Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng
11. NGUỒN GỐC BÍ ẨN CỦA SỨC MẠNH
“Lạy Chúa… Xin hãy cứu vớt con. Lạy Chúa, xin Người hãy cứu vớt con.” Hết lần này đến lần khác, Bill Toles khẩn khoản lặp đi lặp lại lời cầu nguyện với lòng tôn kính và hy vọng. “Lạy Chúa… Xin hãy cứu vớt con. Lạy Chúa, xin Người hãy cứu vớt con.”
William Toles, một ngư dân phục vụ trong quân ngũ, đã bị sóng đánh khỏi mạn tàu khi đang làm việc trên xà lan vào lúc 4 giờ sáng. Khi rơi xuống mặt nước, ông đã lập tức ứng biến theo chỉ dẫn của lính hải quân: Tháo chiếc quần đi biển và buộc chúng lại thành chiếc phao cứu sinh tự chế, như cách ông đã thực hành hàng trăm lần.
Hàng giờ trôi qua, dường như không ai phát hiện thấy ông rơi khỏi boong tàu. Đến 3 giờ chiều, ông mới được các thủy thủ trên chiếc Kẻ Thực Thi (Executor) – một tàu chở hàng Hoa Kỳ ‒ giải cứu. Và sau khi được kéo lên boong, điều đầu tiên ông làm là tạ ơn Chúa vì Người đã nghe thấu lời cầu nguyện của ông.
Câu chuyện này đã được kể lại trong cuốn sách kỹ năng nổi tiếng, TNT, The power within you – tạm dịch: TNT, Sức mạnh bên trong. Tôi đã sử dụng câu chuyện đó rất nhiều lần trong các bài phát biểu, và cũng từng gửi tặng chúng nhằm động viên các đại diện kinh doanh dưới quyền giám sát của tôi. Vì sao? Vì thuyền trưởng tàu Kẻ Thực Thi đã thay đổi lộ trình và cứu sống Bill Toles, khi ông còn cách tàu đến khoảng 325 km. Khi nhớ lại, vị thuyền trưởng đã không thể lý giải nổi điều gì đã khiến ông làm như vậy.
Lời cầu nguyện của tôi đã được đáp lại
Cách đây không lâu, tiến sĩ Joseph Maddy và vợ ông, Fay, đã đến nhà chúng tôi dùng bữa tối. Tôi đã kể cho họ nghe câu chuyện về Bill Toles, thuật lại những gì tác giả Harold Sherman đã tiết lộ với tôi sau khi quyển TNT được xuất bản.
Fay tấm tắc: “Thật thú vị, vì chúng tôi cũng từng trải qua chuyện tương tự. Khi còn ở Interlochen, chúng tôi có một người hàng xóm sống bên kia hồ. Mọi người hay gọi ông ấy là Thủy Thủ. Mùa đông mấy năm trước, Joe và tôi đã lên xe lưu động đến Marathon, Florida và bắt gặp Thủy Thủ đang mua sắm tại đó. Ông ấy đã kể Joe nghe về vận may gần đây ông có được khi đi câu.
‘Sáng hôm sau, Joe và Thủy Thủ cùng ra ngoài trên hai chiếc xuồng máy nhỏ. Họ không để ý đến dự báo thời tiết. Và đến chiều, đột nhiên biển động dữ dội.
‘Thủy Thủ quay về trước lúc 4 giờ chiều, cùng với chiếc xuồng câu. Hồi lâu không thấy Joe quay lại, tôi bắt đầu thấy lo lắng. Và tôi bắt đầu cầu nguyện.’” – Fay nói.
“Chuyện gì đã xảy ra với anh?” Tôi hỏi Joe.
“À, cơn bão đã ập tới rất nhanh. Sóng đánh cao ngất còn chiếc xuồng thì quá bé, vì vậy tôi đã bị hất văng khỏi mạn thuyền. Tôi đã bị sóng nhấn chìm hết lần này đến lần khác. Nhưng đến lần cuối cùng, tôi cảm thấy cánh tay mình đã chạm đến mạn thuyền, nên tôi đã cố gắng bám chặt lấy và trèo lên.
