Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

12. CÁI NHÌN TỔNG THỂ



Hãy nhìn vào mặt tốt đẹp nhất, hãy nhìn vào mặt xấu xa nhất, và hãy đánh giá một con người qua cái nhìn tổng thể: Nửa thánh thiện, nửa suy đồi; nửa thanh cao, nửa phàm tục. Trên hành trình tìm kiếm phương thức hoàn mỹ của thành công, tôi đã sớm nhận ra rằng những tiêu chuẩn đạo đức cũng góp một phần trong những thành tựu bền vững và trường tồn. Trừ phi một người học được cách kiểm soát nửa tội đồ và hoang dại của bản thân, anh ta sẽ không bao giờ đạt đến thành công mĩ mãn.

Cũng trong thời điểm đó, tôi đã khám phá ra bốn nguyên nhân cơ bản lý giải cho thất bại của giới bán hàng. Chúng cũng tác động tương tự đến quá trình theo đuổi thành công trong mọi lĩnh vực khác. Đó là: Tình dục không lành mạnh, rượu chè, gian dối và trộm cắp. Từ quá trình thử và sai – rồi đến thử và đúng – tôi đã đúc kết được phương pháp cần thiết nhằm triệt tiêu những tác nhân phá hoại đó trong đội ngũ nhân viên của tôi. Một khi liên hệ, thấm nhuần và áp dụng thành công những nguyên lý được đề cập trong chương này, bạn sẽ dễ dàng phát huy phần tốt đẹp – và cả phần thánh thiện – trong tâm hồn bạn. Bạn sẽ bất ngờ trước sức mạnh do lòng tốt mang lại mà bạn chưa bao giờ mơ đến.

Điều phải tôi nên làm… tôi đã không làm. Điều trái tôi nên tránh… tôi đã phạm phải.

Lý do bạn không làm được điều đúng đắn dù đó là việc nên làm chính vì bạn vẫn chưa rèn luyện được thói quen làm việc tốt. Vì vậy chúng ta sẽ cùng thảo luận một chút về thói quen, và làm cách nào để rèn luyện thói quen đúng đắn.

Khi bạn làm điều gì đó sai trái, dù biết rằng mình sai nhưng vẫn làm – đó là do bạn vẫn chưa rèn luyện được thói quen kiểm soát hợp lý và ngăn chặn sự cám dỗ bộc phát của ham muốn bên trong, hoặc bạn đã tiêm nhiễm những thói quen có hại và không thể chấm dứt chúng hoàn toàn. Bạn phải thừa nhận một sự thật quan trọng: Bạn luôn luôn hành động theo những gì bạn muốn.

Đây là sự thật trong mọi hành động. Bạn có thể bào chữa rằng bạn cần phải làm thế, hoặc bạn bị ép buộc phải làm thế, thế nhưng thực sự trong mỗi hành động, bạn đều có sự lựa chọn. Chỉ bạn mới có quyền lựa chọn cho chính mình. Vì vậy, một trong những bí quyết bạn cần khám phá là làm thế nào để thốt nên câu “tôi muốn” bằng ý chí.

Và bạn sẽ thắc mắc: “Thế còn khuynh hướng mang tính kế thừa thì sao?”

Dưới đây là câu chuyện về một chàng trai trẻ đã thành công trong việc tự bảo vệ mình khỏi những cám dỗ ma mị nhất.

Trong buổi tiệc cocktail nhân dịp họp mặt Hiệp hội Chuyên viên Kinh doanh tại Chicago cách đây không lâu, một người bạn đã hỏi Bob: “Anh muốn dùng rượu Scotch hay rượu Bourbon?”

Anh mỉm cười đáp: “Không loại nào cả. Tôi không uống rượu.” Rồi sau vài giây ngần ngừ, Bob tiếp: “Anh muốn biết tại sao không?”

Người bạn gật đầu, thế là Bob kể: “Anh biết cha tôi đấy. Mọi người ai cũng kính nể ông. Ông từng được mệnh danh là thiên tài trong lĩnh vực của mình. Ông là một trong những người tử tế nhất trên đời. Đó là lý do vì sao mẹ tôi, người rất sùng bái ông, đã vô cùng đau khổ đến mức không thể chấp nhận được sự thật, rằng ông là một kẻ nghiện rượu.

