Đừng nghĩ về những điều chưa xảy đến giống như một sự đã rồi; thay vì thế hãy điểm lại những gì quý giá nhất mà bạn đang có, và hãy nghĩ xem bạn sẽ phải vất vả tìm kiếm đến mức nào nếu bạn không có chúng.
MARC-AURÈLE
Tối đen.
Tối đen.
Tối đen.
Một tiếng thì thầm:
… tình yêu của em…
Tối đen.
Tiếng kêu vo vo.
Tiếng bíp đều đặn như tín hiệu tàu ngầm.
Một tiếng thở mạnh và đều nhịp nghe như máy thở.
Một làn ánh sáng có thể tưởng tượng thấy, rồi…
Martin khó nhọc mở mắt ra. Anh cảm thấy người mệt bã, đầu nặng trịch và hơi thở đứt quãng. Hai mí mắt dính chặt, đầy một thứ dung dịch keo và nhớp nháp. Khuôn mặt bỏng rát, ông lấy ống tay áo dụi đôi mắt và nhìn ra xung quanh. Anh đang ở trong một sân bay, nằm vắt ngang một chiếc ghế bằng kim loại trong phòng chờ.
Anh ngồi thẳng người rồi đứng phắt dậy.
Anh đưa mắt liếc nhìn đồng hồ: 8 giờ 10 phút sáng, ngày 25 tháng Mười hai.
Trên ghế bên cạnh, một cô bé có mái tóc vàng hoe cũng vừa mới khó nhọc tỉnh giấc. Anh nhận thấy vẻ mặt hoảng hốt, lớp mascara đã chảy lấm lem và chiếc áo phông màu hồng nhạt có in hàng chữ Chẳng phải nữ thánh chẳng động vào.
Anh đang ở đâu thế này?
Anh tiến về phía khung cửa kính rộng. Sân bay rộng rãi và ngập tràn ánh sáng: một kiểu nhà thờ tương lai bọc toàn kính và thép, với một mái vòm trong suốt hình êlip với một phía tiến thẳng ra mặt biển trông như một chiến hạm khổng lồ. Trên đường băng, những chiếc máy bay ánh bạc xếp hàng một đang kiên nhẫn đứng chờ tới lượt cất cánh. Tắm mình trong làn ánh sáng vàng ấm áp, cả tòa nhà trông giống như một quả cầu pha lê đặt gần mặt nước, nơi chẳng có tiếng động nào từ bên ngoài vọng được vào.
Thiên đường? Địa ngục? Nơi chuộc tội? Không, được tiếp cận với giáo lý Cơ Đốc từ bé nhưng Martin chưa từng tin vào những giáo lý của Nhà thờ cũng như những biểu tượng sơ lược của nó.
Vậy thì là gì đây? Một giấc mơ chăng?
Không, mọi thứ quá rõ ràng, quá cụ thể, không thể là một điều nào đó ngoài thực tế được.
Anh đưa hai gnón cái lên xoa thái dương và gáy. Anh vẫn còn nhớ tất cả những gì mình đã trải qua trước đây nhiều giờ: sự phản bội của Gabrielle, vụ trộm viên kim cương, cuộc đối đầu của anh với Archibald trên cầu, cú ngã từ độ cao 70 mét của cả hai. Chắc chắn anh không hề nằm mơ, như vậy chắc anh chỉ có thể… đã chết.
Anh cố nuốt chút nước bọt nhưng cổ họng anh khô cháy. Anh lau mồ hôi chảy trên mặt.
Đến cuối dãy cửa dẫn ra phòng chờ xuất phát, anh nhìn thấy một quán cà phê gắn tấm biển chìa ra trên lối đi: Quán Cà phê Cầu Vồng.
Một cái tên tiền định, anh nghĩ và tiến vào quầy, phía sau quầy là một cô gái lai tuyệt đẹp có đôi mắt sáng, mặc quần short ngắn và áo hai dây cổ khoét rộng.
– Chào ông, ông muốn uống gì?
– Ờ… Một ít nước, được không cô?
– Có ga hay không ga?
– Cô có nước Evian không?
Cô sửa lại mái tóc màu đỏ rực của mình và nhìn anh như một gã quê mùa:
– Tất nhiên.
