie, người thành lập TOMS Shoes; và Ben Lerer, đồng sáng lập Thrillist. Độ tuổi trung bình của những người tham gia chuyến đi này là 26.
Năm tuần trước chuyến đi, Elliott phải đối mặt với khoản tiền 40.000 đô-la trong thẻ tín dụng cá nhân để chi trả cho chuyến đi. Lấy hết tự tin, anh sử dụng kỹ năng bán hàng tự học hỏi của bản thân để gọi điện cho các nhà tài trợ để xin tài trợ cho chuyến đi và cuối cùng, anh cũng có được khoản tiền đó.
Chuyến đi đã rất thành công. “Họ chưa từng gặp nhiều doanh nhân trẻ khác đến thế. Trong vòng ba ngày, họ tạm lánh cuộc sống thường nhật, gặp gỡ nhiều người thú vị, bàn luận và học hỏi từ nhau những bài học về kinh doanh. Chúng tôi đã có những tình bạn tuyệt vời,” Elliott chia sẻ. Chuyến đi quá suôn sẻ đến mức Elliott quyết định thực hiện một chuyến đi khác nữa vào sáu tháng sau với 60 nhà lãnh đạo trẻ. Dĩ nhiên, anh đã tìm được tài trợ cho chuyến đi. Dustin Moskovitz cũng tham dự vào chuyến đi thứ hai này cùng với Tony Hsieh từ Zappos.
Chuyến đi đã thu hút được sự chú ý của các doanh nhân trẻ và ngày càng phát triển. Elliott rủ thêm một vài người bạn giúp đỡ mình để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Series (http://summitseries.com), một hội nghị thường niên dành riêng cho các khách mời là doanh nhân, nhà đổi mới, các lãnh đạo tài năng được tạp chí Forbes gọi là “Davos cho thế hệ Y”, gồm Jeremy Schwartz (sinh viên Học viện Âm nhạc Berklee bỏ học), Brett Leve, Jeff Rosenthal và các doanh nhân trong chuyến đi lần này. Tạp chí New York Times cho rằng: “Không có kế hoạch chi tiết nào cho những gì mà Bisnow và các cộng sự của mình đang làm. Có lẽ nó tương đồng với Davos, diễn đàn được tổ chức hàng năm ở Thụy Sỹ dành cho các tỷ phú và nguyên thủ quốc gia, vượt qua cả chương trình The Real World của MTV.”
Hội nghị thượng đỉnh Series diễn ra vào năm 2009 rất đặc biệt khi Văn phòng Nhà Trắng hứa với công chúng thực hiện một bàn tròn đàm phán với các doanh nhân trẻ. Nhân viên trong Văn phòng từng nghe Hội nghị Series là hội thảo mạng lưới kinh doanh toàn cầu hấp dẫn nhất cho thế hệ Facebook. Vì thế họ liên lạc với Elliott và đề nghị anh và đội ngũ của Series cùng họ tổ chức sự kiện này cho Nhà Trắng. Elliott và đội ngũ những chàng thanh niên
ở độ tuổi 20 đã đến với hội trường chính của một nơi quyền lực nhất toàn cầu.
Elliott cùng Bill Clinton, Mark Cuban và các cộng sự không tốt nghiệp đại học, Ted Turner, Sean Parker, Russell Simmons và người đồng sáng lập Twitter, Evan Williams cùng tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh Series. Ngoài người đồng sáng lập Facebook (cũng là một người bỏ học đại học) Mark Zuckerberg, Elliott có thể là một trong những thanh niên trẻ có mối quan hệ rộng nhất thế giới hiện nay.
Elliott không còn quản lý công việc kinh doanh thư quảng cáo gia đình mà tập trung toàn bộ vào Series. Đó là lĩnh vực kinh doanh tiền tỷ thứ hai của anh. Anh ấy cũng gây được hơn 2 triệu đô-la phục vụ mục đích từ thiện từ các thành viên tham gia sự kiện. Tới nay, Elliott vẫn chưa quay trở lại trường Madison sau “thời gian nghỉ phép”.
Tôi gặp Elliott và những người đồng sáng lập cùng các chuyên viên cao cấp khác, tất cả đều ở tuổi 20+, ở một khu nghỉ dưỡng lớn tại Miami. Tám người trong số họ vài tháng một lần, chuyển tới những thành phố mới để sống, nơi họ có thể gặp gỡ qua các cuộc hội thảo và làm việc từ xa qua máy tính xách tay và điện thoại.
Tôi hỏi Elliott là bằng cách nào anh ấy có được thành công từ khi còn quá trẻ như thế. Anh ấy đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng: “Tôi cho rằng 100% thành công của tôi từ trước đến nay là nhờ những người tôi đã gặp và học hỏi. Điều đó chẳng còn gì phải nghi ngờ nữa. Jim Rohn, (một tác giả tiến bộ, một sinh viên bỏ học) đã nói: ‘Bạn là người trung bình cộng của 5 người mà bạn dành thời gian nhiều nhất’. Rộng hơn nữa, bạn là phản ánh của 20 đến 30 người cho bạn lời khuyên tốt nhất. Mọi thứ đều liên quan đến con người và bắt đầu từ bạn. Vậy nên, hãy để xung quanh bạn là những người vĩ đại mà bạn có thể học hỏi.
“Hầu hết mọi người đều coi trường đại học là môi trường để học hỏi, sau khi tốt nghiệp và bước ra đời thực là xong việc học hành. Còn tôi lại coi cuộc sống là trường học. Đối với tôi, lúc nào cũng là học hỏi, học hỏi không ngừng. Mọi người cho rằng: ‘Rời trường học là thoát nợ học hành và chẳng còn phải dính líu gì đến sách vở nữa.’ Còn tôi đọc sách và trao đổi với mọi người mỗi ngày. Tôi luôn ra ngoài và tìm gặp những người mới mà tôi có thể học hỏi.”
Đó là sự thật. Theo một trong số các lãnh đạo trẻ thành công nhất thế giới thì: Nếu bạn muốn thành công và tác động tích cực đến cuộc sống của chính mình, hãy tìm kiếm những cá nhân xuất chúng để học hỏi và bao quanh mình bằng những người như thế.
Vậy làm sao để bạn tìm thấy những cố vấn quyền lực bên ngoài lớp học? “Mối quan hệ không phải là thứ có thể trao qua đổi lại. Nó liên quan đến khả năng cho đi nhiều nhất và nếu thấy bạn thành công, tôi thực sự hạnh phúc. Nếu tôi là bạn của bạn, bạn sẽ giúp đỡ tôi. Nếu bạn khiến những người quen biết mình hỏi lẫn nhau rằng: ‘Tôi giúp gì được cho anh không?’ thì bạn sẽ tiến xa hơn trên con đường thành công. Nếu là một thiên tài và muốn giúp đỡ người khác, hãy cho đi, cho đi, cho đi, rồi mọi thứ sẽ đến với bạn.”
Một số độc giả có thể cho rằng: “Ồ, Bisnow nói thì đơn giản rồi. Anh ấy đang điều hành một doanh nghiệp có doanh thu 7 con số và có thẻ tín dụng 40 nghìn đô-la chi trả cho các CEO nổi tiếng đi trượt tuyết để nhận được lời khuyên từ họ cơ mà. Anh ấy có thể đầu tư và chấp nhận rủi ro. Tôi không có một công ty có doanh số 7 con số và chắc chắn không thể mạo hiểm đầu tư 40.000 đô-la để có thể thực hiện một chuyến đi như thế. Làm sao để áp dụng lời khuyên “cho đi” này vào tình huống của tôi?”
Một câu hỏi thật thú vị!
Làm sao tôi có thể tìm thấy hai trong số những cố vấn thú vị nhất thế giới?
Khi vừa khởi hành trên con đường chinh phục thành công và tìm kiếm cố vấn có nhiều kinh nghiệm hơn mình, bạn có thể cho đi những gì cho người có nhiều quyền lực hơn, giao thiệp rộng hơn và thành công hơn bạn?
Hãy để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về hai trong số những người hướng dẫn quyền lực nhất của tôi trong cuộc sống, Bryan và Eben Pagan (một người từng bỏ học đại học), một cố vấn đáng tôn trọng, người sở hữu nhiều kỹ năng marketing sáng tạo nhất và cách tôi kết nối với họ.
Nếu phải dự đoán tỷ lệ thành công trong tương lai của Eben Pagan từ khi còn học trung học và đại học (điều mà phần lớn các bậc cha mẹ, giáo viên vẫn thường làm) thì tỷ lệ này sẽ rất thấp.
Với Eben, trong thập niên 1970 và 1980 ở Oregon, khi cái đói nghèo bủa vây con người, việc học hành chỉ là “phí thời gian”. Anh thường chỉ đạt điểm trung bình trong các kỳ học. Phần lớn thời niên thiếu anh dành cho việc chơi trong một ban nhạc rock Thiên chúa giáo. Anh bỏ học trường công sau học kỳ đầu tiên để có thời gian đi công diễn cùng ban nhạc của mình.
“Tôi theo đuổi dòng âm nhạc đó suốt 5 năm, trong nhiều ban nhạc khác nhau. Tôi đi công diễn với ban nhạc này rồi làm album với ban nhạc khác. Tuy nhiên, không lâu sau, tôi nhận ra rằng thật khó để đi xa hơn. Tất cả chúng tôi đều có ước mơ trở thành nghệ sỹ nhưng khó lòng biến ước mơ đó thành hiện thực. Tôi muốn mình thành công hơn nữa với đam mê của mình. Tại thành phố Oregon quê hương tôi, tôi không biết ai thành công hay giàu có và tôi cũng không biết ai quen người thành công hay giàu có.
Theo trực giác của tôi thì dường như những người giàu có thường liên quan đến bất động sản. Vì thế, tôi quyết định học về bất động sản và có được giấy phép kinh doanh bất động sản. Nhưng tôi đã thất bại thảm hại trong lĩnh vực này. Tôi nhớ mình đã bán được vài ba ngôi nhà trong năm đầu tiên, có cả những ngôi nhà nhỏ giá rẻ. Tổng cộng, tôi đã kiếm được khoảng 2.000 đô-la. Tôi vẫn làm việc bán thời gian ở công trường xây dựng.”
Sự khởi đầu này chẳng có triển vọng gì. Tuy nhiên, nếu sử dụng thành tích học tập và quá trình khởi nghiệp là nhân tố đánh giá cho thành công tương lai của Eben thì chúng ta đã nhầm.
Nhờ tham gia vào thị trường bất động sản, Eben đã khám phá ra được điều mà sau này trở thành thế mạnh trong cuộc sống của anh: kiến thức tự học về kinh doanh và marketing. Anh bắt đầu tìm hiểu về chúng từ sau cuộc hội thảo của Joe Stumpf, một hướng dẫn viên về marketing và bất động sản ở Eugene, Oregon. “Tôi nghĩ ngay rằng bằng cách nào đó, tôi phải làm việc cho người đàn ông này và học hỏi những kinh nghiệm của ông ta. Nhưng tôi không biết phải thực hiện điều đó như thế nào vì ông ấy đang phải điều hành rất nhiều hội thảo lớn trên toàn nước Mỹ và cơ hội gặp mặt ông ta dường như là không tưởng.
“Vì thế, tôi bắt đầu gọi điện cho các nhân viên bán hàng qua điện thoại của ông ấy. Họ đang cố gắng bán hàng nên sẽ tiếp chuyện bất kỳ ai. Tôi kể cho họ những trải nghiệm của mình tại buổi hội thảo và thân thiện hơn với họ.
Một lần, tôi tìm thấy bộ băng đĩa của Tony Robbins ở Goodwill với giá 10 đô-la Mỹ, tôi cũng biết rằng một trong những người mà tôi đang bắt chuyện sẽ thích nó, vì thế tôi gói bộ băng đó vào và gửi nó cho anh ta. Mọi chuyện diễn ra như thế.
“Một hôm, họ gửi cho tôi một vài cuộn băng ghi âm của Joe. Tôi gọi cho họ và nói: ‘Bản ghi âm chương trình này không tốt lắm, tôi nghĩ nó có thể tốt hơn nữa.’ Tôi có hiểu biết nền tảng về âm thanh từ những ngày còn chơi nhạc. Tình cờ, người phụ trách việc thu âm làm việc không tốt nên họ cho anh ta nghỉ việc. Vì thế, tôi đã nói chuyện với Giám đốc công ty này và tới làm việc cho họ. Tôi đảm nhận công việc tổ chức về âm thanh và hình ảnh cho các hội thảo tại công ty được ba năm. Tôi chưa bao giờ làm chuyên viên nghe nhìn nhưng có kiến thức về các thiết bị nên tôi hoàn thành rất tốt công việc của mình.
“Hóa ra đây lại là quyết định đặc biệt nhất trong sự nghiệp kinh doanh của tôi. Tôi đã tìm được người thành công và làm việc cho người đó. Từ đó, tôi có thể bước chân vào thế giới marketing và kinh doanh. Tôi nghe nhiều thiên tài kinh doanh và marketing trước đây nói và tìm đọc tất cả những cuốn sách của họ. Cuốn Influence: The Psychology of Persuasion (Những đòn tâm lý trong thuyết phục) của Cialdini đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi.
