Nền Giáo Dục Của Người Giàu
Kỹ năng thành công số 5
ĐẦU TƯ CHO THÀNH CÔNG
(Nghệ thuật nỗ lực tự vươn lên)
Từ một đứa trẻ vô gia cư trở thành tỷ phú
Ở tuổi 23, John Paul Dejoria mang tất cả những đặc điểm mà chúng ta có thể nghĩ về một người chỉ có bằng trung học, không có bằng đại học. Anh ấy gần như không kiếm được xu nào. Vợ anh đã bỏ lại cho anh cậu con trai mới 18 tháng để ra đi còn anh bị đuổi khỏi căn hộ do thiếu tiền phòng. Anh và con trai phải sống trên một chiếc xe đi mượn. Anh đã lái xe cả đêm, không nhà, nhặt nhạnh các chai sô-đa bỏ đi, bán tái chế với mức giá 0,5 đô-la cho các chai lớn và 0,2 đô-la cho các chai nhỏ, để sống qua ngày.
Nhưng John Paul quyết tâm không để con trai mình bị đói. “Chúng tôi cùng đường rồi,” anh ấy chia sẻ với phóng viên, “Tôi phải nuôi con trai… nên không có thời gian để than nghèo kể khổ nữa.”
May mắn thay, John Paul sở hữu hai lợi thế: Một tinh thần lao động hăng say và một trí tuệ đường phố để đứng lên sau vấp ngã nhờ được bồi dưỡng trong suốt những năm tháng đổ mồ hôi kiếm ăn trên đường phố. Cha mẹ anh là dân nhập cư, ly hôn từ khi anh mới hai tuổi. Anh được người mẹ độc thân nuôi dưỡng trong những khu nhà tạm trong công viên Echo và Đông Los Angeles. Anh nhanh chóng làm quen với các băng đảng trong các nhà tạm nhưng sau đó đã quyết định sống đúng với luật pháp. Tuy nhiên, anh ấy hoàn toàn chẳng ưa các giáo viên của mình chút nào. Khi một giáo viên bắt được anh đang chuyển thư tay cho một người bạn, bà bắt họ đứng lên trước lớp và nói: “Hai cậu này sẽ chẳng bao giờ làm được trò trống gì đâu.” (Người bạn mà anh ấy đã chuyển thư tay, Michelle Gilliam, sau này là Michelle Phillips đã trở thành thành viên sáng lập Mamas and the Papas bán được hơn 100 triệu album và là ngôi sao của chương trình truyền hình Knot Landing.)
Nhưng trong cuộc sống khắc nghiệt và khó khăn này, điều mà John Paul học được từ bé là bon chen kiếm sống. “Anh trai và tôi đã bắt đầu bán các tấm thiệp Giáng sinh và báo giấy khi mới 9 tuổi. Tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng, cùng anh trai gấp và đưa báo mỗi sáng để kiếm vài đồng ít ỏi,” anh chia sẻ với phóng viên.
Giờ đây, người cha đơn thân, vô gia cư John Paul đã vận dụng sự khéo léo, tháo vát và tinh thần kinh doanh có được từ đường phố từ khi là một đứa trẻ để tự động viên bản thân đứng lên sau những khó khăn để nuôi nấng con trai mình.
“Tôi đã làm 10 công việc khác nhau trong suốt thời gian đó,” Paul kể cho tôi. “Mọi công việc, từ việc bán bảo hiểm. Tôi lái chiếc xe tải tuềnh toàng đi khắp nơi. Tôi làm việc cho Dictaphone, cả cho A. B. Dick, một công ty photo. Cuối cùng, tôi làm quản lý phát hành cho tạp chí Time ở tuổi 26.”
Mọi chuyện ổn định được chút ít với John Paul và cậu con trai nhưng cuộc sống chẳng hề đơn giản. Họ hiện đang sống trong nhà của một người bạn cũ và ăn uống tằn tiện. “Chúng tôi có chế độ ăn rất đơn giản với cơm, khoai tây, rau diếp, ngũ cốc, súp hộp, mì ống, bơ, thay nhau mỗi ngày.”
Tuy nhiên đến một thời điểm anh ấy bắt đầu lo lắng cho tương lai của mình và con trai. “Tôi đã hỏi sếp mình rằng để trở thành Phó Giám đốc thì cần những gì. Ông ấy trả lời tôi rằng: ‘Anh mới 26 tuổi, mới tốt nghiệp trung học và không có bằng đại học. 10 năm nữa hãy quay lại đây khi anh 35 tuổi.’ Tôi nghĩ: ‘Tôi chẳng muốn vị trí này nữa khi đã 35 tuổi’.”
Một người bạn đã giới thiệu cho John Paul công việc kinh doanh các sản phẩm chăm sóc tóc. Anh ấy đã phát triển các kỹ năng kinh doanh trong một thời gian ngắn khi bán các bộ sách bách khoa trực tiếp (thời gian dài trước khi có Wikipedia). “Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất cuộc đời tôi. Nó dạy bạn cách vượt qua những lời từ chối. Dù bạn làm gì, bán dịch vụ hay sản phẩm nào hay làm việc cho ai, bạn cũng cần có kinh nghiệm vượt qua những lời từ chối và đừng để nó đánh gục bạn. Ví dụ, bạn gõ cửa 100 gia đình và họ đều từ chối bạn. Đến cửa gia đình thứ 101, bạn vẫn phải vui vẻ và nhiệt tình như đối với gia đình số 1. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời.”
John Paul cùng với người bạn làm nghề cắt tóc tên là Paul Mitchell có ý tưởng thành lập một công ty chuyên về các sản phẩm chăm sóc tóc. Họ đã tìm được người tài trợ nhưng anh ta lại thay đổi quyết định. Paul Mitchell đầu tư 350 đô-la và John Paul đã chấp nhận đầu tư bằng khoản đó. Với 700 đô-la, họ đã thành lập hệ thống các sản phẩm chăm sóc tóc John Paul Mitchell System. (http://www.paulmitchell.com).
Công ty tập trung vào hai nhiệm vụ chủ đạo: Tạo ra sản phẩm độc quyền chất lượng và kinh doanh hiệu quả. “Bạn không muốn kinh doanh đặt hàng mà muốn kinh doanh đặt–hàng–lại. Hai điều này hoàn toàn khác biệt. Mục tiêu của tôi không phải là bán hàng cho ai đó mà là bán thứ gì đó chất lượng và họ muốn quay lại đặt hàng. Đó là ý tưởng mà chúng tôi theo đuổi,” John Paul nói với tôi.
Họ dành toàn bộ 700 đô-la để thiết kế các chai đen trắng – biểu tượng ngày nay của công ty vì nó rẻ hơn in màu. Phần nguyên liệu còn lại được mua theo tháng, tạo điều kiện cho họ quay vòng vốn. John Paul và Paul tin tưởng rằng các sản phẩm sẽ mang về lợi nhuận nhờ sử dụng các kỹ năng kinh doanh của John Paul. “Tôi đã lần lượt gõ cửa các gia đình, các trung tâm làm đẹp để bán các sản phẩm của mình, điều mà anh đã làm từ khi còn làm việc cho các show trình diễn sắc đẹp. Chúng tôi phối hợp công việc với nhau để gây dựng sự nghiệp… Cuối cùng, khi các hóa đơn đến hạn thanh toán, chúng tôi không đủ tiền chi trả. Năm ngày sau, chúng tôi xoay xở đủ tiền để thanh toán hóa đơn.” John Paul nói với tôi: “Không ai muốn đầu tư vào chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi sắp xếp ổn thỏa, thì công việc cứ thế phát triển. Chúng tôi mất khoảng hai năm để thanh toán hóa đơn đúng hạn và đã có 2.000 đô-la còn lại trong ngân hàng. Chúng tôi biết rằng mình đã thành công với John Paul Mitchell.” Công ty tiếp tục phát triển hơn nữa. Doanh số hàng năm hiện nay của công ty là hơn 1 tỷ đô-la, các sản phẩm của nó được bán trong hơn 100.000 salon ở gần 100 quốc gia khác nhau và thuê hàng nghìn nhân viên.
John Paul hiện là một tỷ phú, đã từng đa dạng hóa các ngành nghề khác nhau, trong đó có Patrón, một thương hiệu rượu tequila hàng đầu trên thế giới. Anh đã cống hiến rất nhiều thời gian để làm từ thiện. Các tổ chức từ thiện anh tham gia thường tập trung vào việc cung cấp thức ăn và nhà ở cho những người nghèo ở Mỹ và trên toàn thế giới bao gồm cả châu Phi và Thái Lan.
Nhưng không giống như phần lớn những người giàu có khác tài trợ thức ăn và nhà ở cho người nghèo, John Paul cũng từng là người vô gia cư và sắp chết đói, gần như không thể nuôi được con trai mình. May mắn cho anh, gia đình, khách hàng và hàng ngàn nhân viên cũng như tất cả những người được anh giúp đỡ trên toàn thế giới, John Paul đã trau dồi được một kỹ năng rất quan trọng sau khi bỏ học là: Cách đứng lên sau những vấp ngã. Đây là một chủ đề của chương này.
