Ngày Hội Quả Bí
Chương 7
Hài lòng về kết quả viếng thăm, Poirot chia tay ông bạn Spencer. Ông đã lôi được ông cựu sĩ quan cảnh sát vào cuộc, và trong suốt thời gian dài công tác, Spencer luôn tỏ ra kiên trì, quyết tâm. Hơn nữa, tiếng tăm và uy tín của ông ta ở cục Cảnh sát hình sự ngày trước sẽ giúp ông lấy được nhiều thông tin từ cơ quan Cảnh sát địa phương.
Poirot xem đồng hồ và thấy đến lúc phải tới nơi Oliver đã hẹn, tức là trước cửa nhà bà Rowena Drake, một dinh thự đặt tên “Những quả táo”. Một sự trùng hợp đầy mỉa mai… Chả lẽ luôn luôn có những quả táo trong vụ này?
Đi theo con đường được chỉ dẫn, nhà thám tử của chúng ta tới một biệt thự xây gạch đỏ, có một hàng sồi xén rất đẹp bao quanh một khu vườn nhỏ được chăm chút cẩn thận.
Đẩy cánh cửa sắt bên trên có biển đề “Những quả táo”, khách đi vào lối chính, thì cửa trong nhà mở, và Oliver chạy ra như đã chờ sẵn:
– Tôi vẫn đứng ở cửa sổ để mong ông.
Poirot để ý thấy, lần đầu từ khi họ quen biết nhau, nhà nữ tiểu thuyết không cầm trong tay một quả táo cắn dở. Oliver cầm tay ông,chất vấn ngay:
– Tôi không hiểu tại sao ông không chịu đến ở nhà Judith Buther, mà lại trọ Ở một gia đình kém sung túc.
– Tôi muốn giữ được độc lập để xem xét bằng con mắt khách quan, không chịu một ảnh hưởng nào.
– Ông quyết định hỏi chuyện rất nhiều người?
– Đúng.
– Ông đã gặp những ai?
– Bạn tôi, thiếu tá Spencer.
– Ông ấy thế nào?
– Già hơn trước nhiều.
– Đành thế, còn gì nữa?
– Ồ, ông ấy sụt cân và đọc báo phải đeo kính. Tuy nhiên, theo tôi biết, chưa đến nỗi điếc đặc.
– Ý kiến ông ta về vụ án thế nào?
– Sao cô vội thế, cô bạn!
– Hai người dự định sẽ làm gì?
– Tôi hy vọng Spencer sẽ giúp tôi thu thập một số thông tin mà nếu chỉ mình tôi thì khó mà đạt được. Tiếp đó tôi đã lập cho mình một lịch hành động chi tiết.
– Ông cho là ông Spencer sẽ moi được tin tức ở sở Cảnh sát địa phương?
– Ít nhất thì ông sẽ thu lượm được vài manh mối để có thể tiến xa hơn.
– Ông đã làm gì nữa?
– Rồi tôi đến nơi hẹn đây, để xem qua hiện trường vụ án.
Ngước nhìn lên ngôi nhà xinh đẹp, Ariadne Oliver buông lời nhận xét:
– Khó mà tin rằng án mạng đã xẩy ra bên trong những bức tường này, phải không ông?
– Đúng vậy. Sau khi xem căn phòng ấy, nhờ cô cùng tôi đi gặp bà mẹ của nạn nhân. Chiều nay, Spencer đã hẹn cho tôi gặp viên thanh tra địa phương, ông Raglan. Nếu còn thì giờ, tôi sẽ gặp ông bác sĩ và bà hiệu trưởng. Sáu giờ, Spencer chờ tôi về uống trà và gặp bà em của ông ấy, bà Elspeth, để tiếp tục trao đổi.
– Liệu có đạt điều gì mới?
– Bà Elspeth sống ở đây lâu hơn ông anh, sẽ cho tôi biết thêm về đời sống, tập tục của địa phương.
– Mong được như thế. Bây giờ, để tôi giới thiệu ông với bà Drake.
Bà Drake có vẻ gây ấn tượng mạnh với Poirot. Một phụ nữ cao đẹp, khoảng tứ tuần, mái tóc vàng điểm vài sợi bạc càng tôn thêm đôi mắt tinh anh màu xanh. Bà là hiện thân của người chủ nhà lý tưởng, rất thoải mái khi tiếp khách.
