Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

18. Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA CUỘC SỐNG



“Chào Jack,” giọng nói đầu dây bên kia lên tiếng. Đồng hồ đang điểm 7 giờ 30 phút sáng, và đó là cuộc điện thoại khởi đầu cho một chuỗi những sự kiện khiến cho cuộc đời của Jack Stephen, một doanh nhân trẻ, thay đổi.

Người ở bên kia đầu dây là Harold Steele, CEO một câu lạc bộ thiếu niên tại Atlanta, Georgia. Harold phải tức tốc gọi điện cho anh để thông báo một sự cố khá nghiêm trọng:

“Xe tôi không khởi động được, Jack ạ, và tôi sẽ lỡ cuộc gặp mặt quan trọng này mất: tôi đã hứa sẽ đưa một cậu bé bốn tuổi cùng mẹ của cháu đến kiểm tra tại bệnh viện sáng nay, lúc tám giờ sáng. Thằng bé đang ở giai đoạn cuối của bệnh bạch cầu, và tôi đã được thông báo rằng cuộc sống của cháu chỉ còn tính từng ngày. Anh có thể giúp tôi sắp xếp đưa cháu đến bệnh viện sáng nay được không? Khu họ sống chỉ cách chỗ anh vài tòa nhà thôi.”

Đúng 8 giờ sáng, hai mẹ con cậu bé đã yên vị trên xe của Jack. Đứa trẻ yếu đến nỗi phải nằm hẳn trên ghế, đầu cháu gối trong lòng mẹ, đôi chân bé bỏng gác lên đùi anh. Sau khi nổ máy xe, Jack đưa mắt sang thì nhận thấy cậu bé đang nhìn mình. Đôi mắt họ gặp nhau.

“Chú có phải là Chúa không?” Cậu bé hỏi.

Jack ngập ngừng, rồi nhẹ nhàng đáp: “Không đâu, con trai. Sao cháu hỏi vậy?”

“Mẹ nói rằng Chúa sẽ đến đón cháu, và Người sẽ mang cháu đi.”

“Và sáu ngày sau đó, Chúa đã đến thật và mang thằng bé đi cùng Người,” Jack hồi tưởng lại.

Cuộc gặp gỡ đã thay đổi đời anh. Ký ức về hình hài nhỏ nhắn gối đầu trong lòng mẹ, đôi mắt bất lực, đờ đẫn và câu hỏi ngây thơ: “Chú là Chúa đấy ư?” đã khắc sâu trong tâm trí anh đến nay vẫn không hề phai nhạt. Sâu thẳm trong anh đã dấy lên một cảm xúc mãnh liệt, thôi thúc anh – Jack Stephens – phải hành động.

Hiện nay, Jack Stephens đang tích cực hoạt động cho sứ mệnh trọn đời của anh, nhằm nuôi dưỡng và vun đắp những cậu bé Atlanta trở thành những công dân Mỹ khỏe mạnh, có học thức và giàu lòng yêu nước. Anh hiện là chủ tịch Hội Tưởng niệm Thanh thiếu niên Joseph B. Whitehead.

Tôi đã thường xuyên nghĩ về câu chuyện này kể từ hôm được Jack Stephens thuật lại. Với tôi, đó là minh chứng cho sức mạnh của suy nghĩ. Mỗi người chúng ta đều đang sở hữu nó: sức mạnh suy nghĩ và hành động tử tế hoặc tàn ác.

“Chú là Chúa đấy ư?”

Sẽ không ai đặt cho bạn câu hỏi ấy. Nhưng giống như Jack Stephens, bạn sẽ cảm thấy niềm khao khát chinh phục ý nghĩa đích thực của cuộc sống, một khi bạn đã nhận ra chúng là gì. Từ lựa chọn của mình, bạn sẽ khám phá ra vô số cách khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa.

 

Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì?

Trong một cuộc họp gần đây giữa ban điều hành Hiệp hội Thiếu niên Hoa Kỳ, tôi đã hỏi chủ tịch Robert E. Wood:

“Nếu có ai đó yêu cầu ông nêu quan điểm về: “Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì?” Ông sẽ trả lời như thế nào?”

Robert trả lời không chút do dự: “Một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một gia đình êm ấm.”

