Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

19. CHỈ SỐ THÀNH CÔNG SẼ MANG ĐẾN THÀNH CÔNG



Và khi vận dụng Chỉ số Thành công – bạn sẽ tự động viên mình chinh phục những thành tựu lớn lao… từ bỏ những thói quen xấu và rèn luyện những thói quen tốt… thoát khỏi cảnh nợ nần… tích lũy của cải… trở nên giàu có, khỏe mạnh và hạnh phúc… và tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Tôi xin cam đoan với bạn điều đó!

Hãy chứng minh đi, hẳn đó là suy nghĩ của bạn lúc này.

Tôi sẽ chứng minh nếu bạn chiếu cố giúp tôi một việc. Hãy thiết lập Chỉ số Thành công cho riêng mình và phát huy chúng mỗi ngày, theo những chỉ dẫn ở phần sau của chương. Và bạn sẽ bắt đầu nhận ra thành quả; bạn sẽ bắt đầu phát hiện những thay đổi quan trọng ngay trong chính bản thân mình. Hãy tự tin lên. Bạn sẽ có được tất cả mà chẳng mất mát gì. Thế nhưng, bạn sẽ đánh mất rất nhiều nếu không hành động, do bản tính trì trệ, thờ ơ và lười nhác. Sau cùng, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mình đã bỏ lỡ những gì.

Những nguyên lý hình thành nên Chỉ số Thành công đã đem lại lợi ích cho hàng nghìn người vận dụng chúng – như những chính khách hay triết gia nổi tiếng, thành viên các giáo đoàn và người dân thuộc mọi tầng lớp.

Nhưng trước tiên, ta hãy cùng đến với bức thư của Edward R. Dewey về Các Chỉ số Dự báo đã được đề cập trong chương 11; những triết lý trong đó cũng có thể tác động không nhỏ đến cuộc đời bạn.

 

Các chỉ số dự báo

Bạn có cảm thấy sự cần thiết phải dự đoán trước tình hình trong kinh doanh? Có rất nhiều phương pháp để thực hiện việc này. Một trong số đó là vận dụng “Các chỉ số dự báo”.

Chỉ số dự báo là bất kỳ điều gì luôn xảy ra trước khi phát sinh một sự việc nào đó. Mây đen là chỉ số dự báo trời sẽ mưa. Lá cây rụng dần là chỉ số dự báo mùa đông sắp đến. Những món đồ chơi in hình chú thỏ là chỉ số dự báo cho Lễ Phục Sinh. Trong tất cả những trường hợp trên, chỉ số dự báo luôn xuất hiện sớm hơn (hay phát động) một sự kiện khiến bạn quan tâm trong tương lai.

Một số chỉ số kinh doanh cụ thể thường có xu hướng tăng trưởng hoặc suy thoái trước những chỉ số khác. Điều này có nghĩa rằng chúng đã đạt đến đỉnh điểm và bắt đầu lao dốc (hoặc chạm đáy và bắt dầu bứt lên) trước khi các chỉ số tương quan khác biến chuyển theo khuynh hướng tương tự.

“Đơn đặt hàng mới cho Hàng hóa lâu dài” là một chỉ số dự báo phổ biến. Đơn đặt hàng giảm khiến sản xuất cũng giảm theo, rồi sẽ tới lúc tạm ngừng; tiếp theo, chi phí tiêu dùng liên quan cũng giảm, khiến doanh thu bán lẻ sa sút, kéo theo các đại lý giảm đặt hàng… Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy.

Ngoài ra, còn một số chỉ số dự báo khác như “Giờ công làm việc trong sản xuất,” “Số lượng các tập đoàn mới tham gia vào thị trường,” “Giá cổ phiếu,” “Các hợp đồng xây dựng,” hay “Thất bại”.

“Thất bại” (còn được hiểu là chỉ số thất bại, hay theo khái niệm thực tiễn hơn là khả năng thất bại) sẽ tác động theo chiều ngược lại. Theo đó, khi khả năng thất bại cao, đó là dấu hiệu xấu; khi khả năng thất bại thấp, đó là dấu hiệu tốt.

