Ngày Hội Quả Bí

Chương 12



Hercule Poirot ngước nhìn mặt của nhà “Quarry House”, công trình tiêu biểu cho lối kiến trúc nặng nề của thời đại Victoria. Ông dễ dàng đoán ra những gì có bên trong bốn bức tường dày: những chiếc tủ to màu gụ, gắn với những bàn dài và nặng, một phòng chơi bi-a, một ngăn bếp lộng lẫy, sàn lát bóng lộn và những lò sưởi sâu hoắm nhưng bây giờ chắc đã được lắp đặt hệ thống sưởi bằng điện hoặc bằng khí đốt.

Trên tầng gác, các cửa sổ đều kéo rèm che kín.

Sau tiếng chuông của khách, một bà già gầy guộc chạy ra, thông báo rằng ông bà đại tá Wood và được biết mọi người đều có thể được tự do vào dạo chơi, không mất tiền. Cửa vào có biển đề, từ đây đi bộ năm phút là tới.

Nhà thám tử dễ dàng tìm thấy đường đã chỉ dẫn, và bước chân vào một lối đi thoai thoải xuống dốc, hai bên um tùm cây lá.

Chẳng bao lâu ông dừng lại, tâm trí sáo trộn bởi nhiều ý nghĩ mơ hồ. Đầu óc ông không chỉ tập trung vào cảnh quan xung quanh, mà vào nhiều nhận xét, nhiều chi tiết, buộc phải suy nghĩ cật lực, như ông thường nói. Một bản di chúc giả mạo… và một cô gái, chính các cô gái được lợi vì bản di chúc giả mạo. Một nghệ sĩ từ xa đến để biến đổi cái mỏ hang thàng một khu vườn đẹp như mơ… Poirot ngắm nhìn toàn cảnh bằng con mắt thám phục, gật gù vẻ hài lòng. Phong cảnh trước mắt ông không còn dấu tích gì của một bãi hoang xấu xí. Cái nhìn thấy lúc này chợt làm ông nhớ tới một quang cảnh khác. Ông biết là bà Llewllyn – Smythe đã đi Airơlen và bản thân ông đã từng ở đó vài năm trước, nhân khi điều tra một vụ án. Nhiệm vụ hoàn thành, ông đã tự cho phép thư giãn, thăm thú nơi đó vài ngày.

Poirot không còn nhớ rõ khu vườn ông đã tới thăm là ở chỗ nào, chỉ mang máng nhớ nó ở gần vịnh Bantrỵ Khu vườn ấy khắc sâu vào ký ức ông vì nó không giống chút nào với kiểu bố trí theo lối cổ điển mà ông vẫn thích xưa nay, những khu vườn ở Pháp như ở Versailles… Hôm ấy ông cùng một nhóm khách du lịch lên thuyền đi tới một đảo nhỏ, rất bình thường, khiến ông lúc đầu đã chán và hối tiếc vì đã trót tham gia chuyến đi. Đôi giầy da ông đi bị sũng nước, gió lạnh lại lùa vào chiếc áo tơi mưa rất khó chịu. Ở hòn đảo khô khốc sỏi đá này thì có gì mà xem. Thuyền cập bến, mọi người ùa lên vui vẻ, còn Poirot thì chán ngán theo sau, càng đi càng thất vọng.

Thế rồi, đột nhiên cây cối thưa dần nhường chỗ cho một khoảng đất trống từ đó nhìn xuống thấy một quang cảnh như mợ Cứ như là các vị thần cổ xưa mà các thi sĩ Airơlen vẫn xưng tụng, bỗng từ trong núi hiện ra, dùng phép tiên tạo ra khu vườn mê hồn này. Cây cối, hoa lá, vòi nước róc rách, khách tham quan không thể không say đắm. Poirot đoán bà Llewllyn – Smythe hẳng cũng bị hút hồn vì khu vườn này, nên cũng muốn có một cảnh tương tự Ở nơi mình ở, và đã chọn cái công trường đã bỏ hoang để tạo dựng.

Và bà đã đi tìm người nghệ sĩ có khả năng thực hiện giấc mơ đó của mình. Michael Garfield chính là người nhận làm công trình đó, tất nhiên với món tiền bồi dưỡng không nhỏ. Poirot đảo mắt nhìn khắp chung quanh: quả là nhà chuyên gia phong cảnh đã không phụ lòng người đặt hàng.