Khi trở về nhà, tôi chợt nảy ra một ý tưởng thú vị: Tại sao mình không đặt câu hỏi tương tự cho những nhân vật có tên tuổi – những người có cơ hội được lựa chọn bất kỳ điều gì hiện hữu trong cuộc đời họ. Vì vậy, tôi đã hỏi ý kiến J. Edgar Hoover, Phu nhân Franklin Delano Roosevelt, và Đại úy Eddie Rickenbacker, những người theo thiển ý của tôi, là ba nhân vật hiện tại được trọng vọng nhất tại đất nước chúng ta; cùng các thống đốc tại một số tiểu bang. Sau đây là một số câu phản hồi tôi nhận được. Các ý tưởng đã hợp với nhau thành một bức tranh hoàn chỉnh về thành tựu đích thực dành cho bất kỳ ai:

“Tôi tin rằng ý nghĩa đích thực của cuộc sống chính là những gì tôi nhận được qua sự nghiệp phục vụ Tổ quốc và nhân loại, chúng ta đã gìn giữ thành công những di sản của lịch sử và bảo vệ thành công nền độc lập thiêng liêng của đất nước.”

Eleanor Roosevelt:

“Ý nghĩa đích thực của cuộc sống, theo tôi, chính là sự thanh thản trong bạn khi hoàn thành tâm nguyện của người khác.”

Eddie Rickenbacker:

“Vun đắp thế hệ trẻ Hoa Kỳ.”

Thống đốc bang Georgia:

“Khi tôi đến thăm Bệnh viện Tâm thần Trung ương Georgia tại Milledgeville, trong chuyến đi kết hợp với chương trình cải cách lớn về liệu pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý ‒ một chính sách tôi đã thông qua trước đó ‒ tôi đã từng nhìn xuống hàng nghìn những khuôn mặt mệt mỏi vì sống trong vô vọng trong suốt nhiều năm; trong mắt họ chỉ phản chiếu nỗi cam chịu đối với cuộc sống tạm bợ, nhốt mình trong những phòng bệnh ẩm thấp, ngột ngạt. Nhưng khi xuất hiện, tôi đã nhìn thấy sự khác biệt trên nét mặt của họ, tôi đã nhận ra hy vọng – một niềm hy vọng thiết tha, bền bỉ và tươi sáng. Với tôi, có là một trong những điều ý nghĩa thiết thực nhất của cuộc sống.

“Một thanh niên bạn bắt gặp tại văn phòng dịch vụ cộng đồng cũng có thể nắm trong tay cơ hội vô hạn để đạt đến ý nghĩa đích thực của cuộc sống, thậm chí còn nhiều hơn bất kỳ một chính khách tiếng tăm nào.”

Michael V. DiSalle, Thống đốc bang Ohio:

“Trong suốt những năm tháng thơ ấu, khi tôi còn là đứa lớn nhất trong số bảy anh em, tôi vẫn nhớ cha mẹ đã vất vả và khổ cực thế nào để nuôi sống cả gia đình. Nhưng cũng chính những năm tháng đó đã dạy cho chúng tôi một chân lý, dù cuộc sống của bạn có thiếu thốn đến đâu, bạn vẫn may mắn được chia sẻ chúng đến mọi người.”

Buford Ellington, Thống đốc bang Tennessee:

“Một trong những giá trị đích thực chính là bạn bè. Một người bạn tốt sẽ luôn có mặt bên cạnh bạn khi cần. Họ hòa chung niềm vui, họ san sẻ nỗi buồn; vấn đề của bạn cũng chính là vấn đề của họ.

“Một con người không bao giờ nghèo khổ, dù quần áo của anh ta có sờn rách hay ví của anh ta hết nhẵn tiền, nếu xung quanh anh vẫn còn tình yêu và sự cảm thông từ bạn bè.”

John Anderson Jr., Thống đốc bang Kansas:

“Có lẽ điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người chính là lòng tin yêu và kính trọng từ những người cùng chung chí hướng.”

John Graham Altman, Thống đốc bang Nam Carolina:

“Ý nghĩa đích thực trong cuộc đời mỗi người chỉ có thể đạt được từ sứ mệnh phục vụ cộng đồng. Và ta không nhất thiết phải hiểu rằng đây chỉ là sứ mệnh về chính trị.”

John Dempsey, Thống đốc bang Connecticut:

“Ý nghĩa đích thực của cuộc sống đến từ cảm giác hài lòng của bạn khi được phụng sự người dân của mình. Những ai xem sứ mệnh phục của mình gần như là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, sẽ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một gia đình êm ấm, và tất cả những điều tốt đẹp khác nhằm vun đắp ‘ý nghĩa đích thực của cuộc sống.’”

