Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

5. THÀNH CÔNG TỐN ÍT CÔNG SỨC HƠN THẤT BẠI



Bạn có còn nhớ ngày trọng đại ấy? Một ngày tràn ngập cảm xúc; từ lo lắng, phấn khích đến kinh ngạc rồi nhẹ nhõm. Đó chính là tâm trạng của mỗi người dân nước Mỹ và cả thế giới khi trung úy Col. John H. Glenn, Jr. cùng con tàu Mercury, Friendship 7 được tên lửa đẩy Atlas D phóng khỏi mặt đất, lao vút vào không gian, bay ba vòng quanh Trái đất với vận tốc 17.545 dặm một giờ, và hạ cánh an toàn.

Trong cuộc hành trình ấy, Colonel Glenn buộc phải tự mình điều khiển con tàu vì thiết bị điều chỉnh tự động gặp trục trặc. Và ông đã tự lái không chút do dự. Sau khi ông trở về, khán giả truyền hình trên toàn thế giới đều thừa nhận Colonel Glenn là nhân vật điển hình cho lòng dũng cảm, tính cách dễ mến và sự nhạy bén trong phán đoán.

Sức đẩy đột ngột từ năng lượng đặc của tên lửa Atlas D đã phóng vệ tinh vào vũ trụ, và tiếp tục giữ nó trên lộ trình mà không cần hao phí hoặc bổ sung thêm năng lượng – tất cả là nhờ có Định luật Quán tính: Một vật sẽ tiếp tục đứng yên hoặc chuyển động đều theo đường thẳng nếu không có ngoại lực tác động lên nó. Thế nhưng phần năng lượng dùng để phóng vệ tinh vào vũ trụ vẫn bị hao phí từ từ và dần phân tán, khiến vệ tinh đó không thể thoát khỏi lực hút của Trái đất. Thay vì thành công, sẽ là thất bại.

Giờ đây, bạn đã biết rằng các câu chuyện minh họa trong cuốn sách này đều nhằm khuyến khích bạn áp dụng các nguyên tắc rút ra từ chính câu chuyện cuộc đời bạn. Câu chuyện về Colonel Glenn và con tàu Mercury tất nhiên rất thú vị – thế nhưng từ đó chúng ta có thể đúc kết ra những bài học gì để áp dụng trong cuộc sống?

Sẽ có nhiều, rất nhiều và một trong số đó là: thành công tốn ít công sức hơn thất bại.

Và bạn sẽ vươn đến thành công nhanh hơn nếu tập trung suy nghĩ và nỗ lực để học hỏi thật nhiều từ những chuyện nhỏ và trở nên thành thạo, thay vì lãng phí sức lực của mình để trau dồi mỗi thứ một ít. Vì vậy, hãy chú trọng sức tập trung và nỗ lực tiếp nhận nguồn kiến thức, phương pháp và động lực cần thiết để trở nên thuần thục và chinh phục những mục tiêu, mong ước cụ thể.

Làm được như thế, chắc chắn bạn sẽ thành công. Nhưng bạn có thể sẽ chẳng bao giờ có được sự nghiệp thành đạt, hoàn thành mục tiêu, hay thành công tiếp nối nếu bỏ qua những quy luật trên hoặc áp dụng chúng một cách thất bại.

 

Thành công tốn ít công sức hơn thất bại

Sinh lực phải được sử dụng trong công việc. Vì khi bạn và tôi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đó, chúng ta sẽ hao phí sinh lực. Để tập trung sinh lực của bạn vào một hoạt động cụ thể, hãy hoàn toàn chú tâm vào nó và đừng phí công sức vào những việc vô bổ.

Bạn có thể tiếp nhận được kiến thức thực tiễn, phương pháp và động lực dễ dàng hơn bạn nghĩ. Đó cũng là cách tôi tạo nên phương thức hoàn mỹ của thành công. Khi bạn làm việc gì đó, hãy làm bằng cả trái tim. Hãy đặt hết tâm huyết của bạn vào đó – sau đó hãy nghỉ ngơi! Tập trung làm việc cao độ rồi nghỉ ngơi thoải mái là thói quen tôi rèn luyện được trong những ngày đầu bán bảo hiểm tai nạn. Trước hết, tôi phải ngủ thật ngon, chuẩn bị cho việc gõ cửa từng cửa hàng vào ngày hôm sau, tìm đến từng văn phòng, chào hỏi từng ngân hàng và các tập đoàn bề thế khác để tận dụng hết nhiệt huyết. Và do tuổi còn trẻ, khi xong việc tôi lại cần ngủ nhiều hơn.

