Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

3. HÃY TỰ LẬP



“Don, cậu biết chỗ nào tớ có thể xin vào làm được không?”

Donald Moorhead ngập ngừng rồi mỉm cười nói: “Tớ biết, Jim. Sáng mai hãy đến văn phòng gặp tớ lúc 8 giờ 30 phút nhé.”

Và cuộc trò chuyện kết thúc. Câu chuyện bắt đầu khi ông Moorhead, Giám đốc Công ty Bảo Hiểm Tai Nạn Hoa Kỳ gặp một người bạn trong giờ nghỉ trưa khi đang đi bộ xuống Phố Wall.

Sáng hôm sau, khi Jim đến gặp ông, Don đã gợi ý rằng cách dễ dàng nhất để kiếm được một khoản thu nhập cao và đóng góp được cho xã hội, là kinh doanh bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm nhân thọ.

“Nhưng,” Jim nói. “Tớ là tuýp người khô cứng. Tớ không biết phải gọi cho ai cả. Tớ thậm chí chưa từng bán thứ gì trong đời.”

“Cậu đừng lo, tớ sẽ cho cậu biết phải làm những gì. Tớ cam đoan cậu sẽ không thất bại… nếu mỗi ngày cậu chịu gọi điện cho năm người. Mỗi sáng tớ sẽ viết cho cậu tên của năm khách hàng tiềm năng, nếu cậu chịu hứa với tớ.”

“Hứa gì cơ?”

“Hứa với tớ cậu sẽ gọi cho họ ngay trong ngày hôm đó. Cứ nhắc đến tên tớ khi nói chuyện nếu cậu muốn, nhưng đừng lộ ra rằng tớ cho cậu số điện thoại của họ.”

Jim đang rất cần việc, vì vậy bạn anh không gặp khó khăn gì để thuyết phục anh tham gia, hoặc ít nhất thì cũng thử xem sao. Jim nhận tài liệu bảo hiểm và những hướng dẫn cần thiết về nhà để nghiên cứu, rồi báo lại cho văn phòng của Moorhead vài ngày sau để nhận năm cái tên đầu tiên và bắt đầu công việc mới.

 

Nó nằm ngay trong đầu cậu

“Hôm qua là một ngày tuyệt vời!” Jim thốt lên, sau khi hào hứng quay lại công ty vào ngày hôm sau với hai hợp đồng anh đã chốt được.

Hôm sau nữa, anh còn may mắn hơn, khi bán được cho ba trong số năm khách hàng. Ngày thứ ba anh như lao ra khỏi phòng Moorhead, mặt mày rạng rỡ với năm cái tên tiếp theo. Thật là một khởi đầu xuất sắc, hôm đó anh bán được cho bốn trong năm khách hàng anh gọi đến.

Khi nhà tư vấn bảo hiểm mới phấn khởi quay lại vào buổi sáng kế tiếp, ngài Moorhead đang dự một hội nghị quan trọng. Jim ngồi chờ mất 15 phút trong phòng tiếp tân trước khi Moorhead bước ra khỏi văn phòng riêng và nói: “Tớ đang vướng một cuộc họp hết sức quan trọng, có thể phải mất cả buổi sáng. Sao chúng ta không tiết kiệm thời gian cho nhau nhỉ? Hãy tự tìm cho mình năm cái tên trong danh bạ được phân loại. Tớ đã làm điều đó suốt ba hôm vừa rồi đấy. Đây, để tớ chỉ cho cậu.”

Rồi Don mở ra một trang ngẫu nhiên, nhắm một mẩu quảng cáo, tìm đến tên vị Chủ tịch của công ty đó, xong viết ra tên ông ta cùng với địa chỉ. Anh nói tiếp: “Giờ cậu thử đi!”

Jim thử. Sau khi anh tự tìm và viết ra cái tên cùng địa chỉ đầu tiên, Don tiếp tục: “Hãy nhớ rằng, thành công của việc bán hàng nằm ở quan điểm tư duy – thái độ của người bán hàng. Toàn bộ sự nghiệp của cậu có thể chỉ phụ thuộc vào việc cậu có quan điểm tư duy đúng đắn hay không – khi cậu gọi điện cho năm cái tên cậu tự ghi ra cũng như năm cái tên tớ viết cho cậu.”

