Nghệ Thuật Sống Tự Tin
Chương 3: Năng Lực Tri Giác
Con người không bị chi phối bởi bản thân sự
vật, mà bởi chính nhận thức của họ về chúng.
– Epictetus
Những ảo tưởng của tri giác
Đã có lần tôi ở lại châu Á ba tuần lễ và đắm mình trong nền văn hóa phương Đông – các nghi thức tâm linh, những cảnh sắc và thanh âm đầy mê hoặc, những mùi vị mới lạ của nền ẩm thực phong phú. Ngay cả khi đã trở về Hoa Kỳ, tôi gần như vẫn còn đắm chìm trong nền văn hóa ấy. Thế rồi không lâu sau, khi ghé qua phòng làm việc của một đồng nghệp, tôi để ý thấy có một cuốn sách trên bàn làm việc của cô ấy. Tôi liếc qua phân nửa tựa đề của cuốn sách và trong đầu tôi hiện lên từ “Tea-Ching”(1).
Vẫn còn hân hoan từ chuyến đi châu Á, tôi chỉ vào cuốn sách và xuýt xoa:
– Ồ! Thì ra cô cũng có hứng thú với nền văn hóa Á Đông!
Cô ấy tròn mắt nhìn tôi rồi nói:
– Không, tôi chưa hề đặt chân đến châu Á và cũng chưa có ý định đến đó.
Tôi đưa mắt nhìn kỹ lại cuốn sách và tự cười mình khi nhận ra tựa đề của cuốn sách thật ra là: “Teaching in the Elementary Schools”, tức “Giảng dạy ở bậc Tiểu học”. Những ý kiến chủ quan của tôi về châu Á đã khiến tôi vội vã đưa ra kết luận rằng cô đồng nghiệp cũng quan tâm đến văn hóa Á Đông. Đó là một ảo giác, chứ không có thực. Ảo giác này phát sinh bởi những trải nghiệm của tôi về châu Á. Nó khiến tôi hình dung về thực tại theo một lối nhất định, che lấp đi sự thật khách quan của vấn đề. Câu chuyện nhỏ này là một ví dụ về cuộc sống thường nhật của chúng ta. Ta thường đem những nhận định trong quá khứ vào hoàn cảnh mới, để rồi dùng nó sàng lọc các trải nghiệm mới và tạo ra ảo giác trong hiện tại.
Một trong những sự thật phổ biến là nhận thức của ta về thế giới này, bao gồm cả nhận thức về chính bản thân ta, thường chưa đúng với thực tế. Bí quyết về “Năng lực tri giác” cho rằng trạng thái thực tại mà chúng ta đang cảm nhận được, bao gồm cả những nhận thức về chính bản thân ta, thật ra là không có thật mà chỉ là thực tế chủ quan do chính trí óc ta tạo nên. Theo nhà tâm lý học Kurt Lewin, nếu bạn tin rằng mình là người thiếu năng lực, khó ưa hay xấu xí, thì dù mọi người xung quanh không suy nghĩ như thế về bạn, ấn tượng của bạn về bản thân: “Tôi là một người không xứng đáng” vẫn là một sự thật trong tâm trí bạn. Ảo giác này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cách hành xử của bạn, như thể nó là một sự thật khách quan. Nhiều học thuyết cho rằng cách ứng xử của chúng ta thường không dựa trên thực tế khách quan mà dựa trên cảm nhận chủ quan của ta. Eckhart Tolle đã xem bản ngã như một ảo giác về “cái Tôi” của con người. Còn Albert Einstein(2) thì gọi đó là “ảo giác quang học của ý thức”.
Để chứng minh cho việc trí óc định hình các trải nghiệm mới, các nhà khoa học tại trường Đại học Cambridge đã tiến hành một cuộc thí nghiệm với những chú mèo con mới sinh bằng cách giới hạn tầm nhìn của chúng ở những mặt phẳng ngang. Do vậy, khi trưởng thành, các chú mèo này chỉ có khả năng nhận diện những mặt phẳng ngang chứ không thể nhận diện được mặt phẳng đứng. Chúng có thể phóng lên trên mặt bàn, nhưng lại đâm sầm vào các chân bàn. Rõ ràng, mặt phẳng đứng không hề tồn tại trong não bộ của các chú mèo này bởi chúng chưa từng được nhìn thấy khi còn nhỏ. Mục đích của cuộc nghiên cứu này nhằm chỉ ra rằng chính sự giới hạn về tầm nhìn khi còn nhỏ nên những gì mà các chú mèo nhìn thấy trong hiện tại chỉ là ảo giác.