Tiếp theo, tôi tập lên kế hoạch và ấn định cuộc gọi đầu tiên trong ngày vào một thời điểm cụ thể – 9 giờ sáng. Nhưng trước khi nhấc máy, tôi phải chuẩn bị tinh thần. Tôi phải thật tập trung. Và tôi lại cầu xin ơn trên dẫn lối. Tôi không được phép sao lãng. Tôi chốt chặt cửa. Và rồi, tôi lướt phăng phăng qua từng giờ làm việc trong ngày, luôn cố gắng đảm bảo mỗi giây phút đều phải đáng giá.

Đến trưa, tôi nghỉ ngơi với một bữa ăn nhẹ và tiếp tục quay lại với công việc. Nếu phải làm việc xa nhà trong thành phố, tôi sẽ quay trở lại khách sạn, ăn trưa, đánh một giấc chừng nửa tiếng rồi tỉnh táo chào đón cơ hội mới. Khi tôi kết thúc công việc lúc 5 giờ hay 5 giờ 30 phút, tôi sẽ ngưng hết mọi việc. Tôi sẽ hoàn toàn nghỉ ngơi và không bận tâm gì đến chuyện buôn bán nữa.

 

Tiếp thu thật nhiều từ những chuyện nhỏ

Bằng cách tập trung nỗ lực cho từng hợp đồng, tôi đã gần như học được tất cả những gì hỗ trợ cho việc chào bán một hợp đồng. Và từ kinh nghiệm có được, tôi biết mình phải nói gì, nói như thế nào, làm gì và làm ra sao để có thể bán được một số lượng hợp đồng lớn hơn. Nói cách khác, tôi đã tiếp thu được kiến thức và phương pháp hành động. Tôi cũng học được cách khơi gợi động lực từ ý chí.

Với trực giác của một nhà nghiên cứu, tôi đúc kết từ những thử nghiệm thất bại – hoặc những thử nghiệm thành công. Nhờ đó, tôi dám tin chắc rằng mình đã xây dựng được những đoạn giới thiệu thật ấn tượng, đồng thời thiết lập nên một kế hoạch bán hàng có hệ thống để ký hết hợp đồng này đến hợp đồng khác.

Với trực giác của một diễn viên, tôi có thể kết hợp cảm giác, cảm xúc và tính toán thời điểm cho bài giới thiệu của mình. Khi bạn đến xem một buổi diễn ở nhà hát, bạn không thể nào nhận ra rằng những lời thoại đó đã được soạn sẵn. Bạn cũng không thể nhận ra rằng cũng diễn xuất đó, cũng câu thoại đó đã lặp đi lặp lại trong mọi đêm diễn vì người diễn viên đã hoàn toàn hóa thân vào nhân vật. Riêng tôi, tôi không chỉ hóa thân vào vai diễn người bán hàng, mà còn cải biến cả lời thoại. Và như một biên kịch xuất sắc, tôi lại thêm thắt cho chúng mỗi khi có cơ hội. Tuy nhiên, tôi sẽ chỉ thay đổi câu chữ cho phù hợp với hoàn cảnh, nội dung chủ yếu thì hầu như được giữ nguyên. Vì vậy, khi bị khách hàng ngắt lời lúc bắt đầu bài giới thiệu, tôi sẽ chen vào vài câu nói đùa để giảm bớt căng thẳng, hơn là pha trò trong lúc cuộc trò chuyện đang đi đúng hướng.

Đó là công việc sao? Tất nhiên là thế. Tôi có quá nhiều thứ phải đối mặt nếu muốn chiến thắng bản thân – và tôi xem đó là công việc.