Và đó là khởi đầu cho sự nghiệp của Jim, người đàn ông sau đó đã làm nên một thành tựu đáng nể. Vì anh đã nhận ra một sự thật – nó nằm ngay trong đầu chúng ta! Thực ra, anh đã phát triển nên một phương thức. Sau khi nắm chắc trong tay tên khách hàng, anh đã tự gọi điện và đặt cuộc hẹn. Đương nhiên, anh sẽ còn phải tìm ra phương pháp để đặt một cuộc hẹn, nhưng chẳng sớm thì muộn, anh sẽ có được nó nhờ kinh nghiệm của mình.

Và trải nghiệm chính là cách để bạn ngộ ra phương pháp.

Còn một câu chuyện khác về một nhân viên ngân hàng mắc sai lầm và bị buộc cho thôi việc, nhưng sau đó đã tìm được công việc tốt hơn khi biết tự tích lũy cho mình. Câu chuyện này tôi được nghe kể từ Edward R. Dewey, Chủ tịch Hiệp Hội Nghiên Cứu Quy Trình.

 

Hãy tích lũy cho chính bạn

“Mike Corrigan, bạn tôi là một nhân viên ngân hàng,” ông Dewey kể. “Anh ấy đã đặt nhầm niềm tin nơi khách hàng thân thiết của mình. Mike bảo lãnh cho hắn vay một khoản đáng kể và khoản vay đó đã lên men. Mặc dù Mike đã gắn bó với ngân hàng này rất nhiều năm, nhưng sếp anh cho rằng sai lầm đó quá ngớ ngẩn với một người đầy kinh nghiệm như anh. Thế là Mike bị đuổi việc và phải chịu cảnh thất nghiệp trong một thời gian.”

“Tôi chưa từng thấy ai bị một vố đau đến như thế: Từ dáng đi… nét mặt… điệu bộ… lời nói… tất cả đều thể hiện sự chán nản và tuyệt vọng. Anh ấy toát ra thứ mà anh, Clem, gọi là thái độ tư duy tiêu cực.” Ned Dewey trầm ngâm. Rồi ông nói tiếp:

“Mike đã thử tìm việc rất nhiều lần nhưng vô ích. Tôi thấy chuyện đó quá dễ hiểu, tất cả là bởi thái độ của anh ấy. Tôi rất muốn giúp đỡ, nên đã tặng anh ấy cuốn sách: You’re your job and land it (tạm dịch: Tìm và giữ lấy công việc của bạn) của Sidney và Mary Edlund. Hai tác giả này sẽ chỉ cho anh cách thể hiện kinh nghiệm một cách thu hút nhất tới những nhà tuyển dụng tiềm năng mà anh lựa chọn. Tôi nói với anh ấy: ‘Anh phải đọc nó, sau khi đọc xong thì hãy đến gặp tôi.’

Mike đã đọc xong cuốn sách đó và đến gặp tôi ngay ngày hôm sau vì anh ấy thật sự cần một công việc.

‘Tôi đã đọc nó rồi,’ anh ấy nói.

‘Vậy hẳn anh đã nhận ra,’ tôi nói, ‘cuốn sách khuyên anh hãy liệt kê những “tài sản” thuộc về mình: Bao gồm tất cả những gì anh đã làm để mang tiền về cho sếp cũ của anh.’ Sau đó, tôi đặt cho anh ấy một số câu hỏi:

  1. Anh đã mang về những khoản lợi nhuận nào dựa trên danh nghĩa cấp trên của anh, khi ông ta nắm vị trí Giám đốc Chi nhánh – có khoản nào trong đó là nhờ nỗ lực đặc biệt của anh không?
  2. Ngân hàng đã tiết kiệm được bao nhiêu ngân sách nhờ cắt giảm chi phí và cải thiện năng suất hoạt động nhờ tham vấn của anh?

Mike rất thông minh… anh ấy hiểu ra ngay vấn đề. Anh ấy đã sẵn sàng.

Sau bữa tối anh ấy đến nhà tôi. Tôi thật sự kinh ngạc: Anh ấy hoàn toàn thay đổi! Mike như lột xác thành một người hoàn toàn mới: Nụ cười tươi tắn… cái bắt tay mạnh mẽ và thân ái… giọng nói sang sảng – trông anh cứ như được thành công tạc nên vậy.