Khi đề cập đến lòng tự tin, nghiên cứu này đã chứng minh: quan niệm cho rằng sự kiểm soát, cơn nóng giận, sự phán xét hay những phần khác trong mỗi người chính là bản chất của họ chỉ là ảo tưởng của tri giác. Cách chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh sẽ quyết định quan điểm của ta trong đời sống tinh thần. Từ những năm tháng đầu đời cho đến mãi về sau, sự tự tin, hay thiếu tự tin, được hình thành từ những lời mà ta nghe thấy và qua thái độ, cảm xúc, hành động của cha mẹ và những người trưởng thành khác. Suốt thời thơ ấu, não bộ của ta sẽ ghi lại những ký ức và mang chúng theo cho đến mãi về sau. Những ký ức này – tốt hay xấu – đều sẽ góp phần tạo nên nhận định của ta, thâm nhập vào mỗi tình huống trong hiện tại đồng thời định hình cách ta cảm nhận về bản thân, về mọi người và hoàn cảnh xung quanh. Nói cách khác, chúng ta cứ mãi tìm kiếm những mặt phẳng ngang bởi đó là những gì ta thấy được trong thời thơ ấu.
Hãy xét trường hợp của Glenda, người đã mang nặng ảo tưởng tri giác về mình trong suốt nhiều năm. Glenda vẫn nhớ rất rõ cảm giác của mình khi vào năm lên bảy, một người dì đã nắm chặt vai cô, nhìn thẳng vào mắt cô và gieo vào đầu cô ý nghĩ: “Con đừng bao giờ mặc màu đỏ nhé, vì tóc con đỏ rồi mà! Mái tóc đỏ này khiến con trông giống như chiếc xe cứu hỏa vậy”. Ảo giác này đã chế ngự suy nghĩ và cách hành xử của Glenda trong suốt bốn mươi năm và khiến cô chẳng bao giờ đụng đến những bộ quần áo màu đỏ. Glenda đã cố gò ép suy nghĩ, cảm xúc và cách hành xử của mình theo quan điểm của người dì. Ngay cả khi đã ở tuổi bốn mươi bảy, khi đã hiểu ra rằng không phải ai cũng có cùng quan điểm như người dì của mình nhưng Glenda vẫn cảm thấy không thoải mái khi mặc màu đỏ. Ảo tưởng tri giác từ thời thơ ấu vẫn còn lấn át lòng tự tin của cô, ngay cả khi cô đã trưởng thành.
Vào năm học lớp bảy, Stephanie mang sổ liên lạc được xếp loại A của mình về nhà, cha mẹ cô đã hỏi: “Này con, sao con không đạt loại A+ nhỉ?”. Khi Stephanie giành giải thưởng trong một cuộc thi viết văn và đem khoe với cha mình thì ông bảo: “Chắc là chẳng có nhiều bài dự thi nên họ mới trao giải cho con đấy”. Stephanie kể rằng ngay cả khi bước vào độ tuổi bốn mươi, cô vẫn sống với cảm giác cần phải chứng minh điều gì đó. Cô đã sống với ảo giác rằng mình chưa đủ giỏi.
Joe là một nạn nhân khác của tình trạng ảo giác về bản thân, và nó đã gần như hủy hoại cuộc sống của anh. Mỗi buổi sáng của Joe đều bắt đầu bằng tiếng gọi của người cha: “Mau lê cái thân lười nhác của mày ra khỏi giường đi!”. Câu nói ấy xuyên thẳng vào đầu óc non nớt của Joe, khiến anh tin rằng mình là kẻ lười nhác và chẳng có tí giá trị gì. Anh đã dành phần lớn thời gian của mình để làm việc đến kiệt sức. Anh đã cố gắng chứng minh giá trị bản thân và lòng tự tin bằng cách làm việc không ngừng nghỉ. Chính điều này đã gần như giết chết anh. “Tôi là người vô tích sự” là thông điệp của ảo giác mà anh luôn mang nặng trong lòng. Nó thôi thúc anh nỗ lực hết mình để gặt hái thành công cho đến khi anh cảm thấy mình có giá trị, nhưng anh chẳng bao giờ cảm nhận được điều đó dù vốn dĩ anh đã là người tài ba.
Bạn hãy thử bài trắc nghiệm sau đây: Hãy yêu cầu một người nào đó dành ra một phút để quan sát văn phòng của bạn hay bất cứ căn phòng nào mà bạn đang có mặt. Yêu cầu người bạn đó nhẩm trong đầu càng nhiều vật có màu xanh dương càng tốt. Có thể là thảm, giấy dán tường, bìa của những cuốn sách trên kệ, màn cửa hay ghế xô-pha. Sau một phút, hãy yêu cầu người bạn ấy nhắm mắt lại và kể ra những vật dụng màu vàng mà người ấy nhớ được. Hầu hết mọi người đều không thể nhớ được những vật màu vàng bởi họ chỉ tập trung vào vật màu xanh dương. Người bạn ấy có thể sẽ nhìn bạn với ánh mắt đầy ngạc nhiên, tự hỏi liệu có phải bạn đang muốn khoe việc bàn ghế vừa được đánh véc-ni lại hay không và nói: “Tôi chẳng thấy vật nào màu vàng cả bởi anh chỉ bảo tôi tìm màu xanh dương thôi mà”. Tuy nhiên, nếu bạn yêu cầu người bạn ấy tìm màu vàng thì hẳn người ấy đã thấy những vật màu vàng. Có thể căn phòng của bạn có rất ít vật màu vàng nhưng người ấy vẫn tìm ra bởi họ sẽ loại bỏ tất cả những thứ khác để chỉ tập trung vào những vật có màu vàng.
