Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

2. SẴN SÀNG CHO TƯƠNG LAI



Vào khoảng thời gian chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học, tôi đã được trải nghiệm một trong những bài học sâu sắc nhất từ cuộc sống. Bài học đó có thể được đúc kết thành một nguyên tắc cốt lõi: Môi trường xung quanh luôn tác động đến bạn. Vì vậy, hãy lựa chọn sống trong môi trường thích hợp nhất, giúp bạn vươn đến mục tiêu hằng khao khát.

Mặc dù không thể diễn đạt suy nghĩ của mình súc tích giống như thế, nhưng tôi vẫn ý thức được nguyên lý quan trọng đằng sau đó. Khi chuẩn bị bước chân vào cấp ba, tôi nhận ra rằng trường Senn High sẽ thích hợp với tôi hơn Lakeview High – ngôi trường tôi sẽ phải theo học nếu muốn tiếp tục sống ở khu phố hiện tại, trong căn hộ của hai mẹ con. Do công việc kinh doanh đòi hỏi mẹ phải chuyển đến Detroit, nên chúng tôi đã thuyết phục được một gia đình người Anh dễ mến ở quận Senn cho phép tôi đến sống tại nhà họ.

Tôi cũng quyết định sẽ chọn bạn để làm quen khi vào trường. Để dễ lựa chọn, tôi tìm kiếm những người phù hợp với tôi về tính cách và kiến thức. Nhờ đó, tôi đã tìm được những người bạn tử tế, tuyệt vời và thật sự có ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời tôi.

 

Hãy đầu tư xứng đáng

Không chỉ chăm lo cho tôi một cuộc sống an lành và theo học một trường công danh giá, mẹ tôi còn đầu tư một khoản tương đối để đăng ký mở đại lý bảo hiểm tai nạn tại Detroit, Michigan, trực thuộc Tổng Công ty Bảo Hiểm Hoa Kỳ.

Tôi sẽ không bao giờ quên điều mẹ đã làm. Bà đã phải đem cầm hai viên kim cương để có đủ tiền thành lập đại lý. Hãy nhớ rằng: Bà không hề biết huy động tín dụng ngân hàng khi khởi nghiệp kinh doanh. Sau khi thuê văn phòng tại một cao ốc thuộc khu trung tâm, bà tràn trề hi vọng mong chờ đến ngày khai trương. Đó là một ngày may mắn. Bà đã làm việc rất chăm chỉ, nhưng không bán được hợp đồng nào – một ngày may mắn!

Bạn sẽ làm gì khi mọi thứ không còn đi đúng hướng? Bạn sẽ làm gì khi không còn nơi nào để nương tựa? Bạn sẽ làm gì khi phải đối mặt với những vấn đề sống còn?

Đây là cách mẹ tôi đã làm, phải một thời gian sau bà mới tiết lộ với tôi: “Mẹ đã rất suy sụp. Mẹ đã đổ vào đó toàn bộ vốn liếng mình có và mẹ buộc phải khiến chúng sinh lời. Mẹ đã làm tất cả những gì phải làm, nhưng vẫn không bán được dù chỉ một hợp đồng.

“Đêm đó mẹ lại cầu xin ý Chúa. Sáng hôm sau cũng vậy. Rồi mẹ rời nhà và đến thẳng ngân hàng lớn nhất ở thành phố Detroit. Tại đó, mẹ bán được một hợp đồng cho người thu ngân và được phép tư vấn thêm trong giờ làm việc. Cứ như có điều gì đó thôi thúc mẹ phải hành động và nó rõ ràng đến mức mọi chướng ngại đều bị gạt sang một bên. Hôm đó, mẹ đã bán được 44 hợp đồng.”

Sau lần thử nghiệm thất bại vào ngày đầu khai trương, mẹ tôi đã dấy lên một cảm giác bất an. Và nhờ đó, bà đã có được động lực. Bà biết cần phải nhờ Ai dẫn lối trong nỗ lực tìm kế sinh nhai, cũng như bà biết phải nhờ Ai dẫn lối khi phải đối mặt với những rắc rối liên quan đến con trai bà.

