Ngày Hội Quả Bí

Chương 13



Văn phòng Fullerton, Harrison và Leadbetter là kiểu mẫu của những công ty lâu đời và có uy tín đặc biệt. Thời gian đã để lại dấu ấn của nó. Các ông Harryson và Leadbetter không còn nữa, tên của họ được thay thế bằng ông Atkinson và ông Cole, người trẻ tuổi nhất. Ông Fullerton, cổ đông chính, vẫn cùng làm việc.

Fullerton là một ông già cao, khô khẳng, mặt lầm lì, giọng nói đều đều như quen với những lời diễn giảng luật pháp từ hàng nửa thế kỷ, ánh mắt đặc biệt sắc sỏi, soi mói. Vừa tầm nhìn của ông là mảnh giấy mà cô thư ký vừa trình lên, ghi tên và chức vụ người khách xin gặp.

Fullerton ngước nhìn Hercule Poirot ngồi trước mặt. Người này đã có tuổi, có vẻ người nước ngoài, ăn mặc chỉnh tề, do thanh tra cục điều tra hình sự Henry Raglan và một thiếu tá (về hưu) của Scoland Yard giới thiệu.

– Thiếu tá Spencer, hả?

Fullerton biết thiếu tá, người đã làm tốt công việc của mình, luôn được cấp trên khen. Ký ức mơ hồ trở lại trong trí óc ông, liên quan đến một vụ án ầm ĩ hồi đó, mặc dù lúc đầu tưởng là đơn giản dễ quyết định. Ông nhớ thằng cháu gọi ông bằng chú, Robert, lúc đó giữ vai trợ lý luật sư bào chữa, còn bị cáo là một kẻ khốn khổ rõ ràng mắc bệnh tâm thần. Một tên ngu ngốc từ chối tự bào chữa, và hình như không muốn gì hơn là sẵn sàng chịu bị treo cổ.

Spencer được giao trách nhiệm lo vụ này. Bình tĩnh và cương quyết, ông đã dự suốt phiên tòa để nhắc đi nhắc lại là tòa đang kết tội một người vô tội. Ông đã nói đúng, và người mà ông nhờ giúp đỡ để chứng minh sự vô tội của bị cáo, là một người quốc tịch Bỉ. Một thám tử hưu trí của Cảnh sát Bỉ. Ông này lúc đó cũng không còn trẻ, nay hẳn đã vào loại già – Fullerton nghĩ, và quyết định phải tiếp ông khách này một cách trịnh trọng. Chắc ông ta đang cần ở ông một số thông tin, những thông tin mà ông không thể từ chối cung cấp, nhất là về vụ này – một vụ giết hại trẻ em – ông cũng chưa tìm ra điều gì sáng sủa.

Fullerton có ý kiến riêng của mình về lai lịch tên giết người, song ông chưa dám nói với ai, vì không có bằng chứng.

Những ý nghĩ đó thoảng nhanh trong óc, và ông Fullerton ho mấy tiếng trước khi cất giọng khàn khàn:

– Thưa ông Poirot, tôi giúp được gì đây? Hẳn là ông đến về vụ em bé Reynolds, và tôi chưa rõ có thể nói được điều gì có ích. Tôi không biết chút gì về chuyện xảy ra.

– Nhưng nếu tôi không lầm, ông là cố vấn pháp luật của gia đình nhà Drake?

– Quả thật. Tội nghiệp ông Hugo Drake, ông ấy là người dễ thương. Tôi biết gia đình Drake đã nhiều năm, chính xác là từ cái ngày họ đến tậu nhà “Cây táo” và định cư ở đây. Ông Drake mắc bệnh bại liệt khi hai vợ chồng đi du lịch nước ngoài. Trí óc vẫn minh mẫn, song chân bị liệt và rất đau đớn.

– Theo chỗ tôi biết, ông cũng là người quản lý mọi việc của bà Llewellyn – Smythe?

– Bà cô của ông Drakẻ Một phụ nữ đáng nể. Bà ta đến ởWoodleigh Common vì lý do sức khỏe, và càng để gần đứa cháu. Bà đã tậu Quarry House, một dinh thự kềnh càng, tốn tiền lắm, trong khi có thể mua chỗ khác hay hơn. Sở dĩ bà chọn nơi đó vì có cái công trường bỏ hoang bên cạnh. Nhiều tiền, nên bà mời hẳn một chuyên gia phong cảnh, tay này làm biến đổi thành một nơi tuyệt đẹp, được giới thiệu cả trên tạp chí “Nhà và vườn”. Bà Llewellyn – Smythe chết cách đây hai năm.

– Chết đột tử?

