Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng
15. THỔI BÙNG KHAO KHÁT
“Anh nói công tắc khẩn có nghĩa là sao?” Tôi hỏi.
“À, mọi người vẫn hay gọi như vậy,” Jack đáp. “Muốn tìm hiểu về nó anh phải biết người khác muốn gì – anh ta cần phải làm gì để đạt được điều đó – và anh có thể giúp đỡ bằng cách nào.
Điều đầu tiên anh cần làm là giúp anh ta tự ý thức được mong muốn về điều gì đó anh ta chưa có. Sau đó, anh sẽ chứng tỏ rằng anh có thể đáp ứng tốt nhất mong muốn của anh ta. Và khi khao khát trong anh ta bắt đầu sục sôi, thì công tắc khẩn cũng đồng thời được kích hoạt.”
“Ý anh là gì khi nói về việc kích hoạt công tắc khẩn, anh sẽ động viên anh ta à?” Tôi thắc mắc.
“Đúng,” Jack trả lời – anh là nhân viên bảo hiểm có doanh thu cá nhân vượt qua con số một triệu đô-la mỗi năm. Anh cũng rất có uy tín trong việc động viên những nhân viên mới đạt thành tích cao trong doanh thu. Anh đã dạy họ cách kích hoạt công tắc khẩn bên trong mỗi người.
Jack Lacy được biết đến vì những thành công anh đã đạt được khi huấn luyện nhân viên kinh doanh mới tại những buổi đào tạo nghiệp vụ thuộc Hiệp hội Chuyên viên Bán hàng Quốc gia. Anh đã huấn luyện cho các nhân viên đến từ hàng trăm tập đoàn lớn nhỏ trên cả nước. Các khóa học “Jack Lacy” chuyên sâu và các album ghi âm kèm theo cũng tạo được tiếng vang trên toàn thế giới.
Giờ đây bạn đã biết rằng yếu tố quan trọng nhất trong phương thức hoàn mỹ của thành công chính là cảm hứng hành động. Jack Lacy đã phát biểu: “Nếu bạn muốn động viên ai đó, hãy nhấn công tắc khẩn!” Từ đó, Jack đã kích hoạt thành công niềm cảm hứng trong mỗi người và biến chúng thành hành động.
Hãy cho anh ta lý do để sống tiếp
Leonard Evans được đề bạt làm Giám đốc Kinh doanh của công ty tôi từ vị trí nhân viên bình thường. Sau một thời gian trở thành giám đốc chi nhánh nhỏ tại bang Mississippi, anh vẫn giữ lại căn nhà ở Dermott, Arkansas. Có vẻ như nếu một người đã đặt chân đến Arkansas khi còn trẻ, thì anh ta nhất định sẽ quay trở lại vì lý do nào đó. Có điều gì có ở Arkansas đã thu hút họ.
Tuy Leonard tỏ ra khá thành công ở vị trí giám đốc, anh đã tự thỏa mãn quá sớm và khiến hoạt động kinh doanh đi xuống. Mọi việc vẫn ổn, thu nhập của Leonard vẫn rất tốt; nhưng trên cương vị Giám đốc Kinh doanh toàn quốc, tôi không thể cảm thấy hài lòng. Hết lần này đến lần khác, tôi đã cố gắng khởi động công tắc khẩn trong anh và kích hoạt niềm cảm hứng giúp anh thoát khỏi lối mòn. Thế nhưng, dường như mỗi khi cảm hứng trong anh nhen nhóm lên được một chút, chúng lại lập tức vụt tắt.
Leonard ngày càng trở nên tự mãn; nhưng tôi vẫn quyết không bỏ cuộc. Và tất nhiên, chúng tôi đã có chút tiến triển. Tuy vậy anh ấy vẫn chưa bắt nhịp được với tiến độ kinh doanh trên cả nước. Rồi một ngày nọ, tôi nhận được một bức thư từ người vợ Scottie của anh:
Kính gửi ngài Stone,
Leonard đang mắc phải chứng suy tim rất nghiêm trọng. Bác sĩ đã kết luận rằng anh ấy không còn sống được bao lâu nữa. Leonard đã nhờ tôi viết thư thông báo với ngài rằng: Anh ấy sẽ thôi việc.
