Nghĩ Đúng, Nhắm Trúng

7. DỐC TOÀN LỰC



“Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!” Những tiếng reo hò dậy lên từ hàng ghế đội Chicago White Sox. Và tay đánh đã làm được! Anh cán đích an toàn ở mốc thứ ba, trước khi nhóm phòng thủ vòng ngoài kịp chuyền bóng về vị trí.

“Tiến lên! Tiến lên White Sox!” đã trở thành câu cổ vũ cửa miệng của người hâm mộ đội bóng chày Chicago trong suốt năm 1959 – và trở thành động lực giúp đội bóng thẳng tiến… tiếp tục thẳng tiến qua các trận cầu, và cuối cùng đã đăng quang chức vô địch toàn nước Mỹ năm ấy.

“Tiến lên! Tiến lên White Sox!” Mỗi thành viên của đội đều cả thấy được tiếp thêm động lực để cố gắng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, động lực đó là gì?

Động lực là loại năng lực thúc đẩy hành động hoặc quyết định lựa chọn. Đồng thời nó cũng làm phát sinh động cơ. Động cơ là một loại ‘nội lực’ chỉ tồn tại bên trong mỗi cá nhân và thôi thúc cá nhân đó hành động, biểu hiện thành ý tưởng, xúc cảm, khao khát hoặc sự bộc phát. Nó cũng là hy vọng hoặc một loại năng lực nào đó khởi nguồn cho quyết tâm phấn đấu vì một kết quả cụ thể (trích Thành công với quan điểm tư duy tích cực – tác giả: Hill & Stone, nhà xuất bản Prentice-Hall phát hành năm 1960.)

 

Cảm xúc lẫn lộn thúc đẩy khả năng DỐC TOÀN LỰC

Khi những cảm xúc mạnh mẽ như yêu thương, tin tưởng, phẫn nộ và căm ghét hòa lẫn vào nhau – điển hình như lòng yêu nước nồng nàn – thì trạng thái dốc toàn lực do chúng tạo ra sẽ là thứ nội lực mãnh liệt, sâu sắc được phát huy và duy trì lâu dài. Đó là vẻ đẹp chân thực của những con người yêu tự do ngày hôm nay. Đó cũng là bản chất đích thực của những nhà ái quốc trong quá khứ, mà dưới đây là một điển hình:

Quân Cô-dắc tràn đến. Đứa trẻ tận mắt chứng kiến cha mẹ nó bị đánh đập và sát hại dã man. Nó bỏ chạy khỏi nhà nhưng kỵ binh đã bắt được và dùng roi quật ngã nó. Máu nó chảy đầm đìa trên đất. Khi định thần lại, nó nhìn thấy căn nhà tranh của cha mẹ đang bùng cháy. Từ lúc đó, trong nó đã nung nấu một lời thề – lời thề quyết tâm giải phóng Ba Lan khỏi ách áp bức của quân xâm lược Nga tàn bạo.

Tự do cho Ba Lan trở thành nỗi ám ảnh đối với nó. Ký ức kinh hoàng và đau xót mà đứa trẻ chứng kiến năm xưa, đã trở thành ngọn lửa rực cháy trong tâm trí khi trưởng thành. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc cậu bé năm nào hành động.

Đứa trẻ đó chính là Inace Jan Paderewski, nghệ sĩ dương cầm đại tài. Ông đã đắc cử Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Tân Ba Lan vào tháng Giêng năm 1919, và sau đó trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhân dân nước Cộng hòa Ba Lan.

Paderewski đã sống để chứng kiến Ba Lan bị tước đi nền độc lập một lần nữa, thế nhưng nỗ lực của ông đã không uổng phí. Ba Lan vẫn là quốc gia của những con người tràn đầy lòng yêu nước sâu sắc. Họ sẽ một lần nữa dốc toàn lực để Tổ quốc được hoàn toàn tự do.

Paderewski đã dốc toàn lực và tự thúc đẩy mình hành động.

