Người Đức Dạy Con Trên Bàn Ăn
1. Ăn uống đúng cách không hề khó
Trong chương này, bạn sẽ biết:
-
Những kinh nghiệm liên quan tới chủ đề ăn uống dành cho bố mẹ và con cái
-
Bàn luận với bác sĩ về những vấn đề ăn uống
-
Ăn uống phụ thuộc vào những nguyên tắc nào?
-
Tại sao trẻ biết được mình cần gì và cần bao nhiêu thì đủ?
-
Giáo dục và di truyền đóng vai trò gì?
-
Biểu đồ cân nặng trong sổ theo dõi sức khỏe của trẻ nói lên điều gì?
-
Những điều bạn cần biết về chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe;
⇢ Ăn uống là áp lực hay niềm vui đối với bố mẹ và con cái?
Kinh nghiệm cá nhân
NHIỀU BẬC CHA MẸ không thể nhớ được những niềm vui trong việc ăn uống, khi hồi tưởng về quãng thời gian trước kia của mình. Phải chăng tuổi thơ của bạn sẽ ùa về với những kỉ niệm có phần tiêu cực ấy? Một hương vị, một cảm giác hay một trải nghiệm không lấy gì làm dễ chịu, những điều đến nay vẫn hằn sâu trong tâm trí bạn?
Có không ít người sinh ra cùng thời với tôi vào những năm 50 của thế kỉ trước đã từng bị cho là “quá gầy” và phải trải qua những tháng ngày bị gửi vào nhà trẻ. Ở đó, những đứa trẻ phải vật lộn với nỗi nhớ nhà và cách nấu nướng khác thường của nhà trẻ. “Ngồi đấy cho đến khi nào ăn hết đĩa thì thôi”, cứ như vậy, cũng giống như ở nhà, không ít lần trẻ bị bắt phải ăn sạch khẩu phần của mình trong những nhà trẻ. Một số trẻ cảm thấy thật sự khó khăn để thích nghi với nguyên tắc ấy. Đã nhiều lần tôi được nghe kể về một phương pháp, mà theo tôi, không khác gì việc hành hạ, ngược đãi trẻ cả: Nếu nôn ra thức ăn, trẻ sẽ bị phạt phải ăn bằng hết phần ói ra của mình.
Hi vọng những trải nghiệm trước đây của bạn không quá đỗi kinh khủng như vậy. Nhưng chắc hẳn bằng cách nào đó, bạn đã từng bị ép phải ăn hoặc không được ăn vì “được” cho là “quá béo”. Hay nếu bạn đang thuộc thế hệ ông bà: Bạn từng phải chịu đựng cơn đói vì đơn giản là bạn không có gì để ăn? Đã bao giờ bạn phải chịu đựng cảm giác phải ngậm chặt miệng cũng như bầu không khí bóp nghẹt yết hầu của mình khi ăn uống? Hay mất cảm giác ngon miệng vì cách hành xử tồi tệ của gia đình?
- Những hồi tưởng về tuổi thơ
Cô bé 5 tuổi có tên Anne trước kia thường xuyên ốm đau: sốt phát ban, viêm tai giữa, viêm amiđan. Cô bé lại đang sốt, phải chăng Anne lại sắp ốm? Trông cô bé mới nhợt nhạt làm sao! Đôi cánh tay nhỏ gầy gò! “Chỉ toàn da bọc xương”, bà Anne nói, “Chả trách mà lúc nào nó cũng ốm. Ăn bao nhiêu cũng chẳng thấm gì.” Mẹ Anne biết mình phải làm gì: Cô nấu bột cho con. Theo cô, không có gì tốt cho sức khỏe hơn bột. Bột làm cho trẻ khỏe mạnh. Cô đổ thứ hỗn hợp nóng ấy vào một chiếc đĩa súp to, đầy tới miệng đĩa rồi mang vào giường cho Anne.
Anne rất ghét bột. Cô bé cảm thấy uể oải và đau khổ. Anne không hề muốn ăn bất cứ thứ gì. Chỉ cần ngửi thấy mùi bột thôi, cổ họng cô bé đã nghẹn ứ lại. Cô bé ngậm chặt đôi môi. Mẹ Anne dỗ dành: “Nào con, ăn một thìa nhỏ cho mẹ, một thìa cho bố và một thìa cho bà nhé.” Anne bắt đầu khóc: “Con không thích!”. “Con phải ăn! Có muốn khỏe mạnh không?”, mẹ Anne bắt đầu la mắng. Anne vừa ăn vừa khóc. Việc ăn uống của bé quả thật rất mất thời gian và không đơn giản chút nào, đến nỗi mà sau bữa ăn, cả hai mẹ con đều hoàn toàn kiệt sức.
Tôi cũng từng ở trong tình cảnh tương tự như cô bé Anne, vì mẹ tôi nghĩ rằng điều đó tốt cho tôi. Nhưng thực tế cho đến tận bây giờ, sau hơn 40 năm, tôi luôn có cảm giác khó chịu khi nghĩ đến món bột hồi ấy và hệ quả là tôi ghét tất cả những gì có liên quan đến bột và bánh pudding. Tôi thậm chí phải lấy hết can đảm mới dám nếm bột của con gái mình. Chưa một lần trong đời, tôi tự tay nấu bột.
May thay, tôi vẫn có những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu về chuyện ăn uống. Đối với anh chị em tôi, đó luôn là một bữa tiệc thịnh soạn khi bố tôi mang gà rán cùng khoai tây chiên về nhà vào mỗi thứ Bảy, sau khi chúng tôi đi bơi cùng nhau. Tôi thực sự cảm thấy sung sướng khi được cầm trong tay một trong hai chiếc đùi gà chiên giòn nóng hổi. Những kì nghỉ và ngày lễ lớn cùng gia đình hồi đó khiến tôi hay nhớ đến, nó gắn liền với những bữa ăn sum vầy, thịnh soạn.
Dù muốn hay không thì những hồi ức về chuyện ăn uống sẽ luôn theo bạn trong mỗi bữa ăn. Nếu bạn có những kí ức tốt đẹp về các bữa ăn cùng gia đình hay có thể ăn uống theo cách thưởng thức và hài lòng với vóc dáng của mình, việc ăn uống của bạn sẽ rất bình thường và dễ dàng. Bạn sẽ không cần phải suy nghĩ nhiều về điều đó. Bạn có thể truyền đạt lại theo cách rất đơn giản những gì mình đã học được. Thêm vào đó, khi bầu không khí tại bàn ăn luôn vui vẻ thì niềm vui và hứng thú với việc ăn uống sẽ đến.
Khi những trải nghiệm của bạn về chuyện ăn uống trước kia luôn tiêu cực và gắn liền với kí ức về những lần bị bắt ép, về những căng thẳng mỗi lần ngồi vào bàn ăn; khi bạn cảm thấy không hài lòng với cân nặng cũng như thói quen ăn uống của mình, bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Đối với bạn, ăn uống là một vấn đề thật phức tạp. Nó có thể đem đến những kết quả không như bạn mong muốn. Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lí, trẻ còn cần sự tin tưởng từ phía bạn để ăn uống đúng cách, mặc dù có thể trước đây chưa có ai trao cho bạn sự tin tưởng như vậy. Nếu không có yếu tố này, việc ăn uống sẽ trở nên căng thẳng và khó khăn.
- Kinh nghiệm với con cái của mình
Ngay với ba đứa con của mình, tôi cũng có những trải nghiệm cả hay lẫn, dở về ăn uống. Hay ở chỗ, những bữa cơm sum vầy vẫn giữ được bầu không khí thoải mái. Trong các bữa ăn, chúng tôi – với tư cách là cha mẹ – đã không ít lần khám phá ra những điều mới lạ, quan trọng, nỗi băn khoăn và thú vui của con. Các kế hoạch được đưa ra và mọi vấn đề đều được thảo luận. Đôi khi, những gì được nói ra còn quan trọng hơn cả bữa ăn. Tôi nhớ lại một câu chuyện rất ấn tượng mà cậu con trai của tôi, Christoph, lúc đó mới 4 tuổi, đã kể trong một lần ăn tối: “Ngày xưa, cách đây rất lâu rồi, khi con còn chưa ra đời, khi con còn ở đâu đó, rất xa xôi, có một con hổ đã cắn vào đầu gối con”.
Hay một ví dụ khác: Khi con gái tôi Katharina mới 8 tuổi, cháu đã đặt ra một câu hỏi rất cụ thể về chủ đề giáo dục giới tính trong một lần ăn trưa. Thật tình cờ, trong bữa trưa hôm đó lại có món xúc xích rán, một giáo cụ trực quan sinh động để trả lời câu hỏi của con gái đã đặt ra. Đó thực sự là một bữa ăn sôi nổi và vui vẻ.
Một năm sau đó, chúng tôi cùng ngồi vào chiếc bàn ăn mới, hình tròn, có đường kính dài hơn 10 cm so với chiếc bàn cũ. Trong suốt bữa ăn hôm đó diễn ra một cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi: Chiếc đĩa to cỡ nào mới vừa được phần giữa của chiếc bàn?
Tuy nhiên, tôi cũng có những kỉ niệm không mấy dễ chịu về việc ăn uống: Vì ba đứa con mà năm năm trời tôi đã phải thức dậy vào ban đêm, mỗi khi chúng đói hoặc khát. Chỉ mãi sau này tôi mới nhận ra chính mình đã tạo cho con thói quen uống nước vào ban đêm và học được cách giúp bọn trẻ từ bỏ được thói quen xấu đó.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ gặp rất nhiều tình huống đau đầu: Trong bữa ăn, trẻ làm đổ nước hoặc đổ ghế. Hoặc khi những đứa trẻ chành chọe, to tiếng trong lúc ăn, hay khi một bữa ăn được chuẩn bị công phu bị lũ trẻ chê bai thẳng thừng. Rồi cũng có trường hợp khi trẻ có biểu hiện không muốn ăn chỉ vì trước đó đã nhâm nhi trước một chút đồ ngọt.
Trên bàn ăn hội tụ đủ cả những điều hay lẫn không hay. Qua đó, chúng ta sẽ nhận biết được trẻ đã học cách tuân thủ nguyên tắc cũng như quan tâm, để ý đến người khác như thế nào. Có thể nói rằng: “Ăn uống tốt thì mọi thứ đều tốt.”
Kinh nghiệm trong phòng khám nhi
TẠI CÁC PHÒNG KHÁM NHI, khi khám bệnh cho trẻ, chủ đề ăn uống luôn được các bậc cha mẹ quan tâm và đề cập đến. Rất nhiều người muốn biết liệu mình đã làm đúng hay chưa. Một số thực sự lo lắng về cách ăn uống của con mình. Chúng tôi đã gặp rất nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy bất lực với việc ăn uống của trẻ.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã hỏi hơn 400 cặp bố mẹ có con trong độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến 4 tuổi rưỡi, khi họ đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Tại thời điểm chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát trên, những đứa trẻ đang nằm trong độ tuổi từ 5 tháng cho đến 5 tuổi.
Vấn đề tiếp theo mà chúng tôi quan tâm chính là có bao nhiêu bậc phụ huynh thực sự gặp vấn đề với việc ăn uống của trẻ. Và đây là kết quả chúng tôi nhận được: Trong những tháng đầu thì dường như mọi chuyện đều suôn sẻ.
Chỉ có rất ít cặp bố mẹ có con từ 3 – 7 tháng tuổi (chiếm tỉ lệ dưới 5%) cảm thấy việc ăn uống của con mình có vấn đề. Tỉ lệ này ở những cặp vợ chồng có con từ 1 – 5 tuổi lại hoàn toàn khác: Khoảng 20 – 30% gặp vấn đề với thói quen ăn uống của trẻ, trong khi 7% cho rằng đó thực sự là một vấn đề lớn.
-
Cho đến nay, mối bận tâm thường thấy của cha mẹ là: “Con tôi ăn quá ít.” Chỉ có 1% các ông bố bà mẹ có con dưới 7 tháng tuổi gặp vấn đề nêu trên, tuy nhiên tỉ lệ này là 20% đối với các cặp vợ chồng có con từ 4 – 5 tuổi.
-
“Con tôi chỉ ăn một thứ” – vấn đề này thường gặp ở những đứa trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tỉ lệ bố mẹ có con trong nhóm tuổi từ 4 – 5 gặp phải trường hợp này là 20%.
-
“Con tôi ăn quá nhiều” – trường hợp này hiếm khi xảy ra với những đứa trẻ dưới 5 tuổi. Theo kết quả ghi nhận được, trong tất cả các nhóm tuổi, có tối đa 4% gặp phải vấn đề này.
Mối bận tâm của các bậc cha mẹ: Liệu con mình ăn quá ít hay quá nhiều? Chúng có ăn đúng thứ cần ăn chưa?
Qua biểu đồ trên, các bạn có thể thấy được những kết quả thú vị mà chúng tôi đã thu thập được từ việc khảo sát các cặp bố mẹ. Quan trọng nhất trong số những kết quả trên chính là đa số các cặp vợ chồng có con dưới 6 tuổi sợ con quá gầy hay ăn quá ít.
Nhưng mối bận tâm đó lại không phải là một vấn đề của xã hội. Chúng ta thấy rất ít những đứa trẻ “còi”, mà hoàn toàn ngược lại, rất nhiều đứa trẻ “mập”. Tuy nhiên, các cặp bố mẹ lại cảm nhận về thực tế này hoàn toàn khác. Bác sĩ Morgenroth đã kể lại một câu chuyện ở phòng khám nhi của mình:
Một ông bố mang đứa con 2 tuổi rưỡi của mình tới phòng khám. Đứa trẻ khi đó cân nặng trên 20 kg, nghĩa là thừa 5 kg so với tiêu chuẩn trung bình ở độ tuổi của cậu bé. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi ông bố vẫn thốt lên rằng: “Con trai của tôi chẳng ăn gì cả!”.
Bác sĩ Morgenroth đã giải thích với ông bố rằng con trai ông không hề lười ăn, mà ngược lại còn thừa vài kg so với tiêu chuẩn. Nhưng ông bố vẫn nói rằng: “Không phải đâu bác sĩ ạ. Con trai của tôi chẳng ăn gì cả, nó chỉ ăn tám hộp sữa chua hoa quả một ngày thôi, ngoài ra cháu không ăn gì thêm.”
Nguyên tắc mang tính quyết định trong ăn uống
CÓ MỘT ĐIỀU ĐÁNG CHÚ Ý ở đây có tới một phần năm các bậc cha mẹ cho rằng con mình ăn uống “kém”. Câu hỏi chúng tôi đặt ra là: Có bao nhiêu người trong số đó đã lầm tưởng? Câu trả lời sẽ khiến các bạn phải ngạc nhiên: tất cả! Những đứa trẻ khỏe mạnh không thể ăn ít và trở nên quá gầy khi chúng được cung cấp đều đặn thức ăn. Đối với những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, thường liên quan tới bệnh tật, chúng tôi sẽ đề cập sau. Những đứa trẻ khỏe mạnh biết rất rõ chúng phải ăn bao nhiêu hơn cả bố mẹ. Càng ít tuổi, trẻ càng biết rõ điều này hơn.
Cuộc khảo sát của chúng tôi đã chỉ ra rằng các bậc cha mẹ nên tin tưởng vào khả năng đó của con mình khi chúng còn nhỏ. Nhưng tại sao khả năng quý giá ấy của trẻ lại biến mất? Chỉ có thể là do bố mẹ không tin tưởng và áp đặt con cái mình: “Con không thể tự làm được đâu. Vì vậy, bố mẹ sẽ quyết định con ăn bao nhiêu là đủ”, chính điều đó khiến trẻ “quên mất” khả năng kiểm soát ăn uống của mình. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý điều này.
-
Nguyên tắc đơn giản mang lại hiệu quả cao
Và bây giờ, ngay từ đầu cuốn sách, các bạn sẽ được làm quen với nguyên tắc mang tính quyết định về ăn uống. Nguyên tắc này không phải do chúng tôi tự nghĩ ra, mà nó hoàn toàn phù hợp với nền tảng khoa học hiện nay. Vào năm 1987, bà Ellyn Satter – một nữ chuyên gia về dinh dưỡng và trị liệu người Mỹ – đã đưa nguyên tắc kể trên vào cuốn sách hướng dẫn về dinh dưỡng được xuất bản chính thức vào năm 1999 của Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Mỹ, nguyên tắc đó được tìm thấy ở ngay trang đầu tiên.