Tình hình tài chính của một sinh viên bỏ học đối lập với một sinh viên tốt nghiệp một trong những trường danh tiếng nhất thế giới – vợ tôi đối lập tôi
Từ trước đến nay, người ta vẫn giữ quan điểm cố hữu rằng một người phụ nữ nên “ít học” hơn người mà cô ấy kết hôn, và đương nhiên cũng nên “ít của cải” hơn.
Về học vấn, vợ tôi và tôi đều đi theo con đường truyền thống. Tôi vào học một trong những trường tư danh giá và xa xỉ bậc nhất thế giới. Vợ tôi, Jena, đã bỏ học từ năm thứ nhất đại học.
Tuy nhiên, về mức độ giàu có… đọc cuốn sách này, chắc các bạn cũng đoán được vế sau.
Tài sản của vợ tôi hiện tại vào khoảng 500.000 đô-la. Trái lại, trong khi tôi tự hào vì kiếm được một khoản kha khá trong suốt 4 năm qua, số tiền đó cũng chỉ đủ chi trả hết những khoản nợ nần tích lũy từ những ngày ăn chơi trác táng và “thời kỳ ăn bám” những năm 20 tuổi của tôi.
Làm sao một sinh viên bỏ học đại học lại có thể có được tài sản chính thức 500.000 đô-la khi 32 tuổi? Vấn đề có lẽ nằm ở cách cô ấy đầu tư.
Tôi sẽ không kể cho các bạn nghe một bí kíp kinh doanh hay một danh mục đầu tư chứng khoán thần kỳ nào đó bởi đó không phải là cách cô ấy kiếm tiền. Cô ấy đã kiếm được khối tài sản đó nhờ đầu tư và tái đầu tư thời gian và tiền bạc của mình vào khả năng kiếm tiền của chính mình, một chiến lược mà tôi gọi là “Thúc đẩy thành công và khả năng học tập của bản thân.” (Trong chương này, tôi sẽ giải thích thật ngắn gọn về thuật ngữ “Thúc đẩy”.)
Hãy đọc kỹ câu chuyện dưới đây hơn bởi nó chứa đựng tư tưởng của một trong các khóa học quan trọng nhất mà bạn sẽ từng tham gia trong cuộc đời mình: Cách đầu tư thời gian, tiền bạc và những nguồn lực khác để thành công. Đây là một trong những bí quyết quan trọng cho phép tất cả những ai tự học hỏi mà tô i phỏng vấn trong cuốn sách này, bao gồm cả John Paul và Jena, có thể thành công đến vậy.
Năm 2001, khi mới 22 tuổi, Jena sống gần một cộng đồng tôn giáo ở Pune, Ấn Độ và học yoga ở đây. Cô ấy đã bỏ học 3 năm trước khi bắt đầu học năm thứ nhất đại học để có thể theo đuổi niềm đam mê đối với yoga. Cô ấy sống ở Ấn Độ khoảng hai năm trước đó, đi du lịch đến một vài nơi với 6.000 đô-la đã tiết kiệm được nhờ dạy tiếng Anh ở Martinique trong vòng 9 tháng ngay sau khi bỏ học. Cô ấy đã đến thăm các cộng đồng tôn giáo và các trung tâm thiền và thậm chí có tới 6 tháng sống trong tự nhiên với đôi chân trần. Jena sống trên những chiếc võng, lều bạt, thậm chí là các hang ổ.
Có vẻ đây không giống như một câu chuyện về người phụ nữ đã kiếm được nửa triệu đô-la tài sản trong hơn 10 năm.
Tuy nhiên, ở thời điểm nào đó, Jena ý thức được tình hình tài chính của mình. Cô ấy đã sống như một người “du mục tinh thần” không một xu dính túi và biết được rằng những năm tháng không một xu dính túi trong những năm 20 tuổi đầy tuyệt vời này sẽ không kéo dài được lâu. (Tôi cũng dành những năm đầu của tuổi 20 để theo đuổi những phần thưởng tinh thần hơn là tài chính trước khi nhận ra mình cũng phải thanh toán chi phí cuộc sống. Tuy nhiên, khác biệt lớn giữa Jena và tôi là: Cô ấy đã ý thức được về tiền bạc ở tuổi 20 trong khi tôi nghĩ rằng tiền bạc với mình chỉ là phù du trong suốt những năm tháng đó.)
“Tôi rất sợ,” cô ấy kể lại. “Tôi nhớ, nhiều lần ở Ấn Độ, tôi thấy mình như người ngoài trái đất vậy. Đó là suy nghĩ hiển nhiên của những người phụ nữ hy sinh sự nghiệp vì con cái và mỗi năm, nỗi lo lắng của họ ngày càng lớn vì họ khó kiếm được việc làm, sẽ xa rời tiền bạc và sự nghiệp. Trên tinh thần đó, tôi lo lắng rằng mình đang tự tách ra xa khỏi sự nghiệp của bản thân.”
Một người hàng xóm của Jena ở Pune đến từ New York thường ngửi thấy mùi thức ăn Jena nấu, và họ trở thành bạn chia sẻ các bữa ăn hàng ngày cùng nhau.
Hóa ra người đàn ông này, Joshua Rosenthal, từng điều hành một trường dinh dưỡng mang tên Viện Dinh dưỡng Mở rộng (http://www.intergrativenutrition.com) được thành phố New York cấp phép là trường hướng nghiệp nhằm đào tạo mọi người trở thành các huấn luyện viên sức khỏe.
Có lúc, Joshua nói với cô ấy rằng: “Jena, tôi thấy niềm đam mê của chị với các món ăn ngon. Chị nên đến trường của tôi ở New York.” Nhận thấy thời gian ở Ấn Độ đã đủ, Jena quyết định bước hoàn hảo tiếp theo trong cuộc hành trình của mình. Lúc 23 tuổi, cô ấy đến New York, chỉ một tháng sau sự kiện ngày 11/9. Bạn bè và gia đình nghĩ Jena thật điên rồ khi đến New York thời gian đó nhưng cô ấy đã quyết tâm thay đổi cuộc đời mình.
Trước tiên, cô ấy sống với dì mình tại Jamaica, Queens. Là một nghệ sỹ violin nghiêm túc từ khi còn rất nhỏ, Jena đã tự kiếm tiền trong những ngày đầu tiên đến New York bằng tiền boa chơi violin trong mỗi chuyến đi kéo dài nhiều giờ đến Manhattan và trở về. Cô ấy kiếm được 50 đô-la mỗi lần đi trong giờ cao điểm.
Jena đã có khách hàng huấn luyện sức khỏe đầu tiên của mình trong khi chơi violin trên tàu điện ngầm. Một người đàn ông tiến về phía cô và hỏi xem cô có phải là sinh viên không, cô đáp rằng phải. Ông ấy hỏi cô học ngành gì. Khi cô trả lời: “Tôi đang học để trở thành một huấn luyện sức khỏe,” thì ông ấy nói rằng: “Tôi muốn nhờ cô giúp.”
(Huấn luyện viên sức khỏe là gì? Họ giống như người hướng dẫn trực tiếp để có chế độ ăn uống khỏe mạnh. Họ cung cấp dịch vụ theo tuần, thậm chí theo ngày, chú ý và khuyến khích khách hàng ăn uống hợp lý hơn và đưa ra những thay đổi về phong cách sống khỏe mạnh khác nữa, sự chú ý và khuyến khích này sẽ đắt đỏ hơn nhiều nếu được các bác sỹ tư vấn.)
Với giấy chứng nhận từ IIN (mà không có bằng đại học), Jena đã bắt đầu có những khách hàng đầu tiên trong quán cà phê và trong phòng khách nhà mình. Khi kinh nghiệm tăng dần, mức giá cũng tăng lên từ mức khởi điểm 97 đô-la một tháng huấn luyện lên 150, 200, 250, 300 đô-la và hơn nữa. Trong vòng hai năm, kỹ năng của cô ấy được nâng lên đến mức thuê hẳn một văn phòng tư vấn tư gần quảng trường Union ba ngày mỗi tuần.
“Tinh thần làm việc của tôi rất cao. Mục tiêu trước tiên là có 10 giờ làm việc mỗi ngày, 30 giờ một tuần và trung bình khoảng 100 đô-la một giờ với công việc tư vấn sức khỏe và hướng dẫn luyện yoga tư. Tôi tìm kiếm khách hàng thông qua mạng lưới vào các ngày nghỉ và cuối tuần qua Mạng lưới Kinh doanh Quốc tế bắt đầu vào 7 giờ 15 phút sáng, qua những bài thuyết trình trên Craigslist và Quentin’s Friends.”
Nhờ tất cả những nỗ lực này, Jena đã mang về khoảng 3.000 đô-la doanh thu mỗi tuần, trong khi chỉ phải bỏ ra 1.500 đô-la một tháng cho thuê nhà. Thu nhập hàng năm trước thuế của cô ấy vào khoảng 130.000 đô-la một năm.