Thu nhập hàng năm của cha tôi đã từng lên đến 50.000 đô-la. Gia đình tôi đã từng gặp cảnh lao đao về tài chính, nhưng chuyện này còn tệ hơn… mẹ tôi đã bị giày vò trong nỗi thống khổ, nhục nhã và sợ hãi.” Anh lại ngập ngừng rồi nói tiếp: “Tôi yêu mẹ. Tôi cũng yêu cha. Tôi không trách ông. Nhưng là một đứa trẻ, tôi đã cam đoan rằng nếu ngay cả một người tuyệt vời và khôn ngoan như cha tôi cũng khiến những người ông yêu thương phải đau khổ, chỉ vì thói rượu chè, tôi sẽ không bao giờ uống rượu. Tại sao tôi, con trai ông, lại muốn kế thừa khuynh hướng đó và trở thành một kẻ nát rượu? Nếu tôi có kế thừa khuynh hướng nào đó từ cha, thì chúng cũng không thể làm hại tôi chừng nào tôi còn chưa đụng đến một giọt rượu. Và tôi đã không bao giờ làm thế… Tôi tin rằng anh đã hiểu.”

Còn bạn, bạn có thể thay đổi những thói quen do kế thừa không?

Có. Bạn có thể kiểm soát những khuynh hướng mang tính kế thừa. Bạn có thể cải thiện những khuynh hướng mình muốn và hạn chế những khuynh hướng không mong muốn – vì bạn có quyền lựa chọn. Đừng sai lầm ngay từ bước đầu tiên. Đừng cố ý tập cho mình những thói quen mà khuynh hướng phát sinh từ chúng có thể gây bất lợi cho gia đình bạn. Hãy làm như Bob, chớ liều lĩnh. Hãy tập nói “Không.”

William James, nhà tâm lý học vĩ đại người Mỹ, đã viết: “Nếu chúng ta trở thành kẻ nát rượu vì bị chuốc say bởi hàng vạn ly, chúng ta cũng có thể trở thành thánh nhân, chuyên gia hay kẻ nắm quyền nhờ cống hiến hết mình cho công việc.” Và ông đã nhấn mạnh một nguyên tắc quan trọng nhằm triệt tiêu bất kỳ thói quen nào:

“Hãy đột ngột chấm dứt tất cả. Hãy thông báo cho tất cả mọi người. Và hãy cam đoan sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra lần nữa!

Nếu đây là lần đầu tiên bạn bị bạn bè lôi kéo làm điều xấu, hoặc tiếp tục lặp lại những hành vi có hại, hãy thu hết can đảm và nói “không.” Sau đây là một trường hợp điển hình:

Tôi đang bắt taxi từ sân bay Idlewild đến thành phố New York. Người tài xế trông có vẻ như biết rõ mọi thứ và biết phải làm gì. Tôi không nói gì cho đến khi anh lên tiếng: “Đây là khu phố nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi sẽ không bao giờ quên lần tôi bị trêu chọc là em gái khi từ chối tham gia một nhóm choai choai. Họ đã đánh cướp cửa hàng tạp hóa của ông Tony phía bên kia đường.

“Đêm đó tôi chạy thẳng về nhà. Tôi biết tôi đã dây dưa với bọn xấu. Thật buồn cười khi một đứa nhóc lại biết trả lời ‘không’ trước những đứa bạn cùng tuổi đang lôi kéo nó.”

“Nhưng chuyện đó không hề buồn cười,” tôi đáp. “Đó là bi kịch. Đó là cách bọn trẻ sa ngã. Chúng bị cuốn theo đám bạn xấu. Và chúng không có can đảm nói ‘không’ khi bị cám dỗ.”

 

Ám thị lôi kéo… Tự ám thị đẩy lùi cái xấu

Tôi nói tiếp: “Anh có biết rằng nửa triệu thanh thiếu niên phải vào trại giáo dưỡng vì trộm cắp xe hơi và các tội danh khác mỗi năm hay không?”

Xe đã dừng trước cửa khách sạn, nên tôi không kịp giải thích với anh rằng chúng ta vẫn có thể tránh được những bi kịch ấy, trong trường hợp các bậc phụ huynh hiểu được cách đưa ra những lời khuyên có ích, nhờ đó họ có thể hướng dẫn con cái mình phát huy sức mạnh của sự tự ám thị, để tự nhắc nhở mình luôn làm điều tốt và tránh xa những điều xấu xa.