Bạn nên làm theo nguyên tắc này, ngay cả khi bạn có hay không có vấn đề với việc ăn uống của con mình. Bạn sẽ hiếm khi mắc sai lầm, nếu bạn tuân thủ theo nguyên tắc quan trọng này. Nghe tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, việc thực hiện sao cho hiệu quả lại hoàn toàn không đơn giản một chút nào. Đối với các bậc phụ huynh và trẻ em, nguy cơ mắc sai lầm trong việc tuân thủ nguyên tắc là rất lớn. Ngoài ra, chúng tôi muốn khẳng định thêm một lần nữa rằng: Việc thuyết phục các bậc phụ huynh về tính đúng đắn cũng như quan trọng của nguyên tắc này là rất khó khăn.
Bạn hãy nhớ lại trường hợp của cô bé Anne ốm yếu mà chúng tôi đã đưa ra ở đầu cuốn sách, khi mẹ ép Anne phải ăn bột, mặc dù bé không hề muốn. Xét về mọi góc độ, bà mẹ đã hoàn toàn “đi ngược lại” nguyên tắc này. Bạn hãy nhớ lại những trải nghiệm và sự căng thẳng mình đã trải qua trong việc ăn uống hồi còn nhỏ trước đây, liệu bố mẹ mình – trong những tình huống dở khóc dở cười như vậy – có làm ngược lại nguyên tắc mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây không?
Rất nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện sai nguyên tắc khi họ can thiệp quá nhiều vào chuyện ăn uống của con. Họ can thiệp vào tất cả những gì trẻ định làm: Họ muốn tác động đến con mình, mỗi khi chúng muốn ăn gì, muốn chọn gì và ăn bao nhiêu. Và kết quả cuối cùng luôn giống nhau: Sự căng thẳng diễn ra trong mỗi bữa ăn.
Không chỉ bố mẹ mà ngay cả trẻ cũng thường xuyên làm sai nguyên tắc, khi bố mẹ can thiệp quá ít: Họ cho con mình tự quyết định sẽ ăn món gì, như trường hợp cậu bé ăn nhiều sữa chua hoa quả trừ bữa ở trang 20, hoặc khi nào sẽ ăn như trường hợp những bà mẹ cho con ăn nhiều lần trong đêm. Một số lại cho trẻ tự xác định cách ứng xử trong bữa ăn. Trong tất cả những trường hợp kể trên, các bậc cha mẹ đã vô tình khiến trẻ đi ngược lại với nguyên tắc. Điều đó ắt sẽ dẫn đến áp lực và ức chế trong việc ăn uống của trẻ.
Trong các cuộc nói chuyện và thảo luận, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự nghi ngại: “Con tôi có thể quyết định nó thích ăn hay không và ăn bao nhiêu ư? Điều đó rồi sẽ chẳng đi đến đâu cả. Vì nếu như vậy, nó sẽ chẳng thể ăn uống hợp lý được. Chí ít thì bây giờ, theo cách của tôi, nó cũng cố gắng ăn được một ít rau rồi.”
Mục đích của cuốn sách này là giúp các bạn mạnh dạn tin tưởng vào con cái mình. Bạn sẽ nhận được những chỉ dẫn cụ thể để có thể vận dụng nguyên tắc vào thực tế tùy theo lứa tuổi của trẻ.
! LƯU Ý
Nguyên tắc giúp trẻ ăn uống đúng cách!
Bố mẹ quyết định:
-
Sẽ cho con ăn gì?
-
Khi nào cho con ăn?
-
Cho con ăn như thế nào?
Con quyết định:
-
Muốn ăn gì trong số những thứ bố mẹ đã chuẩn bị?
-
Ăn bao nhiêu?
Vai trò của bố mẹ trong việc ăn uống của con cái được miêu tả rõ ràng như sau:
-
Món gì? Bạn sẽ vận dụng kiến thức về dinh dưỡng của mình để quyết định: Hôm nay nấu những món gì.
-
Khi nào? Bạn sẽ xác định thời điểm, số lần cho trẻ ăn những món mà bạn đã chuẩn bị.
-
Như thế nào? Bạn sẽ quyết định những nguyên tắc ứng xử trên bàn ăn. Những hành vi nào của trẻ bạn cho phép hoặc không cho phép? Bạn yêu cầu trẻ thực hiện những nguyên tắc đó. Ngoài ra, bạn có nhiệm vụ đảm bảo không khí trong bữa ăn luôn dễ chịu, làm gương cho trẻ và cùng thưởng thức bữa ăn với gia đình.
Khi con bạn không thể tự ăn, bạn sẽ giúp đỡ trẻ thực hiện nhiệm vụ của mình. Chú ý chỉ giúp trẻ chỉ vừa đủ, không quá ít hay quá nhiều. Cứ như vậy, bạn sẽ hoàn thành được “công việc của mình”. Tất cả những gì bạn làm nằm ngoài những điều kể trên là đi ngược lại với nguyên tắc.
Vai trò của trẻ cũng được quy định rõ ràng:
-
Trẻ cùng ngồi vào bàn ăn với bạn và thấy trên bàn có những gì. Trẻ sẽ tự quyết định: Liệu mình có muốn ăn chút gì đó trên bàn hay không?
-
Trẻ cũng sẽ chọn lựa xem: Mình muốn ăn gì trong những món đã được dọn ra?
-
Trẻ sẽ tự quyết định: Mình muốn ăn bao nhiêu?
-
Trẻ sẽ thôi sau khi đã ăn đủ.
-
Trẻ sẽ tuân thủ theo những quy tắc mà bạn đặt ra.
Điều này sẽ theo trẻ đến tuổi dậy thì. Ngoài ra, đối với những đứa trẻ chưa thể tự ăn thì bạn có thể giúp con. Bên cạnh đó, bạn phải nắm rõ được những tín hiệu của con khi trẻ lựa chọn, muốn bắt đầu và kết thúc.
§ TỔNG KẾT
⇒ Kinh nghiệm của bố mẹ
Những trải nghiệm về ăn uống của bố mẹ hồi còn nhỏ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ăn uống của con.
⇒ Những mối bận tâm không cần thiết
Cuộc khảo sát tại phòng khám nhi đã chỉ rõ: Nhiều cặp vợ chồng có con dưới 6 tuổi thường hay lo lắng: “Con mình ăn quá ít”, trong khi có rất ít trong số đó cho rằng: “Con mình ăn quá nhiều”.
⇒ Nguyên tắc mang tính quyết định
Bạn sẽ quyết định cho con ăn gì, khi nào và như thế nào, trong khi trẻ sẽ quyết định có thích ăn và ăn bao nhiêu trong những món mà bạn đã bày ra trên bữa ăn.
⇢ Những điều các bậc cha mẹ cần biết về ăn uống
Hệ thống kiểm soát “nội bộ” của trẻ
LIỆU TRẺ NHỎ thực sự có khả năng bẩm sinh trong việc lựa chọn ăn uống một cách đúng đắn hay không? Cuộc khảo sát chúng tôi thực hiện đã chỉ ra rằng rất nhiều bố mẹ không cho trẻ thực hiện điều đó. Họ không dễ bị thuyết phục, bởi họ cần dẫn chứng. Và dưới đây là thứ họ cần:
-
Clara Davis và những đứa con mồ côi của mình
Năm 1928, nữ bác sĩ Clara Davis đã tiến hành một cuộc thử nghiệm về chủ đề này. Cả ba đứa con mồ côi của Clara, gồm Earl, Donald và Abraham, tất cả đều nằm trong độ tuổi từ 7 – 9 tháng, được cô mang theo tới bệnh viện của mình. Tính đến thời điểm đó, cả ba đều được nuôi bằng sữa mẹ. Và bây giờ là lúc cuộc thử nghiệm được bắt đầu: Trong suốt 6 tháng, cả ba đứa trẻ đều nhận trong mỗi bữa một khay thức ăn với mười món khác nhau bao gồm: thịt, nội tạng động vật, cá, ngũ cốc, trứng, hoa quả và rau củ – có món được ăn sống hoặc được nấu chín nhưng không được thêm ngoài những món đã cho (ví dụ như không có mì hay bánh mì), không được trộn lẫn (ví dụ như súp) và được chế biến một cách đơn giản nhất có thể. Một y tá được phân công có nhiệm vụ quan sát khi bọn trẻ ăn và cân lại phần thức ăn thừa mà chúng để lại. Earl, Donald và Abraham đều ăn bốc.
Sau 6 tháng, cả ba đứa trẻ đều trong tình trạng sức khỏe tốt. Sự tăng trưởng, những biểu hiện bên ngoài và các hoạt động của ba đứa trẻ đều diễn ra rất tốt. Chúng đã tự kết hợp món ăn rất tốt, thậm chí việc tổ chức, kiểm soát ăn uống của ba đứa trẻ còn hoàn toàn phù hợp với các giá trị chuẩn ngày nay.
Vậy liệu người ta có thể kết luận rằng trẻ sinh ra đã có khả năng lựa chọn món ăn sao cho phù hợp về chất và lượng hay chưa? Không hoàn toàn vậy. Có thể bạn sẽ nhận thấy trong thực đơn của Earl, Donald và Abraham hoàn toàn thiếu: kem, sô cô la, bánh ngọt, khoai tây chiên, đường, v.v… Điều đó có nghĩa rằng những đứa trẻ trong cuộc thử nghiệm trên đã được cung cấp một chế độ ăn uống đầy đủ. Với khẩu phần ăn này, cả ba đứa trẻ đã chọn lựa các món ăn một cách hợp lí để phát triển theo cách tốt nhất. Không ai trong số chúng ăn quá ít, quá nhiều hay lệch về một món nào đó. Nhưng sẽ ra sao nếu những món ăn liệt kê trong cuộc thử nghiệm kể trên được mua từ siêu thị và đặt vào khay cho ba đứa trẻ? Và ngày nay thật khó có thể tưởng tượng việc tiến hành một cuộc thử nghiệm tương tự như vậy sẽ diễn ra thế nào, nhất là khi chúng ta cho thêm vào khay thức ăn những đồ ăn cực kì ngọt và béo. Tuy nhiên, người ta có thể hình dung ra được kết quả, rất nhiều các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh ra đã thích ăn đồ ngọt. Rất có thể khi đó, Earl, Abraham và Donald sẽ ưu tiên lựa chọn đường, sô cô la và kem hơn so với các loại thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng không ngọt khác. Việc cân bằng cảm giác ngon miệng, trao đổi năng lượng và cân nặng của ba đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi những đồ ăn được chế biến chứa nhiều ngọt và chất béo ấy.
- “Chế độ ăn kiêng bằng đồ ăn từ siêu thị” dành cho chuột
Các cuộc thí nghiệm về chủ đề ăn uống cũng được tiến hành ở động vật. Động vật không bao giờ ăn nhiều quá, ngay cả khi chúng được cung cấp các loại thức ăn phù hợp cũng như nhiều hơn so với tiêu chuẩn. Chừng nào vẫn còn khỏe mạnh, chúng sẽ không bao giờ ăn quá ít. Nhưng động vật cũng rất thích đồ ngọt. Trong một thí nghiệm, những chú chuột trong phòng thí nghiệm được cung cấp một “chế độ ăn từ siêu thị” gồm bánh ngọt, sô cô la, bơ thực vật và phô mai. Những con chuột đã không thể kìm nén được và ăn thả phanh. So với “đồng loại” được cho ăn bình thường của mình, cân nặng của chúng tăng gấp hơn hai lần. Việc cho ăn không giới hạn đường và chất béo đã khiến những chú chuột quên đi mất mình cần ăn gì và ăn bao nhiêu để tồn tại.
Tạo điều kiện tốt cho trẻ
Vậy loài người có thể rút ra kinh nghiệm gì cho việc ăn uống của con cái? Việc cho trẻ thoải mái tiếp cận những thực phẩm được chế biến công nghiệp chứa nhiều đường và chất béo sẽ gây ra tình trạng trẻ ăn quá nhiều và thừa cân. Điều này cũng không quá ngạc nhiên. Sự thú vị lại nằm ở câu hỏi: Vậy đối với nguyên tắc ăn uống đúng cách thì những kết quả trên có ý nghĩa gì? Điều này đã được dự đoán từ trước: Chúng hoàn toàn trùng hợp với nhau.
-
Với một thực đơn vừa đủ và đa dạng, khi trẻ được tự mình quyết định sẽ ăn bao nhiêu thì sẽ không có chuyện trẻ ăn ít hay kén ăn.
-
Việc cho phép trẻ tự do ăn đồ ngọt và đồ béo sẽ phá hỏng khả năng kiểm soát nội tại của trẻ về nhu cầu và lượng thức ăn cần dung nạp. Điều đó có thể khiến trẻ ăn quá nhiều hoặc chỉ thiên về một món.
Vì vậy các bậc cha mẹ phải quyết định xem sẽ cho trẻ ăn những gì. Liệu rằng bữa ăn bạn đã chuẩn bị có đa dạng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hay không? Hoặc liệu rằng bạn đã giới hạn đồng thời việc ăn uống những đồ chứa nhiều ngọt và chất béo của con mình hay chưa? Chỉ như vậy, con bạn mới có thể lựa chọn đúng đắn cũng như tự mình quyết định xem có muốn ăn hay không và ăn bao nhiêu. Những điều này sẽ khơi dậy khả năng bẩm sinh sẵn có trong trẻ về việc định hướng ăn uống theo nhu cầu của bản thân. Khi đó, trẻ sẽ ăn vừa đủ chứ không ăn quá nhiều.
- Trẻ nhỏ có khả năng định hướng ăn uống theo nhu cầu
Trẻ nhỏ có khả năng hấp thụ dinh dưỡng tối ưu hơn so với những trẻ lớn và người trưởng thành. Tại sao lại như vậy? Sữa mẹ luôn là thực đơn lí tưởng đối với trẻ nhỏ. Khi đó, trẻ có thể tự quyết định được lượng sữa mình muốn uống. Đói – uống sữa – no. Quy luật chỉ đơn giản như vậy. Khi đó, người mẹ hoàn toàn không cần biết mức sữa mà con mình cần uống.
Thậm chí, trẻ nhỏ còn khá kén chọn. Chúng chỉ ưu tiên những thứ mà chúng biết, không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo hay các chỉ số thân hình lí tưởng. Lượng thức ăn cần nạp ở trẻ luôn được điều chỉnh một cách hoàn hảo theo trạng thái đói và no.
Thí nghiệm “Tăng gấp đôi khẩu phần ăn”
Một nghiên cứu rất thú vị đã được thực hiện vào năm 1991 với đối tượng là trẻ nhỏ từ 2 – 5 tuổi. Những đứa trẻ sẽ ở nhà và được cho ăn năm bữa một ngày, trong đó có ba bữa chính và hai bữa phụ. Khẩu phần ăn được cung cấp rất đa dạng và cân bằng. Thỉnh thoảng có thể cho bé ăn các món ngọt. Điều đặc biệt trong thí nghiệm này nằm ở chỗ: Mỗi bữa, khẩu phần ăn của trẻ sẽ được cho thêm gấp đôi lượng thức ăn bình thường và trẻ được quyền quyết định sẽ ăn bao nhiêu trong số đó. Một lần nữa, kết quả lại chỉ ra rằng trẻ chỉ ăn đủ lượng mình cần chứ không ăn hơn. Nhưng cũng xuất hiện sự chênh lệch lớn về lượng từ bữa này sang bữa khác: Có lúc trẻ hầu như không ăn gì, có khi lại ăn rất nhiều. Mặc dù vậy, lượng thức ăn trẻ nạp vào mỗi ngày đều giống nhau. Khi trong ngày có một bữa trẻ ăn rất nhiều thì bữa kế tiếp trẻ ăn rất ít hoặc không ăn gì và ngược lại. Thật thú vị khi trẻ có khả năng kiểm soát tuyệt vời đến vậy. Những ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ trở nên mạnh hơn khi trẻ ngày càng lớn.
