Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

20. TỔNG KẾT CỦA TÁC GIẢ



“Mục đích của tôi không gì khác hơn nhằm động viên người đọc:

  1. Tìm hiểu và áp dụng ba khái niệm đơn giản và dễ nắm bắt nhằm đạt đến những thành công tiếp nối trong mọi hoạt động của con người. Dưới đây, tôi xin được tổng kết lại những khái niệm trên. Với những ai đã vận dụng và kết hợp thuần thục ba yếu tố ấy trong từng hoạt động cụ thể, họ sẽ không thể thất bại:
    • Cảm hứng hành động: điều thôi thúc bạn, hay bất kỳ ai phải hành động thể theo mong muốn.
    • Phương pháp: những kỹ năng và bí quyết cụ thể đem lại hiệu quả ngay tức thì. Phương pháp chính là hiểu biết được áp dụng một cách phù hợp, và sẽ trở thành thói quen nếu được rèn luyện thường xuyên.
    • Hành động với sự hiểu biết (kiến thức): bao gồm hiểu biết về những hoạt động, dịch vụ, sản phẩm, phương pháp, kỹ năng, kỹ xảo bạn thật sự quan tâm.
  2. Phấn đấu trau dồi vốn kiến thức từ ngày này sang ngày khác, đồng thời mở mang tầm hiểu biết của mình.
  3. Giúp bản thân họ trở thành hình mẫu tốt hơn trong tương lai, đồng thời nỗ lực xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn vì cuộc sống của chính họ và toàn thể nhân loại.
  4. Hình thành và rèn luyện thói quen nhận thức, thấu hiểu, liên hệ, thấm nhuần và ứng dụng nguyên lý từ những bài học họ tiếp thu từ sách vở, từ những người họ tiếp xúc, và từ những trải nghiệm qua mỗi ngày vui sống.
  5. Tích lũy nguồn tài chính dồi dào và thành đạt trong sự nghiệp kinh doanh, mà đỉnh cao là chinh phục thành công ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
  6. Gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống của công dân Hoa Kỳ.
  7. Cảm nhận, sống và hành động theo triết lý sống sôi nổi hình thành từ nỗ lực hoạt động tôn giáo và tuân theo lời giáo huấn của tín ngưỡng Cơ-đốc cao đẹp, hết lòng phụng sự lý tưởng thiêng liêng của giáo hội Thiên Chúa.
  8. Tìm kiếm và chinh phục ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Tôi xin nhắc lại: Một giọt mực nhỏ bé cũng có thể khiến cho hàng nghìn, thậm chí hàng triệu kẻ phải suy ngẫm. Và một cuốn sách kỹ năng cũng có thể khiến cho cuộc sống của hàng nghìn người trở nên ý nghĩa hơn. Trong đó, Duke Fuller là một trường hợp điển hình.

 

Tôi đã được khai sáng

Fuller là một nhân viên bảo hiểm thành công; anh cũng đạt được nhiều thành tựu trên cương vị giám đốc kinh doanh tại công ty của tôi, trước khi anh mất đi thị giác. Giống như các đại diện kinh doanh khác, tôi cũng gửi tặng anh các bộ sách kỹ năng và album ghi âm truyền cảm hứng, trong đó có cả “Phương thức hoàn mỹ của thành công” (Hiệp hội Ghi âm Doanh nghiệp, số 415 đường N. Dearborn, Chicago 10, III.) Fuller hiện nay rất hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân; anh cũng là cha của sáu cậu trai kháu khỉnh và năm cô con gái xinh đẹp.

Bên cạnh đó, cuộc sống của Fuller còn gắn liền với đức tin. Điều đó đã được minh chứng không ít lần trong quá khứ và cả trong hiện tại, qua những bức thư gần đây anh gửi đến tôi. Dưới đây là một đoạn thư tôi xin được trích dẫn:

“Tôi vừa nhận được sự giúp đỡ từ một trong những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu về mắt trên toàn nước Mỹ. Ông ấy đã tận tâm tận lực hòng cứu vãn thị giác cho tôi; và ông đã tỏ ra vô cùng thất vọng trong đợt kiểm tra cuối cùng, khi nhận ra rằng mọi liệu pháp điều trị hay phẫu thuật từ nay về sau sẽ hoàn toàn vô ích.