Tôi được chứng kiến điều này hết lần này đến lần khác. Nếu bạn có thể giúp ai đó đạt được điều có giá trị với họ như giảm cân, có mối quan hệ tốt đẹp hơn, tìm được vợ/chồng tương lai, hay mở rộng mối làm ăn của mình, hay nhiều giá trị khác bằng việc tự học hỏi từ cuộc sống thay vì trường học, và nếu bạn sẵn sàng học hỏi marketing và kinh doanh hoàn hảo (trong Kỹ năng thành công số 3 và số 4), thì kiếm được 100.000 đô-la một năm là điều hoàn toàn khả thi.
Lúc đó, Jena đã gặp và kết hôn với một diễn viên xiếc tự học ở New York, anh ấy chính là người đã thành lập trường nghệ thuật siêu thực thành công ở Brooklyn. Anh ấy có thu nhập 6 con số từ khi họ kết hôn. Nhưng hai người đều có khuynh hướng khao khát tự thúc đẩy công việc kinh doanh của mình và sống tằn tiện. Họ sống trong căn phòng nhỏ không có cửa sổ ở một căn hộ chung cư tại Brooklyn với mức giá chỉ 275 đô-la một người. “Trở thành khách hàng không phải là tâm điểm tập trung của chúng tôi, mà phải là những người kiến tạo ra của cải.”
Với thu nhập 6 con số và sống tằn tiện đồng nghĩa với việc Jena sẽ tiết kiệm được một khoản lớn mỗi tháng. Sau khó khăn nghiêm trọng với công việc kinh doanh của mình khi cuộc Đại Khủng hoảng năm 2008 lần đầu tiên xuất hiện, cô ấy đã khám phá ra sức mạnh của marketing và kinh doanh để gây dựng lại công ty. Thời điểm này, cô ấy đã bắt đầu đầu tư mạnh tay các khoản tiền tiết kiệm của mình, không phải vào cổ phiếu hay bất động sản mà là đầu tư để học cách gia tăng khả năng kiếm tiền của bản thân. Cô ấy đầu tư học với tất cả các cố vấn kinh doanh và marketing mà tôi đề cập trong Kỹ năng thành công số 3 và số 4. Đó cũng là lúc số tiền tiết kiệm của chính cô ấy thực sự sinh sôi.
Sau lần vấp ngã đầu tiên vào năm 2008, trong suốt thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử năm 2009–2010, trong khi mọi người chạy vạy để duy trì cuộc sống thì Jena đã mở rộng công việc kinh doanh của mình thêm gần 30%. Cô ấy kiếm được hơn 230.000 đô-la nhờ các buổi tư vấn tư, các chương trình huấn luyện nhóm, hàng loạt các buổi hội thảo qua truyền hình và các chương trình trực tuyến vào năm 2010 với chi phí không quá cao.
Nhờ những nỗ lực và sự tự học hỏi không ngừng nghỉ, Jena đã khiến phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học phải ghen tị với những gì cô ấy tạo ra trong cuộc đời mình: Kiếm rất nhiều tiền với kế hoạch làm việc tự do, gây ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của nhiều người và vượt qua cuộc Đại khủng hoảng nhờ suy xét chín chắn mọi việc trước khi quyết định.
Vậy làm cách nào mà Jena có được khối tài sản ròng như thế khi mới ở độ tuổi 20 và không có bằng đại học, trong khi tôi tốt nghiệp một trường đại học danh giá thuộc nhóm Ivy lại không làm được vậy?
Câu trả lời thật đơn giản, Jena đã tự thúc đẩy bản thân và nỗ lực tự học hỏi, trau dồi khả năng kiếm tiền của mình còn tôi thì không.
Tự học hỏi là khái niệm trung tâm trong cuốn sách này. Trong kinh doanh, đó là một chiến lược thu về lợi nhuận nhanh nhất có thể, dù mức lợi nhuận đó là không đáng kể, và lại tiếp tục tái đầu tư lợi nhuận đó để phát triển. Đó là cách John Paul Dejoria, Jena và gần như tất cả những người chúng ta gặp trong cuốn sách này từ Bryan Franklin, Anthony Sandberg, Elliott Bisnow,
Eben Pagan, Frank Kern, David Ash và Marijo Franklin đã gây dựng nên những thành công bước đầu của mình. Để có được chiến thuật này, hãy tập trung tiết kiệm và mở rộng thu nhập của mình ngay từ bây giờ. Thuật ngữ này xuất phát từ cụm từ “tự vươn lên bằng nỗ lực bản thân.”
Khái niệm tự nỗ lực không chỉ áp dụng cho chiến lược kinh doanh mà còn được dùng với chính cuộc sống của bạn. Đó là nơi bắt nguồn cho những nội dung trong cuốn sách này. Bạn có thể nỗ lực tự học hỏi (tiếp tục học kiến thức chuyên nghiệp và học tập suốt đời) và tự thúc đẩy các khoản đầu tư cá nhân về thời gian và tiền bạc trong chính sự nghiệp của mình, giống như cách bạn phát triển kinh doanh vậy.
Bản chất của sự nỗ lực là hạn chế chi phí, mở rộng thu nhập ngay lập tức và tiếp tục tái đầu tư khoản thu nhập đó hiệu quả nhất có thể, để mở rộng thu nhập tương lai của bạn.
Jena là mẫu người tự thúc đẩy bản thân ngay từ đầu. Cô ấy có được tinh thần tư duy tiền mặt từ ngay khi còn trẻ, (tôi gọi đó là tinh thần tư duy tiền mặt hơn là tinh thần làm việc vì nhiều người có tinh thần làm việc nhưng lại chết dí trong các công việc thúc đẩy thấp, nên không thể gia tăng thu nhập). Cô ấy bán báo kiếm tiền tiêu vặt từ năm 12 tuổi, tiếp đến là hàng loạt các công việc bán hàng và bồi bàn từ khi 15 tuổi. Cô ấy đã tự lo toàn bộ cho bản thân mình (tiền thuê nhà và ăn uống) năm 18 tuổi và bắt đầu hình thành thiên hướng tiết kiệm hết sức và luôn khiến những khoản tiết kiệm của mình phải sinh sôi nảy nở từ khi còn rất trẻ. Cô ấy được học hành mà không phải trả những khoản học phí đắt đỏ nhờ những trải nghiệm cuộc sống (đã học được rất nhiều điều khi tới Ấn Độ trong 2 năm với 6.000 đô-la tiết kiệm tự kiếm) và thông qua đào tạo hướng nghiệp giá rẻ.
Đầu những năm 20 tuổi, không phải chịu một khoản nợ học hành nào, cô ấy đã tự mở rộng mạng lưới và khách hàng của mình, có được 30 giờ làm việc một tuần trong vai trò một huấn luyện viên yoga tự do và tư vấn sức khỏe với giá 100 đô-la một giờ, hạn chế chi phí ở mức thấp nhất, sống tằn tiện, tự nấu ăn và trả 275 đô-la một tháng tiền nhà trong một căn phòng thuê chung ở thành phố New York. Cô ấy tự gây dựng công việc kinh doanh của mình như một dạng tiêu khiển hơn là việc chỉ biết chi tiêu. Cô ấy thường tiết kiệm được khoảng 40.000 đô-la hoặc hơn mỗi năm, thu nhập ròng của cô ấy từ năm này qua năm khác nhiều hơn tiền tiết kiệm của người có mức thu nhập 500.000 đô-la hoặc hơn thế. Bạn cũng sẽ nhanh chóng gây dựng được một sự nghiệp như thế nếu cũng học hỏi điều đó. Khoảng 3 năm trước đây cô ấy bắt đầu đầu tư các khoản tiết kiệm của mình vào các công ty, công việc kinh doanh và đào tạo marketing mà cô ấy có niềm tin mạnh mẽ rằng chúng sẽ giúp cô ấy tăng doanh thu ngay lập tức. Và đúng là như thế. Thật kỳ diệu!
Có được động lực để tự nỗ lực hơn nữa trong học hỏi và đầu tư cá nhân đồng nghĩa với việc tiến lên phía trước. Ngược lại với sự tự nỗ lực là chồng chất các khoản chi phí và nợ nần với cơ hội nâng cao thu nhập của mình rất thấp. Đó là cách đầu tư vào nguồn vốn con người của rất nhiều người Mỹ và đó cũng là cách mà tôi đã sống trong suốt tuổi 20 của mình.
Này, tôi vừa có cơ hội đầu tư cho bạn đấy. Nó đòi hỏi bạn phải có một khoản đầu tư khoảng 45.000 đến 200.000 đô-la trong một vài năm. Với tình cảnh tài chính hiện tại, bạn phải vay mượn phần lớn trong số đó, gọi là đầu tư vào dự trữ, nhưng tỷ lệ thì không đáng kể. (Dẫu vậy, có một điều bạn nên biết đó là khoản đầu tư đó có thể không cánh mà bay, chính bạn là người phải tự chịu trách nhiệm về khoản tiền đó, đến tận khi bạn thanh toán được nó. Nếu không có cách nào để chi trả hết các khoản nợ trong tình trạng phá sản, các khoản tiền lương tương lai và bảo hiểm xã hội, bạn có thể bị tịch biên.)