Nhà thám tử đến ngồi ở một chiếc ghế đá, lòng suy nghĩ, tự hỏi không biết những chủ nhân hiện tại của Quarry House là người thế nào. Ông biết đó là vợ chồng một đại tá hưu trí, nhưng Spencer chưa kể gì về họ. Ông có cảm tưởng họ không gắn bó với dinh cơ này lắm, như bà Llewllyn – Smythe từng gắn bó.

Poirot đứng dậy, thong thả bước theo lối đi. Mặt đất được nện bằng, nên dù liên tục phải lên dốc rồi xuống dốc, người nhiều tuổi vẫn đi lại dễ dàng, không sợ mệt. Từng quãng một lại có những ghế kiểu dân dã để bất cứ lúc nào cũng có thể ngồi nghỉ ngắm nhìn phong cảnh. Ông nghĩ bụng: nếu Michael Garfield vẫn còn ở ngôi nhà gỗ nhỏ dành riêng cho anh ta ở đấy, mình rất mong sẽ được gặp…

Đang nghĩ vậy thì ông nhận ra từ xa xa, thấp thoáng dưới những vòng lá um tùm, có bóng người. Trong khi Poirot đi tới thì người đó cũng từ rặng cây đi ra. Một chàng trai đẹp lạ lùng, tuy nhiên nhìn gần thì anh ta không hẳn trẻ: quãng từ ba mươi đến bốn mươi.

Poirot lên tiếng trước:

– Xin lỗi nếu tôi đã xâm phạm đến lãnh địa tư nhân. Tôi không phải người vùng này, mới chỉ tới ngày hôm qua.

– Ông khỏi phải xin lỗi – Giọng nói trong trẻo, nhưng thái độ lịch sự che giấu một sự hờ hững – Dù đây là đất tư, thiên hạ vẫn tự do vào chơi. Ông và bà đại tá không lấy làm phiền, miễn là khách đừng phá phách. Vả lại, chẳng ai nỡ làm vậy.

– Phải, tôi cũng không công nhận thấy dấu hiệu gì như thế. Không có giấy vương vãi, cũng chẳng cần thùng rác. Cũng hơi lạ, phải không? Nơi đây vắng vẻ, cứ tưởng phải gặp nhiều cặp tình nhân.

– Tình nhân, họ không dạo chơi ở đây. Nghe nói vườn này có ma.

– Tôi không tin! Ồ! Xin lỗi, tôi là Hercule Poirot.

– Tôi, Michael Garfield.

– Đúng như tôi đoán! Anh là tác giả tạo nên sự kỳ diệu này?

– Vâng.

– Tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên khi thấy hòn ngọc mê hồn này được đặt giữa một cảnh quan, xin nói thật, quá nhạt nhẽo. Xin chúc mừng. Thành công này hẳn phải làm anh hài lòng?

– Có bao giờ con người có thể hoàn toàn hài lòng?

– Anh đã tạo dựng khu vườn này cho bà Llewellyn – Smythe thì phải? Và người ta nói là sau khi bà ấy chết, thì ông đại tá Weston và vợ đến ở. Họ là những người chủ mới?

– Đúng vậy. Họ đã mua cả cơ ngơi với giá rất rẻ. Nhà thì to đấy, hơi xấu nhưng khó bảo trì. Thời này ít ai muốn ôm lấy những nhà như trại lính ấy. Bà Llewellyn – Smythe đã để lại cho tôi theo di chúc.

– Và anh đã bán nó đi?

– Phải.

– Nhưng không bán vườn?

– Bán cả vườn là đằng khác.

– Sao vậy? Xin lỗi về sự tò mò.

– Ông hỏi những câu hơi khác với người khác hay hỏi.

– Tôi hỏi không phải là để biết sự việc, mà để hiểu các lý dọ Ví dụ, tại sao A hành động thế này mà không thế khác? Tại sao B có thái độ ngược lại? Và vì lý do gì C lại xử sự hoàn toàn không giống A và B?

– Thế thì ông phải hỏi một nhà sinh học. Hình như đó là vấn đề tiến hóa hoặc nhiễm sắc thể gì đó.