“Tôi bắt đầu áp dụng tất cả những gì tôi học được về marketing và kinh doanh để tư vấn cho các công ty bất động sản cách marketing và giao dịch thành công. Các khách hàng của tôi nhờ đó mà đạt được thành công lớn và tôi chỉ cần làm việc một tuần mỗi tháng mà vẫn có thể sống thoải mái với nguồn thu nhập đó của mình.”
Ở lĩnh vực tư vấn, Eben bắt đầu thành lập một công ty chuyên bán sản phẩm và dịch vụ (chủ yếu là sách điện tử, các thẻ thành viên, các khóa huấn luyện trực tuyến và các hội thảo cuối tuần trực tiếp) liên quan đến vấn đề giới tính giúp phụ nữ và nam giới hấp dẫn hơn trong mắt nhau. Anh ấy đã phát triển nó thành một công ty trị giá 20 triệu đô-la.
Có quá nhiều người hỏi anh ấy về cách đưa doanh nghiệp phát triển nhanh chóng đến vậy. Anh đã mở chi nhánh thứ hai để hướng dẫn các kỹ năng về marketing (http://gurublueprintblog.com) cho các doanh nhân. Trong thế giới marketing qua Internet, Eben là một huyền thoại sống, được biết đến rộng rãi như người thực hành các kỹ năng này thành công nhất trên thế giới.
Công ty Hot Topic Media của anh tới nay đã thu về khoảng 30 triệu đô-la mỗi năm với khoảng 70 nhân viên trên toàn cầu. Anh đã tự thành lập công ty và phát triển nó suốt 10 năm qua mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ nhà đầu tư nào. Hiện nay, anh là một tỷ phú tự vươn lên và nếu muốn, sẽ không bao giờ phải làm việc thêm ngày nào trong cuộc đời mình nữa. Nhưng anh vẫn chưa có ý định nghỉ hưu trên một hòn đảo xinh đẹp ở Bahamas, vẫn muốn điều hành, phát triển doanh nghiệp của mình và làm việc 12 giờ một ngày. Anh điều hành công việc kinh doanh thông qua một chiếc MacBook, trong văn phòng có thể nhìn ra toàn cảnh tòa nhà Empire State hay tranh thủ làm việc trên đường đi tham dự và phát biểu tại các hội thảo toàn cầu.
Lần đầu tiên tôi nghe tên Eben qua một người bạn từng tham gia chương trình học của ông. Bạn tôi cho nghe một cuốn băng ghi âm về cách viết một lá thư kinh doanh trực tiếp. Một thời gian ngắn sau khi lắng nghe bản ghi âm đó, khoản tiền tôi thu được từ việc viết thư kinh doanh cho khách hàng nhiều hơn so với việc viết lời giới thiệu sách đã làm mấy năm qua, tôi thường kiếm được khoảng 1.000 đô-la cho vài giờ làm việc và khách hàng của tôi quay trở lại nhiều hơn vì những bản quảng cáo mà tôi học được từ Eben đã mang lại rất nhiều lợi nhuận cho họ.
Tôi biết Eben là người mà tôi cần học hỏi và kết giao. Khi được biết anh bạn tôi đã đăng ký một khóa học trực tiếp với Eben và tôi có thể tham dự với một tấm vé đi cùng, tôi chớp lấy thời cơ. Đương nhiên, khó lòng gặp được trực tiếp giáo viên khi anh ấy đang đứng trên bục giảng, thuyết giảng trước hàng trăm người mà hầu hết đã phải chi ra hàng ngàn đô-la để được ngồi ở đây nhận lấy lời khuyên và hỗ trợ từ Eben.
Cuối tuần đó đã mê hoặc tôi. Câu trả lời của Eben trước một tình huống cụ thể cứ ám ảnh tôi từ dịp cuối tuần đó. Một người trong đám đông hỏi: “Làm sao tôi có thể liên hệ trực tiếp với người cố vấn dày dạn kinh nghiệm, người sẽ dẫn dắt tôi trong cuộc sống và cả kinh doanh?”
Eben trả lời: “Lãnh đạo giống như một chiếc bút mực. Hãy tưởng tượng các nhà lãnh đạo như dòng mực ngay đầu ngòi bút và sẵn sàng chảy ra. Dòng mực này chỉ có thể ra khỏi ngòi nếu nó được thúc đẩy bởi dòng mực sau nó.
Nếu bạn muốn thành công, hãy tìm kiếm các nhà lãnh đạo đang làm nên những điều kinh ngạc trên thế giới và thúc đẩy họ. Hãy tìm kiếm những người quyền lực và giúp họ đạt được mục đích của mình. Nếu bạn giúp ích cho họ, họ sẽ giúp đỡ bạn.”
Khoảng một năm sau đó, tôi và Jena, vợ tôi cùng xuất hiện ở festival Burning Man tại Nevada vì nghe nói Eben sẽ xuất hiện ở đây và có một bài phát biểu. Jena và tôi có một người bạn tên là Annie Lalla, một huấn luyện viên có giao thiệp rộng nhưng đang phải vật lộn để duy trì công việc kinh doanh đang khó khăn của mình và đang học hỏi thêm các kỹ năng kinh doanh và marketing. Tôi buộc Annie tham gia vào buổi diễn thuyết, lôi cô ấy tới đây để học được điều gì đó về marketing từ Eben.
Lúc đó, tôi không hề biết rằng tôi đã mang cô vợ tương lai đến cho Eben. (Điều này khá giống với việc “đẩy dòng mực”.) Đương nhiên, lúc đó, điều chúng tôi quan tâm nhất là vây quanh anh ấy sau bài phát biểu, bắt tay và hỏi anh ấy các câu hỏi về bài nói chuyện vừa kết thúc. Nhưng sau đó, mọi chuyện hóa ra không chỉ đơn thuần như thế với Eben và Annie…
Khi trở về từ Burning Man, tôi thấy một dòng cập nhật được đăng trên blog của Eben khi đã khá khuya với nội dung: anh ấy sẽ tổ chức một buổi gặp mặt riêng tư có quy mô nhỏ tại Ojai, California với người hướng dẫn thân thiết, David Deida. Đây là một trong những chuyên gia mà tôi đã học hỏi được nhiều nhất để có được mối quan hệ tuyệt vời với Jena. Tôi xô ghế đứng dậy, chạy vào phòng ngủ, đánh thức Jena dậy và hét lên với cô ấy: “Eben sẽ tổ chức một buổi gặp mặt đơn giản với David Deida vào cuối tháng tới! Giá vé vào là 2.500 đô-la và được tổ chức tại California. Chúng ta sẽ tham gia!” Jena đã lầm bầm một câu gì đó rằng sẽ nói chuyện với tôi vào sáng hôm sau và tiếp tục vùi đầu vào gối. Tôi gọi cho Annie và nói với cô ấy về cơ hội này. Cô ấy nói rằng mình thích Eben phát điên lên được khi anh ấy cất lời ở Burning Man (anh ấy khá bảnh trai) nhưng cô ấy đã chẳng làm gì hơn ngoài việc bắt tay anh ấy sau bài diễn thuyết. Cô ấy đã đồng ý tham gia ngay lập tức.
Jena hỏi tôi liệu đánh đổi nhiều thứ vào cuối tuần này như thế có sáng suốt không. Tôi nói với cô ấy rằng: “Kết giao với một người thầy uy lực có thể thay đổi cuộc đời em mãi mãi. Điều đó không đáng sao?” Cô ấy đã đồng tình với lòng nhiệt tình của tôi và cả ba chúng tôi cùng nhau đi từ New York đến Ojai. Tôi không thể giao lưu trực tiếp với Eben khi anh ấy đang đứng trên bục diễn thuyết trước hai trăm người nhưng trong một cuộc gặp mặt thân mật về định hướng phát triển bản thân chỉ có 30 người thì tôi có thể.
Ở buổi gặp mặt, Eben đã nhìn thấy mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa tôi với Jena và đặt ra một số câu hỏi xung quanh nó. Tôi đã tìm được cách giúp đỡ Eben và đẩy dòng mực lãnh đạo ngược lên đầu ngọn bút. Đoán biết anh ấy muốn xin tôi vài chỉ dẫn nên tôi đã trải lòng và chia sẻ với anh tất cả. Sau này, anh ấy có hai lần mời Jena, Annie và tôi đến gặp trực tiếp để hỏi về các mối quan hệ của chúng tôi.
Giờ đây, anh ấy không chỉ là một người bạn tuyệt vời mà còn là một cố vấn tuyệt vời cho Jena và tôi trong sự nghiệp. Tôi học hỏi được từ anh cách tạo dựng thành công nhiều hơn suốt 16 năm đi học của mình.
Và phần còn lại của câu chuyện giữa Eben và Annie chỉ là thời gian. Eben chuyển từ Los Angeles đến New York để sống với Annie và hiện nay họ đã đính hôn.
* * *
Câu chuyện về cách tôi gặp vị cố vấn tuyệt vời của mình, người đã cho tôi những hướng dẫn miễn phí thay vì mức phí 10.000 đô-la của một giáo sư đại học có vẻ dài dòng và quanh co, vì những câu chuyện thực tế luôn như vậy. Không có công thức ngắn gọn nào cho việc kết giao với những cố vấn quyền lực. Elliott đã làm được bằng việc mời các nhà lãnh đạo tham gia một chuyến trượt tuyết. Tôi đã làm vậy qua Burning Man và một buổi gặp mặt thân mật. Con đường này có vẻ khá dài nhưng tìm được một cố vấn giỏi, cuộc đời bạn có thể thay đổi được hướng đi. Nó xứng đáng với nỗ lực mà bạn bỏ ra.
Tiếp theo là câu chuyện về cách tôi gặp mặt cố vấn thứ hai trong cuộc đời mình, Bryan Franklin.
Tôi liên tục được nghe về Bryan (http://bryanfranklin.com) thông qua những người bạn của bạn bè tôi. Anh ấy được cho là một trong những người thầy thành công nhất nước Mỹ. Anh ấy mới 38 tuổi nhưng đã kiếm được 1 triệu đô-la một năm trong vòng 10 năm qua nhờ hướng dẫn các chuyên gia cao cấp ở các công ty tầm cỡ nhất Thung lũng Sillicon như Google, Apple, LinkedIn và Cisco về kinh doanh và lãnh đạo. Anh ấy điều hành một chương trình đào tạo lãnh đạo, marketing và kinh doanh trong nhiều năm trị giá 18.000 đô-la. Một khách hàng của Jena đã tham gia chương trình và Jena vô cùng kinh ngạc trước kết quả kinh doanh mà vị khách hàng này học hỏi được từ chương trình.
Lần đầu tiên nghe về Bryan, tôi cũng vô cùng ngạc nhiên. Một người đàn ông 38 tuổi kiếm được khoảng 1 triệu đô-la một năm trong vai trò hướng dẫn kinh doanh và lãnh đạo cho các chuyên viên cao cấp 50 tuổi ở các công ty có doanh thu hàng tỷ đô-la và làm điều đó từ khi mới 20 tuổi. Làm thế quái nào anh ta lại dạy được những điều về kinh doanh và lãnh đạo mà họ không biết và mỗi khóa học lên đến 18.000 đô-la mỗi năm?
Ngoài ra, tôi bị kích thích trí tò mò trước những thông tin nghe được. Gã này là ai vậy?
Jena đã gặp anh ấy một lần khi Bryan biết cô ấy sống ở New York và anh bày tỏ mong muốn tổ chức một chương trình kéo dài một năm tại đây dưới sự giúp đỡ của cô ấy. Tôi không biết nhiều về anh ngoài những điều được nghe kể lại nên tò mò muốn tìm hiểu thêm. Tôi chủ động liên hệ với anh ấy và nói: “Tôi biết rất nhiều người ở New York và có thể giúp anh đứng trước một khán phòng chật cứng những người quan tâm và thích thú với những điều anh nói.” Anh ấy nói sẽ đến New York một vài tháng sau và chấp nhận lời đề nghị của tôi.
Jena và tôi đã gửi đôi lời tới những người quen biết. Bài giới thiệu có nội dung khá đơn giản: “Chúng tôi không biết nhiều về anh chàng này nhưng những gì anh ấy đã làm quả thật đáng kinh ngạc. Vì thế hãy cùng chúng tôi tham gia buổi gặp mặt miễn phí với anh ấy do chúng tôi tổ chức và cùng nhau học hỏi từ chàng thanh niên xuất chúng này.” Khá nhiều người tin tưởng vào những lời nhận xét của chúng tôi nên rủ thêm bạn bè đi cùng, làm cho căn phòng chật như nêm với hơn 75 người tham dự. Bài diễn thuyết có tựa đề: “Cách đưa doanh nghiệp của bạn tiến đến một tầm cao mới.”
Bài diễn thuyết thật đáng nghe (bạn sẽ được nghe nhiều hơn về nội dung của nó và về Bryan vào phần sau của cuốn sách) và tôi mong muốn trở thành học trò của anh. Jena và tôi thậm chí còn tổ chức thêm ba buổi diễn thuyết chật ních người như thế trong vài tháng sau đó. Từ đó trở đi, anh ấy đã kết hợp với Jena và tôi để thực hiện chương trình đào tạo về lãnh đạo, marketing và kinh doanh kéo dài một năm đầu tiên tại New York.