Công việc kinh doanh mà tôi muốn bạn đầu tư vào đang trong giai đoạn phát triển/khai thác. Thực sự, không cần biết nó bán sản phẩm, dịch vụ gì hay bất kỳ điều gì về vụ kinh doanh đó. Thực tế không thể biết điều gì sẽ xảy ra trong vài năm. Giám đốc Kinh doanh có thể phải về ăn bám cha mẹ mình ở thời điểm nào đó, trước khi cô ấy hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh, mô hình doanh số và năng lực cốt lõi.
Bạn chuẩn bị đầu tư vào một công việc kinh doanh mà hoàn toàn không có kiến thức hay kinh nghiệm gì về kinh doanh hoặc marketing, thậm chí, không cần biết những cuốn sách về chủ đề này hay hiểu biết gì về cân bằng ngân sách và thường nợ nần liên miên, hay bạn còn chẳng chắc chắn mình muốn kinh doanh. CEO có thể muốn khởi động một tổ chức phi lợi nhuận, theo đuổi một đam mê diễn xuất hay giúp đỡ các trẻ em mồ côi ở Botswana. Giám đốc Kinh doanh không có mạng lưới kinh doanh hay các mối quan hệ và không có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp thực tế.
Muốn đầu tư cái gì?
Đáng tiếc, đây rõ ràng là cách nhiều người Mỹ tự đầu tư vào chính mình. Đó là đi ngược với sự tự nỗ lực. Đó là những khoản chi phí cao, những gánh nợ nặng nề sau đó.
Hãy suy nghĩ đôi chút về điều này. Hầu hết các vụ đầu tư vào nguồn vốn con người (như giáo dục) mất khoảng 4 đến 5, thậm chí 7 năm, trước khi mang lại lợi nhuận.
Hãy thực hiện các vụ đầu tư nhỏ, tăng dần sự tập trung vào nguồn vốn con người và nỗ lực hết mình. Hãy mua vài cuốn sách mà tôi gợi ý. Hãy tham gia vào các hội thảo và chương trình đào tạo trực tuyến để học hỏi các kỹ năng thành công khác nhau. Hãy đầu tư vào mạng lưới kết nối và cố vấn của bạn bằng việc đi đến các hội thảo, triển lãm thương mại, các triển lãm kinh doanh, các cuộc gặp gỡ trao đổi liên quan đến các kỹ năng thành công trong cuốn sách này. Tìm một cố vấn kinh doanh có sự nghiệp xuất sắc. Tiếp đến, khi những vụ đầu tư này mang về lợi nhuận trong một hoặc hai năm, hãy sử dụng những khoản lợi nhuận ngày càng gia tăng từ các khoản đầu tư này để liên tục tái đầu tư vào việc bồi dưỡng khả năng kiếm tiền và phát triển nguồn vốn con người theo hiệu ứng quả cầu tuyết.
Đây là cách mà hầu hết những người tôi phỏng vấn trong cuốn sách này đã đi từ “kẻ ăn xin trở thành tỷ phú.” Cách tiếp cận đầu tư vào nguồn vốn con người này khác biệt so với cách tiếp cận mà hầu hết mọi người vẫn lựa chọn. Đó là lý do tại sao họ có được những thành quả khác biệt và xuất sắc hơn hầu hết những người khác.
Cyan Banister – tự nỗ lực học hỏi
Cảnh báo! Đừng làm điều này bằng máy tính cơ quan:
Khi ở nhà, bạn hãy đăng nhập vào địa chỉ website http://www.zivity.com.
Ở đó, bạn sẽ tìm thấy mạng lưới xã hội với các bức ảnh người lớn trên hệ thống Web 2.0 đầu tiên trên thế giới để đánh giá các hình thức nude phụ nữ một cách nghiêm túc nhất. Đừng lo lắng, tất cả chúng đều rất ấn tượng. Nó được người phụ nữ truyền thống có tên là Cyban Banister lập nên, người chúng ta sẽ gặp trong giây lát nữa. Website này được thiết kế thân thiện với phụ nữ, các người mẫu và mọi người sử dụng. Zivity cho phép những người theo dõi bình chọn có trả phí cho các người mẫu yêu thích của họ, những người sẽ nhận được một khoản hoa hồng lớn. Mục đích của nó tập trung vào giá trị nghệ thuật, sự kết nối đầy tôn trọng giữa người hâm mộ và các người mẫu, nghệ thuật thanh tao thay vì chạy theo tư lợi nhơ bẩn.
Làm thế nào để một người lập nên một mạng lưới xã hội nổi tiếng thế giới quảng bá nghệ thuật người lớn? Chắc chắn không phải bằng cách đi theo những con đường giáo dục và sự nghiệp truyền thống mà xã hội đặt ra.
Cyban Banister, hơn tôi 5 tuổi, đã bỏ học trung học ở Flagstaff, Arizona khi mới 16 tuổi. “Ông nội tôi cho tôi là kẻ nghịch tử nếu không học đại học. Mẹ thì lo lắng tôi sẽ sống dưới đáy xã hội mà không một lần được vinh danh.”
Nhưng Cyban chưa bao giờ sống dưới đáy xã hội. Cô chuyển ra khỏi nhà năm 15 tuổi, tự lo cho bản thân và sống thoải mái từ đó. “Tôi phát hiện ra rằng phần lớn những gì mà tôi muốn theo đuổi trong cuộc đời mình bắt đầu bằng một công việc. Tôi chưa biết chính xác đó là công việc gì nên tôi phải tìm đến đúng nơi cần đến và làm đúng việc. Công việc đầu tiên tôi làm liên quan đến dịch vụ ăn uống và bán lẻ nhưng sau 3 năm, tôi phát hiện ra rằng tương lai của tôi không gắn với ngành dịch vụ ăn uống và bán lẻ (cười). Tiếp đến, tôi làm việc ở công trường xây dựng, và cũng nhận ra rằng đó không phải là việc tôi muốn làm.
“Một người bạn tôi từng gặp trong một quán cà phê có một chiếc máy tính xách tay. Một hôm, khi chúng tôi ngồi trò chuyện bên tách cà phê, tôi được xem nó. Tôi biết ngay rằng đó là công việc tôi muốn làm, như một cú đánh thức tỉnh vậy. Mọi chuyện đã kết thúc. Đó là tiếng gọi thức tỉnh tôi, tôi phải làm. Không gì quan trọng với tôi hơn thế.
“Tôi bắt đầu đọc sách, đến các quán cà phê và trò chuyện với những người làm việc bằng máy tính. Tôi làm công việc cung cấp dịch vụ Internet (ISP), hỗ trợ kỹ thuật đường truyền, và dần chuyển lên vị trí nhân viên hệ thống, tiếp đến là quản lý và tiếp tục con đường đó ít nhất trong 10 năm.” (Để có được các bí quyết thăng tiến trong công ty, xem Kỹ năng thành công số 7).
Cyban không học hành tử tế ở trường học không có nghĩa là cô ấy không học được bất kỳ điều gì. Rõ ràng, cô ấy đã học được rất nhiều điều hữu ích và thực tế hơn những gì học ở trường. Cô ấy xác định được đam mê và sở thích của mình, học hỏi và thử nghiệm nhiều con đường khác nhau để chọn được con đường phù hợp (điều này trở nên dễ dàng hơn nhiều so với khi bạn phải gánh vác thêm nợ nần học hành), tìm hiểu về máy tính, về cách thăng tiến trong công việc, xử lý các trò bẩn nơi công sở và cách lãnh đạo và quản lý người khác.
Một trong những điều quan trọng nhất mà cô ấy học được là cách tự lo cho bản thân, quản lý tài chính và các kỹ năng sống cần thiết trong xã hội như một người trưởng thành tự do.
“Khi lần đầu tiên tôi tự thân vận động ở tuổi 15, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu những thứ như: Ai mang rác của bạn đi, làm sao để tôi có điện. Nhà tôi mất điện, rác chất đống ngoài kia và tôi không biết phải làm thế nào. Tôi phải hỏi người hàng xóm rằng: ‘Tôi thấy rác nhà chị được dọn đi, còn nhà tôi vẫn ở kia, thế là sao vậy?’ Và cô ấy trả lời rằng: ‘Ồ, có lẽ em chưa thanh toán phí cho thành phố…’ Hóa ra ai cũng phải trả tiền để được thu gom rác. Toàn bộ quy trình học hỏi về cách sống như người lớn trường học không dạy bạn: không dạy thanh toán hóa đơn và cách sống có trách nhiệm. Tôi đã học tất cả những điều đó ở tuổi 16 còn các bạn tôi nếu học đại học sẽ học tất cả những điều đó ở tuổi 22.
“Ở tuổi tôi lúc đó, có đến 40% thanh niên Mỹ 20 tuổi quay về nhà ít nhất một lần. Đây cũng là điều mà nhiều người trong xã hội này bắt đầu học sớm nhất khi họ 30 tuổi.” Bằng việc học cách tự sống sót trong thực tế, Cyban đã mua được một yếu tố rất cần thiết để đầu tư cho thành công của chính mình và có được động lực kiếm tiền: Một bước đệm để cô thử nghiệm con đường sự nghiệp của mình mà không phải lo lắng mình “sẽ sống trong khu ổ chuột.”