– Anh vừa nói anh không hoàn toàn hài lòng vì không bao giờ có thể đạt điều đó. Thế còn bà khách của ông, là người đặt hàng, bà ấy có hài lòng không?

– Có, tới một chừng mực nhất định.

– Dù sao, anh đã sáng tạo ở đây một cái gì rất đẹp, kết hợp khoa học với trí tưởng tượng phong phú. Một lần nữa, xin chúc mừng. Hãy nhận lấy sự khâm phục của một cụ già sắp đến tuổi chấm dứt lao động của mình.

– Nhưng hiện nay, lúc này, vẫn đang lao động?

– Vậy ra anh biết tôi là ai?

Rõ ràng Poirot tỏ ra phởn phợ Ông ưa được mọi người nhận ra mình.

– Ông đang dò theo con đường đẫm máu… Ở một cái làng nhỏ như nơi đây, tin tức lan nhanh. Người đã đưa ông đến đây cũng là một nhân vật nổi tiếng, quen thuộc.

– Anh muốn nói bà Oliver?

– Ariadne Oliver. Tác giả của những sách bán rất chạy. Phóng viên báo chí luôn bám lấy bà ta, phỏng vấn đủ thứ: về tình hình sinh viên nổi loạn, về chủ nghĩa xã hội, về thời trang của các cô gái hiện đại, về quan hệ giữa những cặp trai gái sống chung không hôn thú, tóm lại đủ các thứ chẳng liên quan gì đến tác giả.

– Đúnh như ông nói. Và theo tôi, trò ấy thật đáng buồn. Tuy nhiên tôi nhận thấy họ cũng chẳng biết thêm gì về bà ta, ngoài cái thú ăn táo. Mà chi tiết ấy, công chúng đã biết từ hai chục năm nay và bà ấy cũng thản nhiên công bố như thế. Song tôi e rằng từ nay bà ấy sẽ không thích ăn táo nữa.

– Cũng vì chuyện táo mà ông tới đây, có phải không?

– Phải. Những quả táo trong lễ hội quả bí. Hôm ấy, anh có mặt không?

– Không.

– Thế là may.

– May? – Michael Garfield lặp lại, vẻ ngạc nhiên.

– Có mặt trong một buổi tối xảy ra án mạng chẳng có gì thú vị. Người ta sẽ lục vấn anh đủ điều, anh làm gì, anh ở đâu, và trăm câu hỏi tọc mạch khác. Anh có biết em gái đó không?

– Biết. Ở xứ này ai chả biết gia đình Reynolds. Mà tôi thì quan hệ tốt với tất cả dân làng.

– Em Joyce đó thế nào?

– Chả có gì đáng để ý. Giọng nói the thé, khó chịu. Quả thật, về em, tôi chỉ nhớ có thế. Tôi không ưa trẻ con, chúng hay quấy rầy, Joyce cũng vậy. Hễ nói là toàn nói về mình.

– Theo tôi, những người bình thường, chẳng có gì đáng để ý, hiếm khi có nguy cơ bị giết. Hung thủ giết người vì tình, vì thù hằn hoặc vì sợ hãi. Tùy theo từng trường hợp, song tất cả phải có một khởi điểm… – Liếc nhìn đồng hồ, ông nói: Xin lỗi, tôi phải đi đây, vì có hẹn. Một lần nữa xin chúc mừng.

Michael Garfield không phải là người duy nhất Poirot gặp trong vườn. Khi đi tới đầu đường có lối rẽ ra làm ba ngã, ông trông thấy một cô bé ngồi trên một thân cây đổ. Ông tới gần, cô bé đứng lên:

– Chắc hẳn bác là Hercule Poirot?

Giọng nói lanh lảnh rất hợp với vóc người nhỏ bé, mảnh mai. Có cái gì trong cô hòa nhập với khu vườn mê ly, gợi lên ý tưởng như nữ thần rừng xuất hiện.

– Chính tôi đây.

– Cháu đi đón bác đây. Bác về dùng trà ở nhà cháu chứ ạ?

– Cùng với bà Butler và bà Oliver? Đúng vậy.

– Má và dì Ariadne (#1) – Cô nói thêm, giọng trách móc: Bác đến trễ đấy.