Nhưng như thế cũng tốt, vì tôi đã ngộ ra được bí quyết giúp kiểm soát cảm giác và cảm xúc của mình. Không biết bao nhiêu lần tôi đã tự hỏi liệu mình có thể vượt qua sự rụt rè để gọi điện cho chủ tịch một ngân hàng lớn hoặc giám đốc một khu mua sắm sầm uất hay không. Thế rồi tôi nhận ra mình có thể tự cứu mình bằng cách tĩnh tâm, tự tạo động lực và cố gắng phấn đấu. Rồi ngày đó cũng đến. Tôi gọi được cho lãnh đạo một doanh nghiệp lớn có trụ sở tại New York, Chicago và nhiều nơi khác mà không cảm thấy lo sợ; có thể nói tôi đã hình thành được thói quen.

Tựa như nhà nghiên cứu cuối cùng cũng khám phá ra công thức mà ông hằng theo đuổi, hay người nghệ sĩ hóa thân thành công vào vai diễn, tôi nhận ra làm cùng một việc theo cùng một phương pháp sẽ mang lại những kết quả tương đương nhau. Và cũng giống như nhà nghiên cứu, tôi phát hiện rằng thời gian là yếu tố chủ chốt trong bất kỳ công thức nào.

Không có gì là tuyệt đối; sự thay đổi sẽ dần diễn ra từ bên trong lẫn bên ngoài. Nếu bạn hội tụ ánh sáng mặt trời qua chiếc kính lúp tại một điểm trên đống củi khô, nó sẽ bắt lửa sau vài phút. Mặt trời có thể hắt nắng lên cùng thanh củi đó trong hàng thập kỷ, nhưng chẳng thể khiến nó bùng cháy nếu thiếu đi thấu kính hội tụ. Có chăng dưới điều kiện tự nhiên, khúc gỗ sẽ chỉ phân hủy theo thời gian và hòa lẫn với bùn đất. Tôi và bạn cũng không ngoại lệ:

Thành công cần có thời gian – và thất bại cũng thế.

Thế nhưng thành công tốn ít thời gian hơn thất bại.

Chúng ta sẽ hiểu cặn kẽ điều này nếu lưu ý đến những thành công tiếp nối trong sự nghiệp và trong suốt cuộc đời. Vì thành công sẽ đến nhanh hơn nếu bạn hành động đúng đắn, tuân theo đúng phương pháp, có kiến thức phù hợp, kỹ năng hiệu quả và có động lực. Và rồi bạn sẽ hình thành nên phương thức thành công.

Bạn có thể đi chệch hướng hoặc phạm phải sai lầm, nhưng vẫn bất ngờ đạt được thành tích, hoặc nắm bắt được thời cơ. Bạn cũng có thể vô tình áp dụng chính xác phương thức và thành công ngay lập tức, nhưng sau đó nhanh chóng mất phương hướng và thất bại do không đúc kết được những nguyên lý thành công thức từ chiến công vô tình đó.

 

Thành công ngắn ngủi và thất bại lâu dài

Chúng ta thường gặp trường hợp những công ty hoặc cá nhân thành công trong một khoảng thời gian nhưng sau đó lại thất bại. Hãy cùng xem xét một ví dụ cụ thể mà bản thân tôi đã từng trải nghiệm:

Năm 1900, khi nhân viên bảo hiểm Harry Gilbert đến thăm Anh Quốc và phát hiện ra những công ty bảo hiểm tại đây đang chào bán bảo hiểm tai nạn kèm hợp đồng, rất nhiều công ty bảo hiểm Hoa Kỳ cũng bắt chước theo họ. Chúng tôi gọi đó là hợp đồng bảo hiểm soạn-trước, vì chúng được nhân viên bảo hiểm lên nội dung và chuyển giao ngay tại thời điểm chốt hợp đồng. Chúng được chào bán dựa trên nguyên tắc gọi ngẫu nhiên (Như bạn cũng biết, gọi ngẫu nhiên là bạn gọi điện đến một người không quen biết và cố gắng thuyết phục họ mua thứ gì đó.)