Ngay chính bạn cũng có thể dốc toàn lực.

Trong chương này bạn sẽ học được cách phát sinh, phát huy và phóng thích trạng thái dốc toàn lực. Trạng thái dốc toàn lực chính là ‘nội lực’ thúc đẩy con người làm nên những thành tựu quan trọng. Bạn có thể áp dụng nó để trở nên giàu có, khỏe mạnh, hạnh phúc và đem lại điều tốt đẹp cho mọi người. Bởi một khi động lực hành động đã chín muồi, nó sẽ thôi thúc bạn hành động.

 

Động lực mạnh mẽ nhất

Khi còn học lớp 6, tôi đã quyết định mình sẽ trở thành luật sư. Đó là lý do khi học lên trung học, tôi đã rất hứng thú với những môn như Toán học – giúp tôi tư duy logic; Lịch sử – giúp tôi hiểu rõ quá khứ, hiện tại đồng thời hoạch định cho tương lai; Anh văn – cho tôi cơ hội thể hiện suy nghĩ và phương châm sống của mình; và Tâm lý học – giúp tôi tìm hiểu tâm trí con người hoạt động như thế nào. Tôi gia nhập Câu lạc bộ hùng biện trường Senn High chủ yếu cũng là để trở thành bậc thầy về tranh luận.

Sau đó tôi theo học Cao đẳng Luật Detroit, nhưng sau một năm tôi bỏ ngang vì tôi quyết định sẽ kết hôn năm 21 tuổi. Và tôi biết người phụ nữ tôi muốn kết hôn sẽ là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời tôi. Điều này hoàn toàn đúng: Người bạn đời sẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời với bất kỳ ai.

Tôi thôi học trường luật vì cảm thấy sẽ không kiếm đủ tiền sống nếu trở thành luật sư, ít nhất cho đến tuổi 35. Một luật sư mồi chài hay gạ gẫm thân chủ là việc làm trái với lương tâm, nhưng khi là một người bán hàng, tôi có thể gọi điện chào bán cho tất cả những ai tôi thích. Thu nhập tôi kiếm được sẽ phụ thuộc vào kỹ năng tôi có và cách tôi ứng dụng nó – và tôi biết mình có thể bán được. Ngoài ra, tôi đã lý giải rằng nhờ nghề buôn bán, tôi có thể kiếm và tiết kiệm đủ tiền đến để an tâm nghỉ ngơi khi mới 30 tuổi. Tôi sẽ quay trở lại trường, tiếp tục học luật, trở thành luật gia hoặc tham gia vào chính trường. “Bên cạnh đó,” tôi tự nhủ, “mình có thể nhận những vụ tranh tụng vì muốn làm – chứ không vì bị ép buộc.”

Jessie và tôi gặp nhau lần đầu tiên ở Senn High. Tình yêu và những lời tỏ tình tôi dành cho cô ấy có thể diễn tả bằng ca từ trong ca khúc ‘Why I Love You’ (Vì đâu tôi yêu em) của Mary Carolyn Davis:

Vì đâu tôi yêu em,

Tôi yêu em, không phải con người em,

Mà vì con người tôi khi có em bên cạnh,

Không chỉ vì những gì hiểu về em,

Mà còn vì những gì em hiểu về tôi.

(Được sự cho phép của công ty giữ tác quyền – Công ty sản xuất âm nhạc Midway, năm 1954)

Sau hai năm ở Senn High, tôi chuyển đến sống ở Detroit và theo học trường Northwestern. Chúng tôi thường xuyên gửi thư cho nhau; đôi khi Jessie và mẹ cô ấy còn đến thăm hai mẹ con tôi, đồng thời tôi cũng lui tới Chicago vài lần. Tôi đã quyết định rằng tốt nhất tôi nên thành lập đại lý bảo hiểm riêng ở Chicago. Mẹ tôi đã viết thư cho Harry Gilbert, quản lý cấp cao và cũng là đối tác của chúng tôi ở Tổng Công ty Bảo hiểm Hoa Kỳ và Công ty Bảo hiểm New Amsterdam. Hãy lật lại chương 5, bạn sẽ thấy Harry chính là cha đẻ của chính sách bảo hiểm tai nạn soạn-trước áp dụng tại Mỹ.