Nếu đơn từ chức của Leonard được gửi đến tôi khi anh vẫn còn khỏe mạnh, tôi sẽ vui vẻ đồng ý. Nhưng đây là vấn đề quan trọng hơn cả chuyện công việc, và tôi muốn Leonard phải tiếp tục sống. Bí quyết khi động viên là bạn phải chạm đến cảm xúc sâu sắc như cách bạn chạm đến căn nguyên của vấn đề. Vì vậy, tôi đã gửi đến Leonard một bức thư được soạn rất tỉ mỉ. Trong đó:
- Tôi nhắc lại rằng đơn xin từ chức của anh đã bị từ chối – và tương lai của anh vẫn còn ở phía trước.
- Tôi khuyên anh nên tiếp tục học hỏi, suy nghĩ và lên kế hoạch cho thời gian tới.
- Và tôi cũng đề cập đến lợi ích của việc theo học khóa Thành công với Quan điểm Tư duy Tích cực, bao gồm 17 buổi học và khuyến khích anh hoàn thành hết các câu hỏi sau mỗi bài học ‒ đặc biệt là câu hỏi đầu tiên trong chương mở đầu: “Mục tiêu quan trọng nhất của bạn là gì?”
- Tôi thông báo cho anh biết rằng tôi sẽ bay đến Dermott thăm anh vừa lúc anh từ bệnh viện trở về nhà và đã sẵn sàng để gặp tôi.
Kinh nghiệm đã dạy tôi biết phải làm gì để giữ người khác tiếp tục sống – bạn phải cho anh ta một lý do. Trong thư, tôi đã động viên anh: “… chúng tôi cần anh, chúng tôi rất cần anh; hãy mau chóng bình phục; tôi còn nhiều kế hoạch đầy tham vọng khác muốn chia sẻ cùng anh.
Và Leonard đã tiếp tục sống, và hồi phục rất nhanh – vì anh đã có lý tưởng để tiếp tục phấn đấu; anh đã nhận ra rằng cuộc đời còn nhiều điều ý nghĩa hơn việc kiếm tiền.
Khi tôi đến thăm nhà, anh đã không còn vật vờ bên giường bệnh nữa. Anh lao vào nghiên cứu, suy nghĩ và hoạch định cho tương lai. Và anh đã tìm được cho mình năm mục tiêu quan trọng nhất:
- Sẽ quyết định nghỉ hưu vào ngày 31 tháng Mười hai trong ba năm tới.
- Sẽ tăng gấp đôi doanh số hàng năm cho đến thời điểm đó.
- Sẽ tích lũy tài sản vật chất lên đến con số một triệu đô-la.
- Sẽ trở thành chuyên viên đào tạo chuyên về truyền cảm hứng, huấn luyện và hướng dẫn các nhân viên cùng Giám đốc Kinh doanh dưới quyền anh cách đạt được doanh số cao, gia tăng thu nhập và đạt đến sự dồi dào về tài chính.
Nhưng điều quan trọng nhất, chính là chia sẻ với mọi người về nghị lực và sự sáng suốt anh có được nhờ dành thời gian nghiền ngẫm Thành công với Quan điểm Tư duy tích cực.
Anh đã lần lượt hoàn thành từng mục tiêu đề ra. Đối với những người đã lắng nghe bài phát biểu của anh về quan điểm tư duy tích cực, cuộc sống của họ đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn – từ nhân viên bảo hiểm, giám đốc kinh doanh, học sinh trung học, doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ, giáo viên, cho đến giáo dân tại nhiều giáo xứ. Họ đều khẳng định rằng Leonard Evans đã biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn, một nơi đáng sống hơn.
Tôi đã động viên anh như thế nào
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem xét các yếu tố đã vực dậy ý chí của Leonard. Đó chính là:
- Theo ngôn ngữ của Jack Lacy, thì tôi đã “giúp anh tự ý thức được mong muốn về điều anh chưa có… và cho anh thấy rằng tôi có thể đáp ứng tốt nhất mong muốn của anh.” Đó là sự ám thị.
- Tôi đã chạm đến cảm xúc sâu sắc như cách tôi chạm đến căn nguyên của vấn đề. Tôi tha thiết với Leonard rằng tôi muốn anh, tôi cần anh trở lại với sự tự tin vì tương lai của anh vẫn còn ở phía trước. Và anh đã đặt niềm tin vào sự chân thành của tôi.
