Ngũ Luân Thư
PHONG CHI QUYỂN
Dẫn nhập
Biết được đạo binh pháp của các lưu phái khác.
Trong binh pháp, ngươi phải biết được cách thức của các môn phái khác. Do đó, ta viết về các truyền thống khác nhau về binh pháp trong quyển “Phong” này.
Nếu không biết phương thuật của các môn phái khác thì khó lòng hiểu được tinh túy của môn phái Nhất Lưu của ta.
Có thể thấy trong binh pháp một vài môn phái là chuyên về kỹ thuật dùng sức mạnh và sử dụng những cây trường kiếm đặc biệt. Những môn phái khác thì nghiên cứu cái Đạo của đoản kiếm được gọi là Kodachi. Một số môn phái truyền thụ lượng lớn chiêu thức kiếm thuật điêu luyện, họ dạy những tư thế kiếm như là “biểu” và cái Đạo như là “lý”.
Trong tất cả những môn phái đó, không phái nào là chân đạo như ta sẽ trình bày một cách minh xác trong quyển này từng điểm đúng – sai, xấu – tốt. Môn phái Nhất Lưu của ta thì khác. Các trường phái khác xem những thành đạt của họ là phương tiện sinh tồn, họ trồng hoa và tô màu diêm dúa nhằm bán chúng.
Hơn nữa, một số binh gia trong thiên hạ chỉ lưu tâm đến việc huơ đao múa kiếm và giới hạn sự tập luyện vào việc luyện kiếm pháp và thân pháp. Thế nhưng chỉ nguyên sự điêu luyện có đủ để chiến thắng hay không? Đó không phải là tinh hoa của Đạo.
Điều đó hoàn toàn không phải là cái Đạo binh pháp của ta.
Ta đã ghi lại rành rẽ từng điểm ngắn gọn các bất thông của các môn phái khác trong tập sách này. Ngươi phải đào sâu các vấn đề này để thấy được lợi ích của môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu.
Các môn phái khác sử dụng Đại trường kiếm
Một vài môn phái có khuynh hướng thích sử dụng đại trường kiếm. Trong binh pháp của ta sẽ thấy được những yếu điểm binh pháp các môn phái khác.
Theo quan điểm binh pháp của ta thì chúng không hiểu được giá trị nguyên lý chém địch bằng mọi cách. Sở thích của họ là đại trường kiếm và dựa vào ưu điểm của chiều dài, họ nghĩ là có thể đánh địch ở một khoảng cách xa. Thiên hạ thường hay nói “Hơn một tấc cũng lợi thế cho ta”, nhưng đó là những từ vô bổ của những kẻ chưa hề biết đến binh pháp.
Nếu người ta phải lệ thuộc vào chiều dài của thanh kiếm để chiến đấu từ xa mà không cần đến cái diệu vợi của binh pháp, thì điều đó chứng tỏ sự thấp kém của binh pháp nơi những con người có tinh thần nhu nhược.
Ta thiết nghĩ là cũng có trường hợp môn phái nào đó thích đại trường kiếm như là một phần trong đạo lý của mình, nhưng nếu đem so với cuộc sống thực tế thì điều đó thật phi lý.
Chắc hẳn chúng ta sẽ không nhất định bị đánh bại nếu chúng ta sử dụng đoản kiếm mà không có đại trường kiếm. Thật khó cho những người sử dụng đại trường kiếm khi phải chém kẻ địch lúc cận chiến vì kiếm họ dài. Đường kiếm đi rất rộng do đó đại trường kiếm sẽ trở thành bất tiện, và kiếm sĩ sẽ bị yếu thế đối với một kẻ được trang bị bằng trường kiếm.
Hơn nữa, có người thể lực bẩm sinh đã yếu ớt, chỉ riêng việc nâng đại trường kiếm đã tốn bao nhiêu sức lực, càng không nói đến việc dùng nó để chiến đấu. To nhỏ dài ngắn chỉ là một khái niệm tương đối, mỗi thứ đều có ưu điểm riêng, coi nó là cách duy nhất để giành chiến thắng thì thật là ngu xuẩn.