Gilbert đã hồi đáp rằng ông rất vui lòng được mời tôi làm người đại diện cho hai công ty mới ở Illinois, nhưng trước tiên, tôi phải được tổng đại lý tại Chicago cho phép kết nối với văn phòng tại nhà – vì đại lý này nắm đặc quyền kết nối từ trước.

 

Nếu bạn mong muốn điều gì, hãy theo đuổi nó

Tôi lên kế hoạch để được gặp mặt tổng đại lý. Tôi cần phải thuyết phục được ông. Toàn bộ kế hoạch của tôi đều phụ thuộc vào lời chấp thuận của ông. Nhưng tôi đã có tố chất của người bán hàng từ trong máu, và kinh nghiệm đã cho tôi biết rằng nếu mong muốn điều gì, bạn phải theo đuổi nó. Vị tổng đại lý đã tiếp tôi rất lịch thiệp, và tôi sẽ không bao giờ quên những gì ông nói:

“Tôi sẽ chấp thuận đề nghị của anh. Nhưng anh sẽ nhanh chóng phá sản chỉ trong vòng 6 tháng. Kinh doanh ở Chicago rất khó khăn. Nếu đặt đại lý tại đây, anh sẽ chẳng thu lại được gì ngoài rắc rối. Và anh sẽ phí tiền vô ích.”

Tôi sẽ mãi mãi biết ơn ông vì đã không ngăn cản cơ hội đến với tôi.

Do đó vào tháng Mười Một năm 1922, tôi đã khai trương đại lý của mình lấy tên Công ty Combined Registry. Vốn lưu động của tôi chỉ khoảng 100 đô-la, nhưng tôi không bị mắc nợ vì chi phí ban đầu khá thấp, với 25 đô-la tiền thuê văn phòng mỗi tháng cho ngài Richard H. Pickering. Ngài Pickering là nguồn động lực thật sự đối với tôi, nhất là khi ông đưa ra những lời khuyên đúng đắn. Có một lần, khi chuẩn bị đưa tên tôi lên danh bạ đặt tại tiền sảnh, ông đã hỏi tôi: “Cậu muốn tên mình được viết như thế nào?”

“C. Stone,” tôi trả lời. Từ ngày đi học cho đến tận hôm ấy, tôi luôn ký tên như vậy.

“Cậu cảm thấy xấu hổ ư?” Ông hỏi.

“Ý ngài là sao ạ?”

“Chà, chẳng lẽ cậu không có tên riêng hay tên đệm sao?”

“Thưa, có… Là William Clement Stone.”

“Chẳng lẽ cậu chưa bao giờ nghĩ rằng trên đời có biết bao C. Stone, nhưng cơ hội chỉ run rủi cho một Willam Clement Stone duy nhất được toàn nước Mỹ này biết đến tên thôi hay sao?”

Câu nói của ông đã thức tỉnh lòng tự trọng của tôi. “Một Willam Clement Stone duy nhất,” tôi nghĩ. Và từ đó về sau, tôi luôn ký tên mình đúng như vậy.

Hôn lễ của chúng tôi tổ chức vào tháng Sáu. Tôi muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt trước ngày trọng đại ấy, nên quyết không bỏ phí thời gian. Hôm đầu tiên, tôi làm việc ở đường North Clark gần công viên Rogers, chỉ cách nơi tôi sống vài tòa nhà. Ngày hôm ấy tôi ký được 54 hợp đồng. Từ đó tôi hiểu rằng Chicago cũng là một nơi dễ kiếm sống, và việc kinh doanh của tôi nhất định sẽ duy trì được không chỉ trong 6 tháng.

