Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

1. CHÚ BÉ VÀ KHỞI ĐẦU CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH



Khi lên sáu tuổi, tôi là một cậu bé rất nhút nhát. Công việc bán báo ở khu Nam Chicago đông đúc thật chẳng dễ dàng chút nào, nhất là khi những đứa lớn hơn đã chiếm hết những góc phố nhộn nhịp nhất. Chúng cất giọng rao lớn hơn, và dứ về phía tôi nắm tay siết chặt đầy doạ dẫm. Hồi ức về những năm tháng tăm tối ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ tôi, nhắc nhở tôi về lần đầu tiên biết cách chuyển bất lợi trở thành lợi thế cho mình. Giờ đây chuyện này nghe có vẻ trẻ con và chẳng mấy quan trọng… nhưng khi ấy, với tôi, đó chính là bước khởi đầu.

Gần góc đường nơi tôi cố gắng kiếm sống là nhà hàng Hoelle và chính nhà hàng này đã gợi lên cho tôi một ý tưởng. Trong con mắt của một đứa bé sáu tuổi, đó là một nơi náo nhiệt, phồn hoa và không kém phần đáng sợ. Tôi đã rất bồn chồn lo lắng song tôi cố liều bước thật nhanh và may mắn bán được một tờ ở bàn đầu tiên. Và rồi thực khách ở bàn thứ hai và thứ ba cũng quay sang hỏi mua báo. Khi tôi bắt đầu bán đến bàn thứ tư, thì ông Hoelle, chủ cửa hàng, đẩy tôi ra khỏi cửa. Nhưng dù sao tôi cũng đã bán được ba tờ báo rồi. Thế nên lựa lúc ông Hoelle không để ý, tôi lại lẻn vào và mời tiếp ở bàn thứ tư. Dường như vị thực khách vui tính đó thích sự lém lỉnh của tôi, ông không chỉ trả tiền báo mà còn thưởng thêm một hào trước khi tôi lại bị ông Hoelle tống cổ ra cửa. Thế nhưng tôi đã bán được đến bốn tờ báo và còn “lời” thêm một hào. Tôi lại nghênh ngang bước vào và bắt đầu bán tiếp. Mọi người cười rộ lên. Các vị khách hào hứng thưởng thức trò vui. Có tiếng nói vọng ra khi ông Hoelle bước đến chỗ tôi: “Cứ mặc thằng bé đi!” Năm phút sau, tôi đã bán hết số báo trên tay.

Tối hôm sau, tôi lại đến và ông Hoelle cũng vẫn xua tôi ra ngoài. Nhưng khi tôi quay lại, ông đã khoát mạnh tay và thốt lên: “Thật bó tay với mày!” Về sau, chúng tôi trở thành “bạn” tốt và tôi chẳng còn gặp trở ngại gì khi bán báo ở nhà hàng đó nữa.

Nhiều năm sau, tôi thường nhớ về cậu bé bán báo năm nào, như thể đó không phải tôi mà là người bạn lạ lẫm nào từ xa xưa lắm. Sau này, khi đã gây dựng được sự nghiệp và đang lãnh đạo một tập đoàn bảo hiểm hùng mạnh, tôi đã thử phân tích hành động của cậu bé ấy theo những gì tôi đã tích lũy. Và đây là điều tôi đã đúc kết được:

Tôi đã bật cười khi nhận ra “cậu bạn nhỏ” của tôi không những đã thành công trong việc bán báo, mà còn phát triển bí quyết ấy ngày càng thâm sâu – trở thành phương thức giúp cậu và vô số người khác có thể tự bồi đắp thành công cho tương lai của mình. Và rồi tôi lại tự nghiền ngẫm. Giờ đây, tôi chỉ cần ghi nhớ ba yếu tố: động lực, phương pháp và tiếp thu kiến thức.

 

Cuộc tìm kiếm của cậu bé tiếp diễn

Mặc dù lớn lên trong một khu phố nghèo và tồi tàn, tôi vẫn cảm thấy vui vẻ. Chẳng phải mọi đứa trẻ đều sống vui vẻ bất chấp cảnh nghèo túng, chỉ cần chúng có cơm ăn, chốn ngủ, và có nơi để vui đùa đấy sao?