Chiếc xuồng lộn đúng một vòng. Do đó khi trồi lên lần đầu, tôi đã không nhìn thấy nó.”
Fay tiếp lời: “Sau khi nghe Joe kể lại tôi mới hiểu ra – phép màu đã xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều, đúng vào thời điểm tôi đang cầu nguyện.”
Trong chương này, tôi xin được liên hệ đến câu chuyện của Bill Toles và Joseph Maddy vì chính bản thân tôi cũng tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện. Với tôi, nó đóng vai trò rất quan trọng trong phương thức hoàn mỹ của thành công.
Sức mạnh nguyện cầu rất huyền bí, cũng giống như các định luật tự nhiên và định luật vật lý thuở đầu – cho đến khi con người đủ khôn ngoan để thấu hiểu được nó.
Thế nhưng bất kể chúng ta có nhận thức được hay không, chân lý vẫn là chân lý. Có quả thì phải có nhân, và khi chúng ta hiểu được một hành động định sẵn sẽ dẫn đến những hệ quả định sẵn, chúng ta có thể nghiệm ra và ứng dụng nguyên lý, mặc dù chưa thể lý giải nguyên nhân vì sao chúng lại xảy ra như vậy.
Người đàn ông có ra-đa trong đầu
Rất nhiều tác giả trong mảng sách kỹ năng vẫn đang tìm kiếm thứ chân lý chung bao hàm sức mạnh của tất cả những thế lực hữu hình và vô hình – có thể tác động, hoặc bị tác động bởi tâm trí con người. Đó là lý do tôi quyết định đến gặp Peter Hurkos, người đàn ông có ra-đa trong đầu. Khi đến nhà tôi đã được gặp vợ ông, Maria cùng cô con gái kháu khỉnh, Carolina. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã trở nên thân thiết.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Peter Hurkos đã nhờ vợ tôi, viết một cái tên lên mảnh giấy và đưa lại cho ông. Cô ấy đồng ý vì tò mò muốn biết ông sẽ làm gì.
Không cần nhìn vào dòng chữ, Peter lập tức vò nát mảnh giấy trong tay phải của ông. Ông đã khiến tất cả chúng tôi kinh ngạc khi tiết lộ rằng ông đã luyện tập trò này từ nhiều năm trước. Lần nào kết quả cũng chính xác 100%. Sau đó ông mới gọi lên chính xác cái tên được viết trong mảnh giấy, và khiến chúng tôi sửng sốt thêm lần nữa.
Lần khác, Peter đến thăm tôi tại văn phòng ở Chicago. Tôi đang gọi điện thoại đường dài đến một người bạn có quan hệ trong ngành điện ảnh tại Holywood. Peter nhấc nhẹ dây ống nghe, và khi tôi kết thúc cuộc gọi, ông đã miêu tả chính xác diện mạo của của người bạn tôi vừa tiếp chuyện cùng một số đặc điểm khác. Một lần khác, ông bắt tay Lou Fink ở phòng quan hệ công chúng và nói với Lou điều mà chỉ anh mới hiểu. Và khi đến thăm Hiệp hội Thanh thiếu niên Robert R. McCormick ở Chicago, ông đã khiến không chỉ tôi mà cả những đứa trẻ ở đó phải kinh ngạc, khi thuật lại chính xác những vấn đề và biến cố đang diễn ra trong cuộc đời chúng.
Trước buổi hẹn gặp Peter Hurkos lần đầu tiên, tôi đã xem qua cuốn sách của ông, Psychic, The story of Peter Hurkos – tạm dịch: Tâm linh, Câu chuyện về Peter Hurkos, cũng như các bài báo của Norma Lee Browning đăng trên tờ Tribune Chicago ngày Chủ nhật cùng loạt phóng sự nổi gai ốc của cô về lần gặp gỡ đầu tiên với Peter.
Sau này Norma có tiết lộ với tôi: “Ông ấy hoàn thành hầu như 100% tất cả các bài đánh giá tôi đưa ra.”