Matthew E. Welsh, Thống đốc bang Indiana:

“Cá nhân tôi tin rằng sự tín nhiệm, một gia đình hạnh phúc, và một công việc đầy thử thách chính là những yếu tổ thúc đẩy bạn đạt đến một cuộc sống viên mãn.”

Otto Kerner, Thống đốc bang Illinois:

“Theo đánh giá của tôi, tài sản lớn nhất mà một người có thể tích lũy trong cuộc đời này chính là phần thưởng vô hạn từ sự nghiệp phục vụ nhân dân. Chỉ có những hành động vị tha đối với kẻ khác mới giúp ta đi đến tận cùng hành trình khám phá bản ngã trong mỗi người.”

Elmer I. Andersen, Thống đốc bang Minnesota:

“Niềm hạnh phúc và sự thành đạt của con cháu chúng ta.”

Norman A. Erbe, Thống đốc bang Iowa:

“Với tôi, ý nghĩa đích thực của cuộc sống bao gồm đặc ân được thực hiện những nghĩa vụ mà thành quả của chúng sẽ đem lại lợi ích cho nhân loại, và sự toại nguyện khi biết rằng chúng ta cũng góp một phần công sức nhằm hoàn thành trọn vẹn những nghĩa vụ trên.”

Albert D. Rosselini, Thống đốc bang Washington:

“Tôi đồng ý với Aristotle rằng sự học hỏi không ngừng chính là niềm vui thú bậc nhất, và đồng ý với những lãnh tụ đã khai sinh nên đất nước này rằng tự do phải dựa trên khuôn khổ luật pháp. Từ những nền tảng đó, mỗi người có thể mưu cầu sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc cùng cơ hội được làm việc và phụng sự kẻ khác trong cộng đồng này.”

Archie Gubbrud, Thống đốc bang Nam Dakota:

“Sức khỏe và sự mãn nguyện. Có thể câu trả lời này thật sáo rỗng. Nhưng từ những gì tôi đã thể nghiệm được, chúng chính là đích đến sau cùng của mọi khao khát vật chất và tinh thần.”

Thống đốc bang Maryland:

“Từ thiển ý của mình tôi chỉ có thể nói rằng: đó chính là Thượng đế và Thiên đường, Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và sức mạnh vĩ đại của Mẹ Thiên nhiên.”

Farris Bryant, Thống đốc bang Florida:

“Nhận thức được rằng tôi chính là một phần trong ý nghĩa đích thực của cuộc sống.”

Elbert N. Carvel, Thống đốc bang Delaware:

“1. Thể chất tráng kiện, tinh thần minh mẫn.

“2. Cơ hội và khao khát trau dồi vốn sống từ túi khôn của tạo hóa.

“3. Toàn tâm toàn ý cống hiến tài năng cho lợi ích của nhân loại.”

Richard J. Hughes, Thống đốc bang New Jersey:

“Với tôi, ý nghĩa đích thực của cuộc sống chính là một gia đình hạnh phúc, tình bạn chân thành và khăng khít, cùng niềm tin mãnh liệt và bền vững. Những gì mỗi người nhận được từ những giá trị kể trên, hoặc nhận thức được chúng như vốn quý trong cuộc đời, sẽ quyết định sự dồi dào và thịnh vượng của họ qua mỗi ngày vui sống.”

Jack R. Gage, Thống đốc bang Wyoming:

“Trong các giá trị sống, sức khỏe luôn là điều cốt yếu nhất, tiếp đến là cơ hội được làm việc trong lĩnh vực bạn đam mê – khi bạn phấn đấu hết mình trong công việc, bạn sẽ được tận hưởng thời gian nghỉ ngơi thật sự trong thanh thản. Ngược lại, nếu công việc thiếu đi sự nỗ lực, bạn sẽ mất đi sự hứng khởi.”

Thống đốc bang Vermont:

“Tôi chỉ có một câu trả lời, đó là động lực tìm kiếm và tận hưởng tự do bất diệt tại đỉnh cao của mọi khái niệm về hạnh phúc.”

“Theo anh, ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì?” Tôi hỏi Stanley, thợ hớt tóc của tôi tại khách sạn Orrington – quận Evanston, Illinois. Stanley đã suy nghĩ hồi lâu, và trả lời như sau:

“Tình đoàn kết… lòng hào hiệp… nỗ lực kiếm tìm… và niềm vui khám phá.”

