Ngày Hội Quả Bí
Chương 11
Poirot ngắm nhìn mặt tiền đồ sộ của trường “Elms” một lúc rồi mới bấm chuông. Một cô thư ký nhanh nhẹn dẫn khách vào phòng làm việc của bà hiệu trưởng.
Cô Emlyn đang ngồi sau bàn, vội vã đứng dậy tiếp khách.
– Rất vui được gặp ông, ông Poirot. Tôi đã nghe nói nhiều về ông.
– Rất hân hạnh.
– Tôi nghe nói về ông là do một bà bạn thân với tôi mà chắc ông còn nhớ, cô Bulstode, nguyên hiệu trưởng trường Meadowbank.
– Cô Bulstrode thì làm sao tôi quên được.
– Phải nhận là nhờ cô ấy mà trường Meadowbank mới có uy tín như ngày nay – cô Emlyn thở dài, nói tiếp: Các phương pháp giáo dục có xu hướng thay đổi, nhưng trường của cô vẫn giữ được ba nguyên tắc dẫn tới thành công: chất lượng, tiến bộ và truyền thống. Xin lỗi, mà ông đến đây chắc để hỏi về em Joyce Reynolds? Xưa nay hình như ông ít quan tâm những vụ án như thế này. Hay ông là người quen của gia đình nạn nhân?
– Không. Tôi đến là do yêu cầu của một người bạn, bà Oliver, bà ấy cũng có mặt trong buổi tối bi thảm đó.
– Truyện của bà Oliver rất hay, và tôi đã được gặp tác giả một đôi lần. Về vụ Joyce bị giết, rõ ràng đây là một tội ác tâm thần bệnh lý. Có phải vậy không, thưa ông?
– Không. Theo tôi, giống như nhiều vụ khác, vụ án này có lý do rõ rệt.
– Thật sao? Điều gì khiến ông nghĩ như vậy?
– Một câu nói của em Joycẹ Buổi chiều trước khi chết, em nói trước nhiều người là em đã từng trông thấy một vụ giết người.
– Họ có tin em không?
– Nói chung, không tin.
– Điều đó phải thôi. Nói thật lòng, Joyce là một học sinh rất kém, nhất là nói dối như cuội, tuy nhiên cũng không thuộc loại xảo quyệt, chỉ nói cho ra vẻ ta đây mà thôi. Và tất nhiên từ lâu không ai tin những lời nó ba hoa.
– Và cô cho rằng lần này cũng chỉ là ba hoa, vô căn cứ?
– Đúng thế, nhất là bà Oliver có mặt nên em tưởng tượng ra chuyện án mạng nhằm để bà chú ý.
– Trong trường hợp ấy, có lẽ ta phải bỏ giả thiết cho rằng vụ giết Joyce là có chủ định trước.
Suy nghĩ một lát, Poirot nói thêm:
– Liệu bà có chút nghi ngờ gì giúp ta hiểu biết hơn về tính cách của hung thủ?
– Tiếc rằng không, mặc dù tôi cho là mình hiểu rõ tất cả các em học sinh có mặt tối hôm đó ở nhà bà Drake.
– Tôi xin đề cập một chuyện khác liên quan đến một nữ giáo viên của bà bị bóp cổ chết cách đây hai năm rưỡi. Tên cô ấy là Janet White, nếu tôi nhớ không lầm.
– Cô ấy hai mươi bốn tuổi, tính tình dễ xúc động. Hình như thảm kịch xảy ra một tối cô ta đi dạo một mình, nhưng tôi cho là cô ta đã hẹn hò bí mật với một ai đó, vì cô ta rất hấp dẫn với một số bạn trai. Cảnh sát đã thẩm vấn nhiều người tình nghi, nhưng không tìm ra thủ phạm.
– Thưa cô Emlyn, tôi có nhận xét là cả hai chúng ta đều chung một nguyên tắc: không tán thành tội phạm.