Tôi sống cùng mẹ tại nhà của họ hàng. Khi tôi lớn lên, người ông của cô bé sống trên tầng thượng đã khơi gợi trí tưởng tượng của tôi bằng những câu chuyện về chàng chăn bò và người da đỏ, mỗi khi chúng tôi ngồi ăn cháo sữa với nhau. Và mỗi ngày, khi ông đã phát chán vì phải kể đi kể lại những câu chuyện đó, thì tôi lại chạy xuống cầu thang, ra sân sau và đóng giả làm Buffalo Bill, hay một vị tù trưởng da đỏ lỗi lạc nào đó. Tuấn mã của tôi được buộc từ cây chổi cũ và mấy cành củi khô. Nó là chú ngựa phi nhanh nhất miền Viễn Tây.

Hãy hình dung hình ảnh người mẹ ngắm nhìn cậu con trai nhỏ bên giường ngủ mỗi đêm và nghe cậu kể về những cuộc phiêu lưu kỳ thú trong ngày. Và hãy tưởng tượng sau cuộc trò chuyện, cậu bé khẽ trèo xuống giường và quỳ bên cạnh mẹ, trong khi bà đang khẩn cầu ơn trên dẫn lối. Như vậy, bạn sẽ hiểu được cảm giác của tôi khi bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Mẹ tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Như bao người mẹ khác, bà tin rằng con trai mình là một đứa trẻ ngoan, nhưng bà cũng rất lo lắng vì xung quanh tôi có nhiều “bạn xấu”. Và bà cũng không khỏi phật lòng khi phát hiện tôi đang tập tành hút thuốc.

Thuốc lá thì tốn tiền, do vậy tôi hay quấn bã cà phê trong giấy gói mỗi khi không mua được thuốc. Có lẽ hút thuốc khiến tôi cảm thấy mình quan trọng, nhất là trước mặt những đứa khác và tôi chỉ hút khi có bạn bè đứng lố nhố xung quanh. Vẻ mặt kinh ngạc của chúng khiến tôi cảm thấy có đôi chút thỏa mãn. Tôi có thể chứng minh mình “trưởng thành” như thế nào bằng những điếu thuốc tự chế. Tôi đã tạo được ấn tượng, nhưng nói cho cùng cũng chẳng tốt đẹp gì.

Hệt như những đứa trẻ bắt đầu sa ngã khác, tôi bày trò trốn học. Chuyện đó thật sự chẳng hay ho gì; và tôi cảm thấy hối hận. Có lẽ đó là cách tôi cố tỏ ra nổi trội hơn những đứa cùng hội cùng thuyền, nhưng ít nhất tôi cũng làm được một việc tử tế: Mỗi tối, khi trò chuyện với mẹ, tôi sẽ kể bà nghe tất cả – và tôi cũng sẽ thú nhận tất cả với bà.

Những lời cầu khẩn của mẹ tôi đã được nghe thấu. Bà ghi danh cho tôi vào Học viện Spaulding, một trường Dòng nội trú thuộc Nauvoo, bang Illinois. Chính tại nơi đó, tôi được học tập trong môi trường lành mạnh, nơi nuôi dưỡng ba yếu tố then chốt của phương thức thành công hoàn mỹ, tôi biết đã có điều gì đó xảy đến với mình – một điều gì đó thật tốt đẹp.

Còn nơi nào đem lại nguồn động lực, thôi thúc bạn tìm kiếm sự hoàn thiện bản thân tốt hơn một ngôi trường Dòng? Và còn ai nắm giữ phương pháp tuyệt vời nhất, vốn hiểu biết cần thiết nhất để giáo dục nhân cách, nếu đó không phải là những con người đã dành cả đời mình phụng sự nhà thờ, cố gắng giữ tâm hồn mình thanh khiết và tận tâm cứu rỗi linh hồn của kẻ khác? Và rồi từng tháng, từng năm trôi qua, tôi đã âm thầm nuôi dưỡng một khao khát cháy bỏng, mong mỏi một ngày nào đó có thể sánh ngang với Đức cha bề trên – người tôi hằng yêu quý và tôn sùng.