 

Chỉ số Geisinger

Bằng cách xem xét sự phối hợp và các mối tương quan đặc biệt giữa các chỉ số kinh doanh, ta có thể đưa ra những chỉ báo tốt hơn (hoặc sớm hơn) khi tình hình kinh doanh thay đổi so với các chỉ báo phổ biến trước đây. Một trong những phương thức phối hợp đặc biệt đó đã được Robert Geisinger – doanh nhân xuất thân tại Troy, Ohio – khám phá. Chỉ số này được gọi là chỉ số Geisinger. Nó thường dự báo sự thay đổi trước chín tháng so với tình hình sản xuất thực tế của một ngành công nghiệp (“Tình hình sản xuất ngành” là thông số tổng hợp sản lượng hàng hóa được sản xuất trong một ngành công nghiệp).

Chỉ có ba người trên thế giới này thực sự hiểu rõ phương thức dự báo của chỉ số Geisinger. Đó là Bob Geisinger, Gertrude Shirk – tổng biên tập Tạp chí Cycles (số 680 Đại lộ West End, N. Y., 25, New York), và tôi.

Tạp chí Cycles là ấn phẩm chuyên xuất bản các bài viết về chỉ số Geisinger hàng tháng nhằm hỗ trợ độc giả dự đoán tình hình tăng trưởng chung của ngành trong tương lai dài hạn (tình hình sản xuất ngành).

 

Liên hệ và thấm nhuần như thế nào?

Trong những chương trước, bạn đã nhiều lần xem đi xem lại thuật ngữ liên hệ và thấm nhuần. Như chúng ta đã biết, những điều hiện hữu ngay trước mắt thường là những điều khó thông suốt nhất; vì vậy, ta hãy thử kiểm tra xem bạn đã liên hệ, thấm nhuần và vận dụng những nguyên lý về Chỉ số Dự báo từ Ned Dewey thành thục đến đâu.

Bạn có muốn biết trước điều gì sẽ xảy ra với sự nghiệp, gia đình, cộng đồng và cuộc sống của mình hay không (về mọi khía cạnh thể chất, ý thức và tinh thần)?

Hãy luôn nhớ rằng: Chỉ số dự báo là bất kỳ điều gì luôn xảy ra trước khi phát sinh một sự việc nào đó. Trong tất cả những trường hợp, chỉ số dự báo luôn xuất hiện sớm hơn (hay phát động) một sự kiện khiến bạn quan tâm trong tương lai.

Nhưng bạn phải nắm vững kiến thức và phương pháp để có thể diễn đạt ý nghĩa của những điều bạn chứng kiến. Nếu bạn không biết rằng mây đen sẽ báo trước cơn mưa, hay lá rụng sẽ báo trước mùa đông đến, hay những món đồ chơi là quà trang trí chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, những chỉ báo đó sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn. Tương tự, nếu bạn không biết rằng nhân cách con người được hình thành từ thói quen, bạn sẽ không thể tin rằng nạn đạo tặc lại bắt nguồn từ thói trộm cắp; rằng tính điêu ngoa bắt nguồn từ thói dối trá, và tính trung thực bắt nguồn từ sự chân thành.

Do tính cách chính là chỉ số dự báo dễ nhận biết nhất nhằm phân biệt giữa nhân cách tốt đẹp và xấu xa, bạn sẽ nắm trong tay quyền lựa chọn môi trường bồi đắp nên nhân cách như bạn mong muốn. Nhưng để tiếp thu các chỉ số dự báo, bạn phải suy nghĩ thật kỹ càng.

Bạn chứng kiến một sự việc; từ kinh nghiệm và khả năng phân tích quy kết, bạn có thể phỏng đoán hợp lý kết quả sau cùng. Nhưng nếu bạn không đủ kinh nghiệm, phân tích của bạn sẽ dựa trên những giả định sai lầm, dẫn đến kết luận không chính xác. Vì thế, hãy luôn lắng nghe kinh nghiệm của người khác cho đến khi bạn tích lũy đủ kinh nghiệm cho bản thân mình.

