Người Đức Dạy Con Tự Kiểm Soát Bản Thân

1. Khủng hoảng trong khi dạy dỗ con cái hình thành như thế nào?



 

  • Tại sao luôn xảy ra xung đột trong gia đình?

  • Cha mẹ làm thế nào khi trẻ muốn làm những điều chúng không nên làm?

⇢ Cho trẻ những gì chúng cần chứ không phải những gì chúng muốn – Đó là một nghệ thuật

Con bạn cần gì – muốn gì?

TRẺ EM THỰC SỰ LÀ ĐIỀU TUYỆT VỜI. Chúng dễ thương, mỏng manh, khác biệt và đáng yêu. Chúng tập đi, tập nói và thoáng một cái đã lớn, làm chủ thế giới này. Trái tim chúng ta rộn rã yêu thương mỗi khi con trẻ nhìn vào mắt ta. Mặc dù vậy, tại sao nhiều cặp đôi lại không hề muốn có con? Chẳng lẽ là do người ta nghĩ nuôi một đứa trẻ rất tốn kém, hay vì họ nghe mọi người thường kêu ca việc nuôi dạy con rất vất vả?

Đặc biệt, điều làm chúng ta nản chí chính là những chương trình truyền hình thực tế trên tivi giới thiệu về những vất vả, khó khăn của các gia đình khi dạy con nhỏ: ví dụ như ta xem được cảnh một đứa trẻ 3 tuổi đánh và giật tóc em nó, đạp cả vào chân của mẹ, rồi la hét, trong khi người mẹ cố gắng hết sức mà không ngăn được thằng con trèo lên tủ rồi đứng từ trên đó ném đồ chơi xuống.

Và trên truyền hình thực tế thì mỗi tuần đều có những chương trình với những tình huống mới về các loại vấn đề nảy sinh trong khi dạy con để mọi người theo dõi. Tại sao nhiều người lại xem chương trình này? Rõ ràng nó mang tính giải trí rất cao, ngay cả đối với trẻ con: Chúng đồng thời là nhân vật chính, người viết kịch bản và đạo diễn.

Thông thường thì mọi thứ đều diễn ra như những gì bọn trẻ muốn, nhưng liệu đó có phải là những thứ chúng thực sự cần? Cha mẹ chúng thì chỉ còn biết bất lực đứng nhìn và không ngượng ngùng thể hiện sự khổ sở của mình trước con mắt của hàng triệu khán giả xem truyền hình, chỉ với mong muốn duy nhất là tìm được sự giúp đỡ.

Tất nhiên trên truyền hình thường thấy những tình huống gia đình cá biệt. Nhưng những cặp cha mẹ vốn không gặp phải nhiều khó khăn khi giáo dục con cũng thích xem chương trình thực tế này bởi đâu đó họ cũng thấy hình ảnh của chính mình và một chút na ná với những vấn đề thường ngày của họ. Người ta cũng cảm thấy an ủi khi thấy gia đình mình chưa đến mức tệ như vậy và qua đó các bậc cha mẹ cũng thấy việc giáo dục con cái là một công việc vất vả, khiến bố mẹ phải lao tâm khổ tứ rất nhiều.

Vậy giáo dục trẻ có thật sự khó khăn như người ta nghĩ không? Trong cuộc sống hôn nhân, nếu có quá nhiều vấn đề thì các cặp đôi có thể ly dị. Nhưng trong việc giáo dục con cái thì khi các vấn đề và khủng hoảng xảy ra thường xuyên, người ta không thể vì thế chia tay nhau, mà phải tìm ra cách để vượt qua nó. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cặp vợ chồng chia tay nhau, vì người bố hoặc người mẹ không thể tìm ra lối thoát, không chịu nổi áp lực của việc dạy dỗ con cái. Lúc ấy thì chỉ còn một người ở lại chịu trận, thường là mẹ của đứa trẻ. Điều này khiến cho việc vượt qua khủng hoảng trong việc giáo dục con cái của người mẹ trở nên khó khăn hơn.

  • Nội dung chính của cuốn sách

Cuốn sách trong tay bạn đề cập đến nhóm đối tượng là trẻ từ 2 tuổi trở lên. Thời kì sơ sinh đã qua và đây là giai đoạn trọng tâm để tập trung chăm sóc và nuôi nấng trẻ. Do đó việc giáo dục trẻ càng trở nên quan trọng hơn. Lúc trẻ còn nhỏ thì bố mẹ cũng đã phải xử lí những vấn đề như trẻ thường xuyên kêu khóc, khó ngủ, ngủ không đẫy giấc hay như việc chuyển từ bú sữa sang việc ăn dặm. Giờ trẻ đã biết đi, hiểu những lời người lớn nói và bắt đầu tập nói.

Bước quan trọng được coi là dấu mốc trong quá trình phát triển của trẻ chính là chúng nhận thức được rằng mình là một cá thể độc lập. Dần dần sẽ đến khoảng thời gian mà trẻ có thể ghi nhớ lại trong tâm trí và sau này sẽ hồi tưởng lại được.