Tôi có động lực làm việc thật chăm chỉ để thành lập doanh nghiệp riêng, kiếm được số tiền tôi cần để lấy được người phụ nữ tôi yêu. Điều đó thật hiển nhiên, bạn sẽ tìm thấy lý do để tự thúc đẩy mình và thấu hiểu được lý do nhằm thúc đẩy người khác. Nhưng chỉ có nội lực, biểu hiện từ cảm giác, cảm xúc, bản năng và thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức mới khiến bạn dốc toàn lực và hành động.

 

Muốn động viên… hãy chạm đến trái tim

Một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy người khác làm là liên hệ tới điều họ ao ước, hay liên hệ đến những câu chuyện có thực khiến họ phải động lòng. Trong một cuộc họp của phòng kinh doanh, chỉ cần một đoạn ngắn trong bức thư do Jean Clary gửi được đọc lên là đã có thể thôi thúc những nhân viên khác phải hành động:

Sáu tuần trước, Pamela – cô con gái 6 tuổi của tôi đến gần tôi và hỏi: “Cha ơi, khi nào thì cha sẽ giành được Viên Hồng Ngọc?” (Đó là giải thưởng dành cho những nhân viên có doanh thu và lợi nhuận cao trong một thời hạn xác định.) “Khi nào cha sẽ ký được 100 hợp đồng trong một tuần? Cha biết không, đêm nào con cũng cầu xin Chúa giúp cha giành được Viên Hồng Ngọc. Con đã cầu xin Người lâu lắm rồi. Nhưng cha ơi, con không nghĩ rằng Người sẽ chịu giúp cha đâu.” Con bé tin vào Chúa, con bé tin vào cha của nó – thật ngây thơ, thật chân thành, thật thẳng thắn. Tôi đã trả lời con bé sau khi suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ lưỡng, vì tôi nhận ra con gái tôi đang lo lắng vì sao Chúa lại không ban phước cho cha của nó: “Pam, Chúa sẽ giúp cha, nhưng cha không nghĩ cha sẽ làm được gì cho Người đâu!” Thú thực, tôi thậm chí còn không giúp được cho mình. Tôi đang trả giá cho sự thất bại. Vì sao? Vì tôi đã không cố gắng. Tôi chỉ mải viện cớ và bào chữa. Tôi đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ chính bản thân tôi. Liệu một con người còn có thể mù quáng đến mức nào? Ngay khi đó, tôi đã quyết định…”

Cuối thư, Jean liệt kê ra một chuỗi những thành tích mà chính tình cảm sâu sắc dành cho con gái đã khiến ông hoàn thành chúng, khiến ông phải dốc toàn lực.

 

Niềm tin là nguồn động viên phi thường

Jean đã có được Viên Hồng Ngọc. Và những lời nguyện cầu của Pamela đã được đáp ứng.

Bất cứ khi nào Jean cũng có thể dốc toàn lực. Bất kỳ ai cũng có thể. Nhưng chính ám thị trong lời cầu nguyện của Pamela đã dẫn đến sự tự ám thị trong suy nghĩ của Jean, khiến ông có được động lực từ sự bất mãn: Tôi thậm chí còn không giúp được mình. Tôi đang trả giá cho sự thất bại. Vì sao? Vì tôi đã không cố gắng. Tôi chỉ mải viện cớ và bào chữa. Tôi đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ chính bản thân tôi. Liệu một con người còn có thể mù quáng đến mức nào…?

Chính động lực phải hành động của ông đã thúc đẩy ông dốc toàn lực.

Niềm tin là nguồn động viên phi thường, và lời cầu nguyện, biểu hiện của niềm tin, càng khiến cảm xúc của con người bộc phát mãnh liệt. Ví dụ như trường hợp sau: Câu chuyện xảy ra cách đây không lâu ở San Juan, Puerto Rico, khi Napoleon Hill và tôi đang tổ chức buổi hội thảo kéo dài ba tối “Nghiên cứu về Thành công.” Sau tối thứ hai, mọi người đều nôn nóng áp dụng những bài học đã tiếp thu vào ngày hôm sau. Từng người một bước lên chia sẻ thành quả đạt được.