Bạn chứng kiến một sự việc đã xảy ra; từ kinh nghiệm và khả năng phân tích suy diễn, bạn có thể khám phá ra nguyên nhân chủ yếu. Khi đã hiểu rõ nguồn gốc sự việc, bạn sẽ nhận thức được những chỉ số dự báo cho hệ quả tương tự có khả năng xảy đến trong tương lai.

Một minh họa đơn giản: Nếu nhân viên bảo hiểm của tôi có quan điểm tư duy tích cực, đó là một chỉ số dự báo. Nếu anh ta đã học qua lý thuyết về bán hàng tại trường kinh doanh, đó là chỉ số dự báo. Nếu anh ta biết vận dụng những nguyên lý đã học, đó cũng là chỉ số dự báo. Mỗi chỉ số đều khẳng định rằng anh ta có khả năng thành công tại công ty của tôi.

Lần đầu tiên gặp George Severance, tôi đã nhận ra ông là người có nhân cách tốt, mang quan điểm tư duy tích cực và đam mê công việc – trong lĩnh vực ông là chuyên gia. Từ những dữ kiện trên, tôi có thể kết luận một cách lô-gic rằng ông là người thành công trong sự nghiệp mình lựa chọn.

 

Thời gian biểu cuộc sống và phương thức hoàn mỹ của thành công

Trong chương 3, tôi đã nhắc đến George Severance, cùng học thuyết Thời gian biểu Cuộc sống của ông và thuật ngữ “người tự lập.”

Và trong chương này, bạn sẽ lần đầu tiên được biết về bí quyết thành công của George Severance:

“Vấn đề lớn nhất trong cuộc sống đối với hầu hết mỗi chúng ta,” George nói với tôi, “có thể hiểu như những người bán hàng không kiểm soát được thời lượng công việc thực tế họ dành cho việc buôn bán. Họ cũng không thể nhận ra giá trị thời lượng công việc bị phung phí. Thực tế, họ còn không biết cuộc sống của mình sẽ đi về đâu, hoặc không biết phải làm gì để đạt được điều họ mong muốn – tất cả chỉ vì họ không thiết lập được thời gian biểu cho riêng mình.”

“Vậy ông đã giải quyết vấn đề này như thế nào?” Tôi thắc mắc.

“Trước tiên, nếu anh muốn cải thiện cuộc sống hàng ngày, anh cần phải hiểu rõ những sai sót nào đang tồn tại và từng bước phá hỏng thành quả mỗi ngày làm việc. Hiểu rằng mình còn khuyết điểm sẽ giúp anh nhận thức được nhu cầu cần chủ động cải thiện. Đó chính là kết quả tôi có được khi vận dụng Thời gian biểu Cuộc sống. Phương pháp này giúp tôi đạt được nhiều hơn – với ít công sức hơn.

“Vì sao lại thế?” Tôi hỏi.

“Trong cuộc sống, anh cần phải hoạch định những mục tiêu cụ thể. Tổng thống Wilson từng nói: ‘Không có tầm nhìn, con người sẽ diệt vong.’ Và không có định hướng, anh sẽ không biết mình phải đi về đâu. Anh nhất định phải có mục tiêu sống.

“Những gì xảy đến với chúng ta trong tương lai sẽ phụ thuộc vào hành động hiện tại của chúng ta và kế hoạch mai sau. Đó là lý do vì sao tôi luôn muốn biết mỗi ngày mình đã làm được những gì để có thể hoạch định cho ngày kế tiếp.”

“Thế thì, George, hãy cho tôi biết,” tôi dè dặt, “chính xác thì ông sử dụng Thời gian biểu Cuộc sống như thế nào?”

“Tôi luôn tâm niệm rằng mỗi kế hoạch tôi ghi trên thẻ đều phải khớp với cuộc đời thực của tôi, như một chiếc găng tay vừa vặn. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể vận dụng chính xác những nguyên lý tôi đã đúc kết được và thiết lập Thời gian biểu Cuộc sống cho riêng mình. Tất nhiên, anh ta phải sử dụng nó hàng ngày.