Điều đặc biệt cần thiết cho cô sau này mà cô học được trong thời gian này là về việc tự thành lập công ty riêng. Công việc này đã giúp cô kiếm được khá nhiều tiền, ngoài công việc thường ngày của mình. “Tôi bắt đầu thành lập công việc kinh doanh đầu tiên của mình trong thời gian đó. Đó là công ty sản xuất áo sơ mi. Mặc dù mục tiêu sự nghiệp của tôi không phải là trở thành một người may áo sơ mi nhưng vụ đầu tư này khiến tôi nảy ra ý tưởng kinh doanh. Đó là lần đầu tiên tôi biết về phân phối, marketing và kinh doanh. Năm đó tôi 19 tuổi. Thời kỳ đó, mọi thứ chưa được bán qua Internet, vì thế phần lớn công việc kinh doanh của tôi đều ở trong khu vực. Nhưng nhờ đó tôi đã phải tự mua một chiếc máy in đầu tiên. Công việc này đã mang về lợi nhuận thật không ngờ.
Cyban thực hiện vụ đầu tư tiếp theo là Zitivy với sự hỗ trợ vốn đầu tư. Câu chuyện của cô ấy là một ví dụ hoàn hảo về điều tôi gọi là “tự nỗ lực vươn lên.” Tự nỗ lực vươn lên liên quan đến việc có sự ổn định về tài chính và rồi đầu tư dần dần vào khả năng kiếm tiền, đồng thời tạo nên sự lưu thông tài chính liên tục – để bạn có thể học hỏi liên tục và không bao giờ nợ nần.
Dưới đây là một số quan điểm quan trọng mà tất cả những người tự nỗ lực vươn lên và tự đầu tư như Cyban xác định rõ tư tưởng ngay từ đầu:
– Giả sử bạn muốn kiếm nhiều tiền hơn hiện nay, bạn sẽ tiếp tục lĩnh vực hiện tại hay chuyển sang lĩnh vực mới?
– Nếu bạn muốn kiếm thêm tiền từ lĩnh vực bạn đang theo đuổi thì có nhiều cách không đắt đỏ để bạn học hỏi về marketing và kinh doanh hiệu quả hơn trong lĩnh vực này không?
– Nếu bạn muốn kiếm tiền trong lĩnh vực hoặc ngành công nghiệp khác thay vì công việc hiện tại, bạn có thể có được kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực mới mà vẫn duy trì lợi nhuận hiện tại bằng cách nào? Bạn có thể học vào buổi tối hoặc cuối tuần, hoặc bắt đầu một công việc làm ăn mới ngoài giờ nhỏ lẻ. Bạn sẽ có cách nào đó để “học trong khi kiếm tiền”. Bạn có thể tìm thấy những người thành công trong lĩnh vực đó để tư vấn miễn phí cho bạn hoặc bạn có thể thực hành cùng miễn phí. (Theo cách tìm kiếm cố vấn trong Kỹ năng thành công số 2.)
– Mục tiêu và ước mơ cụ thể trong đời bạn là gì? Nghiên cứu tỉ mỉ trước khi đầu tư học hành với mức chi phí phù hợp, học tập hiệu quả, tập trung, bổ trợ cho nhau để bạn đạt được những ước mơ và mục tiêu này. (Tôi đoán rằng trừ trường hợp bạn muốn tham gia vào lĩnh vực truyền thống, đòi hỏi bằng cấp, những vụ đầu tư này có thể nằm ngoài những học viện chuyên ngành, nằm ở khả năng tự học của bạn.)
– Nếu bạn muốn học hành để đạt được ước mơ mà không rơi vào nợ nần, bạn sẽ làm gì? Vấn đề không phải là nợ nần lúc nào cũng không tốt, quan trọng là bạn phải quyết định đúng đắn khi nào sử dụng những khoản tiền vất vả mới kiếm được của mình một cách thực tế, chính đáng, có trọng tâm và ít rủi ro hơn.
Phillip Ruffin – tự thúc đẩy nguồn vốn con người
Trên con đường trở thành tỷ phú, công việc đầu tiên của Phillip Ruffin sau khi bỏ đại học liên quan đến việc tìm lại một con khỉ cảnh.
Trong những năm 1950, Ruffin nói với tôi rằng: “Tôi bắt đầu làm trợ lý quản lý cho một cửa hàng tạp hóa. Tôi nhận được 1 đô-la mỗi giờ và làm khoảng 100 giờ 1 tuần. Trong cửa hàng có một khu sinh vật cảnh bán chim và khỉ. Tôi nhận thấy cuộc sống của mình đã thay đổi khi được giao nhiệm vụ tìm lại một con khỉ. Một người đã mua con khỉ bằng thẻ thanh toán và nợ 29 đô-la. Tôi phải đến nhà anh ta mang con khỉ trở lại cửa hàng giữa tiếng gào khóc của bọn trẻ, con khỉ còn cắn vào tay tôi trên đường về, thật may tôi có đeo găng tay. Tôi nghĩ: ‘Mình không thích công việc này chút nào, mình phải làm điều gì đó khác đi.’”
Vài năm trước, khi đang học năm thứ nhất ở Đại học Washburn, Topeka, Kansas, Ruffin đã đầu tư vào cửa hàng hamburger để kiếm tiền trả học phí. May mắn là cửa hàng có thu về lợi nhuận. “Vì thế tôi mở cửa hàng hambuger thứ hai,” Ruffin nói với tôi, “và gần như quên béng việc học hành.” Anh ấy bỏ học ngay sau đó và tập trung vào việc phát triển chuỗi cửa hàng hambuger. (Lúc này vào khoảng giữa những năm 1950, cùng với thời gian mà một sinh viên bỏ học khác tên là Ray Kroc bắt đầu xây dựng chuỗi cửa hàng lấy tên là McDonald’s.)
Ruffin đã tiếp tục phát triển chuỗi cửa hàng của mình và sau đó bán đi để thu về lợi nhuận 29.000 đô-la vào năm 1955, tương đương 230.000 đô-la ngày nay. “Ngay lập tức, tôi thua lỗ sạch tiền trong một vụ đầu tư vào dầu,” anh ấy nói với tôi. Vì thế anh ấy xin làm trợ lý quản lý – một công việc mà anh ấy đã từ bỏ sau lần bị con khỉ cắn.
“Tôi lại quay về Đại học Wichita. Tôi học kinh doanh nhưng không mấy hứng thú với nó. Nó chẳng có gì hấp dẫn tôi cả nên tôi không thể tập trung nổi. Giáo sư của tôi liên tục giảng dạy các vấn đề kinh tế học nhưng ông ấy chưa từng thành lập bất kỳ một công ty kinh doanh nào như tôi đã làm. Tôi luôn nghĩ đến công việc kinh doanh và học được hai năm thì lại bỏ.
“Tôi xây dựng một cửa hàng tiện dụng nhỏ, tôi gọi đó là thị trường 11-to-11 (11 đến 11). Tôi xoay xở vay tiền ngân hàng, làm việc từ 9 giờ sáng đến nửa đêm mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần để có được khoảng 1.500 đô-la. Tôi bắt đầu mở rộng cửa hàng tiện dụng trong khi mọi người vẫn chưa biết cửa hàng tiện dụng là gì. Tôi đã mở hết cửa hàng này đến cửa hàng khác.
“Năm 1968, chúng tôi mở cửa hàng xăng tự phục vụ đầu tiên ở Blackwell, Oklahoma. Chúng tôi là những người tiên phong trong lĩnh vực xăng tự phục vụ. Công ty kinh doanh khá bền vững và chúng tôi thu được rất nhiều lợi nhuận. Thời gian đó, tôi đã mua được một ngân hàng, một vài trung tâm mua sắm, một số trung tâm thương mại. Chúng tôi quay vòng vốn nhờ số lợi nhuận kiếm được và vay lãi từ ngân hàng. Tôi mua rất nhiều bất động sản, mua công ty sản xuất sữa chuyên cung cấp sữa cho các cửa hàng tiện dụng của tôi. Năm 1987 tôi xây dựng Wichita Marriott, doanh nghiệp khách sạn đầu tiên của tôi. Sau đó, chúng tôi có xây dựng thêm một số khách sạn nữa ở một vài nơi.”
Đến đây, tôi ngắt lời Ruffin và hỏi anh ấy: “Dường như anh chạm vào gì cũng đều mang về lợi nhuận. Anh đưa ra một ý tưởng kinh doanh, ý tưởng đó phát triển và mang về lợi nhuận, rồi đưa ra những ý tưởng khác, chúng cũng mang lại lợi nhuận. Bí quyết của anh là gì vậy?”
Anh ấy đáp lại với tinh thần của một người tự nỗ lực vươn lên: “Chúng tôi coi trọng từng đồng tiền kiếm được và không tiêu xài phung phí. Chúng tôi làm công việc kinh doanh thật sự, kiếm được những đồng đô-la thực sự, chứ không phải liều lĩnh dấn thân. Có rất nhiều việc cần làm nên chúng tôi làm việc 12, 14, 16 giờ mỗi ngày.
