Người đàn ông lịch lãm
Chương 5 – Người đàn ông lịch lãm đi dự tiệc
Một người đàn ông lịch lãm không từ chối các lời mời dự tiệc.
Một người đàn ông lịch lãm không bao giờ là người cuối cùng rời khỏi bữa tiệc, anh ta cũng không nên là người đầu tiên tới bữa tiệc.
Một người lịch lãm không gọi điện thoại đường dài ở nhà một người khác.
Một người lịch lãm hiểu rằng quy định về trang phục được ghi trên thiếp mời. “Trang phục thường ngày” thay đổi theo mùa: quần soóc và áo thun vào mùa hè, quần jeans và áo len vào mùa đông.
“Trang phục công sở” yêu cầu mặc áo sơ mi và áo khoác nhẹ. “Trang trọng” yêu cầu áo vét đen và cà vạt. “Lễ phục tối” chỉ rõ phải mặc áo complê đen và các phục trang kèm theo: một áo lót trong hoặc thắt lưng đi kèm dạ phục, khuy cửa tay và khuy trang trí, một áo sơ mi trắng đẹp, và một đôi giày đen được đánh xi bóng. “Nơ bướm màu trắng” yêu cầu y phục cầu kỳ nhất, đầy đủ nhất với áo khoác đuôi tôm và đôi giày nhảy bằng da thuộc tinh xảo.
Một người đàn ông lịch lãm không dựa vào lưng ghế khi ngồi.
Cách đáp lại một lời mời
Một người đàn ông lịch lãm không chần chừ khi đáp lại một lời mời. Nếu anh ta thấy có in chữ RSVP1 anh ta sẽ đáp lại bằng điện thoại hoặc bằng thư. Ký hiệu RSVP yêu cầu anh ta trả lời có tới dự sự kiện đó được hay không. Nếu giấy mời ghi “hãy đáp lại nếu không đi được” anh ta sẽ thông báo ngay cho chủ bữa tiệc nếu không thể đến dự. Một người lịch lãm hiểu rằng không cho người mời biết ý định của mình là một điều hết sức không tế nhị.
Nếu một người lịch lãm bắt buộc phải từ chối một lời mời, anh ta nói thẳng lý do của mình. “Tôi đã có hẹn trước”, “Tôi có khách từ xa tới” và “Tôi lên kế hoạch đi nghỉ đúng ngày đó” là những lý do hoàn toàn có thể chấp nhận.
Người lịch lãm không đặt điều kiện khi chấp nhận một lời mời. Anh ta không hỏi, “Ông bà dự kiến đãi món gì?” hay “Có ai khác đến dự tiệc nữa?” Anh ta vui vẻ chấp nhận lời mời và cho rằng một người lịch sự có thể thoải mái với bất cứ ai và bất cứ lúc nào.
Nếu thiếp mời có ghi “RSVP”, một người lịch sự luôn luôn trả lời và nói rõ anh ta có muốn đến dự sự kiện đó hay không.
Khi một người đàn ông lịch lãm phát hiện ra rằng, anh ta có thể đến dự một bữa tiệc mà mình đã trót từ chối trước đó, anh ta sẽ gọi cho chủ nhà và hỏi liệu mình có thể tới dự hay không?
Một khi người lịch sự phát hiện ra rằng, anh ta cần từ chối một lời mời mà lỡ đã chấp nhận rồi, anh ta nhanh chóng thông báo cho chủ bữa tiệc biết điều đó. Anh đưa ra lời giải thích thẳng thắn cho sự thay đổi của mình và chân thành xin lỗi.
Khi một người lịch sự nhận được nhiều lời mời trên máy trả lời tự động của mình, anh ta luôn nhận lời mời đầu tiên. Ngay cả trong trường hợp thư thoại, rất nên tránh việc cân nhắc giữa các lời mời với nhau.
Nếu trên thiếp mời có ghi “thông báo nếu không thể tới dự”, một người lịch sự sẽ nhanh chóng báo cho chủ nhà biết anh ta có định tới dự hay không.