Và tôi cũng ngạc nhiên không kém khi đọc danh sách dài những gì anh xem là ‘tài sản’ chân chính của anh. Thay vì liệt kê những thành quả anh đã làm được cho công ty cũ, anh đã lập một danh sách còn độc đáo hơn dưới tiêu đề: Tài sản thực thụ của tôi.”

Khi Edward R. Dewey đề cập đến những tài sản Mike Corrigan đã liệt kê, tôi không ngăn được mình ngắt lời ông: “Mike Corrigan đã nhận ra những yếu tố cốt lõi để trở thành người-tự-lập.” Bạn sẽ hiểu ý tôi muốn nói gì khi đọc đến chương: “Ý nghĩa đích thực của cuộc sống.”

Ông Dewey tiếp lời. “Những ‘tài sản’ đó là:

  • Một người vợ tuyệt vời là cả thế giới đối với anh.
  • Một cô con gái xinh xắn luôn đem lại niềm vui, tiếng cười và là nắng ấm của đời anh.
  • Một trí óc minh mẫn – một cơ thể cường tráng.
  • Nhiều, rất nhiều bạn bè tốt.
  • Một đức tin dành cho Chúa – là nguồn động lực lớn lao đối với anh.
  • Đặc ân được sống trên đất Mỹ.
  • Ngôi nhà và chiếc xe hơi được trả dứt.
  • Vài nghìn đô-la trong ngân hàng.
  • Thừa sức trẻ để đón đầu tương lai.
  • Sự kính trọng và quý mến của những người xung quanh.

“Hôm đó, tôi đã nói chuyện rất vui vẻ với Mike,” Ned kể. “Nói thật, sự nhiệt tình của anh ấy cũng khiến tôi bị cuốn theo. Tôi tin rằng nếu tôi làm sếp, tôi nhất định sẽ tuyển anh ấy vào.

Đến tận hai hôm sau, tôi vẫn chưa hết ấn tượng về Mike. Khi điện thoại rung vào buổi tối thứ Hai, tôi có linh cảm rằng chính Mike đang gọi đến. Quả đúng như vậy.

‘Tôi muốn cảm ơn anh, Ned. Tôi đã có việc làm,’ Mike hét lên sung sướng.

Và đó là một công việc không tồi – làm thủ quỹ cho một bệnh viện lớn tại thành phố kế cận, vị trí mà anh ấy ấp ủ suốt bấy lâu cho đến ngày hôm nay,” ông Dewey kết thúc câu chuyện.

 

Từ thời gian biểu… đến người tự lập

Bạn không cần phải tự làm mình mất việc để tích luỹ cho bản thân. Những ai chấp nhận tự-xét-lại-chính-mình là những người tìm kiếm sự-cải-thiện-bản-thân – và họ sẽ thành công. George Severance, đại diện Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Quốc gia chi nhánh Ohio, Chicago là một người như thế.

Ông chính là người đã đưa ra thuyết Thời gian biểu Cuộc sống. Thành tựu này đã giúp ông gặt hái thành công khi thực hiện những mục tiêu lớn lao. Ông phát triển nguyên lý cho tất cả mọi người, chỉ cần họ bỏ thời gian thiếp lập và tuân thủ theo thời gian biểu của riêng mình.

Và bạn cũng nên xem kỹ những chỉ dẫn để tự thiết lập thời gian biểu cho bản thân – và sử dụng nó hàng ngày (được giải thích chi tiết trong chương 19). Và giống như George, bạn sẽ trở thành “người tự lập.”

Tương tự như vậy, bạn có thể dùng kỹ thuật này để tìm lại sự bình yên và thanh thản… thoát khỏi nợ nần… tiết kiệm chi tiêu… bớt lãng phí thời gian, tiền của… tích lũy của cải… loại bỏ thói quen xấu và hình thành thói quen tốt. Rèn luyện những điều này hàng ngày sẽ dẫn bạn đến thành công cao hơn. Tôi đảm bảo như vậy!