Cách ăn uống của người lớn chưa hẳn đã khoa học
Người lớn ăn uống rất phức tạp, việc lựa chọn thức ăn phải phụ thuộc vào nhiều thứ như khẩu vị, văn hóa, truyền thống, thói quen, túi tiền, trí tò mò, quan niệm về sắc đẹp, hình thể, sức khỏe và thời gian nấu nướng. Và hệ thống bên trong cơ thể có thể nhận biết và biết rõ hơn ai hết nhu cầu của bản thân sẽ bị đè nén bởi những yếu tố kể trên.
Vậy lượng thức ăn thế nào là đủ? Có phải người lớn sẽ ăn khi đói và dừng lại khi no hay không? Trong trường hợp này, “tiếng nói từ bên trong cơ thể” lại một lần nữa bị lấn át. Chúng ta ăn vì phép lịch sự, xã giao, do buồn chán, lo lắng hoặc do thói quen. Chúng ta dừng khi đĩa đã hết thức ăn, vì thấy mình quá béo hay chỉ vì chúng ta không có thời gian để ăn nữa. Việc chúng ta ăn gì hay ăn bao nhiều thường không dựa trên nhu cầu. Các yếu tố ngoại cảnh đã ảnh hưởng không ít đến thói quen ăn uống của người lớn.
Nhưng không phải lúc nào người lớn cũng có thể đánh lừa hệ thống kiểm soát bên trong cơ thể của mình. Nó sẽ cản trở, khi chúng ta cố gắng gạt phăng đi nhu cầu về ăn uống của cơ thể. Nếu bạn đã từng thực hiện chế độ ăn kiêng 1000 calo, bạn sẽ hiểu tôi đang nghĩ gì. Đối với những hình thức ăn kiêng, việc điều chỉnh nhu cầu cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng không còn hiệu lực. Cơ thể của bạn sẽ phản ứng với những sự thay đổi và gióng lên hồi chuông báo động: “Cứu với! Đói quá!” Nhưng ý chí của bạn lại mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, bạn sẽ giảm được một vài cân.
Chế độ ăn kiêng càng khắc nghiệt bao nhiêu thì càng dễ xảy ra tình trạng sau: Bạn dừng ăn kiêng. Khi đó cơ thể bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm: “Cơn đói đã qua rồi! Chế độ ăn lại đầy đủ trở lại rồi! Tranh thủ nạp lại và dự trữ cho các lần sắp tới thôi!” Hệ thống kiểm soát nội bộ của bạn không thể biết được rằng, ở Đức từ đầu thế kỉ XXI không còn nạn đói nữa. Bạn sẽ tăng cân trở lại trong thời gian rất ngắn và trở nên nặng hơn so với trước khi ăn kiêng. Người ta gọi đây là hiệu ứng “Jo – Jo”. Hiệu ứng này chỉ cho chúng ta thấy các yếu tố ngoại cảnh có thể có tác động tiêu cực như thế nào. Chúng ta cần biết rõ điều đó để tạo ra các nguyên tắc cho con mình để quy định xem trẻ phải ăn bao nhiêu?
Trẻ con có một hệ thống kiểm soát nội bộ không thểlàm giả được. Chúng ta nên học từ trẻ.
Bé Laura thông minh
Câu chuyện kể về bé Laura dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ thể của trẻ sơ sinh hoạt động hoàn hảo tới mức nào.
Laura mới được 6 tháng tuổi. Cô bé không được nuôi bằng sữa mẹ. Mẹ Laura cho con mình ăn sữa bột, loại sữa gần giống với sữa mẹ. Chính vì vậy mẹ cô bé luôn chú ý đến định lượng sữa cần phải pha cho con mình. Tuy vậy có một điều khiến mẹ cô hoàn toàn sửng sốt: Cô bé không uống hết lượng sữa mẹ mình đã pha theo hướng dẫn, mà chỉ uống được một phần nhỏ trong số đó. So với những đứa trẻ cùng tuổi, Laura tăng cân chậm hơn.
Mặc dù Laura vẫn khỏe mạnh và hoạt động bình thường nhưng mẹ cô bé rất lo lắng. Mẹ Laura đã nghĩ ra một ý tưởng: pha thêm bột ngũ cốc vào sữa cho bé. Khi Laura uống quá ít sữa, thì ít ra nó cũng có đủ chất, bà mẹ nghĩ. Vậy Laura phản ứng như thế nào? Cô bé thậm chí còn uống ít hơn lượng sữa “bình thường” trước kia, nhưng hàm lượng calo mà cô bé thu nạp được lại hoàn toàn giống nhau. Khi hệ thống kiểm soát nội bộ của Laura nói: “Đủ rồi.” là lúc cô bé dừng uống. Hệ thống của đứa trẻ này hoạt động thật tuyệt vời. Laura có thể tin tưởng vào “tiếng nói cơ thể” của mình, mẹ của Laura cũng vậy.
Trẻ béo hay gầy:Do nuôi dưỡng hay di truyền?
TẠI SAO LAURA QUÁ GẦY trong khi cậu bé hàng xóm cùng tuổi lại nặng gấp đôi? Tại sao Laura lại uống quá ít sữa so với cậu bé kia? Vậy câu hỏi chúng ta cần phải đặt ra là: Quá trình phát triển của hai đứa trẻ phụ thuộc chủ yếu vào đâu? Vào cách nuôi dưỡng hay do di truyền?
- Di truyền có vai trò gì?
Tại viện nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em Dortmund, từ năm 1985 đã diễn ra một cuộc nghiên cứu về hành vi ăn uống của trẻ có tên là DONALD. Trong nhiều năm, trẻ có độ tuổi từ 3 – 6 tháng được theo dõi để nghiên cứu lượng ăn trong một ngày. Kết quả cho thấy có tồn tại sự khác biệt lớn giữa các đối tượng được nghiên cứu: Một vài trẻ sơ sinh “bình thường” uống không quá 600 ml sữa một ngày, trong khi những đứa trẻ khác uống nhiều hơn 900 ml sữa. Đối với những đứa trẻ 3 tuổi, sự khác biệt này còn lớn hơn: Có trẻ uống được 500 ml, có trẻ lại uống được 1000 ml. Điểm khác biệt giữa các trẻ nằm ở lượng dinh dưỡng mà trẻ cần để lớn lên và tăng trưởng một cách khỏe mạnh. Dựa vào lượng dinh dưỡng này ta không thể kết luận được liệu khối lượng đó là vừa đủ hay quá nhiều.
Con nuôi và các cặp sinh đôi
Tại Đan Mạch, người ta đã tiến hành một nghiên cứu với đối tượng các trẻ con nuôi. Qua đó, họ muốn tìm hiểu xem, gen di truyền từ bố mẹ đẻ hay cách nuôi dưỡng của cha mẹ nuôi có tác động mạnh mẽ đến trẻ hơn. Cân nặng của trẻ sau đó được so sánh với cân nặng của bố mẹ nuôi và bố mẹ đẻ. Thói quen ăn uống cũng như thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của trẻ đều chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ nuôi. Gen di truyền của bố mẹ đẻ chỉ ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ. Hay nói cách khác, gen di truyền có ảnh hưởng lớn hơn so với những gì trẻ tiếp nhận được từ cha mẹ nuôi.
Nghiên cứu với các cặp song sinh được nuôi lớn riêng biệt cũng cho kết quả tương tự: Mặc dù được nuôi dưỡng trong các điều kiện sống khác nhau nhưng cân nặng của những cặp sinh đôi này phát triển tương tự nhau.
Nghiên cứu đã chỉ ra kết quả thứ ba: Mỗi ngày, khi 12 cặp song sinh cùng trứng “được cho ăn” cùng một lượng calo như nhau, cân nặng của mỗi cặp trong 20 cặp song sinh là bằng nhau. Nhưng có một cặp cho kết quả hoàn toàn khác: một đứa chỉ tăng 4 cân trong khi đứa còn lại tăng những 14 cân.
Một nghiên cứu mới về các cặp sinh đôi có độ tuổi từ 3 – 17 về tỉ lệ chất béo trong cơ thể bằng một phương pháp đặc biệt. Kết quả cho thấy có 80% sự khác biệt nằm ở cấu trúc di truyền và 20% còn lại do ở ảnh hưởng của môi trường sống.
“Những cỗ máy chế biến thực phẩm” khác nhau
Yếu tố di truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không tồn tại thứ gọi là “gen mập”, thứ gen mà theo nhiều người, là nguyên nhân gây ra hiện tượng thừa cân. Tác động ấy nằm ở một hệ thống rất phức tạp bao gồm gen và hoóc môn. Một loại gen đặc biệt với thuộc tính riêng biệt có nhiệm vụ xác định xem cần chuyển hóa bao nhiêu chất dinh dưỡng từ các chất đã có: càng chuyển hóa nhiều bao nhiêu thì cơ thể càng tích trữ nhiều chất béo bấy nhiêu. Quá trình này diễn ra càng nhanh và mạnh mẽ hơn sau khi cơ thể bị tụt cân đột ngột. Đối với những người ít khi ăn uống đầy đủ thì đây là một ưu điểm lớn, đối với những người muốn giảm cân thì hoàn toàn ngược lại.
Nguyên nhân nằm ở yếu tố di truyền, khi mà một số trẻ nhỏ vẫn tăng cân đều, dù chúng ăn rất ít. Nguyên nhân này cũng được dùng để lí giải cho trường hợp có một số người, mặc dù thường xuyên vận động và ăn uống bình thường, nhưng cơ thể vẫn tích mỡ hay như khi có hai đứa trẻ, một đứa ăn ít và đứa còn lại ăn gấp đôi nhưng tốc độ gia tăng cân nặng lại như nhau.
Thân hình lí tưởng: Có phải ai cũng thực hiện được?
Ngay cả hình dáng cơ thể cũng là do di truyền: Việc con bạn cao hay gầy, cơ bắp chắc khỏe hay yếu ớt, còi cọc hay nhiều mỡ đều được quy định sẵn từ khi sinh ra. Điều đó tương tự cũng xảy ra, khi con bạn có đôi chân dài, lưng ngắn hoặc ngược lại hay nơi nào sẽ tích mỡ: ở bụng, ở hông hay ở đùi. Việc con bạn không có được một thân hình lý tưởng mà bạn mong muốn là điều dễ hiểu. Ngoài ra, bạn không thể quyết định được việc con bạn sẽ cao như thế nào và bạn không bao giờ có thể thay đổi hình dáng cơ thể đã được định sẵn từ trong trứng của con mình thông qua quá trình nuôi dưỡng. Sẽ tốt hơn nếu bạn chờ đợi và đón nhận con mình như nó vốn vậy. Sau này, khi con bạn lớn lên, nó sẽ khó có thể hài lòng với thân hình của mình, ngay cả khi chỉ có một khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể xuất hiện. Vậy nên bạn hãy giúp trẻ thực hiện điều đó ngay từ khi còn nhỏ.
Con trai tôi – Christoph có một thân hình mảnh khảnh, thể thao. Nhưng không phải lúc nào trông nó cũng như vậy. Khi được 4 tháng tuổi, Christoph cao 60 cm và nặng 7 kg. Chúng tôi cho con ăn sữa mẹ hoàn toàn nhưng kể từ khi sinh ra đến lúc đó, nó chỉ cao thêm có vài cm, trong khi cân nặng thì tăng gấp đôi. Trông Christoph khi đó như một “ông phật nhỏ”. Một người quen đã tiết lộ cho tôi biết những gì cô ấy cảm nhận được khi nhìn thấy Christoph hồi ấy: “Tôi cảm thấy sửng sốt khi lần đầu tiên nhìn thấy con trai anh. Quả thật trông nó quá béo. Hai cái đùi trông như miếng thịt ba chỉ hun khói, nhìn phát khiếp. Nếu con tôi tầm tuổi đó mà cũng béo như thế, chắc tôi sẽ cảm thấy tuyệt vọng lắm.” Thật may mắn vì đứa con của cô bạn này khi đó lại có một đôi chân thon thả với thân hình mảnh khảnh. Tuy vậy, tôi lại cảm thấy cặp giò mũm mĩm của con mình thật tuyệt vời vì tôi biết rằng, “chú cún nhỏ” của mình đã hấp thụ những thứ tốt nhất từ sữa mẹ. Tôi cũng biết rằng, tự Christoph có thể kiểm soát lượng sữa phù hợp với mình. Từ bé đến lớn, Christoph đều thực hiện điều đó rất tốt. Và thân hình hiện tại của Christoph cũng hoàn toàn khớp với cấu trúc di truyền của nó.
- Môi trường đóng vai trò gì?
Tất nhiên là ảnh hưởng và tác động của môi trường vẫn có vai trò đáng kể đối với cân nặng của trẻ. Vậy nhân tố nào làm cho trẻ trở nên béo? Những nguyên nhân sau đây hoàn toàn không còn lạ lẫm gì đối với chúng ta: ít vận động, xem ti vi nhiều, ăn vặt thay vì ăn uống đúng giờ cùng gia đình hay một thực đơn có chứa nhiều đồ ngọt và chất béo chẳng hạn. Nhưng hơn cả là sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên.
Một số trẻ do cấu trúc di truyền nên không thể béo và ngược lại; một đứa trẻ thường xuyên vận động, ít khi xem ti vi, ăn đúng bữa cùng gia đình với một thực đơn được lựa chọn rất tốt lại béo hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi. Điều đó có nghĩa là trẻ gầy hay béo không phụ thuộc vào việc phân bố mỡ trong cơ thể mà dựa vào tác động song song giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Những tác động này diễn ra rất phức tạp. Có rất ít trường hợp trẻ béo chỉ vì gen di truyền. Đối với phần lớn trẻ em, sự kết hợp giữa di truyền và môi trường luôn đóng một vai trò nhất định. Có thể tưởng tượng được việc một đứa trẻ trở nên béo, mặc dù yếu tố di truyền hầu như không gây ảnh hưởng: đó là do tất cả những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường đã tác động lên đứa trẻ.
Trong những năm đầu đời, các bậc cha mẹ hầu như không thừa nhận rằng con mình đang thừa cân. Nguyên nhân nằm ở việc cha mẹ lựa chọn thức ăn cho trẻ hoàn toàn không hợp lý và do trẻ ít vận động. Nhưng các bậc phụ huynh thường có nhiều mối bận tâm hơn đến việc: “Con tôi quá gầy và ăn quá ít!”. Vậy điều đó xảy ra như thế nào?
Trẻ em không khỏe sẽ ăn ít
Bác sĩ Morgenroth, với tư cách là một bác sĩ nhi làm việc lâu năm trong phòng khám đã khẳng định: Có hai nguyên nhân dẫn đến việc sụt cân ở trẻ. Nguyên nhân đầu tiên chính là ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nhưng không phải do cách nuôi dưỡng mà là bệnh tật. Điều đó làm trẻ giảm hoặc mất cảm giác ngon miệng. Một số thậm chí còn không ăn gì khi chúng bị ốm, đặc biệt khi việc ăn uống làm cho trẻ cảm thấy đau như khi trẻ mắc chứng viêm họng chẳng hạn. Ngay cả những đứa trẻ bị ốm cũng biết rõ rằng chúng cần gì. Khi việc ăn uống không khiến trẻ cảm thấy khá hơn, trẻ sẽ bỏ bữa. Đứng từ góc độ y khoa, hiện tượng này hoàn toàn bình thường. Trẻ yếu đi không phải do ăn ít mà do căn bệnh trẻ mắc phải gây nên. Khi khỏe mạnh trở lại, trẻ sẽ nhanh chóng nạp lại năng lượng để bù đắp những gì đã mất. Vì vậy, không thể nhận định rằng trẻ “quá gầy” khi bị sụt cân trong lúc ốm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, trẻ mắc những căn bệnh nặng có thể gây ra mất nước hoặc sụt cân nhanh ở trẻ. Khi đó, trẻ sẽ không thể tự điều chỉnh được việc thu nạp thức ăn của mình. Trong một số trường hợp xấu, trẻ phải được cho ăn bằng phương pháp nhân tạo.
Ngay cả triệu chứng chán ăn thường gặp ở các bé gái tuổi dậy thì cũng là một căn bệnh với rất nhiều nguyên nhân. Khi đó, việc dung nạp thức ăn không còn được điều chỉnh theo nhu cầu bên trong nữa mà theo những quy chuẩn bệnh lí bên ngoài.