Đi dự tiệc
Một người đàn ông lịch lãm biết rằng chấp nhận một lời mời giống như ký kết một hợp đồng làm ăn. Người chủ hứa sẽ đãi khách còn anh ta đồng ý làm phần việc của mình để cho bữa tiệc thành công. Anh ta tới đúng giờ – không tới sớm cũng không tới muộn quá 15 phút. Anh ta tham gia các hoạt động được chủ nhà lên kế hoạch, và trò chuyện thoải mái với những người khách khác.
Anh ta không cố ăn nhiều nhưng khi được mời anh ta sẽ ăn thêm. Anh ta không uống say sưa ở bàn bày đồ uống.
Khi bữa tiệc đến hồi kết thúc, anh ta ra về với phong thái lịch sự, cảm ơn chủ nhà và chào tạm biệt những người bạn mới quen.
Người lịch lãm không đưa theo bạn tới một bữa tiệc nếu anh ta không chắc chắn là chủ nhà muốn thế. Nếu trong thiếp mời không ghi “cùng người thân” thì anh ta không được phép mang theo một người khác.
Khi một người được phát thẻ tên, anh ta luôn đeo thẻ tên của mình. Tại bữa tiệc, một người lịch sự không dành hết thời gian để nói chuyện chỉ với một người. Anh ta luôn hào hứng gặp gỡ càng nhiều người càng tốt và anh ta tin rằng rất nhiều người cũng thích gặp gỡ anh ta.
Nếu người lịch sự không thấy gạt tàn thuốc lá thì anh ta sẽ không hút thuốc – và anh ta cũng không hỏi chủ nhà liệu mình có thể hút thuốc hay không. Nếu bắt buộc phải châm thuốc anh ta sẽ bước ra ngoài.
Người lịch lãm luôn dùng lót ly. Trong nhà vệ sinh, người đàn ông lịch lãm không cần phải gấp hay xếp ngay ngắn lại khăn, nếu không người khác sẽ không biết là nó đã được dùng rồi.
Một người lịch lãm sẽ dùng thêm nếu chủ nhà mang thêm thức ăn nhưng sẽ không ăn hoặc uống một mình.
Người lịch lãm không bao giờ cảm thấy rất chán người ngồi cạnh mình, cũng như không bao giờ để người cạnh mình cảm thấy chán.
Một người lịch lãm có thể không biết nhảy điệu Samba, nhưng anh ta nên biết vài điệu nhảy.
Trừ khi được yêu cầu, người lịch lãm không tự động mở nhạc cũng như không đụng vào đĩa CD của người khác.
Nếu người lịch sự tới một bữa tiệc riêng và phát hiện thấy có người hỗ trợ đậu xe, anh ta đậu xe vào hàng và đợi cho đến lượt mình. Khi tiến đến gần cửa nhà của chủ bữa tiệc, người lịch lãm để cho người phục vụ mở cửa xe – cho cả anh ta và người cùng đi. Người lịch lãm không quên để lại chìa ở ổ khóa và sẽ chuẩn bị tiền boa trước khi ra về.
Người lịch sự luôn mang tiền giấy (đô la) trong túi. Anh ta không thể biết trước là khi nào mình cần boa người phục vụ. Anh ta cũng không quên có vài đồng lẻ để giúp đỡ người khác khi họ phải chi tiền boa mà chưa kịp chuẩn bị.
Khi người lịch lãm đi cùng với một phụ nữ, là mẹ, là vợ, là người yêu hay là sếp, là bạn và họ đang đi qua một căn phòng đông người, anh ta đi lùi ra phía sau một chút.
Một người lịch sự không phá hỏng bữa tiệc.
Một người lịch sự luôn đúng giờ trong những dịp giao tiếp xã giao. Nếu có tiệc cocktail nho nhỏ trước bữa ăn tối, anh ta có thể tới muộn tối đa là 30 phút. Tuy nhiên nếu anh ta được mời đến ăn tối thì chỉ muộn 15 phút anh ta cũng gọi điện báo trước để mọi người bắt đầu bữa tiệc.