“Anh hãy xem thử kế hoạch được liệt kê trên tấm thẻ này: Làm việc tại văn phòng, Dùng bữa trưa hoặc bữa tối, Họp hành, Tán gẫu, Thời gian gặp gỡ cộng thêm, Thể thao, Việc gia đình. Thậm chí cả Giờ trễ tôi cũng ghi nhận cho mỗi ngày.

“Giờ ta hãy bàn qua về thể thao. Tôi luôn tự hào là người siêng tập luyện. Khi bắt đầu sự nghiệp bán hàng, tôi từng rất thích chơi bóng bàn và bóng quần, vì vậy tôi đã thành lập một câu lạc bộ quy tụ những tay vợt lão luyện trong hai môn thể thao trên. Chúng tôi thường hẹn nhau tại sân lúc mười hai giờ trưa, và thú thực với anh, chúng tôi tập hăng đến tận ba giờ chiều.”

“Ông sẽ ghi nhận như thế nào trong Thời gian biểu Cuộc sống?”

“Ở dòng chữ Thể thao, tôi sẽ ghi chú ‘2 tiếng’ trên cột Thời gian hao phí. Cuối tháng tôi sẽ tổng kết lại toàn bộ. Và tôi phát hiện mình đã tiêu tốn đến 25 giờ đồng hồ cho môn bóng bàn và bóng quần trong thời lượng công việc. Tôi nhận ta mình phải làm điều gì đó về việc này. Đừng hiểu nhầm ý tôi. Tôi vẫn tiếp tục chơi bóng bàn và bóng quần như trước, nhưng chỉ cân đối trong thời gian giải trí.”

“Thời gian biểu Cuộc sống đã tác động thế nào để khiến ông điều chỉnh bớt khoảng thời gian phí phạm trong thời lượng công việc?”

“Trên tấm thẻ tôi có để các khung ghi chú: Cần cải thiện – Công việc và Cá nhân. Tại cột cá nhân, tôi viết, ‘Giảm thời gian chơi bóng bàn và bóng quần trong thời lượng công việc.’ Dòng này tôi sẽ thu gọn thành một đoạn mã, nên nếu có ai nhặt được tấm thẻ của tôi, họ cũng không biết được tôi mắc phải khuyết điểm gì.

Mỗi tấm thẻ tôi đều điền đủ cho mỗi ngày, bất kỳ sự xâm phạm nào do hoạt động thể thao ảnh hưởng đến thời lượng công việc, tôi đều lưu ý, và tôi sẽ tiến hành khắc phục. Vào cuối tháng, tôi sẽ thống kê lại toàn bộ khoảng thời gian phung phí do hoạt động thể thao. Kết quả thu được sẽ thôi thúc tôi tìm biện pháp thay đổi.”

“Ông tổng kết thời lượng mỗi hoạt động trên Thời gian biểu Cuộc sống như thế nào?” Tôi hỏi.

“Để tổng kết tổng thời lượng vào cuối tháng, tôi chuẩn bị một tấm thẻ đặc biệt và chỉ đơn giản thay đổi từ “ngày” sang “tháng” ở dòng đầu tiên mặt trước của Thời gian biểu, và thống kê tổng thời lượng vào ô tương ứng.”

“Điều đó có ích lợi gì?”

“Dòng ghi chú chi tiết ‘Giảm thời gian chơi bóng bàn và bóng quần’ ở mục Cần cải thiện đã được ghi nhận trong tiềm thức của tôi. Tôi thật lòng muốn khắc phục khuyết điểm, vì vậy tôi đã rèn luyện thói quen cân đối thời lượng công việc hao phí trở thành thời lượng công việc có hiệu quả. Tôi vẫn chơi thể thao, nhưng chỉ trong thời gian giải trí.”

“George, tôi có hiểu đúng không khi cho rằng mặt trước tấm thẻ của ông sẽ bao gồm những mảng hoạt động có khả năng xâm phạm đến thời lượng công việc? Cụ thể như:

  • “Tán gẫu: bao gồm thời lượng công việc bị phung phí khi ông dùng cà phê và trò chuyện với bạn bè?
  • Thời gian gặp gỡ cộng thêm: bao gồm thời gian gặp gỡ khách hàng kéo dài không cần thiết?
  • Việc gia đình: bao gồm thời gian rời văn phòng để mua sắm vật dụng gia đình trong thời lượng công việc?