Mục đích của bài trắc nghiệm này là nhằm chứng minh cách chúng ta thu thập chứng cứ để ủng hộ cho niềm tin vốn có về bản thân mình từ khi ta còn nhỏ. Đa số cảm nhận của ta về bản thân và về những người xung quanh đơn thuần chỉ là những ảo giác. Khi ta bảo với các em nhỏ rằng chúng sẽ chẳng bao giờ trở thành người tốt hay đạt được thành công như mong đợi, ta đã tạo nên trong lòng các em viễn ảnh tiêu cực về bản thân, rằng các em thua kém, không xứng đáng hoặc không có giá trị. Những nhận định này sẽ chi phối cuộc sống của trẻ khi trẻ tưởng thành. Đôi khi, chúng ta vô tình đi quá xa khi cố gắng thu thập những chứng cứ trong hiện tại sao cho tương thích với những hình ảnh trong đầu mình nhằm củng cố niềm tin cố hữu nào đấy.
Nếu bạn cho rằng mình không thể thể hiện bản thân tốt tại buổi phỏng vấn xin việc (vì nghĩ rằng mình thua sút những người khác), thì bạn sẽ chẳng thể làm tốt được đâu. Nếu bạn nghĩ rằng mình là người kém cỏi, bạn sẽ biến những trải nghiệm của mình theo lối suy nghĩ ấy và cố gắng tìm những chứng cứ tương thích với nó. Những tình huống đi ngược lại với niềm tin ấy đều bị bạn phớt lờ đi, lảng tránh hoặc từ chối tiếp thu nó như một phần của trải nghiệm tri giác. Cứ như thế, bạn tiếp tục tìm kiếm sự kém cỏi của mình, bất chấp thực tế là mỗi ngày bạn đều nhận được những phản hồi hết sức tích cực giúp bạn xây dựng lòng tự tin. Những lời khen ngợi lướt ra khỏi đầu bạn. Bạn tự nhủ rằng những thành công của mình chỉ là do may mắn, còn những thất bại là bằng chứng thuyết phục cho sự kém cỏi của bản thân.
Mấu chốt vấn đề nằm ở cách nhìn nhận của bạn
Nền tảng của bí quyết “Năng lực tri giác” dựa trên quan điểm cho rằng chính cách nhìn nhận vấn đề đã tạo nên toàn bộ đời sống của bạn – thể chất, tinh thần và những trải nghiệm cuộc sống. Bạn là những gì bạn nghĩ về mình; và bạn có thể thay đổi mình bằng cách thay đổi cách nhìn nhận về bản thân. Bằng cách đó, bạn có thể thay đổi hoàn cảnh sống của mình. Bạn có thể biến những gian khổ và tuyệt vọng thành những trải nghiệm để có được một cuộc sống tự tin và thanh thản.
Mỗi hành động của bạn đều được khởi đầu bằng một ý nghĩ. Ví dụ, hãy nghĩ về thứ gì đó thật đơn giản mà bạn có thể vẽ ra trong vòng một phút, chẳng hạn như hình người cơ bản hay một bông hoa (khả năng nghệ thuật không quan trọng ở đây). Bây giờ, hãy vẽ hình đó ra giấy. Vậy là bạn vừa chuyển một ý tưởng thành một thực thể vật chất rồi đấy. Một ví dụ khác là hãy xem cuốn sách này được khởi đầu bằng một ý tưởng trong đầu tôi. Nhưng bây giờ thì nó đã là một vật hữu hình mà bạn cầm được trên tay. Nếu tôi không tin rằng mình có thể viết cuốn sách này thì hẳn giờ đây bạn sẽ chẳng đọc được nó đâu.
Mọi hành động của bạn, từ việc làm bánh, trang trí phòng ốc cho đến việc tìm bạn qua mạng, đều được khởi xướng từ một ý nghĩ trong đầu bạn. Bộ phim “Cuộc chiến giữa các vì sao”, bản giao hưởng số năm của Beethoven, khu chung cư bên đường, máy iPod, máy PDA(3), hay tivi màn hình phẳng…, tất cả đều bắt đầu từ những ý nghĩ. Dự định hẹn hò ai đó, ứng đối với một đồng nghiệp khó tính hay đề nghị sếp tăng lương… đều là những ý nghĩ trước khi chúng trở thành hành động.
Bức tranh về thực tế trong đầu ta thường dựa trên những nhận thức được hình thành trong quá trình phát triển của bản thân ta. Những hình ảnh và nhận định ấy phát triển từ đặc điểm gia đình cùng các trải nghiệm văn hóa xã hội mà ta có được. Chúng không phải là các thực thể khách quan, mà là cách nhìn chủ quan của ta về thực tế, qua sự sàng lọc của đôi mắt ta. Ví dụ, người Mỹ có rất nhiều từ để miêu tả màu sắc: hồng, cam, vàng, xanh lá nhạt… trong khi nhiều ngôn ngữ khác có lại ít từ ngữ miêu tả màu sắc hơn. Kết quả là họ phân biệt được màu sắc không được đa dạng như người Mỹ. Người Eskimo lại có rất nhiều từ dùng để miêu tả tuyết trong khi tiếng Anh lại chỉ có một vài từ để miêu tả cùng đối tượng đó. Vì vậy, người Eskimo đã hình dung được nhiều loại tuyết hơn so với các chủng tộc nói tiếng Anh.