Cô hiệu trưởng nhìn khách hồi lâu rồi mới nói:
– Chẳng lẽ ông sợ rằng tôi nghĩ khác?
Cô ngừng lời, đắm chìm vào suy tưởng, và Poirot tôn trọng sự yên lặng ấy. Đột nhiên cô Emlyn bấm vào nút chuông:
– Tôi nghĩ ông nên gặp cô Whittaker nữa thì tốt.
Cô Emlyn để Poirot ngồi lại một mình; lát sau một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi, tóc màu hung cắt ngắn, bước vào.
– Ông là Poirot? Cô Emlyn nói là tôi có thể giúp ông.
– Nếu cô Emlyn nghĩ thế, thì chắc là đúng. Tôi rất tin sự xét đoán của cô ấy.
– Ông quen cô hiệu trưởng của tôi lâu chưa?
– Mới vừa chiều nay.
– Vậy mà ông đã có ngay nhận xét?
– Tôi hy vọng cô sẽ khẳng định điều nhận xét ấy.
– Nếu tôi không lầm, ông đến vùng này nhằm điều tra về cái chết của em Joyce.
– Cô nói đúng. Ở cái làng nhỏ này chẳng giấu ai được điều gì… Vậy để khỏi mất thì giờ của cô, tôi xin đi thẳng vào vấn đề. Tối hôm đó, cô có mặt ở nhà bà Drake?
– Phải, nay nghĩ lại vẫn thấy kinh hoàng, không sao tin được. Tôi có mặt từ chiều. Nhiều em học sinh của tôi tham dự, tôi đến để giúp bà Drake một tay.
– Buổi liên hoan diễn ra bình thường?
– Vâng, trước khi xảy ra chuyện khủng khiếp đó, nào có ai ngờ. Mọi việc suôn sẻ, ai cũng nghĩ là thành công. Bà Drake là người có tài tổ chức, việc gì cũng chuẩn bị chu đáo, luôn bình tĩnh, chủ động. Do thường chủ trì nhiều hoạt động xã hội ở địa phương, bà có nhiều kinh nghiệm…
– Vậy mà lần này…
– Nhưng đâu có phải lỗi bà ấy, phải không ông? Ai mà biết được chuyện gì xảy ra ngoài tầm với của mình. Khi phát hiện em Joyce bị nạn, trông bà thật tội nghiệp. Mìng không gây ra, nhưng việc xảy ra trong nhà mình, ở buổi lễ do mình tổ chức, dù sao cũng mang tiếng…
– Phải, lúc đó ai mà chẳng bối rối, nhất là người chủ trì. Nhưng hôm trước, cô nhận thấy ở bà có biểu hiện gì không?
– Biểu hiện gì cơ?
– Tôi cũng không biết. Cần hỏi thì tôi cứ hỏi, xin cô thứ lỗi nếu cho là tôi vặn vẹo. Tôi cứ phải đi đến kỳ cùng, lật đi lật lại từng sự việc, từng thái độ…
Cô Whittaker gật gù tỏ vẻ thông cảm, suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói tiếp:
– Ông đã hỏi thế, buộc tôi phải cố nhớ lại. Xem nào…
– Cô thử nhớ xem, đừng bỏ qua chi tiết nào, dù nhỏ.
– Ông hỏi thì tôi nói, chứ tôi nghĩ việc này chẳng có ý nghĩa. Có, có một lúc tôi hơi thấy làm lạ…
Poirot háo hức, chăm chú như mèo sắp vồ mồi:
– Vâng, là cái gì, cô cứ nói…
– Việc bình thường thôi, nhưng như tôi đã nói, xưa nay bà Drake rất bình tĩnh, tự chủ, làm gì cũng đàng hoàng, từ tốn, thế mà hôm ấy chả biết lúng túng thế nào, đánh rơi vỡ tan bình hoa quý đang cầm. Bình sẵn nước, nước đổ, ướt hết cả vạt áo trước.