Và sau lần thử nghiệm thành công trong ngày thứ hai, bà đã nắm được phương pháp để chào bán bảo hiểm tai nạn và từ đó phát triển thành phương thức kinh doanh thành công. Giờ thì bà đã kết hợp đủ động lực, cùng với phương pháp và vốn hiểu biết – do đó bước thăng tiến đạt được cũng là điều tất yếu.

Nghề bán hàng, cũng như mọi ngành nghề khác, thường khó đạt được bước thăng tiến ngay từ đầu vì họ chưa đúc kết được công thức thành công mà chính họ sẽ áp dụng thành nguyên tắc sau này. Họ hiểu rõ thực tế, nhưng lại không đúc kết được thành nguyên lý.

Sau khi có được nguồn thu ổn định từ công việc kinh doanh riêng, mẹ tôi bắt đầu xây dựng hệ thống bảo hiểm rộng khắp bang Michigan, dưới tên Công ty Liberty Registry.

Mẹ con tôi thường đi nghỉ cùng nhau vào các dịp lễ. Năm học thứ hai, tôi trở về Detroit vào kỳ nghỉ hè. Đó là lúc tôi cũng bắt đầu tập bán bảo hiểm tai nạn và đánh dấu bước khởi đầu cho hệ thống bán hàng của riêng tôi – một hệ thống hoàn mỹ.

 

Hãy làm gấp đôi với chỉ một nửa thời gian

Trụ sở văn phòng Công ty Liberty Registry đặt tại Cao ốc Free Press. Tôi dành hẳn một ngày tại văn phòng để đọc và nghiên cứu về những bản hợp đồng mà tôi sẽ chào bán vào ngày hôm sau.

Dưới đây là cẩm nang bán hàng của tôi:

  1. Hoàn tất nghiên cứu thông tin về Tòa nhà Dime Bank.
  2. Bắt đầu từ tầng trên cùng và gọi điện đến tất cả các văn phòng tại đó.
  3. Tránh gọi điện khi đang ở trong văn phòng của tòa nhà.
  4. Mở đầu bằng câu: “Tôi có thể xin ngài vài phút được không ạ?”
  5. Cố gắng bán cho tất cả những ai bạn gọi đến.

Và tôi đã tuân theo tất cả những chỉ dẫn ấy. Hẳn bạn còn nhớ, khi còn là một hướng đạo sinh, tôi đã học được rằng: Một khi đã quyết dấn thân vì điều gì, đừng quay đầu lại cho đến khi bạn đạt được nó.

Tôi có lo sợ không? Tất nhiên là có.

Nhưng điều đó chưa bao giờ ngăn cản tôi tuân theo những chỉ dẫn. Tôi chẳng biết làm gì khác hơn. Tôi dám cam đoan chúng đã ăn sâu thành thói quen của tôi – một thói quen hữu ích.

Ngày đầu tiên tôi bán được hai hợp đồng – hơn hẳn trước đây hai bản. Ngày thứ hai, tăng lên bốn – đồng nghĩa với hơn 100%. Sang ngày thứ ba, sáu – lại tăng thêm 50% nữa. Và đến ngày thứ tư, tôi đã nhận được một bài học quý giá.

Tôi gọi điện đến một văn phòng bất động sản lớn và được mời đến phòng làm việc của Giám đốc Kinh doanh của họ. “Tôi có thể xin ngài chút thời gian được không ạ?” Tôi vừa bắt đầu thì giật nảy mình, vì ông ấy đã đứng bật dậy, nện mạnh tay xuống bàn và thét lớn: “Chàng trai, chừng nào cậu còn sống thì đừng bao giờ hỏi xin thời gian của người khác! Hãy nắm lấy chúng!”