Còn bạn, đáp án của bạn là gì?

 

Nghệ thuật và Ý nghĩa đích thực của cuộc sống

Ý nghĩa đích thực của cuộc sống bao gồm cả những năng lực khơi gợi trí tưởng tượng và cảm nhận đối với cái đẹp: như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thi phú, âm nhạc, khiêu vũ, điện ảnh và các lĩnh vực khác. Chúng được gọi chung là các loại hình nghệ thuật. Chúng khiến cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa. Chúng mang lại sự thư giãn, sự mãn nguyện, niềm vui, thức tỉnh trí sáng tạo, và động viên mỗi người chúng ta – dù ở bất kỳ độ tuổi nào – vững bước hơn trong cuộc sống.

Chính tình yêu đối với với âm nhạc đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy một cô bé – tóc tết đuôi sam, nghèo khó đến nỗi không thể tham dự Hội trại Âm nhạc Quốc gia tại Interlochen – chinh phục nhiều hơn cả những điều mình mong muốn. Cô đã vui vẻ chia sẻ về cuộc đời mình, về tài năng đã biến ước mơ của một người đàn ông kiệt xuất và hàng nghìn trẻ em trở thành sự thật. Dưới đây là câu chuyện của cô:

“Ngày ấy tôi còn tết tóc đuôi sam và thổi kèn saxophone tenor cho ban nhạc của trường, tại một thị trấn nhỏ bang Missouri. Như hàng nghìn nhạc công nghiệp dư trên khắp nước Mỹ, tôi đã ấp ủ trong lòng ước mơ được tham gia trại hè sôi động tại cánh rừng phía bắc Michigan; nơi ấy, tôi chỉ biết có tên gọi là Interlochen.

“Với tất cả chúng tôi, Interlochen là một từ kỳ diệu, một trại hè quy tụ những thiếu niên đam mê âm nhạc, được chơi thứ giai điệu xuất phát từ sâu thẳm trái tim. Hầu hết chúng tôi đều hiểu đó là mục tiêu ngoài tầm với, một giấc mơ trẻ con, phù phiếm trong thời kỳ Đại Suy Thoái, và không bao giờ có thể trở thành hiện thực.”

Đó là câu chuyện về Norma Lee Browning, tác giả sân khấu của tạp chí Tribune Chicago. Cô cùng chồng mình, Russell Ogg, đã có một bữa tối vui vẻ tại căn hộ của tôi. Cô đã đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong bản thảo tác phẩm mới về Joseph E. Maddy và Interlochen. Tựa sách vẫn chưa được ấn định, và bản thảo vẫn chưa được chỉnh sửa. Trong lúc đọc, cô thỉnh thoảng lại xen vào một số nhận xét và ý tưởng chợt xuất hiện trong đầu. Có đoạn, cô đã thốt lên: Cuộc sống là cách chúng ta bù đắp nỗi thất vọng và vẫy tay chào đón một chuỗi những sự kiện không ngờ đến, như một chuỗi hạt ngọc trai lấp lánh.

Và cô lại tiếp tục đọc. Một mẩu chuyện trong bản thảo đã diễn tả cảm xúc của cô khi lỡ mất suất học bổng đến Hội trại Âm nhạc Quốc gia tại Interlochen. Cô đã thuật lại chúng với giọng đầy cảm xúc:

“Trong năm thứ ba của tôi tại trường trung học – năm 1932 – một sự kiện đã xảy ra khiến tôi choáng váng. Eleanor Cisco, cô bé học sau tôi một năm và chơi kèn clarinet, đã được lựa chọn cho suất học bổng.

“Eleanor Cisco là tay kèn clarinet chủ chốt trong ban nhạc và dàn nhạc của trường. Anh trai cô chơi ghi-ta, và mẹ cô – một nghệ sĩ dương cầm tài năng – cũng là trưởng dàn nhạc tại nhà thờ. Tôi mừng cho Eleanor, nhưng đồng thời cũng chạnh lòng khi không được chọn đến Interlochen. Tôi tin rằng mình chơi saxophone cũng tốt như cô ấy chơi clarinet vậy. Giáo viên âm nhạc cũng đã khéo léo giải thích cho tôi về những nghịch lý trong cuộc sống – và cả trong âm nhạc. Tôi nghĩ đó cũng là lúc tôi bắt đầu nhận ra rằng trong thế giới tuyệt vời của âm nhạc, saxophone không phải là một nhạc cụ thiết yếu. Mặt khác, Eleanor cũng chơi dương cầm tốt như clarinet; và cô ấy đã được trao học bổng vì điều đó. Hi vọng để tôi cạnh tranh cơ hội với cô hầu như rất ít ỏi – với tư cách một tay kèn saxophone.