“Đó cũng là lúc tôi suy nghĩ về tương lai của mình. Luôn tâm niệm rằng mỗi khó khăn đều tiềm ẩn một lợi thế không ngờ, đồng thời vận dụng thường xuyên “Phương thức hoàn mỹ của thành công,” tôi đã tìm được cảm hứng hành động, và ngay lập tức tiến tới tiếp thu phương pháp và vốn hiểu biết cần thiết, nhằm xác định rõ tất cả những giới hạn hiện hữu của bản thân. Tôi đã rất phấn khích khi phát hiện ra mình chỉ chệch hướng một chút trên con đường chinh phục mục tiêu cuối cùng.

“Từ thứ năm tuần trước, tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia, chuyên viên và đại diện doanh nghiệp, và biết được rằng chỉ cần mất ba tháng trở lại trường, tôi sẽ sử dụng thành thục ngôn ngữ Braille và học được cách tự đi lại một mình – nói cách khác, là làm chủ cuộc sống. Tôi đã suy đi tính lại rất nhiều, và mọi suy nghĩ của tôi đều xoay chuyển theo chiều hướng tích cực…

“Thú thực, tôi sẽ không ngừng tìm kiếm liệu pháp chữa lành cho đôi mắt của mình. Như trường hợp của George Campbell trong Thành công với Quan điểm Tư duy Tích cực, tôi sẽ tiếp tục thể hiện thái độ suy nghĩ tích cực, và chứng minh tôi vẫn còn đủ khả năng đạt đến thành công.

“Chính công ty cũng tin rằng phép màu sẽ đến với tôi, và nếu đó là ý chí từ Đấng Toàn Năng, những lời nguyện cầu từ gia đình và bạn bè tôi sẽ không uổng phí.

“Khi trước mắt nay chỉ còn là bóng đêm… tâm trí tôi đã được khai sáng.”

Để khai sáng tâm trí, tôi và bạn cần phải mở rộng tầm hiểu biết của mình.

 

Mở rộng tầm hiểu biết

“Tập trung giáo dục là chính sách nước Mỹ chúng ta theo đuổi nhằm nâng cao dân trí và đào tạo nên những công dân ưu tú nhất. Ở mỗi cá nhân, chúng ta đều chú trọng phát triển toàn diện từ thể chất, trí tuệ, đạo đức đến tinh thần,” tiến sĩ K. Richard Johnson, hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Quốc gia tại Evanston, Illinois, phát biểu.

Và Paul Molloy, trong tác phẩm trào lộng nhưng giàu tính thực tế, And then there was eight – tạm dịch: Và rồi có tám người (Double Day & Company, New York phát hành) cũng nhắn nhủ đến chúng ta:

“… con đường học vấn của trẻ nhỏ không thật sự bắt đầu từ trường lớp hay nhà thờ; mà khởi nguồn từ khi chúng còn quấn lấy chân mẹ.”

“… nếu cha mẹ và con cái tiếp xúc càng thường xuyên, họ sẽ càng ít có xu hướng thờ ơ với nhau sau này.”

“… tôi không rõ các nhà sư phạm tiểu học nghĩ sao về điều này, nhưng chúng tôi đã phát triển một lý thuyết cho rằng: những đứa trẻ đủ tinh ranh từ chối ăn rau củ khi trên bàn có bày bánh quy cũng đủ tinh quái để tự tay nhón lấy vài chiếc bánh.”

Còn tôi, đã có lần tôi chấp nhận lời khuyên từ một người nắm rõ phương pháp và hiểu biết về giáo dục trẻ em, thay vì nghe theo lời giáo huấn của một “nhà sư phạm tiểu học” về phương pháp nuôi dạy trẻ nhỏ, trong khi ông ta chẳng có chút kinh nghiệm gì về vấn đề này.

 

Sách kỹ năng đã thay đổi đời anh

Và đó là lý do tôi rất tự tin khi hoàn thành cuốn sách này. Vì tôi có thừa kinh nghiệm, hiểu biết và phương pháp động viên người khác trên từng chặng đường của cuộc sống.

Một trong những phương pháp động viên hiệu quả chính là giới thiệu với họ những cuốn sách kỹ năng. Tôi thường cường điệu hoá những giá trị trong từng cuốn sách tôi giới thiệu, bằng cách thuật lại những câu chuyện có thật và bài học rút ra từ đó đã tác động đến người đọc như thế nào. Kỹ thuật này đặc biệt có hiệu quả khi áp dụng với những nam sinh hay nữ sinh trong các Hội nhóm Thiếu niên, trong các trường trung học, cao đẳng và các trại giáo dưỡng.