– Ả… Poirot không kìm được tiếng kêu vừa như ngạc nhiên, vừa như vui sướng.
– Lúc đó gần mãn cuộc. Tôi ở phòng ăn đi ra – mọi người còn đang chơi trò Snapdragon – thì gặp bà Drake từ lưng chừng cầu thang đi xuống. Và thế là sự việc xảy ra. Thấy bà thoáng nhìn vào phía trong, mặt nhớn nhác, cứ như là chợt thấy cái gì bất thường, nên giật mình đánh rơi lọ hoa.
– Bản thân cô, cô có nhìn theo hướng nhìn của bà ấy không?
– Không. Mọi việc xảy ra quá nhanh.
– Và cô chắc chắn là bà Drake đã nhìn thấy điều gì đó khiến bà phải giật mình?
– Phải. Một cánh cửa chợt mở, hoặc một người nào đó xuất hiện bất ngờ. Chuyện nhỏ thôi, nhưng đủ làm bà phân tâm trong chốc lát và đánh rơi lọ hoa đang cầm.
– Cô cũng không có cảm giác là có ai xuất hiện ở sau lưng?
– Không, nhưng có thể khi bắt gặp bà Drake và tôi, kẻ lạ mặt vội vàng rút ngay vào phòng sách? Dù sao thì bà Drake cũng kêu lên một tiếng bực mình khi để rơi lọ, và cả hai chúng tôi đều xúm vào để nhặt các mảnh vỡ. Bà kêu: “Cô xem đây. Thật tai hại!” rồi chúng tôi vun các mảnh vụn vào một góc, để sau này dọn một thể, vì bọn trẻ đã bắt đầu từ phòng ăn đi ra sau khi kết thúc trò Snapdragon.
– Bà Drake không nói gì, không nói tại sao xúc động đến mức để rơi chiếc lọ trong tay?
– Không, bà không nói gì hết.
– Nhưng rõ ràng cô trông thấy bà ấy giật mình?
– Chả nhẽ ông cho rằng tôi làm to chuyện vì một cái lọ vỡ chăng?
– Không phải thế – Vẻ suy nghĩ, Poirot nói rõ hơn: Tôi mới có dịp gặp bà Drake một lần, khi tôi cùng với bà bạn Oliver đến xem cái gọi là “hiện trường vụ án”. Thoáng qua lần gặp ấy, tôi không có cảm tưởng bà ấy là người dễ xúc động.
– Ông nói đúng, và vì vậy tôi cũng ngạc nhiên thấy bà ấy lớ ngớ như vậy.
– Cô không hỏi bà về chuyện đó?
– Chẳng có lý do gì mà hỏi. Bà chủ nhà lỡ tay đánh vỡ chiếc lọ pha lê đẹp nhất, mình là khách, không lý lại đi hỏi: “Bà làm sao vậy?”, như thế khác nào trách người ta là vụng về.
Poirot gật đầu, và cô Whittaker nói tiếp:
– Sau chuyện đó, buổi liên hoan kết thúc. Bọn trẻ cùng các bà mẹ ra về, nhưng gọi mãi không thấy Joyce đâu. Bây giờ thì ta biết cháu đã chết phía sau cánh cửa phòng sách, và ta phải cố tìm xem kẻ nào một lát trước đó đã chờ lúc phòng ngoài đông người để lẻn ra không ai biết.
– Tôi đoán là, chỉ sau khi phát hiện ra xác của Joyce thì cô mới nghĩ đến câu chuyện xảy ra ở cầu thang?
– Đúng vậy.
Cô Whittaker đứng lên, kết luận:
– Tôi không còn gì hơn để nói với ông. Những gì tôi vừa kể chẳng biết có giúp gì cho cuộc điều tra.
– Cô vừa kể một sự việc khá bất ngờ… mà cái gì chệch khỏi cái bình thường có thể có ý nghĩa quan trọng. Nếu không làm phiền, tôi muốn hỏi cô một câu… hoặc hai câu nữa.