– Bác rất tiếc. Bác mải nói chuyện với một người.

– Cháu nhìn thấy rồi. Chú Michael, phải không ạ?

– Cháu biết chú ấy?

– Biết chứ. Nhà cháu ở đây lâu, biết tất cả mọi người. Poirot tò mò, hỏi cháu bao nhiêu tuổi.

– Mười hai tuổi, và sang năm, cháu sẽ vào học ký túc.

– Cháu có thích không?

– Bao giờ đến nơi mới biết. Nhưng bây giờ bác phải về nhà đã.

– Phải, phải. Xin lỗi vì lại đến trễ. Cháu tên gì?

– Miranda.

– Theo bác, tên ấy rất hợp với cháu.

– Giống nhân vật của Shakespeare?

– Đúng. Ở trường cháu đã học Shakespeare?

– Cô Emlyn thỉnh thoảng có đọc vài đoạn kịch của ông.

Lúc đi vào trục đường trung tâm, cô bé nói:

– Chúng ta không còn đi bao xa nữa, đã tới cuối vườn rồi.

Ngoái nhìn lại phía sau, em hất hàm hướng về giữa vườn:

– Chỗ kia là cái đài phun nước.

– Đài phun nước nào?

– Ồ! Cũ lắm rồi! Chắc nó đã có từ lâu, giờ vỡ hết. Không ai nghĩ đến việc xây lại.

– Thật đáng tiếc.

– Bác có thích cái đài phun nước?

– Cái đó còn tùy.

Câu này, Poirot nói bằng tiếng Pháp. Cô bé đáp luôn:

– Cháu biết chút ít tiếng Pháp, nên hiểu.

– Có vẻ cháu học khá.

– Mọi người đều bảo cô Emlyn là giáo viên giỏi. Cô là hiệu trưởng, đôi khi tỏ ra quá nghiêm khắc, nhưng dạy thì rất tốt.

– Cháu có hay vào đây chơi.

– Rất thích. Bác biết không, khi ở đây thì mọi người không biết cháu đi đâu mà tìm. Cháu trèo lên cây, ngồi trên cành từ đó ngắm nhìn nhiều thứ. Cháu thích quan sát mọi vật xung quanh.

– Những gì, chẳng hạn?

– Chim chóc, và những con sóc.

– Còn con người?

– Thỉnh thoảng. Vì ít người qua lại.

– Bác không hiểu tại sao.

– Có lẽ người ta sợ.

– Lý do gì mà sợ?

– Vì đã lâu rồi, có người bị giết ở cái góc kia. Là cháu nói, lúc đó chưa xây dựng khu vườn này. Người ta tìm thấy xác bị vùi dưới một đống đá sỏi.

Miranda đều giọng, nói tiếp:

– Gần đây bạn Joyce lại bị dìm xuống nước chết ngạt. Má không muốn nói cho cháu biết, thật vô lý, có phải không bác? Cháu dù sao cũng mười hai tuổi rồi.

– Joyce có là bạn của cháu không?

– Có. Bạn ấy đôi khi kể những chuyện rất lạvề những ông vua Aán Độ, về những đàn voi. Bạn ấy đã có dịp du lịch Aán Độ. Cháu cũng muốn đi. Cháu và Joyce có chuyện gì đều kể cho nhau. Nhưng bản thân cháu thì có ít chuyện, không nhiều bằng má. Bác có biết rằng má đã đi Hy Lạp. Chính trong chuyến đi ấy má đã làm quen với dì Ariadne Oliver.

– Bà Perring, người nấu bếp của nhà cháu. Bà ấy kể chuyện đó với bà Mindens, người giúp việc, cháu nghe được. Ai đó đã dìm đầu bạn ấy vào xô nước, có phải không?

– Các bà ấy có nghi ngờ cho ai không?

– Cháu không biết. Chắc họ chẳng nghĩ được ra ai đâu.

– Còn cháu, Miranda, cháu biết không?

– Tối đó cháu không có mặt. Cháu bị viêm họng và hơi sốt. Má không cho đi. Ta sắp đi vào vùng cây rậm, bác cẩn thận, không vướng áo.