“Eleanor trở về từ Interlochen với hàng loạt lời ca tụng từ ban tổ chức Hội trại Âm nhạc Quốc gia, khiến chúng tôi ai cũng ghen tỵ. Trước đây, chúng tôi đã nghe kể nhiều về hội trại, nhưng đây là lần đầu tiên tại thị trấn có người được lựa chọn tham gia. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra sẽ chẳng có cơ hội nào dành cho mình để đến được nơi ấy; trải nghiệm đó đã khiến tôi vô cùng thất vọng, và trở thành động lực thôi thúc tôi quyết định thay đổi tương lai của mình.

“Nguyên nhân chính bởi tình yêu của tôi đối với âm nhạc, vì cái tên Interlochen – thị trấn tuyệt vời tôi chưa từng đặt chân đến, nhưng đã để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ ‒ và vì tôi biết mình chưa đủ sức để đến được nơi ấy; tôi đã âm thầm, ương ngạnh và quyết tâm hoạch định kế hoạch rằng một ngày nào đó, tôi phải đến được hội trại bằng chính khả năng của mình. Bất chấp những lời bóng gió nhằm vào khả năng của chiếc saxophone, tôi càng nỗ lực tập luyện nhiều hơn.

Tôi đã quyết tâm phải trở thành nhạc công; và tôi bắt đầu dành dụm tiền để chuẩn bị vào cao đẳng – để được học nhạc thực sự.”

Một lần nữa, cô lại ngừng đọc và nói:

“Nhưng trước khi tốt nghiệp trung học, giáo viên âm nhạc đã nhận xét rằng tài thi phú của tôi còn nổi trội hơn tài chơi kèn saxophone, và cô đã sáng suốt định hướng tôi theo học ngành báo chí. Tôi đã nghe theo lời cô ấy.”

Norma Lee Browning đã tốt nghiệp cao đẳng, kết hôn với mối tình thời sinh viên của cô, Russell Ogg (hiện nay là một nhiếp ảnh gia có tiếng); họ đã rời quê hương đến New York, và xây dựng tên tuổi xa hơn cả một cặp đôi tác giả – nhiếp ảnh gia tài năng.

“Mùa hè năm 1941,” Norma Lee kể, “Russ và tôi đang lái xe đến phía bắc Michigan để tìm tư liệu cho Tập san Độc giả. Bỗng nhiên, trước mắt chúng tôi xuất hiện một biển chỉ đường, khiến trong lòng tôi dấy lên một cảm xúc lẫn lộn:

INTERLOCHEN HỘI TRẠI ÂM NHẠC QUỐC GIA RẼ TRÁI

Nỗi luyến tiếc năm xưa bỗng dưng ập đến, tôi thét lên: “Em phải đến nơi này. Em thật sự muốn biết nơi đây có tuyệt vời như em hằng ao ước hay không.”

Đó là tất cả những gì có trong giấc mơ của một cô bé. Không chỉ hồi tưởng, cô còn thuật lại chúng cùng với vẻ đẹp mê hồn trong tác phẩm của mình.

Đến hôm nay, chuỗi những sự kiện không ngờ đến đã kết nối thành một vòng tròn. Nhờ nghị lực phi thường, một cô bé với gia cảnh khó khăn đến mức không thể chu cấp đến Interlochen, với chiếc saxophone tenor không đủ sức giành được học bổng, nay đã trở thành thành viên trong giáo ban. Norma Lee Browning là một trong những người đầu tiên được vinh dự mời về giáo ban của Học viện Nghệ thuật Interlochen mới. Cô không giảng dạy về âm nhạc, mà truyền thụ lại khả năng sáng tác cho những tài năng trẻ xuất chúng tại đây.

Với tầm ảnh hưởng của một tác giả danh tiếng, Norma Lee Browning đã đóng góp cho Học viện Nghệ thuật Interlochen nhiều hơn bất kỳ ai, nếu không kể đến tiến sĩ Maddy. Cô đã vận động hàng trăm nghìn đô-la quyên góp nhằm xây dựng và hỗ trợ hoạt động của ngôi trường này, nơi ươm mầm những tài năng tương lai.