– Cả Coca nữa chứ?
– Ông chui từ đâu ra vậy?
Anh trả tiền – 10 đô la! – cho chai nước và lon soda rồi quay trở lại chỗ dãy ghế kim loại. Cô bé mặc áo phông với dòng chữ khiêu khích vẫn ngồi đó, run rẩy và răng va vào nhau lập cập. Martin đưa cô chai nước, đoán biết cô đang chết khát.
– Tên em là gì?
– Lizzie, cô bé đáp sau khi tu hết già nửa chai nước.
– Em thấy trong người ổn chứ?
– Nhưng đây là đâu? cô vừa khóc vừa hỏi.
Martin lẩn tránh không trả lời. Người cô bé đẫm mồ hôi, toàn thân run lẩy bẩy. Nhìn cô bé run rẩy mong manh, anh nhớ tới Camille, cô bé đã được anh bảo trợ suốt nhiều năm. Anh để lại cho cô lon soda và để cô lại đó một lúc, trong lúc anh vào mua đồ ở một quầy hàng lưu niệm của sân bay.
Khi quay trở lại chỗ cô bé, anh ném cho cô một cái áo chui đầu nhiều màu sắc của trường Đại học Berkeley.
– Mặc vào kêu cảm lạnh bây giờ.
Cô bé mặc áo vào sau khi rụt rè cảm ơn anh bằng tiếng lóng theo kiểu của đám thanh thiếu niên lang thang.
– Em bao nhiêu tuổi? anh vừa hỏi vừa ngồi xuống cạnh cô bé.
– Mười bốn.
– Nhà em ở đâu?
– Ở đây, San Francisco, gần Pacific Heights.
– Em có nhớ em đã làm gì cuối cùng trước khi xuất hiện ở đây không?
Lizzie chùi nước mắt chảy dài trên khuôn mặt.
– Em cũng không biết nữa. Em về nhà… Em đã khóc rất nhiều, sau đó em nuốt vài thứ… Những thứ gây chết người.
– Thứ gì? Các loại thuốc?
– Không, mẹ em khóa tủ thuốc lại rồi.
– Thế là những gì?
– Em xuống nhà kho sau vườn và nốc bất cứ thứ gì em tìm thấy: thuốc chuột và thuốc diệt cỏ.
Martin kinh hoàng:
– Sao em làm như vậy?
– Tại Cameron.
– Cậu ta là ai? Bạn trai của em hả?
Cô bé gật đầu.
– Anh ấy không còn yêu em nữa. Dù trước đó tình yêu của chúng em vô cùng mãnh liệt…
Anh buồn bã nhìn cô bé. Cho dù người ta có mười lăm, hai mươi, bốn mươi hay bảy mươi lăm tuổi, câu chuyện cũng vẫn như nhau: cái căn bệnh tình yêu đáng nguyền rủa tàn phá mọi thứ nó bắt gặp trên đường, những khoảnh khắc hạnh phúc thoáng qua đều phải trả bằng một giá cắt cổ…
Mặc dù vậy, Martin vẫn cố nói đùa:
– Nếu mới mười bốn tuổi mà em đã bắt đầu muốn tự hủy hoại mình vì đàn ông thì đây chưa phải là lần cuối đâu, em bé ạ!
Nhưng Lizzie thấy ngay có điều gì đó không ổn.
– Chúng ta đang ở đâu vậy? em hỏi lại, ánh mắt lộ rõ vẻ khiếp sợ.
– Anh cũng chịu chết chẳng biết gì, anh thú nhận và đứng dậy, nhưng anh thề rằng chúng ta sẽ thoát ra khỏi đây nhanh thôi!
o O o
Anh chạy.
Có cô bé bám gót đằng sau, Martin chạy.
Bất kể nơi này có thực tới đâu, anh vẫn tin chắc cần phải thoát khỏi đây và phải làm điều đó càng nhanh càng tốt.
Đây không phải một giấc mơ, chẳng phải thiên đường cũng không phải địa ngục – trên trời chẳng có ai bán những lon Coca không đường với giá 5 đôla – chắc chắn phải là một nơi nào khác.
