Để bay lên cao hơn, nhẹ nhàng hơn một chút
Những đôi cánh màu bạc, tóc trong gió tung bay
Trước cơn đại hồng thủy, trước lúc xe trượt bánh
Rời khỏi con đường, và rồi…
… chẳng còn gì, thế là hết.
CLARIKA, Escape Lane
KHU PHỐ NOB HILL – 24 THÁNG MƯỜI HAI – 8 GIỜ SÁNG
Tiếng còi cấp cứu hú vang, chiếc xe lao vào bãi đậu của khoa cấp cứu bệnh viện Lenox.
Kíp trực đón nhận bệnh nhân tự động chia thành hai để kịp thời hành động.
– Bệnh nhân thế nào? – Bệnh nhân thế nào?
– Nam, 34 tuổi, hôn mê, đa chấn thương. – Nam, 60 tuổi, hôn mê, đa chấn thương.
Đặt trên hai xe đẩy, hai cáng cứu thương như đang đua nhau lao đi trong hành lang bệnh viện để xem ai sẽ tớip mổ trước tiên, ai là người đầu tiên được chụp, ai sẽ được bác sĩ ngoại khoa giỏi nhất phẫu thuật… Có vẻ như là cuộc đối đầu giữa Martin và Archibald vẫn còn tiếp diễn ngay cả khi đã chạm ngưỡng cửa tử.
– Anh ta nhảy từ trên cầu Cổng Vàng -… rơi từ độ cao 70 mét từ trên cầu xuống.
xuống cách đây 30 phút….
– Cảnh sát tuần tra đường biển vớt lên… – … chưa đầy ba phút sau khi va đập…
– Gãy dập nhiều nơi… – … nhiều nội chấn thương.
Người ta lập tức đặt ống nội khí quản cho hai người đàn ông tại hiện trường vụ tai nạn. Được truyền thuốc giảm đau và thở máy, mỗi người được đeo một nẹp cổ và cắm cùng lúc năm ống truyền. Chừng ấy ống dây đang cố gắng níu kéo họ với cuộc sống, song liệu sẽ được bao lâu?
o O o
Tình cờ sáng nay, Elliott Cooper, một trong những bác sĩ phẫu thuật gạo cội nhất trong bệnh viện, lại đi bộ ngang qua bãi đậu xe của khoa cấp cứu sau một đêm trực dài, đúng vào lúc xe cứu thương đưa hai người đàn ông vừa được vớt từ biển lên ngay sau khi họ rơi xuống từ cầu Cổng Vàng nhập viện.
Ba mươi hai năm trước đó, Ilena, người phụ nữ ông yêu, cũng đã nhảy xuống biển từ chính cây cầu đáng nguyền rủa ấy để tự kết liễu cuộc đời mình. Kể từ đó, biểu tượng của San Francisco đã để lại cho ông vết thương đau đớn ám ảnh, thúc đẩy ông tích cực tham gia chiến dịch ủng hộ việc lắp đặt thêm một hàng rào phòng chống tự tử ngay bên trên những thanh lan can. Biện pháp đó cho tới nay vẫn chưa được thực hiện.
Một cách vô thức, Elliot chăm chú lắng nghe và quan sát hai kíp cấp cứu đang bận túi bụi quanh những người bị thương: một thanh niên người Pháp, Martin Beaumont, và một người đàn ông trạc tuổi ông, không rõ danh tính.
Một loại giác quan thứ sáu đã dẫn ông ngược đường quay lại để hỗ trợ các đồng nghiệp. Nắm giữ cương vị quản lý tại bệnh viện, ông biết rằng vào ngày sát Noel như hôm nay, lực lượng nhân viên không hùng hậu lắm. Song ông cũng cần kiểm tra một vài điều. Bóng dáng người đàn ông mà ông thoáng trông thấy… nằm trên cáng cứu thương… sống mũi hơi khoằm và màu tóc hoa râm… người đàn ông danh tính và bí ẩn… liệu có khi nào…
Khi ông bác sĩ ngoại khoa cúi xuống nhìn người nằm trên cáng, ông nhận ra người bạn cố tri của mình, Archie Blackwell. Elliot ngay lập tức yêu cầu ghi tên mình vào danh sách bác sĩ trực. Ông thay trang phục và ngay trước khi tắt điện thoại di động, ông bấm số gọi Gabrielle.