Rất nhiều đại lý thuộc những công ty bảo hiểm đó đã thành công vượt trội trong suốt vài năm. Thế nhưng đến nay, mọi đại lý hoặc công ty từng triển khai bảo hiểm tai nạn soạn-trước đã không thể tiếp tục kế hoạch kinh doanh như trước kia hoặc phải phá sản – ngoại trừ một trường hợp. Vì sao? Vì họ không làm ra lợi nhuận. Họ thua lỗ. Họ không thể phát triển hệ thống kinh doanh thành công, hoặc nếu có, họ cũng đánh mất chúng.

Vậy trường hợp ngoại lệ đó là gì? Chính là các công ty do tôi quản lý. Vì tôi đã hoàn thiện xong hệ thống kinh doanh hoàn mỹ, và trong một tuần có thể bán được nhiều hợp đồng hơn so với một nhân viên bảo hiểm bình thường bán trong một tháng nhưng không theo hệ thống. Chỉ bởi một nguyên nhân: Tôi tiết kiệm được thời gian.

Đó là lý do tôi đã thành công trong thời gian dài trong khi người khác thất bại. Tôi tập trung tất cả nỗ lực cho mỗi đơn hàng, và tập trung cho đến khi bán được mới thôi. Trong một giờ tôi có thể xử lý được nhiều công việc hơn trước và mỗi đô-la bỏ ra phải thu lại được nhiều hơn trước.

Tôi thường suy nghĩ: “Nếu phải làm việc, mình nên nghĩ cách làm thế nào để trong một năm kiếm được khoản thu nhập mà người khác phải kiếm cả đời.” Nhưng rồi tôi nhận ra chỉ có thể biến điều đó thành hiện thực nếu áp dụng phương thức hoàn mỹ của thành công. Sau cùng, tôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bao gồm cả khoản thu nhập thường niên tôi mong ước. Dưới đây là những nguyên lý tôi áp dụng nhằm chinh phục mọi mục tiêu, dù có xa vời đến đâu:

  1. Động lực, phải được khơi gợi từ ý chí.
  2. Phương pháp, phải được tích luỹ từ kinh nghiệm.
  3. Tiếp thu kiến thức.

Hãy khoan, thế một người tiếp thu kiến thức từ hành động thì sẽ như thế nào?

 

Hãy làm điều mà bạn chưa dám làm!

Có rất nhiều cách để tiếp thu được kiến thức từ hành động. Tôi đã học được tất cả những gì cần thiết để bán bảo hiểm tai nạn cá nhân với số lượng lớn và tất cả đều thông qua kinh nghiệm. Tôi học qua thực hành.

Đặc biệt, tôi nghiệm ra một nguyên tắc: Hãy làm những điều mà bạn chưa dám làm... Hãy đến những nơi mà bạn chưa dám đến. Nếu bạn né tránh không dám tiếp nhận điều gì đó lớn lao, bạn đã lỡ mất cơ hội.

Trong những năm đầu tiên lăn lộn với nghề bán hàng, tôi luôn lo sợ cực độ mỗi khi đứng trước sảnh vào ngân hàng, trụ sở hỏa xa, khu mua sắm hay những tổ chức lớn khác như thế. Vậy nên tôi đã bỏ qua chúng. Sau này, tôi mới biết mình đã đóng sập cửa trước những cơ hội có một không hai, vì nhận ra mời chào tại những nơi đó hóa ra lại dễ dàng hơn tại những công ty nhỏ mới thành lập. Dù đến những công ty nhỏ đó dễ lấp liếm sự sợ hãi hơn nhiều. Cuối cùng, tôi kết luận rằng thành công vượt bậc chỉ đến khi bạn dám tiếp cận những doanh nghiệp lớn, vì những tay bán hàng khác đã quá e sợ mà bỏ lỡ chúng. Giống như tôi, họ cũng đóng cửa trước cơ hội, thậm chí còn chưa dám thử lấy một lần.