Francis McKay là nhân viên công tác xã hội tại Nhà Trừng Giới Chicago. Cậu cũng là học viên khóa PMA (Quan điểm Tư duy Tích cực): Khoa học của Thành công, và đã được hướng dẫn cách động viên người khác thông qua các bộ sách kỹ năng. Dưới đây là một đoạn thư từ phiếu thanh toán thiếu niên phí của Francis tôi nhận được cách đây không lâu. Đoạn thư đã động viên tôi rất nhiều: Cậu bé đã học được cách liên hệ và thấm nhuần những nguyên lý có thể thay đổi cuộc đời cậu theo chiều hướng tốt đẹp hơn:

“Thưa ngài,

“Cháu đã đọc xong quyển Thành công với Quan điểm Tư duy Tích cực. Lời đầu tiên, cháu xin bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài vì đã viết nên tác phẩm này.

“Cháu xin cam đoan rằng cuốn sách đã là nguồn động viên lớn đối với cháu, và đã khiến cháu thay đổi cách nghĩ. Nó đã chứng minh cho cháu thấy rằng: ‘Nơi đâu có ý chí, nơi đó có con đường.’

“Ngài biết đấy, cháu chỉ mới mười chín tuổi, và những “Vấn đề của Trẻ con” hay “Charlie Ward” ngài đề cập chính là nói về cháu. Cháu đã tự nhìn vào gương, và nhận thấy hình ảnh mình trong những nhân vật đó. Cháu đã từng rất tự hào là “thủ lĩnh” trong một băng nhóm bất hảo. Vì thứ hư danh ấy, vì môi trường độc hại ấy, vì những quan hệ bè phái ấy, cháu đã phải phiêu dạt khắp các trường, viện giáo dưỡng trong suốt bốn năm qua. Cháu biết đã đến lúc mình phải trưởng thành, phải cắt đứt những ràng buộc vô bổ và xây dựng tương lai cho bản thân mình…

“Năm tháng sẽ qua đi, và sẽ đến lúc cháu phải sống và làm việc như một người có phẩm giá; khi ấy, cháu sẽ nhớ về những ngày tháng lao động công ích và những cuốn sách ngài tặng. Cháu biết mình có thể trở thành người có ích; được Chúa ban phước, cháu nhất định sẽ làm được.

“Suốt một thời gian dài, cháu đã sống theo “triết lý”: ‘Sống hôm nay, quên hết ngày mai’ giờ đây, cách nhìn của cháu đã thay đổi, cháu sẽ ‘Sống vì ngày mai.’”

“Cháu sẽ không bao giờ quên triết lý ấy, vì đó là điều cháu thật sự tin tưởng: Những gì tâm trí có thể hình dung và tin tưởng, thì tâm trí cũng thực hiện được.

 

Người chấp pháp với trái tim rộng mở

Arthur Ward là giám thị tại Nhà Trừng Giới Chicago. Anh nổi tiếng là người chấp pháp với trái tim rộng mở.

Một phần ba số trại sinh tại đây mắc chứng nghiện rượu – cả Ward cũng thế. Nhưng nhờ có sự động viên từ vợ anh và Đức cha bề trên, anh đã lấy lại sự mạnh mẽ và can đảm nói “Không” trước sự cám dỗ của hơi men. Và do anh là một người tự lập, anh biết mình phải động viên và giúp đỡ những kẻ khốn khổ đồng cảnh ngộ như thế nào.

Anh hiểu rằng Hy vọng là yếu tố kỳ diệu trong động lực hành động. Vì vậy, anh đã nhân rộng một triết lý sống mang tên Hành động vì Hy vọng. Khi những trại sinh lần lượt rời Nhà Trừng Giới, họ sẽ mang theo trong tim lòng tự hào về những ngày tháng vui buồn tại đây cùng một triết lý sống hồ hởi, rạo rực. Nhờ tác động của Hành động vì Hy vọng, mỗi trại sinh đều được chuẩn bị sẵn sàng và được trao cơ hội học hỏi những nguyên lý thành công từ khóa học PMA: Khoa học của Thành công, cùng những khẩu hiệu động viên đầy cảm hứng.