Tương tự, bạn cũng hình thành trong tâm trí mình những hình ảnh về bản thân và thế giới xung quanh. Những hình ảnh này sẽ định hướng cảm xúc và hành động của bạn; và rồi những hành động này sẽ lại tạo nên các phản ứng nhất định của những người xung quanh bạn. Vì thế, thông qua những hình ảnh bị giới hạn, bạn sẽ tạo ra một chu trình tương tác có khả năng tự tăng cường sức mạnh bởi nó sẽ định hướng cách bạn nghĩ về bản thân, các loại quan hệ mà bạn cuốn hút và bị cuốn hút vào, cũng như quyết định mức độ lành mạnh trong lối sống của bạn. Bí quyết “Năng lực tri giác” – thể hiện niềm tin rằng cuộc sống của chúng ta bị chi phối bởi những ảo giác định hình suy nghĩ và hành động của ta mỗi ngày – có thể giải thoát ta khỏi những giới hạn.
Một khi hiểu được rằng chính tầm nhìn bị giới hạn đã ngăn cản cuộc sống của bạn diễn ra theo ý muốn, chứ không phải do môi trường xung quanh, bạn sẽ chủ động hành động, thay vì thụ động phản ứng như trước. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh. Tóm lại, lòng tự tin không đến từ thực tế bên ngoài mà nó bắt nguồn từ cách bạn nhìn nhận thực tế thông qua những hình ảnh bị giới hạn trong tâm trí mình (được hình thành từ những trải nghiệm trong quá khứ). Mọi thứ sẽ suôn sẻ nếu cuộc sống diễn ra theo đúng như những gì bạn hình dung về nó. Nhưng khi có việc gì đó xảy ra không tương thích với những hình ảnh trong đầu bạn, hoặc khi ai đó không sống được như những gì bạn kỳ vọng ở họ, thì bạn sẽ phản ứng. Như thế, chính cách nhìn nhận hạn hẹp về cuộc sống đã đặt bạn trong sự chi phối của người khác và của các sự việc bên ngoài, góp phần hủy hoại lòng tự tin của bạn.
Đừng để lý trí cản trở sự phát triển của bạn
Hãy hình dung một ngày nọ, sếp bước ngang bàn làm việc của bạn ở văn phòng. Bạn mỉm cười và gật đầu chào bà; còn bà thì ngó lơ, cứ như không hề nhìn thấy bạn. Bạn thấy hụt hẫng và nghĩ ngay rằng mình bị ghét bỏ hoặc đang gặp rắc rối gì đó. Bạn lo lắng suốt cả tuần sau. Bạn nhắn tin cho một đồng nghiệp xuất sắc – người cũng đã từng gặp trường hợp tương tự với sếp – dấu hiệu này chứng tỏ đây chẳng phải là việc cá nhân. Thế rồi tại một buổi họp, sếp của bạn tâm sự thân tình rằng chồng bà và một số nhân viên than phiền rằng bà quá chú tâm vào các dự án nên chẳng còn để ý gì đến những người xung quanh – lại thêm một dấu hiệu cho thấy chẳng phải mỗi mình bạn bị sếp phớt lờ. Một tuần sau, sếp gọi bạn vào phòng làm việc của bà. Bạn thấy bồn chồn trong dạ. Thế nhưng, sếp của bạn đã đưa cho bạn bảng đánh giá năng lực làm việc hết sức tuyệt vời – đây là lời khẳng định rằng chẳng những bạn không bị sếp ghét bỏ mà còn được đánh giá rất cao.
Thủ phạm dẫn đến sự lo lắng này chính là việc đọc ý nghĩ – một loại ảo giác về hoàn cảnh dựa trên niềm tin của bạn, chứ không phải dựa trên sự thật khách quan. Nếu bạn giống như đa số mọi người, nghĩ rằng mình có thể dự đoán được suy nghĩ của người khác trong một tình huống nhất định, thì đó thật ra chỉ là suy nghĩ của bản thân bạn, chứ không phải của họ. Đó là lý do vì sao chúng đều là những ảo giác. Điều cần rút ra ở đây là: “Đừng quá tin vào những gì bạn nghĩ”.