Thực tế, các cấp quản lý và cán bộ tại những doanh nghiệp lớn dễ tiếp nhận những lời chào hàng hơn tại những công ty hay cửa hàng mà giới bán hàng không ngại phải tiếp xúc. Những nơi chật chội đó luôn nhận được từ 5, 10 đến 15 cuộc điện thoại chào hàng mỗi ngày. Với “kinh nghiệm” dày dạn, các giám đốc và nhân viên tại đó thừa biết phải đối phó và trả lời “không” thế nào. Đương nhiên, với chiến thuật khéo léo, bạn vẫn có thể biến “không” thành “có”, nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian.

Ngoài ra, một người có tầm, một doanh nhân thành đạt, một người làm nên tất cả từ tay trắng, là một người có tâm. Ông ta sẽ cho bạn cơ hội. Ông ta sẽ cố gắng giúp đỡ kẻ khác trên con đường đi lên của mình. Tôi đã học được tất cả những điều đó. Đó là lý do và cách thức mà ngay từ đầu tôi đã quyết tập cho mình thói quen chỉ bán cho những doanh nghiệp lớn.

 

Cánh cửa tôi e ngại đã mở ra

Năm đó tôi 19 tuổi, mẹ tôi gửi tôi đến Flint, Saginaw và Thành phố Vịnh Michigan để tái thiết lại công ty đồng thời tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới. Ở Flint, mọi thứ đều ổn. Tại Saginaw, tôi như cá gặp nước, doanh số thu vào mỗi ngày nhiều không thể tưởng tượng nổi. Do tại thành phố Vịnh chúng tôi chỉ có hai cơ sở, nên tôi viết thư cho mẹ để xin phép bà chuyển hẳn đến làm việc tại Saginaw.

“Đừng bỏ lỡ cơ hội và thành công trước mắt,” tôi luôn tâm niệm tuyên ngôn sáng suốt đó. Nhưng mẹ đã gọi lại và ra lệnh cho tôi rời Saginaw để đến thành phố Vịnh ngay tức khắc. Bất đắc dĩ tôi phải theo lời bà. Mệnh lệnh là mệnh lệnh. Thế rồi tôi vẫn đáp xe về khách sạn trong thành phố, nhận hai biển hiệu mới và ném chúng vào ngăn kéo tủ. Nghe có vẻ chống đối, nhưng theo tôi nghĩ đó là nỗi bức xúc chính đáng. Sau đó, tôi đến ngân hàng lớn nhất cho kịp cuộc hẹn tư vấn với viên thủ quỹ, một anh chàng tên Reed.

Khi đó tôi chưa nhận ra, nhưng anh ta đúng sinh ra là để làm thủ quỹ. Trong lúc trò chuyện, anh ta rút ra một thẻ căn cước bằng kim loại và nói: “Tôi đã ký hợp đồng bảo hiểm và dịch vụ thẻ khóa với bên anh được 15 năm. Tôi ký nó từ hồi còn làm trong ngân hàng ở Ann Arbor. Tôi chỉ vừa chuyển chỗ làm gần đây thôi.”

Tôi cảm ơn Reed và xin phép anh được tiếp chuyện những người khác. Tôi đã giới thiệu cho mỗi khách hàng tiềm năng của mình về Reed, rằng anh đã sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong suốt 15 năm, và đến hôm nay vẫn vui lòng để tôi tư vấn. Kết quả ra sao: Họ mua hết.

Với đà sẵn có, tôi lại tiếp tục, từ cửa hàng này đến cửa hàng khác, từ văn phòng này đến văn phòng khác. Tôi gọi cho các ngân hàng, các văn phòng bảo hiểm, các tập đoàn lớn. Gặp ai tôi cũng gọi và “hạ gục” tất cả bọn họ! Trung bình một ngày tôi ký được đến 48 hợp đồng trong hai tuần đầu đến thành phố Vịnh.

Đến thứ Bảy tôi rời nơi đó, cảm thấy hài lòng về những gì mình đã làm cho khách hàng và cho công ty. Tôi mở ngăn kéo tủ, lấy ra hai biển hiệu và lập thủ tục thành lập dịch vụ.

Bài học lần này quá hiển nhiên: Hãy làm những điều mà bạn chưa dám làm… Hãy đến những nơi mà bạn chưa dám đến. Nếu bạn né tránh không dám tiếp nhận điều gì đó lớn lao, bạn đã đánh mất cơ hội của mình.