Fullerton nghi ngại nhìn Poirot:

– Tôi không nghĩ xa đến vậy. Bà ta bị bệnh tim, thầy thuốc khuyên phải giữ gìn, nhưng bà ta đâu có nghe. Nhưng… xin lỗi, chúng ta đi lạc đề…

– Không lạc đâu. Tôi muốn được hỏi ông một số câu khác. Ví dụ, xin ông cho biết một số điều về Lesley Ferrei, nhân viên cũ của ông.

Fullerton nhăn mặt, ngạc nhiên:

– Lesley Ferreỉ Trời, tôi đã gần quên mất anh tạ Nhớ ra rồi. Anh ta bị đâm chết.

– Đúng vậy.

– Sợ rằng tôi không có gì nhiều để nói về anh tạ Tối đó, khi ra khỏi quán Thiên Nga Xanh thì anh ta bị giết. Cảnh sát có nghi ngờ người này người nọ, nhưng không bắt giữ ai, vì thiếu bằng chứng.

– Theo ông, đó có phải là một vụ án tình?

– Hẳn rồi. Ferrier từ lâu đã đi lại với mụ chủ quán, sau lại bỏ rơi mụ, đi với cô gái khác. Hình như tay này có số đào hoa, được nhiều gái chạy theo nên cũng đã vài lần bị các ông chồng ghen tuông cảnh cáo.

– Ông có hài lòng về công việc của anh ta?

– Vừa có, vừa không. Anh ta làm việc tốt, nhưng đời sống riêng lôi thôi quá.

– Ông có nghĩ, giống như Cảnh sát, rằng Ferrier bị một phụ nữ đánh ghen đâm chết?

– Khó nói…

Fullerton nhún vai, Poirot vẫn gặng:

– Hay ông có nghi ngờ gì theo một hướng khác?

– Muốn trả lời, cần phải có bằng chứng xác thực. Tòa án đã bác bỏ những giả thuyết do Cảnh sát viện ra, chúng không đủ thuyết phục để kết tội.

– Có thể Cảnh sát đã nhằm khi chỉ tập trung vào giả thuyết là vụ án tình?

– Có thể. Còn nhiều khả năng khác. Ferrier tính tình không ổn định, và mặc dù được bà mẹ góa nuôi dạy nghiêm khắc, hắn vẫn ngả theo con đường của ông bố quá cố. Hắn giao du với bọn bất hảo, tham gia nhiều vụ làm ăn ám muội. Tuy nhiên, tôi vẫn cho hắn một cơ may làm lại cuộc đời, sau khi hắn dính vào một chuyện giả mạo giấy tờ. Hồi đó, hắn còn rất trẻ, bà mẹ đến gặp tôi, van xin cho hắn được trở lại làm việc, nên tôi rất thương. Hy vọng rằng kinh nghiệm xót xa cùng với những lời khuyên của tôi sẽ làm hắn thay đổi. Tiếc thay! Thời nay ở đâu cũng thấy tham nhũng, hư hỏng.

– Vậy ông cho có thể là một vụ trả thù, thanh toán lẫn nhau?

– Có thể. Chơi dao sẽ có ngày chết vì dao. Nếu đồng bọn của Ferrier nghi cho hắn là định phản bội…

– Có ai chứng kiến vụ giết?

– Không. Điều đó dễ thôi. Thủ phạm đã tính toán kỹ, có khi còn tự tạo cho mình một chứng cứ ngoại phạm không thể chối cãi.

– Tuy nhiên, rất có thể có người đã trông thấy. Một nhân chứng vô tình đi qua, một đứa trẻ…

– Vào giờ khuya khoắt ấy, lại gần quán rượu? Khó tin, ông Poirot ạ.

– Một đứa trẻ – Poirot tiếp tục nhấn mạnh – vẫn ghi nhớ cảnh ấy hàng năm trời. Một bé gái sau khi đến chơi nhà bạn, trên đường trở về nhà, đã chứng kiến vụ án. Em bé được hàng rào che khuất, nên không ai biết.

– Ông quả có trí tưởng tượng! Cứ như trong tiểu thuyết.

– Không hẳn thế. Trẻ con chứng kiến nhiều điều mà người lớn không ngờ.

– Nhưng, nếu thế thì khi về nhà, nó phải kể cho bố mẹ!

– Không nhất thiết! Tôi đã kinh nghiệm, trẻ con có nhiều bí mật không nói với bố mẹ.

– Xin phép được hỏi, có cái gì làm ông quan tâm đến vụ Ferrier?

– Tôi không biết anh ta, nhưng anh ta mới chết thời gian gần đây, điều đó đáng để tôi chú ý.