Chúng tôi đón tiếp anh và vị hôn thê, Jenifer mỗi lần họ đến đây. Chúng tôi tìm mọi cách mà mình biết để thúc đẩy anh ấy đến với các đối tác kinh doanh, thậm chí là cả khách hàng. (Tôi giới thiệu anh ấy với Eben và từ đó họ trở thành bạn tốt của nhau, Bryan còn tham gia phát biểu tại một trong những sự kiện của Eben.) Jena và tôi luôn tự nhủ làm sao để có thể “cho” anh ấy nhiều hơn nữa, làm sao để đóng góp và giúp đỡ anh ấy nhiều hơn nữa, làm sao có thể cung cấp cho anh ấy thứ mà anh ấy muốn?
(Thậm chí, chúng tôi còn dặn dò anh ấy về chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống! Anh ấy thường xuyên về nhà chúng tôi ăn uống và tỏ ra rất thích thú.) Chúng tôi đã nói với anh ấy rằng: “Lúc nào cậu cũng nói về sự phát triển cá nhân trong khi lĩnh vực này cậu làm chẳng tốt chút nào. Đã đến lúc hình thành thói quen tốt cho mình đi!” Cuối cùng, anh ấy cũng nghe lời góp ý của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy tất cả những điều này chỉ để đổi lấy cơ hội trao đổi với anh ấy 10 phút và được nghe ý kiến của anh ấy thôi cũng đáng.
Anh ấy đã trở thành một trong những cố vấn, người thầy, người bạn thân đặc biệt nhất trong cuộc sống và công việc của chúng tôi. Tôi thực sự rất hãnh diện vì sức ảnh hưởng mà hai sinh viên bỏ học giữa chừng, Bryan và Eben đã tác động đến cuộc sống của tôi, tác động đến từng trang của cuốn sách này.
Đầu tư vào nguồn vốn kết giao
Nếu bạn muốn thu phục được các cố vấn và người hướng dẫn quyền lực vào đội của mình thì bí quyết đó là hãy cho đi. Cho đi và cho đi. Hãy ủng hộ họ. Hình dung ra cách giúp đỡ họ và hiện thực nó. Hãy là dòng mực phía sau họ và thúc đẩy họ tiến lên. Hãy mạnh dạn cho đi và hỗ trợ họ để kích thích tư duy của họ.
Và trong khi được kỳ vọng vào một việc gì đó, bạn hãy thực hiện bằng tất cả sự chân thành. Những xúc động thật sự nằm ở sự cho đi chứ không phải nhận về. Hãy vui vẻ với cơ hội được giúp đỡ ai đó đang làm những điều tuyệt vời cho thế giới này, rồi bạn sẽ được đền đáp xứng đáng (theo kinh nghiệm của tôi thì luôn là như thế). Nhưng đừng tập trung hết vào những thành quả mà bạn có thể nhận được, hãy chú tâm vào cách thức hỗ trợ họ.
Trong các câu chuyện của tôi về quá trình kết giao với Eben và Bryan, tôi đánh dấu các ví dụ về hai điều khác biệt mà tôi có thể cho họ. Hai điều này, tôi sẽ giải thích cụ thể ngay sau đây, đều được tôi gọi là “nguồn vốn kết giao”.
Vốn là một thứ được sử dụng để tạo nên giá trị, bản thân nó không hề mất đi trong quá trình tạo ra giá trị. (Ví dụ, cái búa là công cụ dùng để đóng đinh vào gỗ để làm nhà, nó không trở nên vô dụng sau khi cái nhà được tạo thành hay trong quá trình tạo ra ngôi nhà đó.) Trong xã hội tư bản, người sở hữu nguồn vốn nhiều nhất là người giàu nhất và có nhiều phương tiện nhất để ngày càng giàu hơn.
Một số người dành thời gian của họ để cóp nhặt tài chính như tiền mặt, cổ phiếu và trái phiếu hay bất động sản như nhà cửa. Trái lại, những người mà tôi phỏng vấn cho cuốn sách này đã dành rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để đầu tư vào việc phát triển và duy trì những gì tôi gọi là “nguồn vốn kết giao.”
Nguồn vốn kết giao có thể giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ (“bộ lạc” của bạn như cách gọi của Seth Goldin) và nó sẽ không biến mất hoặc cạn kiệt khi bạn mở rộng mạng lưới này. Hai dạng lớn nhất của nguồn vốn kết giao là (a) những mối kết giao đã tồn tại từ trước và (b) khả năng cho đi lời khuyên tích cực.
Những mối kết giao sẵn có: Tôi kết nối Eben với Annie, người hóa ra lại là một trong những người quan trọng nhất cuộc đời anh ấy. Tôi không thể làm được điều đó nếu Annie không có trong mạng lưới của tôi. Tôi kết nối Bryan với Eben. Tôi cũng không thể làm được điều đó nếu Eben không có trong mạng lưới của tôi. Nhờ đó, Bryan đã trở thành một phần bền chặt hơn trong mạng lưới của tôi.
Đó là một trong những loại tình huống giàu–trở–nên–giàu–hơn, tiền–sinh– tiền. Không thể phủ nhận rằng: Mạng lưới càng rộng thì khả năng xảy ra các tình huống này càng cao. Bạn càng có nhiều mối quan hệ thì khả năng ổn định tài chính của bạn càng lớn. Lý do đơn giản là: Bạn càng có quan hệ rộng, mạng lưới của bạn càng phát triển và càng có nhiều người muốn tham gia vào nó. Ngày càng có nhiều người muốn kết nối với Elliott Bisnow bởi anh ấy có giao thiệp rất rộng.
Đây là hiệu ứng quả cầu tuyết: Một khi bạn có một mạng lưới hoạt động tốt, thì tốc độ phát triển sẽ càng nhanh và mạnh hơn. Thực tế, tôi chưa thấy có tài sản nào khác có thể phát triển nhanh đến vậy. Vì nó được hình thành bởi con người và sự quan tâm. Con người không giống như tiền bạc, cổ phiếu, vàng khối, miếng đất hay các cỗ máy, họ nói chuyện, chia sẻ với nhau những điều mà họ quan tâm.
Elliott Bisnow tổ chức chuyến đi trượt tuyết quy mô đầu tiên vào năm 2008, chỉ hai năm rưỡi trước khi tôi viết cuốn sách này. Hiện nay, anh ấy đứng đầu một trong những mạng lưới kinh doanh lớn nhất hành tinh. “Con đường phát triển của ngành công nghệ di động diễn ra nhanh chóng đến mức khiến chính anh cũng phải ngạc nhiên,” một phóng viên tờ Washington Post đã viết như vậy vào đầu năm 2010, một năm rưỡi sau chuyến trượt tuyết thành công đầu tiên của mình. “Không ai nghĩ tôi có thể làm được thế đến tận một năm trước đây,” bài báo trích lời của Elliott. “Thời trung học, tôi không có gì nổi bật. Tôi không có nhóm bạn thân nào hay ngồi ăn trưa và trò chuyện với nhau. Ở đại học cũng vậy.”
Có thể kết nối mọi người với nhau là tài sản vô cùng quý giá. Số lượng người trong mạng lưới của bạn phát triển, từ đó gia tăng khả năng kết nối mọi người. Quả cầu tuyết đang lăn sẽ khiến bạn vô cùng ngạc nhiên vì tốc độ của nó.
Vấn đề là: Làm cách nào có được quả cầu tuyết khi bạn còn chẳng có chút tuyết nào trong tay? Làm sau bạn có thể phát triển mạng lưới của mình khi bạn vẫn chưa có một mạng lưới nào? Đây là câu hỏi quan trọng sẽ được chúng tôi làm rõ trong các chương tiếp theo. Nhưng đầu tiên, hãy nói về thành tố lớn thứ hai của nguồn vốn kết giao.
Một lời khuyên “dao xếp Thụy Sỹ”
Thành tố lớn thứ hai của nguồn vốn kết giao đó là khả năng đưa ra những lời khuyên có giá trị và thích hợp.
Đưa ra lời khuyên ư? Cho người thành công và quyền lực hơn bạn ư?
Hoàn toàn có thể! Dưới đây là cách làm.
Eben nói rằng ba khía cạnh cuộc sống mà hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian của mình để lo lắng là tiền bạc, các mối quan hệ và sức khỏe. Theo kinh nghiệm của tôi, rất ít người được thỏa mãn ở cả ba khía cạnh này trong cuộc sống, ít nhất là như họ mong muốn. Nếu bạn đang nói chuyện với ai đó được xã hội đánh giá là thành công hơn bạn thì có thể họ chỉ thành công hơn bạn ở một lĩnh vực mà thôi (công việc, marketing, kinh doanh, sự nổi tiếng, v.v…).
Theo những gì tôi đã trải qua, hầu hết mọi người, dựa theo tiêu chuẩn xã hội, đều thành công hơn tôi, nhưng cũng đang phải vật lộn với ít nhất một khía cạnh hay vấn đề nào đó mà tôi biết rõ hơn họ. Họ cũng là con người và đã là con người thì sẽ gặp khó khăn.
Tôi sẽ gợi ý cho bạn hai câu hỏi mà nếu bạn áp dụng chúng ở các sự kiện, bữa tiệc và hội thảo, chúng sẽ thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi và mạng lưới của bạn sẽ phát triển nhanh hơn bạn nghĩ:
Điều thú vị nhất đối với bạn trong cuộc sống/công việc hiện tại là gì?
Thách thức đối với bạn trong cuộc sống/công việc hiện tại là gì?
Nếu bạn đang ở nơi riêng tư (tiệc cocktail, tiệc tối…), hãy hỏi về cuộc sống của họ; nếu nơi đó liên quan đến công việc kinh doanh (hội thảo, mạng lưới và sự kiện….), hãy hỏi về công việc của họ. Chú ý: Đây không phải là câu cửa miệng của bạn mỗi gặp mặt ai đó lần đầu. Đương nhiên là không. Bạn phải có được sự tin cậy hoặc tạo được mối quan hệ qua buổi nói chuyện trước đã. Nhưng nếu đã đặt ra những câu hỏi này rồi, hãy chân thành giúp họ dù bất kỳ mục tiêu, sự khích lệ hay thách thức nào mà họ đề cập đến trong câu trả lời, bạn sẽ ngạc nhiên trước khả năng mở rộng mạng lưới một cách thần kỳ.
Khi đặt câu hỏi cho người mà tôi muốn là người tư vấn cho mình, tôi phải là người có tầm nhìn, nguồn lực hoặc các mối quan hệ có thể giúp họ trong các lĩnh vực họ còn khó khăn. Tôi chăm chú lắng nghe bất cứ câu hỏi nào và nếu biết ai đó hoặc điều gì đó hữu dụng đối với những vấn đề mà họ đưa ra, tôi đều đề xuất phương án gợi ý. Tôi luôn tìm kiếm cách thức gây ảnh hưởng và ý nghĩa để hỗ trợ những người mà tôi trò chuyện.
Mối quan tâm của họ có thể liên quan đến sức khỏe, mối quan hệ, thậm chí có thể là một vấn đề cụ thể nào đó trong công việc kinh doanh mà tôi đã trải qua hoặc chưa từng nghe thấy. Tôi gợi ý cho họ các cuốn sách, khóa học và các website đã từng hữu ích với tôi để chúng có thể giải quyết và có tác dụng với bất cứ vấn đề nào họ đề cập. Tôi thường ghi chú lại và gửi cho họ cuốn sách mà tôi vừa gợi ý. Và đương nhiên, tôi cũng gợi ý cho họ những người mà tôi biết có thể giúp họ giải quyết vấn đề, khó khăn hay mục tiêu cụ thể.
Đôi khi, chỉ cần một đôi tai biết lắng nghe, một sự cảm thông hay đơn giản vài lời an ủi cũng đã là món quà tuyệt vời mà bạn có thể cho đi. Bạn nghĩ những người giỏi giao thiệp, có quyền lực và giàu có không gặp khó khăn gì trong cuộc sống sao?
Trong trường hợp của Eben, bằng cách đặt ra những câu hỏi này, tôi đã cho anh ấy lời khuyên về mối quan hệ và kết nối anh ấy với Bryan, người bạn tốt của anh ấy sau này. Khi thắc mắc liệu Eben hay Annie có thành đôi hay không, Bryan đã phân tích lý do tại sao Annie lại là một nửa hoàn hảo với Eben, tại sao anh ấy thật điên khùng khi để cô ấy ra đi như hai người anh em.
Theo các tiêu chuẩn xã hội, Bryan là người thành công hơn tôi nhưng tôi vẫn cho anh ấy lời khuyên về sức khỏe và chế độ dinh dưỡng, một lĩnh vực mà qua trải nghiệm tự học hỏi, tôi biết nhiều hơn anh ấy.
Thêm nữa, tôi không chờ đợi anh ấy hỏi xin lời khuyên của tôi. Khi đã thân thiết, tôi nói thẳng với anh ấy. Tôi bảo anh ấy cần chú ý hơn đến sức khỏe và thói quen ăn uống của mình, một phần cuộc sống mà tôi cảm thấy anh ấy đang lơ là.
