Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

14. GIÀU SANG VÀ CƠ HỘI



“Chúng ta trở nên giàu có như thế nào?”

Đó là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong chuyến diễn thuyết cuối cùng từ Australia đến New Zealand. Họ muốn đích thân tôi giải đáp, vì tác phẩm Thành công với Quan điểm Tư duy Tích cực đã được xuất bản tại Australia, và trên trang bìa – nơi dành vài dòng để viết tôi – có đoạn: “… Người đã biến 100 đô-la thành khối tài sản trị giá 35 triệu đô-la.”

Thành công với Quan điểm Tư duy Tích cực là cuốn sách kể về hành trình của tôi nhằm tích lũy nguồn tài chính dồi dào cho bản thân và gia đình. Mục đích của cuốn sách là chia sẻ với bạn đọc những bài học tôi đã đúc kết được. Thế nhưng, trước khi bạn quyết định mình sẽ thu về một triệu đô-la như thế nào – nếu bạn coi một triệu đô-la là ưu tiên hàng đầu – hãy cùng khám phá xem của cải trong thời đại hiện nay sẽ được tích lũy ra sao.

Cơ hội để đạt đến sự giàu sang cũng hiện hữu vô tận như không khí chúng ta đang thở vậy – hãy luôn tâm niệm rằng chúng ta đang hít thở trên miền đất của tự do; vì những cuốn sách kỹ năng như Thành công với Quan điểm Tư duy Tích cực sẽ nỗ lực giúp bạn khám phá bản thân mình và tất cả những mối ràng buộc bên ngoài có thể tác động đến bạn, hoặc bạn có thể tác động ngược lại chúng. Chẳng hạn, hãy thử nghĩ về thể chế chính trị. Chúng sẽ ảnh hưởng đến bạn ra sao? Và bạn sẽ làm gì để tác động trở lại?

 

Di sản quý giá

Washington, Franklin, Jefferson và những thành viên khác sáng lập nên quốc gia này đều là những người tận tâm tận lực. Họ cảm nhận thấy sự thôi thúc phải thành lập nên một chính quyền mới, luôn phục vụ những điều tốt đẹp nhất cho tất cả quần chúng nhân dân – “một chính quyền của dân, do dân, vì dân” – như Abraham Lincoln đã tuyên bố một cách kiên quyết.

Cùng với phương châm Chúng Ta Tin Vào Chúa và những gì được viết trong Hiến Pháp, một thời đại mới của chính quyền Hoa Kỳ đã mở ra, hội tụ những gì tinh túy nhất của truyền thống và triết lý sống, cỗ vũ cho tinh thần đoàn kết, mở lối tiên phong, đồng thời gây dựng nên sự phồn vinh cho đất nước và dân tộc. Vì dân có giàu thì nước mới mạnh.

Của cải được làm ra từ thái độ sống tích cực, trình độ học vấn, sức lao động, kiến thức, phương pháp và phẩm chất đạo đức của con người, dưới sự quản lý của chính quyền – nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, tôn trọng và bảo vệ quyền sống và quyền sở hữu tài sản của mỗi người dân. Những yếu tố cốt yếu ảnh hưởng đến thể chế này chính là khối óc, đôi bàn tay, tài nguyên, hệ thống tín dụng và thuế suất công bằng. Tiền tệ, và các phương tiện trao đổi khác phải được công nhận và chấp thuận giá trị.

Tất cả những điều kiện trên đều rất quan trọng. Tất cả đều mang lại những điều tốt đẹp. Tất cả đều là biểu tượng cho truyền thống của nước Mỹ. Chúng sẽ giúp chúng ta trở nên giàu có. Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi nắm quyền thực thi Hiến Pháp, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bạn và tất cả những ai đang tìm kiếm sự giàu sang có thể đạt được mong ước của mình, nếu biết cách vận dụng phương thức hoàn mỹ của thành công, bao gồm: Cảm hứng hành động, phương pháp và vốn hiểu biết trong hành động.

