Ngày Hội Quả Bí
Chương 15
Hercule Poirot được tiếp và mời vào biệt thự “Cây táo”, ngồi ở phòng sách nhỏ sau khi được báo là bà Drake sẽ ra.
Poirot lại gần cửa sổ phòng khách, ngắm nhìn các vạt cỏ trong vườn được chăm chút cẩn thận. Cúc chưa ra hoa, một hai đóa hồng nở chậm khoe sắc dưới trời thu.
Cửa mở sau lưng ông, và tiếng nói của chủ nhà làm ông quay lại.
– Xin lỗi đã buộc ông phải chờ. Chúng tôi đang bàn việc chuẩn bị lễ Nôen cho toàn xứ đạo; nhiều việc phải quyết định từ sớm, quá sớm là đằng khác, để rồi các bà lại thay đổi ý kiến xoành xoạch.
Giọng nói đượm vẻ bực tức làm ta có thể đoán là trong buổi họp chuẩn bị vừa rồi, nhiều ý kiến của bà không nhận được sự ủng hộ. Theo nhận xét của bà Mc Kay và một số bà khác thì Rowena Drake có cá tính mạnh mẽ, nhiều người dựa vào bà khi cần quyết đoán việc gì, song không vì thế mà người ta ưa bà. Cho nên rất dễ hiểu là bà Llewellyn – Smythe – cũng là một phụ nữ có tính độc lập và không chịu kém ai – không ưa bà Drake.
– Các bà ấy vừa ra về – bà Drake nói, khi nghe tiếng người lao xao, rồi tiếng cửa ngoài khép lại – Nào, giờ ông cho biết ông cần gì ở tôi? Chả lẽ bắt tôi kể lại cái tối khủng khiếp hôm ấy? Tôi cầu trời là đừng bao giờ tổ chức buổi liên hoan đó! Bà Oliver vẫn còn ở chơi nhà bà Judith Butler chứ ạ?
– Còn. Mai hoặc ngày kia, bà ấy sẽ trở về London. Bà có quen bà ấy trước đây?
– Không, nhưng tôi thích đọc sách của bà. Bà ấy có ý kiến gì về… về cái kẻ đã phạm tội ác cực kỳ ghê tởm ấy?
– Chưa ý kiến gì. Còn bà, bà có nghi ngờ ai?
– Không, nếu có, tôi đã nói.
– Nhưng ít nhất bà cũng phát hiện ra điều gì, dù là nhỏ.
– Sao ông lại nghĩ vậy?
– Tôi hy vọng nếu suy nghĩ kỹ, bà sẽ nhớ ra một cử chỉ, một thái độ nào mà lúc đó bà không cho là có ý nghĩa, nhưng sau đó ngẫm lại mới thấy quan trọng.
– Ông đã ngầm có ý gì trong đầu, phải không?
– Vâng! Xin nói thật, tôi hỏi bà những câu nói đó là do một lời nhận xét của cô Whittaker.
– Cô giáo toán? Cô ấy có dự tối đó. Cô ấy đã thấy gì lạ?
– Vấn đề không phải ở chỗ cô ấy thấy gì, mà là bà thấy gì?
– Thật ư?
– Có liên quan đến một lọ hoa.
– Lọ hoa?… A! Giờ tôi nhớ ra rồi! Lọ hoa đặt ở góc thềm cầu thang thông sang phòng tắm… Một cái bình rất đẹp tôi được tặng làm quà cưới. Lúc đi qua đó – tôi không nhớ chính xác lúc nào – tôi thấy hoa trong bình có vẻ đã tàn, lại thấy bình không có nước, làm tôi bực quá. Tôi liền đem nó vào phòng tắm ngay cạnh, đổ đầy nước. Phòng tắm không có ai, tôi có nhìn thấy gì đâu nhỉ?
– Không phải tôi muốn nói lúc đó. Một lát sau kia, có phải có chuyện gì xảy ra với cái lọ?
– Tôi tuột tay đánh rơi, nó vỡ tan tành dưới chân cầu thang. Cô Elizabeth Whittaker đang ở ngoài sảnh chạy vào, giúp tôi vun tạm những mảnh vỡ vào một góc. Có phải đó là việc của ông định nói?
– Hình như cô Whittaker hơi lấy làm lạ sao bà đánh rơi.
– Tôi vô ý để tuột tay, chắc vì mệt mỏi. Quả là tôi có hơi mệt sau nhiều giờ lo chuẩn bị, chỉ huy các cháu.
– Vậy bà chắc chắn là không phải do cái gì đã khiến bà sửng sốt? Một cái gì bất thường mà bà bắt gặp?
– Cái gì, ở đâu cơ chứ? Ngoài cửa? Dưới nhà? Nào làm gì có ai? Mọi người đều đang ở phòng ăn, nơi chơi trò Snapdragon.
– Bà không thấy người nào mở cửa phòng sách từ bên trong?
Bà Drake ngẫm nghĩ một lúc lâu mới thong thả khẳng định:
– Tôi chẳng thấy bất cứ một ai.