Nghe xong, tôi đã tận dụng ngay lấy thời gian của ông, ký hợp đồng bảo hiểm với ông cùng 26 nhân viên khác vào ngày hôm đó.

Từ đó, tôi bắt đầu suy nghĩ: Chắc chắn phải có một biện pháp cụ thể nào đó giúp tôi bán được thật nhiều hợp đồng mỗi ngày. Chắc chắn phải tồn tại một phương thức khiến cho một giờ đồng hồ làm việc đạt được hiệu suất của nhiều giờ cộng lại. Sao ta không thử tìm kiếm một phương thức mang lại hiệu quả gấp đôi nhưng chỉ mất một nửa thời gian? Sao ta không thể lập ra một công thức đem lại kết quả tối đa cho mỗi giờ đồng hồ nỗ lực?

Từ xuất phát điểm đó, tôi đã nghiêm túc tìm tòi và khám phá ra những nguyên lý nhằm xây dựng nên một hệ thống bán hàng hoàn mỹ. Tôi lý giải: “Thành công có thể biến đổi thành công thức và thất bại cũng thế. Đâu là hướng đi cần tuân thủ và đâu là hướng nên tránh – phải tự suy nghĩ thôi.”

 

Nghĩ cho chính bản thân

Dù bạn là ai, bạn cũng sẽ mong muốn được tiếp thu những kỹ xảo của một người bán hàng giỏi giang; bởi bán hàng đơn giản chỉ là khéo léo thuyết phục người khác chấp nhận dịch vụ, sản phẩm hoặc ý tưởng của bạn. Hiểu theo cách này, thì ai trong chúng ta cũng đang bán một thứ gì đó. Bất kể bạn có tố chất thiên phú về bán hàng hay không, bạn cũng không cần tập trung quá chi tiết vào hệ thống bán hàng của tôi. Chỉ cần nắm vững các nguyên lý – nếu bạn đã sẵn sàng.

Điều quan trọng đối với bạn là bạn nên tự rút ra công thức, tốt hơn hết là nên viết ra những điều bạn đã chiêm nghiệm được sau khi trải qua thành công hoặc thất bại, trong bất kỳ việc gì khiến bạn thấy hứng thú. Thế nhưng, chưa chắc bạn đã biết đúc kết các nguyên lý từ những thứ bạn đã nghe, đọc và trải nghiệm. Tôi sẽ giải thích về cách tôi đã làm, nhưng bạn phải tự suy nghĩ cách cho riêng mình.

 

Tôi đã vượt qua cảm giác rụt rè và sợ sệt như thế nào

Trước khi giải thích chuyện tôi đã vượt qua cảm giác rụt rè và sợ sệt để mở toang cửa, “xông” vào những văn phòng sang trọng và chào bán bảo hiểm cho những ông to, bà lớn như một đứa choai choai, hãy cho phép tôi kể bạn nghe cách tôi đối phó với tình huống tương tự như thế nào, khi vẫn còn là một đứa trẻ.

Nhiều người khó mà tin được rằng khi còn bé tôi cũng đã từng rất rụt rè và nhút nhát. Âu cũng là điều tự nhiên nếu có ai đó tỏ ra đôi chút sợ hãi khi tiếp thu những kinh nghiệm mới, hoặc được cọ xát với môi trường mới. Sự cảnh giác là bản năng tự nhiên giúp bảo vệ mỗi cá nhân khỏi nguy hiểm. Phụ nữ và trẻ em thường nhạy cảm với điều này hơn đàn ông – hiển nhiên, tạo hóa cần bảo vệ họ an toàn hơn khỏi những tổn thương.