Và anh phải bỏ chạy thật xa khỏi chính cái nơi “nào khác này”.
Anh quyết định đi theo các biển chỉ đường và cố tình chạy theo hướng những tấm biển chỉ “Lối ra – Taxi – Xe buýt”.
Những tấm biển này dẫn anh tới khu bán hàng miễn thuế trong một dãy hành lang dài, nơi từ Hermes cho đến Gucci, tất cả các thương hiệu đều có một cửa hàng sang trọng. Sau đó, họ chạy qua khu ẩm thực với khoảng hai chục cửa hiệu bày bán cơ man nào là các món ăn đặc sản: bánh kẹp hamburger, xa lát, sushi, pizza, couscous, bánh mì thịt nướng, hải sản… nằm xung quanh một sân trong ở một vị trí trung tâm.
Chốc chốc, Martin lại quay sang hối thúc Lizzie chạy nhanh hơn nữa.
Họ leo cầu thang cuốn rồi đi trên một băng chuyền đang lăn rất nhanh, tưởng chừng dài vô tận, giống như chiếc băng chuyền trong nhà ga Montpanasse ở Paris, chỉ khác là chiếc ở đây không bị hỏng.
Dọc theo hành lang, tòa nhà trông có vẻ an toàn, sạch sẽ và sáng sủa. Nhiều nhóm nhân viên vệ sinh đang hối hả lau cho những ô kính lớn trở nên bóng loáng, nhưng bề mặt kính lăn tăn trông giống như mặt nước đang gợn sóng theo nhịp chuyển động ánh sáng mặt trời vàng rực.
Rất đông người đứng chen chúc và háo hức trong bầu không khí chuẩn bị đi nghỉ lễ. Mũ len đội đầu, khăn quàng cổ, nước mũi chảy ròng ròng, những gói quà: một vài nhóm đang chuẩn bị để đón mừng Giáng sinh. Song một số nhóm khác lại mặc quần áo sặc sỡ kiểu mùa hè, quần short lửng nhiều màu và da rám nắng.
Martin nắm lấy bàn tay Lizzie và chạy nhanh hơn, xô phải một vài hành khách trên đường chạy: những lão già công chức tỏ vẻ doanh nhân, vài thiếu niên gà gật với tai nghe iPod gắn trên tai…
Khắp nơi, trên các bức tường, những chiếc đồng hồ nhắc nhở thời gian đang trôi dần.
Ngẩng đầu lên trời, mắt chăm chú theo dõi các biển chỉ đường, Martin chạy miết, ý thức rõ ràng họ phải rất khẩn trương. Lúc này, họ đã tới gần cửa ra. Anh kéo tay Lizzie để cô bé chạy nhanh hơn nữa.
Cuối cùng, họ chạy ra đến đại sảnh nơi khởi hành. Lần đầu tiên, Martin nghe thấy tiếng động từ bên ngoài: tiếng xe cộ chạy, không khí bớt đi mùi chất khử trùng, sự thô ráp, sống động…
Đúng lúc họ chuẩn bị vượt qua ngưỡng cửa trượt dẫn ra đường trải nhựa thì một lực hút thật mạnh khiến họ thấy màng nhĩ nhói lên và tầm nhìn mờ đi.
Khi Martin mở mắt lần nữa, anh vẫn đứng trước hàng ghế kim loại đúng như khi anh vừa tỉnh dậy. Đằng sau anh, vẫn là những quầy hàng lưu niệm, vẫn quán Cà phê cầu Cổng Vàng cùng cô phục vụ da đen với mái tóc đỏ rực…
Anh nhìn Lizzie như xin lỗi: họ đã bị ném trả lại điểm xuất phát!
o O o
– Đừng mất công tìm lối ra, chàng trai. Chúng ta bị mắc kẹt ở đây rồi.
Martin quay đầu lại.
Khuôn mặt vô cảm và đôi mắt sắc bén, Archibald đang nhả ra một bụm khói với điếu xì gà Habano. Rõ ràng, sân bay không phải là một nơi cấm hút thuốc. Vậy ra điều đó đúng thật, chính Đức Chúa Trời cũng là một người hút xì gà… Có lẽ mắc phải căn bệnh ung thư sau khi chết sẽ ít nghiêm trọng hơn khi còn sống…
– Tất cả tại ông, Martin đưa ngón trỏ lên chỉ vào hắn như buộc tội.