Điều đó hiệu quả như một “lời thức tỉnh” mà bạn có thể cho ai đó. Thật ngạc nhiên, thay vì từ chối, phớt lờ hay tỉnh bơ trước những lời gợi ý của tôi, Bryan thực sự lắng nghe và làm theo những gì tôi gợi ý. Cuối cùng, từ một người anh ấy quý mến, tôi trở thành người anh ấy thực sự trân trọng trong cuộc sống.
Lời khuyên của bạn phải rõ ràng, khiêm tốn và chân thành hết sức. Thường thì, bạn không thể làm được điều đó ngay từ đầu. Bạn phải tạo dựng niềm tin và gắn kết bằng sự khéo léo và trí tuệ xã hội của mình. (Nếu cảm thấy mình cần mài giũa thêm về trí tuệ xã hội, bạn có thể tìm đọc cuốn sách Social Intelligence: The New Science of Human Relationship (Trí tuệ xã hội: Môn khoa học mới về mối quan hệ của con người) của Daniel Goleman sẽ rất hữu ích. Tôi gợi ý cuốn sách này vì trí tuệ xã hội là điều mà chúng ta không được học khi ngồi trên ghế nhà trường.)
Nếu bạn có thể đưa cho ai đó một “lời thức tỉnh” đáng yêu về một khía cạnh nào đó trong cuộc sống mà họ vẫn còn “mù mờ” hay chỉ là một lời khuyên đúng lúc giúp họ vượt qua những vấn đề hoặc khó khăn và bước thêm một bước đến với một mục tiêu quan trọng, họ sẽ mãi mãi mang ơn bạn.
Tôi thậm chí đã từng đưa ra cho Bryan một lời khuyên về marketing. Tại sao tôi, người kiếm được số tiền chỉ bằng một phần nhỏ mà Bryan, người đang hỏi xin anh ấy những hướng dẫn về kinh doanh, lại đưa ra một lời khuyên về marketing cho anh ấy?
Rất đơn giản. Anh ấy thực sự là một chuyên gia về kinh doanh và marketing truyền miệng nhưng kinh nghiệm viết quảng cáo của tôi cho thấy anh ấy không biết nhiều về viết quảng cáo trực tiếp. Tôi bắt đầu hướng dẫn anh ấy viết quảng cáo và thậm chí còn viết cho anh ấy một bản mẫu.
Đây là một vài lĩnh vực, trong đó có bộ ba lĩnh vực sức khỏe, tiền bạc và các mối quan hệ, mà bạn có thể đưa ra lời khuyên có giá trị để hỗ trợ những người quyền lực và thành công hơn bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên trước cách các cố vấn tương lai cởi mở đón nhận sự giúp đỡ của bạn. Và nếu bạn giúp họ, họ sẽ giúp bạn.
Marketing và kinh doanh
Tôi nhận thấy rằng hầu hết những người đã thành lập các công ty về marketing không biết chính xác về kinh doanh. Và hầu hết những người thành lập các công ty kinh doanh thì không biết chính xác về marketing. Nếu học được cả hai kỹ năng này để thành công trong cuộc sống (Xem thêm Kỹ năng thành công số 3 và 4), thì bạn có thể đưa ra lời khuyên cho nhiều người khác nhau, như tôi có thể làm với Bryan.
Cụ thể, bạn nên học hỏi về viết quảng cáo và marketing trực tiếp, một lĩnh vực mà Eben giảng dạy, trực tiếp liên quan đến việc thúc đẩy doanh số và doanh thu hiện nay (đối lập với marketing hình ảnh và thương hiệu, loại hình tiêu tốn một lượng lớn tiền bạc để thúc đẩy doanh thu tối đa về lâu dài.) Nếu có thể giúp họ thúc đẩy doanh số và doanh thu, bạn sẽ không bao giờ là một kẻ ngoài cuộc, bạn sẽ thấy họ luôn muốn nói chuyện với bạn và chờ đợi lời khuyên của bạn.
Một khóa học về marketing trực tiếp trong vòng vài tháng của Eben và một số người khác (chúng ta sẽ gặp trong Kỹ năng thành công số 3) và khoảng một năm áp dụng chúng trong thực tế đã rất hữu ích với tôi. Tôi đã tư vấn cho một số công ty trị giá hàng tỷ đô-la và hiện nay tôi hiểu về marketing trực tiếp hơn 99% những người khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Điều đó không hề khoa trương. Nói vậy để nhấn mạnh rằng marketing là điểm mù thực sự đối với hầu hết các doanh nghiệp và nó xa lạ vì họ đã quá quen với marketing thương hiệu. Nếu bạn quan sát các nguồn lực mà tôi liệt kê trong Kỹ năng thành công số 3 thì bạn cũng sẽ biết thêm về marketing trực tiếp hơn 99% các doanh nhân khác.
Tôi cũng ngạc nhiên với số người mà tôi có thể kết giao nhờ chút kiến thức về marketing này. Đó là chiêu tuyệt hảo trong các bữa tiệc. Trong một bữa tiệc, tôi được gặp tiểu thuyết gia nổi tiếng Erica Jong. Tôi hỏi chuyện cô ấy và biết được về bộ tuyển tập truyện ngắn mà cô ấy sẽ xuất bản vào năm sau. Nghe cô ấy nói, tôi thấy ngay rằng các phương tiện marketing trực tiếp qua mạng Internet có thể hỗ trợ cho những nỗ lực marketing mà nhà xuất bản của cô ấy dự định sử dụng. Lúc đó, tôi đã cho cô ấy một vài lời khuyên marketing để quảng bá cuốn sách theo quan điểm của tôi. Vài phút sau, cô ấy lấy bút và viết thông tin liên lạc của mình vào một tờ giấy và nói rằng “Tôi phải trao đổi thêm với anh về việc này.” Erica hiện nay là một người bạn của tôi, tôi giúp đỡ cô ấy mảng quảng bá cuốn sách, còn cô ấy cũng vui vẻ đưa cho tôi những lời khuyên và hướng dẫn hỗ trợ sự nghiệp viết lách của tôi.
Cô ấy có lẽ sẽ không thể trở thành một người bạn thân thiết của tôi nếu tôi không xây dựng nguồn vốn kết giao là những lời khuyên có giá trị liên quan đến một chủ đề quan trọng với cô ấy.
Câu chuyện còn hấp dẫn hơn thế. Erica mời tôi đến một bữa tiệc mà cô ấy tổ chức và giới thiệu tôi với nhân viên PR của cô ấy, Sandi Mendelson. Điều tương tự đã xảy ra. Tôi đã cho Sandi một vài ý tưởng về marketing qua mạng xã hội, điều mà tôi đã có kha khá vốn. Sandi mời tôi đến văn phòng của cô ấy để tiếp tục trao đổi và từ đó, chúng tôi hợp tác cùng nhau. Sandi cũng là cầu nối giữa tôi và nhà văn Esther Newberg, người đóng vai trò quan trọng trong quá trình biến cuốn sách này của tôi thành hiện thực và Esther cũng đã kết nối tôi với Portfolio. Tất cả bắt đầu từ lời khuyên về marketing của tôi cho một tiểu thuyết gia tại một bữa tiệc.
Đó chỉ là câu xã giao và vui đùa vô thưởng vô phạt giữa những người bạn với nhau. Bất cứ khi nào tôi gặp những người bạn mới, tôi thường tìm hiểu xem họ đang phải đối mặt với vấn đề gì và cho họ những lời khuyên của mình về marketing liên quan đến vấn đề hay khó khăn đó. Có thể bạn thấy điều đó thật nực cười nhưng tôi chắc chắn nó có tác dụng. Hầu hết các trường hợp tôi trải qua, nó được đánh giá cao. Bạn tự nhủ rằng: “Nhưng tôi đâu biết nhiều về marketing như anh,” nhưng đừng quên rằng tôi chỉ học hỏi Eben trong vài tháng trước khi bắt đầu áp dụng chúng trong thực tế. Nếu bạn vẫn quả quyết rằng bạn không thể học được chúng trong một vài tháng để vận dụng và đạt được những lợi ích mà tôi đã mô tả ở đây, thì làm ơn hãy trả lại cuốn sách này, ngồi xuống ghế và bật tivi lên xem thôi. Nghiêm túc đấy!
Thức ăn, cân nặng và chế độ dinh dưỡng
Hầu hết những người thành công về tiền bạc và kinh doanh đều làm việc với cường độ rất cao mà chẳng đoái hoài đến sức khỏe của mình. Những thành công của họ từ trước đến nay đều được đánh đổi bằng sức khỏe. Nếu trong cuộc sống, bạn học được cách vượt qua những thách thức lâu năm về sức khỏe của chính mình và đạt được cân nặng lý tưởng hay tự học hỏi những kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe và phong cách sống khỏe mạnh, có nghĩa là ở những chủ đề này, bạn biết nhiều hơn nhiều doanh nhân thành công khác. Nếu bạn nghiên cứu kỹ lưỡng về chúng và trải nghiệm những gì tốt nhất cho cuộc sống của chính mình, bạn nên nghiêm túc tìm hiểu về các lĩnh vực này. Nếu cuộc trò chuyện của bạn đi theo hướng này, hãy đưa ra câu trả lời cho khó khăn mà mọi người đang tưởng như tuyệt vọng, không có lấy một lời khuyên. Những lời khuyên của bạn quý giá hơn bạn tưởng. Tôi đã đưa ra lời khuyên cho Bryan và giúp anh ấy có được thói quen ăn uống khoa học, từ bỏ thói quen vô cùng báo động trước đây. Cuối cùng, tôi đã giúp anh ấy thành công và kéo anh ấy gần hơn vào đội ngũ của mình.
Tinh thần, mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống
Nếu bạn quan tâm và hiểu biết nhiều hơn về vấn đề tâm lý và sự tồn tại trong cuộc sống thì việc bạn đưa ra lời khuyên hữu ích liên quan đến vấn đề này là một điều tuyệt vời có thể hỗ trợ những người có quyền lực và thành công hơn bạn. Có hàng tá những câu chuyện về các cá nhân tạo ra thành công, tiền bạc và danh vọng, nhưng rồi vẫn cảm thấy “trống rỗng”. Thực tế, không nguyên tắc nào không có ngoại lệ, kể cả sự giàu có về vật chất.
Xã hội chúng ta đang theo đuổi sự giàu có về vật chất ngày càng nhiều. Tôi chẳng phản đối sự giàu có về vật chất, thậm chí chính tôi cũng tích cực làm việc để kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Nhưng hầu hết mọi người không nhận ra rằng sự giàu có về vật chất không tỷ lệ thuận với sự giàu có về tinh thần. Vì thế, trong những người giàu có, thành công, nổi tiếng và quyền lực mà tôi từng gặp, hầu như không tồn tại ngoại lệ khi họ đều gặp phải những vướng mắc thường trực liên quan đến sự tồn tại, ý nghĩa, mục tiêu và sự thỏa mãn trong cuộc sống. Họ cảm thấy cân bằng hơn khi có ai đó lắng nghe và chia sẻ các vấn đề cùng họ. Thực tế, các cố vấn quyền lực không phải là những người giàu có về vật chất, thường xuyên phải đối mặt với những rắc rối này theo tần suất hàng ngày. Lý do hết sức đơn giản là: với nhiều người ở tầng lớp trung lưu (a) sự háo hức giàu có đã san bằng những câu hỏi về tâm lý trong quá trình tăng tốc trên con đường tiến đến thành công, hoặc (b) những thắc mắc về sự tồn tại trong cuộc sống đã bão hòa, họ chỉ đứng bên lề cuộc sống, theo đuổi mục tiêu của họ, bình thản tận hưởng cuộc sống, hoặc cả hai.
Tuy nhiên, nếu những người giàu có hoàn toàn không theo đuổi sự tích cóp của cải và quyền lực thì họ thường xuyên phải đối mặt với những đấu tranh tâm lý. Họ lên đến đỉnh thành công và nhận ra rằng việc mọi người đều điên cuồng tìm mọi cách để cán đích là một trò hề bởi kết quả cuối cùng không như họ tưởng. Vì thế họ bắt đầu cân nhắc những câu hỏi lớn hơn về ý nghĩa cuộc sống.
Đương nhiên, rất nhiều người có quyền, có tiền và giao thiệp rộng hoàn toàn đạt được sự viên mãn về tinh thần và ý nghĩa cuộc sống, đang sử dụng quyền lực và sức ảnh hưởng của mình vì mục tiêu lớn hơn là thay đổi thế giới. (Họ là những người tuyệt vời nhất thế giới vì họ đang tạo ra tương lai cho chúng ta. Hãy là dòng mực phía sau thúc đẩy họ mạnh nhất có thể.)
Nhưng nhiều người khác ở vị trí này thực sự bối rối, cảm thấy mất mát, áp lực và thậm chí chán nản trong cuộc sống. Nếu bạn hiểu biết và nghiền ngẫm các câu hỏi liên quan đến sự tồn tại của cuộc sống, bạn có thể đưa ra lời khuyên hấp dẫn bằng cách chia sẻ những hiểu biết và suy ngẫm của mình với người bạn mong muốn là cố vấn của mình trong công việc và tiền bạc. Thường thì, chỉ những cuộc trò chuyện thân thiện và chân thành về những thắc mắc lớn trong cuộc sống mới giúp bạn có thêm những người bạn mới.