Poirot nghe theo, nhưng lối đi hẹp chỉ vừa với em bé hơn là người lớn. Cô dẫn đường tí hon tỏ ra rất ân cần, chỉ cho Poirot tránh những chỗ có gai, gạt vài cành lòa xòa để ông đi dễ dàng. Họ đi tới cuối vườn, men theo một lối hẹp quanh một vườn rau sơ sài, cuối cùng ra một bãi trống trồng hồng, dẫn tới một nhà gỗ.

Miranda đi trước, bước lên bậc thềm, dừng lại trước cửa, dõng dạc báo tin với vẻ kiêu hãnh của người chuyên sưu tầm mới tìm được vật quý:

– Con đã tìm thấy bác ấy rồi!

Mẹ cô bé kêu:

– Miranda! Con lại bác đi lối tắt ư? Đáng lẽ phải đi vòng theo đường chính!

Oliver tiến tới, nói:

– Tôi không nhớ đã giới thiệu ông với bà Butler, bạn tôi, chưa nhỉ?

– Đã. Ở trạm bưu điện.

Họ đã gặp nhau thoáng qua lúc tất cả đều đang đứng chờ trước một quầy hàng. Bây giờ Poirot mới quan sát bà bạn của Oliver kỹ hơn. Judith Butler năm nay khoảng ba mươi năm tuổi, và nếu đứa con gái giống như một nữ thần rừng nhỏ, thì bà mẹ yểu điệu như một thủy thần.

– Thưa ông Poirot, tôi rất vui vì có dịp được cảm ơn ông cho phải phép. Ông thật tốt đã nhận lời mời của Ariadne mà đến Woodleigh Common.

– Một khi cô Oliver đã yêu cầu, thì tôi chỉ còn biết nghe theo.

– Nói khéo chưa! – Người vừa được nhắc đến kêu lên.

– Bà ấy tin chắc ông có thể giải quyết cái vụ đáng buồn này. Miranda con, xuống bếp trông hộ mẹ nồi canh.

Trước khi nghe lời mẹ, Miranda mỉm nụ cười ranh mãnh như muốn nói: “Mẹ lại muốn con ra ngoài để mẹ nói chuyện riêng, phải không?”

Đợi con đi khỏi, bà Butler nói tiếp:

– Tôi cố hết sức để cháu khỏi biết chi tiết về… về cái vụ khủng khiếp ấy, nhưng sợ chẳng giấu được mãi.

– Vâng, thưa bà, ở cái làng nhỏ thì tin tức lan nhanh, nhất là tin về một thảm kịch như nó vừa xảy ra. Và dù sao thì không thể tiến lên trên đường đời mà không mở to mắt nhìn sự vật quanh mình. Trẻ con lại thường nhạy cảm, sớm làm việc ấy.

Oliver nói chen:

– Tôi không nhớ Burns hay Walter Scott đã viết: “Trong ta luôn có một đứa trẻ đang ghi chép.”

Bà Butler tiếp:

– Hình như Joyce Reynolds đã nhận ra điều gì liên quan đến một vụ án mạng. Nhưng thật khó tin lời nó nói.

– Khó tin cái gì?

– Khó tin là nếu nó chứng kiến thật, sao để lâu thế mới nói. Điều này không khớp chút nào với tính cách của nó.

– Điều mà mọi người có vẻ hoàn toàn thống nhất, ấy là Joyce là một con bé nói dối đã thành cố tật.

Judith Butler thử đưa một ý kiến:

– Tôi hình dung có thể một đứa trẻ bịa ra một chuyện, nhưng rồi sau đó lại thành sự thật?

– Thưa bà, ta không nên lạc hướng, hãy xuất phát từ vụ ám hại em Joyce.

– Tôi chắc là ông phải tiến được khá rồi – Oliver nói. Có thể là ông đã ấp ủ lời giải của toàn bộ vụ án rồi.

– Oái, xin chớ đòi hỏi tôi quá sức. Cô vội vã quá.

– Sao lại không? Thời nay nếu không mau chân thì chẳng đạt được cái gì.

Lúc này Miranda đã trở vào, tay cầm đĩa bánh.

– Má ơi, con để lên bàn nhé? Mọi người nói chuyện xong chưa? Hay con lại phải vào bếp?