– Cậu cũng có lỗi như tôi, Archie nhấn mạnh. Nếu cậu không cố chứng tỏ mình hơn người, giờ này chúng ta vẫn còn đang ở trên đó.
Archibald cảm thấy khỏe khoắn. Sự mệt mỏi, đau đớn và cảm giác buồn nôn do căn bệnh gây ra đã biến mất như thể có phép màu.
– Ông đã giết chết hai chúng ta, Martin phẫn nộ. Chính do sự kiêu mạn quá trơn scủa ông!
– Nếu nói về kiêu mạn, tôi nghĩ cậu cũng xứng đáng là một chuyên gia, cậu bé ạ.
– Ông thôi ngay cái kiểu coi tôi là một cậu bé như vậy đi!
– Cậu nói đúng. Xin lỗi cậu, cậu bé. Thế nhưng, cậu đã nhầm ở một điểm, khi cậu khăng khăng nói rằng chúng ta đã chết.
– Ông hãy thử suy nghĩ hai giây đi: chúng ta đã lao thẳng từ độ cao 70 mét xuống mặt nước băng giá. Ông thử tưởng tượng hậu quả sẽ thê thảm thế nào.
– Đúng vậy, Archibald nhăn mặt thừa nhận, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta đã chết. Ít nhất là vẫn chưa.
– Được, tốt lắm, vậy thì chúng ta đang ở đâu?
– Đúng thế, chúng ta đang ở đâu vậy? Lizzie cũng hỏi.
Archibald mỉm cười với cô bé và rồi bằng cử chỉ vẫy tay, hắn ra hiệu cho hai người đi theo hắn.
– Hai bạn cần phải gặp một người.
– Không! Martin từ chối, chúng tôi phải biết chúng ta đang ở đâu trước đã.
Archie nhún vai, rồi nói một cách thản nhiên:
– Trong cơn hôn mê.
o O o
Martin, Archibald và Lizzie đẩy cánh cửa ghi dòng chữ “Nơi Cầu Nguyện” của sân bay. Nơi này có một chiếc bàn đón tiếp và nhiều phòng nhỏ được dùng làm nơi cầu nguyện dành cho những tôn giáo phổ biến: một nhà thờ Thiên Chúa giáo, một giáo đường Do Thái, một nhà thờ Hồi giáo, một ngôi đền Phật giáo và Thần đạo.
Nơi này do cha Shake Powell, đức cha tuyên úy của sân bay, quản lý: một ông cao lớn da đen, đồ sộ như một đồ vật, đi giày Nike Air, mặc chiếc quần rộng thùng thình, một chiếc áo khoác có mũ và áo phông in dòng chữ Yes we can với hình ảnh Obama.
Shake Powell chào đón những vị khách trong văn phòng của mình, một căn phòng đầy đủ tiện nghi, nhưng ngay ngắn, trông xuống các đường băng. Mặc dù bận ngập đầu, đức cha vẫn sẵn lòng giải đáp mọi câu hỏi của những người mới vào. Ông mời họ uống cà phê rồi không để họ kịp hỏi, ông kể cho họ nghe câu chuyện của mình.
Là người New York, cha Powell đến thăm người anh trai ở San Francisco và bã đi đâm một dao từ phía sau, cách đây mười tháng, trong lúc đức cha đang can ngăn một cuộc ẩu đả giữa hai người vô gia cư. Khi đến Khu vực xuất phát, cha đã được đức cha tiền nhiệm của sân bay đào tạo trước khi Người rời nơi này về vùng trời khác.
Công việc cuốn hút cha. Theo lời đức cha, ở nơi này, Chúa hiện diện khắp nơi: trong kiến trúc, trong ánh sáng, trong những bảng biển chỉ đường lên trời. Đôi khi, cha còn có dịp cử hành đám vài đám cưới hoặc lễ rửa tội.