- Trong thời gian bình phục, anh đã nhanh chóng lấy lại tinh thần vì đã giành thời gian nghiên cứu, suy nghĩ và hoạch định cho tương lai. Anh đã có mục tiêu để phấn đấu.
- Anh cũng xác định được hướng đi đúng, nhờ tham gia vào khóa học kỹ năng đã từng thôi thúc biết bao người gặt hái những thành quả lớn lao.
- Anh đã hoàn thành các câu hỏi, trong đó mỗi câu đều được thiết kế để dẫn dắt tâm trí anh đi đúng hướng, và dần hình thành nên quan điểm tư duy tích cực. Nhờ vậy, sau khi trả lời xong câu đầu tiên, anh đã vạch ra năm mục tiêu quan trọng nhất cho mình – đại diện cho năm niềm khao khát anh hướng đến.
Tôi đã nhấn mạnh tác dụng của những lời ám thị trong thư bằng việc sắp xếp với anh một buổi gặp riêng, và xóa tan mọi nghi ngờ còn sót lại của anh bằng tấm lòng chân thành lo lắng của tôi đối với một người trên giường bệnh. Tôi cũng liên hệ đến câu chuyện của Charles Sammons, một trong những người bạn của tôi đang sống ở Dallas, Texas. Charles cũng bị suy tim, nhưng anh đã tìm được lý do để tiếp tục sống. Sau khi bình phục, anh đã tuân theo lời khuyên của bác sĩ; anh chuyển sang sử dụng trí óc của mình và để người khác lo những công việc nặng nhọc. Những gì anh làm được sau khi hồi phục còn phi thường hơn những thành tích anh đạt được trước khi phát bệnh. Bác sĩ của Charles đã chia sẻ: “Anh ta sẽ sống thọ hơn, vì chính chứng suy tim đã nhắc nhở anh quan tâm đến sức khỏe của mình.”
Hãy cho họ cơ hội… biến giấc mơ thành sự thật
Chính Johnie Simmons là người đã tuyển Leonard Evans vào làm – và cả Felix Goodson. Một lần nọ, tôi hỏi Felix: “Vì sao anh lại tin rằng chúng tôi sẽ thành công trong việc tuyển thêm nhiều Giám đốc kinh doanh từ Arkansas hơn từ bất kỳ tiểu bang nào khác?”
Anh đáp: “Tôi không biết người khác nghĩ thế nào, nhưng khi Johnie Simmons phỏng vấn tôi và trao cho tôi cơ hội làm việc cho ngài và hứa hẹn mức thu nhập trong ngày bằng với mức lương tuần tôi hiện có, tôi đã biết ngay đó là cơ hội trời cho. Và đó là tất cả những gì tôi cần. Tôi đã sẵn sàng cho công việc, và tôi biết cách kiếm đủ tiền để biến ước mơ của tôi thành sự thật.”
Anh làm việc, và làm một cách có hệ thống. Anh đã vận dụng phương thức thành công hoàn mỹ do chúng tôi phát triển, và được đề bạt từ nhân viên bình thường lên giám đốc kinh doanh quận tại Tây Virginia. Anh cũng dần trở lên giàu có.
Khi Felix còn bé, bùn đất quê nhà Arkansas vẫn hay bám đầy chân anh mỗi khi đi bộ từ nông trại của cha đến trường. Khi đi ngang qua căn biệt thự rộng lớn trên đỉnh đồi, anh luôn tự nhủ với mình: “Một ngày nào đó mình sẽ làm chủ một nông trại và cũng sẽ xây một căn biệt thự màu trắng to như thế này trên đỉnh đồi.”
Không lâu sau khi trở thành Giám đốc Kinh doanh quận tại Tây Arkansas, anh đã mua một nông trại cùng một biệt thự màu trắng trên đỉnh đồi. Và đàn gia súc của anh được mệnh danh là đàn thuần chủng tốt nhất trên khắp toàn bang.