Fullerton sẵn giọng:

– Ông Poirot, thật lòng mà nói, tôi không rõ vì sao ông đến tìm tôi, và ông quan tâm cái gì. Chả lẽ ông lại thấy cái chết của Joyce và cái chết của Lesley Ferrei có liên quan với nhau?

– Nghề của tôi là phải nghi ngờ mọi thứ, thu thập mọi chi tiết có thể.

– Xin lỗi, nhưng khi nói án mạng, thì phải có chứng cớ.

– Chắc ông đã nghe nói là Joyce tuyên bố mình đã chứng kiến một vụ án mạng?

– Ở một nơi như đây, điều gì mà chẳng biết, cái gì mà chẳng nghe. Tuy nhiên lời đồn đại thường sai lầm, do đó không có giá trị.

– Ông nói có phần đúng. Song Joyce đã mười ba tuổi, hồi lên chín chẳng hạn, có thể chứng kiến một vụ đụng xe hơi, một cuộc cãi vã, đánh nhau, thậm chí giận dỗi của một cặp tình nhân – sự kiện đó in hằn vào ký ức, và em ngần ngại không kể với bố mẹ, sợ những điều mình mục kích chưa chắc chắn lắm. Thậm chí em đã quên phứt nó trong nhiều năm, cho đến một hôm, do một lời nào của ai, một trường hợp tình cờ nào đó, khiến em nhớ lại.

– Dù sao, đây cũng chỉ là một giả tưởng đơn thuần!

– Ở trong vùng này, lại có một cô gái bị mất tích. Tên là Olga hoặc Sonia, người nước ngoài.

– Olga Seminof.

– Cô ấy làm người hầu hoặc đi ở cho bà Llewellyn – Smythẹ Phải thế không?

– Không. Bà Llewellyn – Smythe lần lượt mượn nhiều cô gái đến ở. Olga, người cuối cùng, được bà thích nhất. Nếu tôi nhớ đúng, đó là một cô gái không được trời ưu đãi về hình thức, cô ta chậm chạp, vụng về, không được cảm tình lắm của dân làng.

– Nhưng bà Llewellyn – Smythe lại ưa cô ta?

– Bà rất quý, thế mới dại, về sau càng rõ.

– Thật thế ư?

– Chắc ông đã biết chuyện gì xảy ra khi bà Llewellyn – Smythe mất. Tin đồn lan nhanh như chớp.

– Được biết là bà già để lại một số tiền lớn cho cô gái.

– Một quyết định không khỏi làm tôi ngạc nhiên. Trong nhiều năm liền, bà Llewellyn – Smythe không hề sửa đổi các điều khoản trong di chúc, trừ khi phải chuyển một số tiền từ tổ chức từ thiện này sang tổ chức từ thiện khác, hoặc xóa tên một giai nhân mới chết, mà trước đó bà đã dành cho một số lợi tức hưởng trọn đời. Phần lớn tài sản sẽ thuộc về người cháu, Hugo Drake và vợ, bà này cũng là chị em họ xa với bà. Một trong hai người thừa kế nào chết trước, thì tài sản mặc nhiên về người kia. Mãi đến ba tuần trước khi chết, bà Llewellyn – Smythe bỗng đảo lộn hoàn toàn mọi điều khoản của các di chúc trước, bằng cách thảo một văn bản bổ sung, không thông qua hãng chúng tôi. Theo bản bổ sung, bà cúng một số tiền cho một hoặc hai tổ chức từ thiện – không nhiều như trước – không dành gì cho các giai nhân và cho vợ chồng Drake, tất cả bị gạt ra ngoài nhường chỗ cho Olga Seminof là người thừa kế trọn vẹn. “Để trả công cho sự tận tụy phục vụ, chăm sóc tôi”, văn bản viết thế. Phải nhận đó là một quyết định lạ lùng, không phù hợp chút nào với những ý định từ trước của người quá cố.

– Rồi ra sao nữa?

– Các chuyên gia kết luận bản bổ sung không phải là chữ viết của thân chủ chúng tôi, và chúng tôi được biết bà Llewellyn – Smythe thường nhờ cô hầu viết thư, bắt chước chữ mình như thật, kể cả chữ ký. Do đó cô gái nảy ra ý đánh lừa mọi người để chiếm đoạt tài sản của chủ. Nhưng đánh lừa sao được các chuyên gia giám định chữ viết.

– Và các thủ tục tiến hành để chứng minh tính bất hợp pháp của bản di chúc bổ sung bắt đầu…

– Dĩ nhiên rồi. Tuy nhiên, trong thời gian đó, cô nàng đã hoảng và… biến mất, trước khi phiên tòa mở.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.