Ngồi Khóc Trên Cây

55.



Cũng như tôi trong lần đầu nhìn thấy khung cảnh bên kia đồi, thằng Thục và bé Loan gần như sững sờ trước những gì đập vào mắt tụi nó.

– Đẹp quá, anh! – Thục xuýt xoa.

Sau những cơn mưa đầu mùa, cây cỏ trong thung lũng xanh ngút mắt. Các loài hoa nở rộ biến rẻo đất giữa hai sườn núi thành một bức thảm màu. Hoa sao chỉ nở vào tháng năm, nhưng ở đây những bông hoa năm cánh trắng muốt vẫn kết thành từng chùm như giăng đèn trên các lối đi. Các loại hoa cúc chi chít dọc bờ nước, thêu lên cỏ những đường viền rực rỡ.

Bọn thú nhỏ tung tăng khắp nơi. Trong không trung, các loại hạt được gió chăm chỉ phân tán đi bốn phương, và bên cạnh tôi, hai đứa em đang say sưa ngắm những cánh bồ công anh cùng với bọ dừa bay thi trong nắng.

Bé Loan khều tay tôi, giọng vẫn còn ngây ngất:

– Em không ngờ chỗ này đẹp thế.

– Ờ.

– Chị Rùa là người duy nhất biết được chỗ này hả anh?

– Ông ngoại chị Rùa nữa.

– Nhưng ông ngoại chị Rùa mất rồi, xem như chỉ còn mỗi chị Rùa…

Bé Loan đang nói bỗng ngưng bặt, gương mặt đang rạng rỡ của nó lập tức se lại. Câu nói hớ của con nhóc làm không khí lập tức chùng xuống.

Thằng Thục quay mặt đi chỗ khác vờ như không nghe thấy.

Tôi đưa tay xoa má, một cử chỉ hoàn toàn vô thức, miệng đột nhiên đắng nghét. Trong một thoáng, tôi không kềm được một cái liếc mắt về phía lạch nước xanh, trong đầu hiện ra hình ảnh ngày nào con Rùa ngồi dưới bóng cây tràm liễu tỉ tê kể cho con nai con nghe câu chuyện về cậu bé thành Padova trong tiếng gió rì rào.

Cây tràm liễu với những bím tóc xanh cài hoa đỏ vẫn còn đó. Vẫn còn đó những bụi thủy trúc um tùm bên bờ nước. Chỉ có con Rùa là vắng bóng.

Con Rùa không chỉ vắng bóng ngày hôm nay. Ngày mai, ngày kia, và rất nhiều ngày về sau nữa con Rùa cũng sẽ không bao giờ trở lại thung lũng thần tiên mà nó phải rất  khó khăn mới đưa được các con thú nhỏ đến đây.

Nó cũng sẽ không bao giờ trở lại với tôi nữa, mặc dù nó từng bảo nó rất thích tôi và cẩn thận dặn tôi chờ nó lớn. Thế mà trong khi tôi chờ nó thì nó chẳng giữ lời. Nó tệ ghê! Nó ra đi, giao lại cho tôi một xấp ngày trống rỗng và vô vị như giao một xấp giấy bạc mà nếu không có nó bên cạnh, tôi thật chẳng biết tiêu vào chuyện gì.

Một con sóc chạy ngang qua trước mặt, chiếc đuôi dài quẹt vào chân tôi kéo tôi ra khỏi những ý nghĩ buồn thảm.

Tôi nhìn hai đứa em, hít vào một hơi, cất giọng rầu rầu:

– Khi anh đi rồi, tụi em nhớ thỉnh thoảng qua đây chơi với bọn thú nhỏ này nhé.

– Dạ.

– Tụi em nhớ đừng cho ai biết lối đi đằng sau thác nước nghe chưa.

– Dạ.

Tôi đặt tay lên vai bé Loan:

– Nhớ thường xuyên qua chơi với bà nội chị Rùa nữa.

– Em nhớ rồi.