Qua đó, Norma Lee Browning đã giới thiệu đến tôi một trong những giá trị đích thực của cuộc sống – được gặp gỡ và trở thành bằng hữu thân thiết với nhân tài kiệt xuất của nước Mỹ, tiến sĩ Joseph E. Maddy.

 

Sẻ chia tình yêu âm nhạc và khám phá giá trị đích thực

Bạn đã bao giờ gặp gỡ một người lần đầu và bất chợt cảm thấy vinh hạnh khi được trở thành bạn bè thân thiết với họ? Đó chính là cảm giác của tôi khi lần đầu làm quen với tiến sĩ Joseph Maddy, và đến tận bây giờ, khi đã hiểu ông rất rõ, tôi vẫn giữ nguyên niềm vinh hạnh ấy. Ông là nhân cách điển hình cho quan điểm tư duy tích cực, một con người của hành động – ông hiểu rõ mình muốn gì và quyết tâm theo đuổi, rồi chinh phục điều đó.

Vợ ông, Fay, là biểu tượng cho hình mẫu người mẹ hiền vợ đảm. Âm nhạc, Fay, và khao khát mãnh liệt góp phần đào tạo nên những nhạc công xuất sắc cho nước Mỹ – nhằm chia sẻ một phần tình yêu âm nhạc nơi ông đến toàn nhân loại – đã không ngừng thôi thúc người đàn ông này chinh phục những mục tiêu to lớn hơn. Tiến sĩ Maddy thích được trò chuyện, và mọi người khi gặp ông đều muốn ngồi lại lắng nghe. Và ông sẽ kể họ nghe về những nhạc công vĩ đại nhất mọi thời, từ nhân vật này đến nhân vật khác.

Trong tác phẩm mới của cô, Norma Lee Browning đã chỉ ra tiến sĩ Maddy đã chia sẻ tình yêu âm nhạc và khám phá ý nghĩa cuộc sống như thế nào; nhưng ngay lúc này, tôi muốn chia sẻ với bạn một chút về triết lý sống của tiến sĩ và những hoạt động của ông có liên quan đến tôi. Tôi tin rằng bạn sẽ cảm nhận được từ chúng, phương thức hoàn mỹ của thành công: cảm hứng hành động, phương pháp và kiến thức. Những trích dẫn dưới đây là một trong rất nhiều câu nói tôi đã ghi chú lại khi lắng nghe ông trò chuyện:

“Mục tiêu sống của tôi là cố gắng đưa âm nhạc trở thành một phần trong hệ thống giáo dục của chúng ta.”

“Những gì tôi tin tưởng đều từ trải nghiệm mà ra.”

“Động lực là yêu cầu cần chú trọng khi giảng dạy về âm nhạc. Nếu chúng ta có động lực phù hợp, chúng ta sẽ thành công. Ngược lại, chúng ta sẽ thất bại.”

“Hệ thống thử nghiệm chúng tôi triển khai tại Interlochen, với danh tiếng vang khắp cộng đồng âm nhạc thế giới, chính là động lực mạnh mẽ nhất nhằm khuyến khích sinh viên ngành âm nhạc phấn đấu trở nên xuất sắc. Mỗi người chúng ta đều có cơ hội được ghi nhận thành quả ta đã đạt được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.”

“Thật khó để lý giải vì sao tôi lại quyết định lựa chọn ngành giáo dục về âm nhạc. Tôi không muốn đến trường chỉ để dạy học – bố mẹ tôi đều là giáo viên – và tôi phải thừa nhận rằng tôi không có năng khiếu trong ngành sư phạm. Một lý do nữa khiến tôi lựa chọn lĩnh dạy nhạc, là vì tôi luôn yêu thích được dùng thử các loại nhạc cụ mà tôi chỉ mới thấy lần đầu.”

Một lần tôi hỏi Joe – theo tên thân mật bạn bè thường gọi ông: “Có sự khác biệt nào giữa phương pháp giảng dạy của ông với phương pháp được sử dụng tại Đức và các nước châu Âu hay không?”

“Phương pháp của châu Âu là phương pháp máy móc,” Joe đáp. “Anh phải tốn hàng giờ liền buồn tẻ để tự mình học cách sử dụng thành thạo các nhạc cụ. Mỗi học viên được kèm cặp riêng – chứ không được hướng dẫn tại lớp.