Có thể bạn đã nghe về những bài báo tường thuật lại những dự báo chính xác của ông về kết quả các trận bóng chày cũng như các vụ kỳ án ông phá được. Ở châu Âu, ông được mệnh danh là “thám tử ngoại cảm” – nhờ thành tích khám phá thành công các kỳ án lớn nhỏ – bao gồm 27 vụ giết người tại 17 quốc gia. Năng lực tâm linh của ông – chạm vào một vật thể và kết nối những sự kiện hoặc con người liên quan đến vật thể đó – là điều khó lý giải nhất.
Mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời của Peter là khám phá ra bí mật năng lực tâm linh của ông và học cách sử dụng chúng vì lợi ích của nhân loại.
Tần số ẩn trong tâm trí con người
Người đạt được nhiều thành tựu nhất trong lĩnh vực cận tâm lý học có lẽ là tiến sĩ Joseph Banks Rhine của Đại học Duke. Ông đã dành 34 năm nghiên cứu ở Duke nhằm khám phá năng lực của giác quan thứ sáu thông qua các khảo nghiệm có căn cứ khoa học, và nỗ lực chứng minh tính xác thực của các nghiên cứu đó.
Tôi đã gặp Rhine nhiều lần trước đây; và trong những cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi, tôi ngày càng bị thuyết phục bởi khả năng thế giới đang tiến dần đến ranh giới quyết định trong khoa học, nơi những phát minh kỹ thuật trong thập niên cũ đang dần nhường chỗ cho những đột phá và khám phá mới trong lĩnh vực tâm linh.
Những tác phẩm của tiến sĩ Rhine, như New world of the Mind – tạm dịch: Thế Giới Mới của Tư Duy; The reach of the mind – tạm dịch: Giới hạn của Tư duy, và Parapsychology – tạm dịch: Giác quan Thứ Sáu – cộng tác cùng với J. C. Pratt – đều có căn cứ xác thực. Hiện nay vợ ông, Louisa E. Rhine, người sau này đã tham gia nghiên cứu cùng ông trong suốt nhiều năm, cũng đã xuất bản quyển Hidden Channels of the Mind – tạm dịch: Tần số ẩn trong Tâm trí Con người – một cuốn sách dễ hiểu bao gồm những câu chuyện thú vị được đúc kết từ kinh nghiệm có thật – kể về những hiện tượng bạn vô tình bỏ sót vì nghĩ chúng chỉ là ngẫu nhiên. Chúng có thể là biểu hiện của năng lực thần giao cách cảm (sự truyền tải suy nghĩ), nhìn về quá khứ hay thấy trước tương lai.
Sở dĩ tôi đề cập đến các hiện tượng tâm linh ở đây vì chúng là tất cả những gì chúng ta được biết về những thế lực siêu nhiên, vô hình. Vì khi bạn thình lình nhận thức được một khả năng dường như không cách nào xảy ra được, bạn đã tiến gần đến những bí ẩn đang được nghiên cứu. Và chính bạn đang mở rộng giới hạn hiểu biết của con người.
Dự báo tương lai
Nghiên cứu các hiện tượng tâm linh là điều cần thiết để tìm ra câu trả lời cho một cuộc sống hạnh phúc, dồi dào và thành đạt, bất kể việc nghiên cứu có mạo hiểm và khó lường thế nào, và các thế lực siêu nhiên sẽ ảnh hưởng ra sao đến bản thân bạn.
Thế nhưng, thật thích thú biết bao nếu có thể nhìn xa đến tương lai như ta mong muốn, với sự hỗ trợ của khoa học. Khi đó, bạn sẽ sáng suốt hơn khi đưa ra các quyết định – nhất là khi chúng ảnh hưởng đế sự nghiệp và tài sản của bạn. Sự hiểu biết về các chu kỳ và xu hướng chính là điều tối quan trọng trong khoa học dự báo tương lai.
Lần đầu tiên tôi được nghe về khái niệm chu kỳ và xu hướng là khi Paul Raymond, Phó Chủ tịch phụ trách các khoản vay của Ngân hàng Quốc gia Hoa Kỳ và Công ty Trust tại Chicago, gửi tặng tôi cuốn Cycles – tạm dịch: Các chu kỳ – được viết bởi Edward R. Dewey và Edwin F. Dakin.