Tôi còn nhớ hồi bé mình đã “thỏ đế” đến nỗi mỗi khi có khách đến thăm là tôi lại lỉnh sang phòng khác, hoặc cứ nghe thấy tiếng sấm là bật dậy núp dưới gầm giường. Rồi đến một ngày tôi tự nhủ: “Nếu sấm chớp đã đánh xuống đây, thì mình có trốn dưới gầm giường hay bất cứ nơi nào trong nhà cũng không tránh được.” Tôi quyết định đương đầu với nỗi sợ hãi. Và thời cơ đã đến. Khi sấm rền, tôi tự ép mình phải bước đến bên cửa sổ và nhìn thẳng vào lằn chớp. Điều kỳ diệu đã xảy ra, tôi bỗng cảm thấy thích thú vẻ đẹp mỗi khi ánh sáng lóe lên và xé toang bầu trời. Giờ đây, có lẽ chẳng có ai thích thú ngắm nhìn bầu trời nổi sấm chớp đì đùng hơn tôi cả.

Mặc dù đã gọi đến từng văn phòng trong danh bạ doanh nghiệp của Toà nhà Dime Bank, tôi vẫn không khỏi bối rối khi vặn nắm đấm cửa, nhất là khi chẳng biết phía bên kia có điều gì đang chờ đợi mình (nhiều cánh cửa được lắp kính mờ và buông rèm bên trong). Ngay việc tự động viên mình bước vào tôi cũng cần có một phương thức.

Và như mọi khi, tôi luôn tự tìm câu trả lời. Tôi lại lý giải: Thành công chỉ đến với người nào dám đương đầu. Nếu thử mà chẳng mất mát gì, lại còn được lợi nếu thành công thì tội gì ta không thử!

Việc cứ lặp đi lặp lại những lời tự động viên như thế đã củng cố cho lý do của tôi. Nhưng tôi vẫn còn e ngại, trong khi đây là lúc cần thiết phải hành động. May sao, một mệnh lệnh thình lình lóe lên trong đầu tôi: Phải làm thôi! Bởi vì tôi đã hiểu được giá trị của việc rèn luyện những thói quen tốt và tác hại của những thói quen xấu, vì thế, tôi cứ liên tục ra lệnh cho mình như thế mỗi khi bước ra khỏi một văn phòng và nhanh chân chạy đến phòng kế tiếp. Cứ mỗi giây do dự, tôi lại tự nhủ Phải làm thôi! – và lập tức hành động. Tôi đã làm thế đấy!

 

Loại bỏ sự rụt rè và sợ sệt như thế nào

Khi đã bước vào phòng, tôi vẫn chưa thật sự hoàn hồn, nhưng tôi nhanh chóng tìm được cách loại bỏ sự rụt rè và sợ sệt khi nói chuyện với người lạ. Tôi kiểm soát giọng nói của mình.

Tôi phát hiện ra khi mình nói thật nhanh và lớn tiếng, sự ngập ngừng sẽ chỉ giống như dấu ngắt câu khi tôi viết ra những lời mình nói. Kèm theo một nụ cười, và chú ý cách lên xuống giọng, tôi cũng không còn thấy bồn chồn nữa. Về sau, tôi khám phá ra phương pháp này dựa trên một tài liệu tâm lý học có căn cứ: Cảm xúc (ví dụ, sự sợ hãi) không bị tác động ngay bởi ý thức, mà phụ thuộc vào hành động. Một khi suy nghĩ không thể loại bỏ những cảm xúc phiền toái, hành động sẽ quyết định chuyện đó.

Vị Giám đốc Kinh doanh của văn phòng bất động sản trên không hề thích câu mào đầu của tôi: “Tôi có thể xin ngài chút thời gian được không ạ?” Mặt khác, nhiều người khi nhận được lời chào hàng này của tôi cũng đã đáp rằng: “Không!” Và tôi đã thôi không dùng nó nữa, đồng thời tiếp tục thử nghiệm và đưa ra cách giới thiệu mới tôi vẫn còn áp dụng cho đến ngày hôm nay: “Tôi tin chắc ngài sẽ thấy hứng thú về điều này.”