Tại nhiều nước, mọi người hầu hết không được tạo điều kiện thuận lợi để trở nên giàu có, vì họ được kế thừa những triết lý sống khác với chúng ta. Đất nước sẽ không thể phồn vinh, người dân sẽ không thể sống sung túc đến khi nào họ chấp nhận từ bỏ những quan điểm kinh tế cố hữu, bao gồm cả những thành kiến về tài sản và tín dụng, đồng thời tiếp thu quan điểm tư duy tích cực để trở nên giàu có.

 

Của cải sinh ra từ đâu

Bạn hẳn đã nghe ai đó nói rằng rằng một cây kim khâu bình thường sẽ có giá trị gấp hàng nghìn lần giá trị của nguyên liệu chế tạo ra nó. Tương tự, giá trị của nguyên liệu thô có trong một tòa nhà 60 tầng, một con tàu khổng lồ hay một cỗ máy hiện đại sẽ chẳng là gì so với giá trị của thành phẩm do chúng tạo ra. Chi phí thực tế sẽ dùng để trả công cho khối óc và đôi bàn tay của người biến những nguyên liệu đó thành sản phẩm. Giá trị mà tòa nhà đại diện có thể thay đổi, nhưng giá trị thị trường sẽ vẫn còn đó cho đến khi khối kiến trúc sụp đổ. Với con tàu hay cỗ máy cũng vậy, chúng sẽ còn nguyên giá trị cho đến khi trở nên vô dụng.

Ngày nay, khối óc và đôi bàn tay còn tạo ra thêm nhiều của cải khác, được đại diện bởi những lợi ích vô hình như cổ phiếu, các khoản vay và hợp đồng. Tài sản vô hình thường đem lại nhiều lợi ích hơn cho mỗi cá nhân so với tài sản hữu hình. Giá trị thị trường của một mã chứng khoán được thể hiện ở sự thành công của doanh nghiệp, chứ không phải giá trị thị trường của tài sản có thực. Các nhà đầu tư sẽ đánh giá dựa trên lợi nhuận, các lĩnh vực kinh doanh, xu hướng của ngành, lợi nhuận trong tương lai cùng với tài sản quan trọng nhất: Năng lực quản lý hiệu quả. Nói cách khác, giá trị thị trường phải được căn cứ trong tiềm lực hiện tại cũng như tiềm năng trong tương lai.

Trên toàn nước Mỹ hiện có hàng triệu người đang hài lòng với công việc tốt và thu nhập ổn định; hàng trăm nghìn người sống trong cảnh giàu sang và hàng vạn triệu phú. Họ giàu có và dư dả không phải do giá trị thanh khoản của công ty họ đang sở hữu, mà trong phần lớn trường hợp, là do giá trị thị trường của số cổ phần họ đang nắm giữ – số cổ phần họ đã mua lại thành công nhờ biết tiết kiệm từ những gì họ làm ra.

Tóm lại, khối óc, đôi bàn tay và nguồn tài nguyên sẽ tạo ra công việc và sinh ra của cải. Ngoài ra, bạn còn cần sở hữu một công việc kinh doanh thuận lợi và thiết lập một hệ thống tín dụng tiêu dùng.

Tại đất nước này, bất kỳ cá nhân nào có tố chất đều có cơ hội thiết lập và duy trì tài sản tín dụng. Bạn có thể biến những ý tưởng sáng tạo, tài năng nghệ thuật, kiến thức, phương pháp, cá tính và sức mạnh thể chất thành tài sản giá trị nếu rèn luyện cho mình quan điểm tư duy tích cực.

Bạn có thể thỏa sức tận hưởng đủ loại vật chất như xe cộ, tiện nghi hay nhà cửa – bạn có thể tự đứng ra kinh doanh hay tìm mua và xây dựng một trang trại – và chi trả cho chúng thông qua hệ thống tín dụng. Nhưng để duy trì tài sản tín dụng, bạn phải hiểu rõ nghĩa vụ của mình và thanh toán các khoản vay đúng hạn.

Và khi sử dụng hệ thống, bạn cùng những người khác – những người tiêu dùng giống như bạn – đã gián tiếp mang lại việc làm cho những công dân Mỹ còn lại, những người cũng cần mua sắm cho nhu cầu thiết yếu và xa xỉ của mình thông qua hệ thống tín dụng.