o O o
Bực thật, cứ đến phiên trực của mình là toàn gặp những ca máu me ghê người…
Claire Giuliani, một trong số các bác sĩ nội trú đang trực, phát hoảng khi nhìn thấy thân hình nằm thẳng đuỗn đầy thương tích của bệnh nhân, một thanh niên người Pháp chỉ hơn cô vài tuổi: các đốt sống và xương sườn gẫy rạn, hai đùi và một bàn chân gẫy, xương đòn gẫy đôi, lồng ngực dập nát, háng và vai phải trật xương. Đó là còn chưa kể đến những vết thương bên trong cần phải xử lý khẩn cấp: vỡ lá lách, đứt ruột…
o O o
Elliot choáng váng kinh hoàng: cú va đập mạnh đến mức có thể nó đã giết chết Archibald. Lưng hắn đập xuống mặt nước. Dường như hắn đã cố gắng bảo vệ Martin và hứng trọn về mình phần va đập mạnh nhất khi rơi xuống.
Toàn bộ vùng xương chậu và đốt sống vỡ vụn, hai bên thận bị phá hủy, vỡ lá lách và bọng tiểu, một vết phù não và rất nhiều vết nội thương. Chẳng cần phải là bác sĩ cũng có thể hiểu ngay rằng đến mức này thì cơ hội sống sót được gần như bằng không và cho dù có phép lạ gì đi nữa thì những tổn thương ở cột sống và tủy sống chắc chắn sẽ không bao giờ cho phép bạn ông có thể đi lại được nữa.
o O o
TRƯA
Trong hành lang dẫn tới khu phòng mổ, nơi cô được phép đứng chờ, Gabrielle run rảy nhìn từng cử chỉ của các bác sĩ phẫu thuật, phía sau lớp cửa kính mờ, họ đang cố gắng cứu sống hai g đàn ông của đời cô.
Cho dù cô không biết rõ vì sao Martin và Archibald lại cùng nhau thực hiện “cú nhảy tử thần” từ trên cầu xuống, song cô biết kết cục thảm thương này chắc chắn là điều không thể tránh khỏi trong cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa hai người họ với nhau.
Cô đã cố tình lẩn tránh không chọn một trong hai người, cô đã muốn giữ lại cả hai, muốn làm họ xích lại gần nhau, muốn yêu thương cả hai người, song chắc chắn rồi cũng phải có một cuộc đụng đầu để rồi kết cục bi thảm chỉ có thể là cái chết.
o O o
20 GIỜ
Đêm đã buông xuống được nhiều giờ đồng hồ khi bác sĩ Claire Giuliani rời phòng mổ, vẻ mặt mệt mỏi và hai mắt thâm quầng. Cô rầu rĩ ném đôi găng tay và áo blu và thùng rác rồi lột chiếc mũ phẫu thuật để bung mái tóc ướt đầm mồ hôi. Một lọn tóc tím rơi xuống mắt nhưng cô chẳng buồn vén lên. Cô mua cho mình một ly cà phê ở máy bán tự động rồi đi ra bãi đậu xe. Đêm nay, không khí trở nên mát mẻ và điều này cũng không hẳn làm cô khó chịu. Cô mới chuyển tới San Francisco chỉ vài tuần nay và đã bắt đầu thấy nhớ Manhattan. Cô đã quá chán cái lối sống ra vẻ nhàn nhã, những con người dễ chịu và đáng mến, tinh thần lúc nào cũng sảng khoái đến nỗi gần như lây nhiễm cả sang nhau. Cô chẳng hề thuộc típ người như vậy: chăng dễ chịu, chẳng quyến rũ cũng chẳng lạc quan. Lúc nào cô cũng cảm thấy trong người khó chịu và yêu thích cái lạnh lẽo khắc nghiệt của mùa đông New York hơn là bầu không khí ấm áp của California. Cô cố kìm một cái ngáp dài. Hai mắt cô cay xè: mệt mỏi vì phẫu thuật cả ngày cộng thêm sự cáu giận vì những việc mình làm đã chẳng thay đổi được gì nhiều. “Anh chàng đẹp trai” giờ trông thật xấu xí và cũng chẳng còn được mấy mẽ bên ngoài: chấn thương mặt, dập phổi và tràn dịch màng phổi… Theo kết quả chụp cắt lớp, cô sẵn sàng đánh cược rằng chắc chắn đêm nay trong não anh sẽ bắt đầu hình thành ổ máu tụ. Nếu đúng như vậy thì lại phải phẫu thuật thêm lần nữa, và trong tình trạng hiện nay chắc anh chàng cũng chẳng thể nào trụ nổi. Và cho dù có hồi tỉnh được sau trận hôn mê này thì làm sao có thể không nghĩ một cú rơi như vậy không để lại những tổn thương ở thần kinh cột sống khiến anh có thể liệt toàn thân?