Trên cương vị một Giám đốc Kinh doanh, anh đã thể hiện được sự quan tâm chăm sóc của mình đối với cấp dưới – vì anh thật sự có tố chất đào tạo. Có lẽ đó là lý do tôi đã không hề ngạc nhiên khi anh báo với tôi rằng anh muốn nghỉ hưu, khi đang ở độ tuổi còn rất trẻ, và sử dụng tài năng của mình để hoàn thành một ước mơ khác – trở thành mục sư về thánh nhạc và quay về hỗ trợ cho nhà thờ của anh. Giờ đây, với những kỹ năng trong nghề bán hàng và kinh doanh, anh có thể giúp giáo phận mình gây quỹ hỗ trợ cho những hoạt động tôn giáo trong vùng. Cũng phải mất hàng năm trời học hỏi, nhưng cuối cùng anh đã trở thành mục sư thánh nhạc như mong ước. Hiện anh vẫn đang giúp việc cho nhà thờ và góp phần xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.
Bài học tôi học được từ Felix chính là: Bạn có thể động viên người khác làm điều bạn muốn nếu trao cho họ cơ hội được làm điều họ muốn.
Một trong những cách dễ dàng và thú vị nhất để động viên người khác chính là thông qua sự mê hoặc tinh tế – dùng những câu chuyện và kinh nghiệm thực tế để gợi cho họ niềm cảm hứng hành động – và chạm đến cảm xúc của họ sâu sắc như cách chạm đến căn nguyên của vấn đề. Đó là thông điệp tôi cố gắng truyền tải thông qua cuốn sách này. Nhưng liệu tôi đã thành công hay chưa?
Động viên bằng cảm xúc
“Cậu đủ trình, hay Cậu chưa đủ trình là cách các băng thiếu niên bây giờ đánh giá người khác,” Đức cha David Wilkerson, “nhà thuyết giảng đến các băng nhóm” tại Brooklyn, New York – với vẻ ngoài gầy guộc và yếu ớt – tiết lộ.
Câu chuyện về Wilkerson sẽ minh họa cho cách tôi thâm nhập và dẫn dắt tâm trí bạn, khiến bạn chấp nhận và tiếp thu khẩu hiệu tự động viên tôi đã học được từ Napoleon Hill: “Mỗi khó khăn đều tiềm ẩn một lợi thế không ngờ.” Dưới đây là những gì anh đã kể với tôi:
“Khi đó, tôi đang giữ chức mục sư ở một nhà thờ nhỏ vùng quê Pennsilvania – Coalport. Những lời phàn nàn tôi phải nghe về các băng nhóm thiếu niên, về những hành vi phạm pháp và thói nghiện ngập của chúng nhiều đến mức khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Chúng cứ choán hết tâm trí tôi, và tôi hầu như bị ám ảnh bởi mong muốn tiếp cận chúng.
Một hôm, khi đang xem tạp chí Cuộc sống trong văn phòng, tôi đọc thấy mẩu tin ảnh về một nhóm khoảng 7 thiếu niên bị kết tội mưu sát – nạn nhân là Michael Farmer, sống tại High Bridge Park, khu Trên Manhattan. Tôi không thể thôi nghĩ đến khuôn mặt của chúng, chúng như ám lấy tôi; và ngày qua ngày, nỗi ám ảnh lại càng trầm trọng hơn.”
Sau đó, Davey – như cách bạn bè vẫn thường gọi anh – đã kể tôi nghe về buổi sáng anh cuống cuồng lái xe thẳng đến New York để dự phiên tòa. Anh cũng thuật lại trải nghiệm hãi hùng khi phải nghe tòa tuyên bố về những thủ đoạn tàn ác của 7 bị cáo còn chưa đến tuổi thành niên. Anh thú nhận rằng anh cảm thấy thương xót chúng, và thật lòng muốn chăm lo cho chúng. Tôi sẽ thuật lại chính xác từng lời của anh ấy:
“Tất cả những cảm xúc của tôi về bọn trẻ chỉ là sự đau xót, bất chấp những lời tuyên cáo tôi đã nghe tại tòa. Khi thẩm phán đứng dậy tạm dừng phiên tòa để nghỉ trưa, tôi cảm thấy đã đến lúc phải đứng lên phát biểu – như thể nỗi ám ảnh trong tôi đã lên đến cực điểm. Tôi quyết định sẽ đến gặp thẩm phán tại văn phòng của ông. Đội cảnh vệ sẽ có mặt tại đó – và lần này họ cũng sẽ cho phép tôi vào, như họ đã làm trước đây.