Khi bạn đã thanh toán đầy đủ cho nhà cửa cũng như tất cả những tài sản khác qua tín dụng, tức là bạn đang sở hữu tài sản hữu hình trên giá trị thị trường của chúng. Và giá trị thị trường của những doanh nghiệp hay các khoản đầu tư được mua từ các khoản vay mượn sẽ lớn hơn gấp bội mức giá ban đầu sau khi bạn đã thanh toán đầy đủ.

Khi bạn tạo ra tài sản từ tiền vay mượn, bạn cũng đã góp phần xây dựng sự phồn vinh của đất nước. Vì sự phồn vinh của quốc gia phụ thuộc vào cuộc sống sung túc của người dân. Và người dân có được sống sung túc hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ công việc của họ.

Hiệp hội Chuyên viên Tiếp thị và Bán hàng Quốc gia đã cho tiết lộ rằng một người bán hàng có thể mang lại công việc cho 32 người khác. Chẳng hạn, khi bạn mua một chiếc xe hơi, nhân viên bán hàng tại salon và các công nhân trong nhà máy sẽ nhận được thù lao; các xí nghiệp cung cấp thiết bị cho nhà máy cùng công nhân của họ cũng nhận được quyền lợi tương tự; chưa kể các ông chủ và công nhân của các công ty chuyên cung cấp thiết bị cho những nhà cung cấp đó nữa.

Mỗi người trong số họ đều phải đóng thuế, dù trực tiếp hay gián tiếp. Đổi lại, chính phủ sẽ trả lương cho công chức, và công chức lại tiếp tục mua sắm. Như vậy, càng có thêm nhiều người giữ được công việc và trở thành người tiêu dùng; và họ cũng mua qua tín dụng, và họ cũng đóng thuế.

Các cổ đông cũng phải đóng thuế trên cổ tức. Và tài sản của họ cũng sẽ tăng lên cùng giá trị thị trường của cổ phiếu do họ nắm giữ, khi công ty đó làm ăn ngày càng phát đạt.

 

Đóng thuế là hành động đẹp

Thuế suất hợp lý trên thu nhập và tài sản là một hành động đẹp. Nó đem lại lợi ích cho quốc gia, và bất cứ điều gì có lợi cho quốc gia thì cũng có lợi cho người dân.

Thế nhưng dễ dàng điều tiết và phung phí tiền bạc do hoạt động kinh doanh không hiệu quả là điều không nên: hoạt động của chính phủ, cũng như các tổ chức kinh doanh khác, nên thiết lập những quy định phòng tránh trường hợp trên.

Mặt khác, chính phủ Hoa Kỳ có thể đưa ra những chủ trương quan trọng và đường lối cấp thiết nhờ có hệ thống tín dụng. Ngoài việc thanh toán dựa trên thu nhập, tín dụng còn đảm nhận các khoản vay của chính phủ ‒ hay còn được xem là nợ tốt. Vì chưa bao giờ từ lịch sử thành lập đến nay, chính phủ lại không hoàn toàn tốt nghĩa vụ tài chính của mình. Truyền thống đó đã bắt đầu khi đơn vị tiền tệ được đảm bảo trong suốt Chiến tranh giành Độc lập. Trong đó, phẩm chất đạo đức của chính phủ Hoa Kỳ chính là đại diện cho phẩm chất đạo đức của tất cả người dân nước Mỹ.

Thuế suất hợp lý là điều tốt, vì nhờ đó những chính phủ như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có thể tăng cường sức mạnh quân sự, nhằm bảo vệ cuộc sống, tự do và tài sản của nhân dân. Thuế suất giúp cho những con người yêu chuộng tự do có thể gìn giữ tự do cho bản thân mình. Và song song với đáp ứng hoài bão của họ, thuế suất còn làm ra thêm nhiều của cải: thêm nhà máy, thêm máy móc thiết bị, thêm hàng hóa, thêm việc làm và thêm thu nhập sau thuế.