George là bạn của tôi. Tôi hiểu ông ấy rất rõ. George bắt đầu say mê nghề bán hàng từ khi còn gõ cửa từng nhà để chào bán bảo hiểm công nghiệp. Ông nói thế này:

“Tôi cược rằng tôi đã gõ lên mọi cánh cửa các gia đình trong khu phố tôi sống. Thật ra, tôi nhớ, hết lần này đến lần khác tôi đã đi đến tất cả các ngõ ngách trong thành phố. Càng đi, hợp đồng bán được càng nhiều hơn; mặc dù vậy, tôi sớm nhận ra mình đang gặp khó khăn lớn về tài chính, vì thu nhập không bù đắp được khoản nợ ngày càng đầy lên.

Một ngày nọ, toàn bộ số nợ đó giáng xuống đầu tôi như sấm sét. Tôi đã lâm vào khủng hoảng tài chính thật sự. Rồi tôi chợt nhớ lại một câu nói đã từng đọc ở đâu đó:

‘Nếu bạn không giữ nổi tiền, thì bạn không có được hạt giống của thành công.’

Tôi khao khát thành công trong vô vọng. Tôi muốn thoát cảnh nợ nần. Tôi cảm thấy thứ hạt giống đó đang nảy nở bên trong tôi. Tức khắc, tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó.”

Nếu không giữ nổi tiền, thì bạn không có được hạt giống của thành công. Câu nói trên đã khẳng định rằng George Severance, cũng như nhiều trường hợp thành công khác, đã thấy được lợi ích từ việc ghi nhớ và học hỏi thói quen của những người biết tự động viên bản thân.

Có lần tôi hỏi ông: “Ngoài Kinh thánh ra, ông tâm đắc với cuốn sách kỹ năng nào nhất?”

Authors of Portraits and Principle” (tạm dịch: Nguồn gốc của nguyên lý và chân dung”, ông đáp (Will C. King trình bày và biên soạn, King Richardson & Co., Springfield, Mass. phát hành năm 1895.)

Ngày nay, thành công bạn có được không chỉ nhờ tìm đọc những cuốn sách kỹ năng và chắt lọc tinh túy từ chúng, mà còn phải thông qua hành động.

George kể với tôi rằng, Thời gian biểu Cuộc sống đã giúp ông tích lũy cho bản thân, dành thời gian suy ngẫm, đặt ra những mục tiêu cụ thể, tìm hướng đi và tự động viên mình tiến lên. Ông cũng nói rằng:

“Sau khi ứng dụng Thời gian biểu Cuộc sống, tôi phát hiện ra mình đã dành đến 32 giờ mỗi tháng để nhâm nhi cà phê với bạn bè. Thật khủng khiếp! Thời gian đó tương đương với bốn ngày làm việc. Và tôi nhận ra bữa trưa của mình kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ so với thời gian hợp lý nên dành cho nó,” ông nói tiếp.

“Còn chuyện đi lại – cứ như thể tôi là con thỏ hoang nhảy nhót khắp nơi, thay vì tập trung làm việc miệt mài tại một nơi cố định.

Rồi đến chuyện giờ giấc – tôi phải tham gia nhiều cuộc họp muộn. Sau khi cuộc họp kết thúc vào khoảng 8 hoặc 9 giờ tối, chúng tôi quay sang chơi bài hoặc lê la tán gẫu với nhau, có lúc đến tận nửa đêm. Từ giờ, tôi sẽ về nhà sớm vào buổi tối và sum họp với gia đình, được ngủ ngon và có thêm thời gian nghiền ngẫm những cuốn sách kỹ năng.

Thể thao ư? – tôi từng rất mê chơi bóng và chơi golf để giết thời gian. Tôi ghét phải nghĩ về những khoản thu nhập bị thất thoát trong những tiếng đồng hồ quý giá đó.

Bổn phận gia đình ư? – tôi rất thường hay giải quyết việc nhà trong giờ làm việc, trong khi lẽ ra phải sử dụng thời gian xứng đáng để kiếm tiền với vai trò là trụ cột chính trong gia đình.”

“Ngày đó khi nhìn lại mình, tôi dám tự hào khẳng định tôi là một người thành công trong xã hội, sự nghiệp. Nhưng sau khi ứng dụng Thời gian biểu Cuộc sống, tôi nhận ra rằng:

‘Nếu một ngày làm việc mang lại kết quả mỹ mãn trong sinh hoạt đời thường, thì đó sẽ là một thất bại trong sự nghiệp.’”