Sau này tôi phát hiện ra rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội vì nhiều lý do chứ không hẳn vì lo sợ. Và dẫu cho bạn cần tích lũy thêm kinh nghiệm để nắm vững phương pháp, bạn vẫn có thể tiếp thu được vốn hiểu biết trong hành động nếu chịu học hỏi từ những người sẵn sàng chia sẻ, từ kinh nghiệm của người khác, và từ sách vở.

Lẽ ra tôi phải hiểu được điều này trước năm 19 tuổi; giờ đối với tôi chuyện đó đã quá rõ ràng. Có nhiều bạn bằng tuổi tôi thời đó cũng bỏ dở việc học, chỉ vì có mâu thuẫn với giáo viên, hoặc không được rèn giũa những suy nghĩ và thói quen đúng đắn, muốn ra đời sớm, nghĩ rằng mình đã trưởng thành, hoặc thậm chí ức chế do cảm thấy bị quản lý quá khắt khe.

Nhưng bạn thấy đấy, tôi thật may mắn khi đã nuôi dưỡng được niềm khao khát và sẵn sàng học hỏi từ những người sẵn sàng chia sẻ. Và chính sự kiên trì tìm tòi đó đã biến những thất bại tạm thời trở thành thành công vĩnh viễn.

 

Thất bại tạm thời và thành công vĩnh viễn

Câu chuyện về Otto Propach là minh họa cụ thể nhất cho tầm quan trọng của việc tiếp thu những kiến thức bên ngoài bên cạnh kinh nghiệm của bản thân.

Trong mỗi hoạt động mới, dù đã có đủ động lực, phương pháp và hiểu biết về kỹ năng thành công trong sự nghiệp, bạn vẫn cần chuẩn bị thêm kiến thức để thích nghi với sự thay đổi xung quanh. Nước Mỹ đang thu hút nhân tài từ khắp mọi nơi, từ châu Âu đến Trung và Nam Mỹ. Họ có thừa nhiệt huyết, hiểu biết và tài năng. Nhưng cũng như những cộng đồng di dân trong quá khứ, họ biết rằng cần phải bắt đầu từ những công việc thấp kém và học thông thạo ngôn ngữ, trước khi nắm lấy cơ hội thể hiện tài năng và sự hiểu biết của mình.

Otto từng là một trong những chuyên gia hàng đầu tại Đức trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng khi Đảng Quốc Xã lên nắm quyền, ông và gia đình đã phải chịu nhiều tủi nhục và cuối cùng bị bắt giam vào trại tập trung. Ngoại trừ quần áo mặc trên người, tất cả tài sản của họ đều bị tước đoạt.

Sau chiến tranh, cả gia đình Propach di cư sang Mỹ – mảnh đất của cơ hội – mang theo hi vọng về một khởi đầu mới. Otto lúc này đã 57 tuổi, nhưng ông vẫn còn khao khát thành công. Từng là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong ông có đủ kiến thức và kỹ năng. Trớ trêu thay, ông vẫn không xin được việc làm.

Sau nhiều tuần lặn lội, ông đã xin được một công việc ở sàn chứng khoán với mức lương 32 đô-la một tuần. Nhưng ông vẫn không từ bỏ mong ước được mở cơ sở riêng. Vào các ngày thứ Bảy, hễ nhận thấy công ty nào còn mở cửa, Otto đều bước vào xin phép ban nhân sự được phỏng vấn, hòng tìm kiếm một công việc liên quan đến kế toán – chuyên môn của ông. Sau mỗi cuộc phỏng vấn, ông luôn khiến họ phải từ chối thật nhã nhặn – vì Otto là mẫu người luôn khiến kẻ khác phải nể phục.