Thiếu ăn do nghèo đói
Bên cạnh bệnh tật, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc trẻ trở nên quá gầy. Tuy nhiên, cách nuôi dưỡng chỉ ảnh hưởng một phần trong khi phần lớn ảnh hưởng là do tình trạng nghèo đói gây nên: do thiếu điều kiện về kinh tế nên trẻ chỉ có ít thức ăn, thậm chí còn thiếu cả những thực phẩm quan trọng để ăn. Bác sĩ nhi Morgenroth đã từng làm việc nhiều năm tại Ấn Độ và Châu Phi. Ở đó có rất nhiều trẻ em gầy ốm vì không đủ thức ăn. Bởi vậy, chúng không thể phát triển một cách bình thường được. Trẻ thiếu khoáng chất cần thiết do chỉ ăn cơm. Vì vậy, mỗi sự thay đổi trong thực đơn ăn uống, dù là rất nhỏ thôi nhưng cũng rất quan trọng. Ví dụ như, cho trẻ ăn thêm lá me để bổ sung vitamin và chất sắt cần thiết cho sự phát triển ở trẻ.
Vậy ở Đức thì sao? Liệu ở Đức cũng có những trường hợp trẻ bị đói ăn như đã kể ở trên không? Tiếc là ở đây vẫn còn những cặp bố mẹ không để mắt đến việc chăm sóc con cái mình. Trẻ thiếu thốn tất cả, từ tình yêu thương đến bữa ăn. Những gia đình như vậy cần được quan tâm đặc biệt. Một số gia đình ở trong tình trạng khó khăn về tài chính đến nỗi họ không thể mua được tất cả các loại thức ăn.
Nghèo đi liền với đói. Chúng tôi luôn hi vọng rằng điều đó sẽ không còn xảy ra ở Đức. Đáng tiếc là trong một số trường hợp ngoại lệ, trẻ vẫn thiếu ăn do tình trạng nghèo đói của gia đình. Hơn nữa, các loại thực phẩm thiết yếu như hoa quả, rau củ lại không hề rẻ một chút nào. Khi trẻ có một thực đơn ăn uống khoa học trong những năm đầu đời thì hiện tượng suy dinh dưỡng không thể xảy ra. Điều đó cũng đúng khi trẻ có thói quen ăn uống kén chọn, đơn điệu hay ăn “nhiều như chim sẻ” nhưng nếu bạn cung cấp cho trẻ thực đơn hợp lý thì trẻ sẽ không bị thiếu chất gì.
Căng thẳng làm hại dạ dày
Một điều kiện môi trường khác có thể ảnh hưởng tới cảm giác ngon miệng của trẻ là sự căng thẳng. Áp lực này xuất hiện trước hết do không khí nặng nề trên bàn ăn, do mối quan hệ không hòa hợp giữa bố mẹ và con cái hoặc do áp lực bị bố mẹ ép ăn. Trẻ phản ứng lại bằng cách ăn uống chán nản, thậm chí không hề muốn ăn gì.
- Kết luận
Có thể bạn đã nhận ra rằng, những tình huống mà chúng tôi đề cập trên đây hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc mà chúng tôi đã đưa ra:
-
Bạn sẽ quyết định cho trẻ ăn món gì. Khi thực đơn bạn chuẩn bị luôn đa dạng và cân bằng thì sẽ không còn tình trạng con bạn ăn quá ít, quá nhiều hay sai cách. Con bạn chỉ “quá gầy” khi bạn không cho trẻ ăn đủ hay khi trẻ bị ốm nặng. Ngoài ra, điều kiện môi trường cũng có thể tác động đến việc con bạn sẽ béo hay gầy hơn mong muốn của bạn.
-
Việc khi nào cho ăn và cho ăn như thế nào cũng là trách nhiệm của bạn: Việc trẻ vừa ăn vừa xem ti vi hoặc ăn uống không khoa học cũng là nguyên nhân khiến trẻ “thừa cân”. Cách thức cho trẻ ăn cũng có mối liên hệ mật thiết với không khí gia đình trên bàn ăn.
-
Con bạn sẽ quyết định mình ăn bao nhiêu là đủ. Bạn không thể dựa vào lượng thức ăn mà trẻ nạp để kết luận rằng con ăn quá ít hay quá nhiều. Trẻ ăn uống tùy theo nhu cầu năng lượng và cảm giác. Bạn hãy tin tưởng rằng con mình có thể tự chủ được điều đó. Bạn có thể động viên trẻ bằng những câu nói như: “Con cứ thế này là tốt đấy.” Qua đó, bạn đã khích lệ và khiến con mình cảm thấy tự tin vào bản thân mình.
Quá béo hay quá gầy:Biểu đồ tăng trưởng nói lên điều gì?
CÓ MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN GIÚP BẠN CÓ THỂ THEO DÕI sự phát triển và cân nặng của trẻ: đưa con đi khám đều đặn tại các phòng khám nhi. Trong mỗi lần kiểm tra, trẻ sẽ được cân và đo chiều cao. Các bác sĩ nhi khi đó sẽ thực hiện thao tác điền chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ vào biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám bệnh.
- Quá cao hay quá thấp?
Qua biểu đồ được phác họa ở trang 46, bạn sẽ nhận biết được con mình là cao hay thấp so với trẻ cùng độ tuổi. Trong ví dụ mà chúng tôi đưa ra, bạn sẽ quan sát được biểu đồ tăng trưởng của cô bé 4 tuổi Alexandra. Với chiều cao 96 cm, cô bé được cho là thấp, trong khi có tới 97 trong số 100 đứa trẻ cùng tuổi với Alexandra lại cao hơn cô bé. Tuy vậy, quá trình tăng trưởng của cô bé lại diễn ra bình thường và đều đặn. Bố mẹ của Alexandra cũng không cao. Điều đó đồng nghĩa với việc chiều cao của Alexandra hoàn toàn tương thích với cấu trúc di truyền của mình. Tất cả quá trình phát triển của cô bé đều diễn ra bình thường.
Chiều cao không đóng một vai trò nào trong quá trình phát triển đều đặn của con bạn, như trường hợp của cô bé Alexandra. Việc con bạn cao bao nhiêu phụ thuộc rất lớn vào yếu tố di truyền. Khi trẻ ngừng lớn, các bác sĩ nhi sẽ phải kiểm tra thật kĩ càng, vì việc gián đoạn tăng trưởng có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lý.
Liệu rằng một đứa trẻ có thể trở nên quá cao hay không? Cũng có những đứa trẻ khác biệt hẳn so với bạn bè cùng tuổi về chiều cao, thậm chí còn cao hơn cả một cái đầu. Nhưng đây cũng sẽ là nhược điểm đối với trẻ, vì trông trẻ khi đó sẽ già dặn hơn và mọi người sẽ trông đợi nhiều thứ ở chúng hơn so với những trẻ cùng tuổi khác.
Việc con bạn tăng trưởng và cao lên rất nhanh cũng có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lí. Con bạn lớn lên đơn giản là do bản năng. Khi đồ thị tăng trưởng không diễn biến một cách đều đặn và bất chợt “bùng lên” ở giai đoạn sau, bạn hãy đưa con bạn đến bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu mọi thứ có nằm trong “mức báo động xanh” hay không. Trong một số rất ít các trường hợp ngoại lệ, cần phải can thiệp bằng một loại hoóc môn có tác dụng thúc đẩy quá trình dậy thì diễn ra sớm hơn và chấm dứt quá trình tăng trưởng.
- Quá nhẹ cân hay nặng cân?
Alexandra thấp hơn so với 97,5 % số trẻ em cùng tuổi. Nhưng mọi thứ đều ổn vì Alexandra vẫn phát triển đều đặn giống như những đứa trẻ khác.
Đặc biệt thú vị chính là đường biểu đồ thứ hai mà bạn có thể thấy ở bảng bên. Qua biểu đồ này, bạn có thể thấy được liệu chiều cao và cân nặng của con mình có tương xứng với nhau hay không và cân nặng của trẻ diễn biến như thế nào. Bạn hãy quan sát xem các giá trị ấy của trẻ có nằm ở giữa biểu đồ, hay nằm sát với trục tung hoặc trục hoành hay không? Liệu đường biểu đồ của trẻ có xu hướng tiến lên trên hay đi xuống dưới? Biểu đồ cong đều hay có đoạn bị gấp khúc? Đâu là bình thường, đâu là tín hiệu đáng báo động và đâu là lúc bạn phải chăm sóc, để ý trẻ đúng cách hơn?
Biểu đồ sau sẽ cho bạn thấy quá trình phát triển về chiều cao và cân nặng trong bốn năm đầu của trẻ diễn ra như thế nào. Chúng tôi đưa vào biểu đồ các chỉ số của ba đứa trẻ gồm Andrea, Alexandra và Sebastian. Tất cả đều 4 tuổi, trong đó Andrea cân nặng “bình thường”, Alexandra “nhẹ cân” và Sebastian – cậu bé “nặng cân”. Chiều cao và cân nặng của ba đứa trẻ phát triển hoàn toàn khác nhau. Alexandra cao 96 cm và chỉ nặng có 12 kg, trong khi Sebastian nặng gần gấp đôi với 20 kg nhưng cũng chỉ cao hơn có 10 cm. Andrea đứng ở giữa với 100 cm chiều cao và 16 kg cân nặng. Vậy ba đường biểu đồ khác biệt của ba đứa trẻ nói lên điều gì?
Andrea: cô bé “bình thường”
Cũng giống như trong sổ theo dõi khám bệnh của trẻ, đường biểu đồ có giới hạn phía trên và phía dưới. Chỉ số của phần lớn trẻ nhỏ sẽ nằm ở vùng giữa như trường hợp của Andrea. Từ khi sinh ra tới lúc lớn lên, Andrea luôn đạt mức cân nặng trung bình so với chiều cao của cô bé. Trong suốt bốn năm đầu đời, cân nặng của Andrea luôn phát triển liên tục và đều đặn. Không nghi ngờ gì nữa: Đường tăng trưởng của cô bé là hoàn toàn hợp lí. Điều đó đồng nghĩa với việc Andrea đã ăn uống đúng cách.
Mặc dù vậy, mẹ Andrea lại luôn nghĩ rằng con gái mình ăn quá ít. Cứ mỗi lần đưa con đi khám, chị luôn kể về lượng thức ăn ít ỏi mà Andrea ăn hàng ngày và không quên than phiền: “Chừng nấy làm sao đủ mà sống được!”. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại đưa cho mẹ Andrea xem biểu đồ tăng trưởng của con mình để chứng minh rằng Andrea đang phát triển tốt. Nhưng cô ấy luôn tỏ ra ngờ vực cho tới khi chúng tôi cùng nhau thảo luận xem kí ức thơ ấu nào đã khiến cô luôn nghi ngờ một cách cứng nhắc đến như vậy.
- Alexandra: cô bé “nhẹ cân”
Sẽ như thế nào nếu các chỉ số của trẻ luôn nằm dọc theo đường giới hạn phía trên của biểu đồ, như đường tăng trưởng màu xanh lá cây của Alexandra? Ở trang 49, chúng ta đã nhìn thấy đường cong tăng trưởng của cô bé. Ở lứa tuổi của mình, Alexandra được coi là thấp, không những vậy, cô bé còn rất nhẹ cân. Điều đó cho chúng ta thấy cân nặng và chiều cao của Alexandra phát triển không hề tương xứng nhau. Chỉ có 3 trong 100 trẻ nhẹ cân như Alexandra, thậm chí có trẻ còn nhẹ hơn nữa.
Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Việc trẻ tăng cân liên tục và đều đặn, đồng nghĩa với việc trẻ đã ăn uống đúng cách.
Bạn hãy so sánh xem đường cong tăng trưởng của con mình có giống so với của Alexandra hay không? Có nằm dọc theo, hay thậm chí vượt qua đường giới hạn phía trên của biểu đồ hay không? Nếu đúng như vậy thì con bạn chắc chắn cũng là một đứa trẻ gầy như Alexandra, nhưng liệu như thế có bị coi là quá gầy hay không? Không hẳn như vậy, dựa vào đường đồ thị tăng trưởng, bạn sẽ nhận biết được con mình có tăng cân đều đặn, có năng động tỉnh táo, khỏe mạnh hay không? Nếu bạn – giống như bố mẹ của Alexandra, đều đưa ra câu trả lời “có” cho mỗi câu hỏi trên thì con bạn hoàn toàn không quá gầy. Trẻ có được thân hình như vậy đơn giản là do được thừa hưởng từ bố hoặc mẹ, như trường hợp của Alexandra và sẽ nằm trong số 3% trẻ em gầy ở Đức. Tỉ lệ này luôn tương đương với khoảng nửa triệu trẻ. Trong số đó có một số trẻ thường bị ốm và cần phải điều trị (trường hợp này hầu như không xảy ra đối với trẻ có cân nặng trung bình), số còn lại đều khỏe mạnh và ăn uống hợp lí.
Bố mẹ của Andrea không hiểu rõ nguyên nhân và khó lòng chấp nhận rằng con gái họ đang phát triển theo cấu trúc di truyền rất tốt, ngay cả khi Alexandra thấp, gầy, nhẹ cân và ăn ít. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều ăn ủi họ: “Ông bà hãy nhìn con của mình xem. Trông nó thật năng động, hoạt bát và xinh xắn. Ở cô bé luôn toát lên cảm giác yêu đời. Alexandra đã cho ông bà thấy mình khỏe mạnh tới mức nào. Mọi thứ với cô bé đều ổn, kể cả việc ăn uống.”
Sebastian: cậu bé “nặng cân”
Sebastian lại hoàn toàn khác: Đường biểu đồ màu xanh của cậu bé có chiều hướng đi xuống và chạy dọc theo đường giới hạn phía dưới. Vậy đường chỉ số của con bạn có giống của Sebastian không? Hay thậm chí còn chúc xuống dưới hơn nữa? Nếu vậy, con bạn cũng giống như Sebastian – có vẻ hơi nặng so với chiều cao của mình. Đứa trẻ khi đó trông sẽ thật “mũm mĩm”. Chỉ có 3% trẻ em gặp phải trường hợp như của Sebastian. Chúng có thể nặng bằng hoặc thậm chí nặng hơn cả Sebastian. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu con bạn khi đó có bị coi là “quá béo”? Không phải như vậy! Qua biểu đồ, bạn sẽ nhận biết được con mình có tăng cân đều đặn hoặc đột nhiên tăng vọt lên hay không? Có năng động và khỏe mạnh hay không? Bố mẹ của Sebastian đã không mắc bất cứ sai lầm nào trong việc cho Sebastian ăn cũng như thiết lập các nguyên tắc trong việc ăn uống của con mình: ăn cái gì và như thế nào, tất cả mọi thứ đều ổn. Nhưng tại sao cậu bé lại thừa cân? Trẻ nặng cân không có nghĩa là trẻ “béo”. Sebastian là một ví dụ. Cậu bé rất khỏe mạnh và “lực lưỡng”, trong khi tỉ lệ mỡ trong cơ thể Sebastian lại không quá cao. Sự tăng trưởng của Sebastian hoàn toàn phù hợp với cấu trúc di truyền mà mình nhận được từ bố mẹ. Đường biểu đồ của Sebastian còn cho ta thấy cậu bé đã ăn uống đúng cách. Bố mẹ Sebastian không khó để đón nhận cậu con trai với vóc dáng của một “vận động viên cử tạ”. Cả hai đều không được thon thả cho lắm: Trông họ như những người “mập mạp vui tính”. Cha của Sebastian hiện đang là một huấn luyện của một câu lạc bộ bóng đá. Mọi thành viên trong gia đình cậu bé đều có “sức mạnh”.
Mỗi đứa trẻ có cách ăn uống khác nhau
Cả ba đứa trẻ mà chúng tôi vừa nhắc đến đều có thể ăn uống đúng cách. Có thể con bạn, cũng giống như Sebastian – ăn uống rất hợp lí – mặc dù đường tăng trưởng của bé có xu hướng “đi xuống”. Bạn sẽ đánh giá được việc ăn uống của con mình tốt hơn sau khi đọc chương đề cập về dinh dưỡng đúng cách cũng như các sai lầm bố mẹ có thể mắc phải khi cho con ăn. Khi bạn nhìn lại biểu đồ minh họa mà chúng tôi đã đưa ra, bạn sẽ thấy rằng ba đứa trẻ đều rất khác nhau, như cách “chúa đã tạo ra chúng vậy”, và cả ba đều rất ổn định. Mặc dù các chỉ số của Alexandra và Sebastian có khác so với giá trị trung bình, nhưng chúng ta cũng không cần quá phải bận tâm quá nhiều. Từ khi sinh ra, cả ba đứa trẻ đều tăng cân liên tục và đều đặn. Bố mẹ của chúng đều có thể hài lòng rằng con mình đã thực sự ăn uống đúng cách.