Trong số những người tình nguyện trong tối thứ ba có một kế toán viên, anh kể:

“Tổng giám đốc của tôi cũng tham gia hội thảo này. Sáng nay khi đến chỗ làm, ông ấy đã gọi tôi đến văn phòng của ông:

‘Ta hãy thử xem quan điểm tư duy tích cực có tác dụng hay không,’ ông ấy nói. ‘Cậu biết đấy, chúng ta có một khoản nợ trị giá 3 nghìn đô-la trễ hạn thanh toán từ mấy tháng trước. Sao cậu không thử giải quyết nó? Hãy gọi cho tay giám đốc đó và áp dụng PMA – quan điểm tư duy tích cực. Hãy bắt đầu với điều mà ngài Stone gọi là tự ra hiệu: Phải làm thôi!’

Tôi đã rất ấn tượng trước phần thảo luận của ngài tối hôm qua về cách mọi người có thể khiến tiềm thức hoạt động theo ý mình. Vì vậy khi giám đốc yêu cầu tôi giải quyết khoản nợ đó, tôi cũng đã quyết định phải đồng thời chốt thêm một đơn hàng nữa.

Rời công ty, tôi trở về nhà. Không khí yên tĩnh giúp tôi hoạch định chính xác những gì mình sẽ phải làm. Tôi cầu nguyện thật tha thiết và tràn đầy hy vọng sẽ thu dứt khoản nợ, đồng thời sẽ hoàn tất một đơn hàng lớn nữa.

Tôi tin rằng mình sẽ đạt kết quả khả quan. Và tôi đã làm được. Tôi đã thu về toàn bộ 3 nghìn đô-la và ký kết thành công một đơn hàng 4 nghìn đô-la mới. Khi tôi chào tạm biệt khách hàng, ông ấy đã nói: ‘Anh thật sự làm tôi ngạc nhiên. Khi anh mới bước vào, tôi không hề có ý định mua bán gì cả. Tôi còn không biết anh cũng là nhân viên bán hàng. Tôi tưởng anh chỉ là kế toán trưởng.’ Đó là đơn hàng đầu tiên của tôi trong suốt sự nghiệp của mình.”

Kế toán viên đó cũng là người tối hôm trước đã mạnh dạn hỏi: “Làm thế nào tôi có thể khiến tiềm thức hoạt động theo ý mình?” Và anh đã được chia sẻ về hoạch định mục tiêu, động lực từ sự bất mãn, sự tự khích lệ và tự ra khẩu hiệu: Phải làm thôi! Anh cũng đã học được rằng phải chọn lấy một mục tiêu cụ thể trước mắt và bắt tay vào thực hiện nó. Và anh cũng học được những điều sau đây:

  1. Bạn sẽ tác động đến tiềm thức bằng cách tự nhắc đi nhắc lại bằng lời. Tiềm thức sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt bởi sự tự ám thị do cảm xúc tác động, hoặc tồn tại cùng cảm xúc.
  2. Sức mạnh lớn nhất mà con người sở hữu chính là sức mạnh của lời cầu nguyện.

Anh đã lắng nghe và dành thời gian để suy ngẫm. Anh ấy liên hệ và thấm nhuần nguyên lý. Anh đã cầu nguyện một cách chân thành, nhún nhường và tôn kính mong được ơn trên dẫn lối. Anh tin mình sẽ được đền đáp, và bởi vì anh có niềm tin nên anh đã được đền đáp. Và khi thành công, anh cũng không quên thốt lên lời cảm tạ từ đáy lòng.

 

Động lực làm nảy sinh Phương pháp và Kiến thức

Trong số những người tham dự hội thảo “Nghiên cứu về Thành công”, có một giảng viên âm nhạc đang “xoay sở” với công việc thu âm bán thời gian tại đài phát thanh hàng đầu tại New York. Một lần, anh ta bước lên và đặt câu hỏi:

“PMA sẽ giúp tôi như thế nào? Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ dám mơ đến mức lương trên 100 đô-la một tuần từ việc dạy nhạc. Điều này là sự thật đối với hầu hết những giảng viên âm nhạc như tôi.”