Cái cách bà nói càng khiến nhà thám tử nghi ngờ sự thành thật của lời đáp. Rất có thể bà đã trông thấy một khuôn mặt nào đó, dù chỉ thoáng qua. Tại sao bà nhất định nói trái lại? Có thể giả định là nhìn thấy một ai đó, bà không muốn để người đó dính líu vào tấn thảm kịch mới xảy ra một lát trước đó? Một người mà bà có sự gắn bó đặc biệt, hoặc đơn giản hơn, bà muốn bảo vệ?
Poirot hắn giọng, kết luận:
– Thôi được…
– Hay là cô Whittaker đã thấy người lạ nào vào phòng sách?
Poirot lập tức lắng tai:
– Bà cho là có chuyện ấy?
– Sao không? Và lúc tôi đánh rơi lọ hoa, cô ấy nghĩ là tôi cũng nhìn thấy người đó. Có thể cô ấy e ngại không muốn gây rắc rối cho người ấy, vì cô ấy chỉ nhìn thoáng qua. Nhìn sau lưng, thì bọn trẻ đứa nào cũng giống đứa nào.
– Bà cho rằng vụ giết người là do một trong những đứa trẻ gây ra?
Bà Drake suy nghĩ, rồi nói:
– Tôi chưa suy xét kỹ, nhưng rất có thể. Một bé gái bị dìm vào nước cho chết không có lý do rõ ràng, chỉ có thể biểu hiện sự thiếu chín chắn của một kẻ chưa có ý thức và trách nhiệm về hành vi của mình. Ông có nghĩ vậy không?
– Theo như người ta nói, hình như Cảnh sát cũng nghĩ vậy, ít nhất là lúc đầu.
– Tôi hoàn toàn tin vào sự xét đoán của họ. Các ông Cảnh sát ở đây rất có năng lực, chắc lần này cũng sẽ đạt kết quả. Tuy nhiên, họ phải mất nhiều thì giờ đi tìm bằng chứng rồi mới kết luận được.
– Bằng chứng tìm ra không phải là dễ.
– Ông nói đúng. Giống như tai nạn mà chồng tôi phải chịu. Ông ấy đã phải chống nạn mà đi, thế mà lúc qua đường bị một xe hơi đụng vào. Chịu không tìm ra thủ phạm.
– Sự việc ấy xảy ra sau khi bà cô mất?
– Không, bà cô chúng tôi vài tháng sau mới mất. Họa vô đơn chí, ông thấy không?
– Cảnh sát không truy ra chiếc xe gây tai nạn?
– Chỉ biết đó là xe Grasshopper Mark 7, đánh cắp ở Medchester của ông Waterhouse, một nhà buôn đứng tuổi xưa nay lái rất thẩn trọng. Kẻ lấy cắp xe là hai thanh niên không rõ tung tích.
– Dù vô tình, cũng là phạm tội. Trường hợp Joyce thì khác. Một bàn tay đã cố tình dìm đầu cô bé vào nước cho đến chết.
– Tôi biết, tôi biết. Thật dã man, tôi không muốn nghĩ đến, cũng không muốn ai nhắc lại nữa.
Bà đứng dậy, đi hối hả trong phòng.
Poirot tiếp luôn:
– Ta phải tìm ra động cơ vụ sát nhân.
– Theo tôi, một tội gớm ghiếc kiểu ấy chẳng có động cơ gì hết.
– Chỉ do một tên tâm thần bệnh hoạn say máu, thích giết chóc?
– Cũng đã có nhiều trường hợp như thế đấy thôi?
– Bà không muốn xem xét một cách giải thích đơn giản hơn?
– Nghĩa là?
– Sát nhân không phải tên tâm thần, mà là một người cần giết cô gái để tự bảo vệ mình.
– Bảo vệ khỏi cái gì?
– Tôi muốn nói đến những lời tuyên bố của Joyce lúc chiều, trước khi chết.
– Joyce là một con bé ít thông minh, không trung thực lắ,.
– Mọi người tôi hỏi chuyện đều nói thế.
Poirot đứng lên:
– Tôi phải xin lỗi bà, vì đã gợi lại những kỷ niệm đau buồn. Trở lại với cô Whittaker…
– Sao ông không hỏi cô ấy để biết nhiều hơn? Cô ấy là giáo viên, phải biết rõ hơn ai hết về tâm tính của học trò mình – Ngừng một lát, bà nói thêm: Cả cô Emlyn nữa.
– Cô hiệu trưởng?
– Cô ấy biết nhiều chuyện lắm. Một nhà tâm lý sắc sảo. Theo tôi, người cung cấp nhiều tư liệu nhất, chính là cô Emlyn.
– Thật là tốt…
– Tuy nhiên, tôi không chắc cô ấy sẽ nói hết với ông.
– Tôi bắt đầu thấy mình còn nhiều việc phải làm đây. À, có phải bà cô của bà, bà Llewellyn – Smythe, có một cô người ở là người nước ngoài thì phải?