Cô Whittaker lại ngồi xuống.
– Tôi xin nghe.
– Cô có thể nói lại thứ tự các trò chơi tối hôm đó?
– Đầu tiên là thi chổi trang trí đẹp, rồi đuổi bóng và nhảy cừu, hai trò này cốt để bọn trẻ chạy nhảy cho đã. Sau thì bọn con gái vào trong một phòng nhỏ chơi trò soi gương thần.
– Trò này chuẩn bị như thế nào?
– Rất đơn giản. Vòm cửa trên để mở, lần lượt bọn con trai nhòm qua đấy để bộ mặt mình phản vào tấm gương mà mỗi đứa con gái thay nhau cầm.
– Nhìn vào gương, họ có nhận ra bạn trai là ai không?
– Hầu hết là nhận ra, mặc dù các bộ mặt được hóa trang sơ sài như râu giả, mũi giả v.v… Tiếp đó, chuyển sang thi chạy vượt các vật cản. Rồi đến vài điệu nhảy trước giờ ăn bánh.
Để kết thúc, tất cả mọi người họp mặt để ngắm nhìn mâm nho rực lửa.
– Cô có nhớ nhìn thấy Joyce cuối cùng vào lúc nào?
– Tôi không nhớ rõ, Joyce không phải học sinh lớp tôi, nên không để ý lắm, tuy nhiên tôi nhớ có thấy em cắt bánh – à tôi còn quên trò chơi này – em cắt vụng đến nỗi bị loại ngaỵ Lúc đó còn khá sớm.
– Cô có thấy em đi theo ai vào trong phòng sách?
Cô Whittaker tỏ vẻ không bằng lòng, nói:
– Tất nhiên là không, nếu không tôi đã kể với ông từ đầu.
– Ta sang vấn đề khác vậy. Cô gắn bó với trường này được bao lâu?
– Đến mùa thu sau thì được sáu năm.
– Và cô dạy môn gì?
– Toán và tiếng la tinh.
– Cô còn nhớ cô Janet White cũng ở trường ta cách đây gần ba năm?
Cô Whittaker có một cử chỉ phản ứng:
– Ồ, thưa ông, chuyện đó có dính gì đến việc bây giờ!
– Ai dám khẳng định điều ấy?
– Xin lỗi, tôi không hiểu.
Poirot thầm nghĩ trong bụng: Giáo giới không thạo tin bằng các bà ngồi lê mách lẻo trong làng.
– Joyce cam đoan trước mặt mọi người rằng em đã chứng kiến một hành vi tội phạm cách đây vài năm. Cô có nghĩ là em đó muốn nói về việc cô White?
– Janet bị bóp cổ chết trong khi từ trường về nhà.
– Lúc đó cô ta đi một mình?
– Có thể là không.
– Cô Ambrose không đi cùng ư?
– Tại sao lại là cô Ambrose?
– Tôi rất muốn hỏi chuyện cô ấy. Hai cô ấy là người thế nào?
Cô Whittaker sẵng giọng:
– Hai cô bé phóng túng. Làm sao Joyce biết được? Vụ án mạng xảy ra trên con đường hẻo lánh gần rừng Quarry Wood, mà hồi ấy Joyce chỉ độ lên mười.
– Trong hai cô đó, cô nào có người yêu?
– Chuyện cũ qua rồi.
– Tội lỗi cũ, hậu quả lớn. Cô Nora Ambrose hiện ở đâu?
– Cô ta rời đây đi nhận việc mới ở miền bắc. Janet và Nora rất thân nhau, chuyện xảy ra tất nhiên gây sốc lớn cho Nora.
– Hình như Cảnh sát đành chịu, không giải quyết gì?
Cô Whittaker lắc đầu rồi đứng lên, nhìn đồng hồ:
– Xin lỗi, đến giờ tôi phải về lớp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.