Tôi đã áp dụng khá hiệu quả các nguyên lý rút ra từ cuốn sách và hôm nay, tôi muốn chia sẻ chúng với bạn. Cụ thể, khi tôi nhận thấy tình hình kinh doanh đang đi xuống, tôi sẽ áp dụng một nguyên lý được nhắc đến trong Các chu kỳ:Hãy khởi đầu một xu thế mới, một cuộc đời mới, một con người mới, cùng những ý tưởng và hành động mới.
Hiện tại, tôi đang là Chủ tịch Ban quản trị của Hiệp Hội Nghiên Cứu Quy Trình. Còn Edward R. Dewey, người sáng lập hiệp hội, hiện đang đảm nhận vị trí CEO.
Do việc nghiên cứu chu kỳ và xu hướng đóng vai trò rất quan trọng song lại có rất ít người am hiểu về nó, tôi đã phải nhờ ngài Dewey viết một bức thư để giải thích về chúng một cách thật dễ hiểu. (Ông cũng đồng thời viết một bức thư khác về các chỉ số dự báo, bạn sẽ được biết về chúng trong chương 19). Sau đây là những gì ông đã phải giải thích trong chủ đề hấp dẫn về các chu kỳ.
Các chu kỳ
Nếu bạn chịu khó quan sát, bạn sẽ nhận thấy rất nhiều hiện tượng có khuynh hướng lặp lại đều đặn theo chu kỳ trong một một khoảng thời gian xác định.
Có một khuynh hướng chung cho các đặc tính của chu kỳ, mà một khi phát động, chúng sẽ tiếp diễn. Do đó, chu kỳ còn được xem là công cụ dự báo tương lai khá hữu hiệu.
Chẳng hạn, bạn đã biết về chu kỳ 12 tháng của các mùa. Nếu hiện tại là mùa hè, bạn biết rằng trong 6 tháng tới tiết trời sẽ trở lạnh và có gió rét. Nếu hiện tại là mùa đông, bạn có thể dự tính kế hoạch chơi quần vợt và bơi lội trong nửa năm tiếp theo. Khi thực hiện những hoạch định trên, chính là bạn đang vận dụng hiểu biết của mình về các chu kỳ.
Đương nhiên, ai cũng biết về chu kỳ các mùa trong năm. Nhưng như vậy không có nghĩa rằng các chu kỳ khác đều phổ biến như thế.
Mọi tay thợ săn đều biết rằng họ có thể thu hoạch được rất khá trong một vài năm; nhưng sang các năm khác thì không được như vậy. Điều các thợ săn hầu hết không biết chính là khoảng thời gian lặp lại đều đặn giữa các thời điểm đó – và căn cứ vào đó để dự đoán mùa săn thích hợp. Thế nhưng Công ty Hudson’s Bay đã nắm được quy luật này và áp dụng thành công để dự đoán mùa săn trước vài năm và chuẩn bị cho chúng.
Mỗi ngư dân đều biết rằng sản lượng các loài cá sẽ thay đổi theo từng mùa. Kinh nghiệm này có thể (và đã được) chắt lọc để đánh giá đúng những con sóng lớn dồi dào và dự đoán chính xác những khu vực có nhiều cá nhất.
Những nhà nghiên cứu hoạt động núi lửa cũng áp dụng quy luật này để dự đoán sự phun trào của núi lửa; các nhà địa chất học thì áp dụng – theo một cách tương đối – để dự đoán các cơn địa chấn; và còn rất nhiều phương thức ứng dụng khác nữa trong mọi lĩnh vực khoa học.
Thậm chí các nhà kinh tế học cũng nhận ra những thăng trầm đều đặn trong hoạt động kinh tế của con người trong một khoảng thời gian – mà không thể là kết quả của sự trùng hợp ngẫu nhiên. Phát hiện này đã dẫn đến những dự đoán lớn lao hơn.