Vì vậy George đã tuân thủ theo Thời gian biểu Cuộc sống của ông mỗi ngày. Các nhân viên trong công ty ông đều phải sửng sốt. Các kỷ lục ghi nhận rằng kể từ khi phổ biến Thời gian biểu Cuộc sống, George đã đạt được nhiều điều thần kỳ:

Ông ký được các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với giá trị hơn bốn triệu đô-la trong vòng một năm.

Ông thành lập công ty với số vốn huy động trên một triệu đô-la chỉ trong một ngày.

Ông bền bỉ tư vấn bảo hiểm nhân thọ cho đến khi trở thành thành viên kỳ cựu của Bàn tròn triệu đô, danh hiệu mà mọi nhân viên bảo hiểm nhân thọ hằng mong ước, nhưng chỉ rất ít người đạt được.

Với niềm kiêu hãnh chính đáng, George nói: “Tôi bắt đầu trả các khoản nợ. Sau khi trả dứt, tôi bắt đầu gửi tiết kiệm. Sau cùng, tôi đã để dành được 6 nghìn đô-la. Tôi cùng một người bạn góp 6 nghìn đô-la mỗi người để thành lập doanh nghiệp riêng, và được ngân hàng hỗ trợ tài chính. Sau một năm, mỗi người chúng tôi thu về 50 nghìn đô-la lợi tức từ dự án này. Đó là một bước tiến dài đến sự thịnh vượng.”

Bạn có muốn chiêm ngưỡng bản sao của Thời gian biểu Cuộc sống do George sáng tạo ra? Bạn có muốn biết nó hiệu quả ra sao? Thậm chí, muốn tạo ra một thời gian biểu đặc biệt dành cho riêng bạn?

Bạn sẽ có được cơ hội đó khi đọc đến chương 19: “Chỉ số thành công sẽ mang đến thành công”. Nhưng giờ là lúc thích hợp để bạn rèn luyện thói quen tích lũy hàng ngày. Một cuốn sách kỹ năng khác sẽ hỗ trợ bạn.

 

Sức mạnh của ý chí

Nguồn gốc của nguyên lý và chân dung cùng nhiều cuốn sách khác là nguồn cảm hứng của George. Còn Power of Will (tạm dịch: Sức mạnh của ý chí) là nguồn cảm hứng của tôi (tác giả: Frank Channing Haddock; nhà xuất bản Ralston, Cleveland, Ohio phát hành.)

Có thể khi đọc đến kinh nghiệm mời chào tại Tòa nhà Dime Bank của tôi trong chương trước, bạn sẽ thắc mắc tại sao một nhân viên bảo hiểm “mới toe”, ngay trong ngày làm việc đầu tiên lại có thể lĩnh hội được những bí quyết bán hàng tinh tế đến như thế, trong khi những người lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn từ mọi ngành nghề thậm chí còn không nhận ra.

Xin đừng đánh giá thấp tuổi trẻ. Khi mới vào cấp ba, tôi gặp phải một số vấn đề khiến tôi phải mua cuốn Sức mạnh của ý chí của Frank Channing Haddock. Bởi lẽ tôi muốn có được sức mạnh này. Mặt khác, khi đó tôi là trưởng nhóm Câu lạc bộ Hùng biện của trường Senn High, và chủ đề tranh luận trong một lần là: “Ý chí có mất tiền mua?” Tôi cần nghiên cứu trước, và Sức mạnh của ý chí hiển nhiên là nguồn tham khảo thích hợp nhất.

Nhờ tích cực tham gia tranh luận và phát biểu mà tôi ngày càng vững vàng và tự tin vào bản thân. Chính yêu cầu phải tranh luận, chất vấn nhanh và có sức thuyết phục đã khiến cho khả năng đối đáp của tôi khi bán hàng phát triển trở n tự nhiên. Các nguyên lý cũng vậy. Dù là nhà hùng biện hay người bán hàng, bạn phải tư duy thật logic, nhạy bén với mỗi lời nói và biến chúng thành lợi thế của mình. Bạn phải giành chiến thắng một cách thuyết phục.