“Với tôi, đó là phương pháp truyền cảm hứng. Trước tiên, tôi cố gắng thể hiện trước học viên trong lớp tình yêu và lòng ngợi ca của tôi dành cho âm nhạc. Sau đó, một bài hát phổ biến sẽ được mở lên, và họ sẽ tự mình chơi lại các nốt trên nhạc cụ của họ.

“Mỗi học viên đều có được trải nghiệm thật sự khi lắng nghe giai điệu của bài hát đó; và sáng hôm sau, họ sẽ ngân nga hoặc hát theo từng ca từ. Học viên của tôi chỉ đơn giản biến những âm điệu hiện hữu trong tâm trí trở thành hợp âm trên nhạc cụ của họ.

“Có thể gọi hình thức này theo cách phổ biến là ‘chơi nhạc bằng tai.’

“Học viên sẽ phát sinh động lực vì họ cảm thấy vui thích. Và đó là cách thức vô cùng đơn giản để động viên họ hoàn thiện kỹ năng của mình.”

Đó là cách tiến sĩ Maddy phát triển nên phương thức giảng dạy với tên gọi: Phương thức của “Thầy giáo Toàn năng” – hay phương pháp giảng dạy căn bản tại Hoa Kỳ. Nhờ đó, học viên ở các lớp lớn hơn, với nhiều loại nhạc cụ, có thể tiếp thu nhiều kỹ năng cùng lúc. Trong tiết học, ai cũng có kỹ năng cần phải trau dồi. Ngày nay, hàng nghìn hàng vạn những thanh thiếu niên đang học cách sử dụng nhạc cụ theo phương thức này, và tiến bộ rất nhanh; vì họ đã tiếp thu kỹ thuật từ phương pháp truyền cảm hứng, thay vì phương pháp truyền đạt được xem là máy móc, bảo thủ.

Tiến sĩ Maddy nói: “Những cống hiến của tôi, với sự hợp tác của tiến sĩ T. P. Geddings, là sứ mệnh quan trọng nhất tôi từng hoàn thành; vì tôi đã chứng minh chúng tôi có khả năng thành lập những dàn nhạc giao hưởng tại các thị trấn nhỏ của nước Mỹ, và dạy học sinh cách chơi mọi loại nhạc cụ tại bất kỳ trường học nào.”

“Tại châu Âu họ vẫn chỉ đào tạo nên những nghệ sĩ độc tấu,” ông tiếp. “Tại đây, chúng tôi đào tạo cả một dàn nhạc; và chúng tôi có đến 1,400 dàn nhạc khác nhau, chiếm tỉ lệ 80 phần trăm trên toàn thế giới. Đó là phương pháp chúng tôi đã áp dụng thành công tại Hội trại Âm nhạc Quốc gia Interlochen, và chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tại Học viện Interlochen trong thời gian tới.”

Tiến sĩ Joseph E. Maddy là nhân vật tôi sẽ đề cập đến trong chương cuối của cuốn sách, với tư cách người đã khám phá ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Ông đã phát huy năng lực của mình nhằm suy nghĩ và làm điều có ích… xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một gia đình êm ấm… hết lòng phụng sự đất nước và nhân loại… hoàn thành tâm nguyện của kẻ khác… vun đắp cho tương lai thế hệ trẻ Hoa Kỳ… thắp sáng hy vọng… sẵn lòng sẻ chia… nhận được sự hỗ trợ từ tình bạn chân thành… có được sự yêu quý và kính trọng từ những người cùng chí hướng… đương đầu với thử thách trong lĩnh vực ông đam mê… thành công trong nhiều hoạt động mà không màng đến bản thân… tìm thấy niềm hạnh phúc từ thành công của con cháu… hào hứng khám phá những điều mới lạ… sở hữu sức khỏe dồi dào và cảm giác mãn nguyện đối với cuộc đời, nhưng vẫn không để lòng tự mãn làm phai nhạt quyết tâm tiến bước xa hơn. Tóm lại, tiến sĩ Maddy đã chinh phục thành công vô số giá trị ý nghĩa trong cuộc sống.