Sau nhiều tuần, sự nghiệp của ông rẽ sang một bước ngoặt mới, khi Otto bỗng phát hiện ra rằng mặc dù ông vừa có kiến thức về tài chính ngân hàng, lại vừa biết tiếng Anh, nhưng lại không thạo ngôn ngữ chuyên môn của người Mỹ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Khi kể chuyện này cho tôi nghe, ông nói: “Để được nhận vào vị trí kế toán, hay bất kỳ một công việc nào đòi hỏi chuyên môn, thì ngoài trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, anh còn cần hiểu rõ và áp dụng được kỹ năng ngôn ngữ. Các khái niệm chuyên môn không bao giờ được đề cập đến trong ngôn ngữ chính thống. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi hình thức tư vấn tài chính ở Mỹ, chỉ trừ duy nhất một điều: Thuật ngữ chuyên ngành.

“Sang thứ Bảy kế tiếp, tôi đến văn phòng hiệu trưởng của Đại học LaSalle Extension tại Chicago,” ông nói. “Ngài hiệu trưởng tỏ ra thông cảm và giúp đỡ tôi rất tận tình. Sau khi nói chuyện, tôi được cho phép theo học hai lớp kế toán khai giảng liên tiếp nhau trong cùng học kỳ, và được phép học tại nhà, nhưng không được sửa lỗi hoặc lấy tín chỉ cho bài tập ở nhà. Sau đó tôi đã đăng ký thêm hai khóa nữa, một khóa kế toán nâng cao và một khóa kế toán chi phí. Tôi phải tìm hiểu những thuật ngữ mà người Mỹ hay dùng.

“Kể từ đó, tôi chuyển sang làm vào buổi tối cho đến khi tối mịt, và mất luôn cả hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật trong tuần. Không thể chỉ đọc sách giáo khoa là đủ, tôi còn phải ghi nhớ từ ngữ và cách biểu đạt, một nhiệm vụ khá nan giải đối với trình độ Anh ngữ non kém của tôi. Bên cạnh đó, tôi còn phải gửi bài tập hai môn mỗi tuần, bao gồm những phép nhân, chia dài thượt mà không có máy móc hỗ trợ.”

Nỗ lực tập trung học tập của Otto có hiệu quả không? Hiển nhiên là có. Sau vài tháng theo học, ông đã xin được một chân kế toán thời vụ với mức lương 200 đô-la một tuần. Từ lúc đó, ông đã thăng tiến nhanh chóng. Ông giải thích: “Tôi nhận thấy công việc rất thú vị và phát hiện ra nhiều điểm cần cải thiện, vì thời gian không đủ để làm tất cả những gì tôi muốn nên tôi làm thêm giờ. Ngoài ra, tôi cũng đăng ký học thêm buổi tối các khóa luật doanh nghiệp, thuế, kiểm toán và những môn tương tự. Lịch làm việc của tôi kín mít, nhưng trong công việc lại có niềm vui. Chính công việc đã mở cửa tương lai và giúp tôi tiến lên, như những khe suối hợp lại thành sông và đổ ra biển lớn – từ chân kế toán quèn tôi trở thành thư ký kế toán, rồi thủ quỹ, rồi trưởng ban, phó giám đốc và rồi giám đốc chỉ trong vài năm.”

 

Khám phá ra điều bạn đang tìm kiếm như thế nào

Otto Propach đã đi từ thất bại tạm thời đến thành công vĩnh viễn vì ông biết điều mình đang tìm kiếm và hành động vì điều đó. Ông tìm kiếm cơ hội được làm việc trong lĩnh vực chuyên môn mà ông thông thạo. Nhưng để làm được, ông phải tập trung nỗ lực đào sâu học hỏi. Đó mới là công việc thật sự. Nhưng sau khi có được kiến thức, ông đã hoàn toàn chiếm hữu nó. Ông có thể sử dụng nó tùy thích, và không ai tước đoạt nổi nó khỏi ông.

Ông biết mình muốn gì – kiến thức và thuật ngữ chuyên ngành kế toán tài chính được sử dụng tại Mỹ – và ông biết rằng phải học hỏi nhiều từ người khác.

Colonel John Glenn và hàng nghìn người tham gia phát triển dự án Mercury cũng gặt hái được thành công, vì mỗi người đều biết họ muốn gì và hành động vì điều đó. Nỗ lực tập trung của mỗi cá nhân đã đúc kết nên sự hiểu biết cần thiết để thành công. Mỗi người đều học được rất nhiều từ những việc nhỏ. Kiến thức chỉ đến với những ai chịu khó tìm tòi, và khi bạn đã có mục tiêu, cơ hội để tiếp thu kiến thức sẽ càng rõ ràng hơn.