Từ trải nghiệm của mình, bạn sẽ nhận thấy rằng trong những lần tiếp xúc với môi trường mới, hoặc trước khi thực hiện điều gì đó bạn chưa từng làm trong đời, bạn thường nhận thức được nỗi sợ hãi và bắt đầu do dự. Cảm giác đó cũng xuất hiện trong lần đầu tiên bạn bị lôi kéo làm điều sai trái. Đôi khi cảm giác sợ hãi mạnh đến nỗi ngăn cản bạn hành động thiếu suy nghĩ. Đó là phản ứng tự nhiên nhằm bảo vệ chủ thể khỏi những mối đe dọa tiềm ẩn.

Đó là lý do chúng ta tin chắc rằng không một ai gây ra những sai phạm nghiêm trọng mà chưa từng dừng lại để suy nghĩ, trừ khi kẻ đó đã tiêm nhiễm thói quen xấu từ những hành vi trong quá khứ nhưng chưa gây ra hậu quả đáng tiếc. Điều đó không thể xảy ra.

Không một hành động nào của con người không chịu tác động từ sự ám thị, tự ám thị hay tự kỷ ám thị. Bạn sẽ hiểu rõ hơn khi đọc tiếp phần sau, nhưng ngay lúc này, tôi sẽ đúc kết chúng theo những khái niệm đơn giản:

Ám thị xuất hiện bất cứ khi nào bạn thấy, nghe, ngửi, nếm hay cảm nhận một điều gì đó. Chúng xuất phát từ môi trường bên ngoài. Ví dụ, một đứa trẻ học đi vì thấy cha mẹ nó cũng đi đứng được. Nó học nói chuyện vì nghe thấy người khác cũng nói chuyện. Và nó có thể tiếp thu kiến thức từ sách vở nếu nó đã đọc viết thành thạo.

Tự ám thị là sự ám thị được bạn tạo ra một cách có chủ đích. Chúng có thể xuất hiện khi bạn suy nghĩ, quan sát, lắng nghe, cảm nhận, ngửi hoặc nếm kết hợp với sức mạnh của trí tưởng tượng. Bạn có thể hình dung sự việc từ lời nói, có thể thì thầm hoặc gào lớn ý tưởng của mình, hoặc viết chúng ra giấy. Đó là những gì bạn phải làm để tự tạo ra động lực cho bản thân. Tóm lại, khi bạn có chủ ý tuyên bố điều gì đó với bản thân hoặc phát sinh suy nghĩ tác động đến tiềm thức, đó là tự ám thị.

Những tuyên bố sau sẽ trở thành lời tự động viên nếu bạn tiếp cận ý nghĩa của chúng và rèn luyện thói quen phản ứng khi nhắc đến chúng:

Hãy can đảm nói “không”!

Hãy can đảm đối diện với sự thật!

Hãy làm điều đúng đắn vì đó là việc nên làm!

Hãy hành động ngay lập tức!

Tự kỷ ám thị, đúng như tên gọi, là cơ chế tự phát. Đó là sự ám thị phát sinh từ tiềm thức và tác động đến ý thức qua biểu hiện của thị giác, thính giác, cảm giác, khứu giác, vị giác và biểu tượng ngôn ngữ – chúng cũng có thể mang hình thức tư duy. Dưới đây là cách cơ chế này vận hành:

John là học sinh năm đầu trung học. Cậu muốn kết bạn với mọi người và đã tìm được một nhóm để chơi cùng. Vài cậu bạn trong nhóm nửa đùa nửa thật rằng họ nên đến bãi phế liệu vào ban đêm và mang về mấy chiếc mâm bánh xe. Đó là sự ám thị. Lương tâm của John sẽ cắn rứt trừ phi cậu đã tiêm nhiễm thói quen trộm cắp từ trước. Lúc này, nếu cha mẹ cậu dạy cậu cách vận dụng sự tự ám để tự nhắc nhở mình: Không được trộm cắp! hoặc Hãy can đảm nói “không“! thì những suy nghĩ hoặc biểu tượng này sẽ sáng lên từ trong tiềm thức của John và tác động trở lại ý thức. Đó chính là tự kỷ ám thị.