Từ ngàn xưa đã có câu “Tiểu đại đồng hành”. Do đó, ngươi đừng chê ghét các đại trường kiếm một cách võ đoán. Điều ta không thích là tinh thần sai lệch khiến người ta nghiêng chiều theo việc sử dụng trường kiếm.
Khi ta suy về đại thể binh pháp, ta có thể nghĩ đến các đạo quân lớn như những trường kiếm và xem những toán binh nhỏ với đoản kiếm. Một số ít người có thể lâm trận với số đông chăng? Đã có nhiều trường hợp trong đó số ít thắng số nhiều.
Binh pháp của ngươi sẽ không có giá trị gì nếu tâm hồn ngươi thích sử dụng trường kiếm trong khi ngươi phải chiến đấu ở một nơi chật hẹp, hoặc nếu ngươi ở trong một ngôi nhà mà chỉ được trang bị bằng một đoản kiếm. Mặt khác, có người không có được sức khỏe của những kẻ khác để sử dụng đại trường kiếm.
Trong pháp môn của ta, ta không ưa những đầu óc hẹp hòi, thiển cận. Ngươi phải nghiền ngẫm điều này.
Quan niệm sức mạnh của trường kiếm trong các kiếm phái khác
Ngươi đừng nói trường kiếm này mạnh, trường kiếm kia yếu. Nếu ngươi vung trường kiếm với ý nghĩ mạnh bạo, nhát chém của ngươi có thể trở thành thô thiển, nếu ngươi sử dụng kiếm một cách thô thiển thì sẽ rất khó khăn để chiến thắng.
Nếu ngươi bận tâm về sức mạnh của kiếm ngươi, ngươi sẽ cố sức chém quá mạnh và rồi sẽ chẳng chém được gì cả. Cố tình chém thật mạnh khi thử một thanh kiếm cũng là điều không nên làm.
Mỗi khi đấu kiếm với địch, ngươi đừng nghĩ đến việc chém y một cách mạnh mẽ hay yếu đuối. Hãy chỉ nghĩ đến việc chém và sát thủ. Phải tập trung ý nghĩ vào việc là phải giết kẻ địch. Đừng tìm cách chém mạnh, và lẽ tất nhiên ngươi cũng đừng nghĩ đến việc chém một cách yếu ớt. Ngươi chỉ chú tâm vào việc là hạ kẻ địch.
Nếu ngươi chỉ ỷ vào sức mạnh khi ngươi chạm vào kiếm kẻ địch, nhất định ngươi sẽ dốc sức đánh thật mạnh. Mà nếu làm như vậy thì kiếm của ngươi sẽ bị lệch qua bên. Cho nên, lời tục: “Kẻ mạnh tất thắng” chẳng có ý nghĩa gì.
Trong các cuộc hợp chiến quy mô lớn, nếu ngươi nắm giữ một đội quân hùng hậu và dựa vào sức mạnh để chiến thắng trong khi địch quân cũng hùng hậu thì chiến trận sẽ khốc liệt cho cả hai bên. Nếu không áp dụng nguyên lý chính xác thì cuộc chiến sẽ không thể thắng được.
Tinh thần của môn phái ta là chiến thắng với sự khôn ngoan của binh pháp mà không lưu tâm tới tiểu tiết. Ngươi phải nghiên cứu kỹ lưỡng điều này.
Các môn phái khác sử dụng đoản kiếm
Sử dụng đoản kiếm không phải là chân đạo để chiến thắng.
Thời xa xưa, thái đao (tachi) và kiếm (katana) có nghĩa là trường kiếm và đoản kiếm. Những kẻ có thần lực trên thế gian có thể múa một cách nhẹ nhàng ngay cả trường kiếm. Do đó, họ không có lý gì để thích đoản kiếm. Họ cũng có sử dụng chiều dài của thương và kích. Một số người sử dụng đoản kiếm với chủ tâm nhập nội và đâm đối phương vào lúc y không phòng bị mà vung kiếm. Khuynh hướng này không đúng.
Tay cầm đoản đao, nhắm vào đối thủ trong lúc không phòng bị là việc có tính cách hoàn toàn phòng ngự và không nên làm khi cận chiến với kẻ địch. Hơn thế nữa, ta không thể dùng phép nhập nội với một thanh đoản kiếm nếu đối đầu với nhiều địch thủ.