Nếu nhà phê bình nội tâm (tức bản ngã) có thói quen vội vã đưa ra kết luận ở nơi làm việc, ở nhà hoặc ngay cả khi bạn đi chơi, thì hãy tiến vào bên trong thế giới nội tâm của mình, dùng sự hiếu kỳ mà hỏi nó rằng: “Đâu là bằng chứng của kết luận này?”. Càng thực hành phương pháp này, bạn sẽ càng ít bị lệ thuộc vào những ảo giác của mình đồng thời sẽ chờ đợi đến khi có đủ bằng chứng mới đưa ra kết luận. Đôi lúc, bạn phải chờ đợi các chứng cứ ấy xuất hiện, cũng giống như khi cần đánh giá năng lực làm việc vậy. Cũng có khi bạn nhận được kết quả kiểm tra thực tế từ bạn bè hay đồng nghiệp. Thỉnh thoảng bạn có thể đề nghị người nào đó làm sáng tỏ vấn đề. Bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn không tìm được bằng chứng đủ sức thuyết phục để minh chứng cho khoảng 90% ảo giác của mình. Khi bạn có ý nghĩ không tốt về một tình huống nào đấy, việc đi tìm bằng chứng, thay vì vội vã kết luận, sẽ giúp bạn không phải lo lắng vô ích.
Hãy xét trường hợp của Marcy. Cô thường xuyên sống trong tình trạng hoang mang vì luôn tự nhủ rằng việc mình thất bại trong nghề bất động sản chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Marcy cho biết cô cảm thấy mình như một kẻ giả danh và luôn lo lắng rằng một ngày nào đó, sự kém cỏi của cô sẽ lộ ra và cô sẽ mất việc. Tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu trước sự mâu thuẫn giữa suy nghĩ của Marcy và thực tế cuộc sống của cô. Năm ngoái, Marcy đã được khen thưởng vì thành tích xuất sắc của cô trong lĩnh vực bán hàng và đã mang về hàng triệu đô-la cho công ty. Cô thừa nhận rằng mọi người đều nghĩ cô rất giỏi giang và thành đạt. Thế nhưng cô vẫn nói với tôi rằng: “Thoạt đầu, tôi cảm thấy rất vui vì sự công nhận của mọi người. Nhưng rồi tôi nhận ra đó chỉ là may mắn và nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra thêm lần nữa. Tôi cảm thấy mình đang tuột dốc thảm hại trong năm nay!”.
Các sự kiện diễn ra trong cuộc sống của Marcy chẳng những không khớp với nhận định của cô về bản thân mà còn hoàn toàn trái ngược. Tuy nhiên, thay vì phản bác cách nhìn nhận về bản thân của mình và chấp nhận thực tế, ảo giác của cô lại lấn át mọi sự kiện ấy. Vô tình, Marcy đã hủy hoại lòng tự tin của bản thân bằng cách tự nhủ rằng mình không có năng lực. Nếu cô không dẹp bỏ những ảo giác nguy hiểm này thì sớm muộn gì thành công của cô sẽ bị hủy hoại và những lo lắng kia sẽ trở thành hiện thực. May mắn thay, Marcy đủ khả năng để tách mình ra khỏi tiếng nói chống đối kia và nhận ra rằng nó chỉ là một phần trong con người cô. Cô lắng nghe những mối bận tâm của nó để nó cảm thấy được quan tâm và có thể thư giãn. Giờ đây, Marcy vẫn giữ vững vị trí nhân viên môi giới bất động sản hàng đầu trong khu vực.
Những người thiếu tự tin luôn có cảm giác thiếu hụt trong cuộc sống. Bởi họ tin rằng họ chẳng bao giờ gặt hái được thành công và đạt đến được sự hoàn hảo thật sự nên họ luôn cảm thấy không vui và ra sức làm việc để bác bỏ những ý nghĩ tiêu cực về bản thân. Họ thường hay bẻ cong những phản hồi tích cực từ sếp hay từ người bạn đời sao cho tương thích với lăng kính ảo giác mà họ đang mang, biến chúng trở thành những phản hồi tiêu cực.
Julie được thăng chức, nhưng vị trí mới không đủ cao so với thang bậc địa vị trong công ty. Steve nhận danh hiệu nhân viên bán hàng xuất sắc trong tháng, nhưng anh không phá được kỷ lục về doanh số. Phyllis đạt loại A trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, nhưng cô lại thất vọng vì nó không phải là điểm A+. Cả ba người này đều nhìn nhận bản thân như kẻ thất bại, trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng họ rất thành công.
Những nhận thức khiến bạn cảm thấy bất an
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình thường gặp rắc rối khi có bất đồng với người khác? Có bao giờ bạn băn khoăn tại sao mình giận dữ quát tháo người bạn đời hoặc đồng nghiệp vì những phát ngôn hay hành động của họ để rồi ngay sau đấy, bạn lại cảm thấy vô cùng hối hận vì đã làm tổn thương họ?
Một số nghiên cứu đã giải thích lý do tại sao nhiều người trong chúng ta không thể kiểm soát được phản ứng châm ngòi xung đột của mình. Các phản ứng cảm xúc được hình thành từ một “limbic system” (hệ thống gồm nhiều vùng có chức năng chi phối cảm xúc và một số nhu cầu cơ bản của con người), còn gọi là “hệ thần kinh cảm xúc”. Khi vùng não bộ này nhận ra các tình huống đe dọa về mặt cảm xúc, chúng ta sẽ có phản xạ “đối đầu hoặc từ bỏ”. Từ bên trong, cơ thể ta tiết ra chất adrenaline và nhịp tim, huyết áp, nhịp thở đều tăng vọt, trong khi bề ngoài ta có thể nổi đóa lên, chết lặng trong sợ hãi hoặc bỏ chạy mất tăm.