Trong qua trình hướng dẫn, cha mẹ John có thể khuyên cậu lặp đi lặp lại các mệnh đề Không được trộm cắp! hoặc Hãy can đảm nói “không”! nhiều lần trong ngày, vào mỗi buổi sáng và tối và kéo dài trong nhiều tuần. Khi John tự giác lặp lại những lời cam kết đó, với ý muốn tạo nên dấu ấn trong tiềm thức để chúng thức tỉnh cậu khi cần, cậu đang vận dụng sự tự ám thị. Cậu đã tác động đến tiềm thức, và tiềm thức sẽ tự phát động cơ chế nhắc nhở khi có biến cố xảy ra, và những lời cam kết này có thể hỗ trợ cậu. Ta gọi đó là tự kỷ ám thị. Và John, cũng như người tài xế taxi, sẽ mạnh dạn nói “không”. Cậu cũng có thể dùng tầm ảnh hưởng của mình để động viên bạn bè trong nhóm làm điều đúng đắn – vì đó là việc nên làm.

 

Đồng cảm

Hãy giả sử John có một cô em gái rất quyến rũ, May. Như mọi thiếu nữ khác khi đến tuổi dậy thì, bản năng tình dục cố hữu của May luôn thôi thúc cô tìm cách thỏa mãn những khao khát thầm kín, và trở thành dục vọng luôn hiện hữu. Nhưng một lần nữa, bản năng lại bảo vệ cô với tấm khiên vững chắc – nỗi lo sợ và cảnh giác với mối hiểm nguy, khiến cô chần chừ và suy nghĩ. Cũng như anh trai cô, John, May muốn được kết bạn và cô cũng tìm được nhóm cho mình. Nhưng cô đã quen lầm nhóm bạn xấu. Trong số đó, cũng có những tên nửa đùa nửa thật gợi lên những ám thị – những ám thị xấu xa. Ám thị càng quyết liệt và dai dẳng đến đâu, thì cả khả năng chúng thâm nhập đến tiềm thức của May càng mạnh mẽ đến đó.

Nhưng nếu cha mẹ May đã hướng dẫn cô vận dụng sự tự ám thị để tự nhắc nhở mình làm điều đúng đắn – vào đúng thời điểm – May sẽ đối mặt với vấn đề một cách khôn ngoan, và hành động đúng đắn.

Nếu John và May có những bậc phụ huynh hiểu được sức mạnh của sự ám thị, sự tự ám thị và tự kỷ ám thị, May sẽ không bị nhóm bạn xấu lôi kéo ngay từ đầu – vì với những thiếu niên được dạy dỗ tử tế, chúng biết mình sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường không lành mạnh. Và trong trường hợp này, bạn bè và “chiến hữu” chính là những tác nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Bài thơ cổ sau sẽ giúp bạn hình dung điều đó:

Trụy lạc là giống ác linh khủng khiếp,

Đáng căm hận, nhưng mãi cám dỗ ta

Tâm đã hoen, sẽ chẳng thể phai nhòa

Ta cam chịu, luyến lưu, rồi âu yếm.

Xin nhắc lại, nếu cha mẹ của John và May là những người chịu bỏ tâm huyết để chăm lo cho những mục tiêu trong cuộc sống của con cái họ, bằng cách luôn tâm sự với chúng về những vấn đề khó giãi bày – thì từ những lời khuyên, John và May sẽ tự hình thành cho mình những tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp, mẫu mực và bất khả xâm phạm. Mỗi người sẽ học được cách lựa chọn cho mình những người bạn đáng kết thân… học cách phân biệt và phát triển những mối quan hệ ràng buộc, gắn bó… hay học cách động viên bạn bè đón nhận cuộc sống một cách vững vàng hơn.

Chúng ta có thể tin tưởng rằng nếu các bậc phụ huynh dành thời gian cho những vấn đề trên, thì sự thấu cảm giữa John, May và cha mẹ chúng sẽ ngày càng mãnh liệt, và khiến chúng chấp nhận hành động theo lời khuyên của họ. Nhưng ngược lại, nếu họ không dành đủ thời gian mỗi ngày để thấu hiểu con cái, thì những lời ám thị họ đã tốn công duy trì sẽ phản tác dụng. Những đứa trẻ có thể vô tình hay cố ý làm ngược lại những điều cha mẹ chúng mong muốn. Và thay vì hạn chế, kháng cự hay đẩy lùi ảnh hưởng từ những cám dỗ bên ngoài, hết lần này đến lần khác, chúng sẽ bị dục vọng khuất phục và điều khiển chỉ vì muốn phản ứng lại cha mẹ chúng – theo quan điểm của các nhà tâm thần học.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách nuôi dưỡng sự đồng cảm, để thấu hiểu chính mình, để thấu hiểu con cái mình và những điều chúng đang thực sự quan tâm, hãy tìm đọc tác phẩm You and Psychiatry – tạm dịch: Tâm thần học và bạn (tác giả: Menninger & Leaf; Scribner’s, New York phát hành năm 1948).