“Tôi đoán anh muốn nói rằng phương châm Hành động vì Hy vọng chính là câu chuyện về cuộc đời tôi. Với tôi, triết lý này cũng là biểu tượng cho ý nghĩa đích thực của cuộc sống – phần thưởng Chúa ban cho tôi vì đã giúp đỡ mọi người làm chủ cuộc đời, theo cách thức chu toàn và hoàn thiện nhất có thể,” Ward nói.

Còn những người khác, họ sẽ nói gì về điều này?

Sau đây là một số kiến giải khác cho câu hỏi: “Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì?”

Sĩ quan David Sanoff:

“Dù bạn thật sự cảm thấy niềm hạnh phúc, an bình và thanh thản khi chôn chân ở nấc thang cuối cùng, thì vẫn còn đó một sự thật khác luôn đeo đẳng: bạn sẽ không thể cảm nhận niềm vui sướng mãnh liệt khi gặt hái thành quả. Thành công, đó là một khái niệm mang đầy cảm xúc, tượng trưng cho cơ hội được trải nghiệm và khám phá nguồn sức mạnh tối thượng vẫn đang tiềm ẩn trong mỗi chúng ta.”

John A. Notte, Jr., Thống đốc bang Rhode Island (đảo Rhode), khu canh tác Providence:

“Với tôi, ‘ý nghĩa đích thực’ đến từ tâm hồn, và hình thành nên từ cuộc sống gia đình êm ấm, từ sức mạnh bên trong được chúng ta chủ động phát huy, từ niềm tin bất biệt, và từ những lý tưởng cá nhân được nuôi dưỡng và theo đuổi qua năm tháng.”

Price Daniel, Thống đốc bang Texas:

“Thành công trong cuộc sống chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào những hành động ý nghĩa ta đã làm vì đồng bạn. Đó chính là thử thách Đức Vua đã đặt ra trong ngày phán xét cuối cùng. Ngài đã nói: ‘Hễ các người đã làm việc đó cho một trong những người rất hèn mọn này của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy’ – Matthew 25:40.”

Sơ Joan Margaret, Hiệu trưởng trường Thánh Vincent dành cho Trẻ em Khuyết tật, Port-au-Prince, Haiti:

“Ông muốn biết về ‘ý nghĩa đích thực của cuộc sống?’ Rất đơn giản: đó là tình yêu thương của Thượng Đế và tình yêu thương của láng giềng thân thuộc. Triết lý ấy nằm ngay trong Kinh Thánh. Tôi luôn tin tưởng rằng: ‘Dù điều gì là chân lý, điều gì là trung thực, điều gì là giản đơn, điều gì là trong sạch, điều gì là đẹp đẽ, điều gì là danh vọng, nếu phẩm giá thật sự tồn tại và được tán dương, thì hãy ngẫm nghĩ về chúng.’”

Tôi không biết Sơ Joan Margaret hiện nay đã bao nhiêu niên kỷ, tôi cũng không biết trông bà như thế nào, nhưng tôi tin rằng: bà đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Nữ công dân Hoa Kỳ này đã nỗ lực rất nhiều nhằm giúp đỡ những trẻ em khuyết tật tại Haiti, và bà đã khắc sâu trong tôi hình ảnh những phụ nữ nhân hậu đã cống hiến đời mình và phụng sự đức tin vào Thiên Chúa. Trong bà luôn dạt dào tình yêu thương đối với con người, cùng lòng bao dung rộng mở đối với những số phận bất hạnh và tật nguyền.

Một nữ công dân Hoa Kỳ khác cũng đã tìm thấy ý nghĩa sống đích thực tại Port-au-Prince. Đó chính là Lavinia Williams Yaborough, nữ vũ công nổi tiếng đã thành lập nên Học viện Múa Nghệ thuật Haiti.

 

Vì tôi yêu mọi người

Cách đây không lâu, Laviana có viết thư cho tôi:

“Tôi bắt đầu cộng tác với Sơ Joan Margaret từ năm 1954, trong đợt cứu trợ cơn bão Hazel. Bà gánh trên vai một sứ mệnh phi thường, phiêu bạt khắp tận cùng đất nước Haiti để cung cấp lương thực và quần áo đến các nạn nhân. Từ những chuyến đi đó, một lần bà đã cưu mang một bé gái sáu tuổi – sinh linh duy nhất còn sống sót của cả một ngôi làng. Bà đã mang đứa trẻ đến Port-au-Prince và chăm sóc cho cháu. Con bé khi ấy rất yếu và đói lả.