Không còn ai trả lời “Không” nữa. Đa số họ đều hỏi lại: “Điều gì cơ?” Đương nhiên, tôi sẽ dẫn dắt họ vào câu chuyện và bắt đầu cuộc tư vấn. Mục đích quan trọng nhất và duy nhất của lời chào hàng chính là khiến khách hàng chịu lắng nghe.

 

Biết khi nào nên từ bỏ

“Hãy cố gắng bán cho tất cả những ai con gọi đến,” – đó là một trong những bí quyết bán hàng mẹ để lại cho tôi; và tôi đã áp dụng nó với mọi khách hàng. Đôi khi tôi khiến họ phát bực, và khiến chính tôi cũng phát bực khi bước ra khỏi cửa. Dường như trong những dịch vụ giá rẻ như thế này, việc đẩy cao hiệu suất cho mỗi giờ đồng hồ nỗ lực là một điều bức thiết. Bởi không phải ngày nào tôi cũng chốt được đến 27 hợp đồng chỉ cho một công ty.

Vì vậy tôi quyết định sẽ không bán cho tất cả những ai tôi gọi đến nữa, nếu thương vụ chiếm của tôi nhiều thời gian hơn mức tôi đặt ra. Tôi sẽ chỉ cố gắng giúp khách hàng cảm thấy hài lòng rồi nhanh chóng rời khỏi đó, dù biết rằng nếu chịu khó trò chuyện với họ lâu hơn, biết đâu tôi sẽ ký được hợp đồng.

Kết quả thật tuyệt vời. Số hợp đồng trung bình tôi bán được trong ngày bỗng tăng lên đáng kể. Hơn nữa, có một vài trường hợp khách hàng tưởng tôi sẽ kỳ kèo với họ, nhưng khi tôi bước ra và để lại chút thiện cảm, họ đã chạy với theo tôi và nói: “Anh không thể làm thế với tôi. Những tay bán bảo hiểm khác chỉ toàn một lũ bám dai như đỉa. Riêng anh thì khác, hãy quay lại và soạn hợp đồng cho tôi.” Thay vì kiệt sức do phải nặn ra những lời nài nỉ, giờ tôi đã lấy lại được nhiệt tình và tràn đầy hưng phấn đến gặp khách hàng tiếp theo.

Bài học tôi nhận ra vô cùng đơn giản: Sự nhọc nhằn không thể giúp cho công việc của bạn đạt được hiệu quả cao nhất. Đừng nhụt chí, bạn sẽ tự đánh mất lòng nhiệt huyết của mình. Khi rơi vào trạng thái lo lắng, hiệu suất của bạn sẽ tăng dần lên nếu cơ thể được nghỉ ngơi và tự phục hồi. Thời gian là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ công thức thành công nào, trong bất kỳ hoạt động nào của con người. Hãy biết quý trọng thời gian và tận dụng nó thật khôn ngoan.

 

Làm sao để người khác lắng nghe bạn

“Khi con nói chuyện với ai, hãy nhìn thẳng vào mắt họ,” đó là điều tôi được mẹ dạy khi còn bé. Nhưng thường khi chào hàng, cứ hễ tôi nhìn vào mắt họ, thì họ lại lắc đầu và nói, “không”. Đôi khi họ còn ngắt lời tôi. Tôi không thích điều đó – tôi cảm thấy chùn bước. Chẳng mấy chốc, tôi đã tìm ra cách khắc phục: Hãy nắm bắt những gì khách hàng quan tâm qua ánh mắt của họ và hãy lắng nghe để biết phải cho họ thấy điều gì, nghe điều gì. Tôi tập trung vào hợp đồng bảo hiểm trước mặt mình cùng các điều khoản và nhìn chăm chú vào đó mỗi khi bắt đầu tư vấn. Vì tôi nhìn, nên khách hàng cũng nhìn theo. Nếu từ khóe mắt tôi nhận thấy họ khẽ lắc đầu tỏ ý từ chối, tôi sẽ không bận tâm. Nhưng thường thì họ luôn tỏ ra hứng thú, nên tất nhiên sau đó, tôi cũng thường chốt được hợp đồng.