Mang theo quyển Kinh Thánh để ông tin tôi là mục sư, tôi bắt đầu: ‘Thưa thẩm phán Davidson, với tất cả lòng kính trọng, tôi xin ngài chấp thuận cuộc nói chuyện này trên cương vị một mục sư và xin phép được hội kiến riêng với ngài.’ Bất thần, ông co rúm người lại, thụp xuống gầm bàn và thét lớn: ‘Lôi ông ta ra khỏi đây! Ngay lập tức!’
Thế rồi, cả phòng xử đột nhiên náo loạn. Hai viên cảnh sát lao đến và kéo tôi đi xềnh xệch giữa các dãy ghế. Ít nhất 35 người nhảy ra khỏi chỗ ngồi và bổ nhào về phía cửa – có tiếng thét lớn: ‘Lấy máy quay – ông ấy đến rồi, lấy máy quay nhanh lên!’
Tôi thật sự kinh ngạc vì phóng viên lại được phép tham dự. Cảnh sát lục soát khắp người tôi xem có giấu vũ khí hay không. Tính mạng của thẩm phán đang bị đe dọa, nhưng tôi không biết điều đó. Họ nghĩ tôi đang giả làm mục sư để mưu sát thẩm phán. Khi bị lôi ra cửa, tóc tôi đâm cả vào mắt, và tôi đã bật khóc. Tôi tưởng như lạc giữa cơn ác mộng. Tôi đến đây với ý định tốt, nhưng chỉ trong tích tắc, cả thế giới như đang sụp đổ quanh tôi.
Tôi bị dồn đến cửa, rồi ánh đèn flash lóe lên – các kênh truyền hình NBC, United Press và INS đều đã có mặt – ai cũng gào thét đòi tôi giơ cao quyển Kinh Thánh nếu không cảm thấy hổ thẹn. Vì vậy, tôi đã đáp trả lại rằng tôi không phải hổ thẹn vì cầm Kinh Thánh trong tay, và chỉ có Lời của Chúa mới mang lại đáp án trong tình cảnh này.
Và tôi đã giơ cao quyển Kinh Thánh, để rồi bị chộp được trong một bức ảnh.
… Sáng hôm sau khi xem báo tôi mới hay biết. Thật kinh khủng. Nó in sâu vào ký ức của tôi, thậm chí đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ rõ bức ảnh đó – hai viên cảnh sát đứng hai bên, ở giữa là tôi – đầu tóc bơ phờ và rũ rượi; bên dưới tiêu đề: NHÀ TRUYỀN GIÁO TỰ DO PHÁ HỎNG PHIÊN TÒA XÉT XỬ KẺ GIẾT NGƯỜI!”
Sau đó, Davey kể lại nỗi nhục nhã ê chề khi trở về Coalport. Cha anh còn tưởng anh bị trầm uất. Những thầy dòng coi giữ nhà thờ còn khuyên anh nên đi du lịch ít nhất hai tuần một lần.
“Thậm chí, giáo đoàn nơi tôi được phong chức còn triệu tập một cuộc họp, nhằm kết tội những bài báo về tội phạm đã sỉ nhục mục sư đoàn,” anh nói.
David Wilkerson đã quay lại thành phố New York. Và những trải nghiệm sau này của anh sẽ là minh chứng cho nguyên lý: Mỗi khó khăn đều tiềm ẩn một lợi thế không ngờ.
“Thế nên,” vị mục sư trẻ nói, “sau khi gửi xe xong, tôi đi bộ xuống phố 176, và nghe thấy tiếng ai đó gọi tên tôi, “Bên này, Dave.”
“Tôi bước đến và hỏi, ‘anh có biết tôi không?’
“Anh ta đáp, ‘anh là tay truyền giáo đã bị tống cổ khỏi phiên xử vụ mưu sát Michael Farmer. Anh là kẻ đã cố tiếp cận Rul Vandrez và mấy thằng nhóc, đúng chứ?’
“‘Phải,’ tôi trả lời.
“‘Tôi là Tom, thủ lĩnh băng Orval. Đến đây với tôi và gặp gỡ anh em chút nhé.’
“Thế là hắn kéo tôi đi và giới thiệu tôi với bọn trẻ.