Hệ thần kinh cảm xúc của chúng ta, hay còn gọi là “bộ não cũ”, là một phần của não bộ, nơi lưu trữ những tổn thương trong quá khứ. Những sự kiện diễn ra trong hiện tại có thể dẫn bạn đến các thương tổn xưa, khơi gợi những ký ức một thời làm bạn giận dữ hay sợ hãi. Hạch hạnh nhân, một bộ phận nhỏ của não bộ có hình dáng trông như quả hạnh, được cho là nơi lưu giữ những xúc cảm ban sơ có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ. Các tình huống hiện tại diễn ra tương tự như những tình huống trước đã được bộ não cũ lưu giữ lại sẽ kích thích hạch hạnh nhân này và khiến chúng ta chuyển sang trạng thái phòng vệ.
Để giải thích cách ảo giác trở thành phương tiện học hỏi khi được kích hoạt thông qua những tương tác ở hiện tại nếu chúng ta sẵn lòng lùi lại và tách mình ra khỏi chúng, Gary Zukav(4) đã viết:
“Mỗi tương tác đối với cá nhân là một phần của quá trình học tập cách ứng xử liên tục. Khi bạn giao tiếp với ai đó, ảo giác là một phần của cách ứng xử này. Ảo giác này cho phép tâm hồn cảm thụ điều mà nó cần hiểu để chữa lành các vết thương. Nó tạo ra những tình huống cần thiết (như trong một vở kịch) để mang đến đầy đủ các mặt cần được chữa trị của mỗi tâm hồn”.
Điều này được minh họa qua câu chuyện của Mark. Anh đã dành cả ngày để dọn dẹp nhà cửa nhằm tạo sự bất ngờ cho vợ. Nhưng khi về nhà, vợ anh chỉ vào một đốm bụi ở góc phòng, rồi với vẻ định giúp đỡ chồng, cô bảo: “Ồ, anh yêu, anh bỏ sót một chỗ bẩn ở kia kìa”. Mark lập tức nổi cơn thịnh nộ. Anh buộc tội cô đã không ghi nhận sự cố gắng của anh và quát tháo rằng chẳng có gì làm cô vừa lòng cả.
Cuối cùng, bằng cách nhận thức về cơn nóng giận của mình, Mark cũng hiểu ra rằng anh đã tạo nên ảo giác về bản thân, nhìn nhận mình như một người kém cỏi và điều này đã trở thành nguyên nhân gây ra cơn thịnh nộ của anh. Bị ảo giác này chi phối nên cứ mỗi khi có ai đó (vợ, cấp trên, đồng nghiệp hay bạn bè) nhận xét về mình là bộ não của Mark lập tức biến những trải nghiệm cảm xúc mới thành những ký ức cảm xúc cũ và khiến anh có phản ứng thái quá. Kho dữ liệu trong bộ não cũ của anh đã nhanh chóng nhắc nhở anh nhớ về những thất bại trong thời niên thiếu khi anh lớn lên trong sự chê bai, chỉ trích của cha mẹ. Thế là niềm tin rằng mình chẳng bao giờ làm được việc gì đúng đắn trong anh lại càng được củng cố. Nhưng Mark dần nhận ra rằng nếu cảm giác này xuất hiện trong hầu hết các mối quan hệ của anh thì hẳn vấn đề không phải là do người khác mà là do chính anh. Sự thức tỉnh này đã trở thành chìa khóa giúp anh thay đổi cách nhìn lệch lạc của mình và hàn gắn những vết rạn trong tâm hồn.
Nếu chúng ta nghĩ về bản thân hoặc về những tình huống nhất định nào đó một cách cứng nhắc – rằng mình chẳng có giá trị gì hay đang ở trong tình thế nguy hiểm – thì ta sẽ mang theo lối suy nghĩ ấy vào trong cuộc sống hằng ngày của mình và xem chúng là sự thật. Một cách vô ý thức, chúng ta đã chồng chất những ảo giác này lên hoàn cảnh hiện tại. Richard Schwartz đã giải thích sự trái ngược giữa những người tự tin và những người thiếu tự tin như sau:
“Lý do giúp những người tự tin có thể giữ được bình tĩnh và đầu óc sáng suốt khi đương đầu với cơn nóng giận là họ tin tưởng rằng dẫu họ có bị xúc phạm đến mức nào chăng nữa thì những lời đó không phải là con người thật của họ và họ cũng chẳng bị tổn thương vì nó mãi mãi. Chúng ta phòng vệ không phải vì có ai đó đang tấn công ta, mà bởi sự tấn công đang khiêu khích cái phần hay phê phán trong ta – cái phần sẽ kích hoạt cảm giác thấy mình không có giá trị và cảm giác sợ hãi đã tích tụ trong ta từ thời thơ ấu. Bất cứ sự khinh khi nào ta phải nhận lãnh trong hiện tại cũng đều khơi mào cho những tổn thương tương tự trong quá khứ của ta trở về trong tâm trí. Chúng ta không sợ hãi những sự kiện nhất thời mà sợ phải chịu đựng những dư âm của nó. Chúng ta sợ hãi những sự việc góp phần củng cố những suy nghĩ tệ hại nhất của ta về bản thân mình”.