Đóng thuế là điều tốt, nhưng cũng như mọi điều tốt đẹp khác trong cuộc sống, chúng ta sẽ không quan tâm đến chúng trừ khi chủ động phân tích lợi ích và nhận ra chúng đáng quý như thế nào. Chẳng hạn đối với thuế suất liên bang, Quốc hội đã đưa ra những điều lệ và phát biểu: “Cứ tìm cách tránh thuế nếu bạn có thể, nhưng hãy tuân thủ luật chơi. Nếu phát hiện ra sự bất công, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại các điều luật.” Còn gì công bằng hơn thế?

Những doanh nghiệp khôn ngoan chắc chắn sẽ tuân thủ luật chơi – vì họ có thể biến khó khăn thành lợi thế, và từ đó sẽ tích lũy thêm tài sản. Thay vì chuyển lợi nhuận thành khoản thu nhập cá nhân khổng lồ (mức thu nhập bị đánh thuế đến 91%), họ sẽ tái đầu tư vào doanh nghiệp, và việc làm ăn sẽ ngày càng phát đạt.

Và rồi, khi họ cần một số tiền lớn, họ có thể cắn chính miếng bánh của mình – mà vẫn hoàn toàn tuân thủ luật chơi. Họ sẽ biến một phần sở hữu công ty của mình thành cổ phiếu và niêm yết ngoài thị trường mở. Và mặc dù phải chia sẻ một phần quyền sở hữu công ty, tài sản của họ vẫn tăng lên, vì giá trị thị trường của những cổ phần họ đã bán sẽ hơn gấp nhiều lần giá trị thực tế hoặc giá trị thanh khoản của chính những cổ phần đó nếu họ không niêm yết chúng lên sàn. Xin hãy nhớ rằng người bỏ tiền mua những cổ phiếu đó đã tính toán hết những lợi ích vô hình khi quyết định thu mua, như quyền quản lý và lợi nhuận trong tương lai.

Các nhà đầu tư thu vào những cổ phiếu đó cũng phát sinh thêm tài sản. Tiền của họ sẽ mang về lợi nhuận. Vì Chủ tịch hoặc CEO của công ty mới là người chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh, chịu trách nhiệm làm ra tiền cho họ và tích lũy tài sản cho họ. Khi mọi thứ tiếp diễn như vậy, giá trị cổ phiếu trong tay các nhà đầu tư – hay cổ đông – cũng tăng lên theo tỉ lệ tương ứng. Về sau, khi các cổ đông cần vay tiền phục vụ cho mục đích khác, họ có thể ký quỹ hoặc thế chấp cổ phiếu.

 

Những quốc gia phồn vinh

Khi bạn so sánh giữa các nước giàu và các nước nghèo trên thế giới, có một điều rõ ràng là sự phồn vinh của một quốc gia không hề phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, như dầu mỏ, thảm thực vật xanh tốt, khí hậu ôn hòa, đường bờ biển chiến lược hay nguồn nước ngọt dồi dào. Yếu tố quyết định ở đây chính là suy nghĩ cầu tiến, kiến thức, phương pháp và sức lao động của người dân. Tài nguyên thiên nhiên chỉ là “kim cương thô”; cũng như kiến thức không phải sức mạnh, mà chỉ là tiềm lực, tài nguyên cũng không thể trở thành của cải nếu không được cải tạo.

Trước khi tìm hiểu vì sao một số quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên dồi dào lại không thể cải tạo chúng và không thể thịnh vượng – như Ấn Độ, Mexico, Argentina và Brazil – hãy đến với những đất nước vốn nghèo tài nguyên, khoáng sản nhưng đã và đang chuyển mình thành những cường quốc – như Nhật Bản, Tây Đức và Puerto Rico. Sự tiến bộ vượt bậc của họ chính là thành quả từ quan điểm tư duy tích cực được chính phủ và người dân phát huy, từ kiến thức và phương pháp tích lũy trong hoạt động sản xuất, tài chính, marketing và xuất khẩu. Mỗi công dân đều nắm được phương thức để thành công, và họ sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Ngày nay, không khó để nhận ra rằng nước Mỹ, hoặc bất cứ quốc gia nào khác có nguồn tài nguyên phong phú và của cải dồi dào, đều là thành quả dựng xây của những công dân đã cải tạo tài nguyên thiên nhiên thành của cải thông qua phương thức hoàn mỹ của thành công, với điều kiện:

Tất cả những nguồn tài nguyên đó đều được khai thác từ lãnh thổ đất nước và trong ranh giới quốc gia.