“Và có phải Giờ trễ là thời gian hao phí không cần thiết khi di chuyển về nhà sau những cuộc họp; và Obj. là viết tắt của Mục tiêu (Objective) còn M là để chỉ hàng triệu đô-la tiền bảo hiểm nhân thọ?”

“Hoàn toàn chính xác,” George đáp.

“Còn tiêu đề Buổi tối có ý nghĩa gì?” Tôi hỏi.

“Công việc của tôi đòi hỏi phải nhận điện thoại vào buổi tối. Trong Thời gian biểu Cuộc sống, tôi đã cố giảm thời lượng cho hoạt động này xuống hai giờ thay vì sáu giờ mỗi tuần. Trong một số trường hợp, tôi còn giảm công việc ở văn phòng để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, hoạt động giải trí và nghiên cứu. Mỗi khía cạnh đều góp phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống thành công đích thực.”

Tôi tiếp tục: “Ở mặt sau của tấm thẻ, ông viết tên những người ông muốn gọi điện. Thời gian gặp để chỉ thời lượng cuộc gặp gỡ. Còn Bắt đầu và Kết thúclà thời gian tiếp xúc thực tế với khách hàng. Bên dưới mục Điện thoại bán hàng, Theo dõi là chỉ những cuộc gọi tiếp theo sau đó. Đúng chứ?”

“Đúng, và tôi đã phân biệt giữa hai hoạt động điện thoại bán hàng và gặp gỡ bán hàng. Có nhiều cuộc điện thoại tôi thực hiện nhưng không nhằm mục đích chào bán; tôi chỉ đang thu thập thông tin để sắp xếp cho những cuộc gọi bán hàng thật sự. Anh sẽ thấy những ghi chú Thử và Chốt, đó là cách tôi ghi nhận lại số lần thử trước khi chốt một hợp đồng.

“Nếu anh không cố gắng thử tiếp xúc trước khi chốt hạ một hợp đồng, anh sẽ không bao giờ bán được thứ gì cả.”

“Tất nhiên, và Số lượng đồng nghĩa với số hợp đồng ông đã kí kết, còn tiêu đề Thời lượng dịch vụ khác là chỉ những cuộc gọi dịch vụ?

“Tôi chọn được rất nhiều khách hàng từ những cuộc gọi dịch vụ và cũng liệt kê chúng vào danh sách này.

“Dưới tiêu đề Hiệp hội tôi liệt kê các khách hàng doanh nghiệp, vì tôi sẽ chấp nhận lời mời chơi gôn trong giờ làm việc nếu tôi biết chắc nhờ đó tôi có thể thêm tên họ vào danh sách khách hàng tiềm năng. Tôi coi đó là một phần của công việc.”

Tôi hỏi tiếp: “Và ông sẽ liệt kê tên các khách hàng mới trong Danh sách khách hàng thay thế?

“Đúng,” George đáp. “Cũng như nguyên liệu dự trù trong ngành gỗ xây dựng. Nếu anh muốn đốn hạ một cây gỗ, anh phải trồng thêm một cây mới. Vì nếu không chuẩn bị trước nguyên liệu thay thế hay dự trù, anh sẽ không thể duy trì sự nghiệp được lâu dài và trở nên khách kiệt.

“Khả năng chốt hạ hợp đồng thành công của tôi là 95 phần trăm trong cuộc gọi đầu tiên. Tôi không bao giờ mất trên ba cuộc điện thoại đối với mỗi khách hàng; và tôi có gan xẻ bỏ những tấm thẻ mang tên khách hàng cũ. Tôi không muốn phung phí thời lượng công việc của mình.”

“Thế còn hai khung vuông nằm ở cuối mặt sau?”

“Chúng rất quan trọng. Tôi phải hoạch định mục tiêu và tôi phải theo dõi xem chúng đã tiến triển đến đâu. Nếu mỗi tấm thẻ đều cần điền đủ cho mỗi ngày, tôi phải vạch ra những mục tiêu cụ thể cho mỗi ngày đó.