Giọng em cười cợt. Bà Butler cầm ấm trà bằng bạc, cho trà và nước sôi, rồi rót trà ra, trong khi Miranda chăm chú bày bánh. Bà Butler nói:

– Tôi và Ariadne quen nhau ở Hy Lạp.

Ariadne Oliver nói tiếp lời:

– Khi ở đảo về, thuỷ thủ giục tôi “nhảy đi”, đúng lúc thuyền dềnh lên vì một đợt sóng,thế là tôi ngã xuống nước. Judith giúp kéo tôi lên và thế là chúng tôi thân nhau. Phải thế không, Judith?

– Đúng. Với lại tôi rất thích cái tên Ariadne của chị. Chẳng hiểu tại sao, tôi thấy tên đó rất thích hợp với người.

– Hình như đó là một cái tên Hy Lạp. Đó là tên thánh của tôi, chứ không phải tôi nghĩ ra để ký bút danh. Nhưng chỉ thế thôi, nó không dính dáng gì đến nội dung trong truyền thuyết. Chẳng hạn, tôi không hề bị người yêu bỏ rơi trên đảo!

Poirot kín đáo đưa bàn tay lên râu mép để giấu nụ cười ông không thể kềm chế khi hình dung Oliver là cô trinh nữ bị ruồng bỏ.

– Cuộc đời mỗi người đều cứ phải phù hợp với số mệnh của tên mình – bà Butler nói.

– Phải, và tôi không thể tưởng tượng chị lại chặt đầu người yêu, như trong truyện Judith và Holopherne.

Mirada nhỏ nhẹ, từ tốn góp chuyện:

– Nếu cháu phải giết ai, cháu sẽ làm một cách rất êm dịu. Khó đấy, nhưng cháu không muốn làm đau người khác. Cháu sẽ dùng thuốc mê, và người đó sẽ thiếp đi trong những giấc mơ đẹp, không bao giờ tỉnh nữa – Cẩn thận xếp tách lên khay, em đề nghị: Má ơi, con đem những cái này đi rửa, và má nên dẫn ông Poirot đi xem vườn. Hãy còn vài bông hồng “Hoàng hậu” đấy má ạ.

Em đi khỏi, Oliver nhận xét:

– Miranda là một đứa bé đặc biệt.

– Bà có một đứa con gái rất xinh – Poirot phụ hoạ.

– Vâng, ngày nó một xinh ra. Mìng chẳng biết trẻ con khi nó lớn lên sẽ ra sao, vì nhiều thứ sẽ còn thay đổi khi trưởng thành. Nhưng hiện này, trông nó cứ như nữ thần rừng nhỏ.

– Cho nên cháu mê cái khu vườn bên cạnh cũng không lạ.

– Đôi lúc, tôi cứ muốn cháu đừng ham mê như thế. Cứ nghĩ nó vào cái khu hẻo lánh ấy, dù không xa làng bao nhiêu, sẽ gặp những chuyện gì, tôi lại sốt cả ruột. Vì thế nhất định ông phảo khám phá xem tại sao Joyce lại chết thảm thê đến thế. Chừng nào chưa tóm được thủ phạm, chúng tôi còn chưa yên tâm, nhất là với lũ trẻ. Chị Ariadne, nhờ chị dẫn ông Poirot đi xem vườn. Tôi sẽ ra ngay.

Trong khi chủ nhà vào bếp dọn dẹp, Oliver kéo Poirot ra ngoài. Mảnh vườn nhỏ vào mùa thu này giống như mọi cái vườn khác. Còn lại vài đóa cúc tây và một số bông hồng đỏ thắm. Oliver tiến về một ghế đá, ngồi phịch xuống và mời Poirot cùng làm như mình.

– Bà Judith nhận xét Miranda giống như một nữ thần rừng. Còn Judith, ông nghĩ thế nào? – Oliver hỏi.

– Tôi thấy bà ấy phải có tên là Ondine (#2).

– Ý kiến của ông về chị ấy kia?

– Tôi chưa có thời gian để hiểu rõ tính cách của bà ấy. Chỉ thấy một điều là bà có vẻ boăn khoăn chuyện gì.

– Ông lạ lắm sao?

– Điều tôi muốn, là cô, cô nói xem cô biết gì, nghĩ gì về bà ấy.