Bạn cũng có thể vận dụng hiệu quả những nguyên tắc tôi đã áp dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong đội ngũ bán hàng của tôi. Tương tự như tất cả các quy luật tự nhiên khác, chúng vô cùng đơn giản:

  • Tôi sử dụng phương pháp ám thị để gợi lên trong mỗi nhân viên mong muốn làm điều đúng đắn vì đó là việc nên làm.
  • Tôi hướng dẫn mỗi người cách vận dụng cơ chế tự ám thị nhằm giúp họ nuôi dưỡng mong muốn làm điều đúng đắn vì đó là việc nên làm.
  • Tôi thường xuyên thay đổi môi trường làm việc của mỗi nhân viên khi cần thiết nhằm giúp anh ta từng bước tiến gần hơn mục tiêu anh đề ra.

Tôi tiết lộ cho anh biết phải làm thế nào để lựa chọn môi trường phù hợp nhất và tốt nhất cho chính mình.

Những câu chuyện tôi vừa kể ở phần trên đã đề cập đến cách áp dụng một số trong những nguyên tắc đó. Và trong những chương kế tiếp, bạn sẽ được tìm hiểu về kinh nghiệm từ những người đã áp dụng chúng trong nhiều trường hợp khác nhau.

Nhưng ngay bây giờ, bạn nên sẵn sàng để vận dụng ngay những nguyên lý về sự ám thị, tự ám thị và tự kỷ ám thị, và hiểu được tầm quan trọng của việc lựa chọn môi trường thích hợp nhất nhằm vươn đến mục tiêu bạn hằng khao khát.

Chẳng hạn, bạn có thể:

  • Sử dụng những cách tự động viên được đề cập trong cuốn sách này.
  • Tự khám phá ra cách động viên bản thân.
  • Gây ảnh hưởng đến người khác bằng phương pháp ám thị.

Tiếp tục theo dõi cuốn sách này, và tất cả những tài liệu kỹ năng khác tôi đã giới thiệu ở đây.

Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về tính gian dối, tác nhân phổ biến nhất trong bốn tác nhân chủ yếu dẫn đến thất bại: Tình dục, rượu chè, gian dối và trộm cắp.

Tính gian dối là ranh giới giữa người anh hùng và kẻ phản phúc. Là người lớn, nhưng nếu họ chưa xây dựng được tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp và vững chắc như một kim chỉ nam cho bản thân, thì họ vẫn chưa trưởng thành. Không khác trẻ con là bao, họ coi mình là trung tâm của vũ trụ. Họ chỉ biết nghĩ đến mình. Thế nhưng các chuyên gia tâm thần học đã khẳng định, họ còn thua cả một đứa trẻ ở tư duy lành mạnh. Họ vẫn chưa đủ chín chắn – do vẫn chưa trưởng thành, họ không đủ dũng khí để đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Vì vậy, những hành vi lừa dối nhỏ nhặt lặp đi lặp lại sẽ trở thành hành vi lừa đảo nghiêm trọng, và xa hơn nữa là tội ác đáng ghê tởm.

Như trường hợp của tướng Benedict Arnold trong cuộc kháng chiến giành độc lập, người anh hùng sẽ trở thành kẻ phản phúc nếu anh ta không trưởng thành trong suy nghĩ và luôn xem nhẹ tính gian dối.

 

Kẻ phản phúc

Cuộc tiến công dũng mãnh của Benedict Arnold vào pháo đài Ticondegora đã chứng minh ông là một trong những chỉ huy quyết đoán và tài ba nhất trong suốt cuộc kháng chiến. Tôi luôn tin rằng trong Arnold hội tụ đủ tất cả những phẩm chất ưu tú cần có ở một Giám đốc Kinh doanh xuất sắc. Tuy nhiên, ông cũng mắc phải những sai lầm đã khiến bao nhân tài phải gục ngã. Ông là người gánh vác trách nghiệm lớn lao, đại diện cho quyền lợi của nhân dân, và có sức chịu đựng hơn người. Ông cũng sở hữu tinh thần xung phong và ý chí chiến đấu anh dũng. Thế nhưng vì đã có trong tay quá nhiều thành tích, ông sinh ra ích kỷ. Và trong hoàn cảnh phải cân nhắc đến lợi ích cá nhân, hành động của ông bị cảm xúc chi phối nhiều hơn lý trí. Trên phương diện đó, ông vẫn chưa phải người toàn đức toàn tài.