“Khi tôi tổng kết lại những tấm thẻ đã hoàn tất trong suốt khoảng thời gian một tháng, tôi có cảm giác như đang xem một đoạn tài liệu về những điều đã xảy ra trong thực tế. Ban đầu, tôi cảm thấy rất xấu hổ vì khuyết điểm của mình. Nhưng sau đó, tôi đã quyết định phải hành động.

 

Đừng kỳ vọng những gì bạn chưa kiểm chứng

Epictetus từng nói: “Đường xuống địa ngục được lát bởi những dự định tốt đẹp.” Ông hiểu rõ sức mạnh chi phối của thói quen – một khi đã hình thành, ta sẽ khó lòng thay đổi được chúng. George Severance cũng hiểu rõ điều này; Frank Bettger và Benjamib Franklin cũng thế. Và người tiếp theo, chính là bạn.

Theo quan điểm của tôi, và tôi tin Epictetus cũng đồng tình với điều đó: “Đường đến thiên đường cũng được lát bởi những dự định tốt đẹp, nếu bạn theo đuổi những dự định ấy thông qua hành động và tìm cách hình thành những thói quen lành mạnh, nhằm thay thế thói quen cũ.”

Bạn có thể tìm được niềm cảm hứng hành động nhằm thực hiện những dự định tốt đẹp, nhưng bạn có thể còn thiếu kiến thức cần thiết, hoặc bỏ qua việc vận dụng những kỹ năng thiết yếu dù đã nắm vững chúng; vì vậy, bạn sẽ thất bại trong việc xây dựng nền tảng cho các thói quen mới.

Nhưng Epictetus, Franklin, Severance và Bettger biết rõ họ phải làm gì và làm như thế nào. Vì mỗi người đều biết hình thành và vận dụng Chỉ số Thành công nhằm nhắc nhở bản thân thực hiện những dự định ấy mỗi ngày. Và bạn, bạn cũng có thể hình thành và thiết lập nên những Chỉ số Thành công đặc biệt dành riêng cho mình.

Chỉ số Thành công có nghĩa là gì? Với George Severance, đó chính là Thời gian biểu Cuộc sống do ông phát triển cùng phương thức Kiểm soát Thời lượng công việc; còn với Benjamin Franklin, đó là một quyển sổ nhỏ. Trong hồi ký của mình, ông đã viết:

“Tôi có một quyển sổ nhỏ. Trong đó, tôi dành mỗi trang để viết về một trong số 13 đức tính quan trọng nhất. Tôi ngăn dòng cho các trang bằng mực đỏ, gồm bảy cột tượng trưng cho bảy ngày trong tuần, và ghi chú các ngày trên đầu cột. Với mỗi cột, tôi lại dùng mực đỏ phân thành 13 dòng nhỏ, mỗi đầu dòng được chú thích bằng chữ cái đầu tiên của đức tính, và đối chiếu với cột ngày tương ứng. Với mỗi sai lầm tôi phạm phải trong số 13 đức tính đó, tôi sẽ ký hiệu bằng một chấm tròn màu đen vào ô tương ứng với ngày vi phạm.”

Trong tác phẩm Tôi đã chuyển bại thành thắng trong bán hàng như thế nào, Frank Bettger đã giải thích cặn kẽ cách ông áp dụng phương pháp của Franklin. Thay vì sử dụng quyển sổ, ông đã thay thế bằng 13 tấm thẻ tương ứng với các đức tính, như George Severance đã làm, để thuận tiện hơn trong việc ghi chú. Ông cũng đặt những câu tự động viên lên đầu mỗi thẻ. Chẳng hạn như trong tấm thẻ đầu tiên của ông – Nhiệt huyết – khẩu hiệu ông tự động viên mình là: Muốn khơi dậy lòng nhiệt tình, hãy lao động hăng say.

Họ đã vận dụng chỉ số thành công vì những mục đích khác nhau, một trong số đó chính là nhìn nhận lại những hoạt động đã làm trong ngày. Một doanh nghiệp cũng cần ủy thác những đơn vị trực thuộc theo dõi hiệu quả hoạt động của tổ chức thường xuyên, như cách chúng ta thường xuyên nhìn nhận lại hoạt động trong ngày.