“Và chúng chia sẻ, ‘Anh đã làm đúng, anh là người của chúng tôi.’ Tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi có một đứa giải thích: ‘Chuyện là chúng tôi đã chứng kiến anh bị hai tay cớm điệu ra khỏi phòng xử, tức là bọn cớm không ưa anh. Chúng cũng không ưa bọn này, nghĩa là chúng ta cùng hội cùng thuyền với nhau.’”
Tất cả đều xuất phát từ bi kịch của Dave – anh đã bị đuổi ra khỏi phòng xử, lên hẳn trang nhất, và chịu đựng nỗi nhục nhã ê chề – nhờ đó, David Wilkerson đã có được sự tôn trọng của các thủ lĩnh băng nhóm thiếu niên ở New York, và đàn em của chúng – những đứa trẻ mà không ai khác có thể tiếp quản được.
Đối với David Wilkerson, đủ trình nghĩa là được va chạm với các vụ phạm pháp của trẻ vị thành niên, tệ nạn mại dâm, nghiện ngập, rượu chè và ma túy – chúng tồn tại trong các băng Orvals, Dragons, Hell Burners, Mau Maus, Chaplains, Gigis và nhiều băng nhóm khác. Anh đã cố thuyết phục bọn trẻ tuân theo khuôn khổ, tránh xa rắc rối và trở thành công dân tốt, bằng những biện pháp kèm cặp quyết liệt.
Nhờ phương pháp của anh, nỗi đau của bọn trẻ đã dần được chữa lành. Trước thành công ngoạn mục của anh, nhiều mục sư phải thốt lên: “Anh ấy là bậc kỳ tài.” Thậm chí một số thành phần cá biệt – từng nghiện rượu, nghiện ma túy và phạm những tội ác tồi tệ, mất nhân tính – cũng được anh thuyết phục học tiếp lên đại học, gia nhập giáo đoàn, và cùng David Wilkerson tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi thế giới.
Điều này có ý nghĩa gì với bạn?
Nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì cho đến khi bạn đã sẵn sàng.
Nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì, trừ khi bạn liên hệ, xâu chuỗi và vận dụng nhuần nhuyễn nguyên lý: Mỗi khó khăn đều tiềm ẩn một lợi thế không ngờ.
Thổi bùng ngọn lửa đam mê bằng phương thức hoàn mỹ của thành công
Hẳn bạn đang tự hỏi:
- Làm thế nào bạn có thể liên hệ và thấm nhuần nguyên lý động viên bằng cảm xúc?
- Bạn phải làm gì để khơi dậy tham vọng của một người ngay từ đầu đã không có tham vọng?
- Bạn phải làm gì để truyền đến người khác niềm cảm hứng hành động – giúp họ chiến thắng sự thờ ơ?
- Bạn phải làm gì để nhen nhóm ngọn lửa đam mê ngay từ ban đầu?
- Bạn phải làm gì để giữ cho lửa nhiệt tình không tàn lụi?
Đó là những câu hỏi mà các bậc phụ huynh, các nhà giáo, giáo sĩ, doanh nhân, giới bán hàng và các vị lãnh đạo trẻ thường đặt ra cho tôi. Và đáp án của tôi luôn là: “Hãy vận dụng phương thức hoàn mỹ của thành công – bao gồm ba yếu tố quan trọng: (1) cảm hứng hành động, (2) phương pháp và (3) vốn hiểu biết trong hành động.” Sau đó, tôi có thể tiếp tục dẫn dắt, “Chẳng hạn, tôi phụ trách một lớp dạy tối thứ tư hàng tuần tại Hiệp hội Thanh thiếu niên Robert R. McCormick. Tại đây, chúng tôi thành lập một nhóm thiếu niên với tên gọi Câu lạc bộ Thanh Niên Thành Công.
Sau đó, tôi giải thích với những ai còn đang hoài nghi, như tôi đang giải thích với bạn, về lợi ích của những cuốn sách kỹ năng, những bộ phim đặc biệt về đề tài truyền cảm hứng, và những đĩa ghi âm động viên tinh thần. Câu lạc bộ Thanh Niên Thành Công đã tập hợp đủ bộ sách kỹ năng được nhắc đến trong Thành công với Quan điểm Tư duy Tích cực và ngay cả trong cuốn sách này. Mỗi cậu trai sẽ được phát một quyển Tôi Thách Cậu! để bắt đầu luyện tập. Sau đó khi họp nhóm, mỗi người sẽ phát biểu về những bài học họ đúc kết được từ những gì đã đọc.