Khu vực xuất phát là vùng giáp ranh, một vùng trung lập, một nơi rất phù hợp để cầu nguyện và suy nghĩ. Ở cái “nơi khác” này, người ta thấy những điều sợ hãi sâu kín nhất của mình trỗi dậy. Đến giờ ra đi, họ có nhu cầu giãi bày tâm sự. Cha Powell không cố phán xét họ, mà chỉ muốn hiểu họ. Đối với một số người, họ phải đối diện với nỗi sợ hãi một thứ vô hình, vơi sniềm ân hận và nuối tiếc. Với những người khác, sự rút lui đối với họ trở thành một cơ hội quý giá và bất ngờ, để họ có thể trở nên tốt hơn hoặc để dung hòa với chính bản thân.
– Trong Khu vực xuất phát, tôi đã chứng kiến gần như mọi góc độ của tâm hồn con người: sự vĩ đại cũng như sự khốn nạn, vị linh mục vừa giải thích vừa uống nốt tách cà phê của mình.
Martin để cho cha Shake Powell kể hết câu chuyện. Anh rút ra kết luận rằng tất cả các du khách trong sân bay bí ẩn này đều là những người đang rơi vào tình trạng hôn mê sau khi bị tai nạn hay tự tử, song anh vẫn còn một điều thắc mắc:
– Cha cứ liên tục nhắc đến Khu vực xuất phát…
– Đúng.
– Nhưng, là xuất phát đi đâu?
Powell chăm chú nhìn hết Martin sang Lizzie rồi lắc đầu:
– Hãy nhìn những chiếc máy bay, ông nói và quay sang nhìn ra cửa sổ.
Martin đưa mắt nhìn đường băng. Người ta có thể trông thấy rõ ràng hai đường băng song song và hai hàng máy bay cỡ lớn đang sáng lấp lánh trong ánh mặt trời, chờ đợi tín hiệu tháp kiểm soát trước khi cất cánh về hai hướng ngược nhau.
– Chỉ có thể đến được hai nơi, cha Shake Powell nói trong lúc cài vạt áo khoác lạ, che đi những khối cơ bắp rất ấn tượng.
– Trở về với cuộc sống hoặc đi về cõi chết… Martin buồn bã nói nốt câu.
– Cậu đã hiểu ra mọi thứ, cậu bé, Archibald xác nhận.
o O o
Lizzie đăm chiêu nhìn hai bàn tay to lớn của cha tuyên úy trên đó có xăm những chữ cái S.O.N.G. và C.H.E.T. trên các đốt ngón tay.
Run rẩy, cô bé quyết định hỏi:
– Nhưng làm sao chúng ta có thể biết đích đến của mình?
– Nó được ghi trên vé của mỗi người.
– Vé nào? Martin hỏi.
– Tấm vé mà mỗi hành khách nhận ở Khu vực xuất phát, cha Powell giải thích.
– Một tấm vé như thế này, Archibald khẳng định và đặt xuống bàn thẻ lên máy bay của mình.
Điểm xuất phát Điểm đến Ngày Giờ Số ghế
Khu vực xuất phát Sống 26/12/2008 07h05 32F
Martin nhíu mày. Anh vẫn mặc bộ quần áo khi xảy ra tai nạn: bộ com lê may đo được Cô Ho tặng và chiếc áo sơ mi nhàu nát đóng vào quần âu. Anh lục tìm trong túi áo khoác, thấy ví của mình cùng điện thoại và một tấm bìa cứng mà anh cũng đặt xuống bàn:
Điểm xuất phát Điểm đến Ngày Giờ Số ghế
Khu vực xuất phát Chết 26/12/2008 9h00 6A
– Thật không may mắn, cậu bé, Archibald nhăn mặt.
Rồi cả hai người đàn ông cùng quay sang Lizzie, một dấu hỏi lớn như được vẽ trên khuôn mặt họ.
Lùng bùng trong chiếc áo len, cô bé sợ hết hồn. Cô lật bật móc các túi quần bò và cuối cùng cũng tìm ra một thẻ lên máy bay gấp tư, cô mở bằng bàn tay run rẩy. Tấm bìa chứa đựng một thông điệp đầy tang tóc.
Điểm xuất phát Điểm đến Ngày Giờ Số ghế
Khu vực xuất phát Chết 26/12/2008 9h00 6B