Thế nhưng, đây mới là điểm mấu chốt làm nên thành công:

Đừng kỳ vọng những gì bạn chưa kiểm chứng!

Bạn có thể theo dõi mình đã quyết tâm thực hiện những “dự định đặt ra trong năm mới” hiệu quả đến đâu bằng cách nhìn nhận bản thân mỗi ngày và tiếp tục phấn đấu.

Trước khi gợi ý cho bạn những lời khuyên hữu ích trong việc thiết lập chỉ số thành công cho bản thân, chúng ta hãy cùng đánh giá xem vai trò của sự nhìn nhận thật sự quan trọng như thế nào. Tất nhiên, bạn cần phải đặt niềm tin vào bản thân và mọi người xung quanh, nhưng đó không thể là niềm tin mù quáng.

 

“La Fe’”

“La Fe’,” là một tác phẩm hội họa được vẽ bằng màu dính của họa sĩ thiên tài người Tây Ban Nha, José Gausachs. Ông hiện là tín đồ dòng Dominicanos tại giáo hội Los Bellas Artes, Santo Domingo. Nếu được chiêm ngưỡng tác phẩm này, bạn sẽ nhìn thấy gì?

Có phải cả hai mắt đều đang nhắm nghiền, hay một mắt đang mở hé? Không ai khác ngoài bạn, kể cả Jose’ Gausachs, có thể tự trả lời câu hỏi này. Hãy nhìn kỹ đôi mắt và đưa ra đáp án.

Niềm tin xuất phát từ sự tin tưởng – hay sự tự tin tuyệt đối về con người hoặc sự vật, kể cả khi con người hoặc sự vật đó khiến ta phải đặt câu hỏi hoặc nảy sinh hoài nghi. Niềm tin mù quáng, ví như hai mắt đều bị che khuất, sẽ thiếu đi sự sáng suốt và dù có thể hiện cũng chỉ khiến kẻ khác miễn cưỡng chấp nhận. Những niềm tin mong manh ấy thường không thể lý giải hay suy xét. Chúng chính là nguồn gốc của sự ngu dốt và thường xuyên kéo theo bi kịch hoặc tai ương.

Vậy niềm tin có vững vàng hơn khi một mắt nhắm và một mắt mở hé – như niềm tin vào một cá nhân, một ý tưởng, hay một triết lý sống? Liệu có ổn không khi người bạn muốn gây ảnh hưởng không thể dám chắc rằng một mắt đang mở hé khi cả hai mắt đều nhắm?

Bạn thường được nghe về những lời oán than đau xót của người mẹ khi cậu con trai bị kết tội trộm cắp hay những hành vi xấu xa khác: “Nó là một đứa trẻ ngoan; nó chưa hề làm điều gì sai trái cả.” Điều gì sẽ xảy ra nếu trước đây người mẹ đã mở hé một mắt để nhìn nhận sự việc, thay vì nhắm nghiền cả hai?

Mở hé một mắt để nhìn nhận sự việc không phải là biểu hiện của sự ngờ vực dù mơ hồ nhất. Mà đó là cách để ta bồi đắp, bảo vệ, nuôi dưỡng và gìn giữ niềm tin bền vững, trong mọi mối quan hệ mà niềm tin đóng vai trò thiết yếu cho sự thuận hòa và hạnh phúc.

Hãy tin tưởng vào bản thân và mọi người xung quanh, nhưng chớ nên mù quáng trước thực tế. Mọi người ai cũng cần chắc chắn ở một mức độ nào đó – như trong bức tranh vẽ đôi mắt “La Fe’” – rằng cả hai mắt họ đều nhắm hay có một mắt hé mở. Giống như bạn, họ cũng có quyết định cho riêng mình, và hành động theo quyết định đó.

 

Thành thật với bản thân

“Nếu bạn là người thành thật, thì khi đã hứa hẹn với ai điều gì, bạn sẽ thực hiện bằng được điều đó. Tuy nhiên, thành thật với bản thân cũng vô cùng quan trọng. Do vậy, khi đã tự hứa với mình điều gì, hãy cố gắng thực hiện điều đó. Và đừng tuôn ra những lời hứa hẹn như câu cửa miệng, trừ khi bạn thật lòng muốn thực hiện chúng,” George Severance kết luận.