Trong buổi họp mặt đầu tiên hai năm về trước, tôi đã phát biểu: “Đây là câu lạc bộ của các bạn. Các bạn sẽ trao đổi về chủ đề gì trong hai buổi họp mặt sắp tới?”
“Làm thế nào để học tập tốt hơn và kiếm được một công việc tốt ạ,” có tiếng trả lời. Và thế là, hai buổi sinh hoạt tiếp theo đã mở đầu và kết thúc bởi một hoạt động, mà từ đó về sau đã trở thành thông lệ cho phần đầu và cuối chương trình sinh hoạt.
Chủ nhiệm sẽ khởi động bằng câu hỏi: “PMA (quan điểm tư duy tích cực) của bạn thế nào rồi?”
Cả nhóm sẽ nhiệt tình đồng thanh: “Rất tuyệt vời!”
Chủ nhiệm sẽ tiếp tục: “Bạn cảm thấy thế nào?”
Và cả nhóm lại hào hứng đáp lại: “Tôi cảm thấy sung sức! Tôi cảm thấy hạnh phúc! Tôi cảm thấy tuyệt vời!”
Sau khi kết thúc mỗi buổi sinh hoạt, tôi luôn khuyến khích mỗi thành viên bước lên và chia sẻ: (a) buổi họp mặt có ý nghĩa thế nào với họ; (b) những thành công đặc biệt nào họ đã đạt được từ buổi họp trước; và (c) họ đã vận dụng những bài học đã tiếp thu bằng hành động cụ thể như thế nào.
Sau đó, chủ nhiệm sẽ lặp lại những hoạt động trên và kết thúc chương trình.
Làm thế nào để học tập tốt hơn?
Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng nhóm nam sinh ấy lại quan tâm đến việc cải thiện thành tích học tập tại trường hơn bất kỳ hoạt động nào khác. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu cặn kẽ về những môn học mà họ còn thua sút. Tất nhiên các câu trả lời rất khác nhau, nhưng hãy lấy toán học làm ví dụ. Sau đây là phương pháp cải thiện của tôi:
1. Cảm hứng hành động: tôi gợi lên hứng thú – niềm vui – và vai trò của mỗi môn học. Chúng sẽ giúp các học sinh hiểu hơn mỗi môn có tầm quan trọng như thế nào.
Với môn toán – tôi vận dụng những câu chuyện thú vị về những nhà toán học vĩ đại nhất như Archimedes và Einstein, về toán học như một công cụ hỗ trợ cho tư duy lô-gic, và về khả năng giao tiếp với cư dân trên các hành tinh khác bằng những ký hiệu toán học. Tôi cũng cho họ thấy toán học dễ dàng như thế nào một khi đã ghi nhớ và hiểu rõ các định lý, công thức được tóm tắt ở đầu mỗi chương.
Tôi cũng chỉ ra rằng nếu họ đã nắm vững các định lý, họ có thể giải quyết bất kỳ bài tập nào liên quan đến những định lý đó. Khi còn học lượng giác ở bậc đại học cũng thế, tôi không cần nộp bài tập, tôi chỉ áp dụng phương thức này và liên tiếp đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra. Mục đích của những bài tập là để nắm vững lý thuyết. Vậy tại sao không ôn kỹ lý thuyết ngay từ đầu, và bạn sẽ giải quyết bài tập nhanh chóng hơn? Vì khi đó, bạn sẽ hiểu rõ những gì bạn đang làm.