Có những người đặt ra cho mình những mục tiêu rất cao, nhưng họ vẫn thất bại. Vì họ thậm chí còn không xuất phát, hoặc chỉ cố gắng hết dặm đường đầu tiên rồi bỏ cuộc. Có thể họ vẫn tiếp tục tiến bước – nhưng không thể theo đến cuối cuộc hành trình. Bất kể mục tiêu của bạn là gì, để chinh phục được chúng, bạn nhất định phải về đích.

Không gì có thể ngăn cản được bạn. Bạn đã được tạo hóa ban cho quyền tự do lựa chọn trên mảnh đất ngập tràn những cơ hội, dưới sự dẫn dắt của một chính quyền dân chủ, tạo điều kiện cho mọi người dân tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Để tự nhắc nhở mình về những giá trị sống đích thực, hãy nhớ lại những lời phát biểu từ một trong những công dân Hoa Kỳ vĩ đại nhất – tổng thống Herbert Hoover:

“Dưới thể chế duy nhất của nước Mỹ, thế hệ tương lai của chúng ta đang được trao tận tay nhiều cơ hội hơn bất kỳ quốc gia nào khác… Nhưng điều quan trọng trên hết, chính là chúng ta, so với hầu hết các quốc gia trên thế giới, phải thể hiện sự tôn trọng đối với quyền lợi và phẩm giá của mỗi người dân.

“Điểm khác biệt nổi trội và cao cả nhất giữa tư tưởng của chúng ta đối với các thể chế chính trị khác chính là lòng trắc ẩn. Đó là phẩm chất cao quý nhất trong tâm hồn của mỗi con người…

“Tôi không chỉ tin rằng đức tin sẽ chiến thắng, mà đó còn là sự cứu rỗi đối với toàn nhân loại…

“Từ lòng mộ đạo, Đấng Cứu Thế đã dựng nên những quy luật bất biến trong hành trình khai sáng của nhân loại: trong câu chuyện Bài Giảng Trên Núi, chúa Giê-su đã khẳng định rằng, con người đã được Tạo Hóa ban cho những quyền không thể phủ nhận; và những quyền đó phải được luật pháp và công lý bảo hộ trước mọi sự xâm phạm…

“Một trong những giá trị quan trọng trong đời sống của người dân Mỹ chính là ý thức lãnh đạo sâu sắc trong quần chúng…

“Nó [Tự do] chính là sức mạnh tinh thần. Con người có quyền tự do tín ngưỡng, tư tưởng và đưa ra quan điểm, phát ngôn mà không cần e ngại. Họ có quyền tự do đối mặt với thế lực tàn bạo và ách áp bức nhằm duy trì công lý. Khái niệm tự do cũng quy định rằng tinh thần và tâm thức của con người chỉ thực sự được giải phóng khi họ được tự do quyết định cuộc đời mình, tự do phát triển tài năng, tự do kiếm sống, thụ hưởng, tích lũy và sở hữu tài sản để chăm lo cho bản thân và gia đình khi về già…

“Tất nhiên, mục tiêu thiết yếu của một xã hội có tổ chức là đảm bảo quyền bình đẳng, tự do và sự tôn trọng đối với phẩm giá của người dân, cùng một cuộc sống an lành, thịnh vượng.”

(Phát biểu tại Phố American, phòng truyền thông Đại học Stanford, Stanford, California.)

Để kết thúc chương này, tôi sẽ trích dẫn thêm một đoạn trong bài phát biểu của tổng thống Herbert Hoover:

“Tôi có nên đề cập đến những bộ luật cổ xưa về đạo đức vẫn được coi trọng trong suốt hàng thế kỷ qua? Như Mười Điều Răn, Bài Giảng Trên Núi, hay những lời răn dạy chúng ta được nghe khi còn lẫm chẫm bước theo chân mẹ. Liệu một quốc gia có thể tồn tại trong một xã hội vô trật tự, vô nguyên tắc? Hãy suy nghĩ đi.”

(Phát biểu tại Phố American, phòng truyền thông Đại học Stanford, Stanford, California.)

Hãy “suy nghĩ kỹ” và bạn sẽ sẵn sàng đến với chương tiếp theo: “Chỉ số thành công sẽ mang đến thành công.”

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Khái niệm “giá trị đích thực của cuộc sống” có ý nghĩa gì với bạn?

Hãy chắt lọc suy nghĩ của mình và viết ra câu trả lời vào khoảng trống cuối trang. Bạn sẽ bất ngờ khi cảm nhận tâm trí mình bắt đầu khuấy động.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.