Có người nghĩ rằng nếu họ động thủ chống lại nhiều kẻ địch với một thanh kiếm ngắn, họ có thể vung kiếm tả xung hữu đột một cách thong dong. Thế nhưng họ còn phải đỡ các nhát kiếm một cách liên tục và có khả năng bị đối phương dồn vào thế bí. Điều này không mấy thích hợp với binh pháp chân chính.
Con đường chắc chắn chiến thắng là truy đuổi kẻ địch triệt để khiến y phải hoang mang tránh né, trong khi ta vẫn có một thân pháp vững chãi. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho đại thể binh pháp. Yếu lý của binh pháp là tràn ngập đối thủ bằng quân số và đánh chúng ngã gục một cách thần tốc.
Bằng cách nghiên cứu binh pháp, thiên hạ có thể làm quen với phản công, tránh né và lui quân như một việc bình thường. Họ trở nên quen thuộc với lề thói ấy, do đó, họ dễ bị kẻ địch dẫn dụ. Cái đạo của binh pháp luôn chân chính: ta phải truy đuổi đối thủ và bắt chúng phục tùng theo ý định của ta. Hãy nghiền ngẫm điều này cho kỹ.
Các môn phái khác sử dụng trường kiếm
Theo ta nghĩ, các môn phái khác khoa trương nhiều phương thuật sử dụng trường kiếm khác nhau nhằm làm mờ mắt những tay kiếm còn non nớt. Như thế nghĩa là buôn thần bán thánh. Một tinh thần như vậy trong kiếm pháp là đê tiện.
Vì thế việc tranh luận về những cách thức khác nhau để chém giết là một sai lầm. Trước hết, chém giết không phải là nhân đạo.
Đối với người biết chiến đấu và những người không biết chiến đấu thì chém giết vẫn là chém giết. Đối với phụ nữ và con nít cũng vậy, và không có nhiều cách thức khác nhau để chém giết. Ta có thể nói về những cách thức khác nhau như đâm hoặc chém, nhưng không có cách nào ngoài những cách đó.
Dù sao, chém xả đối thủ vẫn là cái Đạo của kiếm pháp và người ta không cần quá cầu kỳ về vấn đề đó.
Dù vậy, tùy theo vị trí, trường kiếm của ta có thể bị cản trở về phía trên hoặc hai bên. Do đó, ngươi phải biết cầm kiếm cách nào để có thể dụng nó. Có năm phương thuật nhằm về năm hướng.
Ngoài năm phương thuật đó các cách khác như xoay tay, cong người, nhảy ra… để chém đối thủ – là không đúng với chân đạo binh pháp. Ngươi không cần phải có chiêu thức cầu kỳ. Điều đó là hoàn toàn vô ích.
Trong kiếm pháp của ta, hãy giữ cho tinh thần và thể xác ngay ngắn và khiến cho kẻ địch phải khom người xoay lưng. Để chiến thắng cần phải có một tinh thần tấn công khi tâm trạng của kẻ địch bị hoảng loạn. Ngươi phải nghiên cứu kỹ lưỡng điều này.
Sử dụng thế thủ với trường kiếm trong các môn phái khác
Coi các thế thủ với trường kiếm quá quan trọng là một cách suy nghĩ lệch lạc.
Điều mà thiên hạ xem là thế thủ thường chỉ áp dụng khi không có địch thủ. Lý do là nó được truyền lại từ thời xưa, và trong lúc động thủ thì sẽ không có vấn đề: “Đây là phương thuật mới để làm việc đó”. Trong chiến đấu, ta chỉ việc dồn kẻ địch vào những tư thế bất lợi.
Thế thủ là dành cho những trường hợp trong đó ta không để mình phải di chuyển. Nó dành cho các thành lũy, các thế trận… nhằm chứng tỏ một tinh thần vững mạnh có thể chống lại một cuộc tấn công vũ bão. Thế nhưng, trong cuộc tỉ thí giữa hai người, ta phải luôn luôn tìm cách giành thế thượng phong và tấn công liên tục. Thủ thế là tinh thần chờ đợi tấn công. Ngươi phải nhận định được việc này.