Thằng Thục nhìn chăm chăm vào mặt tôi:

– Thế chừng nào anh về lại?

Tôi nhìn bóng cây bạc hà miêu đong đưa trong bóng nắng, ngập ngừng:

– Anh chưa biết nữa.

Bé Loan đột nhiên sụt sịt: 
– Chị Rùa mất rồi, chắc lâu lắm anh mới về. Nói xong, sợ tôi buồn, nó lật đật nói thêm:
– Em nói vậy thôi chứ chừng nào anh nguôi ngoai thì anh hãy về.

Bé Loan mười ba tuổi, tự nhiên bữa nay nói năng y như người lớn. Tôi cảm động vì bất ngờ, chưa biết nói sao, chợt nghe một làn điệu du dương không biết từ đâu thình lình vẳng tới trong gió trưa.

Đó là một âm thanh rất mơ hồ, thoắt có thoắt không, hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng nước chảy và tiếng chim ríu rít. Cũng có thể chính tiếng gió, tiếng nước chảy và tiếng chim ríu rít cùng nhau hòa tấu để dệt nên bản nhạc đó – như thiên nhiên vẫn thường làm thế, nhưng vì đã từng nghe qua bài hát này một lần trí não tôi tức khắc mường tượng ra giai điệu quen thuộc đang chập chờn trong gió:

– Tiếng suối róc rách

Trên cành du sam gầy gò

Con gà lôi, con gà lôi

Đố mày gáy ò ó o…

Như bị ai đánh mạnh vào ngực, tôi thụt lui một lúc hai ba bước, tay chân lạnh đi đột ngột. Ở trong đầu, những ý nghĩ bắt đầu chạy tán loạn.

– Anh làm sao thế? – Thằng Thục chăm chăm nhìn tôi, giọng lo lắng. Bé Loan bám chặt tay tôi, run run hỏi:
– Anh trúng gió hả anh?

Tôi nghe tiếng hai đứa em tôi nhưng óc tôi đang vón cục lại, còn quai hàm thì đã cứng như gỗ. 
Bàng hoàng, mụ mị và gần như không thở được, tôi lặng người mất một lúc. Đến khi bừng tỉnh, tôi vội quay đầu nhìn dáo dác, lòng hoang mang không kể xiết.

Nhưng sau một hồi sục mắt vào các bụi cây, tôi không phát hiện được điều gì khả nghi.

Tôi lao đi như người mất trí.

Một phút sau, tôi đã ở cạnh các hồ nước, nôn nóng quét mắt ra bốn phía. Vẫn không thấy gì ngoài bóng lá rung rinh, tôi phóng một cách điên dại lên mé đồi bên trái nơi rải rác những cây đu đủ hoang, cuống quít tìm kiếm.

Thằng Thục và bé Loan chạy sát đằng sau tôi, té lên té xuống.

– Chạy đi đâu thế anh? – Tiếng bé Loan hoang mang. Tôi thở hổn hển:
– Im nào!

Ngay lúc đó ánh mắt tôi bắt gặp cây bứa dại trên sườn đồi, thế là tôi vội vã chạy lại, bám cành nhánh thoăn thoắt trèo lên.

– A, hóa ra anh đi hái bứa. Anh nhớ hái nhiều nhiều nhé!

Tôi nghe giọng thằng Thục nhưng tiếng reo của nó lập tức trượt khỏi óc tôi, trôi đi xa tít. Tôi không giỏi trèo cây, nhưng lúc đó đột nhiên tôi biến thành con sóc.

Khi leo gần tới ngọn, tôi đứng kiễng chân trên chạc ba cao nhất. Một tay ôm vòng lấy thân cây cho khỏi ngã, tay kia vẹt các cành lá lòa xòa trước mặt, tôi căng mắt cẩn thận nhìn quanh, cố không bỏ sót một xó xỉnh nào.

Vẫn không có bóng người nào lọt vào mắt tôi. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.