Việc xác định các chu kỳ trên thường rất đơn giản. Một cuộc điều tra nhỏ về những biểu đồ và đồ thị sóng quen thuộc có thể tiết lộ ý nghĩa của những bước sóng chủ đạo. Tuy nhiên, cần có kỹ năng để phân biệt giữa những chu kỳ “phản ánh thực tế” và các biến động ngẫu nhiên.
Bạn có thể tự mình kiểm chứng bằng cách tự xác định chu kỳ cảm xúc của bạn, hoặc của vợ, chồng, ông chủ và nhân viên của bạn.
Mỗi buổi tối, hãy đánh giá tâm trạng của bạn sau một ngày và xác định chúng lên biểu đồ; sau đó hãy nối các điểm tượng trưng cho nhiều ngày bằng các đường kẻ. Xu hướng của đồ thị sẽ dần xuất hiện. Đối với con người, chu kỳ cảm xúc thường kéo dài từ 2 đến 9 tuần. Đó là nhịp độ tự nhiên của bạn, và trong phần lớn trường hợp chúng sẽ tiếp tục xu hướng đó. Hãy sử dụng quy luật này để dự đoán trước sự biến thiên của tâm trạng và tự bảo vệ mình trước trạng thái lạc quan hoặc bi quan thái quá.
Phần lớn phụ nữ có chu kỳ thăng hoa kéo dài trong 14 ngày – cũng có thể được phát hiện và tính toán thời điểm theo phương pháp tương tự. (Cứ sau mỗi giây sự biến thiên lại càng mãnh liệt). Chu kỳ cảm xúc của phụ nữ thường nằm trong khoảng 29 ngày, tùy thuộc vào chu kỳ quay của mặt trăng (thường đạt cực thịnh vào tuần trăng thứ ba).
Hiểu biết về chu kỳ có thể mang đến những lợi ích to lớn cho nhân loại. Chúng có thể giúp chúng ta tiên đoán. Chúng sẽ giúp chúng ta thay đổi những thứ tùy biến và thích nghi với những thứ bất biến.
Các xu hướng tăng trưởng
Sau đây là điều cốt lõi bạn cần nắm về sự tăng trưởng: Trong dài hạn, mọi vật chất trong vũ trụ đều tăng trưởng với mức độ càng nhỏ trong thời gian càng lâu.
Một đứa trẻ sơ sinh sẽ tăng cân gấp hai lần trong vòng 6 tháng. Nếu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ đó, chẳng mấy chốc trọng lượng đứa trẻ sẽ lên đến hàng tấn. Giống như con người, cây cối cũng phát triển ngày càng chậm lại, và cuối cùng sẽ ngừng tăng trưởng hoàn toàn. Cây cối không bao giờ chạm đến bầu trời, cũng như sự hùng mạnh của các doanh nghiệp và các quốc gia cũng không bao giờ là vô hạn, cho đến khi những khám phá mới được công bố.
Sự tăng trưởng thường được tính toán bằng con số thực tế. Chẳng hạn doanh thu hai năm trước là 100 nghìn đô-la, năm ngoái là 200 nghìn đô-la (tăng 100 nghìn) và đến năm nay là 300 nghìn. Điều đó nghe thật tuyệt vời.
Mức độ tăng thưởng lại được xác định theo phần trăm. Doanh thu hai năm trước đạt 100 nghìn đô-la và năm ngoái đạt 200 nghìn đô-la, vậy mức độ tăng trưởng là 100 phần trăm. Nhưng đến năm nay doanh thu chỉ đạt 300 nghìn đô-la, tức là mức tăng trưởng chỉ còn 50 phần trăm. Một sự thụt lùi! Nếu mức tăng trưởng cứ liên tục giảm dần như thế, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh.
Hãy luôn luôn tính toán mức tăng trưởng dựa trên phần trăm.
Vấn đề này cực kỳ quan trọng đối với những ai đang chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng của doanh nghiệp – tôi xin khẳng định điều đó. Như cách một người mẹ luôn quan tâm theo dõi cân nặng của con mình, chúng tôi sẽ minh họa cho bạn từ chỉ số kinh doanh mẫu của một công ty:
Nhìn bề ngoài, dường như công ty này đang phát triển một cách chóng mặt, với các bước tăng trưởng liên tục sau mỗi năm năm. Người bình thường sẽ dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục trong những năm kế tiếp.
