Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

17. SỨC MẠNH THAY ĐỔI VẬN MỆNH



“Ơ-rê-ka! Ơ-rê-ka! Đã tìm thấy! Đã tìm thấy!” Archimedes nhảy cẫng lên trong bồn tắm và thét lớn.

Archimedes là nhà toán học và nhà phát minh vĩ đại thời Hy Lạp cổ. Một lần nọ, đức vua, cũng là người bạn chí cốt của ông, đã nhờ ông giúp đỡ một việc khác thường. Dạo trước, ngài đã đặt làm một chiếc vương miện bằng vàng nguyên khối – và người thợ đúc vàng đã nhận đủ số kim loại quý giá để đáp ứng yêu cầu của ngài. Khi chiếc vương miện hoàn chỉnh được dâng lên, đức vua bỗng cảm thấy băn khoăn: nó có thật được làm hoàn toàn bằng vàng hay không. Ngài nghi ngờ người thợ vàng đã ăn bớt số vàng được ban phát và thay thế bằng thứ hợp kim kém giá trị hơn.

Vì vậy, đức vua muốn nhờ Archimedes kiểm chứng giá trị của chiếc vương miện, nhưng tất nhiên là không được phá hủy nó.

Archimedes xin đức vua thời gian suy nghĩ. Ông đã trằn trọc với bài toán này suốt nhiều hôm, nhưng vẫn không đưa ra được giải pháp nào; nhưng ông biết, tiềm thức của ông đang mách bảo điều gì đó. Một ngày nọ, khi Archimedes bước chân vào bồn tắm, ông nhận thấy nước đã dâng theo cơ thể ông đến miệng bồn, và tràn hẳn ra ngoài thành. Archimedes ngẫm nghĩ một lúc, rồi thốt lên sung sướng: “Ơ-rê-ka!”

Câu trả lời đã vụt sáng trong tiềm thức và trở nên rõ ràng trong ý thức của ông, cũng hệt như câu trả lời cho các vấn đề thường vụt đến trong tâm trí những khi chúng ta ít lưu tâm nhất, như khi đang nghỉ ngơi, tắm táp, cạo râu, nghe nhạc hay vừa thức giấc.

Cảm hứng của chúng ta cũng thường phát sinh dưới dạng các hình ảnh hiện lên trong tâm trí về những điều bạn đã từng chứng kiến, lắng nghe, tiếp xúc, ngửi, nếm, hay từng có trải nghiệm liên quan đến chúng. Những hình ảnh trong tâm trí đó tồn tại dưới dạng các dấu hiệu mà bạn có thể lý giải dễ dàng, thông qua sự trợ giúp của ý tưởng. Điều này đặc biệt đúng khi câu trả lời bạn tìm kiếm nghe có vẻ khá viển vông.

Sau khi suy nghĩ kĩ, Archimedes đã đề ra cách giải quyết như sau: ông chuẩn bị ba chiếc vại lớn, mỗi vại chứa một lượng nước bằng nhau; sau đó ông lần lượt thả chiếc vương miện vào vại thứ nhất, thả khối vàng đúng bằng khối lượng cung cấp cho thợ đúc vào vại thứ hai, và lượng kim loại bạc có thể tích tương đương vào vại thứ ba – sau đó, ông bắt đầu phân tích sự khác nhau về lượng nước dâng lên trong mỗi vại.

Archimedes là người biết vận dụng khẩu hiệu động viên Phải làm thôi! và lập tức chuyển thành hành động, nhanh chóng kiểm chứng ý tưởng của mình. Thí nghiệm của ông đã kết luận rằng người thợ đúc vàng đã lừa dối đức vua. Hắn ta đã pha thêm bạc vào và giữ lại số vàng còn lại làm của riêng. Kết luận trên đã trở thành cơ sở cho một định luật nổi tiếng: Một vật thể đặt trong chất lỏng sẽ mất đi trọng lượng bằng với trọng lượng của thể tích chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

Archimedes, như hầu hết các nhà khoa học và nhà phát minh lớn chúng ta từng biết, không màng đến của cải vật chất hay xây dựng sự nghiệp kinh doanh cho riêng mình. Nhưng nếu ông có ý định đó, ông nhất định sẽ vận dụng chính xác phương thức trên nhằm khiến cho tiềm thức và ý thức phục vụ ý muốn của ông. Vì ông đã nắm trong tay thứ sức mạnh làm thay đổi vận mệnh.