 

Tiến lên và giành chiến thắng

Trong những trận đấu đối kháng, bạn phải tuân thủ luật chơi, và không được phép vi phạm những tiêu chí bạn tự đặt ra cho mình; nhưng hãy nhớ, bạn chơi là để giành chiến thắng. Bán hàng cũng là một cuộc chơi; vì bán hàng, cũng như mọi hoạt động khác, sẽ trở nên thú vị hơn nếu bạn ngày càng lão luyện.

Tôi nhận ra rằng muốn trở nên lão luyện thì tôi phải làm việc, làm việc cật lực. Nỗ lực, nỗ lực, nỗ lực và tiếp tục nỗ lực – đó là nguyên tắc tôi buộc phải tuân theo nếu muốn trở thành bậc thầy trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng mặt khác, bạn cũng có thể trở thành bậc thầy nếu rèn luyện thói quen làm việc hợp lý. Từ đó bạn sẽ tìm được niềm vui trong công việc, rồi công việc sẽ không còn là áp lực – mà sẽ trở thành niềm vui.

Tôi đã làm việc ngày qua ngày, làm việc chăm chỉ, cố gắng cải thiện kỹ năng bán hàng của mình. Tôi tìm kiếm những kíp nổ – hay những từ hoặc cụm từ có khả năng dẫn dắt phản ứng của khách hàng theo đúng hướng. Phản ứng đúng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ chấp nhận mua trong một khoảng thời gian hợp lý, và đối với tôi thời gian chính là tiền của.

Tôi muốn mình có thể nói đúng vấn đề, theo đúng phương pháp để họ phản ứng theo đúng ý tôi. Để được như vậy tôi cần phải luyện tập, và luyện tập có kết quả.

Mọi thứ đều có khởi đầu và kết thúc. Lời giới thiệu chính là mở đầu cho việc chào hàng. Tôi phải làm cách nào để chốt được hợp đồng trong thời gian ngắn nhất mà vẫn khiến khách hàng hài lòng?

Nhờ tìm hiểu, tôi đã khám phá ra một điều: Nếu bạn muốn khách hàng mua, hãy đề nghị họ mua. Chỉ cần hỏi, và mở cho họ cơ hội trả lời “có.” Nhưng hãy thuyết phục để họ dễ dàng nói “có” thay vì nói “không”. Nên nhớ, bạn phải tác động thật khéo léo, tế nhị, nhẹ nhàng và hiệu quả.

Và đây chính là bí quyết: Nếu bạn muốn ai đó nói “có,” hãy trình bày theo hướng tích cực kèm thêm một câu hỏi khẳng định. Khi đó, câu trả lời “có” sẽ được thốt lên rất tự nhiên. Ví dụ:

  1. Lời nói tích cực: Hôm nay trời thật đẹp…

    Câu hỏi khẳng định: Phải thế không?

    Câu trả lời: Đúng thế.
  2. Người mẹ muốn cô con gái bỏ ra một giờ tập piano vào mỗi sáng thứ Bảy và hiểu rằng con gái cô thích được chạy nhảy bên ngoài hơn. Cô có thể khuyên:

    Lời nói tích cực: Mẹ đoán con muốn dành hẳn một giờ để tập đàn rồi tha hồ được nghỉ ngơi suốt cả ngày hôm nay…

    Câu hỏi khẳng định: Phải vậy không nào?

    Câu trả lời: Vâng ạ.
  3. Một cô bán hàng đang mời khách mua chiếc khăn tay thêu ren có thể nói:

    Lời nói tích cực: Nó thật xinh xắn, mà giá cũng rất vừa phải…

    Câu hỏi khẳng định: Chị có nghĩ vậy không?

    Câu trả lời: Đúng thế thật.

    Câu hỏi khẳng định: Tôi gói lại giúp chị nhé?