Trong các trận thư hùng, ngươi phải làm cho thế thủ của đối phương mất ổn định. Hãy tấn công ở điểm mà tinh thần y buông thả, dồn y vào thế lúng túng khiến y mất trí và khiếp đảm. Hãy lợi dụng khi đối phương mất phối hợp và bị hỗn loạn thì ngươi có thể chiến thắng.
Ta xem nhẹ tinh thần tự vệ được gói ghém trong thế “thủ”, do đó, trong kiếm pháp của ta có một thức gọi là “thức vô thủ”.
Trong các cuộc hỗn chiến quy mô lớn, khi ta triển khai quân binh, cần phải luôn luôn ý thức lực lượng của ta, quan sát quân số của địch và ghi nhận mọi chi tiết trên trận địa. Đó là điểm phát khởi trên một trận chiến.
Tinh thần tiên hạ thủ hoàn toàn trái ngược với tinh thần thủ bị. Tiến công ào ạt với một tư thế dũng mãnh và chống đỡ cuộc tấn công của địch một cách kiên quyết. Điều đó cũng giống như xây thành lũy bằng thương, bằng kích. Khi ngươi tấn công đối phương, tinh thần của ngươi phải đạt đến mức như rút cọc ra khỏi một bức tường để dùng chúng làm kích, làm thương. Ngươi phải thẩm xét điều này.
Nhãn pháp trong các môn phái khác
Một vài môn phái chủ trương là mắt phải chú mục vào trường kiếm của địch. Một số môn phái khác thì chú mục đến tay đối thủ. Một số lại tập trung vào mắt hay giữa mặt, còn một số lại muốn để mắt đến chân đối thủ… Nếu ngươi chú mục vào các điểm đó thì tinh thần ngươi sẽ bị dao động và đường kiếm ngươi sẽ bị rối loạn.
Ta sẽ giải thích điều này một cách chi tiết. Các cầu thủ không dán mắt của họ vào quả bóng nhưng với tài nghệ trên cầu trường họ có thể trình diễn vô cùng tuyệt diệu. Khi ta đã thành thuộc với một công việc, ta không còn hạn chế bởi việc sử dụng đôi mắt.
Những nghệ sĩ tung hứng điêu luyện có thể tung hứng nhiều thanh kiếm hay giữ thăng bằng một tấm ván cửa trên đầu mũi mình. Họ có thể thực hiện những tuyệt kỹ như vậy mà không cần phải chú mục vào các đồ vật đang đong đưa hay bị tung hứng vì họ đã thành thục và có thể thấy chúng mà không cần tập trung chú mục.
Trong đạo binh pháp ta có thể thấy rõ khoảng cách và tốc độ của đường kiếm đối phương một cách tự nhiên nếu ta đã từng trải với những cuộc tỉ thí và hiểu được tinh thần của đối thủ và kiện toàn binh pháp.
Trong binh pháp thông thường người ta xem tinh thần của đối phương như là chủ điểm của nhãn pháp. Trong đại thể binh pháp, mục tiêu nhìn của ta phải là lực lượng của đối thủ.
Hai phương thuật nhìn là quan và kiến. Quan là nhằm tập trung hoàn toàn vào tinh thần của đối thủ, nhận xét được các điều kiện của trận địa, mục kích mãnh liệt, theo dõi chuyển biến của trận chiến và các biến đổi của thế trận. Đó là con đường chắc chắn để chiến thắng.
Trong một cuộc tỉ thí, ngươi không nên quá tập trung nhìn vào các chi tiết. Như ta đã nói, nếu ngươi dán mắt vào các chi tiết và quên đi việc chính yếu, tinh thần ngươi sẽ bị chao đảo và chiến thắng sẽ vuột khỏi tầm tay. Ngươi hãy tìm hiểu sâu xa nguyên lý này và miệt mài luyện tập.
Bộ pháp trong các môn phái khác
Có nhiều phương thuật khác nhau để sử dụng đôi chân: phù bộ, phi bộ, khiêu bộ, đạp bộ, ảo bộ và những bộ pháp khinh linh khác. Theo binh pháp của ta, hết thảy đều bất túc.
Ta ác cảm với phù bộ, vì đôi chân có khuynh hướng chấp chới trong chiến đấu. Đạo binh pháp phải có bộ pháp vững vàng.