 

Phát huy sức mạnh thay đổi vận mệnh

Sức mạnh nào có thể thay đổi vận mệnh con người?

Sức mạnh đó bạn đã nắm trong tay. Nhưng cũng như mọi năng lực khác, nó có thể có tác động xấu hoặc tốt – sử dụng nó nhằm phục vụ điều thiện hay điều ác là quyết định ở bạn. Sức mạnh có thể thay đổi vận mệnh… chính là Suy Nghĩ!

Sức mạnh đó có thể tiềm phục âm thầm, hoặc phô diễn công khai, thuần nhất hay pha tạp, vô dụng hay hữu dụng. Càng được vận dụng, ảnh hưởng của nó sẽ càng sâu rộng – bạn càng suy nghĩ nhiều, bạn sẽ càng sáng suốt hơn. Thế nhưng, suy nghĩ của bạn phải chiếu theo quan điểm tư duy tích cực.

Chúng ta đều biết mọi hệ quả đều có căn nguyên của chúng. Và suy nghĩ luôn là gốc rễ sâu xa nhất trong mỗi thành tựu trọng đại. Bạn không suy nghĩ, bạn không thể thành công. Nếu suy nghĩ của bạn bắt nguồn từ những giả thiết sai lầm, bạn sẽ không thể tìm thấy đáp án đúng.

Archimedes đã dành thời gian suy nghĩ để giải quyết vấn đề. Còn Napoleon Hill, ông đã dành thời gian suy nghĩ để đặt tên cho một cuốn sách.

 

Hãy cứ khờ khạo

Khi Napoleon Hill vừa hoàn thành tác phẩm của mình, ông đã đặt cho nó tựa đề: Mười ba bí quyết để trở nên giàu có. Tuy nhiên, nhà xuất bản lại kỳ vọng cuốn sách trở thành tác phẩm bán chạy nhất, với tựa sách đáng giá một triệu đô-la. Mỗi ngày ông ta đều nhắc nhở tác giả thay đổi tựa đề – nhưng dẫu cho Hill có thử đến 600 cái tên khác nhau, thì khi đọc lên cũng không gây ấn tượng gì mấy.

Đến một ngày, nhà xuất bản gọi điện cho ông: “Chúng ta phải đặt cho xong tên sách vào ngày mai. Nếu ông không làm được, tôi sẽ làm. Nghe cực chất nhé – Hãy cứ khờ khạo và giàu có táo bạo.

“Ông sẽ giết tôi mất,” Hill gầm lên. “Cái tên nghe lố bịch hết sức.”

“Thế thì phiền phức đấy, chúng tôi sẽ thông qua nó nếu ông không có ý tưởng nào hay ho hơn. Nhớ là sáng mai đấy nhé.” Nhà xuất bản trả lời.

Tối hôm đó, Hill đã có cuộc đối thoại với tiềm thức của mình. Ông nói thành tiếng: “Chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm. Anh đã làm nhiều điều có ý nghĩa cho tôi, vì tôi. Nhưng sáng mai, tôi phải quyết định tên cho một tựa sách triệu đô-la, và tối nay tôi phải nghĩ xong. Anh hiểu ý tôi chứ?” Hill cứ nhắc đi nhắc lại như thế trong tâm trí suốt hàng giờ liền; và rồi ông thiếp đi.

Khoảng hai giờ sáng, ông choàng tỉnh giấc như có ai đánh thức. Ngay khi vừa mở mắt, một ý tưởng bỗng rực sáng lên trong trí ông. Ông lao vội về phía chiếc máy chữ và viết ra từng từ một. Sau đó, ông nhấc ống nghe lên và gọi cho nhà xuất bản: “Ổn rồi, ta đã có tựa đề cho cuốn sách ấy.”

Và ông đã đúng; vì Nghĩ giàu, Làm giàu đã được bán ra hàng triệu bản kể từ buổi sáng hôm ấy, và trở thành tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực kỹ năng sống.