Tôi thường thắc mắc tại sao nhà trường không giới thiệu sách kỹ năng cho học sinh. Tất cả chúng tôi đều ở độ tuổi tò mò tìm kiếm chân lý và tự rèn luyện mình. Hiến pháp ngăn cấm dạy giáo lý trong trường học, nhưng không có lý do gì Hiến pháp lại ngăn cấm nhà trường dạy về thái độ đúng đắn trong công việc, sự trung thực, lòng can đảm, khả năng xây dựng nhân cách cao thượng, tư duy lành mạnh và làm việc tốt.

 

Từ Trí óc đến Tâm hồn

Lịch sử nhân loại đã dạy chúng ta một điều: những phát kiến mới mẻ nhất chính là những phát kiến cổ xưa nhất – một người bạn khác của tôi, Nate Lieberman, đã phát biểu như thế. Biết bao người đã giữ cho suy nghĩ của mình trong sạch, làm biết bao việc tốt để vun đắp một nhân cách cao thượng, nhờ ảnh hưởng của giáo đường. Trách nhiệm giáo dục về đạo đức trong nhà thờ đã có từ rất lâu trong Kinh Thánh và các tác phẩm tôn giáo khác. Để đạt đến sự hoàn thiện bản thân, hãy dâng hiến tâm hồn trong sự thành kính và hòa hợp trong Kinh Thánh – quyển kinh mang lại niềm cảm hứng nhiều hơn bất kỳ tài liệu nào được biết đến. Và khi bạn xem xong Kinh Thánh, hãy vững tin, dù bạn chưa thể lập tức nắm được phương pháp kết nối, tiếp thu và áp dụng những chân lý trong đó. Bởi phương pháp phải là thành quả của những trải nghiệm.

Nhờ Kinh Thánh và ảnh hưởng của giáo đường, bạn sẽ chạm đến tâm hồn mình qua tâm trí. Và nhờ sức mạnh minh mẫn của trí óc cùng khả năng xoa dịu tâm hồn của đức tin, các giáo sĩ từ mọi giáo phái đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của sự kết hợp giữa giáo hội và tâm thần học để mang lại thành công trong việc rèn luyện thể chất, tinh thần và đạo đức cho nhân loại.

Trong suốt 25 năm, tiến sĩ Smiley Balanton cùng Đức cha Norman Vincent Peale là minh chứng cho thành quả từ sự hợp tác giữa giáo hội và môn tâm thần học, trong khi mỗi người vẫn giữ được thiên hướng riêng. Nhưng trên hết, nhờ có sự nỗ lực của Hiệp hội Tôn giáo và Tâm thần học Hoa Kỳ (do hai ông sáng lập) với trụ sở đặt tại thành phố New York, họ đã giúp cho các giáo sĩ trên toàn thế giới hoàn thành tốt hơn sứ mệnh mà họ đang cống hiến.

Tôi nhắc đến triết lý này vì với tư cách một người bán hàng, tôi đã giúp đỡ nhiều người từng vấp ngã trong sự nghiệp. Tôi khuyên họ hãy biết tự lập, giúp họ đón đầu những thành tựu lớn lao. Bất kỳ ai mong muốn trở thành người tự lập cũng có thể đạt được mục tiêu bằng cách không ngừng cố gắng rèn luyện thể chất, tinh thần và đạo đức, thay vì tự dựng nên bức tường vô hình xung quanh mình.

 

Đập tan bức tường vô hình

Vào thế kỷ thứ III TCN, Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, đã cho xây dựng hai bức tường – một là Vạn Lý Trường Thành, còn lại là một bức tường “vô hình.”

Vạn Lý Trường Thành là một kỳ quan lớn với 25.000 tháp canh trải dài suốt 2.500 dặm. Trong suốt 2.000 năm, bức thành không những đã ngăn cản các bộ tộc du mục tràn xuống xâm lược, mà còn ngăn không cho nền văn minh lâu đời nhất thế giới, với nền văn hóa và tri thức vô cùng phát triển, vươn ra khắp năm châu.