Sở thích, đam mê và mục tiêu cuộc sống
Bạn có thể kết nối với những người có tầm ảnh hưởng thông qua sở thích và đam mê chung. Quan niệm này đã khiến các khóa học golf chưa bao giờ trở nên lỗi thời. Tôi không thích golf nên tôi sẽ không viết nhiều về golf. Nhưng tôi thấy rằng những sở thích đa dạng và thời thượng có thể tối đa hóa cơ hội chia sẻ với những người bạn gặp gỡ trong cuộc sống.
Ví dụ, tôi thích nhạc flamenco và các điệu nhảy salsa. Tôi đã gặp vợ mình khi cô ấy đang hướng dẫn một lớp học nhảy salsa ở Burning Man. Đó là ví dụ dễ thấy nhất về “mạng lưới” mà tôi từng trải nghiệm trong cuộc đời mình. Điều đó xảy ra bởi tôi có niềm đam mê với salsa.
Tôi có một người bạn tên là Hitch McDermid. Sau nhiều năm học hỏi, anh đã trở thành giáo viên AcroYoga9 hàng đầu. Đây là kiểu yoga mà một người (làm “nền”) nằm ngửa trên nền nhà và giữ một người khác (“người bay”) bằng hàng loạt các động tác kỹ thuật đẹp mắt chỉ với đôi tay và bàn chân giơ thẳng. Nếu bạn gặp Hitch ở một bữa tiệc, bạn sẽ được “bay” lên, được giữ thăng bằng trên tay và chân anh ấy, cách gặp gỡ và kết nối thật thú vị với ai đó! Thực tế, thông qua một người mà anh ấy gặp ở một bữa tiệc, Hitch đã kết nối với một nhóm nhạc điện tử Thievery Corporation nổi tiếng và hướng dẫn họ AcroYoga trong hậu trường trước các buổi biểu diễn.
Nếu bạn biết nhiều về rượu vang thượng hạng, nấu ăn nghệ thuật, rượu tequila10, các điệu tango, du lịch Mỹ Lantin hoặc Đông Nam Á, triết lý hoặc thiền Phật giáo, massage, lướt ván, marketing qua mạng xã hội, nghệ thuật đương đại, một sở thích hay đam mê bất bình thường và thú vị nào đó, bạn sẽ muốn chia sẻ tài năng của mình với những người bạn muốn kết nối. (Đương nhiên, những sở thích “thông thường” như là chèo thuyền, đá bóng hay bóng rổ cũng được, tuy nhiên những sở thích này với hiệu ứng “câu lạc bộ” khiến việc mở rộng mạng lưới theo chiều rộng trở nên khó khăn hơn. Bạn có thực sự muốn chia sẻ về bóng rổ hay bóng đá với người mù tịt về chúng chứ?)
Các mối quan hệ.
Trong hầu hết mọi trường hợp mà tôi đã gặp, có rất ít sự kết nối giữa thành công trong kinh doanh, tiền bạc và niềm vui trong các mối quan hệ, nếu có thì thường theo hướng tiêu cực. Một người bạn của tôi thuộc nhóm mạng lưới kinh doanh lâu năm và cao cấp đã nói với tôi rằng ở buổi gặp mặt lần thứ 20 của hội, gần như tất cả các thành viên đã kết hôn (hầu hết là nam) từ khi mới thành lập nhóm đến hiện tại đều đã ly hôn.
Có thể thấy nhiều người giàu có và thành công trong kinh doanh bằng việc đánh đổi hạnh phúc của mình, họ dành tất cả cho công việc mà bỏ quên gia đình. Và nhiều doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn (cả nam lẫn nữ) mà tôi đã gặp đều kiểm soát bản thân hết mức vì họ sợ sự đầu hàng, mất kiểm soát và dễ bị tổn thương nếu mở rộng trái tim. Họ sợ mở cửa trái tim và thậm chí còn chẳng biết cách làm nếu muốn.
Nếu nhờ những kinh nghiệm và học hỏi trong cuộc sống, bạn học được cách mở rộng trái tim và bước vào tình yêu hoặc các buổi hẹn hò ngọt ngào thì bạn có thể giúp đỡ các cố vấn của mình bằng cách giúp họ nhẹ nhàng bước vào các mối quan hệ sâu sắc hơn, cởi mởi về tình cảm hơn, tìm kiếm hoặc tạo ra nhiều tình yêu thương hơn nữa trong cuộc sống. Thực sự cho đi món quà “dịch vụ trái tim này” là bạn đã cho đi món quà giá trị nhất có thể.
* * *
Đó là tất cả những gì cần có để trở thành “người tư vấn đáng tin tưởng nhất” của người mà bạn muốn kết giao. Trở thành cố vấn tin tưởng của một người thành công thực sự là một trong những cách thức có tác dụng nhất để mang lại thành công cho chính bạn. Bạn nên đọc toàn bộ cuốn sách The Trusted Advisor (Tạm dịch: Người cố vấn chân thành) của David Maister, Charles Green và Robert Galford và Networking with the Affluent (Tạm dịch: Mối quan hệ phong phú) của Thomas J. Stanley. Đây là hai trong số những cuốn sách kết giao tuyệt vời nhất mà tôi từng đọc.
Cuốn sách của Stanley liệt kê nhiều cách giúp bạn có thể hỗ trợ những nhân vật ảnh hưởng và quyền lực mà mình muốn kết giao. (Hãy nhớ rằng, dù làm gì vẫn phải dựa trên sự chân thành, nếu không chúng sẽ gây ra khó chịu!)
Trong đó có các phương pháp như “Thám báo có tài,” “Người thúc đẩy doanh số,” “Người ủng hộ” và “Nhà nghiên cứu luật pháp”. Đọc cuốn sách này chi tiết hơn và bạn sẽ có được những cách thức tuyệt vời để hỗ trợ những người mà bạn muốn học hỏi.
Một nguồn tuyệt vời khác có thể áp dụng vào một số chiến lược công nghệ số và mạng xã hội đến từ David Siteman Garland (http://www.therisetothetop.com). Trong bài viết của mình “Từ Tim Ferriss đến Seth Goldin: Cách phỏng vấn và xây dựng các mối quan hệ với những người có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới,” quan điểm của anh ấy gặp gỡ với quan điểm của những người khác trong chương này: khi bạn tìm thấy những cách thức sáng tạo để hỗ trợ người mà bạn muốn kết giao, “đừng đòi hỏi được đáp lại… Nếu làm vậy, bạn sẽ tách biệt bản thân khỏi 98% những người còn lại.” Tiếp đến, anh đưa ra một quy trình chi tiết và cụ thể để bạn hỗ trợ một cách sáng tạo cho những người có ảnh hưởng thông qua Internet.
Bất cứ ai hứng thú với chủ đề này đều nên đọc nó.
Những dòng tinh tế và đơn giản này nếu áp dụng vào thực tế còn có thể giúp bạn nhiều hơn nữa trong việc đạt được những mục tiêu của bản thân, thay vì các khóa học ở trường đại học. Nó có sẵn trên trang Web và nhiều nguồn đăng miễn phí khác và tôi sẽ chỉ cho bạn một vài trong số đó ở phần sau của cuốn sách này.
Sự tự học hỏi và nghiên cứu về một trong những lĩnh vực liên quan đến khả năng đưa ra lời khuyên thường hay thay đổi. Nó thường luân chuyển để mở rộng tìm hiểu sang một lĩnh vực khác nữa. Hiếm ai có hiểu biết hoàn hảo, nên nếu bạn hiểu rõ về các lĩnh vực marketing và kinh doanh, sức khỏe và dinh dưỡng, tinh thần và các quan điểm cá nhân, sở thích và đam mê, bạn đã có được vốn sống để giúp đỡ mọi người. Nó giống như một con dao xếp Thụy Sỹ, luôn ở sẵn trong túi để phòng trợ cho bạn bất cứ tình huống nào.
Và nếu bạn càng cho đi nhiều, càng hỗ trợ người khác nhiều, bạn càng thu hút được nhiều cố vấn và người hướng dẫn trong các lĩnh vực này, những người sẽ giúp bạn học thêm được nhiều điều… Và bạn sẽ càng có thêm nhiều cơ hội giúp đỡ mọi người, v.v… Đây là cách để luật hấp dẫn có tác dụng trong thực tế cuộc sống. Russell Simmons, triệu phú thành công nhờ tự học đã nói với tôi rằng: “Bạn càng vui vẻ cho đi bao nhiêu thì càng nhiều người sẽ háo hức vây xung quanh bạn. Bạn trở thành thứ ‘chất kết dính’.”
Cách để trở thành một nhà tư bản “cho đi” đẳng cấp thế giới
Thường thì một người trẻ vừa rời ghế nhà trường và bắt đầu bước ra cuộc đời rất muốn kết giao với các cố vấn và hướng dẫn quyền lực bằng khả năng cho đi, nhưng họ không có nhiều để cho, vì thế họ tình nguyện cho đi hai thứ hiếm hoi mình có: thời gian và sự cần cù, với hy vọng chúng sẽ mang họ đến với người có tầm ảnh hưởng.
Đã có lúc, ý tưởng đó thật tuyệt. Lịch sử không thiếu những câu chuyện về những người trẻ triển vọng đã cống hiến hết mình cho một cố vấn quyền lực và những nỗ lực học hỏi cao nhất để đổi lấy kiến thức và mối kết giao có giá trị để đi tới thành công sau này. Benjamin Franklin, tác giả của một trong những cuốn hồi ký được bạn đọc đón nhận nhiều nhất trong lịch sử, đã bỏ học từ cấp I và từng phục vụ chính thức trong xưởng in của anh trai mình khi mới 12 tuổi.
Tuy nhiên, nếu bạn đánh đổi thời gian và sự cần cù để nhận được những hướng dẫn, thì chắc chắn bạn có thể nhanh chóng biến những hướng dẫn này thành nguồn vốn kết giao.
Coi thời gian và sự cần cù như là khả năng cho đi chính có thể sẽ giới hạn phạm vi cho đi của bạn. Mỗi ngày đều có quỹ thời gian giới hạn, nếu quá sức, bạn có thể mệt mỏi. Vào thế kỉ XXI, thì kiểu cho đi này không có nhiều tiềm lực và khả năng thúc đẩy trong giới kinh doanh. Họ sẽ nhanh chóng đạt đến mức tới hạn về phạm vi cho đi.
Khi tôi trò chuyện với Elliot về ý định viết cuốn sách này, anh ấy đã viết ngay ba lá thư giới thiệu những người phỏng vấn tiềm năng, trong đó có Marc Ecko, một nhà thiết kế thời trang tự học. Trong vòng 24 giờ, tôi đã có một cuộc hẹn phỏng vấn với một trong những người có ảnh hưởng nhất trong giới thời trang. Không bao giờ tôi có được cơ hội tuyệt vời nhanh đến vậy nếu không được Elliott giới thiệu.
Thư giới thiệu này chỉ mất của Elliott vài phút, nhưng nó đã giúp tôi và dự án của tôi rất nhiều. Anh ấy đã bỏ ra những phút quý giá này để mang về một người yêu mến mình lâu dài.
Có lẽ chẳng còn cơ hội nào hơn để anh ấy giành được sự ngưỡng mộ, sự quan tâm và mong muốn giúp đỡ ngược lại từ tôi bằng việc dành thời giờ trong ngày pha cà phê, lên lịch các cuộc hẹn và photo tài liệu cho tôi? Hình ảnh của Elliott Bisnow, một trong những người có mối quan hệ rộng nhất thế giới ở 25 tuổi, dành thời gian pha cà phê và viết báo cáo cho một ai đó, thật khó tưởng tượng nổi.
Đó cũng là cách nhiều người 20 tuổi, gồm cả những người 20 tuổi đã tốt nghiệp đại học, gắn cuộc sống của mình với các công việc bàn giấy chán ngắt. Nhưng sự khác biệt giữa những người có cuộc sống mờ nhạt, quẩn quanh và người có tầm ảnh hưởng rộng lớn và có thể tác động đến cuộc đời của ai đó chỉ trong hai phút như Elliott Bisnow đã cho thấy sức mạnh của nguồn vốn kết giao.
Bằng việc phát triển nguồn vốn kết giao – những “tài khoản ngân hàng tình cảm” của bạn về niềm tin, sự tin tưởng và kinh nghiệm cũng như kiến thức, để đưa ra những lời khuyên quý giá, bạn đã có thể nhân đôi ảnh hưởng của mình đến cuộc sống của người khác nhờ thời gian bạn đầu tư để tạo nên nó. Bạn vẫn cần thêm thời gian để có thể tạo nên ảnh hưởng như Elliott vẫn cần dành thêm vài phút nữa để tạo ra các lá thư giới thiệu. Nhưng những phút ngắn ngủi đó lại vô cùng quý giá với tôi, đối lập với hai phút pha cà phê của một người bạn đồng môn với công việc chán ngắt bởi hai phút này đã được hòa quyện với một dạng nguồn vốn quyền lực, chính là mạng lưới tiềm năng và sự tin tưởng của Elliott.