Cách đây không lâu, tôi và Napoleon Hill có dùng bữa trưa với tiến sĩ Norman Vincent Peale tại New York. Trong lúc trò chuyện, Hill đã kể lại tác phẩm Nghĩ giàu, Làm giàu đã được đặt tên như thế nào – như câu chuyện tôi vừa kể. Tiến sĩ Peale đáp lại không chút lưỡng lự:

“Nhưng ông đã gửi cho nhà xuất bản chính xác những gì họ yêu cầu… đó chứ? Hãy cứ khờ khạo chính là cách diễn đạt thông tục của suy nghĩ. Còn Giàu có táo bạo cũng là cách gọi khác của Làm giàu.

“Như vậy, Hãy cứ khờ khạo và giàu có táo bạo và Nghĩ giàu, Làm giàu chẳng qua cũng chỉ là một mà thôi.”

Trong câu chuyện trên và các trường hợp điển hình khác xuyên suốt cuốn sách này, bạn sẽ được biết về cách vận dụng cơ chế ám thị, tự ám thị và tự kỷ ám thị. Bạn cũng sẽ hiểu được phản ứng của mỗi người phụ thuộc vào kinh nghiệm và thói quen tích lũy trong quá khứ như thế nào.

Mỗi người chúng ta đều có sức mạnh định hướng suy nghĩ của bản thân. Một khi suy nghĩ đã được định hướng phù hợp, chúng ra có thể kiểm soát cảm xúc của mình – và khi cảm xúc được kiểm soát và điều tiết, chúng ta có thể hạn chế những ảnh hưởng không mong đợi của ham muốn mạnh mẽ bên trong, như bản năng, đam mê và những xúc cảm ta được thừa hưởng – luôn thôi thúc ta hành động theo cảm tính mà chính chúng ta cũng không thể lý giải.

Chúng ta có thể tự bảo vệ bản thân khỏi những sai lầm nghiêm trọng trong tương lai, bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp và bất khả xâm phạm trong mỗi hành động sắp thực hiện.

 

Khao khát mãnh liệt dẫn đến hành động sai lầm

Trong chương “Cái nhìn tổng thể”, tôi đã liệt kê tình dục, rượu chè, gian dối và trộm cắp vào nhóm bốn tác nhân chủ yếu dẫn đến thất bại trong ngành bán hàng. Chúng cũng là những tác nhân khiến cho từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ nhỏ vấp phải thất bại trong bất kỳ hoạt động nào. Và khi một trong bốn tác nhân đã phát sinh, thì sự dối trá, bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ gắn liền với tác nhân đó.

Trường hợp của Joe là một điển hình. Anh là người khiến tôi rất tự hào; vì đã chiến thắng con người cũ của chính mình. Câu chuyện xảy ra như sau:

Joe là một trong những nhân viên bảo hiểm của tôi đã tìm được động lực hành động sau buổi họp kinh doanh. Thế nhưng, anh đã mắc phải một sai lầm do ảnh hưởng của thói quen cũ – một thói quen xấu. Anh không xây dựng được cho mình tiêu chuẩn đạo dức về tính trung thực. Khi tham gia những chương trình thi đua do công ty phát động, thay vì giành lấy vinh dự tôn vinh những cá nhân đã chinh phục mục tiêu một cách chính đáng, anh lại bị cám dỗ bởi ham muốn chiếm đoạt thành quả vốn không thuộc về mình.

Trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt của tổ chức – cần có lòng nhiệt huyết sôi nổi, ý chí kiên định và động lực thúc đẩy vượt qua giới hạn trong mỗi cá nhân – khi giám đốc kinh doanh tổ chức một buổi họp, anh ta phải khơi gợi nên nguồn động lực và cảm xúc nơi nhân viên của mình.

Trong buổi họp có Joe tham dự, tôi đã đặt mục tiêu do anh thu rất cao cho toàn hệ thống cũng như mỗi cá nhân. Trong những cuộc gặp gỡ như vậy, mỗi nhân viên sẽ được tiếp thêm niềm tin để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Và khi quay lại với công việc, anh ta sẽ bắt tay vào hành động, và mục tiêu to lớn của cả hệ thống sẽ từng bước được thực hiện – vì tiềm thức sẽ biến khao khát mãnh liệt thành hiện thực khi họ tin rằng mục tiêu đó nằm trong tầm với.