Nhưng tôi cũng thương mẹ và nhớ mẹ rất nhiều. Như bao nam sinh khác phải sống xa gia đình vì theo học trường tư, tôi rất nhớ nhà. Và cũng như họ, cứ mỗi lần được gặp mẹ hay viết thư cho mẹ, là thêm một lần tôi nài nỉ bà cho phép tôi về nhà ở hẳn.

Sau hai năm học ở Nauvoo, mẹ cảm thấy tôi đã sẵn sàng. Quan trọng hơn là bà cũng đã sẵn sàng. Hay chính do tình mẹ luôn yêu thương đùm bọc, mà bà cũng hằng mong muốn có tôi ở bên. Mặc dù vẫn còn chút hoài nghi về khả năng thích nghi của tôi với môi trường mới, nhưng bà hiểu rằng có thể gửi tôi về lại Nauvoo bất cứ khi nào bà muốn. Tôi đã sẵn sàng, và mẹ cũng thế.

 

Thăng tiến

Thời trẻ, mẹ tôi từng học thêu thùa; và nhờ có thừa hăng hái, tố chất và sự nhạy bén, mà tài thêu của bà vô cùng thành thục. Không lâu sau khi tôi chuyển đến Nauvoo, bà nhận thấy cần có sự thay đổi cả trong cuộc sống lẫn công việc. Giờ thì bà đã có thể rảnh tay thực hiện những ý định đó, do không còn phải bận tâm nhờ cậy người chăm lo cho tôi mỗi khi đến chỗ làm.

Bà tìm được một công việc tại cửa hàng Dillon, chuyên nhập khẩu trang phục nữ. Sau hai năm, bà đã đảm trách hết thảy mọi khâu từ thiết kế, ráp đồ và may thành phẩm, đồng thời trong giới khách hàng quen, bà đã tạo được tiếng vang là một nhà tạo mẫu và chế phục trang nổi tiếng. Thu nhập khấm khá đủ cho phép bà sắm hẳn một căn hộ riêng, nằm trong khu phụ cận khang trang hơn.

Tại chung cư nơi chúng tôi sống, bà chủ nhà dành hẳn một khu riêng cho việc bếp núc, nơi chúng tôi thường dùng bữa ở đó. Thức ăn thật hết chỗ chê – nào bò hầm, đậu rán, bánh nướng tự làm, khoai tây nghiền cho đến nước cốt thịt – mặc kệ những lời phàn nàn vui vẻ của các vị khách trọ. Trong mắt một thằng bé 11 tuổi như tôi, họ nhất định là những con người hay ho nhất quả đất – diễn viên. Và họ cũng thích tôi – thằng nhóc duy nhất có mặt ở đó.

Cũng như hàng nghìn người đã nắm lấy cơ hội cất bước tiến trên mảnh đất thời vận vô tận này, mẹ tôi đã dành đủ tiền để gây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng. Danh tiếng đã đem lại cho bà nhiều khách hàng hào phóng, nhưng bà lại thiếu phương pháp để tối ưu hóa tiềm năng của tín dụng ngân hàng. (Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã trở nên hùng mạnh chỉ nhờ nhận ra ngân hàng là đối tác đắc lực của họ, giúp họ khai thác thế mạnh thông qua kế hoạch tài chính hợp lý.)

Chính bởi thiếu hụt nguồn vốn hoạt động do không huy động được nguồn tín dụng tốt từ ngân hàng, việc kinh doanh phục trang của mẹ tôi đã không thể mở rộng quy mô ra khỏi tầm vóc của một cửa hàng tư, với chỉ vỏn vẹn hai nhân viên. Như mọi doanh nghiệp khác luôn muốn tự gồng gánh sự nghiệp của mình, mẹ đã vướng phải rắc rối về tài chính. Nhưng chính những khó khăn này mới đem lại cho chúng ta của cải thật sự từ cuộc sống, ví như niềm vui của sự cho đi.