Lực lượng lao động trong nước được doanh nghiệp sử dụng để tạo nên thành phẩm.

Tiền công lao động, nguyên liệu thô và tất cả những chi phí khác đều được chi trả bằng tiền tệ trong nước.

Hệ thống tín dụng tốt là một ưu thế, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, các ngành nghề sản xuất và người tiêu dùng.

Chính quyền vững mạnh sẽ đảm bảo pháp luật được thực thi triệt để, nhằm bảo vệ quyền tự do thương mại của các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chăm lo cho quyền sống và quyền sở hữu tài sản của mỗi người.

Chính phủ sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá, bằng cách xây dựng đất nước thật hùng mạnh, khiến cho những quốc gia đối lập không dám tấn công.

Thái độ sống tích cực sẽ nuôi dưỡng lòng tự hào trong mỗi thành tích cá nhân, giúp bạn khám phá niềm vui trong công việc, và nuôi dưỡng khao khát góp phần xây dựng đất nước và thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

 

Trở nên giàu có nhờ biết cho đi

Nước Mỹ đang tích lũy thêm của cải vật chất nhờ cung cấp các mặt hàng dư thừa như thực phẩm, hàng hóa sản xuất các loại, bao gồm cả vũ khí chiến tranh để trợ giúp các quốc gia còn thiếu thốn trên khắp thế giới. Điều đó đồng nghĩa rằng thêm nhiều nhà máy, nhiều xí nghiệp sẽ được dựng nên, tạo ra thêm sản phẩm, thêm việc làm, thêm nơi ăn chốn ở và thêm nguồn thuế thu nhập trong nước. Kể cả trong trường hợp những hàng hóa và thực phẩm đó được cho không đi chăng nữa (vì chúng được cung cấp để người dân nước họ tự cứu lấy chính mình), thì của cải vật chất vẫn liên tục được tạo ra tại quê nhà khi chúng ta vận chuyển hàng hóa khắp thế giới. Quan trọng hơn, chúng ta đã tiếp thêm sức mạnh và lòng can đảm cho bạn bè quốc tế, những người sẵn sàng đánh đổi mạng sống vì tự do của họ; nhờ có sự hỗ trợ của chúng ta, họ đã có thể tự cứu lấy chính mình. Trong đó, Na Uy, Italia, Hy Lạp, Đức và Nhật Bản là những ví dụ điển hình nhất.

Bên cạnh đó, nước Mỹ và người dân Mỹ cũng mạnh dạn mở ra cho các quốc gia khác con đường tự giải phóng đất nước mình, qua việc chia sẻ các yếu tố cố lõi trong phương thức hoàn mỹ của thành công. Cảm hứng hành độngđược phát huy nhờ các hoạt động tuyên truyền từ nhà thờ, các bác sĩ, y tá, nhà khoa học, giáo viên và doanh nhân; họ cũng sẵn lòng mang đến kiến thức và phương pháp nếu các quốc gia đó có đủ khả năng tiếp thu và sẵn sàng hành động. Chúng ta cũng nới rộng công nợ và các khoản vay, mua lại hàng hóa gia công để nước bạn có thể nhanh chóng thoát cảnh thiếu thốn.

 

Cân bằng tín dụng quốc tế

Nỗi lo về những bất lợi trong cân bằng tín dụng tiền tệ quốc tế đã vắt kiệt sức các quốc gia một cách không cần thiết. Những nhà cầm quyền tại đó nên học hỏi từ những quốc gia khác đã học được cách trở nên giàu mạnh.