Vì là chỉ huy ngoài mặt trận, ông rất được các binh sĩ kính nể. Nhưng các thành viên Quốc hội và chỉ huy cấp cao khi tiếp xúc với ông đã nhận ra vấn đề. Tính kiêu ngạo, hay đòi hỏi vô lý, thiếu kiên nhẫn và cứng đầu của ông đã khiến ông gặp khó khăn khi phải phối hợp với những vị lãnh đạo khác có tố chất tương tự.

Cũng như những giám đốc kinh doanh bị phê bình và giáng chức bởi tính khí của họ, Benedict Arnold đã cảm thấy tổn thương và xúc phạm sâu sắc khi quân đội tước quyền chỉ huy của ông vào năm 1777. Tuy nhiên, khi thực dân Anh phản công vào ngày 7 tháng Mười, ông đã tập hợp lực lượng kháng chiến đứng lên dù không được trao quân lệnh. Với tài lãnh đạo, lòng quyết tâm và kinh nghiệm trận mạc, ông đã một lần nữa giành chiến thắng. Sau chiến công đó, quốc hội đã ghi nhận công lao của ông, và phong ông làm Tổng tư lệnh.

Phụ nữ luôn là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến thành công hay thất bại của người đàn ông. Năm 1779, Benedict Arnold kết hôn với con gái của một quý tộc Anh, khi cô vừa tròn 18. Điều hệ trọng là cũng trong mùa xuân năm đó, ông đã lần đầu tiên có ý định bắt tay với kẻ thù. Tháng Năm năm 1780, Arnold xin được trao quyền chỉ huy pháo đài West Point – và đã được chấp thuận. Ngay lập tức, ông đã mật báo cho quân Anh rằng ông sẽ trao quyền kiểm soát pháo đài cho họ, đổi lại số tiền 20 nghìn bảng – hiển nhiên, ngay từ đầu ông đã rắp tâm thực hiện điều đó.

Arnold làm phản hoàn toàn vì lý do cá nhân, chứ không vì mưu đồ chính trị – người bán hàng mất đi lòng trung thành đối với công ty cũng xuất phát từ lý do cá nhân, chứ không vì cơ chế. Arnold không khác gì một nhân viên đã quay lưng với ông chủ của mình, khiến hắn ta phải trả giá vì những gì đã làm với ông. Như bao kẻ bất trung khác, ông đã hành động nhằm giải thoát nỗi bức xúc xuất phát từ lòng vị kỷ “Tôi được gì từ chúng?”

 

Kiềm chế trước, kháng cự sau

Ngay lúc này, hãy kiềm chế bản thân và tìm cách kháng cự lại sự cám dỗ vào một thời điểm khác. Hãy rèn luyện thành thói quen để phản ứng lại ngay tức thì khi bị lôi kéo. Khi nảy sinh ham muốn ích kỷ, bạn hãy tự động viên mình như sau:

Hãy tin vào phước lành!

Hãy đối xử với kẻ khác theo cách bạn muốn được đối xử!

Sức mạnh của những lời động viên sẽ thuộc về bạn nếu lần tới, bạn quyết tâm sẽ làm đúng như trên khi đối mặt với sự cám dỗ.

Đến đây, bạn đã sẵn sàng bước vào chương tiếp theo, “Trở thành người ta hằng mong ước như thế nào”.

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp và lương tâm trong sáng là những yếu tố rất quan trọng trên con đường vươn đến thành công. Đặc biệt, chúng sẽ giúp hạn chế bớt các tác nhân tai hại như tình dục, rượu chè, gian dối và trộm cắp. Bốn tác nhân đó sẽ bẻ gẫy mọi nấc thang thành công trong sự nghiệp của bạn nhanh hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Bí quyết cho thói quen luôn làm điều tốt bất cứ khi nào có thể, trong bất cứ trường hợp nào, chính là sự tự ám thị. Qua cơ chế tự ám thị, bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh từ tiềm thức và trí tưởng tượng.

Dưới đây là ba khẩu hiệu giúp bạn tự động viên mình làm điều tốt. Hãy nhắc đi nhắc lại chúng nhiều lần mỗi ngày:

Hãy can đảm nói “không”!

Hãy can đảm đối diện với sự thật!

Hãy làm điều đúng đắn vì đó là việc nên làm!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.