Ta cũng không ưa phi bộ, vì tạo thói quen nhảy nhót và một tinh thần vọng động. Dù khinh công cao diệu tới đâu thì cũng chẳng mấy hợp lý. Nên chi, phi bộ quả là thô lậu!
Khiêu bộ khiến cho tinh thần phiêu bồng, bất định, không cương quyết.
Đạp bộ là một phương thuật diên trì mà ta ghét thậm tệ.
Ngoài ra, còn nhiều bộ pháp linh hoạt khác như ảo bộ…
Thảng hoặc, ngươi có thể gặp địch thủ nơi đầm lầy, ao tù, nước đọng, nơi sỏi đá gập ghềnh hay tiểu lộ chật hẹp khiến không thể di hình chuyển bộ một cách thần tốc.
Trong đạo binh pháp của ta, bộ pháp vẫn là bất biến. Ta vẫn cử bộ như vẫn thường làm trên đường. Đừng để loạn bộ pháp. Tuỳ vào tiết điệu của kẻ địch mà di chuyển khi nhanh khi chậm, đồng thời với thân pháp thích hợp.
Trong chiến đấu với quy mô lớn, việc di chuyển quả là rất quan trọng. Là vì, nếu ngươi tấn công một cách thần tốc và khinh suất mà không nắm được tinh thần của bên địch, nhịp tiến quân của ngươi sẽ bị rối loạn và ngươi không có cơ thủ thắng.
Hoặc giả, ngươi tiến quá chậm, ngươi sẽ không tận dụng được ưu thế khi địch bị rối loạn quân cơ, và thời cơ chiến thắng sẽ vuột mất, ngươi sẽ không thể kết thúc cuộc chiến một cách chóng vánh được. Ngươi phải thắng bằng cách khai thác được tình huống hoảng loạn của địch và không để cho chúng một cơ may nào để phục hồi thanh thế cũ. Ngươi phải thực thi pháp này một cách triệt để.
Tốc độ trong các binh pháp khác
Tốc độ nhanh vốn không ở trong chân đạo binh pháp, nó nghiễm nhiên ngụ ý là sự vật có tốc độ nhanh hoặc chậm tùy theo chúng có đúng tiết điệu hay không. Dù trong bất cứ môn phái nào, thì bậc thầy trong binh pháp cũng không để lộ ra mình bị thúc bách, nóng vội.
Chẳng hạn có những người đưa thư chạy được bốn mươi hoặc năm mươi dặm một ngày. Họ không chạy với tốc độ nhanh từ sáng tới tối. Một người đưa thư tập sự có thể chạy suốt cả ngày nhưng anh ta không tài nào vượt được một chặng đường dài.
Trong vũ đạo, những nghệ sĩ cừ khôi có thể vừa ca vừa vũ, nhưng những kẻ mới nhập môn thì sẽ ca vũ một cách thô thiển và tâm trí họ thường bị rối rắm.
Điệu “Cổ Tùng ca” vỗ nhịp trên mặt trống nghe thật êm ả dìu dặt, nhưng khi những kẻ tập sự thi triển thì nghe thật nặng nề, rối loạn. Kẻ điệu nghệ có khả năng chơi theo tiết tấu nhanh mà nhịp phách vẫn không mang vẻ hối hả. Nếu tiết tấu của ngươi quá nhanh ngươi cũng bị lạc phách. Lẽ tất nhiên, lỗi nhịp là điều không nên. Những tay thiện nghệ không hề bị lạc phách, và luôn luôn khoan thai, không bao giờ tỏ ra rối trí. Ngẫm việc này, từ từ sẽ nhận ra cách đơn giản để đạt được đến Đạo.
Đặc biệt, tốc độ nhanh trong Đạo binh pháp chẳng qua là một khiếm khuyết. Là vì, tùy vào địa thế ao hồ hay đầm lầy, ngươi có thể không chuyển động thân pháp hay bộ pháp một cách nhẹ nhàng mau lẹ được.