Mỗi vấn đề đều có cách giải quyết thỏa đáng, nhưng vấn đề đó phải được giải quyết thông qua quan điểm tư duy tích cực. Nếu một quốc gia phát triển bền vững gặp bất lợi nghiêm trọng trong cân bằng mậu dịch, họ có thể cân nhắc điều tiết lại sản lượng nhập khẩu, có thể bỏ qua sĩ diện bên ngoài và tạm thời áp dụng phương thức đã đem lại hiệu quả vượt bậc cho những quốc gia vốn tin tưởng vận dụng chúng: Sử dụng hệ thống giao dịch tín dụng trong nước thay vì vàng bạc như phương tiện giao dịch. Sau đó, khi một nước công nghiệp cần nhập sản phẩm từ một nước nông nghiệp, tiến trình sẽ diễn ra như sau:

Nước công nghiệp sẽ chấp nhận xuất một khoản tiền, giả định là 500 triệu đô-la cho sợi len, gỗ xẻ, thịt tươi và những hàng hóa khác từ nước nông nghiệp. Nước nông nghiệp cũng đồng ý xuất một khoản tương tự cho những hàng hóa lấy từ nước công nghiệp. Như vậy, mỗi quốc gia sẽ trả cho sản phẩm do chính mình trồng trọt hoặc sản xuất bằng tiền tệ của quốc gia mình, cho người dân của họ. Các doanh nghiệp tại nước nông nghiệp sẽ thanh toán thông qua đại diện chính quyền cho những mặt hàng công nghiệp nhập khẩu, tương tự, các nhà phân phối thực phẩm tại nước công nghiệp cũng thanh toán qua đại diện chính quyền bằng tiền tệ của quốc gia mình.

Nói ngắn gọn, của cải được tạo ra từ thái độ sống tích cực, trình độ học vấn, sức lao động, kiến thức, phương pháp và phẩm chất đạo đức của con người, dưới sự quản lý của chính quyền – nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, tôn trọng và bảo vệ quyền sống và quyền sở hữu tài sản của mỗi người dân. Những yếu tố cốt yếu ảnh hưởng đến thể chế này chính là khối óc, đôi bàn tay, tài nguyên, hệ thống tín dụng và thuế suất công bằng. Tiền tệ, và các phương tiện trao đổi khác phải được công nhận và giá trị được chấp thuận.

 

Giành chiến thắng nhanh hơn trong Chiến Tranh Lạnh

Nếu chúng ta muốn giúp đỡ những quốc gia nghèo khó trên thế giới trở nên giàu mạnh, chúng ta phải thúc đẩy họ tiếp thu kiến thức và phương pháp nhằm tích lũy của cải, những yếu tố tối cần thiết chúng ta đã chia sẻ với họ.

Ấn Độ đang ngày càng nghèo đi vì gia tăng dân số. Nguyên nhân: do tiêu dùng nhiều hơn. Hoa Kỳ đang ngày càng giàu lên vì gia tăng dân số. Nguyên nhân: Do tiêu dùng nhiều hơn. Nếu được áp dụng, công thức làm giàu tại Mỹ cũng sẽ phát huy tác dụng tại Ấn Độ.

Và một điều nữa: Nga và Trung Quốc cũng có thể trở nên giàu mạnh mà không cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới các nước láng giềng. Vì họ có thể tạo ra của cải bằng cách khơi dậy nguồn nội lực của đất nước, thông qua phương thức hoàn mỹ của thành công. Nhưng họ cần phải hiểu của cải trong thời đại được làm ra như thế nào và vận dụng chính xác những nguyên tắc cần thiết.

 

Bạn, Của cải và Cơ hội

Hãy luôn ghi nhớ rằng, nếu kho vàng ở pháo đài Knox chỉ là huyền thoại, thì giá trị tài sản hữu hình được tạo nên từ khối óc, đôi bàn tay và nguyên liệu thô chỉ tính riêng của nước Mỹ cũng sẽ vượt xa giá trị của tất cả mỏ vàng, mỏ bạc trên khắp thế giới cộng lại.

Nếu bạn đã hiểu thấu được những quan niệm về của cải và sự giàu có được đề cập trong chương này, bạn đã sẵn sàng vận dụng những nguyên lý đó trong đời sống.

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Sự giàu mạnh của quốc gia là thành quả của nhân dân. Chúng ta là một phần trong sự phồn vinh của nước Mỹ.

Bạn phải hiểu rõ nguồn gốc và bản chất của của cải trước khi có thể tích lũy chúng. Sao bạn không thử đọc lại chương này? Tôi dám đảm bảo rằng bạn sẽ phát hiện thêm nhiều điều mà trong lần đầu tiên bạn đã bỏ qua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.