Tôi trả lời ngay lập tức: “Anh hoàn toàn đúng! Anh sẽ không bao giờ kiếm được nhiều hơn trung bình 100 đô-la mỗi tuần – nếu anh tin vào điều đó. Nhưng nếu anh lựa chọn tin vào 250, 300, 350 đô-la hay bất kỳ con số nào khác, thì điều đó cũng dễ dàng hoặc khó khăn tương đương việc kiếm được 100 đô-la mỗi tuần. Hãy nhớ câu nói nổi tiếng của Napoleon Hill về sự tự động viên: Những gì tâm trí hình dung và tin tưởng, thì tâm trí cũng thực hiện được. Hãy lặp lại câu nói đó thật nhiều lần mỗi ngày. Hãy thét lớn nó cùng với cảm giác và cảm xúc của bạn 50 lần trong buổi tối hôm nay. Sau đó bạn hãy đặt mục tiêu. Hãy đặt mục tiêu thật lớn lao, và biến nó thành hành động! Và hãy cho tôi biết chuyện gì xảy ra sau đó!”

Ba tháng rưỡi sau, người giảng viên đó viết thư cho tôi:

“Tôi đã thoát khỏi cơn mê kể từ khi bắt đầu khóa học PMA. Tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn bao giờ hết. Thu nhập trung bình của tôi trong 10 tuần vừa qua đã đạt xấp xỉ 370 đến 380 đô-la một tuần. Bất kể có làm việc lâu đến đâu chăng nữa, tôi vẫn giữ thái độ vui vẻ và lạc quan mọi lúc mọi nơi.”

Khi người giảng viên đó đặt câu hỏi: “PMA sẽ giúp tôi như thế nào?” anh đã không chỉ nghe thấy câu trả lời – mà anh còn lắng nghe! Khi nghe thấy, bạn không cần tập trung hoặc nhất thiết phải chiêm nghiệm lời người khác nói. Nhưng với lắng nghe, điều đó luôn cần thiết: anh đã lắng nghe thông điệp gửi đến mình. Anh cũng bắt đầu nhận ra và thấu hiểu sức mạnh đang lớn dần của thái độ tư duy tích cực ngay trong cụm từ tin tưởng. Và anh đã vận dụng sức mạnh đó.

Khi viết lá thư trên, anh vẫn đang tiếp tục dạy nhạc, và bản thân anh cũng không khác gì lúc trước. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Ai đã khiến mọi thứ thay đổi? Chính anh, chính anh đã tác động lại lời ám thị. Chính anh đã vận dụng cơ chế tự ám thị như tôi hướng dẫn. Anh đã thay đổi niềm tin của mình từ ‘Không thể’ thành ‘Có thể.’ Anh đã dám vươn đến mục tiêu lớn lao hơn.

Vào buổi trưa nọ, khi một diễn viên nổi tiếng xuất hiện trên đài phát thanh với vai trò khách mời, người giảng viên đã quyết định hành động. Anh đã tự nhủ: Phải làm ngay thôi!

Anh đã vô cùng hào hứng kể về niềm vui của một nhạc công khi tìm thấy tình yêu đối với âm nhạc qua những nhạc cụ biểu diễn thường ngày, đến nỗi ngôi sao nổi tiếng đó phải nài nỉ anh dạy nhạc cho anh ta. Anh ta cũng đồng ý trả anh mức học phí vốn chỉ dành cho những chuyên gia sẵn sàng sắp xếp thời gian giảng dạy sao cho học viên cảm thấy thoải mái và phù hợp nhất.