“Khi cháu được ba tuổi, tôi đã nói với Sơ rằng tôi sẽ dạy con bé vài bài múa để tăng cường thể chất. Cháu khá nhỏ nhắn so với độ tuổi của mình, nhưng giá ông trông thấy con bé bây giờ ‒ xinh đẹp và khỏe mạnh như bao người khác. Đến nay, con bé vẫn rất say mê học múa.

“Bên cạnh đó, tôi còn làm việc với nhiều học viên câm và điếc. Một trong những thực tập sinh của tôi ở trường Thánh Vincent dù mất hoàn toàn thính giác vẫn dạy múa thành thục tại cơ sở của Sơ Joan Margaret. Tôi thường chọn ra những học viên khiếm khuyết có khả năng để tham dự trong các hội diễn. Không ai nhận ra khiếm khuyết của chúng, vì tôi không bao giờ đối xử phân biệt giữa chúng với các học viên bình thường. Tôi hiện có bốn học viên bị câm bẩm sinh, và một trong số đó thật sự là thiên tài – dù những chúng ban đầu học múa ballet chỉ để tay chân được cứng cáp hơn. Ngoài ra, tôi còn nhận thêm một số học viên khác từ trường Thánh Vincent.”

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Đây là chương tổng kết của toàn bộ cuốn sách. Tại đây, bạn sẽ được cảm nhận những đợt sóng ngầm xuyên suốt những gì đã tìm hiểu. Ý nghĩa đích thực của cuộc sống giờ đây đã sáng tỏ. Hãy chinh phục chúng, và bạn sẽ nắm trong tay nguồn tài chính dồi dào và thành công trong sự nghiệp.

Trong bài phát biểu của ông, Price Daniel, thống đốc bang Texas đã nêu lên một trường hợp: “Một lãnh tụ tại Nam Mỹ, người đã bị chất vấn trong một thời gian dài về nguyên nhân vì sao tốc độ phát triển tại các quốc gia Bắc Mỹ lại bỏ xa khu vực Nam Mỹ đến như vậy, đã phát biểu như sau:

“Những cư dân tìm đến Bắc Mỹ: họ sống vì lý tưởng; còn những cư dân tìm đến Nam Mỹ: họ chạy theo cơn sốt vàng.”

Naomi Nyberg – vợ một giám đốc kinh doanh của tôi tại Waco, Texas – hiện đang hoàn thành một cuốn sách với nhan đề: “Bản lề nhỏ Mở toang Cửa lớn.” Dòng nhan đề ấy cứ văng vẳng bên tai tôi như một giai điệu sôi động; vì vậy, tôi đã xin phép Naomi được sử dụng nó như đầu đề hay phụ đề cho mỗi chương trong cuốn sách này. Cô đã rất hào hứng và lịch thiệp hồi đáp rằng: cô rất vinh dự được chia sẻ ý tưởng này cùng tôi.

Vì vậy, sau mỗi chương tôi đều thêm vào một phần tổng kết như bạn đã thấy: “Bản lề nhỏ Mở toang Cửa lớn.” Cánh cửa mở rộng tượng trưng cho sự tin tưởng của những người cùng chí hướng, và tầm nhìn của bạn về thế giới này… dù có hay không nơi chốn bí mật – kho báu vẫn đang hiện hữu trước mắt dù bạn không thể phát hiện ra.

 

Nơi chốn bí mật

Một truyền thuyết Hindu cổ kể rằng, khi các vị thần tạo nên thế giới, họ đã nói: “Chúng ta có thể đem giấu những kho báu quý giá nhất ở nơi đâu mà không bị thất lạc? Làm sao chúng ta có thể bảo vệ chúng khỏi lòng tham và dục vọng của con người, để chúng không bị tước đoạt và hủy hoại? Chúng ta phải làm gì để chắc chắn những vốn quý ấy được lưu giữ từ đời này sang đời khác vì lợi ích của loài người?”

Bằng sự thông thái của mình, họ đã tìm ra một nơi cất giấu hiển nhiên đến mức không ai có thể nhận ra. Và tại đó, họ chôn kín món quà quý giá nhất của cuộc sống, không quên đặt lên đó thứ quyền năng kỳ diệu – khả năng tái sinh không ngừng. Chính nơi màu nhiệm đó, cùng kho báu được chôn giấu bên trong, sẽ được khai phá bởi bất kỳ kẻ nào, tại bất kỳ miền đất nào chỉ khi họ tuân theo phương thức hoàn mỹ của thành công.

HẾT.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.