Giống như trong kinh doanh, bạn phối hợp sức lao động của mình với nhiều nguồn lực hơn (kỹ thuật, kỹ năng, các dịch vụ hỗ trợ, v.v…) và thu về năng suất tính trên giờ làm việc. Ngày nay, các nhà kinh tế nói với chúng ta rằng giáo dục là một trong những dạng đầu tư quan trọng nhất, đó là nguồn vốn con người. Tôi hoàn toàn đồng ý với họ về quan điểm này. Nhưng điểm tôi không đồng ý là dạng đầu tư mà giáo dục hướng đến. Các nhà kinh tế nói về đầu tư nguồn vốn con người luôn có ý chỉ nền giáo dục chính thức của chính ta. Như tôi đã tranh luận và sẽ vẫn tiếp tục tranh luận trong cả cuốn sách này: Trừ khi bạn muốn tham gia vào các lĩnh vực mà bằng cấp là yếu tố không thể thiếu như ngành y, luật, học thuật,… hay những ngành mà bằng cấp là tiêu chí được ưa thích để đạt mục đích thăng quan tiến chức trong các tổ chức chính phủ, thì theo quan điểm của tôi, nền giáo dục chính thức là một loại hình đầu tư nguồn lực con người có hiệu quả kém.
Bạn nhận được nguồn vốn con người nào trong nền giáo dục đại học chính thức ngày nay? Khả năng viết luận hay các tài liệu khoa trương, sáo rỗng. Khả năng nhồi nhét bài vở suốt đêm trước kỳ thi với những thứ bạn sẽ quên ngay tuần sau và không bao giờ sử dụng trong đời nữa. Khả năng học bài vào các tối thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư và tiệc tùng vào tối thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật. Khả năng gia nhập vào nhóm xã hội với những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm và sử dụng chất kích thích. Khả năng làm theo những gì người lớn hơn chỉ bảo. Khả năng thanh toán nợ dài hạn từ 20.000 đô-la đến 100.000 đô-la.
Những khả năng này sẽ đẩy bạn đến với một công việc khởi đầu tầm thường và chẳng lấy gì làm đảm bảo. Bạn sẽ nhận về những thành quả xoàng xĩnh từ khoản đầu tư học hành vì lý do hết sức đơn giản là tất cả những lời chỉ bảo, những lời khoa trương về giá trị của nền giáo dục đại học rồi cũng “bốc hơi” do sức nóng gay gắt của cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng chẳng bổ sung giá trị cho bất cứ điều gì và bất cứ ai trên thương trường. Vì thế, thành quả khiêm tốn luôn dành cho những người đầu tư thời gian và nỗ lực trên các giảng đường đại học.
Các dạng nguồn vốn con người có giá trị bạn cần tự học hỏi trong cuộc sống: Cách kết giao và mở rộng mạng lưới giáo viên và cố vấn giỏi giang (như chủ đề của chương này). Cách để khởi dựng và quản lý một công ty. Cách marketing và bán hàng hiệu quả (Kỹ năng thành công số 3 và số 4). Cách lãnh đạo người khác. Cách khám phá ra mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống (Kỹ năng thành công số 1). Những dạng nguồn vốn con người này mang đến hàng núi giá trị và được trả công xứng đáng, chính là những thành quả kinh doanh hay sự hài lòng trong cuộc sống và tiền bạc.
Bạn có thể học những điều này khi còn ở trường đại học nhưng thường thông qua các hoạt động ngoại khóa như hội sinh viên, các tổ chức văn hóa, từ thiện, chính trị hoặc tôn giáo, các đội thể thao, v.v… Các tổ chức ngoại khóa này là một dạng tự học cần thiết miễn phí hoặc với giá thành thấp. Càng tập trung vào chúng, bạn càng ít tập trung vào các cơ hội chính thức mà bạn bỏ tiền ra đầu tư ở trường đại học.
Elliott Bisnow thành công hơn nhiều người ở tuổi 25 khác bởi anh ấy tập trung hoàn toàn vào việc đầu tư và phát triển nguồn vốn con người thực tế này, loại nguồn vốn sản sinh ra các kết quả và giá trị thực tiễn thay vì nguồn vốn dựa trên nền tảng học thuật chỉ cho kết quả ảo hoặc chỉ xứng đáng với một số công việc ở các cơ quan nhà nước với mức lương thấp.
Elliott không được thừa hưởng nguồn vốn giá trị này từ khi sinh ra. Anh ấy đầu tư thời gian và công sức của mình để phát triển nó, học hỏi trong suốt thời gian bán hàng hai năm đầu sau khi bỏ học ở trường Madison, Wisconsin. Những khoản đầu tư này mang lại cho anh khả năng bán hàng – một trong những dạng nguồn vốn con người giá trị và kinh tế nhất (Xem Kỹ năng thành công số 4). Anh ấy vận dụng các kỹ năng bán hàng này để tạo ra nguồn vốn tài chính cho công ty đạt mức 7 con số, cho phép anh có được khoản tín dụng lớn và khả năng tổ chức các chuyến đi trượt tuyết. Anh đã sử dụng các chuyến đi trượt tuyết để tạo các mối quan hệ thân mật và hiệu quả với những người sẵn có giao thiệp rất rộng.
Nói cách khác, anh ấy đã đầu tư các dạng nguồn vốn khác nhau (kỹ năng bán hàng, nguồn vốn tài chính) vào nguồn vốn kết giao. Điều khác biệt của Ellitot với gần như tất cả những người hơn 20 tuổi khác, và gần như tất cả mọi người trong thế giới kinh doanh là Elliott tách riêng sức lao động với nguồn vốn của mình: Một nhóm người mang đẳng cấp toàn cầu mà anh ấy giúp đỡ và những người khác giúp đỡ lại anh. Anh trở thành một nhà tư sản – tư sản cho đi và giúp đỡ người khác.
Dạng thứ hai của nguồn vốn kết giao – dạng thứ hai của khả năng cho đi để bạn mở rộng mạng lưới cố vấn và hướng dẫn cho mình là khả năng đưa ra lời khuyên.
Có một nghịch lý là bạn đang tìm kiếm lời khuyên, làm thế nào để cho đi lời khuyên và nhận về lời khuyên?
Làm sao để giành được sự yêu mến nhiều hơn? Bằng việc chạy ra ngoài và xin mọi người? Bằng việc đánh đổi điều gì đó? Những hành động đó có thể có tác dụng tạm thời, dành cho những ai thiếu bản lĩnh, với một niềm đam mê nghèo nàn và yếu ớt.
Nhưng cách để nhận được tình cảm thực sự trong sáng và chân thành trong cuộc sống phải là cho đi tình cảm trong sáng và chân thành. Tôi sử dụng từ “chân thành” để nói rằng cho đi mà không đòi hỏi nhận lại. Nếu bạn cho đi mà mong chờ được đền đáp thì ý nghĩa của nó sẽ trở nên tầm thường. Bạn càng hào phóng cho đi với những người xung quanh mình (cụ thể là đội ngũ của mình), bạn càng nhận lại được nhiều sự giúp đỡ. Đó là hiệu quả của khả năng cho đi. Tôi không lý giải được tại sao nhưng chắc chắn nó có tác dụng bởi tất cả những gì liên quan đến giá trị đều như vậy. Để nhận về giá trị, hãy cho đi giá trị.
Vậy bạn có thể cho đi loại giá trị nào? Chúng ta đã nói nhiều về thời gian và nỗ lực. Đó là những gì mà những người 20 tuổi cho đi, để nhận về sự thiếu coi trọng và đồng lương rẻ mạt của các vị trí trong các tổ chức nhà nước, nơi mà họ chỉ làm theo lệnh của người khác, bỏ công sức để phục vụ kế hoạch của người khác. Đó là điểm dừng bế tắc.
Có những mối quan hệ cho đi. Một khi bạn có được mạng lưới lớn của mình, thì đó là một dạng cho đi thúc đẩy thời gian rất hiệu quả. Điều đó có nghĩa là khi bạn xây dựng được mạng lưới rộng khắp thì bạn sẽ không mất nhiều thời gian, chỉ cần tới một cuộc điện thoại hay một e-mail để kết nối hai người trong cùng mạng lưới hay với ai đó bạn mới quen qua người đã quen thân từ lâu. Những kết nối này có thể là nhân tố thay đổi cuộc đời nhiều người. Nếu những kết nối này luôn được cân nhắc cẩn thận, chúng sẽ mang lại giá trị cho cả hai người được giới thiệu – một dạng cho đi vô tận và không mệt mỏi.
Và cuối cùng, có lời khuyên cho đi tuyệt vời. Bạn có thể mất nhiều năm hoặc hàng chục năm để xây dựng nền tảng kiến thức cho mình nhưng khi đã có chúng thì những lời khuyên cho đi chỉ mất vài phút mà ẩn chứa sức mạnh và khả năng thay đổi cuộc sống vô cùng lớn. Nếu bạn đưa ra lời gợi ý ngọt ngào cho ai đó đang gặp khó khăn với công việc kinh doanh, mối quan hệ, hay sức khỏe của mình, dẫn dắt họ đi đúng hướng và thay đổi tương lai của họ thì bạn vừa mang đến giá trị vô cùng lớn chỉ bằng một lời gợi ý nhỏ.
Bạn có thể lấy làm lạ khi các bác sỹ hay luật sư kiếm được 500 đến 1.000 đô-la mỗi giờ nhờ những lời khuyên của họ, gấp hàng trăm lần một cử nhân đại học làm ở quán cà phê cùng thời lượng làm việc. Điều đó có vẻ thật khó hiểu bởi trong suy nghĩ của mọi người, nền giáo dục đại học chất lượng hơn và đáng đầu tư để có một cuộc sống khá hơn.
Bạn có biết cách kiếm được 6.000 đô-la một giờ nhờ đưa ra lời khuyên mà không cần có bằng đại học không?
Tôi cá là bạn không biết!
Hãy đến với một bài học nhỏ về sức mạnh của việc học cách đưa ra lời khuyên thực sự.
Cách kiếm được 6.000 đô-la/giờ dù không có bằng đại học
Vài năm trước đây, tôi làm tư vấn marketing với mức lương 5.000 đô-la một tháng. Tính trung bình, tôi nhận được 250 đô-la một giờ. Một mức thu nhập không tồi! Tính theo giờ thì số tiền tôi kiếm được hơn nhiều luật sư và chắc chắn hơn phần lớn các tiến sỹ tâm lý trong mỗi buổi tư vấn. Tất cả là nhờ các kỹ năng mà tôi tự học. Tôi cảm thấy hài lòng với giá trị mà tôi cung cấp cho khách hàng khi họ đang kiếm được nhiều hơn cả số tiền tôi kiếm được mỗi tháng với lợi nhuận và doanh thu cao hơn.
Vào một thời điểm nào đó, công ty sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn từ một nguồn lực marketing lớn hơn nằm ngoài khả năng của tôi. Công ty đó đủ lớn để đầu tư vào các ý tưởng marketing cao cấp hơn những gì tôi cung cấp cho họ.
Vì thế tôi gợi ý họ nên liên lạc với Eben – một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về marketing online để xin tư vấn. CEO của công ty này đã xem một số video online của Eben và thực sự rất ấn tượng. Ông ấy đã đồng ý nói chuyện với Eben và đề nghị anh ấy đưa ra một vài dịch vụ tư vấn.
Nhưng Eben lại không thường làm tư vấn. Anh ấy quá bận rộn với công việc kinh doanh online – công việc mang về cho anh ấy 30 triệu đô-la mỗi năm (khoảng 100.000 đô-la mỗi ngày). Khoản tiền tư vấn theo giờ chẳng đáng gì với anh ấy, nên nếu Eben có dành vài giờ để tư vấn cho một công ty nào đó, anh ấy có thể nhận tiền trả cho những lời khuyên của mình chứ không bao giờ nhận lại những sản phẩm thu được từ chúng. Nếu dành vài giờ để hoàn thiện một video để bán online, anh ấy có thể tiếp tục bán nó cả đời. Thành quả đó tiếp tục được cho đi, thúc đẩy và mở rộng.
Đã nhiều lần Eben nói với tôi rằng anh ấy sẽ làm công việc tư vấn nếu bạn bè đề nghị giúp đỡ. Anh ấy không nhận tiền mà sử dụng khoản đó để hỗ trợ tổ chức từ thiện Safe Conflict Project (http://www.safecoflict.org), do những người bạn thân nhất của anh, Amber Lupton (bỏ học đại học giữa chừng) và Nathan Otto điều hành. Đó là cách anh ấy làm từ thiện.
Thù lao trả cho anh ấy là bao nhiêu?
50.000 đô-la một ngày.
Khoảng 6.000 đô-la một giờ.
Mức lương này có vẻ hấp dẫn. Số tiền anh ấy kiếm được mỗi ngày nhiều hơn rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học làm cả năm và hơn nhiều người trên thế giới này kiếm được cả đời.
Tại sao một giờ cố vấn của anh ấy lại có giá trị cao đến thế, trong khi một giờ làm việc của một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học gần đây lại chỉ có giá trị bằng 1% số đó?