Khi con bạn khỏe mạnh, tỉnh táo và phát triển bình thường có nghĩa là con đã ăn uống đúng cách.
- Kìm hãm hay kích thích sự tăng trưởng của trẻ?
Không phải lúc nào trẻ cũng phát triển đều đặn như trường hợp của Alexandra, Andrea và Sebastian. Biểu đồ ở các trang tiếp theo sẽ minh họa cho bạn thấy quá trình phát triển trọng lượng cơ thể trẻ theo từng độ tuổi thông qua hai ví dụ với Calvin và Teresa. Hai đường đồ thị của hai đứa trẻ diễn biến hoàn toàn khác nhau. Calvin và Terasa đều phát triển rất đồng đều và có chiều cao trung bình. Bạn sẽ biết được cân nặng của hai đứa trẻ phát triển như thế nào trong hai năm đầu đời.
“Đi xuống”
Qua đường cong tăng trưởng màu xanh của Calvin ta có thể thấy: khi sinh ra, cậu bé nặng 3,3 kg, tương đương với mức trung bình. Khi 2 tuổi, Calvin chỉ nặng có 10 kg, tương đối ít so với chiều cao 85 cm của cậu bé. Từ khi tròn 4 tháng tuổi, cậu bé dần dần có xu hướng nhẹ đi. Khi tròn 12 tháng tuổi, đường biểu đồ của Calvin đã chạm vào sát đường giới hạn phía dưới và cứ tiếp diễn như vậy. Chỉ có 3 trong số 100 đứa trẻ có cùng chiều cao giống Calvin. Liệu đó có phải là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng? Trong những tháng đầu đời, Calvin vẫn phát triển hoàn toàn “bình thường”. Vậy tại sao sau một năm cậu bé lại trở nên gầy như vậy?
Các chuyên gia gọi đường tăng trưởng của Calvin là hiện tượng “phát triển đi xuống”. Có thể nói, từ khi sinh ra đến khi 4 tháng tuổi, Calvin khá nặng. Từ tháng thứ tư trở đi, cậu bé bắt đầu tăng cân chậm dần, cuối cùng đạt đến ngưỡng tương ứng với cấu trúc di truyền của mình và dừng lại ở đó. Ngay cả đường biểu đồ của Calvin cũng được coi là bình thường.
Dĩ nhiên, bố mẹ Calvin có lí do để lo lắng khi cậu bé ăn uống ít đi và trở nên gầy hơn. Thật may mắn, Calvin vẫn rất khỏe mạnh, qua đó bé đã cho bố mẹ thấy rằng mình vẫn ổn. Chỉ khi Calvin gần tròn 3 tuổi họ mới thực sự tin rằng Calvin đang phát triển theo đúng hướng phù hợp với thể chất của mình.
Trường hợp của Calvin cũng là trường hợp thường thấy ở nhiều trẻ sơ sinh khi sinh ra thường khá nặng (từ 4 – 5 kg) rồi sau đó chững dần lại.
“Đi lên”
Đường biểu đồ của cô bé Teresa lại diễn biến hoàn toàn khác so với Calvin: Teresa ra đời sớm hơn 10 tuần so với dự định và chỉ nặng có 1,4 kg. Đầu tiên, cân nặng của cô bé có lên một chút ít, nhưng sau đó lại tăng rất nhanh. Sau khi tròn 1 tuổi, Teresa nặng 10,5 kg và cao 75 cm, tương đương với mức cân nặng và chiều cao trung bình ở độ tuổi của cô bé. Thậm chí khi tròn 2 tuổi, Vanesa còn nặng hơn so với mức bình quân những đứa trẻ còn lại.
Thuật ngữ chuyên môn được sử dụng để miêu tả quá trình phát triển này là “tăng trưởng bắt kịp”. Những đứa trẻ có dạng đường tăng trưởng giống như Teresa thường là trẻ sinh non. Vì thế, lúc mới sinh trẻ thường thấp và nhẹ cân. Trước hết, những đứa trẻ này phải tìm ra được con đường tăng trưởng của mình, sau đó “tăng tốc” như trường hợp của cô bé Teresa. Các bé đã tăng cân một cách ngoạn mục và tìm thấy được vị trí “chuẩn” của mình trên đường cong sinh trưởng.
Cân nặng lúc mới sinh không có nhiều ý nghĩa
Những ví dụ về Calvin và Teresa đã cho chúng ta thấy chiều cao và cân nặng của một đứa trẻ khi sinh ra không nói lên nhiều điều. Dạng sinh trưởng “đi xuống” hay “bắt kịp” như đồ thị ở trang bên được coi là bình thường.
Việc tăng cân có thể kích thích hoặc hãm lại trong năm đầu đời của trẻ.
Chỉ khi trẻ gần được 3 tuổi, những dấu hiệu về di truyền mới được nhận thấy rõ ràng hơn.
Chú ý với những lời khuyên thiếu cơ sở khoa học
Các đường cong theo dõi trọng lượng của Tereasa và Calvin: “Các đường chỉnh sửa tỷ lệ” về việc theo dõi cân nặng là bình thường – cả hai hướng dọc và ngang.
Có lẽ các bạn sẽ tự hỏi: Vậy toàn bộ những đồ thị trên có nghĩa là gì, ngay cả khi quá trình phát triển về cân nặng, chiều cao theo độ tuổi bình thường, ổn định? Liệu thực sự có loại biểu đồ nào có thể chứng minh, chỉ ra được vấn đề liên quan hay không? Những biểu đồ như vậy là có, nhưng không nhiều, thậm chí rất ít! Thông thường, nếu bé nhà bạn khỏe mạnh, phát triển tốt thì bạn hoàn toàn không cần để ý tới những biểu đồ về phát triển cân nặng của bé. Mọi thứ không cần phải nhất thiết tuân theo đúng các chỉ số trong biểu đồ, ngay cả khi một số bác sĩ đưa ra những lời khuyên hoàn toàn trái ngược với sự phát triển thực tế của con bạn. Sau khi tôi mới sinh con trai, vẫn còn trong giai đoạn bú sữa, có một bậc phụ huynh tâm sự với tôi về con gái nhỏ của mình:
“Con gái tôi được 4 tháng tuổi và tôi vẫn cho bú mẹ đều đặn. Cách đây hai tuần, bác sĩ đã kiểm tra cân nặng cho bé và đưa ra kết luận là con gái tôi có cân nặng vượt quá mức cho phép so với chiều cao và tôi nên cho bé cai sữa mẹ, chuyển sang dùng Quark – loại sữa chua kết hợp với phô mai béo, như vậy con gái tôi sẽ gầy hơn. Điều đó thật khó tin!. Một đứa trẻ ăn sữa mẹ hoàn toàn thì không thể nào phát phì được! Ai cũng hiểu điều đó! Và cuối cùng tôi đã tìm đến một bác sĩ khác.”
Các bạn nên cẩn thận trước những tư vấn liên quan tới vấn đề thừa hay thiếu cân của con mình. Các bà mẹ nên chú ý: Ai muốn đưa ra kết luận chính xác cần tuân theo những bước sau:
-
Quan sát thật kỹ đứa trẻ: Thể chất của bé có phát triển phù hợp với độ tuổi của bé không? Quan sát bố mẹ của bé: Có những gen di truyền nào đóng vai trò đối với sự phát triển của bé?
-
Theo dõi biểu đồ phát triển cân nặng của bé.
- Quá trình phát triển của bé có ổn định hay có gì bất thường không?
Sau những biểu đồ mô tả sự phát triển bình thường, ổn định của trẻ giới thiệu trước đó, bây giờ chúng tôi muốn các bạn tìm hiểu thêm hai biểu đồ theo dõi tiến trình phát triển hơi bất bình thường vẫn gặp trong các phòng khám nhi khoa.
Bé Sven: Rất ít khi cảm thấy đói bụng
Lúc mới sinh, Sven nặng 4,1 kg và như vậy cân nặng của bé vượt ngưỡng mức trung bình. Mẹ của Sven rất vui mừng khi thấy mình mát tay như vậy. Sven gần như không bao giờ la khóc. Trong sáu tuần đầu, Sven ngủ rất tốt, có thể kéo dài năm hoặc sáu tiếng một lần! Ban ngày Sven cũng ngủ rất nhiều. Khi bú sữa mẹ, bé không tỏ ra hào hứng và chỉ bú được vài phút thì ngừng. Tuy nhiên dường như Sven cảm thấy như vậy là đủ, vì bé có thể “chịu đựng” một vài giờ cho đến tận bữa ăn chính tiếp mà không cần ăn thêm bất cứ thứ gì. Ở trang sau, các bạn có thể quan sát được biểu đồ phát triển cân nặng của Sven trong 12 tháng đầu. Thông thường, các em bé mới sinh phát triển đặc biệt nhanh trong những tháng đầu. Trong vòng bốn tháng, rất nhiều bé có cân nặng gấp đôi so lúc mới sinh. Cân nặng của Sven trong những tuần đầu tăng ít hơn so với mức độ phát triển thông thường của bé. Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là dấu hiệu khiến chúng ta phải lo ngại. Suy cho cùng, lúc mới sinh ra cân nặng của Sven đã nặng hơn so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kết luận rằng: Ở nhóm trẻ 4 tháng tuổi, trong khi Sven 3,5 tháng tuổi thì cậu bé nói chung vẫn không tăng cân thêm so với lúc được 6 tuần tuổi. Một câu hỏi đặt ra là điều đó đã xảy ra như thế nào? Sven đã hoàn toàn cai sữa! Tại sao cậu bé lại không bú nữa? Có lẽ các bé biết chúng cần ăn bao nhiêu là đủ.
Sven không phải là đứa trẻ quá hiếu động và có nhiều đòi hỏi. Cậu bé cũng không bao giờ thể hiện rõ những dấu hiệu khi nào cậu cảm thấy đói. Năm hoặc sáu tiếng không bú sữa mẹ là quá lâu đối với một đứa trẻ sơ sinh! Ngoài ra, khi cậu bú hết một bên sữa, mẹ cậu sẽ ngừng và ra hiệu cho cậu như vậy là “no” rồi và không để cậu bú nữa, Sven đã hoàn toàn không khó chịu điều đó, cậu không hề gào khóc. Một lần nữa, bà mẹ rất vui mừng vì cậu quá “dễ nuôi”.
Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Sven ít khi bú sữa mẹ và mỗi lần cậu đều bú rất ít. Bé chỉ bú sữa mẹ khi bé muốn, khi cơ thể bé hấp thụ tốt nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này. Tuy nhiên, đối với trường hợp của Sven, cậu ngày càng bú ít đi, mà đáng lẽ trên thực tế cậu ngày càng phải cần sữa mẹ nhiều hơn. Như vậy, sữa mẹ bây giờ không còn thích hợp với Sven nữa.
Sven bắt đầu có dấu hiệu “tuyệt thực” với sữa mẹ. Đến lúc này, mẹ cậu bé mới đưa cậu tới gặp bác sĩ khi cân nặng của Sven trở nên rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, chúng tôi đã không còn cách nào khác khi đưa ra giải pháp cho trường hợp ngoại lệ đối với Sven: Bón cho Sven ăn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Sven đã bắt đầu tăng cân và khi được 6 tháng thì cậu bé đã lại tìm thấy vị trí của mình trên biểu đồ về sự phát triển cân nặng.
Jens: Không thể hấp thụ được thực phẩm làm từ ngũ cốc
Khác với Sven, trong những tháng đầu Jens lên cân rất đều đặn. Cũng trong khoảng thời gian này, Jens được bú sữa mẹ đầy đủ. Sau khi cai sữa, mẹ cậu bắt đầu cho chuyển sang ăn bột cháo ngũ cốc và từ đây biểu đồ cân nặng của bé bắt đầu cong dần. Nguyên nhân được phỏng đoán là do cơ thể của Jens không hấp thụ được ngũ cốc. Và Jens được cho là mắc chứng bệnh Celiac(1). Do vậy mẹ Jens cho cậu ăn cơm hoặc ngô thay thế. Với thực đơn thay thế hợp lý như vậy, cân nặng của Jens đã có sự cải thiện đáng kể. Bước sang tuổi thứ 2, cơ thể của Jens đã được phát triển một cách toàn diện.
Áp lực, stress ảnh hưởng tới vấn đề tăng hoặc sút cân?
Có lẽ đến bây giờ các bạn vẫn chưa quên biểu đồ theo dõi quá trình phát triển cân nặng của một bé lúc lên lúc xuống bất bình thường do bị áp lực, nhiều stress. Phát biểu về hiện tượng trên, bác sĩ Morgenroth chia sẻ: “Tôi không thể giải thích được tại sao lại có hiện tượng như vậy. Bởi vì từ trước tới nay, tại phòng khám nhi khoa ở đây, tôi chưa từng thấy một biểu đồ nào như vậy khi theo dõi cho khoảng 20.000 các bé. Trong vòng sáu năm đầu đời, các bé phải đi khám sức khỏe định kỳ. Và ở trong nhóm độ tuổi này vẫn chưa có trường hợp nào tăng cân đột biến. Ngay cả trường hợp tăng cân đột biến đáng lo ngại ở một em bé sơ sinh hay trẻ nhỏ khỏe mạnh cũng vô cùng hiếm. Tôi thực sự chưa từng chứng kiến một trường hợp nào như vậy.”
Đường cong trọng lượng của Sven:Trọng lượng bị sụt giảm đáng kể đã được bù đắp.
Đường cong trọng lượng của Jens: Trọng lượng được cải thiện khi loại bỏ gluten trong thực đơn hàng ngày.
Tuy nhiên, một số bà mẹ chia sẻ rằng con họ gần như hoàn toàn từ chối các chất dinh dưỡng dành cho bé. Họ rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con mình. Vấn đề ăn uống căng thẳng luôn có ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đối với người mẹ, việc trẻ không chịu ăn hay biếng ăn là một điều đáng sợ và lo lắng. Và chính các bé cũng sẽ cảm thấy bị “giày vò” nếu các bà mẹ làm đủ mọi cách không hợp lý để bắt mình phải ăn.
“Với trường hợp của bé Anke – 6 tháng tuổi, tôi đã cùng mẹ bé chuyển bé tới phòng khám đặc biệt ở trong một viện nhi vì người mẹ làm đủ mọi cách với con mình. Bà luôn nghĩ rằng Anke đã không ăn bất cứ một thứ gì trong nhiều ngày qua, mặc dù bà không hề ép buộc bé ăn.”
Có thể nói bà mẹ đã mắc phải tất cả các sai lầm trong khi cho bé ăn. Những lỗi này chúng tôi sẽ đề cập ở chương sau. Tuy nhiên, Anke vẫn lên cân đều mặc dù bị thúc ép từ phía phụ huynh và thường xuyên bỏ ăn. Cả mẹ lẫn con đều phải nhờ tới sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Tại bệnh viện, bà mẹ cần học cách để cho bé chứ không phải mẹ “điều khiển” trong khi ăn và mẹ bé phải tin rằng con mình đã ăn đủ.
“Nguyên nhân dẫn tới rối loạn phát triển thể chất của trẻ”
Một số nguyên nhân căn bản đầu tiên phải kể đến là do trẻ sinh thiếu tháng. Những ca sinh non phải cần tới các hỗ trợ như hô hấp nhân tạo, truyền các chất dinh dưỡng vào cơ thể. Với những dụng cụ y tế chăm sóc nhân tạo như vậy, trẻ thường từ chối tất cả và thường bị nôn trớ. Chúng cũng cần có thời gian, cần sự kiên trì và quan tâm của bố mẹ để dần thích ứng với việc chấp nhận có những vật lạ như ty giả hay cái thìa nhỏ. Ngoài ra, chúng cũng cần phải học cách tự nuốt. Đối với một đứa trẻ sinh đủ tháng thường chỉ cần hai ngày sau khi sinh là có thể bú và nuốt rất tốt. Tuy nhiên, quá trình này ở những trẻ sinh thiếu tháng phải kéo dài khoảng một tháng, thậm chí là ba tháng cho những bé sinh quá sớm. Việc ăn uống thực sự rất khó khăn cho những trường hợp hãn hữu như trên. Nếu trẻ bị sụt cân vì stress và cha mẹ không thể tự giải quyết được thì nên nhờ tới sự hỗ trợ của các chuyên gia về cách chăm sóc trẻ sinh non.