 

Tất cả phụ thuộc vào bạn

Và bây giờ, hãy cùng tôi lập lời tuyên thệ thật trang trọng:

Tôi xin cam kết với bản thân:

  1. Sẽ thiết lập chỉ số thành công cho riêng mình tối nay trước khi ngon giấc.
  2. Sẽ dành 30 phút mỗi ngày để nghiên cứu, suy ngẫm và hoạch định cho tương lai, liên tục trong 30 ngày kế tiếp – tập trung mọi nỗ lực nhằm hoàn thiện bản thân – để phát huy hiệu quả nhất các chỉ số thành công.
  3. Sẽ lập tức thực hiện lại cam kết 30 ngày trên bất cứ khi nào tôi thất bại và không hoàn thành đủ 30 phút hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
  4. Sẽ cầu xin ơn trên dẫn lối trước khi bắt đầu hành trình hoàn thiện bản thân, và cảm tạ Thiên chúa Toàn năng vì phước lành Người đã ban cho tôi (liệt kê cụ thể).

Hãy bắt đầu với một trang giấy và mẩu bút chì. Sau đó, khi bản tuyên thệ đã được sửa đổi hoàn chỉnh, hãy đánh thành văn bản và in ra giấy. Những tấm thẻ của George Severance hiện được in thành tập, nhưng ban đầu chúng cũng chỉ là những mẩu giấy viết tay.

Cần đặt một khẩu hiệu tự động viên ngay dòng đầu tiên. Khẩu hiệu này có thể thay đổi sau những khoảng thời gian cụ thể, nhưng không nên thay đổi liên tục hàng tuần.

Hãy đặt một tiêu đề thích hợp, chẳng hạn: “Chỉ số Thành công của tôi.”

Nếu bạn cảm thấy việc tự thiết kế quá khó khăn, bạn có thể sử dụng mẫu tuyên thệ được trình bày trong chương này.

Hãy dành những khoảng trống thích hợp để có thể kiểm tra đầy đủ quá trình thực hiện mục tiêu cũng như những thất bại tạm thời.

Tốt hơn hết bạn nên sử dụng cách trình bày có hỗ trợ theo dõi tiến trình thực hiện mục tiêu.

Bổ sung thêm một số phẩm chất tích cực bạn muốn phát huy. Tôi xin lưu ý rằng thay vì sử dụng câu từ theo nghĩa bi quan, hãy sử dụng chúng theo nghĩa lạc quan. Ví dụ: nếu khuyết điểm của bạn là hay nói dối, thay vì viết “Hạn chế nói dối” hãy chuyển thành “Hãy thành thật” hoặc “Thật thà.”

Ngọn lửa nhiệt huyết sẽ không thể tỏa sáng nếu không được tiếp thêm sức mạnh; vì vậy, hãy thường xuyên tìm hiểu thêm các tài liệu kỹ năng và truyền cảm hứng ít nhất năm phút mỗi ngày.

Đến thời điểm này, bạn phải tự suy nghĩ cho chính mình. Chỉ có bạn mới có thể định hướng suy nghĩ và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Vì vậy, bạn cần phải lập nên một bản tuyên thệ thật đanh thép và một chương trình hành động thật hiệu quả. Mọi lợi ích cho bản thân phải bắt nguồn từ nỗ lực của bản thân.

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Công cụ mạnh mẽ nhất bạn nắm trong tay trên hành trình miệt mài theo đuổi thành công, chính là bản ghi chép thường xuyên thói quen hàng ngày. Hãy gìn giữ cẩn thận, vì bản ghi chép này sẽ phản ánh trung thực mọi nỗ lực trong từng hoạt động của bạn, từ ngày này qua ngày khác. Với quyền năng kỳ diệu, nó sẽ giúp bạn định hướng lại bản thân mình. Hãy nắm bắt những bài học và ví dụ minh họa trong chương này; và từ hôm nay, hãy bắt đầu thiết lập cho riêng bạn Chỉ số Thành công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.