Giả sử bạn từng trải qua hai cuộc tình tan vỡ và hết sức đau lòng vì nó. Rất có khả năng bạn sẽ tiếp nhận mối tình thứ ba trong nỗi lo sợ rằng cuộc tình mới rồi cũng sẽ lại làm mình tan nát cõi lòng. Có thể là một nét tính cách nào đấy ở người yêu mới sẽ gợi cho bạn nhớ về những người đã từng làm bạn tổn thương. Bạn sẽ tỏ ra giận dữ hoặc thường chỉ trích những người có nét tính cách như thế, cứ như thể họ chính là người đã từng làm tổn thương bạn vậy. Những ảo giác về mặt cảm xúc này sẽ ngăn cản bạn kết nối với mọi người xung quanh.
Jamey là một trường hợp điển hình như thế. Một trong những điều khiến Jamey cảm thấy bất an là có người đã từng thất hứa với cô. Jamey lên kế hoạch đi ăn tối với cô bạn Edie của cô từ trước đó một tháng. Hai ngày trước cuộc hẹn, Jamey gọi điện cho Edie để xác nhận lại lần nữa thì Edie bảo rằng cô quên đánh dấu vào lịch của mình nên đã trót hẹn đi xem phim với một vài người bạn khác vào đúng hôm đó. Dù Edie tỏ ra rất hối hận nhưng Jamey vẫn phản ứng hết sức dữ dội với ý nghĩ: “Tôi chẳng tin cô là người biết giữ lời hứa. Hẳn tôi là người chẳng quan trọng gì trong mắt cô”. Dù Edie có phân trần bằng lý do gì chăng nữa thì Jamey vẫn không thay đổi suy nghĩ của mình bởi nó đến từ bản ngã đầy ảo giác của cô. Tình huống này đã khơi gợi lại trong lòng Jamey ký ức về việc cô bị người cha nghiện rượu bỏ rơi lúc ấu thơ. Ngày đó, cha Jamey có thói quen dẫn cô đi xem phim rồi bỏ cô ở rạp mà chẳng bao giờ nhớ quay lại đón.
Khi lên tám, Jamey tự rút ra bài học kinh nghiệm là đừng bao giờ tin tưởng rằng người lớn sẽ giữ lời bởi họ luôn thất hứa hết lần này đến lần khác. Và cô cứ giữ lấy ảo giác ấy trong hầu hết mối quan hệ với những người trưởng thành. Ảo giác này đã khiến cô luôn cảm thấy bị bạn bè và những người thân yêu bỏ rơi. Rất may là cuối cùng, Jamey cũng đã nhận ra rằng cô không nên để những cảm nhận cũ xen vào các mối quan hệ mới của mình. Cô đã nhận ra được khi nào thì cảm xúc cũ (những ảo giác) len lỏi vào các mối quan hệ mới để rồi tách mình ra khỏi chúng và tạo dựng một mối quan hệ thấu hiểu với chúng.
Bạn có thể định hình lại những nhận định cũ của mình bằng cách chú tâm vào thời điểm chúng xuất hiện và ngăn cản bạn cảm nhận sự việc trong hiện tại như bản chất vốn có. Việc bạn cần làm là hãy ghi nhận những người, những việc khiến bạn thấy bất an. Thay vì phản ứng một cách máy móc, hãy tự hỏi rằng những cảm xúc hay kinh nghiệm cũ nào đang chi phối bạn. Khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng chính những cảm nhận từ nội tâm (một phần của bản ngã) đã làm cho bạn thấy bất an, chứ không phải là do con người hay hoàn cảnh hiện tại. Việc này sẽ cho phép bạn nhìn nhận tình thế hiện tại rõ ràng hơn, tránh được những rắc rối không đáng có.
Ứng dụng bí quyết “Năng lực tri giác”
Chúng ta thường mang theo những ảo giác về bản thân một cách vô ý thức. Những ảo giác này sẽ ngăn trở sự tự tin của ta để rồi sau đó, ta sẽ dễ dàng phá hỏng các mối quan hệ, sức khỏe và quá trình vươn đến thành công của mình. Việc thoát khỏi những ảo giác của quá khứ và khoác lên người chiếc áo “thám tử” có thể mang đến cho bạn góc nhìn khác hơn và đánh giá đúng đắn hoàn cảnh mình đang sống.
Giải thoát bản thân khỏi những ảo tưởng của quá khứ
Quan điểm cho rằng những phần trong con người mình là tất cả bản chất của mình là một ảo tưởng tri giác. Tách bản thân ra khỏi một số phần ấy sẽ giúp bạn khám phá ra những phần còn lại vốn bị che khuất bấy lâu nay. Bạn hoàn toàn có thể tách mình ra khỏi những nhận định tiêu cực trong quá khứ.