Tiếp thu kiến thức từ hành động còn quan trọng hơn cả những gì được biết đến trong thực tiễn và được minh họa cụ thể. Ví dụ, một người bạn của tôi có thể nhớ như in mọi thứ. Ông là chuyên gia trong việc đọc sách, có thể đọc hết toàn bộ trang sách ngay lập tức thay vì phải dò từng chữ, từng từ hay từng câu. Ông có thể chép lại như đúc cả trang bách khoa toàn thư chỉ đặc toàn chữ. Vậy nên tôi đã rất ngạc nhiên khi ông đến gặp tôi và nói: “Clem, anh biết tôi có tài. Có lẽ anh sẽ biết tôi phải làm gì với nó. Tôi sẽ phải sử dụng mớ kiến thức này như thế nào đây?” Đây là mẫu người có thừa tài năng và kiến thức mà không biết phải làm gì với chúng.

Thomas Edison cũng có khả năng đọc nhớ giống như người bạn của tôi. Ông cũng có một trí nhớ siêu phàm, nhưng biết sử dụng kiến thức đó trong hành động. Ông biết mình tìm kiếm điều gì và đạt được điều đó, vì ông hiểu cần phải làm gì để có được điều mình muốn. Ông có thể đúc kết được những bài học từ thực tiễn, để sau đó liên hệ, so sánh và áp dụng chúng.

Tôi cũng biết mình đang tìm kiếm điều gì. Tôi muốn thiết lập một hệ thống bán hàng hoàn mỹ. Vì thế, tôi luôn cố gắng rút ra những bài học từ kinh nghiệm bán hàng của mình, dù tốt hay xấu. Sau đó, tôi chắt lọc dần và chỉ áp dụng những nguyên tắc có lợi và loại bỏ những nguyên tắc có hại.

Bạn cũng có thể quyết định điều mình mong muốn. Bạn có thể quyết định mục tiêu, mong ước hay đích đến của bản thân. Giống như Colonel Glenn, Otto Propach và Thomas Edison, bạn có thể tập trung suy nghĩ và nỗ lực để đạt được điều mình muốn, thông qua học hỏi kinh nghiệm từ người khác và từ sách vở. Bạn cũng có thể tiếp thu kiến thức từ kinh nghiệm của bản thân, một khi tìm được động lực để hành động.

Nhưng trong mọi trường hợp bạn đều phải cố gắng liên hệ, thấm nhuần và áp dụng những nguyên tắc có thể đem lại thành công cho bạn. Một khi rèn luyện được thói quen đó, bạn sẽ nhận ra thành công thậm chí còn đến nhanh hơn và tốn ít công sức hơn thất bại.

Quả thực, kiến thức đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng trong chương kế tiếp, bạn sẽ khám phá ra phương pháp cũng là một yếu tố quyết định của thành công. Vậy nên nếu muốn thành công, hãy nắm vững phương pháp. Và hãy đọc kỹ chương tiếp theo với lời khuyên “Luôn theo đúng con đường.”

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Xin đợi một chút! Bạn chỉ đọc lướt qua những câu chuyện trong cuốn sách này để giải trí thôi đấy ư? Nếu đúng như vậy, thì bạn chưa nắm được vấn đề rồi! Mỗi câu chuyện đều bao hàm từng khía cạnh nhỏ của một nguyên lý bất dịch. Hãy gieo hạt mầm của nguyên lý đó trên mảnh đất cuộc đời bạn và ngắm nhìn chúng lớn lên.

Thành công tốn ít công sức hơn thất bại. Nguyên lý đó nghe thật khó tin. Nhưng hãy thử hiểu theo cách ngược lại: Thất bại đồng nghĩa bạn đã hao tâm tổn trí mà chẳng thu lại được gì! Với định hướng hợp lý, bạn không cần phải quá vất vả mà vẫn đạt đến thành công.

Hãy đối mặt với nỗi sợ hãi. Bạn nhất định sẽ đánh bại chúng!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.