Thông thường, trong những năm đầu đời, những sai phạm nhỏ của bố mẹ không ảnh hưởng quá nhiều tới cân nặng của các bé. Bởi các bé vẫn có thể điều chỉnh được cân nặng theo nhu cầu. Tuy nhiên, cách bạn chăm sóc con như thế nào từ đầu cũng sẽ có ảnh hưởng về sau. Khi trẻ bắt đầu lớn – ở độ tuổi thanh thiếu niên – đôi khi chúng sẽ hoàn toàn quên cách tự điều chỉnh, tự tiết chế. Và các vấn đề về tâm lý ở độ tuổi này có thể dẫn tới sự tăng cân không kiểm soát, hoặc các bệnh như chứng háu ăn, thèm ăn hoặc biếng ăn, lười ăn. Các bạn sẽ được tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề này trong những phần sau của cuốn sách.
- Kết luận
Đến bây giờ có lẽ các bạn cũng đã tự cung cấp thêm cho bản thân mình nhiều kiến thức về đề tài “Quá béo hoặc quá gầy: Biểu đồ phát triển nói lên điều gì?” thông qua một vài ví dụ cụ thể cũng như các biểu đồ mô tả trực quan. Còn bây giờ, chúng ta cùng nhau điểm lại một số ý chính:
-
Các bạn đừng bao giờ cố gắng đạt mục tiêu về một vóc dáng lý tưởng cho con mình khi chăm sóc chúng: Con mình cao hay thấp, béo hay gầy. Nếu các bạn cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đúng cách thì chắc chắn bé của bạn là đứa trẻ khỏe mạnh.
-
Trong các buổi khám sức khỏe định kỳ cho con, các bạn nên cùng bác sĩ quan sát thật kỹ biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao của bé để xem liệu có vấn đề gì bất bình thường không.
Con bạn có khỏe không? Nếu có, thì rất có thể là con bạn ăn uống khỏe mạnh – mặc cho con bạn có béo, gầy hay ở mức trung bình.
-
Bé của bạn phát triển bình thường và đều đặn – đó là dấu hiệu cho thấy con bạn đã có một chế độ ăn đúng cách.
-
Ở năm đầu đời, hai biểu đồ tăng trưởng đi xuống và tăng trưởng bắt kịp là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, tại biểu đồ cân nặng đột nhiên phát triển theo hướng đi xuống ở một bé mới sinh hay trẻ nhỏ là dấu hiệu của bệnh tật. Và căn bệnh này cần phải được phát hiện và điều trị. Tuyệt đối không được phép cho trẻ em ăn dồn dập để giải quyết vấn đề cân nặng.
-
Bé của bạn có cân nặng cao, thấp hay trung bình đều không quan trọng. Quan trọng là các bạn cần chú ý những quy tắc đơn giản (được áp dụng theo kiểu trò chơi) được nêu ra trong cuốn sách này. Các bạn sẽ quyết định xem con mình nên ăn gì. Còn bé sẽ quyết định bé có muốn ăn không và ăn với lượng bao nhiêu. Điều này cũng được áp dụng với những bé quá thừa cân hoặc thiếu cân. Chỉ như vậy con của bạn mới có được cân nặng ở mức tối ưu nhất.
Trẻ cần ăn gì để tồn tại?Những kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho bé
CHẮC CHẮN TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MONG MUỐN con cái mình có được nguồn thực phẩm ngon và bổ dưỡng nhất. Làm thế nào để phân biệt thực phẩm tốt và không tốt? Trong những tháng đầu đời thì sữa mẹ là nguồn thức ăn bổ dưỡng nhất, tốt nhất dành cho cho trẻ. Không một ai nghi ngờ về điều này. Đứng thứ hai là loại sữa công thức có thành phần gần giống sữa mẹ. Sau giai đoạn bú sữa mẹ, sữa bột là đến thời kỳ chuyển giao ngắn, hay còn gọi là thời kỳ cho bé ăn dặm: Trẻ bắt đầu được bón những thìa bột, thìa cháo đầu tiên. Quá trình này thường kéo dài vài tháng đến khi trẻ có thể cùng ngồi vào bàn ăn với gia đình và ăn tất cả những thức ăn bày trên bàn. Giai đoặn bú sữa và ăn dặm sẽ được phân tích cụ thể hơn trong phần sau. Còn phần dưới đây, chúng tôi chỉ đề cập tới các thành phần dinh dưỡng thức ăn chung cơ bản áp dụng cho trẻ từ lúc còn rất nhỏ đến khi trưởng thành.
- Cha mẹ là những tấm gương
Chắc chắn là bạn luôn muốn có được chế độ ăn lành mạnh và bổ dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, có phải ngày nào các bạn cũng thực hiện được việc này? Ví dụ như có khi nào các bạn cho rằng khoai tây chiên với xúc xích rán, kẹo dẻo, đồ uống có ga hay các loại thịt nướng là “lành và bổ dưỡng”? Có lẽ không. Tuy nhiên, hãy thử một lần thành thật: Bạn có hoàn toàn nói không với chúng? Bạn có nghĩ rằng “chỉ một hớp nhỏ giải khát thì có sao” không? Tại sao rất nhiều người vẫn cứ thích làm điều này dù biết rằng hôm sau mình sẽ phải trả giá bằng một trận đau bụng hay đau đầu?
Câu trả lời rất đơn giản: Khi lựa chọn đồ ăn, chúng ta thường không đủ lí trí để chỉ đạo: “Cái gì là bổ dưỡng đây?”. Những gì chúng ta lựa chọn thường có liên quan tới tâm trạng và sở thích. Ngoài ra, việc chi tiêu và thời gian chế biến cho một bữa ăn cũng có tác động ít nhiều tới việc đi chợ mua thức ăn. Hoặc cũng có khi việc chúng ta có thích nấu nướng hay không cũng đóng vai trò rất lớn.
Có thể chúng ta đã có cách suy nghĩ rất đúng, nghiêm khắc về những đồ ăn tốt và không tốt cho sức khỏe, tuy nhiên chúng ta lại không hiện thực được điều này. Và thử nghĩ xem nếu chúng ta không thể từ chối sô cô la, ly rượu thứ ba hay thậm chí là một điếu thuốc thì làm sao chúng ta có thể cho trẻ ăn những thức ăn có dinh dưỡng tốt nhất được? Chúng ta sẽ nhanh chóng cảm thấy ân hận vì những đồ ăn đầy “tội lỗi” này!
- Thực phẩm nào tốt cho sức khỏe?
Trên thực tế, sự phân chia ranh giới rõ ràng giữa thực phẩm bổ dưỡng và không bổ dưỡng là điều gần như không thể. Bởi vì thực phẩm bất lợi cho sức khoẻ hoàn toàn không có. Ít nhất, ở Đức thực phẩm có thể gây nguy hại tới sức khỏe con người không được phép tiêu thụ và đem bán cho người dân.
Các loại đồ uống có cồn thực sự gây nguy hại tới sức khỏe
Đồ uống có cồn là một trường hợp ngoại lệ rất đặc biệt. Vì cồn là một chất rất độc, rất có hại cho hệ thần kinh. Còn tất cả các loại đồ uống khác được coi là có lợi cho sức khỏe nếu chúng không bị ôi thiu hay được chế biến với các chất gây nguy hại khác. Dĩ nhiên, thực phẩm bổ dưỡng cũng sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta sử dụng quá nhiều hoặc chế biến không đúng cách.
Ăn và uống quá ít có thể gây nguy hại
“Bất lợi cho sức khỏe” trước hết là do khan hiếm, thiếu thốn đồ ăn thức uống. Xin các bạn đừng quên rằng: cách đây một vài thập kỷ, ngay cả ở châu Âu, khó khăn nhất chính là vấn đề dinh dưỡng. Tuổi thọ trung bình của con người tăng lên rõ rệt trong những năm trở lại đây không hoàn toàn là do sự phát triển của y học, mà còn vì chế độ dinh dưỡng ăn uống được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng “bất lợi đối với sức khỏe” là do chọn lựa thực phẩm, đồ ăn không tốt. Điều đáng ngạc nhiên là con người ngày nay không có nhiều hiểu biết về điều đó. Hầu hết mọi người coi nó chỉ là lý thuyết! Có một dẫn chứng cụ thể nhất thực sự được công nhận: Ăn quá nhiều đường sẽ gây sâu răng.
Thường xuyên vận động, ăn nhiều rau và hoa quả
Cho đến nay, người ta vẫn chưa chứng minh được rằng thực phẩm ít giá trị dinh dưỡng là nguyên nhân gây bệnh. Nhưng khoa học cũng chưa có kết quả nào cụ thể để công nhận việc con người có thể phòng chống một số bệnh nhất định khi sử dụng những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo một cuộc thống kê có quy mô lớn công bố năm 2003 của Tổ chức y tế thế giới, mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng và các loại bệnh quan trọng phổ biến thường gặp đã được khảo sát và nghiên cứu. Trong đó, các bệnh về tim và rối loạn tiêu hóa được xếp ở vị trí đầu tiên. Một kết quả đặc biệt quan trọng được đưa ra: Vận động thường xuyên có vai trò quyết định trong việc phòng chống bệnh tật. Không ai có thể phủ nhận được điều này. Rõ ràng một đứa trẻ khỏe mạnh, vận động nhiều sẽ có nhu cầu năng lượng cao hơn và hệ thống tiêu hóa tốt hơn so với đứa trẻ lười vận động, ngồi hàng tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính và ti vi.
Vận động quá ít sẽ khiến cơ thể không khỏe – và điều này cũng tương tự với ăn uống.
Ngoài ra, để có một hệ tiêu hóa tốt, chúng ta nên:
-
Ăn càng nhiều rau và hoa quả càng tốt
-
Không ăn quá mặn
-
Hạn chế sử dụng các đồ ăn có chất béo axit no như mỡ động vật có trong bơ, pho mát, thịt và xúc xích. Nên dùng các loại dầu thực vật và cá biển.
Về vấn đề dinh dưỡng, các bạn có thể ít mắc sai lầm hơn. Vì chỉ riêng với sự kết hợp khoa học, đúng cách trong danh sách các loại thực phẩm dành cho bé thì các bé sẽ có thể tự biết chúng cần phải ăn những gì vào cơ thể.
Sự kết hợp nguồn dinh dưỡng cho bé không quá phức tạp. Các bạn không cần phải hiểu quá cặn kẽ về các chất như vitamin, các chất khó tiêu, các phân tử hóa học, protein, lipit… Các bạn cũng không cần phải sử dụng các chế độ ăn kiêng thông minh hay các loại vitamin. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một vài nguyên tắc cơ bản theo cách vui chơi của “nghệ thuật nấu ăn”. Với những quy tắc đó, các bạn hoàn toàn có thể cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho con mình. Không ai có thể ngăn cản việc bạn có thể nuôi con bạn tốt hơn, thậm chí là ở mức tối ưu nhất. Nhưng “tham vọng” đó của bạn nên “song hành” cùng niềm vui và sự hứng thú từ cả hai phía: cha mẹ và con con cái, nếu không thì áp lực cho cả hai phía thân bạn sẽ còn lớn hơn cả những gì tốt đẹp mà bạn đang mong đợi.
- Chúng ta nên đặt những gì lên bàn ăn?
Nếu như tất cả thức ăn đều bổ dưỡng, bố mẹ nên chọn những thức ăn nào và đặt lên bàn ăn cho các bé? Câu trả lời rất đơn giản: Tất cả! Sự đa dạng trong các món ăn gần như là sự đảm bảo chắc chắn cho một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Và nguyên tắc cơ bản đầu tiên cho chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là:
Hãy cho con bạn ăn tất cả những gì
Một thực đơn phong phú
Con bạn đã biết ngồi chung bàn ăn với gia đình chưa? Bé đã có thể tự cắn, nhai và nuốt tốt? Bé có thể tự ăn uống mà không cần bạn phải bón? Vậy thì bé có thể dần dần ăn được tất cả mọi thứ bạn đặt lên bàn ăn – từ A đến Z như các loại táo, lê, pho mát, khoai tây, cam, ôliu, rau chân vịt, rau củ, bí ngô non… Những loại đồ ăn trên có quá đắt đỏ đối với gia đình bạn không? Các bạn không cần phải quá coi trọng nguồn thức ăn cho bé. Tất cả những gì bé cần đều có sẵn trong các siêu thị. Các bạn chỉ việc chọn lựa và để con bạn thưởng thức tất cả!
Nhưng nếu con bạn không muốn thử những món mới lạ mà bạn đưa tới trước mặt bé thì sao? Không sao! Chuyện các bé từ chối những thứ mới lạ là điều bình thường. Các bạn hãy tự mình thưởng thức trước với sự hào hứng và nói với bé: “Thật may mắn và sung sướng khi mẹ được ăn một mình hết tất cả chỗ này. Ngon tuyệt vời!”. Ở những lần sau, bạn hãy kiên nhẫn cho con tiếp tục ăn như vậy!
Các bạn hãy mang tất cả các món ăn và đặt chúng trên bàn ăn, chứ đừng đưa vào tận miệng bé. Nhưng tất nhiên là trước hết cha mẹ phải làm tấm gương tốt để bé noi theo: Về lâu dài, bạn sẽ truyền được cho bé hứng thú cũng như sự tò mò về tất cả của ngon vật lạ, mọi thức ăn quý giá trên đời – ngay cả khi cần phải mất tới một vài năm kiên nhẫn chờ đợi.
Tôi có một cô bạn rất thân người Pháp và đang sống ở một ngôi làng có tên Provence. Tôi rất ghen tị vì cô bạn tôi nấu ăn rất ngon và cô ấy có thể chọn cho mình một thực đơn vô cùng phong phú với chất lượng tốt nhất có thể. Khi tôi cùng các con tới thăm, bạn tôi rất vui khi thấy các cô con gái của tôi đã thưởng thức tất cả các món do chính tay cô ấy nấu với sự phấn khích tuyệt đối. Rồi cô thở dài: “Ước gì con trai tôi cũng được như vậy! Suốt mấy năm nay nó chỉ ăn nước sốt cà chua kèm thêm một thứ gì đó đi kèm thôi”.
Bánh hamburger và kẹo dẻo?
Nhưng có thật là bạn có thể để con mình thưởng thức tất cả mọi thứ? Ngay cả bánh hamburger, xúc xích cà ri, kẹo dẻo và tất cả các đồ ngọt có chứa phẩm màu cũng như chất bảo quản? Tất nhiên là có! Bởi nếu bạn cấm bé ăn tất cả những thứ đó thì rất có thể tình hình lại càng tồi tệ hơn. Chúng sẽ tò mò và muốn “khám phá” tại sao người lớn lại cấm chúng ăn. Các bạn chỉ nên giới hạn những đồ ăn trên và không cho bé ăn hàng ngày đồng thời hạn chế lượng cho bé ăn. Các bạn cũng không nên cho bé ăn khi chúng còn nhỏ mà hãy đợi đến khi nào chúng tự đòi bố mẹ cho ăn. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy việc “đòi hỏi” đó xảy ra muộn hơn ở đứa trẻ đầu. Các em của chúng sinh sau sẽ làm quen với “đời sống thực tế” và muốn “tìm hiểu” mọi thứ sớm hơn.
Câu trả lời: “Cái đó con không được ăn, vì chúng không tốt cho sức khỏe” hoàn toàn không thuyết phục và làm thỏa mãn những thắc mắc của trẻ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ăn một chiếc xúc xích rán? Chúng không thể đổ bệnh ngay được. Vậy “không tốt cho sức khỏe” nghĩa là như thế nào? Nhưng nếu hàng ngày chúng ta đều ăn xúc xích rán thì chắc chắn sẽ dẫn tới những hệ lụy sức khỏe về sau này. Tuy nhiên, một đứa trẻ có thể nhận thức về vấn đề này như thế nào? Và sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ thỉnh thoảng cho trẻ ăn một cái xúc xích cùng với nhiều đồ ăn khác?