    Câu trả lời: Vâng, cám ơn.
  4. Và cách tôi chốt hợp đồng cũng rất đơn giản và hiệu quả:

    Lời nói tích cực: Vậy, nếu ngài không phiền, tôi rất vui lòng được soạn các điều khoản này giúp ngài…

    Câu hỏi khẳng định: Ngài cho phép chứ?

    Câu trả lời: Được thôi.
 

Lý do tôi viết những dòng này

Câu chuyện về những bài học tôi nhận được tại Tòa nhà Dime Bank ngày đó cho thấy những kỹ xảo được tôi sử dụng khi bắt đầu xây dựng hệ thống bán hàng hoàn mỹ. Tôi đã từng bước tìm tòi để ngộ ra kiến thức cần thiết nhằm hoàn thiện toàn bộ phần trình bày sản phẩm của mình. Tôi cũng đã nỗ lực học hỏi phương pháp – hay kinh nghiệm khi áp dụng những kiến thức cụ thể – thông qua hành động lặp đi lặp lại.

Nói tóm lại, tôi đang chuẩn bị và phát triển cho mình thói quen sử dụng công thức trong việc bán hàng nhằm đạt được doanh số vượt bậc trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Mặc dù chưa hoàn toàn đúc kết được nó, tôi đã thật sự có được bước chuẩn bị cho tương lai. Vài năm sau đó, tôi phát hiện ra rằng hệ thống bán hàng của tôi dựa trên những nguyên lý, có cùng chung đặc điểm với những thành tựu thắng lợi liên tiếp trong mọi hoạt động của nhân loại. Từ đó, tôi đã khám phá ra một phương thức còn ưu việt hơn: Phương thức hoàn mỹ của thành công.

Điều này có ý nghĩa gì với bạn?

Sức khỏe, niềm vui, thành công và sự thịnh vượng sẽ thuộc về bạn nếu bạn hiểu rõ và áp dụng đúng phương thức hoàn mỹ của thành công.

Vì phương thức chỉ hiệu quả… khi nó được áp dụng.

Đến đây, có thể bạn vẫn chưa nhận ra và hiểu hết những nguyên lý thành công ẩn sau mỗi câu chuyện hay lời giải thích dù bạn đã đọc khá đủ để tiếp thu chúng. Nhưng nếu bạn đọc tiếp, chúng sẽ hiện ra rõ ràng.

Trong quá trình tìm kiếm phương thức thành công hoàn mỹ, bạn sẽ có bước tiến nhanh chóng và vững chắc hơn nếu ghi nhớ ba yếu tố quan trọng, theo thứ tự ưu tiên dưới đây:

  1. Động lực: Điều thôi thúc bạn, hay bất kỳ ai phải hành động thể theo mong muốn.
  2. Phương pháp: Những kỹ năng và bí quyết cụ thể đem lại hiệu quả ngay tức thì. Phương pháp chính là áp dụng kiến thức một cách phù hợp, và nó sẽ trở thành thói quen nếu được rèn luyện thường xuyên.
  3. Tiếp thu kiến thức: Bao gồm kiến thức về những hoạt động, dịch vụ, sản phẩm, phương pháp, kỹ năng, kỹ xảo bạn thật sự quan tâm.

Để thành công nối tiếp, bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. Muốn sẵn sàng, bạn phải học cách tự lập – đó chính là điều tôi sẽ đề cập trong chương kế tiếp.

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

  1. Môi trường cuối cùng cũng sẽ điều khiển bạn. Vì thế, hãy học cách điều khiển ngược lại môi trường ngay từ ban đầu. Tránh sa vào những tình huống, những manh mối mơ hồ hay những ràng buộc có thể níu chân bạn lại.
  2. Thành công chỉ đến với những ai nỗ lực. Bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì phải đánh đổi, hãy nỗ lực.
  3. Suy nghĩ không thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi. Nhưng hành động thì có.
  4. Đừng bao giờ quên: Phương thức chỉ hiệu quả… khi BẠN áp dụng nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.