“Chúng tôi tái đầu tư lợi nhuận, cộng với việc vay tiền từ các ngân hàng và trả lại rồi mở rộng thêm các khách sạn và cửa hàng. Chúng tôi không bao giờ nợ nần quá nhiều.”
Sau nhiều thương vụ đầu tư khách sạn, và một hợp đồng cho thuê các cửa hàng tiện dụng, anh thu về khoảng 2,2 triệu đô-la tiền mặt hàng năm. Ruffin nghe thấy tin khách sạn Frontier ở Vegas Strip – khách sạn thứ hai trong chuỗi Strip được xây dựng năm 1942 được rao bán nhưng chưa có người mua. “Không ai ở Vegas muốn mua nó vì nó liên quan đến các vấn đề về công đoàn của chính khách sạn này. Nhưng lúc đó tôi không ở Vegas. Tất cả những gì tôi làm là gặp Chủ tịch Công đoàn chốt thỏa thuận. Vụ này đã tiêu tốn không ít tiền. Chúng tôi phải mời các nhân viên đã bỏ làm trong 6 năm rưỡi quay trở lại. Mọi người cùng cố gắng giải quyết vấn đề, thậm chí Quốc hội Hoa Kỳ cũng tham gia. Rắc rối nằm ở vấn đề tài chính. Chúng tôi phải kêu gọi mọi người quay lại làm việc, trả lương và công nhận thâm niên làm việc của họ. Tôi không mua khách sạn cho tới khi tham gia vào cuộc họp. Chúng tôi giải quyết tất cả các vấn đề trước khi mua nó. Khi những người biểu tình được dẹp yên, Frontier bắt đầu sinh lời. Mọi người không muốn gì hơn nữa. Đó là cơ hội để tôi sửa chữa nó.
“Năm 2007, El–Ad đưa ra mức giá 1,2 tỷ đô-la, giá tính trên mỗi mét đất cao nhất từ trước đến nay ở Vegas. Nó từ vô giá trị đến trị giá hàng tỷ đô-la. Khi số tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng của tôi tại Ngân hàng Hoa Kỳ, tôi không nghĩ họ từng nhìn thấy một số tiền lớn đến thế được chuyển vào tài khoản cá nhân trước đó.”
Ruffin chỉ cần ngồi và nhìn tiền tỷ của anh nhân lên gấp ư. Đó là điều mà nhiều người, gồm cả hầu hết những người đã tốt nghiệp đại học, ao ước và phiền muộn vì nó. “Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không biết làm gì với tiền. Tôi chưa bao giờ hứng thú đầu tư vào chứng khoán. Tôi cũng không muốn đầu tư vào công ty của những người khác. Bạn biết họ làm gì không? Họ thu phần lớn lợi nhuận, họ có tất cả các quyền chọn cổ phiếu cho mình. Chúng tôi có cả núi tiền nhưng tôi không muốn chúng ở yên đó. Tiền đó sẽ lại sinh ra tiền. Chúng tôi kiếm được 89 triệu đô-la một năm. Nhưng tôi không thích kinh doanh. Tôi thậm chí không quan tâm sẽ làm gì. Tôi chỉ ngồi và nhìn vào màn hình, xem tiền sinh sôi.”
Ngay sau đó, Ruffin quay trở lại với kinh doanh. “Một người bạn của tôi nói anh ấy nghĩ MGM có thể đang gặp vấn đề về tiền mặt và đang muốn bán tài sản. Tôi thường theo dõi Treasure Island. Một lần tôi nghe thấy nó được rao bán, vì thế tôi đi gặp Kirk Kerkorian,” Ruffin nói với tôi. Kerkorian là một tỷ phú sòng bạc nổi tiếng ở Las Vegas. Ông bỏ học từ năm lớp 8, trở thành tay đấm bốc nghiệp dư và có giấy phép phi công. Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II bùng nổ, ông phụ trách lái máy bay chiến đấu hạng nhẹ vượt Đại Tây Dương để tiếp vận cho Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh. Nhiệm vụ này rủi ro rất cao bởi máy bay chiến đấu hạng nhẹ hiếm khi có đủ năng lượng để bay những chuyến bay dài như thế. Sau đó, ông tham gia vào ngành công nghiệp hàng không và kinh doanh khách sạn và trở thành tỷ phú.
“Anh ấy định mức giá 850 triệu đô-la,” Ruffin nói với tôi. “Đương nhiên, tôi đang ngồi trên cả núi tiền. Tôi nói: ‘Tôi trả 700 triệu đô-la.’ Anh ta nói không. Tôi nói: ‘Hãy chia đôi, 750.’ Anh ta nói: ‘Như thế không công bằng, 775 đi!’ Cuối cùng, chúng tôi kết thúc bằng một cái bắt tay với mức giá 750.”
Tôi ở lại một vài đêm trong Khách sạn và Sòng bạc Treasure Isand đáng yêu của Ruffin (http://www.treasureisland.com), khi tôi bay tới thành phố này để phỏng vấn anh ấy và xem thành quả của sức lao động miệt mài cả đời anh ấy. Ruffin, một người từng phải đi đòi lại con khỉ sau khi bỏ học, hiện đang sở hữu khu phức hợp khách sạn và giải trí xa hoa bậc nhất.
Ruffin là một điểm sáng vững bền trong nhóm Forbes 400, với tài sản ròng lên đến vài tỷ đô-la. Anh ấy cưới cựu hoa hậu Ukraine, người mẫu Oleksandra Nikolayenko-Ruffin và họ có một cậu con trai. Trong văn phòng ở sau sòng bạc, tôi đề nghị anh ấy đưa ra vài lời khuyên cho những bạn trẻ đang kiếm tìm thành công trong cuộc sống.
“Lời khuyên dành cho người trẻ ư? Bỏ việc đi. Đừng làm việc cho bất cứ ai. Bạn thực sự không thể giàu có nếu cứ đi làm thuê. Có thể là mở một cửa hàng bán hamburger, có thể là một quán cà phê. Bạn có thể bắt đầu tự kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào. Bạn hoàn toàn có thể làm điều đó. Nó không tốn của bạn nhiều vốn. Hãy bỏ việc và tự tạo công việc cho mình. Việc này có thể quá rủi ro nhưng bạn phải kiên trì thực hiện nó và phải sẵn lòng làm việc thêm nhiều giờ bởi bạn không thể thuê nhiều nhân công lúc này. Hãy làm việc miệt mài và tự giải quyết hết các công việc.”
Tôi nghĩ lời khuyên của Ruffin thậm chí có thể được áp dụng cho những người không sẵn sàng tự kinh doanh hay muốn gắn bó lâu dài với đời làm công ăn lương. Ngày nay, tất cả các nhân viên đều là doanh nhân, doanh nhân trong doanh nghiệp của chính bạn. Những ngày còn tư duy được trả lương đến tận khi nghỉ hưu, những ngày thanh toán tiền điện thoại bàn và viết thư tay đã xa rồi. Vì thế, nếu bạn không thể dựa vào ông chủ của mình để có được an toàn về tài chính thì bạn có thể dựa vào cái gì?
Chính nguồn vốn con người của bạn – đó là vụ đầu tư lớn nhất và nếu bạn biết cách đầu tư vào thì nó không bao giờ làm bạn thất vọng và tiếp tục mang lại cho bạn giá trị và tiền mặt trong suốt cuộc đời.
Tôi hỏi Ruffin: “Anh đã nghĩ tới việc viết một cuốn sách chưa? Câu chuyện đời anh thật tuyệt vời, tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ là một cuốn sách giá trị.”
Anh ấy đáp rằng: “Tại sao tôi lại muốn viết một cuốn sách?”
“Ồ, có nhiều lý do để viết một cuốn sách lắm chứ.”
Anh vừa mỉm cười vừa lắc đầu nói với giọng điềm đạm của người miền Nam: “Michael, tôi kiếm được nhiều tiền từ sòng bạc này hơn anh kiếm được từ việc bán sách,” anh ấy nhìn xuống bảng số liệu gọn gàng trên mặt bàn gần như trống trơn và nói tiếp: “Hôm qua tôi kiếm được 820.000 đô-la. Một ngày làm việc không tồi chứ?”
Các bạn thấy đấy, đó là sức mạnh để xây dựng nguồn vốn. Bạn có thể không trở thành một người quản lý sòng bạc tỷ phú nhưng bạn hoàn toàn có thể đầu tư vào nguồn vốn con người của chính mình. Nếu bạn đầu tư vào việc xây dựng một nguồn vốn đúng đắn, vào các kỹ năng thành công được mô tả trong cuốn sách này, nó sẽ mang lại cho bạn những phần hoa hồng không nhỏ chút nào.