Sau buổi gặp gỡ quan trọng đó, Joe đã mang lại mức doanh thu trong ngày nhiều hơn bất kỳ đại diện kinh doanh nào trên toàn nước Mỹ. Báo cáo thu nhập của anh đã trở thành một hiện tượng. Từng hợp đồng trong số hàng trăm hồ sơ bảo hiểm đăng ký cho anh đều được đóng phí đầy đủ. Sau đợt thi đua đó, Joe đã chinh phục mọi danh hiệu và mọi giải thưởng cao nhất. Anh đã trở thành “quý nhân” của toàn công ty.

 

Nguyên tắc đạo đức không thể thức tỉnh họ

Tôi đã dẫn Joe đến các cuộc hội thảo kinh doanh trên khắp mọi miền đất nước, và anh đã thuật lại chính xác nhờ đâu anh đã đạt được thành tích này. Những câu chuyện anh kể nghe hết sức chân thành và thuyết phục, và đã chinh phục được lòng tin của mọi người. Joe đã được cất nhắc làm giám đốc kinh doanh tại một khu vực khác. Thế nhưng, khi điều tra các khoản gia hạn dịch vụ, chúng tôi phát hiện ra rằng: không khác gì người thợ đúc vàng trong câu chuyện cổ, Joe đã lừa dối mọi người. Anh đã lừa dối ban giám đốc, Anh đã chiếm đoạt vinh quang vốn không thuộc về mình. Nhưng điều tồi tệ nhất chính là, anh đã tự lừa dối bản thân. Trong những buổi phát biểu về thành tích giả tạo ấy, anh đã càng lúc càng tin tưởng hơn vào sự dối trá do chính anh thêu dệt. Đó chính là hậu quả tai hại do tiềm thức gây nên.

Những tiêu chuẩn đạo đức thông thường không thể thức tỉnh anh khỏi sự tự lừa dối; nhưng những tiêu chuẩn cao hơn thì có thể.

Trong nỗ lực nhằm giúp đỡ Joe, tôi đã quyết định rằng anh sẽ phải trả giá: tôi buộc anh phải hoàn trả toàn bộ phần thưởng, từ bỏ vinh dự, và chịu đựng sự ghẻ lạnh, xa lánh từ phía đồng nghiệp. Lời dối trá cuối cùng cũng bị vạch trần, và vinh quang đã thuộc về người xứng đáng sở hữu nó.

Tôi đã đề nghị Joe tạm thời rút khỏi hệ thống, cho đến khi anh chứng minh được anh đã tìm lại chính mình. Hy vọng chính là động lực mạnh mẽ nhất, và Joe có quyền hy vọng rằng anh sẽ được đón chào trở về đội ngũ kinh doanh, một khi anh đã tìm lại được chính mình. Tôi khuyên anh nên tìm đến những biện pháp điều trị tâm lý chuyên nghiệp và gửi báo cáo theo dõi cho tôi thường xuyên. Ngoài ra, khi cần giúp đỡ, anh có thể tìm thấy sự hỗ trợ từ bất kỳ đâu – đặc biệt là từ đức tin anh đang theo đuổi.

Từ kinh nghiệm trên, chúng tôi đã tiến hành điều tra mọi báo cáo doanh thu từ chương trình thi đua, trước khi công bố giải thưởng. Joe đã được mọi người nể trọng như một nhân cách mẫu mực; song, hành động của anh thật không thể tin nổi. Để được công nhận, anh đã tự chi trả các khoản phí bảo hiểm về công ty từ tiền túi của mình.

Hiện nay, có rất nhiều người giống như Joe – các quy chuẩn đạo đức không thể thức tỉnh họ. Họ lầm lạc nhưng không thể lý giải nổi vì sao họ lại làm thế. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự chính là: họ đã không xây dựng từ trước những tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp và bất khả xâm phạm và tự răn mình sẽ không bao giờ phá vỡ chúng.

 

Ngăn chặn tội ác

Tiếp theo là một vấn đề đã từng khiến tôi mòn mỏi tìm câu trả lời.