Trong phòng khách nhỏ, cà phê và bánh ngọt đã dọn sẵn. Nội thất đẹp, gồm bàn ghế sang trọng và những tấm thảm quý. Chỗ nào cũng sạch như lau.
Thái độ bà Drake có vẻ như muốn che giấu cái mà Poirot cho là một thứ ngượng ngập xấu hổ của một bà chủ nhà buộc phải công nhận là tối vui do mình tổ chức đã hoàn toàn thất bại do một sự cố bất ngờ, tức là vụ án mạng. Với tư cách là người có vai vế trong cộng đồng Woodleigh Common, bà bỗng không còn xứng với trách nhiệm vẫn lãnh xưa naỵ Cái sự cố ấy lẽ ra không nên xẩy ra. Hoặc xẩy ra ở đâu đâu, không thể ở ngay nhà bà, nơi bà đã dày công chuẩn bị tổ chức, lo liệu mọi thứ để đem lại niềm vui cho các cháu.
– Ông Poirot – bà nói giọng nhẹ nhàng, rành rẽ – tôi rất vui lòng là ông đã đến. Bà Oliver giới thiệu là ông có giúp làm sáng tỏ cái vụ khủng khiếp này.
– Xin bà yên tâm, tôi sẽ cố hết sức, nhưng phải nhận rằng một bài toán loại này cũng không dễ giải quyết.
– Vâng, và tôi xin nói thêm đến giờ tôi vẫn không tin chuyện đó có thể xẩy ra. Các ông bên Cảnh sát hẳn đã có một vài đầu mối. Nghe đâu chính ông thanh tra Raglan chỉ đạo cuộc điều tra, ông ấy là người có tiếng trong vùng. Tuy nhiên ông ông có nghĩ rằng ông ấy sẽ buộc phải cầu cứu Scotland Yard về viện trợ?
– Hãy còn quá sớm để biết điều đó.
– Cái chết của em bé làm cả làng xôn xao. Ông thừa biết là ở các vùng xa thành phố, trẻ con thường phải chịu lắm tai nạn.
Poirot nhẹ nhàng nói lại:
– Nhưng vụ này thì khác hẳn.
– Chính vì thế mà tôi không thể tin nổi! Tôi đã cho chuẩn bị mọi thứ thật hoàn hảo. Lũ trẻ luôn ở trong tầm kiểm soát của chúng tôi, và tối hôm đó rất thành công. Riêng tôi, tôi nghĩ mối nguy là từ bên ngoài. Kẻ nào đó đã đột nhập vào nhà mà không bị để ý. Trong điều kiện ấy, chắc không khó. Theo tôi, đó là một tên tâm thần biết trong nhà tôi có tối vui trẻ con, đã tìm cách kéo một em gái ra để giết. Một chuyện bi thảm như vậy ngay trong nhà tôi, cứ như là ác mộng!
– Xin bà chỉ cho tôi xem chỗ…
– Vâng. Ông dùng một tách cà phê nữa nhé?
– Không, xin cảm ơn.
Bà Drake đứng dậynói:
– Cảnh sát dường như cho rằng vụ án xẩy ra trong lúc đang chơi trò Snapdragon ngoài phòng ăn: Nếu ông muốn, tôi dẫn ông vào đó trước.
Bà dẫn hai người ra sảnh, mở một cách cửa, rồi như một hướng dẫn viên đã quen đưa khách đi thăm một nơi sang trọng, dang tay chỉ chiếc bàn dài có thể ngồi hơn một chục thực khách và những rèm cửa dày trang trí các cửa sổ.
– Phòng này để đèn tối, ở giữa sáng lên một mâm đầy nho tươi đẫm cô-nhắc và đốt lên. Giờ, tôi đưa các vị vào phòng sách.
Bà đóng cửa, trở ra sảnh và đẩy một cách cửa khác dẫn vào phòng rộng trung bình, trang trí đơn giản bằng mấy bức tranh vẽ cảnh đi săn, và những giá chất đầy sách.
– Chiếc xô đặt ở giữa, trên một tấm thảm bằng chất dẻo.
– Chắc phải có nhiều nước bắn tung toé? Poirot hỏi.
Bà Drake đồng tình:
– Bắn tung toé lên thảm… vâng, tất nhiên.
Nhà thám tử nói rõ, như để giải thích cho chính mình:
– Tất nhiên… Vì đầu cô bé bị ấn vào xô nước đầy.