Cô nóng nảy giật phăng miếng dán nicotine trên cánh tay rồi lục tìm trong hộp đựng găng tay trên xe để tìm một bao thuốc lá cũ.
Đứng dựa người vào đống sắt cũ của mình – một chiếc Cocinelle được sơn lại màu tím hoa cà, cố ý cho nó thật xấu xí, – cô châm điếu thuốc đầu tiên của mình sau hai tháng trời, với vẻ nửa như đầu hàng nửa như thách thức.
LẠI ĐÂY NÀO, CHẤT NICOTINE KHỐN KIẾP, LẠI ĐÂY GẶM NHẤM DA THỊT TA TỪNG CHÚT MỘT…
Tay phải cầm điếu thuốc lá, tay trái cầm di động: tất cả những gì khiến cô nghiện đều có đủ. Suốt cả ngày, Claire luôn lo lắng liếc nhìn chiếc Blackberry, tuyệt vọng mong chờ đốm đèn màu đỏ nhấp nháy báo hiệu một tin nhắn hoặc email vừa nhận được. Cô chờ đợi một cuộc gọi hay một tín hiệu từ một người đàn ông. Tuy nhiên, đó lại là người cô đã lẩn trốn khi rời bỏ New York. Một người đã yêu cô nhưng chưa từng được nghe cô nói “em yêu anh”. Một người đã bị cô đối xử tồi tệ. Một người từng bị cô phản bội, làm thất vọng, tổn thương. Chỉ để xem những điều đó có làm tình yêu của anh suy giảm. Chỉ để xem liệu anh có thể là người vượt qua cả điều tồi tệ nhất. Bởi cô chẳng biết cách yêu nào khác. Có thể một ngày, nếu người đàn ông vẫn còn ở đó, nếu anh vẫn kiên nhẫn và nhất định chờ cô, cô sẽ có thể rộng mở trái tim mình với anh và nói với anh những lời làm đổi thay tất cả.
Cô mân mê điện thoại. Cả tuần nay, người đàn ông đó không hề gọi cho cô. Có thể anh cũng đã bỏ cuộc, như những người khác. Cô tìm cách xua anh ra khỏi tâm trí và máy móc kết nối với mạng internet của bệnh viện. Trong lúc gõ bàn phím lướt từ trang này sang trang khác, cô bắt gặp một luận án tiến sĩ được bác sĩ Elliot Cooper hướng dẫn thực hiện, đề tài về những tai nạn trên cầu Cổng Vàng. Qua đó, cô biết được rằng từ khi cây cầu được thông xe vào năm 1937, đã có 1219 người nhảy xuống biển tự tử: tức là khoảng hai chục trường hợp mỗi năm. Và trong số 1219 người đó, chỉ có 27 người sống sót!
Chưa được hai phần trăm…, cô rầu rĩ nghĩ.
Dựa trên kinh nghiệm, cô biết thật khó có thể không tin vào những con số thống kê này.
o O o
20H15
Tiếng bíp đều đặn như tín hiệu tàu ngầm.
Một căn phòng lạnh lẽo và xanh phơn phớt: phòng hồi sức của bệnh viện Lenox.
Hai chiếc giường đẩy bằng thép đặt cách nhau vài mét.
Giữa hai chiếc xe, một phụ nữ ngồi trên ghế, lưng gập xuống, hai tay ôm lấy mặt, mệt mỏi vì khóc quá nhiều.
Một người chầu chực trắng đêm trông bệnh nhân.
Hai người đàn ông đã tranh đấu với nhau thay vì cố gắng hiểu nhau.
Hai người đàn ông, mỗi người bằng cách riêng của mình, cùng yêu một người phụ nữ.