Nguyên nhân của sự lừa dối là gì? Chúng ta phải làm gì để ngăn chúng tái diễn? Tôi phải làm thế nào để giúp đỡ Joe và những người như anh? Mọi suy nghĩ của tôi đều nhắm đến một vấn đề cụ thể. Tôi đã định hướng chúng như cách bạn định hướng suy nghĩ của mình, thông qua những câu hỏi. Câu trả lời đến với tôi xuất phát từ kinh nghiệm giải quyết những vấn đề tương tự, bằng cách liên hệ những nguyên lý tôi đã tiếp thu từ sách vở và kết hợp với rắc rối đang phải đối mặt; như cách Archimedes đã tìm ra câu trả lời nhờ tiếp xúc thường xuyên với những ứng dụng trong toán học và định luật vật lý liên quan.

Tôi vô cùng tâm đắc với học thuyết nổi tiếng, Làm chủ Bản thân nhờ Tự ký ám thị Có ý thức do Emile Coue’ nghiên cứu. Trong đó, thuật ngữ tự kỷ ám thị có ý thức có thể được hiểu như cơ chế tự ám thị trong cuốn sách này.

Tiến sĩ Emile Coue’, như bạn đã biết, đã gây tiếng vang khắp thế giới nhờ thành công của ông trong việc giúp đỡ mọi người tự phòng tránh bệnh tật và duy trì một cơ thể khỏe mạnh, một trí óc minh mẫn và lương tâm trong sáng – nhờ phương thức tự khẳng định, hay theo thuật ngữ của tôi là tự động viên. Câu nói nổi tiếng nhất của ông chính là: Ngày qua ngày, tôi phải trở nên tốt hơn và tốt hơn nữa bằng mọi giá.

Tôi cũng quan tâm đến một số thí nghiệm về thuật thôi miên, khi đối tượng bị thôi miên được trao cho một con dao vô hình, và được mách rằng gã người nộm đối diện là kẻ thù muốn gây hấn với anh ta. Nhà thôi miên ra lệnh: “Hãy đâm hắn!” Thế nhưng, khi đối tượng thí nghiệm chuẩn bị cắm thứ anh đinh ninh là con dao trong tay vào người nộm anh đinh ninh là kẻ thù, anh đã dừng lại. Vì trong tiềm thức, anh không cho phép mình trở thành kẻ giết người.

Vì sao? Vì khi tiêu chuẩn đạo đức trong mỗi cá nhân đã ăn sâu vào tiềm thức, tiềm thức của anh ta sẽ ngăn cản mọi hành động có khuynh hướng phá vỡ hoặc đi ngược lại những tiêu chuẩn đó. Chính tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp đã cứu anh thoát khỏi tội ác.

Nhưng với những kẻ đã cắm dao vào hình nộm và chứng thực hành vi giết người, và với những kẻ sẽ không chùn tay một khi đã có động cơ, chúng sẽ không do dự thực hiện tội ác bất kể trong trạng thái thôi miên hay trong đời thực, khi chúng ý thức được mưu tính xấu xa của mình.

 

Đẩy lùi những ám thị xấu xa

Suốt thời gian suy ngẫm về vấn đề của Joe, những đáp án tôi mong muốn đã dần trở nên sáng sủa và rõ ràng:

  1. Nguyên nhân của sự lừa dối là gì? Dưới đây là những gì tôi đã đúc kết được:

    Joe đã góp mặt trong một cuộc hội thảo kinh doanh bùng nổ và đầy cảm hứng; đến nỗi sức ảnh hưởng mãnh liệt của lời ám thị về mục tiêu doanh thu cao ngất – trong quá trình thi đua – đã choáng ngợp mọi cảm xúc nơi anh. Với những ai luôn để cảm xúc lấn át lý trí trong thời điểm đó, họ sẽ dễ dàng lệ thuộc vào lời ám thị về mục tiêu họ khao khát. Joe đã lắng nghe, và đã tin chắc rằng anh sẽ hoàn thành mục tiêu lớn lao đó.

    Joe vẫn chưa định hình được những tiêu chuẩn đạo đức bất khả xâm phạm về tính trung thực trong quá trình chinh phục mục tiêu. Anh không chiếm đoạt tiền bạc, nhưng đã chiếm đoạt vinh quang vốn không thuộc về mình. Tuy ý thức được sai lầm, nhưng anh không thể ngăn bản thân che giấu sự thật khi báo cáo và tự đóng phí cho những hợp đồng anh không trực tiếp kí kết. Anh đã tiêm nhiễm thói quen gian dối: ban đầu từ những sai phạm không đáng kể, rồi đến những vấn đề nghiêm trọng hơn về sau.
  2. Làm cách nào để ngăn chúng tái diễn?