Thế nhưng chúng ta hãy xem xét chúng dưới góc độ mức tăng trưởng. Ta sẽ dễ dàng nhận thấy một đà sụt giảm mạnh trong tỉ lệ tăng trưởng doanh thu của công ty, được biểu thị trong bảng dưới đây:
1920-1925: tăng 90% doanh thu tính từ năm 1920
1925-1930: tăng 80% doanh thu tính từ năm 1925
1930-1935: tăng 70% doanh thu tính từ năm 1930
1935-1940: tăng 60% doanh thu tính từ năm 1935
1940-1945: tăng 50% doanh thu tính từ năm 1940
1945-1950: tăng 40% doanh thu tính từ năm 1945
1950-1955: tăng 30% doanh thu tính từ năm 1950
1955-1960: tăng 20% doanh thu tính từ năm 1955
Thật dễ dàng nhận thấy rằng cứ sau một giai đoạn năm năm, mức độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp giả định này lại giảm đi 10%. Và nếu xu hướng này tiếp diễn, mức độ tăng trưởng trong 10 năm tới sẽ diễn ra như sau:
1960-1965: tăng 10% doanh thu tính từ năm 1960
1965-1970: tăng 0% doanh thu tính từ năm 1965
Hiểu được bản chất của mức độ tăng trưởng, việc dự đoán tình hình kinh doanh trong các năm 1965 và 1970 sẽ được tính toán chính xác hơn. Chúng ta nhận thấy rằng đến năm 1970, đà tăng trưởng đã dừng hẳn lại. Kể từ đó doanh nghiệp này sẽ dần trở thành một trong số các ông lớn khác – sa vào lối mòn của sự bão hòa và thủ cựu – và sẽ dần suy tàn dần dần, cho đến khi bị làn sóng cạnh tranh khốc liệt xô ngã, hoặc bắt buộc phải tiến hành “thay máu”, nhường đường cho các thế hệ trẻ khai sinh khởi đầu mới.
Phép chiếu này – dựa trên các đặc tính của mức độ tăng trưởng và chỉ ra hướng tiếp cận cái chúng ta gọi là “mức tăng trưởng tối đa” – chính là công cụ hết sức quan trọng đối với những ai đang theo học ngành kinh tế ứng dụng.
Trong giả thiết nêu trên, chúng tôi đã định sẵn tốc độ lao dốc đều đặn của mức tăng trưởng – một quy luật khó lòng bắt gặp ở bất kỳ tổ chức nào trong thực tế. Thế nhưng, chúng ta không thể bác bỏ sự thật rằng: Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư vẫn đang tự huyễn hoặc mình về khả năng phát triển của tổ chức. Chỉ có mức độ tăng trưởng mới là thước đo chính xác nhất cho sức sống của doanh nghiệp.
Dù vậy, những điều tôi vừa trình bày không nên được khuyến khích. Đành rằng chúng đã phản ánh được bản chất của hoạt động kinh tế, nhưng nhìn từ mặt tốt, chúng ta không thể chấp nhận khuynh hướng tự nhiên đó cứ thế tiếp diễn. Chúng ta phải làm một điều gì đó.
Điều cốt yếu trong việc thay đổi khuynh hướng tăng trưởng tự nhiên là sự sản sinh ra cái mới – nhằm tái lập xu hướng tăng trưởng tồn tại trước đó.
Lấy ví dụ 7 năm về trước, ngành đường sắt đã đạt đến đỉnh cao trong chu kỳ phát triển. Khi đó, có ý kiến cho rằng nên xúc tiến phát triển động cơ chạy máy – và bạn hãy nhìn lại ngành công nghiệp đường sắt hiện nay và so sánh! Có hàng tá trường hợp điển hình khác cũng diễn ra như vậy.
Tóm lại: Mức độ tăng trưởng giảm dần là khuynh hướng tự nhiên đối với mọi sự vật. Tuy nhiên, với trí sáng tạo và tính cần cù, chúng ta có thể cải thiện và thay thế xu hướng tăng trưởng cũ bằng những xu hướng mới.