Marc Ecko, Matt Mullengweg học cả đời dù đã trưởng thành
Khi còn học trung học tại New Jersey, Marc Ecko thường có trong túi khoảng 600 đô-la hoặc hơn thế, có tuần còn có đến 1.000 đô-la để đầu tư kinh doanh. Không, cậu không phải là một đứa con nhà giàu (cậu sống ở phía bên kia đường ray xe lửa nơi những gia đình trung lưu và dân lao động sinh sống). Cậu cũng không phải là người buôn thuốc hay ăn cướp tiền.
Marc đã học cách vẽ graffiti lên mũ, áo sơ mi, áo khoác và thậm chí là cả ô tô. Dịch vụ của cậu được rất nhiều người ưa chuộng. “Hàng xóm nhà tôi ở Lakewood, New Jersey đều rất đa dạng, có nhiều người Do Thái, da màu và cả người Lantin tầng lớp lao động. Hip–hop là một xu hướng văn hóa mới nổi và nó được khuyến khích bởi nền văn hóa phổ biến của người da đen. Là một đứa trẻ Do Thái lớn lên trong một cộng đồng đa dạng hài hòa, không phân biệt về văn hóa, đứa trẻ da trắng mập mạp như tôi không thể nhảy và hoàn toàn không thể đọc rap vì quá béo.
“Nhưng tôi cũng đã bước chân vào nghệ thuật. Bởi graffiti là khiếu thẩm mỹ mà những người trẻ sử dụng để nói chuyện với nhau nếu đã biết hip-hop, vì thế tôi đã tìm cách kết nối loại hình nghệ thuật đường phố này. Tôi là một nghệ sỹ đích thực. Bà tôi đã tặng tôi một cuốn sách có tên là Subway Art (Tạm dịch: Nghệ thuật đường phố) của Martha Cooper và Henry Chalfant khi tôi học phun sơn từ năm lớp 8. Có một chiếc máy nén và sơn, tương đương với khoảng 150 đô-la là một số tiền lớn đối với một học sinh lớp 8 như tôi trong những năm 1980. Tôi đã tận dụng hết khoản đầu tư của mình như lời cha mẹ tôi vẫn nói nhưng tôi chỉ là một nghệ sỹ đường phố. Dù sao, đó cũng là những bước chân đầu tiên của tôi vào cánh cổng dẫn đến thế giới kinh doanh.
“Trường công không phải là nơi tôi học được nhiều về marketing. Tôi thành lập một công ty lấy tên là Ecko Airbrushing. Các bạn thân thiết của tôi muốn tôi vẽ ô tô cho họ, còn những người hàng xóm lại muốn tôi vẽ ảnh con họ trên áo khoác. Không có gì là thông tục cả và tôi đang kiếm được khoản tiền khá hơn hầu hết những người bán thuốc ở trường.
“Đối với tôi, đó mới là trường học – trường kinh doanh của tôi. Một đứa trẻ 15 tuổi lại phải đứng xếp hàng tại Trung tâm dịch vụ Sears mỗi khi máy nén bị hỏng, vì thế tôi đã đàm phán để sửa máy vào thời điểm hẹn trước để tôi có thể hoàn thành các đơn đặt hàng. Tôi đặt hàng sơn trước. Tôi tìm kiếm những video hướng dẫn tốt nhất trong một thời đại chưa có Internet. Cùng với kỹ năng phun sơn và chiếc máy nén khí, tôi đã học được rất nhiều về kinh doanh như quản lý thời gian, cam kết, giao tiếp, thông tin và công nghệ.
“Tôi đã kiếm được khá nhiều tiền. Đến khoảng năm cuối đại học, mấy tuần liền, tôi còn kiếm được 2.000 đô-la. Tôi đã có những khoản tiền tiết kiệm đáng kể, có được nhiều thứ tôi muốn.”
Marc đã làm gì với khoản tiết kiệm đó? Liệu anh ấy có đầu tư nó vào thị trường chứng khoán hay gửi tiết kiệm ngân hàng? Với vị trí là một người tự nỗ lực vươn lên, anh ấy đã đầu tư khoản tiền tiết kiệm của mình vào công việc kinh doanh và bồi dưỡng khả năng kiếm tiền của mình. “Tôi marketing các công cụ, chụp ảnh và làm các slide trình diễn. Tôi phun sơn các loại mũ và bán cho khách hàng của tôi, đến các hội chợ ở địa phương và mở các gian hàng. Đồng thời, tôi không ngừng tái đầu tư vào công việc kinh doanh của mình.”
Mặc dù Marc kiếm tiền rất nghiêm túc và đang học điều hành doanh nghiệp của mình tốt hơn phần lớn những người trưởng thành đã làm nhưng một cố vấn lại chờ đợi một điều tốt đẹp khác ở anh. Những thầy giáo của tôi ở trường thường nói rằng: “Những chiếc áo sơ mi này đẹp thật đấy nhưng cậu có nghĩ rằng mình sẽ nuôi được con cái bằng cái nghề này không?” Trong các cuộc tụ họp gia đình, mọi người sẽ nói kiểu như: “Con có thể kiếm được 75 hoặc 80 đô-la nếu con đi học đại học và nếu có được bằng luật thì con có thể kiếm được thu nhập 6 con số!”
Marc đã lắng nghe những lời khuyên và quyết định nối gót cha anh vào học trường Cao đẳng Dược Rutgers trong khi vẫn tiếp tục kinh doanh. Năm 1992, Marc sáng tạo ra một chiếc áo khoác phun sơn theo yêu cầu của Michael Bivins trong nhóm nhạc R&B Bell Biv Devoe trình diễn trong buổi hòa nhạc địa phương. Marc khó có thể di chuyển do vừa phẫu thuật vai nhưng chị gái của anh đã trực tiếp mang đến giao tận tay chiếc áo cho Bivins với một vài dòng nhắn nhủ được anh viết bằng tay. “Tôi sắp 19 tuổi, chỉ đứng sau cánh gà các buổi hòa nhạc, gặp gỡ với các nghệ sỹ hip-hop, làm nghệ thuật cho họ và rồi quay trở lại trường dược. Tôi không tìm thấy niềm đam mê nào ở đó. Tôi không thể vượt qua các kỳ thi thường kỳ và chẳng chút hứng thú với việc học hành. Có điều gì đó đã hối thúc tôi hy sinh vì nghệ thuật, một năng lượng nào đó thống trị tôi.”
Bỏ quá nhiều tiết do phải tập trung vào nghệ thuật và công việc kinh doanh, Marc phải gặp mặt Phó Hiệu trưởng trường, Tiến sỹ John Colaizzi. Ông nhìn thấy niềm đam mê của Marc đối với nghệ thuật cùng những thành công của anh trong thực tế và hoàn toàn thấu hiểu điều đó. “Ông ấy nói vói tôi rằng: ‘Cậu chỉ muốn ở một nơi mà cậu có thể, nên thế và sẽ thế. Cậu vẫn còn trẻ, hãy đi và thực hiện ước mơ của mình. Cậu có thể trở lại đây nếu con đường đó không đón chào cậu.’ Tôi đã rời trường và không bao giờ quay trở lại nữa.”
Một người bạn thân thiết của gia đình đã giới thiệu Marc với một người đàn ông tên là Seth Gerszberg. Theo tạp chí New York Times thì “Từ Gerszberg tỏa ra ánh hào quang. Ngồi cùng ông ấy 5 phút, bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng ông ấy bỏ học để kiếm được 5.000 đô-la mỗi tuần nhờ bán các đồ trang trí nội thất được làm từ đồ tái chế các loại.” Gerszberg đầu tư 5.000 đô-la tiền mặt để có được 50% cổ phần công ty và vẫn là đối tác của công ty Marc cho đến hiện tại. Trải qua nhiều thăng trầm (có lúc suýt phá sản), bộ đôi này đã đi đầu thương hiệu “thời trang thời thượng”, biến Marc Ecko thành một trong những thương hiệu có tiếng trong ngành thời trang toàn cầu với mức doanh thu hàng năm khoảng trên 1 tỷ đô-la.
Marc không hoàn thành hết chương trình đại học nhưng hiện nay đang là một Tiến sỹ. Năm 2009, anh được mời trở lại trường Cao đẳng Dược Rutgers để nhận bằng Tiến sỹ danh dự và phát biểu với ánh mắt dõi theo đầy tự hào của thầy Hiệu trưởng trường Dean Colaizzi.
Tôi phỏng vấn Marc trong căn phòng rất ấn tượng nằm ở đường số 23, Manhattan. Giáo dục là một trong những chủ đề mà anh đam mê nhất và có thể nói thao thao bất tuyệt về vấn đề này. Tôi từng là độc giả trung thành của nhiều tiểu thuyết của anh từ năm 15 tuổi, vì thế gặp được từ mới lạ đã quen thuộc với tôi. Anh đưa ra một từ mới mà tôi chưa từng nghe đến: “andragogy”. Tôi tìm hiểu và biết được nghĩa đen của từ này là “cách học-người trưởng thành” đối lập với “pedagogy” có nghĩa là “cách học-trẻ con”. Tôi tra nó trên Google và Wikipedia và thấy định nghĩa hoàn toàn phù hợp cách tự học, tự giáo dục của tất cả các triệu phú mà tôi đã từng phỏng vấn. Thậm chí từ khi còn rất trẻ, họ đã tự học hỏi theo cách của người trưởng thành chứ không phải trẻ con.