Không tranh luận
Chúng ta vẫn thường nói với trẻ những câu như: “Con phải ăn nhiều rau củ quả nếu không con sẽ bị bệnh đấy”, “Ăn cà rốt rất tốt cho mắt của con”, “Bánh mì đen sẽ làm cho con thực sự khỏe mạnh”. Và dĩ nhiên các bé sẽ không tin bạn, dù chỉ một lời. Bé sẽ cảm thấy khó chịu trong người chỉ vì không ăn rau sao? Liệu các cơ của bé sẽ phát triển ngay lập tức khi bánh mì được đưa vào dạ dày không? Những mối quan hệ này không đơn giản như vậy. Các tranh luận với trẻ về “tốt cho sức khỏe” hay “bất lợi cho sức khỏe” có thể sẽ gây thêm nhiều áp lực và mang lại ít hiệu quả. Vì vậy, tốt hơn là bạn không nên tranh luận với con về thực đơn ăn uống mà bạn dành cho bé. Nếu bạn cho con ăn tất cả mọi thứ và không cấm bất cứ thứ gì thì các bạn cũng không cần phải tự bào chữa cho mình khi trẻ hỏi. Qua đó, bạn sẽ có nhiều không gian và thời gian thoải mái lựa chọn từng thực đơn, từng bữa ăn cho con.
- Bao nhiêu là đủ?
Ăn nhiều đồ béo có hại? Còn nhiều tinh bột có lợi? Hay ngược lại? Trong nhiều năm trở lại đây đã có rất nhiều dự án, các hoạt động được tổ chức xoay quanh vấn đề này. Theo quan điểm của chúng tôi, các bậc phụ huynh không nhất thiết phải là những nhà khoa học về dinh dưỡng mới có thể mang lại những thực đơn ăn uống khoa học nhất. Dưới đây là một vài thông tin hữu ích giúp chúng ta hiểu hơn và có sự chọn lựa thực đơn tốt hơn, bổ dưỡng hơn cho trẻ.
Những luận điểm mới về dinh dưỡng lành mạnh
Cho đến vài năm gần đây, có một lời khuyên được cho là hiển nhiên, không ai có thể bác bỏ: Ăn quá nhiều đồ béo sẽ gây béo phì. Chính vì vậy, lời khuyên được đưa ra là: Ăn càng ít đồ béo càng tốt. Và ăn càng nhiều tinh bột càng tốt. Đó cũng là nội dung cơ bản về tháp dinh dưỡng chuẩn được phổ biến ở Mỹ, Châu Âu và người ta nhìn thấy chúng được in trên bao bì của những gói bắp rang bơ. Đặc biệt ở Mỹ, người dân gần như phát cuồng vì phong trào “ăn ít đồ béo”. Vào khoảng cuối thế kỷ XX, người ta đột nhiên muốn đảo ngược lại tất cả. Tinh bột bỗng nhiên lại được coi là không tốt, bất lợi còn có nhiều đồ ăn chứa chất béo khá tốt. Ở Mỹ lúc này, phong trào ăn ít tinh bột lại lên ngôi. Thậm chí, một vài công ty thực phẩm mỳ gói và mỳ Ý phải đóng cửa vì họ không thể tiêu thụ và bán sản phẩm được nữa. Do đó, chỉ số glycemic (viết tắt là GI) (chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường) đã xuất hiện như là một phát minh sáng suốt. Vậy thì mọi lời khuyên, mọi khuyến cáo đều hoàn toàn sai?
GI – là gì?
Chỉ số glycemic có ở đâu? Tất cả các loại thực phẩm có chứa cacbohydrat như rau củ, ngũ cốc, mì ăn liền, gạo, khoai tây, đường và bột… Tất cả những đồ ăn này khi đưa vào cơ thể sẽ làm tăng hàm lượng đường trong máu, tuy nhiên mỗi loại thực phẩm lại có hàm lượng đường khác nhau. Với một vài thực phẩm, nếu ăn vào lượng đường sẽ tăng rất nhanh và nhiều, như vậy những loại thực phẩm này này bị liệt kê vào nhóm có lượng GI cao.
Nếu như lượng đường trong máu tăng, chất insulin sẽ bị chuyển từ lá lách đi vào trong máu. Sau đó, insulin sẽ làm giảm các phân tử đường trong máu, bằng cách này lượng đường trong máu lại giảm đi một cách nhanh chóng và sẽ dẫn tới hậu quả là chúng ta sẽ rất nhanh đói và cảm thấy thèm ăn. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng lượng mỡ sẽ không thể giảm đi, chừng nào lượng insulin vẫn còn nhiều trong máu. Nói cách khác, trong trường hợp này, tinh bột sẽ làm cơ thể tăng cân, phát phì và ngược lại, những thực phẩm chứa protein thì không. Mỡ và protein thực chất không làm lượng đường trong máu tăng.
Bởi vì không phải tất cả các thực phẩm đều có hàm lượng cacbohydrat làm tăng lượng đường trong máu như nhau, nên thực phẩm còn được phân loại thành hai nhóm: nhóm tinh bột “tốt, có lợi” và nhóm “xấu, bất lợi”. Đặc biệt trong nhóm “xấu” phải kể loại thức ăn đầu tiên là trái nho, vì hàm lượng đường có trong nho sẽ chuyển trực tiếp vào máu và kích thích mạnh quá trình sản sinh ra chất insulin. Thậm chí trong bánh mì trắng và khoai tây cũng chứa hàm lượng GI rất lớn và được xét vào nhóm “xấu”, bánh mì đen ngược lại được liệt kê vào nhóm thực phẩm “tốt”, vì các chất có trong bánh mì đen cần thời gian lâu hơn để “xé nhỏ” các phân tử glucose – hàm lượng đường trước khi chúng ngấm vào máu.
Thực đơn ăn kiêng GI
Với những quan điểm trên, đã có nhiều chuyên gia đưa ra thực đơn ăn kiêng khác nhau. Có lẽ nổi tiếng nhất phải kể đến đề suất ăn kiêng của bác sĩ David Ludwig: Phương pháp lô gic, đề xuất này được phát triển từ thực đơn dành cho những người mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ Ludwig khuyên chúng ta ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, dùng dầu thực vật để chế biến món ăn, cũng như dùng thực phẩm giàu chất đạm như pho mát, cá, thịt, các loại hạt và một lượng ít các thực phẩm ngũ cốc như bánh mì, gạo, mì và sử dụng bột mì, đường và khoai tây càng ít càng tốt.
Hơi khác so với thực đơn trên là lời khuyên của chuyên gia Walter Willet nổi tiếng về chế độ ăn kiêng GI. Ông khuyên chúng ta nên ăn đầy đủ các sản phẩm ngũ cốc. Ngoài ra, bác sĩ còn phân biệt giữa các loại thực phẩm cung cấp chất đạm hoàn toàn có lợi và những loại ít có lợi hơn. Đó là chúng ta nên ăn các loại hạt đậu, cá, gia cầm thường xuyên, còn ngược lại không nên ăn nhiều các loại thịt đỏ. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của chuyên gia người Đức với chế độ ăn kiêng “Phương pháp hợp lý” là nên ăn các loại thịt đỏ.
Nhìn chung, các chế độ thực đơn ăn kiêng GI thường hướng tới các mục đích nhằm giúp giảm cân nhanh chóng, ví dụ như: Phương pháp Montignac hay Phương pháp GI của Marion Grillparzen.
GI có thực sự quan trọng cho các bé?
Tất cả những ý kiến trên rất khác nhau, thậm chí có phần trái chiều, phản lại nhau. Điều đó dẫn đến nhầm lẫn. Một chế độ thực đơn dinh dưỡng tốt cho trẻ nghĩa là thế nào? Các bậc cha mẹ có thực sự lúc nào cũng phải tuân theo đúng bảng chế độ thành phần dinh dưỡng theo GI hoặc như loại nào có chứa tinh bột tốt và loại nào thì không tốt trước khi nấu nướng không?
Thật may mắn là chúng ta không phải làm như vậy. Như tôi đã đề cập, điều quan trọng là sự đa dạng trong các món ăn. Và từ trước tới nay, tinh bột vẫn là thành phần quan trọng nhất trong chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng như người lớn. Ngay cả Tổ chức dinh dưỡng Đức cũng đã nhiều lần thảo luận về chế độ dinh dưỡng GI và kết luận rằng: Sẽ không tốt và bất hợp lý nếu bạn giới hạn các món ăn có chứa cacbohydrat và thay vào đó là dùng nhiều sản phẩm có chứa chất béo và protein. Bảng chỉ số của GI vẫn chưa phải là một công cụ đáng tin cậy để có thể đánh giá chất lượng thực phẩm, nó còn phụ thuộc rất lớn vào từng loại sản phẩm, từng thực đơn bữa ăn được chế biến. Đến tận ngày nay, vẫn chưa có một bằng chứng nào cho thấy chế độ dinh dưỡng đặc biệt với các chỉ số theo Index thấp sẽ ngăn được bệnh béo phì và tiểu đường. Tuy vậy, Hội nghiên cứu về GI thuộc Hiệp hội Dinh Dưỡng Đức đã công nhận kết quả sau đây và khuyến khích con người nên áp dụng: Sự khác nhau về chất lượng ở các sản phẩm có chứa chất béo và cacbohydrat hiện nay cần được chú ý. Và ở những trang sau ta sẽ đề cập tới vấn đề này cụ thể hơn.
Hãy cho con bạn được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng:Lipit (chất béo) và cacbohydrat.
- Ăn quá nhiều đồ béo sẽ gây ra hậu quả như thế nào?
Chúng ta đều biết ăn quá nhiều chất béo sẽ khiến sự tự điều tiết các chất ở cơ thể rối loạn. Các món ăn béo ngậy luôn chứa rất nhiều hàm lượng trong từng khẩu phần ăn nhỏ. Các món ăn có chứa chất lipit thường là những món ăn có hương vị thơm ngon, gây kích thích cảm giác thèm ăn. Ăn quá nhiều đồng nghĩa với nạp quá nhiều đồ béo. Ở Đức, năng lượng lipit chiếm 40% trong thành phần dinh dưỡng. Như vậy là quá nhiều, dưới 30% sẽ tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú ý tới chất lượng của lipit.
Chất béo có lợi và bất lợi
Chất béo không đơn thuần chỉ là chất béo. Có hai loại axit béo: axit béo no và chưa no. Và axit béo chưa no tốt hơn là axit béo no. Bơ, pho mát, váng sữa, xúc xích và thịt có chứa hàm lượng lớn axit béo no. Chính vì vậy, chúng ta không nên ăn quá nhiều những đồ ăn kể trên. Bởi về lâu dài, những chất béo đó sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa của con người. Các loại dầu ăn thực vật, hạt đậu và các loại cá biển như cá hồi, cá chim… có chứa hàm lượng a xít béo không no rất lớn. Nếu chúng ta muốn dùng đồ mỡ, nên chọn lựa những loại thực phẩm kể trên.
- Thực phẩm nào có chứa hàm lượng cacbohydrat cao và tốt?
Như các bạn đã biết, các sản phẩm từ thực vật như gạo, khoai tây, rau củ quả và tất cả các sản phẩm từ ngũ cốc như bánh mì, mì sợi thường chứa phần lớn hàm lượng cacbohydrat. So với chất béo, giá trị dinh dưỡng của cacbohydrat có một vài ưu thế. Thứ nhất, chúng không có hàm lượng năng lượng béo cao như lipit. Điều đó có nghĩa là người ta có thể ăn nhiều hơn mà không sợ nạp quá nhiều năng lượng béo vào cơ thể. Đặc biệt là rau củ quả, chúng ta nên dùng với số lượng nhất định vì ở nhóm thực phẩm này chứa nhiều nước và các chất khó tiêu. Các sản phẩm ngũ cốc, đặc biệt là các loại hạt đậu cũng chứa lượng chất khó tiêu tương tự. Như vậy, dinh dưỡng sẽ thực sự đầy đủ nếu chúng ta biết kết hợp cho con bạn ăn hơn một nửa hàm lượng cacbohydrat cần thiết với hàm lượng lớn hơn các thực phẩm như rau xanh và ngũ cốc.
Nhà dinh dưỡng học người Đức – GS. Volker Pudel lại chứng minh một lợi thế của cacbohydrat: Chúng ta có thể sử dụng loại cacbohydrat này mà không sợ bị béo phì. Ông cho rằng: Không giống các loài động vật như lợn hay chuột cống – những con vật hay được dùng làm thí nghiệm. Những con vật này ngay lập tức có thể tiếp nhận và chuyển hóa từng loại cacbohydrat thành các chất béo và chúng béo rất nhanh. Loài người sẽ chỉ chuyển hóa những loại cacbohydrat không tốt thành chất béo, còn những loại cacbohydrat khác bị đốt cháy thành năng lượng và chỉ chuyển hóa thành chất béo trong những điều kiện khắc nghiệt, ví dụ như nếu một ngày một người ăn đến ba cân khoai tây, hai cân mì nấu – hoặc nửa cân đường. Nhưng mà làm gì có ai ăn được như vậy?
Chất đặc biệt: đường
Đường chỉ chứa duy nhất cacbohydrat. Giống như cacbohydrat có từ gạo, bánh mì, mì sợi khi vào cơ thể sẽ bị biến đổi thành glucose – chất có vai trò cung cấp năng lượng và đi trực tiếp vào máu. Đường thực chất về cơ bản không phải là loại thực phẩm độc hại cũng như không hoàn toàn có lợi. Tuy nhiên, vì những lý do sẽ nêu dưới đây, chúng ta không nên ăn quá nhiều đường. Vì:
-
Đường gây sâu răng.
-
Ngược lại với các thực phẩm giàu cacbohydrat khác, trong đường không có các thành phần dinh dưỡng bổ sung như vitamin, các chất vi lượng, chất xơ… Vì vậy, ta còn có thể hiểu đường hoàn toàn “trống rỗng năng lượng”.
-
Tương tự như chất béo, đường dễ gây kích thích cảm giác thèm ăn.
-
Khi dùng đường, ta không chỉ dùng đường mà thường hay kết hợp, chế biến cùng với rất nhiều đồ béo khác như bánh ngọt, bánh ga-tô, sô cô la và kem… Chính vì vậy bánh kẹo, đồ ngọt thường là thủ phạm gây ra hiện tượng béo phì.
-
Ngoài ra, mật ong cũng không bổ dưỡng hơn đường là mấy. Mật ong được làm chủ yếu từ đường nho, đường hoa quả và nước. Do đó, mật ong cũng có thể coi gần giống như đường.
Với lý do trên, nguyên tắc của chúng tôi là: Cho ăn tất cả nhưng phải có giới hạn nhất định.
Nghĩa là hạn chế ăn đồ ngọt, đường, ăn đầy đủ các sản phẩm ngũ cốc như bánh mì đen, gạo thô và mì sợi ngũ cốc.
- Protein: thành phần “hiển nhiên phải có” trong chế độ dinh dưỡng tốt
Các bạn vẫn còn nhớ chất đạm trong một loạt các mục giới thiệu thực đơn cần phải có của chúng tôi chứ? Về protein, chúng ta không cần phải mất công suy nghĩ gì nhiều. Chúng ta luôn luôn tìm thấy nó trong các sản phẩm có từ thực vật và động vật. Đặc biệt, những người ăn chay nên chú ý trong vấn đề dinh dưỡng: Chỉ với các loại hạt như đậu Hà lan, đậu cô ve, chúng ta cũng nhận được đủ lượng chất đạm cần thiết. Ngoài ra trong thịt và xúc xích cũng chứa rất nhiều chất béo. Tốt nhất là chúng ta nên ăn các loại thịt nạc, cá, sữa chua tách béo và các loại đậu hạt mà không hề sợ bị béo phì và đó cũng là nguồn cung cấp chất đạm các bạn nên sử dụng.
- Còn chất gì quan trọng nữa?
Hiệp hội Dinh dưỡng Đức khuyên chúng ta ngoài ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng nên chú ý bổ sung thêm muối i-ốt và thực phẩm chứa canxi. Sữa, các sản phẩm từ sữa và rất nhiều các thực phẩm khác rất giàu canxi như hạnh nhân, đậu, súp lơ xanh.