Khi nào nên mang quà
Khi một người được mời tới nhà người khác – để ăn tối hoặc một bữa tiệc nhân kỷ niệm ngày lễ nào đó, hoặc tới ở qua đêm – anh ta nên mang theo một món quà. Đối với bữa tiệc tối, anh ta mang theo một bó hoa hoặc một chai rượu vang (không ướp lạnh, để người chủ có thể biết được đó là một món quà và không định dùng kèm bữa tối). Đối với bữa tiệc nhân ngày lễ, anh ta mang theo một lọ mù tạt, một ít mứt, một chai whisky, một hộp lạc hoặc một gói cà phê hột. Nếu anh ta được mời tới chơi một đêm hoặc có thể lâu hơn – một người lịch sự sẽ mang theo một món quà lớn như khăn cocktail hoặc cái mở chai hoặc một đồ bếp nho nhỏ.
Một người lịch sự luôn trao quà trực tiếp cho chủ nhà. Dù đã mang theo quà, anh ta vẫn gửi lời cảm ơn tới chủ nhà ngay khi có cơ hội.
nâng cốc chúc mừng
Trong đời mình, một người có thể được mời tới nhiều đám cưới, lễ kỷ niệm ngày cưới, tiệc sinh nhật hay các sự kiện khác. Đôi lúc, không thể tránh được người lịch lãm phải nâng ly chúc mừng và khi người khác mời, anh ta không từ chối. Tuy nhiên, anh ta không nhất thiết phải “đọc diễn văn” sau bữa tối hoặc trình diễn một tài lẻ của mình. Anh ta có thể nói những câu đơn giản như: “Joe, tôi tự hào gọi cậu là bạn.” Hoặc anh sẽ kể một vài kỷ niệm đã có với nhân vật chính của bữa tiệc, hoặc nếu tự tin với khả năng hài hước của mình, anh ta có thể nói vài câu châm biếm nhẹ nhàng. Người lịch lãm không làm cho nhân vật chính phải bối rối bẽ bàng. Một người lịch lãm luôn nhớ rằng việc chúc mừng diễn ra rất dài, nên tốt nhất là luôn ngắn gọn, súc tích.
Khi người khác đang chúc mừng nhân vật chính, một người lịch lãm dù không uống rượu vẫn phải nâng cốc. Anh ta không bao giờ nâng ly trống vì ngay cả một ly nước được nâng lên để chúc mừng cũng biểu lộ một lời chúc may mắn.
Ngay cả khi một người lịch sự mang theo một chai rượu vang tới, anh ta vẫn viết thư cảm ơn.
Sau khi chúc mừng, người lịch sự cụng ly với bất cứ chiếc ly nào hướng về phía anh ta.
Người lịch sự tỏ ra thân thiện với người phục vụ đồ uống nhưng không nhất thiết phải chi tiền boa. Đó là việc của chủ nhà.
Khi nào viết thư cảm ơn
Một người lịch sự luôn viết thư cảm ơn sau khi dự bất kì bữa tiệc nào. Dù anh ta đã mang hoa hay mang món thịt hầm tới một bữa tiệc góp2, anh ta vẫn phải tỏ lòng biết ơn. (Đoá hoa có ý nghĩa: “Cảm ơn vì đã mời tôi”, thư cảm ơn lại mang ý nghĩa: “Cảm ơn, tôi thực sự đã rất vui”, đó là hai chuyện khác nhau.) Nếu anh ta đã mua hoa hoặc rượu, thư cảm ơn không cần chuyển ngay. Nếu buổi tối hôm đó không vui, hoặc nếu ra về sớm, anh ta luôn có thể nói: Tôi thực sự phải nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới. Hoặc anh ta có thể nói: “Bữa tối rất ngon, tôi đã nếm tất cả các món ăn.” Người chủ không nhất thiết phải đáp lại một thư cảm ơn.
1. RSVP: Viết tắt một cụm từ tiếng Pháp, có nghĩa là Please reply – xin vui lòng trả lời.
2. Potluck dinner.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.