Ngày Hội Quả Bí
Chương 8
Bộ dạng bà Reynolds tương phản một trời một vực với bà Rowena Drakẹ Bà mẹ của Joyce nhỏ nhắn, bận đồ tang, tay nắm chặt chiếc khăn tay chốc chốc lại đưa lên chấm đôi mắt đỏ hoe, mọng nước.
Dẫn khách vào trong nhà, bà cố gắng lắm mới nói lên lời:
– Qúy ông đến đây để làm rõ cái chuyện bi thảm này thì tốt quá, dù tôi biết việc đó chẳng làm con tôi sống lại… Thật kinh khủng! Sao lại có kẻ muốn giết nó? Mà sao nó không kêu cứu… Cứ nghĩ đến cảnh ấy, tôi không tài nào chịu nổi.
Poirot nhẹ nhàng:
– Bà yên tâm, chúng tôi tới đây không phải để phiền nhiễu, mà để yêu cầu bà giúp đỡ chúng tôi vạch mặt hung thủ. Bà có nghi cho ai?
– Tôi biết nghi ai? Nơi đây chúng tôi sống yên ổn, mọi người ít nhiều đều quen biết nhau, tôi không thể tưởng tượng có một kẻ dâm ác trà trộn vào. Cái đứa giết con gái tôi không phải kẻ tâm thần bình thường. Nó phải là kẻ hút hít hoặc là say rượu, nó phạm tội trong lúc u mê chăng?
– Bà tin chắc nó phải là đàn ông?
Bà Reynolds lộ vẻ ngạc nhiên:
– Phụ nữ nào lại làm cái chuyện dã man như thế!
– Tuy nhiên làm việc ấy cũng không đòi hỏi nhiều sức lực lắm.
– Tôi biết ngày nay phụ nữ khỏe mạnh hơn xưa. Nhưng người đàn bà nào có là quỷ cái mới giết con người ta như thế? Con bé Joyce nhà tôi mới mười ba tuổi.
– Tôi không muốn dằn vặt bà với những câu hỏi mà Cảnh sát chắc đã hỏi bà. Tôi tới đây nhờ bà giúp làm rõ một lời nói của con gái bà trước khi bị hại. À mà bà có mặt tại buổi liên hoan do bà Drake tổ chức không?
– Không. Tôi mới yếu dậy nên rất ngại cảnh ồn ào của lũ trẻ. Tôi đã đưa hai con gái và một con trai đến đó, hẹn cuối buổi sẽ đến đón. Nay tôi còn đứa con gái lớn là Ann, mười sáu tuổi, và Léopold sắp tròn tuổi mười hai. Ông muốn hỏi gì về cháu Joyce?
– Cô Oliver đã nghe cháu tuyên bố trước mặt các bạn là cháu đã có dịp chứng kiến một vụ án mạng.
– Joyce nói thế? Vô lý! Nó chứng kiến vụ án mạng nào?
– Tất nhiên các bạn cháu không tin là cháu nói thật. Đã bao giờ Joyce nói bóng gió với bà về án mạng?
– Chưa bao giờ!
– Ta phải tính đến việc là, với một cháu bé gái, từ “án mạng” có thể được hiểu không chính xác lắm. Có thể Joyce đã chứng kiến một tai nạn xe hơi hoặc một vụ xô xát giữa trẻ em, trong đó một em đã đẩy bạn ngã xuống suối chẳng hạn, tóm lại, một tai nạn vô tình.
– Tôi không nhớ có tai nạn nào xẩy ra trong thị trấn, hơn nữa nếu thấy, chắc Joyce sẽ kể với tôi. Nó nói đùa đấy thôi.
Oliver nói xen vào:
– Tuy nhiên, cháu nói bằng giọng rất thuyết phục. Các bạn càng chế giễu, không tin, cháu càng khăng khăng.
Poirot nói rành mạch:
– Theo tôi, có nhiều khả năng là Joyce đã hiểu sai một tai nạn mà cháu nhìn thấy đã lâu.