– Đúng là ông đã lượm mọi tin tức có trong làng! Đúng thế. Con bé đã bỏ đi ít lâu sau cái chết của cô tôi, ra đi có thể nói là đột nột.
– Theo người ta nói, cô ấy có lý do để bỏ đi như thế.
– Phải, nó đã giả mạo bản bổ sung di chúc của cô tôi, có thể có sự giúp đỡ của một đồng lõa.
– Ai vậy?
– Một cậu nhân viên của văn phòng công chứng Medchester người mà ta thấy hay cặp kè với con bé. Cậu này cũng đã từng nhúng tay vào một vụ giả mạo giấy tờ. Vụ bản bổ sung di chúc không đưa ra tòa xử, vì con bé người nước ngoài đó đột nhiên biến mất, từ đó không ai có tin tức gì.
– Tôi vô cùng cảm ơn về tất cả những tin tức bà vừa cho biết, thưa bà.
* * *
Ở biệt thự “Cây táo” ra, Poirot đi dạo một chút trên con đường song song với phố chính của làng, đường mang tên”Đường nghĩa trang Helpsly”. Đi độ mười phút thì tới nghĩa trang nói trên, và Poirot nhận ra nghĩa trang này cũng mới sử dụng khoảng mười năm trở lại. Ngôi nhà thờ, khá uy nghi, có từ thế kỷ 18, như đứng canh cho một khu rào trong có một số bia mộ cổ. Một lối đi rộng và sạch sẽ nối nghĩa địa cũ với nghĩa trang mới. Poirot bước theo lối đi ấy và ngắm nhìn các ngôi mộ hiện đại, xây bằng đá hoa hoặc granít. Ông dừng lại trước một ngôi mộ tương đối mới, mang hàng chữ đơn giản: “Tưởng nhớ Hugo Edmund Drake, chồng của Rowena Aabelle Drake, từ giã cõi đời ngày 20-3-19…”
Một bình đá trắng gằn dưới đất, trong cắm những bông hoa đang tàn. Lão gác nghĩa trang già thấy Poirot, liền bỏ chổi và cuốc chạy lại, vẻ hân hoan ra mặt vì có người để tiếp chuyện.
– Ông không phải là người vùng ta, nếu tôi đoán không lầm?
– Đúng.
Lão nhìn ngôi mộ nơi Poirot đang đứng:
– Một người tốt, ông Drake. Tàn tật vì mắc bệnh bại liệt trẻ em như người ta thường gọi, thế mà người lớn cũng bị.
– Ông ấy chết vì tai nạn thì phải?
– Ông ấy sang đường lúc nhá nhem tối. Xe lao tới, trên xe nghe nói có hai thằng mất dạy, râu xồm xoàm. Chúng không buồn đỗ lại, bỏ xe ở một bãi đậu cách đây hai mươi dặm. Bà vợ vô cùng đau khổ, hầu như tuần nào cũng mang hoa viếng mộ. Theo tôi, bà Drake chắc cũng không ở đâu lâu nữa.
– Sao, ở đây bà có ngôi nhà đẹp thế mà?
– Theo bác, tại sao bà ấy bỏ Woodleig Common?
Một nụ cười ranh mãnh thoáng qua trên mặt lão gác:
– Có thể bà ta chẳng còn việc gì ở đây nữa. Nơi đây bà đã hoàn thành khá nhiều việc, hơi quá nhiều là đằng khác.
– Vì vậy bà cần một địa bàn hoạt động mới?
– Ông đã nói rồi đấy! Bà ấy muốn đi nơi khác để lại dắt mũi nhiều người khác nữa. Ở đây, chúng tôi đã răm rắp theo bà ấy rồi, mọi việc ổn định rồi.
– Nhưng bà ấy sẽ đi đâu?
– Làm sao tôi biết. Có thể là Riviera, hoặc bờ biển Tây Ban Nha, hoặc Hy Lạp. Tôi đã nghe bà ta nói nhiều lần đến các đảo ở Hy Lạp. Hình như bà Buther cũng đã từng đi du lịch ở đó.
– Các đảo Hy Lạp – Poirot lẩm bẩm. Bác thấy bà ấy có dễ thương không?
– Ai? Bà Drake? Ồ, tôi không dám khẳng định. Con người tốt, hay giúp đỡ mọi người… nhưng ông biết đấy, thiên hạ lại hay không thích những kẻ làm ơn cho mình. Bà ấy luôn luôn khuyên bảo tôi phải làm gì khi ghép những cây mận của tôi. Làm như tôi không hiểu gì về chuyện ấy!
Poirot mỉm cười:
– Xin lỗi, tôi phải đi thôi. Bác làm ơn chỉ cho tôi đến nhà Nicholas Ransom và Desmond Holland.
– Qua nhà thờ, là nhà thứ ba bên trái. Họ trọ ở nhà bà Brand và hằng ngày đến trường kỹ thuật ở Medchester. Giờ này chắc họ có nhà.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.