Đức là quốc gia có nhiều người thiếu i-ốt. I-ốt là thành phần rất quan trọng, nó giúp tuyến giáp hoạt động tốt. Cơ thể chúng ta sẽ được cung cấp lượng i-ốt đầy đủ nếu chúng ta sử dụng muối i-ốt và lựa chọn mua loại bánh mì có chứa muối i-ốt.
- Những biểu đồ tháp dinh dưỡng khác nhau
Với một “tháp dinh dưỡng”, các bạn có thể dễ dàng biết được cần phải cho con ăn bao nhiêu là đủ, cần phải đặt lên bàn ăn khẩu phần như thế nào. Theo những kết quả nghiên cứu gần đây nhất, tất cả các tháp dinh dưỡng được giới thiệu đều bị thay đổi chút ít. Ở trang sau các bạn sẽ thấy một mô hình tháp dinh dưỡng khá rõ ràng.
Mô hình mới: Tháp dinh dưỡng kiểu Mỹ
Tháp dinh dưỡng kiểu Mỹ mới nhất là tháp theo cấp bậc để theo dõi những đứa trẻ ưa hoạt động thể thao, chơi bóng. Nguyên tắc quan trọng nhất để có được một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh hoàn toàn không chỉ phụ thuộc vào việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng mà còn phải:
Hoạt động nhiều là điều quan trọng nhất giúp cơ thể khỏe mạnh.
Chỉ ăn uống đúng cách, đầy đủ thôi là chưa đủ để giúp con bạn khỏe mạnh. Những người không vận động sẽ không thể tiêu thụ calo và dễ dàng bị tích mỡ gây béo phì. Ngoài ra, hệ tiêu hóa cũng không thể hoạt động tốt, các cơ sẽ teo lại. Trên thực tế, trẻ rất thích được hoạt động. Tuy nhiên, ngày nay có ba thứ đặc biệt làm giảm hứng thú hoạt động của trẻ. Đó là máy tính, ti vi và trò chơi điện tử. Nếu các bạn giới hạn thời gian những hoạt động này của trẻ sẽ có tác dụng rất tốt tới sự vận động cơ thể của chúng. Giới hạn thời gian ngồi máy tính và xem ti vi thực sự mang lại hiệu quả tốt đối với sức khỏe của trẻ giống như việc ta giới hạn ăn đồ nhiều mỡ và đường.
Quay trở lại với tháp dinh dưỡng kiểu Mỹ, ta thấy trong khi theo dõi sự cần thiết về mức độ hoạt động ở trẻ, các chuyên gia Mỹ cũng rất lưu ý đến các nhóm thực phẩm được đánh dấu bởi các sọc màu các loại. Chúng ta nên tra cứu ở đó để biết được trẻ cần ăn bao nhiêu loại thực phẩm nào là đủ. Tuy nhiên biểu đồ này cũng không thực sự dễ quan sát.
Phức tạp trong tháp dinh dưỡng 3D
Phức tạp hơn phải kể đến tháp dinh dưỡng được Viện nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em khuyến khích tham khảo. Tháp có ba chiều, bốn trang, một đáy hình tròn và đầu tiên cần phải được ghép chúng lại với nhau, vì tất cả đều là tranh và ảnh. Tháp dinh dưỡng này thực tế cũng chưa dễ quan sát.
Tuy vậy, tháp vẫn có giá trị về mặt nội dung rõ ràng, chi tiết và có nhiều ý nghĩa thiết thực. Chúng dựa theo mô hình cột đèn giao thông rất đơn giản như sau:
-
Trẻ cần phải được uống nước đầy đủ, đặc biệt là nước lọc.
-
Cho trẻ ăn đủ các loại thực phẩm từ thực vật như rau củ quả, đến các sản phẩm từ ngũ cốc và khoai tây. (Đầy đủ nghĩa là không bị giới hạn. Do đó khu vực màu xanh là dành cho nước và các loại thực phẩm có chứa cacbohydrat.)
-
Cho trẻ ăn theo khẩu phần các món ăn có chứa hàm lượng dinh dưỡng động vật như sữa, thịt, xúc xích, trứng và cá. (Theo khẩu phần, theo lượng nghĩa là không phải không có giới hạn. Màu vàng dành cho nhóm đối tượng này.)
-
Lưu ý là chỉ nên cho con bạn ăn ít đồ ăn mỡ và đường. (Khu vực màu đỏ có nghĩa là nên ăn rất ít.)
- Tháp có dạng cột đèn giao thông: Hữu ích hàng ngày
Cuối cùng ta cũng tìm thấy một tháp về dinh dưỡng phù hợp nhất cho trẻ hiện nay. Tháp được xây dựng và phát triển từ các gợi ý, chỉ dẫn của nguyên tắc đèn giao thông.
Khu vực màu đỏ: Cho trẻ ăn hết sức “khiêm tốn và tiết kiệm”.
Khu vực màu vàng: Cho trẻ ăn đều đặn nhưng với số lượng vừa đủ.
Khu vực màu xanh: Cho bé ăn với số lượng không giới hạn.
Khu vực màu xanh: Không giới hạn thực phẩm
Các loại đồ uống rất quan trọng trong khu vực màu xanh. Để giải cơn khát không gì tốt và tuyệt vời hơn nước lọc. Các loại trà không đường, một chút nước hoa quả cũng rất tốt cho cơ thể. Vì giàu thành phần dinh dưỡng nên sữa và nước hoa quả nguyên chất không được liệt kê vào các loại đồ uống mà được coi giống như thành phần dinh dưỡng của các bữa ăn.
Các đồ uống chứa nhiều đường đặc biệt không tốt cho cơ thể, như coca cola, nước chanh hay các loại nước ngọt được chế biến từ ngành công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên các đồ uống này các bạn không nên cấm trẻ tuyệt đối. Thỉnh thoảng vào dịp sinh nhật, đi ăn nhà hàng, con bạn cũng nên được thưởng thức. Tuy nhiên, không được phép cho chúng uống thường xuyên.
Tương tự như khu vực màu xanh, các bạn sẽ tìm thấy các sản phẩn từ ngũ cốc như cơm, mì sợi, ngô và khoai tây. Đây là những nguồn thức ăn cung cấp cacbohydrat cơ bản cho cơ thể. Chúng là thành phần cơ bản, là “nền móng” trong chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ. Thật may mắn là những loại thức ăn này không quá đắt.
“Tầng thứ nhất” của tháp là màu xanh. Ăn “quá nhiều” rau củ quả cũng không. Bạn có thể để các bé ăn thoải mái, không giới hạn. Tuy nhiên phải đi kèm với điều kiện: Phải hạn chế tối đa khi kết hợp đường và mỡ trong lúc chế biến! Ngay cả hoa quả và rau cũng chứa rất nhiều thành phần cacbohydrat và đặc biệt nhiều nước, nhiều vitamin cùng chất khoáng.
Ngay cả khi con bạn không đặc biệt thích ăn hoa quả, rau củ thì bạn nên cho con ăn dưới nhiều hình thức khác nhau: ăn tươi trực tiếp, từ trong tủ lạnh, từ trong hộp, lọ, cốc hay để khô, ép thành nước. Hoa quả tươi là nguồn thức ăn thay thế tuyệt vời cho các loại đồ ăn vặt như bim bim, kẹo.
Khu vực màu vàng: Cho ăn theo khẩu phần, có giới hạn
Ở tầng thứ hai của tháp là khu vực màu vàng. Màu vàng có nghĩa là sự giới hạn, báo hiệu rằng chúng ta nên cẩn thận. Một bên là sữa, các sản phẩm từ sữa, bên kia là thịt cá, gia cầm và các loại hạt đậu, chúng dĩ nhiên đều là những thành phần dinh dưỡng quan trọng trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. So với khu vực màu xanh, ở khu vực này chúng ta nên cho trẻ ăn với số lượng ít hơn và có giới hạn. Vì trong pho mát, thịt và xúc xích thường chứa nhiều chất béo. Các sản phẩm từ sữa giàu canxi. Trẻ em cũng đặc biệt thích uống sữa tách béo.
Khu vực màu đỏ: Phải lựa chọn kỹ càng và “khiêm tốn” nhất có thể
Tận trên đỉnh của tháp không còn mấy diện tích dành cho thực phẩm ở khu vực này. Màu đỏ nghĩa là dừng lại! Đồ béo, đồ ngọt nên hạn chế tối đa cho trẻ ăn. Tuy nhiên các bạn không cần phải hoàn toàn không sử dụng chúng. Khi chế biến món ăn cần tới chất béo, tốt nhất các bà nội trợ nên dùng dầu thực vật, hoặc có thể ăn các loại cá biển, đậu hạt thay thế. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ăn giới hạn, vì tất cả các đối tượng này đều chứa hàm lượng calo rất lớn.
Đồ ăn mà hoàn toàn không có đường cũng không được. Vị của món tráng miệng sẽ ra sao nếu không có đường? Một chiếc kem có kèm sữa, hay một thanh sô cô la ngon tuyệt thì sao? Các món tráng miệng đó dù thế nào cũng ít nhiều mang lại cảm giác hạnh phúc trong ăn uống của chúng ta. Vậy nên rất khó để từ bỏ chúng hoàn toàn! Thế nên bạn vẫn cho con bạn ăn, nhưng phải có giới hạn trong những dịp đặc biệt.
Vì chất béo và đường sẽ khiến các món ăn hấp dẫn hơn, nên nếu chúng ta chỉ sử dụng với một lượng nhỏ, phù hợp thì không có vấn đề gì cả. Chúng ta cứ thử hình dung một cốc nước chanh có một chút đường sẽ ngon hơn, hay những lúc chúng ta ngồi xem ti vi mà có vài miếng khoai tây sấy thì còn gì bằng.
Tháp dinh dưỡng “đèn giao thông” nên được áp dụng ngay từ khi trẻ còn nhỏ
Như vậy tháp dinh dưỡng “giao thông” đã hoàn thiện. Đến bây giờ hẳn các bạn vẫn còn nhớ những thông tin, kiến thức về các thành phần dinh dưỡng cơ bản như vitamin, khoáng chất, chất đạm, béo, cacbohydrat…? Nếu các bạn tuân theo đúng những quy tắc ăn uống trên và đặt lên bàn ăn của trẻ nhiều món ăn, các bạn hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: Con bạn đã có một chế độ ăn uống đúng cách và đủ chất dinh dưỡng cần thiết, ngay cả khi trẻ chỉ dùng một đồ ăn trong số những món được đặt lên bàn.
Một hình thức bổ sung vitamin và khoáng chất khác cũng không cần thiết, nếu chế độ ăn uống hàng ngày đúng mực.
Về nguyên tắc, các chỉ dẫn về chế độ dinh dưỡng đúng cho mọi đối tượng, từ những đứa trẻ có thể ngồi vào bàn ăn cùng các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, để chuyển từ giai đoạn cai sữa sang giai đoạn ăn dặm, tiếp đó là tham gia vào các bữa ăn bình thường hay những chú ý riêng với đối tượng tuổi khác nhau, từ một đứa bé sơ sinh cho đến đứa trẻ đi học, các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm ở Chương 3.
- Cách vận dụng tháp dinh dưỡng
Những gợi ý từ mô hình tháp dinh dưỡng hoàn toàn phù hợp và thống nhất với những nguyên tắc đã được đưa ra ở phần trước: bạn sẽ quyết định cho con ăn gì. Bạn chuẩn bị cho trẻ một bữa ăn đa dạng, nhiều màu sắc dựa theo tháp dinh dưỡng: bạn cần chú ý giới hạn lượng đường, chất béo và lựa chọn loại chất béo phù hợp cho khẩu phần ăn của trẻ. Ngoài ra, trong bữa ăn của trẻ cần có nhiều các loại thực phẩm giàu carbonhydrat như lương thực (đặc biệt là ngũ cốc), rau và hoa quả.
Tiếp theo, có thể tự quyết định xem mình muốn ăn bao nhiêu trong những món bạn chuẩn bị. Thực đơn đa dạng giúp con dễ dàng quyết định.
Bạn cần giới hạn lượng đường và chất béo trong bữa ăn của trẻ: trẻ có thể ăn bao nhiêu tùy thích nhưng không được quá những gì bạn đã chuẩn bị trên bàn ăn. Khi đó, bạn sẽ đóng vai “người giữ cửa”: bạn sẽ quyết định con được phép “nạp” bao nhiêu đường và chất béo, khi nào và thường xuyên như thế nào. Trẻ có thể được ăn thêm cơm, khoai tây, bánh mỳ, rau hoặc hoa quả nhưng không được ăn quá lượng đồ ngọt hay đồ béo như bánh pudding, sô cô la, bánh ngọt, khoai tây, thịt mỡ v.v… mà bạn đã chuẩn bị cho trẻ trong bữa ăn. Nếu khẩu phần ăn của trẻ hôm nay hay trong tuần này chứa nhiều chất béo và đường hơn mức bình thường, thì bạn cần phải điều chỉnh bằng cách không cho trẻ ăn đồ ngọt, đồ béo, hoặc cho ăn ít hơn trong thời gian tiếp theo. Trẻ có thể tự quyết định xem liệu mình có muốn ăn hay không và ăn bao nhiêu trong số đó. Nhóm thực phẩm được tô màu xanh lá cây trên tháp dinh dưỡng có thể làm dịu những cơn đói “phát sinh” của trẻ.
Bố của cô bé Clara 4 tuổi bày tỏ: “Khi tôi để cho Clara tự quyết định sẽ lựa chọn gì trong khẩu phần, thì bữa sáng nào con bé cũng chỉ chọn bánh chấm sô cô la Nutella mà thôi.”
Bố Clara đã thực hiện sai nguyên tắc: bánh chấm sô cô la rất được trẻ ưa thích. Thực sự không có gì là sai, khi chúng ta đưa loại mứt này vào khẩu phần ăn của trẻ. Nhưng liệu có nhất thiết phải ăn hàng ngày không? Bố Clara có thể hoàn toàn quyết định sẽ cho con ăn mứt thường xuyên như thế nào. Và Clara sẽ ra sao, nếu như trong thực đơn không có món mứt ngọt ưa thích ấy? Có thể Clara sẽ than vãn. Nhưng nếu việc than thở không giúp ích được gì cho cô bé, thì sau một thời gian bé sẽ từ bỏ việc nhõng nhẽo. Có thể Clara muốn “thử” bố mình khi bỏ hẳn bữa ăn sáng. Nếu ông bố chấp nhận việc đó và chờ Clara cho tới bữa ăn tiếp theo, vấn đề này sẽ được giải quyết. Vậy khi Clara thực sự không hề thích xúc xích, phô mai, mứt hoặc một vài món khác trong bữa sáng thì sẽ ra sao? Không vấn đề gì cả: cô bé vẫn luôn có bánh mỳ hàng ngày và ăn bao nhiêu tùy ý.
§ TỔNG KẾT
⇒ Bạn hãy tin tưởng con!
Từ khi sinh ra, trẻ đã có khả năng lựa chọn lượng thức ăn nạp vào cơ thể khi được cho ăn uống đúng cách và không chứa quá nhiều đường và chất béo.
⇒ Hình dáng cơ thể chỉ ảnh hưởng một phần từ dinh dưỡng
Con bạn trở nên béo hay gầy, cao hay thấp phụ thuộc phần lớn vào yếu tố di truyền.
⇒ Vận động
Khi khỏe mạnh và năng động, trẻ sẽ ăn đúng lượng thức ăn theo nhu cầu của mình, bất kể việc trẻ béo, gầy hay bình thường.
⇒ Sự đa dạng đóng vai trò quan trọng
Chỉ có ít các nguyên tắc giúp bạn tổ chức bữa ăn tối ưu về dinh dưỡng cho trẻ. Bạn hãy cung cấp cho trẻ mọi thứ. Khẩu phần của trẻ càng đa dạng, phong phú bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu.
⇒ Cách kết hợp tạo nên bữa ăn
Khẩu phần ăn của trẻ nên chứa nhiều Cacbohydrat (nhưng không quá nhiều đường) và không chứa nhiều chất béo. Bạn hãy sử dụng những thực phẩm từ ngũ cốc nguyên chất và ưu tiên lựa chọn các loại chất béo thực vật. Tháp dinh dưỡng có thể giúp bạn trong việc lựa chọn thực phẩm phù hợp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.