Đó là bởi Eben đã tập trung học hỏi các kỹ năng và kiến thức thực tế – nguồn vốn con người. Chúng cho phép anh ấy cho đi nhiều hơn nữa những lời khuyên có giá trị. Cụ thể là, lời khuyên nhỏ của anh tạo ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng của tổ chức và cá nhân trong một thời gian ngắn, vì thế họ sẵn sàng trả hàng ngàn đô-la để được anh ấy cho lời khuyên theo giờ.
Vậy chúng ta phải làm gì để kết nối với những người có quyền lực? Như trường hợp của Eben, đưa ra lời khuyên hữu ích là một trong những món quà giá trị nhất mà bạn có thể đưa cho ai đó và là một trong những cách thúc đẩy nhất để kết nối với mọi người. Điều này có nghĩa là một giờ của người có những lời khuyên hữu ích được coi trọng hơn nhiều so với một giờ của người nỗ lực, cần cù và không ngừng mệt mỏi làm việc.
Hãy tưởng tượng lời khuyên của bạn có trị giá 6.000 đô-la/giờ và bạn có thể dành những giờ trị giá 6.000 đô-la này cho bất kỳ ai bạn muốn. Thử nghĩ xem sẽ có nhiều người muốn kết giao với bạn hơn không? Đây quả là một tài sản cho đi, cho đi và cho đi đến vô tận. Như chúng ta đang thảo luận, thì đây là dạng kỳ lạ của nguồn vốn kết giao.
Trái lại, hầu hết chúng ta đều mài đũng quần trong các phòng học và những ý thức trì trệ đã ăn sâu vào tiềm thức như: Làm sao để thực hiện được các yêu cầu, trở thành sinh viên giỏi và nhân viên mẫu mực hay làm sao để làm hài lòng cha mẹ, thầy cô và sếp? Làm sao để hoàn thành bài tập về nhà, quy trình, lịch trình và các yêu cầu nơi công sở?
Chúng ta “mất điểm” trong mắt các doanh nhân khác, những người chúng ta muốn kết nối vì các kỹ năng này chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả công việc kinh doanh của họ. Chúng ta chỉ đơn giản cố gắng biến mình thành một bộ phận của cỗ máy. Hiện nay, nhiều người Ấn Độ và Trung Quốc được học hành tử tế làm việc cho chúng tôi đã vui vẻ thú nhận rằng các kỹ năng mà họ được học trong suốt 16 năm chẳng áp dụng được vào nơi làm việc, chẳng giúp ích được việc gì. Các chương trình phần mềm thậm chí cũng có thể thay thế được công việc của chúng tôi.
Eben, Elliot và những người tôi phỏng vấn để viết cuốn sách này kiếm được nhiều tiền hơn cả tôi và bạn, cũng có nhiều người muốn kết nối với họ hơn trong mạng lưới công việc, bởi họ có ảnh hưởng lớn đến thế giới và công việc kinh doanh của nhiều người hơn bạn và tôi. Cụ thể, họ học cách gây ảnh hưởng đến người khác thông qua các kỹ năng và kiến thức mà chúng ta sẽ thảo luận trong chương này.
Ảnh hưởng lớn hơn? Điều này nghe có vẻ hơi mơ hồ nhỉ. Không phải tất cả chúng ta đều có ảnh hưởng sao? Tất cả chúng ta đều quan trọng sao?
Đương nhiên, tất cả chúng ta đều quan trọng, đều có ảnh hưởng, ít nhất là với cuộc sống của một số người nhất định. Chúng ta gây ảnh hưởng đến những người chúng ta yêu quý và đến những người yêu quý chúng ta nhiều hơn bất cứ ai cho dù chúng ta kiếm được nhiều hay ít tiền.
Nhưng chúng ta đang nói về tiền bạc. Trong nền kinh tế tư bản, nói chung (cũng có một số ngoại lệ đặc biệt), tiền “chảy vào túi” những người gây ảnh hưởng lớn nhất đến phần lớn những người có nhiều tiền. Bạn có thể đi ngược với cuộc chơi và kêu gọi cuộc nổi dậy phân chia lại tài sản. Nhưng nếu bạn vẫn chọn chơi trò đó thì bạn có thể học được quy tắc của nó.
Brian Tracy, một trong những tác giả đầy động lực, một diễn giả, một đào tạo viên về lãnh đạo và kinh doanh thành công nhất mọi thời đại, một người bỏ dở bậc trung học, (trước khi trực tiếp tham gia chương trình MBA mà không có bằng trung học và đại học), đã viết: “Số tiền bạn kiếm được là thước đo giá trị mà những người khác đánh giá sự đóng góp của bạn… Để gia tăng giá trị của số tiền mà bạn có được, bạn phải gia tăng giá trị công việc bạn đang thực hiện. Để kiếm thêm tiền, bạn phải mang lại nhiều giá trị.”
Blogger và tác giả phát triển cá nhân (tốt nghiệp Đại học Calilfornia, Northridge) Steve Pavlina cũng diễn tả quan điểm tương tự trong cuốn sách của mình, Personal Development for Smart People: The Conscious Pursuit of Personal Growth (Tạm dịch: Phát triển cá nhân cho người thông minh: Mục tiêu rõ ràng của sự phát triển cá nhân). Anh chỉ ra sự đối lập giữa tư duy “người đóng góp” và tư duy “kẻ lười biếng” nằm ở tinh thần người cho đi dành cho người nhận lại. Anh viết: “Với tư duy người đóng góp, tiền bạc bạn nhận về giống như mức thù lao dành cho đóng góp của bạn. Theo quan điểm xã hội, khoản tiền đó “đổi lấy những đóng góp được định giá của bản thân, nhờ đó, bạn được trao quyền trích giá trị tương ứng từ xã hội tại cùng thời điểm bạn lựa chọn”… Yếu tố hạn chế thu nhập duy nhất của bạn là lượng giá trị xã hội mà bạn có thể tạo ra. Nếu bạn muốn kiếm thêm tiền, hãy phát triển kỹ năng và tài năng để việc tạo ra nhiều giá trị xã hội trở nên dễ dàng hơn. Tập trung vào việc cho đi và tự khắc bạn sẽ nhận về thành quả.
Nhìn một cách cụ thể, những quan điểm này khá gây tranh cãi. Tại sao có thể nói rằng các chuyên gia phố Wall nhận được hàng tỉ đô-la tiền thưởng trong khi họ “làm bốc hơi” gấp 3 lần số tiền đó về giá trị cổ phần – đây gần như gây ra một cơn tan chảy tài chính toàn cầu, mà lại cung cấp “giá trị xã hội” đáng giá hàng tỷ đô-la? Liệu những người giàu có đang xây dựng những du thuyền dành cho tỷ phú có thực sự cung cấp nhiều giá trị xã hội đến vậy?
Cách nhìn này phớt lờ phần lớn thất bại về hiệu quả thị trường, khuấy đảo sự kết hợp giữa sức mạnh và sự tập trung vào tài chính – vận động hành lang cho các chính sách được ưu tiên và các lực lượng thị trường méo mó, tạo nên một trò đùa về các bảng biểu liên quan đến “các thị trường hiệu quả”. Thế giới trao thưởng cho những người giàu có làm ô nhiễm các dòng sông hơn là người trồng cây gây rừng, cho dù xã hội được lợi từ không khí trong lành thay vì các dòng sông ô nhiễm.
Công việc bình thường hàng ngày của bạn có nhiều điều tương đồng với những gì mà Tracy và Pavlina nói. Cả hai tác giả này đều phản đối thừa nhận quan điểm bạn sẽ kiếm được tiền theo ý muốn đơn giản chỉ bằng cách xuất hiện ở nơi làm việc và làm công việc của mình, mà không để ý đến giá trị hữu hình mà bạn thực sự tạo ra trong cuộc sống của mọi người.
Zig Ziglar, một diễn giả, tác giả, chuyên viên đào tạo kinh doanh, một tỷ phú tự vươn lên đầy huyền thoại (từng bỏ học Đại học Nam Carolina để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh của mình) đã nói: “Bạn có thể có được bất cứ thứ gì mình muốn trong cuộc sống, nếu giúp người khác có được thứ họ muốn.”
Quan điểm và các kỹ năng “giúp đỡ người khác có được điều họ muốn” là phương pháp chính để kết nối với các cố vấn và hướng dẫn viên quyền lực trong cuộc sống, và cũng nhờ đó chúng ta sẽ kiếm được nhiều tiền hơn theo ý muốn và đạt được sự hài lòng trong cuộc sống. Điều này không hề tồn tại trong nền giáo dục hiện tại của chúng ta, từ tiểu học đến bậc đại học. Chúng ta học cách nghiên cứu lý thuyết, xa rời sự thật, làm bài kiểm tra, viết các bài tập học thuật và làm theo các hướng dẫn.
Eben, Elliott và những người khác được nhắc đến trong cuốn sách này đều tập trung tự học để tích lũy các kỹ năng giúp họ đóng góp công sức của mình vào thành công của người khác với mức độ ảnh hưởng lớn hơn và thúc đẩy hơn. Cụ thể, họ tập trung vào khả năng mang lại những lời khuyên và tài lãnh đạo có giá trị, ảnh hưởng lớn, thúc đẩy những lĩnh vực đáng quan tâm mà chúng ta đã xác định trong các phần trước: Tiền bạc và kinh doanh, doanh số và marketing, tinh thần và mục đích, sức khỏe cũng như các mối quan hệ.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, ai cũng ước muốn “có thứ gì đó”. Nếu bạn học được cách giúp họ đạt được thứ họ muốn trong lĩnh vực này, bạn có thể kết nối với bất cứ ai bạn muốn, và đương nhiên, bạn cũng sẽ kiếm được bộn tiền. Bởi những lĩnh vực này rất gần với nỗi sợ hãi, lo lắng và các ước mơ sâu thẳm nhất của họ nên họ sẽ muốn gần gũi và kết nối với bạn nếu bạn có thể giúp họ.
Tôi không giải thích chính xác mối quan hệ giữa việc rộng lòng cho đi mà không kỳ vọng nhận lại trong mạng lưới của bạn và trong công việc với việc bạn nhận được thành quả, nhưng tôi biết rằng: bạn càng thừa nhận tư duy cho đi mà không mong mỏi nhận về thì càng có nhiều người vây quanh bạn và kết nối với mạng lưới của bạn. Họ càng muốn thuê bạn. Kinh nghiệm của tôi và của nhiều người đều cho thấy điều ấy.
Có thể lý giải là do mọi người tin tưởng người cho đi, họ biết mình sẽ được quan tâm chăm sóc, họ biết mình sẽ nhận về giá trị vô cùng lớn, họ biết rằng bạn không chỉ làm điều đó vì tiền mà vì bạn quan tâm.
Điều ngược lại cũng đúng. Càng dễ có tiền bạc và vật chất, bạn càng ít quan tâm tới nhu cầu về vật chất để tập trung vào giúp đỡ người khác. Đương nhiên, không có mối quan hệ trực tiếp và tương ứng giữa sự giàu có và tinh thần cho đi của bạn. Vẫn có nhiều người giàu có tham lam, ích kỷ, chỉ biết nhận về và tích trữ. Vẫn có nhiều người nghèo nàn về vật chất nhưng có trái tim đôn hậu và luôn sẵn sàng cho đi cả trái tim mình thậm chí cả những tài sản khiêm nhường của bản thân.
Nhưng nhìn chung, người giàu có bao giờ cũng dễ cho đi hơn. Oseph Simmons không tiếp tục học Đại học Cộng đồng LaGuardia khi sự nghiệp âm nhạc hip–hop của anh đang ở thời điểm thăng hoa, khi “Run” của Run-D.M.C – một nhóm tiên phong đầu thập niên 1980 đã làm thay đổi bộ mặt của ngành âm nhạc toàn cầu. Hiện nay, một mục sư có niềm tin vào phép lạ, Đức cha Run đã khích lệ các tín dân của mình ổn định về tài chính và tích lũy của cải vì mục đích sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ông ấy nói với họ rằng, “thật khó giúp những người nghèo khi bạn là một trong số họ.”
Trong cuốn Linchpin (Chốt trục) Seth Godin đã nhắc đến tầm quan trọng thiết yếu của việc cho đi trong kinh doanh: “Thật khó để hào phóng khi bạn đang đói. Thế nhưng sự hào phóng sẽ giúp bạn khỏi đói.”
Không thắc mắc gì nữa, quan điểm mà chúng ta đang tìm hiểu là một nghịch lý. Cho đi để nhận về, nhận để cho đi. Những món quà mà bạn nhận được là một phần sự nghiệp của bạn còn những món quà mà bạn không nhận được không phải là một phần sự nghiệp của bạn. Không gì có thể thực sự được phân tích thỏa đáng. Trong những trường hợp nhất định nào đó, bạn cần chấp nhận nghịch lý này. Với quan điểm này, những người giàu có nhất không phải là những người dự trữ giá trị nhiều nhất mà là người có giá trị lưu thông nhiều nhất trong cuộc đời.