– Nếu vậy, xin nhắc lại, tôi phải được cháu kể cho nghe!
– Có thể hồi đó, cháu đã nói, mà bà quên mất?
– Nhưng mà là tai nạn gì, hồi nào kia chứ?
– Chúng tôi không biết, Joyce còn nói hồi đó cháu còn nhỏ, một em bé mười ba tuổi nói thế là nghĩa làm sao?
– Biết trả lời ông thế nào?
– Dù sao nếu cháu khẳng định đã nhìn thấy án mạng, thì cháu phải rất tin vào điều mình nói chứ?
– Vâng, nhưng có thể cháu chỉ nhìn bề ngoài, nên hiểu lầm.
– Tôi cũng nghĩ vậy. Bà cho phép tôi nói chuyện với hai cháu kia tối đó cũng có dự, được không?
– Nếu ông muốn, nhưng chắc chúng chẳng biết gì hơn. Ann đang học trong phòng, còn Léopold ở ngoài vườn, nó đang lắp máy bay đồ chơi.
Cậu bé trông khá khoẻ mạnh, má phính, đang chăm chú vào việc lắp ghép, dường như chẳng thiết ngừng tay để tiếp khách.
Poirot hỏi:
– Hôm ở nhà bà Drake, chắc cháu đã nghe chị cháu kể chuyện…
– Chuyện án mạng phải không?
– Phải. Chị cháu nói đã chứng kiến một vụ án mạng. Có thật không?
– Dĩ nhiên là không! Chị ấy chúa hay bịa chuyện!
– Tại sao?
– Để ra vẻ ta đây – Cậu cẩn thận lắp chiếc cánh quạt nhỏ xíu rồi mới nói tiếp: Chị Joyce vớ vẩn, cái gì chị ấy chả nói để tỏ vẻ hơn người.
– Vậy, theo cháu, lời nói hôm ấy là hoàn toàn bịa đặt?
Léopolds quay về phía Oliver, nói rõ hơn:
– Cháu đoán chắc chị ấy muốn gây ấn tượng với bà. Bà là người viết truyện trinh thám, phải không ạ?
Poirot hỏi thêm:
– Cháu có nhớ rõ từng lời chị nói hôm ấy?
– Không, cháu chẳng để ý. Cháu nhớ, cả Béatrice, cả Cathie đều cười nhạo.
Biết không thu lượm gì hơn ở cậu bé, Poirot và Oliver trở vào nhà, đến gặp Ann, một cô bé đã lớn, mặt nghiêm trang cuối xuống chiếc bàn đầy sách vở.
Đáp lại câu hỏi của Poirot, cô bé thong thả nói:
– Vâng, hôm ấy cháu có dự.
– Và lúc em cháu nói về vụ án mạng, cháu có nghe?
– Có, nhưng cháu chẳng quan tâm.
– Cháu không tin?
– Tất nhiên, tin thế nào được!
– Vậy cháu rút ra điều gì từ những lời nói ấy?
– Joyce luôn luôn bịa chuyện. Một lần, nó thêu dệt ra một chuyện thần tiên về Aán Độ. Chúng cháu có một ông chú ở Aán Độ; thế là nó bịa ra là đã từng du lịch sang Aán Độ với chú. Thế mà khối đứa bạn cùng lớp cũng tin.
Poirot đổi giọng , hỏi:
– Ann này, theo cháu, ai là người giết em cháu? Cháu biết trong số người quen thuộc, có ai không ưa Joyce?
– Không ưa thì cũng không thể giết. Chắc là một thằng điên. Không thể là ai trong số người quen biết.
Poirot và Oliver sắp định cáo từ, Ann đột nhiên nói:
– Em cháu đã chết, cháu không muốn nói xấu, nhưng phải nhận nó là đứa chúa hay nói điêu.
Khi đã rời xa khỏi nhà bà Reynolds; Oliver chợt hỏi:
– Ông có cảm thấy ta tiến được chút nào không?
– Chưa được chút nào. Dù sao đó cũng là một nhận xét đáng chú ý.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.