    Hãy kiểm soát tâm trí trước sự cuồng nhiệt diễn ra trong buổi họp kinh doanh, bằng cách tự nhắc nhở mình về tầm quan trọng của tính trung thực và đức liêm chính. Đặc biệt, đừng quên sự hỗ trợ đắc lực từ những lời tự động viên.

    Hãy can đảm đối mặt với thực tế.

    Hãy luôn trung thực trong mọi tình huống.

    Hãy phát động phong trào viết bài đăng trên bảng thông báo chung, nhằm khuyến khích đội ngũ kinh doanh xây dựng những tiêu chuẩn đạo đức bất khả xâm phạm về tính trung thực và đức liêm chính.

    Hãy tuyên bố với tất cả mọi người rằng mọi hoạt động của họ đều sẽ được điều tra, kiểm chứng. Có một sự thật hiển nhiên rằng, mọi người sẽ không làm theo những gì bạn kỳ vọng, trừ khi được bạn giám sát.
  3. Tôi phải làm thế nào để giúp đỡ Joe và những người như anh? Câu trả lời như sau:

    Joe từng có một công việc hưởng lương đều đặn, và được cách li khỏi những cám dỗ, với sức ảnh hưởng tương tự như những lời ám thị tôi đã nói với anh. Tôi đã gửi thư và động viên anh cố gắng tiếp tục làm tốt công việc, sau khi được nghe những lời chia sẻ từ chính anh và chuyên gia tâm lý.

    Anh buộc phải ghi nhớ hai lời tự động viên sau: Hãy can đảm đối mặt với thực tế và Hãy luôn trung thực trong mọi tình huống. Anh phải nhắc đi nhắc lại chúng nhiều lần trong ngày, đặc biệt vào các buổi sáng và tối, trong suốt mười ngày liên tục. Sau đó, khi anh bị cám dỗ bởi ý muốn lừa dối và gian lận, anh sẽ lập tức lựa chọn làm điều đúng đắn – vì những lời động viên ấy sẽ lóe lên trong tiềm thức và tác động đến ý thức của anh.

Những bài chia sẻ tôi viết trên bảng thông báo – nhằm nhắc nhở mọi người xây dựng những tiêu chuẩn đạo đức bất khả xâm phạm về tính trung thực và đức liêm chính – cũng được gửi đến anh.

Một năm sau, cả Joe và chuyên gia tâm lý đã đồng thời thông báo với tôi rằng anh đã sẵn sàng quay lại, và tôi đã dành cho anh một buổi họp mặt cá nhân. Tôi không ngại chứng tỏ với anh tôi đã tự hào ra sao khi anh có thể chiến thắng bản thân mình.

Khám phá về tầm quan trọng của việc xây dựng những tiêu chuẩn đạo đức bất khả xâm phạm trong mọi hoạt động của bạn – bất kể hoàn cảnh bên ngoài tác động ra sao – quả thực là một trải nghiệm lý thú tuyệt vời. Chúng giúp chúng ta bổ sung thêm những kỹ năng cần thiết để vững vàng hơn trong mọi cung bậc của cuộc sống, đặc biệt đối với những ai còn đang tuổi ăn tuổi lớn.

Với tôi, đây đích thực là ý nghĩa của cuộc sống.

Trong chương 12, bạn đã biết về những tác động của cơ chế ám thị đối với thanh thiếu niên. Riêng đối với trẻ em, hẳn bạn cũng hiểu, nếu chúng ta gieo vào suy nghĩ của chúng những ám thị tiêu cực qua những lời chì chiết như: “Mày thật hư đốn; mày sẽ chẳng bao giờ khá lên được; mày sẽ chẳng làm nên trò trống gì,” đa phần chúng sẽ đối phó lại bằng cách tỏ ra hư đốn, chẳng bao giờ trở nên ngoan ngoãn, hoặc chẳng làm nên trò trống gì.

Với những đứa trẻ khác, tất nhiên chúng sẽ phản ứng theo cách ngược lại. Nếu một đứa bé biết rèn luyện thói quen hành động ngược lại những lời chì chiết, đó là cách nó tuyên bố rằng: “Mình sẽ cho họ thấy!” Một khi chúng tập được thói quen hướng suy nghĩ vào những điều có thể, thay vì không thể, thì ngay cả những ám thị tiêu cực cũng sẽ gây nên tác dụng ngược.