Tỷ phú Russell Simmons, người đồng sáng lập của thương hiệu Def Jam và Phat Fashions, người đã bỏ học Đại học City tại New York để trở thành nhạc trưởng và quản lý nghệ sỹ, viết trong cuốn sách Do You! của mình rằng: “Tích lũy tiền trong tài khoản ngân hàng càng lớn hay càng nhiều ô tô trong gara chẳng mang về thành công nào cho bạn. Thành công thực sự dựa trên dòng chảy cho đi và nhận về liên tục. Thực tế, nếu bạn tra từ sự giàu có (affluence) trong từ điển thì bạn sẽ thấy gốc từ của nó là một cụm từ Latin có nghĩa là “lưu thông sự giàu có”. Vì thế muốn thực sự giàu có, bạn phải luôn để những gì bạn nhận được lưu thông trên toàn thế giới.”
Bạn có thể chế giễu lòng “hảo tâm” này của một người giàu có và nghĩ: “Vậy sao anh chẳng cho đi tất cả hàng trăm triệu đô-la đi?” Nghe có vẻ khó chịu nhưng để trả lời những người đặt ra câu hỏi đó thì xin thưa: Russell Simmons cho đi nhiều hơn bạn và anh ấy có quyền giữ lại cho mình nhiều hơn bạn. Anh ấy cho đi nhiều hơn và nhận về nhiều hơn. Anh ấy ảnh hưởng lớn hơn hầu hết chúng ta, anh ấy tạo ra nhiều tiền bạc hơn. Anh ấy làm được điều đó bởi anh ấy có nhiều giá trị được lưu thông cả trong lẫn ngoài cuộc sống của mình.
Quan niệm của các kế toán về cổ phần và dòng lưu thông là: tiền trong tài khoản ngân hàng là một cổ phần, khoản tiền gửi vào và rút ra là dòng lưu thông. Nên khi nghĩ tới sự giàu có và tầm ảnh hưởng, chúng ta thường quy ra thành lượng cổ phần. Còn điều mà Simmons, Seth Godin và Run nhắc đến lại là ảnh hưởng được mô phỏng bằng dòng lưu thông. Càng nhiều giá trị lưu thông, chúng ta càng thu lợi nhiều hơn và càng nhiều ảnh hưởng được sinh ra.
Simmons sử dụng cổ phần và dòng lưu thông không ngừng để có thể sản sinh ra các loại hình từ thiện và kế hoạch để giải quyết những khó khăn khác nhau. Anh ấy không thể tạo ra ảnh hưởng nếu nghèo. (Thực tế, hầu hết các tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận và tình nguyện trên thế giới nói chung không thể tồn tại nếu không có sự hậu thuẫn của người giàu.) Có thể đã đến lúc ngừng thèm muốn khả năng tự tạo ra ảnh hưởng, thay vào đó hãy quan sát cách chúng ta có thể tạo ra tầm ảnh hưởng đó cho chính mình, để cũng có thể hào phóng và rộng rãi cho đi như Simmons đã làm.
Bạn và bất kể ai cũng thèm muốn vị trí của Eben Pagan và 50.000 đô-la anh ấy kiếm ra mỗi ngày. Nhưng hãy để tôi hỏi bạn vài điều: Nếu bạn có khả năng kiếm được 50.000 đô-la một ngày nhờ các kỹ năng được thị trường đánh giá cao và hiến số tiền đó cho hoạt động từ thiện hay tình nguyện nào đó, bạn sẽ làm thế chứ? Eben lúc nào cũng làm vậy.
Bạn có thể mơ ước vị trí của Elliott Bisnow và các cộng sự tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Series, được sống trong những ngôi nhà đẹp và du lịch đến những miền đất lạ trên khắp thế giới. Nhưng họ cũng vừa gây dựng được 2 triệu đô-la cho hoạt động từ thiện từ các thành viên trong nhóm. Liệu bạn có muốn gây hai triệu tiền quỹ cho chính hoạt động từ thiện của mình?
Theo kinh nghiệm của tôi, những người này đang cho đi, cho đi và cho đi. Họ cho đi khi có cơ hội, cho thời gian và nguồn lực ngoài công việc. Cho đi, cho đi và cho đi.
Chẳng có gì phải băn khoăn khi có quá nhiều người muốn vây xung quanh họ và mạng lưới của họ lại lớn đến thế. Bởi chúng ta thích vây quanh những người hảo tâm, cả thế giới yêu mến những người cho đi.
Hơn nữa, (điều này thậm chí hấp dẫn hơn nữa): Một điểm chung ở tất cả những người tự học thành công là họ cho đi mà không màng đến bản thân, họ không thấy mâu thuẫn giữa việc bản thân được sống thoải mái và việc giúp đỡ người khác.
Hầu hết chúng ta đều tách biệt hai điều này. Chúng ta có xu hướng tập trung vào việc cải thiện chất lượng sống mà không chú ý cải thiện thế giới, lo lắng cho bản thân hơn là toàn tâm toàn ý cho một hoạt động từ thiện nào đó. Hai lĩnh vực này tương đồng với hai loại công việc chính mà các sinh viên đại học mới tốt nghiệp thường chọn lựa: Các công việc hành chính dành cho sinh viên mới ra trường và các công việc phi lợi nhuận ở cấp độ thấp nhất.
Tôi không hiểu được các bạn đồng môn Đại học Brown của mình, những người muốn “tạo sự khác biệt trên hành tinh,” chấp nhận các công việc 36.000 đô-la một năm để làm công việc dán phong bì ở một tổ chức phi lợi nhuận nào đó và ăn mì gói mỗi đêm. Sự khác biệt mà một người dành thời gian dán phong bì để nhận về 36.000 đô-la một năm tạo ra cho thế giới thật chẳng đáng gì. Hơn nữa, công việc dán phong bì cũng chẳng cần tới 4 năm đại học. Họ có thể dành 4 năm từ 18 đến 22 tuổi để học hỏi các kỹ năng và tư duy để tạo ảnh hưởng thực sự đến cuộc sống của những người khác như cách mọi người trong cuốn sách này đã học. Họ cần học hỏi nhiều hơn về dòng lưu thông, về tầm ảnh hưởng thay vì chấp nhận công việc hiện tại với điều hoang tưởng rằng nếu có tiền, quyền và lợi nhuận thì sẽ tạo nên sự khác biệt.
Cách cho đi khi bạn vừa chân ướt chân ráo vào nghề và gần như tay trắng
Chắc hẳn không ít độc giả còn hoài nghi về điều này. Tôi có tiền để tới dự buổi diễn thuyết của Eben Burning Man ở Los Angeles và đến kỳ nghỉ cuối tuần đắt đỏ ở Ojai để gặp gỡ anh ấy. Tôi có Bryan trong mạng lưới của mình và lại giới thiệu anh ấy cho rất nhiều khách hàng tiềm năng khác. Tôi có kiến thức về marketing đủ để đưa cho doanh nhân thành công Bryan một lời khuyên marketing có giá trị. Tôi lại là bạn thân thiết với Annie Lalla nên trở thành điểm bắc cầu cho cuộc hôn nhân của cô ấy với Eben.
Nói cách khác, mạng lưới của tôi đã phát triển rộng rãi phần lớn nhờ sự kết giao, sự cho đi và mạng lưới trong quá khứ. Đó là một vòng tròn phát triển theo thời gian, bạn càng cho đi nhiều bao nhiêu, bạn càng nhận về nhiều bấy nhiêu và càng nhận về nhiều bao nhiêu, bạn càng phải cho đi bấy nhiêu.
Nhưng có bạn thắc mắc: “Tôi phải làm sao nếu không có gì để cho đi? Nếu tôi tay trắng và không có tiền để thực hiện một vòng nước Mỹ, để đến Ojai, để đến các bữa tiệc vui vẻ chè chén với các cố vấn quyền lực? Phải làm sao nếu tôi không có ai và không có mạng lưới nào để kết nối với bất cứ ai? Phải làm sao nếu tôi không có bất cứ lời khuyên nào dành cho bất cứ ai? Phải làm sao nếu tôi chỉ mới chân ướt chân ráo vào nghề và gần như tay trắng? Làm sao tôi có thể cho đi và hỗ trợ các giáo viên và cố vấn của mình lúc đó?
Được rồi, bạn là người khá thẳng thắn về vấn đề này! Đừng quá lo lắng. Nếu bạn chỉ vừa mới khởi hành con đường chinh phục thành công và chẳng có gì để cho đi, hãy cho đi sự nhiệt huyết và sẵn sàng thực hiện lời khuyên của người khác. Điều đó đáng giá nhiều hơn bạn nghĩ.
Keith Ferrazzi (http://www.keithferrazzi.com) là tác giả hai cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của Tạp chí New York Times là Never Eat Alone (Đừng bao giờ đi ăn một mình) và Who’s got your back (Ai che lưng cho bạn). Hai cuốn sách này hoàn toàn đáng đọc nếu bạn hứng thú với bất cứ điều gì trong chương này. Keith, tốt nghiệp Đại học Yale và có bằng MBA Harvard, được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về thành công nhờ nghệ thuật xây dựng các mối quan hệ và những kỹ năng mềm thiết yếu khác.
Tôi hỏi Keith về cách cho đi khi còn tay trắng và nhận được câu trả lời: “Mọi người luôn đặt ra câu hỏi ‘tôi cho đi thế nào?’ khi mới bắt đầu con đường thành công. Thực ra, bạn có rất nhiều thứ để cho đi. Món quà lớn nhất bạn có thể cho đi là ý tưởng tạo ra sự khác biệt, tài sản được kế thừa và tầm quan trọng.
“Tôi nhận được rất nhiều yêu cầu từ các thanh niên, họ hỏi tôi: ‘Ngài Ferrazzi, cháu đã xem ngài phát biểu hay trình bày về một số vấn đề. Cháu có thể ăn tối, uống cà phê và hỏi xin một vài lời tư vấn được không?” Đây là cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm. Tôi muốn nói với họ rằng: ‘Hãy đọc sách của tôi, rồi hãy nói chuyện với tôi’. Sự khiếm nhã khi đề nghị tôi nhắc lại điều mà tôi đã viết thành sách và dành nhiều năm chia sẻ với mọi người thật lố bịch.
“Cách đúng đắn nhất để biến nó thành hành động thành công là hãy hào phóng, hào phóng kể một câu chuyện. Kể câu chuyện về cách bạn nhận được sự khích lệ từ chính những chỉ dẫn và kinh nghiệm học được từ họ, cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và cách bạn chuyển món quà đó cho người khác. Nếu những gì bạn thực hiện thông qua các hướng dẫn của tôi và cách bạn chia sẻ cho người khác lay chuyển được tôi, thì đương nhiên tôi muốn giúp bạn. Tôi đã giúp tất cả những bạn trẻ đã kết giao với tôi qua các câu chuyện về những điều tuyệt vời mà họ đã làm nhờ áp dụng các khái niệm trong các cuốn sách của tôi. Khi tôi đầu tư thời gian và nỗ lực giúp đỡ một bạn trẻ, phần tôi nhận về đó là lòng biết ơn và thành công của họ.”
Keith kể cho tôi nghe một câu chuyện về cách anh đã làm để tìm kiếm lời khuyên từ một cố vấn quyền lực từ khi còn trẻ. “Lúc đó, tôi xây dựng một mối quan hệ với Chủ tịch của Baxter International đương nhiệm là Vernon Loucks. Ít nhất, mỗi quý một lần, tôi làm phiền ông ấy bằng một e-mail cập nhật tình hình và để ông ấy biết những lời khuyên của ông ấy đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào – cách tôi áp dụng nó, nó hữu ích ra sao và chân thành cảm ơn ông ấy, thể hiện tình cảm và sự tôn trọng của tôi dành cho ông ấy và kèm theo đó là một câu hỏi khác. Một quý sau, tôi chia sẻ với ông ấy cách tôi áp dụng lời khuyên và tình hình diễn ra. Đó thực sự là một chu kỳ hoàn hảo. Tôi liên lạc với ông ấy trong nhiều năm sau đó và đó quả là một mối quan hệ tuyệt vời.”
Elliott Bisnow nói với tôi rằng: “Mọi người thích đưa ra lời khuyên. Nếu bạn lịch sự đề nghị ai đó ngồi xuống, nói chuyện với bạn, đưa cho bạn lời khuyên, mọi người đều sẵn lòng. Thật ngạc nhiên khi rất hiếm ai hỏi xin lời khuyên.”
Có quá nhiều thứ mà mọi người không bao giờ làm. Đó là sự lười tự thân vận động, tự nỗ lực vươn lên. Khi học trung học, đại học, chơi thể thao, chúng ta chỉ làm theo hướng dẫn tuần tự chẳng có tác dụng gì cho bản thân. Nhiều người quan niệm rằng học đại học mới là học tập, còn không học đại học nghĩa là chẳng biết gì, điều đó thật ngớ ngẩn. Điều quan trọng là cách học, thời gian nào cũng vậy. Tôi thấy rằng để có thể tối đa hóa việc học, tôi cần học cả những thứ khác ngoài Khoa học, Toán học và Lịch sử cổ đại. Trường đại học chỉ đào tạo bạn trở thành một người bình thường. Nếu bạn muốn là một luật sư, bạn cần một chứng chỉ luật, điều đó quá bình thường. Bạn còn cần được giáo dục qua những va vấp ngoài cuộc đời nữa.
Đón chào bạn đến với nền giáo dục trải nghiệm hiện thực.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.