– Vâng, tôi đã có dịp hiểu rõ đôi chút trong chuyến cùng du lịch.

– Trước đó, cô không quen bà ấy?

– Không. Chị ấy góa chồng. Chồng là phi công, chết vì tai nạn cách đây nhiều năm. Có cảm giác là ông chồng không để lại gì nhiều, cái chết đột ngột khiến đời sống của chị đảo lộn, gặp khó khăn và chị ta không thích nhắc đến.

– Miranda là con gái duy nhất?

– Phải. Judith làm thư ký nửa ngày ở vùng bên. Không có công việc cố định.

– Cô đã gặp chủ sở hữu ngôi nhà Quarry House?

– Vợ chồng ông đại tá Weston ư?

– Không, chủ trước kia cơ, bà Llewellyn – Smythe.

– Hình như tôi có nghe ai nói tên đó, nhưng bà ta đã chết cách đây hai, ba năm. Người sống chưa đủ với ông sao?

– Không. Tôi phải tìm hiểu cả những người đã chết hoặc mất tích.

– Ai mất tích?

– Một cô gái đi ở.

– Trời đất! Cái bọn gái đi ở luôn có cái tật mất tích! Các bạn tôi kể nhiều chuyện về bọn này, ông không thể tin.

– Không, cái cô mà tôi nói không thể bị giết. Ngược lại.

– Ông định nói gì cở Chẳng có ý nghĩa gì.

– Có thể. Dù sao…

Poirot giở sổ, viết nguệch ngoạc vài chữ lên trang giấy đã kín.

– Ông viết gì vậy?

– Ghi vài việc đã xảy ra trong quá khứ.

– Ông có vẻ rất quan tâm đến quá khứ?

– Qúa khứ là cha đẻ hiện tại – Ông chìa cuốn sổ, nói: Cô có muốn biết tôi ghi gì không?

– Tất nhiên!

Poirot mở một trang bên trên đã ghi:

Chết, ví dụ: bà Llewellyn – Smythe (rất giàu), Janet Whiet (giáo viên), nhân viên công chứng (bị đâm). Đã từng bị truy tố vì giả mạo giấy tờ.

Phía dưới, ghi:

“ Cô gái đi ở biến mất”.

– Tại sao cô ấy biến?

– Vì cô ta sắp gặp rắc rối với luật pháp.

Dưới nữa, Poirot chỉ vào từ “Giả mạo”, tiếp theo là hai dấu chấm hỏi.

– Giả mạo? Tại sao?

– Thì tôi cũng đang tự hỏi. Tại sao?

– Giả mạo cái gì?

– Một di chúc, đúng hơn là một bản bổ sung di chúc, có lợi cho cô gái đi ở.

– Mưu toan chiếm đoạt? – Oliver hỏi.

– Giả mạo giấy tờ, nghiêm trọng hơn nhiều so với ý đồ chiếm đoạt.

– Tôi vẫn chưa hiểu điều này liên quan gì đến việc Joyce bị giết?

– Tôi cũng chưa hiểu. Nhưng cần chú ý.

– Còn chữ tiếp theo là gì vậy? Khó đọc quá.

– Voi.

– Voi?

– Cái này có thể có tầm quan trọng của nó.

Poirot đứng lên:

– Bây giờ tôi phải đi. Xin lỗi hộ bà chủ nhà vì tôi không trực tiếp chào từ biệt. Tôi rất vui được biết bà và cô con gái xinh đẹp của bà. Nói với bà ấy hãy trông cháu cẩn thận.

– Chào ông. Ông thích ra vẻ bí mật, và có lẽ không ai có thể buộc ông làm khác. Ông không nói chương trình sắp tới ư?

– Sáng mai tôi hẹn gặp các ngài Fullerton, Harrison và Leadbetter, công chứng viên ở Medchester để hỏi nhiều chuyện, trong đó có chuyện giả mạo.

– Rồi sau nữa?

– Sẽ cố gặp một số người.

– Những người có mặt ở tối liên hoan?

– Không, những người tham gia chuẩn bị tối liên hoan.

Chú thích:

(1-) Ở Anh, trẻ con có thói quen gọi bạn của bố mẹ là “dì” hoặc “cậu”.

(2-) Thủy thần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.