Người trưởng thành cần biết lý do tại sao họ nên học một thứ gì đó…
Kinh nghiệm (bao gồm cả những lỗi sai) mang lại nền tảng cho hoạt động học tập…
Người trưởng thành cần phải chịu trách nhiệm cho các quyết định của họ về học tập, quan tâm đến việc lên kế hoạch và đánh giá hướng dẫn của mình…
Người trưởng thành thấy hứng thú nhất với việc học về các chủ đề có ảnh hưởng trực tiếp đến công việc hoặc đời sống cá nhân của họ…
Việc học của người trưởng thành tập trung vào vấn đề thay vì định hướng nội dung…
Người trưởng thành phản ứng với các yếu tố thúc đẩy chủ quan đối lập với yếu tố thúc đẩy khách quan…
Thuật ngữ này được sử dụng trong cuộc thảo luận so sánh sự khác biệt giữa nền giáo dục “tự định hướng” và nền giáo dục “chỉ bảo”.
Hóa ra các triệu phú mà tôi từng nói chuyện, những người không hoàn thành chương trình học đại học chính thức không hề từ bỏ việc học hành. Đơn giản là họ đi theo cách học-người trưởng thành thay vì cách học-trẻ con.
Hãy cùng suy nghĩ về điều ngược lại của định nghĩa cách học-trưởng thành ở trên: Vài lý do từng được đưa ra để lý giải tại sao phải vượt ra khỏi quan điểm “con cần phải học cái này để được điểm tốt và tốt nghiệp loại ưu.” Tạo mọi điều kiện cho bọn trẻ không bao giờ mắc lỗi, thay vì hướng dẫn chúng ra ngoài kia, làm bất cứ thứ gì mình muốn, mắc lỗi liên tiếp và tự học từ những lỗi lầm – nền tảng để bạn giỏi một lĩnh vực nào đó. Nhồi nhét kiến thức vào đầu bọn trẻ những thứ chẳng liên quan gì đến mục đích sống của chúng và vì thế khiến chúng kém hứng thú học hỏi, thay vì hướng dẫn chúng cách giải quyết các vấn đề mà chúng quan tâm. Và đương nhiên, rất rất nhiều yếu tố thúc đẩy khách quan nữa. Thực tế, cách học-trẻ con là gò ép việc học hành vào những trẻ không sẵn sàng học hỏi.
Thật may mắn khi những người trong cuốn sách này đã bắt đầu tự tư duy học tập như người trưởng thành từ khi còn nhỏ – điều mà hiếm ai trong hệ thống giáo dục chính thống làm được. Nhiều người tự học đều là bậc thầy về cách học-người lớn đó. Đó cũng là lý do tại sao họ giàu có và thành công, trong khi phần lớn những người đi theo cách học-trẻ con suốt 16 năm thì không.
Gần như tất cả mọi người tôi phỏng vấn trong cuốn sách này đều có một niềm đam mê nghiêm túc với việc học trọn đời. Nói cách khác, họ không để sự nghiệp học hành với cách học-trẻ con đè nặng trên vai hay tách biệt bản thân khỏi thực tiễn cuộc sống và đánh đổi tất cả những điều đó bằng rất nhiều nợ nần. Thay vào đó, họ học hỏi thông qua những vụ đầu tư dần dần, ổn định và liên tục theo cách của những người trưởng thành.
Matt Mullengweg đam mê với việc hình thành thói quen học và đọc cả đời, cả trong lĩnh vực chuyên môn lẫn đời sống cá nhân. Trong thời gian học tại Đại học Houston đầu những năm 2000, anh bắt đầu tự học chương trình ngôn ngữ PHP qua các khóa học trực tuyến miễn phí. Anh chưa từng học kiến thức chuyên môn cụ thể về nó, niềm đam mê khi còn học trung học của anh là saxophone jazz, nhưng ngay sau đó, anh ta bắt đầu làm những việc đơn giản bằng PHP nhờ kiến thức tự học. “Tôi đã cài đặt được một bộ đếm lượt truy cập vào một website nhỏ của mình, một thứ nhỏ nhặt ngớ ngẩn như thế,” anh ấy nói với tôi. “PHP Manual trực tuyến và những lời nhận xét dưới chân trang. Đó là mọi thứ mà tôi có thể cần đến. Bạn có thể học cụ thể bất cứ thứ gì mà bạn muốn qua Internet.”
Nhưng sau đó một thời gian, chương trình của anh trở nên tinh vi hơn, vượt xa hơn bộ đếm lượt truy cập. Thực tế, nó tiếp tục cách mạng hóa Internet. Đây là thời kỳ đầu của blog và Matt đã tạo ra nền tảng blog bằng PHP có tên là WordPress.
Khi càng ngày càng có nhiều người bắt đầu sử dụng diễn đàn này trên các web, tiếng tăm của anh nổi như cồn và CNET đã liên lạc mời anh về làm. “Đây là công việc mà tôi hằng mong ước sau khi tốt nghiệp, lương cao và mọi thứ đều ổn. Vì thế tôi tự nhủ: ‘Mình đang chờ đợi điều gì?’” Matt bỏ học Đại học Houston sau năm thứ hai để làm việc cho CNET.
Tuy nhiên, Matt nói rằng: “Một đặc điểm của rất nhiều doanh nhân là họ thường thất nghiệp. Thành thực mà nói, tôi không nghĩ mình là nhân viên tốt nhất ở CNET. Tôi muốn tập trung vào chính dự án của mình, vào WordPress.” Blog đang bắt đầu lên ngôi và Matt quyết định rời CNET để tập trung vào việc sáng tạo của mình. Hiện nay, WordPress (http://wordpress.org) là hệ thống quản lý nội dung và diễn đàn blog lớn nhất thế giới, khoảng 13% trong số tất cả các website trên thế giới chạy bằng WordPress và theo như thống kê thì phiên bản mới nhất của nó được tải 27 triệu lần. Nhiều nhà bình luận xuất bản đã đổ tội cho Internet nói chung và blog nói riêng đã làm giảm hứng thú của người đọc với một khối lượng kiến thức lớn và nghiêm túc là sách, vì họ thích thú với những thứ ánh sáng “thân thiện đa nhiệm” tính theo bite với lượng thông tin bề nổi. Sự thật là Matt Mullenweg, chủ trò của cuộc cách mạng blog này không thể đam mê thêm được nữa với việc đọc và viết theo lối truyền thống.
Trong một quán cà phê gần văn phòng của WordPress, ở bến tàu San Francisco, Matt nói với tôi: “Một phẩm chất phổ biến mà tôi thấy ở những người thành công đó là họ đều là những người đọc rất nhiều. Sách là một dạng tài liệu không được đánh giá cao trong thời đại công nghệ số nữa, mà tôi chính là người đầu tiên nói rằng blog rất tuyệt vời, nhưng chúng có xu hướng ngày càng ngắn gọn hơn. Các tác phẩm dài hơn mở rộng tư tưởng của tôi nhiều hơn. Khi bạn viết một cuốn sách, bạn phải đầu tư tư duy. Sau khi đọc một cuốn sách, những gì bạn thu được từ cuộc sống của ai đó trong một vài năm hoặc hơn, được chắt lọc thành một tác phẩm. Điều này tiềm ẩn sức ảnh hưởng thật lớn lao.
“Tôi có cảm giác tất cả những điều này là một siêu chu trình và chúng ta thì đang ở điểm thấp nhất của sự nghiệp viết lách chuyên nghiệp. Cuộc cải cách sách điện tử đã đặt toàn bộ thư viện của chúng ta vào một thứ nhỏ như một cuốn sách bìa mềm. Với tôi, khi ngừng đọc sách vì mải mê với những thông tin trên Internet, tôi thấy mình trở nên ngớ ngẩn. Một vài năm trước đây, tôi nghĩ: ‘Này anh, tôi không nghĩ mình còn thông minh như trước đây,’ vì thế tôi thấy mình phải tiếp tục quay lại với thói quen đọc sách. Khi tôi bắt đầu thành lập công ty Automatic của mình, tôi nhận thấy ‘mình không có ý tưởng làm gì, thế nên tôi cần đọc nhiều nhất có thể.’ Một cuốn sách điện tử ngày đó trị giá 10 đô-la. Bất cứ ai cũng có thể đầu tư mua cho mình một cuốn. Hãy mua một vài cuốn sách tốt nhất về kinh doanh. Có thể là Innovation and Entrepreneurship (Tinh thần doanh nhân khởi nghiệp và sự đổi mới)15 của Peter Drucket. Hoặc The art of the start (Khởi thuật) của Guy Kawasaki, những cuốn đã khích lệ tinh thần tôi rất nhiều khi lần đầu tôi bước chân vào kinh doanh. Điều gì đang ngăn bạn lại? Đó là thời gian của bạn và vài đô-la. Hoặc bạn có thể đi đến thư viện nếu không có một vài đô-la và tiếp cận những trí thông minh tuyệt đỉnh trên thế giới về chủ đề này.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.