Lại càng không thể vung kiếm chém nhanh, trong trường hợp ngươi sử dụng trường kiếm. Nếu ngươi tìm cách chém nhanh như đang sử dụng một cây quạt hoặc một thanh đoản kiếm, ngươi sẽ chẳng thể vung kiếm chém. Ngươi hãy nghiền ngẫm sâu sắc điều này.
Trong các cuộc hợp chiến quy mô lớn cũng tương tự như vậy, không nên để thần trí bị thúc bách, khẩn cấp mà như lúc vung tay ấn gối, nhờ vậy, không phải đợi lâu dù chỉ trong giây khắc.
Thảng hoặc khi đối thủ ngươi bồn chồn, hối hả thì ngược lại, ngươi phải bình tâm, tự tại. Đừng để kẻ địch tác động lên tâm trí. Ngươi phải chuyên tâm tu luyện để đạt được điều đó.
Áo biểu trong các lưu phái khác
Trong Binh pháp cái gì là biểu, điều gì là áo?
Thói quen trong các môn võ thường khoa trương nội hàm với nào là bí truyền nội gia và môn ngoại, thế nhưng khi lâm trận, chẳng hề có chuyện quyết đấu bên ngoài hoặc phạt kiếm bên trong.
Khi truyền thụ đạo binh pháp, thoạt tiên ta luyện cho môn đồ những chiêu thức dễ học nhất, những đạo lý dễ hiểu nhất. Nhiên hậu mới nghĩ đến việc dẫn giải các nguyên lý thâm sâu, các điểm khó lĩnh hội hơn, tùy theo nhịp tiến của môn sinh. Với bất kỳ biến cố nào, do Đạo chỉ có thể thu nhận được qua thể nghiệm bản thân, ta không thể lý hội tới “nội, ngoại”.
Nơi cõi dương trần này, nếu ngươi tiến vào nơi thâm sơn cùng cốc, và cứ thế mà vào sâu hơn, sâu mãi, rốt cuộc rồi ngươi cũng ra nơi cửa rừng.
Dù ở pháp môn nào cũng có tâm ấn (dành cho kẻ tâm phúc) và ngoại gia công phu. Ta khó thể phân định được cái “ảo” và cái “biểu” trong Đạo binh pháp.
Do vậy, ta không màng khép Đạo của ta vào trong những môn quy và pháp giới. Cảm nhận được tâm địa và tài trí của môn sinh, ta trực truyền cho chúng binh pháp của ta, gột rửa những dấu ấn tác hại của các môn phái khác nơi chúng và từng bước dẫn dắt chúng trên con đường chân võ đạo.
Phương cách ta truyền dạy binh pháp là làm với tâm thành. Hãy lo chuyên tâm mà luyện.
Lời bạt cho Phong Chi Quyển
Trong chín đoạn trên, ta đã cố ghi lại đường nét chính của các lưu phái khác. Khả dĩ ta sẽ tiếp tục chỉ ra những đặc thù của từng môn phái, từ nhập môn đến tâm ấn. Thế nhưng ta tránh nêu đích danh các lưu phái và những tâm pháp của họ. Thêm nữa là mỗi hệ phái đều có lối lý giải của họ về các nguyên lý. Mà khi quan điểm đã khác nhau thì kiến giải càng khác nhau về cùng một sự thể. Do vậy, quan kiến của mình không nhất thiết linh nghiệm đối với mọi lưu phái.
Ta đã chỉ ra cương lĩnh của các môn phái khác trong chín đặc điểm khác nhau. Nếu xét chúng từ một quan điểm chính trực, ta có thể nhận ra là chúng thường có khuynh hướng là chuộng trường kiếm hoặc chân kiếm, và bận tâm về lực lượng hay khí lực trong đại thể binh pháp hoặc trong một cuộc tỉ thí. Ngươi có thể lý hội tại sao ta miễn bàn về pháp môn của các môn phái khác.
Đối với môn phái trường kiếm Nhị Thiên Nhất Lưu của ta, chẳng hề có nội môn và ngoại biểu. Trong các chiêu thức kiếm cũng chẳng có thâm ý sâu xa. Ngươi chỉ cần giữ tâm chính trực để thực thi võ đức binh pháp.
Ngày Mười hai tháng Năm
năm Chính Bảo thứ hai (1645).
SHINMEN MUSASHI Teruo Magonojo
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.