2. Phương pháp và Kiến thức: Cả nhóm được phép lựa chọn giáo viên mà họ cảm thấy phù hợp nhất để hướng dẫn riêng ngay tại Câu lạc bộ Thanh Niên Thành Công. Họ được phép đề cử người họ muốn. Một giáo viên thực thụ phải truyền thụ được cả phương pháp lẫn kiến thức. Ông ấy có thể chưa biết cách động viên người khác, nhưng tôi có thể bù vào khoản thiếu sót ấy. Các nam sinh đã tự nguyện trau dồi thêm kiến thức từ vị giáo viên đó – người mà chúng tôi đã thỏa thuận một khoản thù lao hậu hĩnh. Kết quả ra sao? Trong vòng 90 ngày, một học sinh đã học vượt hai lớp (ban đầu cậu ấy bị lưu ban hai năm). Đó là cậu học sinh lớp bảy với khả năng đọc chỉ ở cấp lớp ba. Trong 90 ngày, trình độ đọc của cậu đạt đến lớp năm, và đến cuối khóa học thì đã đọc lưu loát tài liệu dành cho lớp bảy. Hiện tại ở trường phổ thông, cậu không phải học sinh đứng đầu lớp, nhưng giáo viên phụ trách cậu đã nhận xét: “Với quan điểm tư duy tích cực, Dick sẽ trội hơn cấp học thực sự của em ấy ít nhất mười phần trăm.” Hầu hết các nam sinh trong nhóm đều có trung bình điểm số xếp loại cao nhất tại trường.
Làm thế nào để tìm được công việc tốt?
Một thiếu niên muốn tạo ra thu nhập là điều dễ hiểu. Cậu ta muốn làm ra đồng đô-la đầu tiên bằng chính sức mình. Nói cách khác, chính hoàn cảnh đã thúc đẩy cậu ta. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ lặp lại quy trình đã áp dụng trong tuần trước. Nhưng có bổ sung những thay đổi trong chủ đề sinh hoạt:
1. Cảm hứng hành động: tôi khơi gợi niềm vui trong công việc và niềm hứng thú khi đạt được thành tích, sau đó sẽ cùng bọn trẻ thảo luận về cuốn Người giàu nhất thành Babylon – đã được để cập trong chương trước. Ai cũng có thể trở nên giàu có, nếu anh ta kiên trì dành dụm mười xu cho mỗi đồng lương kiếm được, và đầu tư một cách khôn ngoan. Kể từ hôm đó, chúng tôi đã lên kế hoạch thành lập Câu lạc bộ Đầu Tư.
2. Phương pháp và Kiến thức: chúng tôi đã bàn luận say sưa về những bí quyết để kiếm được công việc tốt. Mỗi người đều xung phong đưa ra ý kiến của mình, và tôi ghi chú lại. Những ý kiến đưa ra bao gồm: (a) kiểm tra thông tin tại các mục rao vặt và trung tâm tư vấn việc làm; (b) đến hỏi thăm từng cửa hàng một; và (c) tự đứng ra kinh doanh: từ báo giấy, tạp chí, thiệp Giáng Sinh, quà lưu niệm đến những món thủ công tự làm và đem bán. Tôi cũng hướng dẫn họ cách tiếp cận những ông chủ tiềm năng, cách quay bước đi khi bị từ chối và nhiều bí quyết quan trọng khác.
3. Chỉ dẫn: Mỗi học sinh muốn tìm việc làm đều được tôi giới thiệu đến Tom Moore – trợ lý Giám đốc – để đăng ký. Tom có trong tay một danh sách khách hàng khá dài và cần các nam sinh hỗ trợ. Trợ lý của tôi, Art Niemann đã sắp xếp các cuộc hẹn với Phòng Thương mại Uptown để tìm kiếm những ứng viên phù hợp với công việc. Kết quả ra sao? Một học sinh đã bị từ chối đến sáu lần, và cuối cùng cậu đã nhận được một công việc tuyệt vời. Tất cả những người khác cũng nhận được việc như mong muốn. Về sau, nếu có ai xin thôi việc vì lý do nào đó, cậu ta có thể tự mình tìm việc khác hoặc đến gặp Tom nhờ tư vấn.
Giờ bạn đã hiểu: Muốn được người khác kính nể, bạn phải tự mình nỗ lực, chứ không phải tự dưng mà có; học sinh yếu cũng có thể trở thành học sinh giỏi; và người chưa có việc làm cũng có thể kiếm được nghề nghiệp ổn định.
Và hẵn bạn đã nhận ra chúng ta đang bước vào chương thứ 16: “Tài năng do rèn luyện… chứ không phải bẩm sinh.”
Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn
Mỗi nhân vật vĩ đại, mỗi hình tượng thành công, dù nỗ lực trong bất kỳ lĩnh vực gì, đều hiểu rõ phép màu nằm có chân lý: Mỗi khó khăn đều tiềm ẩn một lợi thế không ngờ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.