Thoát khỏi gông cùm
Nếu bạn là mẫu người dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh bên ngoài khống chế và kiểm soát vận mệnh, hãy mạnh dạn tự giải thoát mình khỏi gông cùm!
Gông cùm là khái niệm chỉ trạng thái hoàn toàn bị trói buộc và chi phối bởi ý chí của kẻ khác, mà trong trường hợp này chính là sự lệ thuộc vào tác nhân bên ngoài và những suy nghĩ cũng như thái độ tiêu cực bị kìm nén bên trong.
Càng đi vào tìm hiểu, khám phá sức mạnh của tâm trí con người và cách phát huy chúng, tôi càng bị thuyết phục bởi chân lý: Thành công hay thất bại hầu hết là hệ quả đến từ quan điểm sống của mỗi cá nhân.
Quan điểm sống của mỗi cá nhân xuất phát từ động lực, và động lực chính là ham muốn bên trong thôi thúc anh ta hành động. Thuật ngữ niềm cảm hứng, được kết hợp trong khái niệm cảm hứng hành động, chính là ham muốn tích cực bên trong thúc đẩy hành động của anh ta. Và chính cảm hứng này là nguồn gốc của quan điểm tư duy tích cực.
Thế nhưng động cơ cũng có thể vì mục đích xấu. Và một khi động cơ không tốt, ham muốn bên trong sẽ phát sinh quan điểm tư duy tiêu cực.
Khi bạn phát sinh mâu thuẫn giữa ham muốn bên trong và nền tảng đạo đức, giữa những suy nghĩ tốt đẹp và dục vọng bản năng di truyền, cảm xúc và cảm giác mạnh mẽ (những yếu tố tích cực nếu được kiểm soát và định hướng), rắc rối sẽ tìm đến bạn.
Thế nhưng, điều gì là tốt đẹp? Điều gì là xấu xa?
Và bạn sẽ phải làm gì khi hai nền tảng trong cuộc sống phát sinh mâu thuẫn?
Và làm cách nào bạn có thể nuôi dưỡng quan điểm tư duy tích cực?
Trong chương tiếp theo, tôi sẽ cùng bạn phân tích cuốn tiểu thuyết của Samuel Butler, với nhan đề rất chân chất và ấn tượng: The way of all flesh – tạm dịch: Cái nhìn tổng thể, bao gồm những câu chuyện tập hợp từ rất nhiều người – những người đang phải đối mặt với nỗi bức xúc phải giải đáp vô vàn câu hỏi đặt ra trong cuộc đời, những câu hỏi khiến mỗi người chúng ta phải trăn trở. Một số người đã tháo gỡ thành công nút thắt trong lòng, một số khác đã thất bại… tất cả chỉ phụ thuộc quan điểm sống của họ: Tích cực hay tiêu cực, là tốt hay xấu.
Trong chương 12, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn làm cách nào có thể vượt qua những giằng xé nội tâm một cách khôn ngoan nhất và hiệu quả nhất.
Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn
Sức mạnh huyền bí trong tâm trí con người chính là lời cầu nguyện – một thứ sức mạnh tâm linh kỳ diệu – vận động dưới quyền năng của quy luật thường nhật. Những quy luật này vẫn tồn tại vĩnh hằng bất chấp con người có mất đi sự hiểu biết, sự sáng suốt và lòng tin hay không.
Quy luật thường nhật luôn đi theo những bước phát triển cụ thể. Mọi sự vật đều biến đổi và tăng trưởng theo chu kỳ và xu hướng. Mọi quá trình tăng trưởng dù do tự nhiên hay con người tạo ra đều bị chi phối bởi những quy tắc hiển nhiên, rằng mọi sự vật sinh ra rồi sẽ đến lúc đạt đến đỉnh cao, tàn lụi và chết đi – trừ phi chúng được tái sinh thành cuộc đời mới, chủng loài mới, tư tưởng mới và hoạt động mới.
Mặt khác, con người có khả năng đoán trước tương lai – nhờ vận dụng phương pháp và kiến thức – đồng thời khai sinh ra những chu kỳ và xu thế phát triển mới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.