Tôi đã biết tự lo chi tiêu cho bản thân (từ một phần tài khoản tiết kiệm của mình) bằng cách lập hẳn một tuyến bán báo có tên Bưu trạm tối thứ Bảy. Dù tối nào mẹ cũng gạn hỏi tôi về những rắc rối tôi gặp phải, nhưng bà lại chẳng bao giờ nói về khó khăn của mình. Tôi cảm nhận được điều đó. Một buổi sáng nọ, tôi chợt nhận ra dáng vẻ tiều tụy của mẹ. Vì thế, ngay buổi chiều hôm đó, tôi đã rút ra một khoản kha khá từ tiền tiết kiệm của mình và mua về một bó hồng rực rỡ nhất.

Niềm vui sướng của mẹ trước nghĩa cử đó đã đem lại cho tôi niềm hạnh phúc đích thực trên cương vị một người trao tặng. Mãi đến vài năm sau, bà vẫn hay kể lại chuyện đó với bạn bè với một niềm tự hào về những đóa hồng đẹp đẽ, thanh tú và ý nghĩa của chúng đối với bà. Chuyện này khiến tôi nhận ra rằng tiền bạc quả thật rất hữu dụng – đặc biệt là khi chúng mang lại những điều tốt đẹp.

Ngày 6 tháng Giêng hàng năm là ngày sinh nhật mẹ, đó luôn là một ngày ý nghĩa đối với cả hai chúng tôi. Vào ngày 6 tháng Giêng năm ấy, vì khoản chi khá lớn cho dịp mua sắm sau Giáng Sinh nên tài khoản tiết kiệm của tôi chỉ còn không tới một đô-la; thật khổ sở, tôi tha thiết muốn mua tặng bà một món quà. Sáng hôm ấy, tôi lẩm nhẩm cầu khấn Thượng đế.

Đến bữa trưa, trên đường từ trường về nhà, tôi nghe thấy có tiếng sột soạt dưới chân. Bất chợt, tôi dừng lại và nhìn quanh quất. Có cái gì đó thu hút sự chú ý của tôi. Tôi quay lại, cúi xuống nhặt lên một mảnh giấy màu xanh nhàu nhĩ, và ngạc nhiên nhận ra đó là đồng mười đô-la! (Hẳn bạn đã nghe về cái gì đó tương tự như vậy rồi.)

Tôi mừng như bắt được vàng, nhưng cuối cùng tôi quyết định sẽ không cần quà cáp gì hết. Tôi có một kế hoạch còn tuyệt hơn.

Mẹ tôi ghé về nhà ăn trưa. Trong lúc dọn bàn, bà nhấc chiếc đĩa lên và tìm thấy bên dưới có một mảnh giấy viết tay, kèm theo là đồng mười đô-la. Một lần nữa tôi lại được hưởng cảm giác sung sướng của người trao tặng, vì hôm đó dường như tất cả mọi người đều quên mất ngày sinh nhật của bà. Mẹ tôi rất hài lòng về món quà này, đúng vào thời điểm bà đang chắt chiu thêm một khoản nho nhỏ.

 

Quyết định chỉ quan trọng khi được thể hiện bằng hành động

Những trải nghiệm vừa rồi của cá nhân tôi đã chỉ ra rằng: Mỗi một quyết định mới mẻ mà chúng ta đưa ra khi còn bé hoặc khi đã trưởng thành, trong từng hoàn cảnh cụ thể, sẽ khởi đầu cho lối tư duy mà sau này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Một người trưởng thành đưa ra một quyết định dại dột hay sáng suốt hoàn toàn phụ thuộc vào những trải nghiệm của anh ta nhằm dẫn đến quyết định đó. Bởi cái đúng nhỏ sẽ lớn dần thành cái đúng lớn, và cái sai nhỏ cũng sẽ lớn dần thành cái sai lớn. Đây là cách diễn tả chính xác nhất bản chất của các quyết định.