– Trong khi chơi, bọn trẻ đã làm sánh ra khá nhiều nước, phải đổ thêm vào ít nhất hai lần.
– Vậy quần áo của hung thủ cũng bị ướt?
– Hẳn thế…
– Vậy mà không ai để ý, hoặc tỏ ra ngạc nhiên về điều đó?
– Không. Ông thanh tra Cảnh sát cũng hỏi tôi như vậy. Cuối buổi liên hoan, người nào ít nhiều đều bị giây bẩn, vì bột bánh hay vì nước. Cho nên không thể căn cứ vào chi tiết ấy.
– Nếu vậy ta chuyển sang xem xét tính cách của em bé gái. Bà hãy cho biết cảm tưởng của bà về cô bé ấy.
– Joyce?
Bà Drake có vẻ bực mình về câu hỏi, dường như nó buộc bà ta phải nhớ đến cô gái xấu số mà bà đã cố xua đuổi khỏi ký ức.
– Nạn nhân là rất quan trọng, thưa bà. Đôi khi xét tính cách nạn nhân có thể suy ra động cơ tội ác.
– Ta hãy trỡ về phòng khách, có được không?
Khi đã yên vị trong căn phòng ấm cúng. Poirot và Oliver lắng nghe chủ nhà nói, giọng không vững tâm lắm:
– Để tìm hiểu việc này, các vị nên gặp Cảnh sát hoặc chính mẹ của cô bé. Có hơn không? Tất nhiên sẽ gợi lại nỗi đau trong lòng người mẹ tội nghiệp…
Bà ngừng nói, vẻ âu sầu. Poirot tranh thủ nói ngay:
– Tôi chưa muốn xác lập ý kiến theo những ký ức của một người mẹ đau khổ, mà muốn biết cảm tưởng của một người như bà kia. Bà là người có uy tín trong vùng, hẳn là bà phải có con mắt tinh đời xét đoán mọi người quen biết.
– Đây chỉ là bé gái mười hai mười ba tuổi; dưới mắt tôi , bọn trẻ đứa nào cũng như nhau.
– Xin phép được nói là tôi không đồng ý. Chúng khác nhau về cá tính, về thiên hướng. Bà thấy có cảm tình với cô bé Joyce không?
Câu hỏi làm bà Drake lúng túng:
– Cũng có… với lại… tôi rất yêu trẻ, như tất cả những người khác thôi.
– Chỗ này tôi cũng không đồng ý với bà: Có những đứa trẻ ta không ưa chút nào.
– Cũng có thế thật. Thời nay, phần lớn chúng không được giáo dục tốt, cha mẹ ỷ lại vào thầy cô giáo để dạy chúng biết cư xử và kỷ luật.
– Vậy Joyce có là đứa trẻ đáng yêu hay không?
– Ông quên rằng cháu đã chết.
– Chết hay sống, không có gì khác nhau. Đâu có phải cứ là đứa trẻ gương mẫu thì không bị giết.
– Tôi không hiểu cá tính của cháu thì có liên quan gì?
– Biết thế nào… Bà có biết là cháu đã khoe đã chứng kiến một vụ án mạng?
– Ồ, chuyện ấy! – Bà Drake gạt đi, như không đáng quan tâm.
– Theo tôi hiểu, bà không tin chút nào lời nói của cháu?
– Dĩ nhiên là không. Chuyện vớ vẩn!
– Bà có nhớ là nhân chuyện gì mà cháu nói điều đó?
– Tôi nhớ, đó là sau khi bọn trẻ biết bà Oliver đây có mặt tại buổi liên hoan…
Quay về phía Oliver, bà phân bua:
– Bà là nhân vật có tiếng, nhiều người biết, kể cả lũ trẻ. Nếu không có bà ở đấy, chắc chúng chả bàn chuyện vụ án này nọ.
Poirot trầm ngâm:
– Vậy là Joyce đột nhiên tuyên bố mình đã có lần chứng kiến một án mạng.
– Đúng vậy, mặc dù lúc đó tôi chẳng để ý lắm.
– Dù sao, thì bà đã nghe thấy.
– Vâng. Nhưng tôi không tin. Và chị của Joyce cũng nhiều lần bảo nó im đi.
– Và điều đó làm nó càng tức, tôi đoán thế?