Thế kỷ thứ III TCN, Trung Hoa là một đế chế tự cường; họ không màng đến thế giới bên ngoài. Nhưng thế giới lại cần người Trung Hoa chia sẻ sự tiến bộ và tài nguyên của họ: Từ kỹ thuật in ấn, cách dùng than đá, đồng hồ nước, kỹ thuật đúc đồng, thuốc súng, dụng cụ thiên văn, la bàn, dược phẩm, gia vị… và còn nhiều, rất nhiều thứ khác.

Hàng thế kỷ trôi qua, dân du mục giờ đã thay thế bằng nguồn động lực, kiến thức và phương pháp. Chúng đã thay da đổi thịt cho toàn bộ đất nước, khiến Trung Hoa giờ đây khác xa một trời một vực so với thuở sơ khai, thời Tần Thủy Hoàng còn trị vì.

Cũng giống như những người cầm quyền e ngại sự lan rộng của tôn giáo, tri thức và thông tin, hay những kẻ kìm kẹp bách tính bằng gậy gộc và khiên sắt, vị hoàng đế đã giam cầm sự tiến bộ bằng cách tiêu hủy tất cả những văn thư, bí lục đi ngược lại với quan điểm, nhận định và triết lý của ông.

Bạn có thể không phải là hoàng đế, là vua, hay người lãnh đạo trong con mắt kẻ khác, nhưng bạn sẽ là kẻ thống trị tuyệt đối, là kẻ điều khiển tất cả những gì bạn suy nghĩ, cảm nhận, tin tưởng và cố gắng phấn đấu. Và nếu bạn không chạm đến được những ngọn nguồn tri thức, chúng cũng chẳng khác nào bị thiêu rụi và hủy hoại.

Do đó, đây là lúc bạn phải tự hỏi bản thân:

“Tôi có đang tự xây bức tường vô hình nào đó xung quanh mình?”

“Từ ngày ra trường, tôi đã khi nào mở mang trí óc mình với những quan điểm, nhận định và triết lý khác với những gì tôi từng tâm niệm trong suốt thời gian qua?”

“Liệu tôi đã theo kịp nhịp độ phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng, tôn giáo, chính trị, khoa học và những lĩnh vực quan trọng khác trong thời đại ngày nay hay chưa?”

“Tôi đã từng đọc một cuốn sách kỹ năng như thể tác giả là người bạn tri âm, viết nó như để dành tặng riêng cho tôi hay chưa?”

“Hoặc tôi đã từng tiếp thu được những bài học, những nguyên tắc căn bản mà tôi chưa từng biết đến?”

 

Hãy tự lập

Hãy tự xây dựng cuộc sống cho riêng mình. Hãy sống có ích cho bản thân và cho xã hội. Hãy xây dựng điều đó ngay từ trong bạn, nhưng cũng hãy đón nhận khi có ai đưa tay giúp đỡ. Bạn sẽ thành công nếu chịu tìm tòi, học hỏi và tuân theo phương thức hoàn mỹ của thành công.

Muốn nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài, hãy chia sẻ những điều tốt đẹp bạn lĩnh hội được. Quan điểm tư duy đúng đắn khởi nguồn từ trong bạn và hướng đến mọi người, mọi nơi chốn, mọi sự vật và nguồn tri thức, mọi niềm tin và thói quen – chúng sẽ khai sáng cho bạn và cho cả những người xung quanh.

Bạn có đang để lạc mất tương lai sau lưng mình vì tự giam cầm bản thân trong bức tường vô hình kiên cố mà chính nó đã trói buộc những tư tưởng sáng suốt đang vùng vẫy tìm cách thoát ra ngoài?

Có thể đúng, có thể không. Bạn có thể đập tan những bức tường vô hình đó. Chương tiếp theo, “Đừng bỏ mặc tương lai phía sau” sẽ giúp bạn biết phải làm thế nào.

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Cho đến lúc này, bạn có chắc đã nắm rõ tất cả vốn quý của mình? Bạn có nhận thức được khả năng, tiềm năng phát triển thực sự và những thành công của mình trong quá khứ – dù chúng bé nhỏ đến đâu? Nếu chưa, hãy tích lũy cho bản thân. Để hiểu rõ mục tiêu và con đường phía trước, bạn phải hiểu rõ bản thân mình trước đã.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.