Trong quá trình điều hành Hiệp hội Thanh thiếu niên tại Chicago và quá trình cộng tác với một số tổ chức khác, như Hội Thiếu niên Phúc âm tại Brooklin và Nhà Trừng Giới Chicago, tôi đã ý thức được tầm ảnh hưởng của cơ chế ám thị đối với cái gọi là “vấn đề của trẻ em.”

Khi một đứa trẻ làm điều gì đó đúng đắn, và bạn tiếp tục gieo mầm suy nghĩ đúng đắn nhằm động viên nó, đứa trẻ sẽ lập tức hành động theo chiều hướng tích cực. Bạn có thể gieo mầm suy nghĩ đúng đắn bằng nhiều cách, chẳng hạn như: “Con đang tiến bộ. Con đang trưởng thành hơn từng ngày. Cha rất tự hào về con.”

 

Phát huy sức mạnh thay đổi vận mệnh như thế nào

Đến đây, chúng ta đã cùng tìm hiểu về:

Sức mạnh suy nghĩ có thể thay đổi vận mệnh con người.

Tầm quan trọng của ám thị, tự ám thị và tự kỷ ám thị.

Mối quan hệ tương hỗ giữa tiềm thức và ý thức.

Chúng ta cũng đã hiểu rằng sức mạnh từ quá trình suy nghĩ sẽ đem đến cho ta giải pháp khắc phục các vấn đề. Suy nghĩ hình thành từ những ý tưởng phát sinh trong tâm trí bạn – dù những ý tưởng đó có được bộc lộ hay không – đều là hệ quả của sự phản ánh, và phản ánh thì cần có thời gian.

Những vấn đề được bàn luận trong chương này nhằm mục đích khuyến khích bạn dành thời gian tìm tòi, suy nghĩ và lên kế hoạch mỗi ngày, và rèn luyện cách phát huy sức mạnh thay đổi vận mệnh của bạn. Như tiến sĩ Alexis Carrey đã nhận xét: Quan niệm đánh đồng suy nghĩ với mục đích của tư duy chính là sai lầm trong nhận thức – suy nghĩ hay tư duy chỉ phát huy vai trò khi có hành động kèm theo.

Như vậy, nếu bạn rèn được thói quen dành thời gian tìm tòi, suy nghĩ và lên kế hoạch mỗi ngày, bạn sẽ học được cách phát huy sức mạnh thay đổi vận mệnh. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Trong chương 19, “Chỉ số Thành công sẽ mang lại Thành công,” bạn sẽ được tìm hiểu về George Severance và phát minh Thời gian biểu Cuộc sống của ông, và bạn sẽ học được cách tự thiết lập thời gian biểu cuộc sống cho bản thân mình – công cụ đảm bảo sẽ mang lại thành công nếu được vận dụng đúng công thức. Công cụ này sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp bạn phát huy cảm hứng hành động theo ý muốn, đồng thời tiếp thu kiến thức cần thiết nhằm đúc kết nên phương pháp vận dụng trong mọi hoạt động bạn tham gia.

Nhưng trước tiên, hãy cùng đến với ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Trong chương 18, bạn sẽ hiểu thêm về khái niệm này trong những bức thư do các nhân vật có tiếng tăm gửi đến tôi, nhằm giải đáp cho câu hỏi: “Ý nghĩa đích thực đích thực của cuộc sống là gì?”

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Suy nghĩ là sức mạnh to lớn nhất trong vũ trụ.

Nghĩ đến những điều tử tế… bạn sẽ là người tử tế.

Nghĩ đến những điều vui vẻ… bạn sẽ trở nên vui vẻ.

Nghĩ đến thành công… bạn sẽ thành công.

Nghĩ đến những điều tốt lành… bạn sẽ gặp điều tốt lành.

Nghĩ đến những điều xấu xa… bạn sẽ trở nên xấu xa.

Nghĩ đến bệnh tật… bạn sẽ đau yếu.

Nghĩ đến sức khỏe… bạn sẽ khỏe mạnh.

VÌ BẠN CHÍNH LÀ NHỮNG GÌ BẠN NGHĨ!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.