– Nó gân cổ cãi là nó nói thật.
– Có thể gọi là nó có vẻ huênh hoang?
– Quả như vậy.
– Có thể em đó thành thật…
– Ồ, không! Joyce có thể bịa rất nhiều chuyện tương tự!
– Nó hay nói dối?
– Không hẳn thế, nhưng người ta biết tính nó huênh hoang, muốn tỏ ra mình hơn người.
– Phản ứng của những đứa trẻ khác ra sao khi Joyce nói về vụ án mạng?
– Chúng đều chế giễu, không tin.
Poirot đứng lên, xin phép cáo lui:
– Rất cảm ơn bà đã giúp tôi khẳng định ý kiến đánh giá về Joyce.
Rồi nghiêng mình lịch sự xuống bàn tay bà Drake chìa ra:
– Và mong rằng cuộc viếng thăm của tôi không làm bà phiền lòng vì phải nhớ lại những chuyện không vui.
– Tất nhiên chuyện ấy chẳng vui gì. Tôi chờ mong một tối vui hoàn hảo giống những lần trước. Không ngờ con bé Joyce làm hỏng hết chỉ vì những lời nói ngớ ngẩn. Thực bụng, tôi hoàn toàn tin những tuyên bố của Joyce chỉ nhằm gây ấn tượng với bọn trẻ cùng lứa, và cũng có thể là để được một nữ văn sĩ nổi tiếng chú ý nữa.
Nói rồi, bà nhìn Oliver với con mắt thiếu thiện cảm, và làm cho nữ văn sĩ buột miệng kêu:
– Tóm lại chuyện xẩy ra là lỗi tại tôi?
– Không, tôi không định nói thế.
Ra khỏi nhà được một quãng, Poirot thở nhẹ cho chính mình hơn là cho cô bạn:
– Khung cảnh này không hợp chút nào với một vụ án mạng kinh hoàng như vậy, mặc dù tôi đã nghĩ có kẻ nào thậm chí âm mưu thủ tiêu chính bà Drake.
– Cái bà này thật khó chịu, luôn có vẻ hiếu kỳ, ta đây.
– Chồng bà ta là người thế nào?
– Ông chồng chết được một hoặc hai năm. Bị bại liệt, nhiều năm liền chỉ ngồi trên xe lăn. Ông ấy là chủ ngân hàng, mê thể thao. Phải ngồi bất động, ông ấy rất khổ.
– Tôi hiểu. Trở lại con bé Joyce, cô có cho rằng có người nào coi trọng câu chuyện nó nói là đã chứng kiến vụ giết người?
– Không, tôi không cho là thế.
– Những đứa trẻ khác chẳng hạn?
– Thì tôi nói chúng chứ ai. Chúng đều phản ứng như tuồng biết thừa là nó nói điêu.
– Còn cô, phản ứng bản thân cô thế nào?
– Giống như chúng. Phần mình, bà Drake cứ thích nghĩ rằng tội ác chưa từng xẩy ra.
– Tự nhiên thôi. Cô thấy bà ấy có thiện cảm không?
– Ông có cái tài hỏi những câu rất khó trả lời. Hình như việc mà ông quan tâm lúc này là phát hiện ra người này người nọ có thiện cảm hay không – Theo tôi Rowena Drake thuộc loại đàn bà ưa chỉ huy, tổ chức, ra lệnh, thích mọi người làm mọi thứ theo mình. Thì chính bà ấy là người có uy tín, đang ít nhiều có thế lực ở thị trấn này, mà phải nói bà ấy cũng làm tốt mọi việc: Song riêng tôi, tôi không ưa những phụ nữ độc đoán.
– Còn bà mẹ của Joyce mà ta sắp đến thăm, cô có ý kiến gì?
– Một người đàn bà tốt bụng, hơi đần. Tôi rất thương bà. Mọi người ở đây đều tin rằng Joyce là nạn nhân của một tên dâm dục bệnh hoạn, làm bà càng thêm đau khổ.
– Song, cho đến giờ, không có gì chứng tỏ thủ phạm là một tên bệnh hoạn.
– Hay để Judith Buther đưa ông đến nhà bà Reynolds nhé? Như thế tiện hơn, Judith rất quen bà ấy, còn tôi mới chỉ gặp một, hai lần.
– Tôi đề nghị ta cứ làm như kế hoạch đã vạch, cô bạn thân mến ạ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.