Hay nói đúng hơn, không biết phải yêu người phụ nữ đó như thế nào.
o O o
20H30
Claire Giuliani dập tắt điếu thuốc lá cuối cùng và cài khuy chiếc áo khoác kiểu lính trên cổ gắn những cây ghim to tướng đầu mạ bạc. Về nguyên tắc, cô đã hết ca trực. Giờ đang là tối 24 tháng Mười hai. Cô sắp bước sang tuổi ba mươi. Nếu là một cô gái bình thường, có lẽ cô đang phải đón năm mới cùng gia đình hoặc một người bạn trai, hoặc ít ra cũng đang ở trong phòng trực cùng với các bác sĩ nội trú khác để trang hoàng bệnh viện nhân dịp lễ. Nhưng Claire thực sự không thể nào thay đổi được. Cô chỉ thích sự độc chiếm đau đớn trong một cuộc tình giữa hai người, và cứ như vậy, cô đã học được cách tự hài lòng với sự cô độc mà nghề nghiệp của cô chẳng có cách gì cải thiện cho khá hơn. Một nghề lúc nào cũng gần gũi với tử thần, đến mức hủy hoại cô theo từng ngày trôi qua, đồng thời cũng khiến cô tự dệt nên cho mình vài sợi dây liên hệ vô hình với bệnh nhân dù bản thân không hề muốn. Những sợi dây liên hệ giúp cho cô đứng vững, vào những đêm như đêm nay, và đối với cô dường như đó chính là những sợi dây gắn liền cô với thế giới của con người.
Nhìn bề ngoài, cô là người thành đạt trong cuộc sống. Cô là bác sĩ phẫu thuật, và chỉ cần bỏ chút xíu thời gian quan tâm tới mình, cô có thể trở nên xinh đẹp và là một nhân vật nữ quyến rũ trong cuộc sống hằng ngày theo kiểu Grey’s Anatomy, thân hình bốc lửa và đầu óc sexy. Nhưng cô lại không giống như vậy…
Một lần nữa cô nhìn màn hình điện thoại. Vẫn chẳng có đèn đỏ nhấp nháy.
Mà sao cô không tự mình gọi nhỉ?
Sao cô không thử chấp nhận rủi ro tỏ ra mình yếu đuối trước mặt một người đàn ông? Trước kia cô đã từng thử, hồi đó cách đây lâu lắm rồi, và sau lần đó cô trở nên tả tơi, vô vị, trơ trụi như mặt đất sau cơn đại hỏa hoạn. Cô đã tự nhủ với lòng sẽ không bao giờ để mình rơi vào cảnh ấy nữa, song càng thêm tuổi cô càng hiểu ra rằng nếu như con người ta có thể dần dịu đi cảm giác ăn năn, song lại chẳng hề dễ dàng xóa đi sự nuối tiếc.
Trên màn hình nhỏ, cô cho danh bạ chạy rồi dừng lại ở một số điện thoại được lưu bằng cái tên bí ẩn là Him.
Cô run rẩy đặt ngón tay lên nút gọi, tự cho mình thêm vài giây suy nghĩ, rồi cùng với một cú thăng hoa của trái tim, quyết định sẽ dấn bước, song…
Một chiếc xe cấp cứu lao vội vào trong, dừng lại ngay trước hai cánh cửa tự động và nhả ra một chiếc cáng trên đó là một cô gái còn rất trẻ nằm bất động, gương mặt bị lấm lem bởi màu mascara.
Claire bước lại gần. Vì sao chẳng có ai ở đây để đón nhận cô bé bệnh nhân này?
Cô máy móc cúi xuống băng ca. Cô bé mặc một chiếc quần bò cạp trễ (quá trễ), một cái áo phông bó màu hồng (quá bó) trên đó có ghi dòng chữ rất khó hiểu: Chẳng phải nữ thánh chẳng động vào.
– Chúng ta có gì đây? cô hỏi một trong những nhân viên đi theo xe cấp cứu.
– Một cô bé mười bốn tuổi định tự vẫn bằng cách tiêm một hỗn hợp độc tố vào người: sút clorat, glyphosate và pentachlorophenol.
“Claire, em khỏe không?” một tiếng nói thì thầm xa xôi. Cô đưa mắt nhìn xuống điện thoại. Đó là giọng nói của anh, chỉ có thể là của anh. Cô ngập ngừng nửa giây rồi quyết định tắt điện thoại để tập trung chăm sóc bệnh nhân “của mình”.
Vụ thử tự sát khi mới mười bốn tuổi.
Đúng là tối nay, quá khứ đã cố tình quay trở về ám ảnh cô một cách lạ kỳ.