Thế nhưng quyết định đúng cũng phải được thể hiện bằng hành động. Không có hành động, quyết định dù đúng đắn đến đâu cũng trở nên vô nghĩa, vì chính khao khát cũng sẽ chết mòn nếu không được nuôi dưỡng bởi nỗ lực chinh phục mục tiêu. Đó là lý do bạn cần hành động ngay sau mỗi quyết định đúng đắn.

 

Một khi đã quyết dấn thân vì điều gì, đừng quay đầu lại cho đến khi bạn đạt được nó

Năm tôi 12 tuổi, có một anh bạn cạnh nhà lớn tuổi hơn mà tôi rất nể phục – rủ tôi tham gia buổi họp mặt các nam Hướng Đạo Sinh. Tôi nhận lời và cảm thấy rất vui, do vậy tôi đã đăng ký tham gia vào một đội Hướng Đạo – Đội 23, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Stuart P. Walsh, một người đang theo học tại Đại học Chicago.

Tôi sẽ không bao giờ quên Stuart. Anh đúng là một nhân vật điển hình. Anh mong muốn mọi thành viên trong đội của mình đều sẽ trở thành những hướng đạo sinh hạng nhất trong thời gian ngắn nhất. Và anh cũng truyền cảm hứng đó cho mỗi thành viên, khiến ai cũng mong muốn đội của mình trở thành đội hướng đạo xuất sắc nhất ở Chicago. Nhưng đó chỉ là một phần lý do. Quan trọng hơn, tôi đã bị chinh phục bởi tuyên bố của anh: Muốn đạt được những gì mình kỳ vọng – hãy tự xét lại mình, mỗi khi bạn hướng dẫn, thúc đẩy, rèn luyện hay giám sát người khác.

Mỗi thành viên trong Đội 23 đều có báo cáo hàng tuần về những việc tốt đã làm được sau mỗi ngày rèn luyện – hay những lần giúp đỡ người khác mà không cần đền đáp. Phương pháp này khiến mỗi thành viên đều phải tìm kiếm từng cơ hội để làm việc tốt – và chính do chịu tìm kiếm, họ sẽ nắm được cơ hội.

Stuart P. Walsh đã gây được ảnh hưởng sâu sắc trong tâm trí mỗi thành viên thuộc Đội 23, để lại một dấu ấn không phai, là hiện thân của Điều Luật thiêng liêng: “Một Hướng Đạo Sinh phải đáng tin cậy, trung thành, tháo vát, thân ái, lịch thiệp, nhã nhặn, giữ khuôn phép, hòa đồng, tiết kiệm, dũng cảm, gọn gàng và lễ phép.”

Nhưng quan trọng hơn, anh còn luôn theo sát để đánh giá mỗi thành viên xem họ có biết cách liên hệ, thấm nhuần và vận dụng tốt các nguyên tắc hay không – tức là bạn không chỉ học thuộc lòng như vẹt, mà còn phải biết vận dụng chúng như một đấng nam nhi đích thực. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nghe anh nhắc nhở: “Một khi đã quyết dấn thân vì điều gì, đừng quay đầu lại cho đến khi các em đạt được nó.”

Trong chương tiếp theo, bạn sẽ hiểu được tại sao bài học từ người đội trưởng cũ lại khắc sâu trong tôi đến mức tôi đã bước một bước gần hơn đến phương thức hoàn mỹ của sự thành công mà không hề nhận ra. Cậu bé bán báo lanh lợi bạn làm quen từ đầu chương vẫn chưa ý thức được mình phải đi về đâu – nhưng ít ra, cậu đã đặt bước chân đầu tiên trên chuyến hành trình.

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Tất cả thành công trên đời đều xoay quanh ba yếu tố được liệt kê dưới đây. Một khi bạn hiểu thấu được chúng, bạn sẽ tìm ra con đường dẫn đến tương lai tươi sáng. Phần còn lại của cuốn sách này sẽ chỉ rõ cho bạn khái niệm của ba yếu tố ấy – nhưng bạn phải tự khai mở trí óc mình và tìm ra ý nghĩa thật sự của chúng.

  1. Động lực,
  2. Phương pháp,
  3. Khả năng tiếp thu kiến thức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.