Nhờ có quan điểm tư duy mới, vị giảng viên đã nhận ra điều cốt lõi và đúc kết phương pháp từ kinh nghiệm. Khi những ngôi sao và khách mời tiếng tăm khác xuất hiện trên đài phát thanh, anh lại kéo họ đến với niềm vui và tình yêu với âm nhạc. Anh nói với họ rằng nếu có người dìu dắt, việc học tập sẽ rất dễ dàng. Anh chỉ cần đơn giản lặp lại cách dẫn dắt giúp anh thành công với nam diễn viên đầu tiên. Và đó chính là phương pháp.

Như vậy, vị giảng viên âm nhạc đã tiếp thu được kiến thức và cải thiện thu nhập của mình. Ngoài việc dạy nhạc, anh còn ấp ủ nhiều dự định khác nhằm tích lũy thêm thu nhập – và do kiên trì tìm kiếm, anh đã tìm thấy điều anh muốn.

 

Hãy là người khởi xướng

“Cứ tìm rồi sẽ thấy,” đó là chân lý của vạn vật. Đó cũng là nguyên lý nhằm tìm kiếm nguồn động lực tự thân vận động, tìm kiếm phương pháp và tìm kiếm kiến thức.

Trong mỗi ví dụ được đưa ra trong chương này, sự ám thị bên ngoài trước tiên sẽ kích thích tư duy của các cá nhân. Những điều bạn nghĩ… những lời bạn nói… những việc bạn làm – đều là tự ám thị. Bạn có khả năng phát động cơ chế tự ám thị từ suy nghĩ của bạn, và khi bạn lặp lại những suy nghĩ đó, đồng thời thường xuyên biến chúng thành hành động, bạn sẽ hình thành nên thói quen. Bằng cách dẫn dắt suy nghĩ, bạn có thể xây dựng và điều khiển những thói quen bạn muốn rèn luyện và thay thế dần những thói quen cũ.

Ví dụ, nếu bạn đang nghĩ đến việc sẽ làm một điều tốt nào đó và nếu bạn biến suy nghĩ này thành hành động bằng cách thực hiện điều đó mỗi khi bạn có suy nghĩ ấy, bạn sẽ nhanh chóng rèn luyện được thói quen làm việc tốt.

Đó là cách bạn phát triển nội lực nhằm tự thúc đẩy chính mình hành động. Hãy dốc toàn lực, bạn sẽ làm được. Bạn có thể phát huy và vận dụng nguồn nội lực ấy để thôi thúc mình làm nên những thành tựu lớn lao.

Hãy giữ sách trên tay, vì kế tiếp bạn sẽ hiểu rằng mình có thể chủ động vận dụng động lực để trở nên giàu có, khỏe mạnh, hạnh phúc và góp phần xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.

Sự thôi thúc mạnh mẽ từ cảm xúc, niềm đam mê, bản năng và những khuynh hướng hành động khác được thừa hưởng từ quá khứ luôn biến đổi của bạn sẽ được khám phá trong phần kế tiếp. Chúng sẽ kích thích những ham muốn bên trong thôi thúc chúng ta hành động – trong đó có cả những việc nên làm và những việc không nên làm.

Đôi khi sẽ có xung đột giữa những ham muốn có chủ đích và những ham muốn còn tồn tại trong quá khứ. Tuy nhiên xung đột đó sẽ được giải quyết nếu ta biết lựa chọn những suy nghĩ đúng đắn, dành thời gian cho những việc thích đáng và lựa chọn môi trường phù hợp. Nhờ đó, chúng ta có thể thỏa mãn trọn vẹn những ham muốn, những dự tính còn tồn tại đó, trước khi có động lực vận dụng chúng nhằm có được một cuộc sống thịnh vượng, an lành mà không lo sợ sẽ phá vỡ những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe nhất.

Dốc toàn lực chính là biểu hiện của nỗ lực nhằm giải phóng sức mạnh vô tận trong tiềm thức của con người. Tuy vậy, tất cả chúng ta đều cần được người khác hỗ trợ và chương tiếp theo sẽ hướng dẫn bạn cách chinh phục sức mạnh đó nhờ động lực, phương pháp và khả năng tiếp thu kiến thức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.