Hãy nhìn vào những chấm tròn ở hình 1. Theo bạn, chấm tròn giữa ở hình nào lớn hơn? Câu trả lời là cả hai đều có kích thước như nhau. Nhưng nhiều người cứ cho rằng chấm tròn ở hình thứ nhất lớn hơn ở hình thứ hai. Đó là một ảo tưởng của tri giác. Chính những chấm tròn xung quanh đã đánh lừa cảm giác của ta, khiến ta nghĩ rằng chấm tròn này lớn hơn chấm tròn kia.
Giả sử bạn là chấm tròn ở chính giữa hình thứ nhất còn những chấm tròn lớn xung quanh là những phần trong con người bạn, chẳng hạn như sự phán xét, sự giận dữ, sự chỉ trích, nỗi sợ hãi, sự chần chừ… Trông bạn có vẻ nhỏ hơn so với những phần còn lại đó bởi cái tôi tự tin của bạn đã bị chúng che khuất. Giả sử hình thứ hai minh họa cho một người mà cái tôi tự tin của họ nắm giữ vị trí lãnh đạo chứ không bị chi phối bởi các phần khác. Chấm tròn ở vị trí trung tâm trông có vẻ to hơn chấm tròn ở giữa hình thứ nhất. Thế nhưng thật ra, cả hai hình tròn này đều cùng kích thước. Bạn sẽ thấy được điều này khi chỉ nhìn vào mỗi chấm tròn chính giữa. Nói cách khác, việc lùi lại để nhìn lại cuộc đời mình một cách khách quan sẽ giúp bạn tách cái tôi tự tin ra khỏi những phần còn lại. Mặc dù có những phần trong con người bạn lên tiếng rằng bạn thua kém hoặc vô tích sự, nhưng bạn sẽ nhận ra đây chỉ là ảo giác, hoàn toàn không phải là cái tôi tự tin của bạn.
Tiếp theo, hãy nhìn vào hình vuông ở hình 2. Bạn có thấy các cạnh của nó trông có vẻ méo mó không?
Đây cũng là một ảo giác do hoàn cảnh xung quanh tạo nên. Giả sử bạn chính là hình vuông ấy và những đường tròn đồng tâm ở phía sau là những phần còn lại trong con người bạn, hay bản ngã của bạn. Khi chuyển hình vuông ra khỏi cái nền ấy, bạn sẽ thấy đó là một hình vuông hoàn hảo và chẳng hề méo mó tí nào.
Bài trắc nghiệm này có thể giúp bạn nhận thức được sự thật khách quan về bản thân mình, rằng những niềm tin tiêu cực, chính là những ảo giác, đã che lấp con người thật của bạn. Bạn có thể dựa vào điều này để tách những lỗi lầm ra khỏi con người mình. Bạn không cần phải biến mình thành kẻ thất bại chỉ vì bạn đã trót mắc sai phạm. Bạn cũng không cần phải mang mãi trong lòng cảm giác xấu hổ hay tội lỗi. Khả năng phân tách bản thân ra khỏi những phần khác trong con người mình như sự chỉ trích, nóng giận, đau đớn, buồn bã; cùng với việc xem các phần này chỉ là những khía cạnh của bản thân chứ không phải là tất cả về mình sẽ giúp bạn thông suốt trong cách nhìn nhận vấn đề.
Khoác lên người “chiếc áo thám tử”
Hãy lập một danh sách những ảo giác về bản thân mà bạn có thể nhận biết được. Những lời khen ngợi hoặc những lời khẳng định nào mọi người xung quanh thường dành cho bạn nhưng lại bị bạn chối bỏ? Những thông điệp tiêu cực nào bạn đã phải nhận lãnh từ thời ấu thơ nhưng giờ đây, bạn đã có thể quan sát nó và nhận ra rằng nó không hề đúng với mình? Những khát vọng thời thơ ấu nào đã bị bạn bỏ rơi chỉ vì người khác bảo rằng bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được chúng? Thử áp dụng bài thực hành này để xem liệu bạn có thể khôi phục quyền sở hữu đối với các phẩm chất đã mất đi và thể hiện chúng trong cuộc sống của mình không.
Tiếp theo, hãy để ý xem có phần nào trong con người bạn đang xâm chiếm bạn bằng những dự đoán tiêu cực không. Hãy lập một danh sách những dự đoán tiêu cực đó. Với mỗi dự đoán tiêu cực, bạn hãy tự hỏi bản thân: “Đâu là bằng chứng cho dự đoán này?”. Khi ấy, chẳng những bạn không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào mà còn có thể tìm được những chứng cứ thuyết phục cho điều ngược lại. Khi khoác lên người mình “chiếc áo thám tử”, bạn sẽ dần nhận ra rằng bạn không thể tiếp tục dùng ảo tưởng làm nền tảng cho tương lai của mình. Gary Zukav đã nói rằng: “Những ảo tưởng sẽ không thể chi phối được bạn khi bạn sống với tình yêu thương rộng mở và trí sáng tạo tuôn chảy trong mọi khoảnh khắc hiện tại”. Đấy chính là khi bạn sống với cái Tôi tự tin của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.