Lúc này, bố mẹ vẫn có những ảnh hưởng rất lớn với trẻ. Cho tới khi trẻ đến trường, bố mẹ vẫn còn có vô vàn việc phải lo: vừa là người nuôi dưỡng, chăm sóc, vừa là người giáo dục, chữa bệnh, lại kiêm thêm vai trò xử lí khủng hoảng. Cha mẹ cũng là con người, cũng mắc lỗi và được phép mắc lỗi.

Cuốn sách này sẽ khiến các bậc cha mẹ nhận ra rằng việc dạy dỗ trẻ em thật sự không khó khăn như họ nghĩ. Có ba điều trọng tâm như sau:

Trẻ em vẫn chưa thể tự đáp ứng nhu cầu của mình. Vì vậy chúng cần cha mẹ. Trẻ càng nhỏ càng cần được chăm sóc nhiều hơn. Một phần rất quan trọng của giáo dục là đem lại cho trẻ những gì chúng cần. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất, nhưng rất may mắn khi đó không phải là điều khó khăn nhất.

Chính phụ huynh cũng có những nhu cầu riêng. Hoàn toàn không hay nếu cha mẹ để cho con cái trèo lên đầu lên cổ trong suốt một thời gian dài, để cho con cái vắt kiệt sức lực của mình. Như vậy hôn nhân cũng có thể tan vỡ và mối quan hệ cha mẹ – con cái cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Giáo dục cũng có nghĩa là: dạy cho trẻ biết rằng những người xung quanh chúng – nhất là cha mẹ – cũng có những nhu cầu riêng và chúng cần phải tôn trọng điều đó. Rất nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi dạy trẻ điều này.

Một điều có lẽ khó chịu nhất trong việc dạy dỗ trẻ: đó là luôn phải nói với trẻ “Con làm cái này đi!” – “Để đó!”. Cha mẹ luôn bắt trẻ làm những việc chúng không muốn làm, tuy việc đó cần thiết và có ý nghĩa, ví dụ như dọn dẹp phòng hay tự mặc quần áo. Tương tự thì bố mẹ cũng phải hạn chế trẻ làm những việc không cần thiết như xem tivi quá lâu, lấy đồ chơi của các bạn hay ăn quá nhiều đồ ngọt. Điều trái khoáy ở đây là trẻ thường rất thích làm, mà là làm ngay, làm luôn những điều người lớn không cho phép.

Trẻ cần gì?

NHỮNG NHU CẦU NÀO của trẻ mà phụ huynh cần và nên đáp ứng, để trẻ lớn lên hạnh phúc và không bị thiếu thốn?

Trẻ em cần tình yêu thương và sự công nhận, cần sự an toàn và bảo vệ. Chúng muốn được tự trải nghiệm, được cung cấp đầy đủ cho cuộc sống, được bố mẹ tin tưởng, muốn có thời gian, cần sự quan tâm, sự mềm mỏng. Nhưng chúng ta hãy để trẻ tự nói chúng cần gì.

  • Muốn được cha mẹ đón nhận

Bố mẹ thân yêu!

Con không nhạy cảm như bố mẹ nghĩ đâu. Con có thể tự chịu đựng được một số thứ. Không quá tệ khi thỉnh thoảng bố mẹ thấy bực dọc, có tâm trạng tồi tệ và thậm chí còn mắng con. Khi con biết bố mẹ thật sự yêu quý con, thì mọi chuyện sẽ lại tốt đẹp. Với con, điều quan trọng nhất là bố mẹ yêu quý con như chính con người con, và rằng bố mẹ cho con thấy được điều đó. Con rất muốn bố mẹ thấy con là một đứa con tuyệt vời và bố mẹ cảm thấy hạnh phúc vì có con. Con rất cần điều đó, bởi con không phải là một đứa trẻ siêu phàm. Hãy chấp nhận con như chính con người con, kể cả khi con vẫn chưa thể nói dù đã lên 2 tuổi rưỡi. Hay khi con đi nhà trẻ mà chỉ ngồi trong lòng bố mẹ mà chưa biết làm gì. Hay khi con khóc khi không thấy bố mẹ ở bên. Hay khi con 4 tuổi vẫn phải đeo bỉm vào ban đêm. Hay khi con la khóc mỗi lần không làm được việc gì hay không được phép có thứ gì đó. Con tự biết rằng đôi khi con thật sự phiền phức! Nhưng đó không phải lỗi của bố mẹ. Bố mẹ đừng tự đổ lỗi cho mình. Con không làm như vậy để làm bố mẹ phải bực dọc. Con cần điều đó để học hỏi. Hãy nói cho con biết mỗi khi con cư xử không đúng mực. Và chỉ cho con biết cách làm thế nào để tốt hơn. Nhưng hãy vẫn yêu quý con cùng với tất cả lỗi lầm của con, bố mẹ nhé!

  • Thời gian và sự quan tâm

Bố mẹ thân yêu!

Con biết bố mẹ không thể ở bên con để chăm sóc con cả ngày. Con biết rõ rằng, khi con ở bên bác giúp việc hay tới nhà trẻ hay ở trong nôi, là vì bố mẹ phải làm việc gì đó. Nhưng con cần ít nhất một lần trong ngày bố mẹ ở bên, và nếu có thể, chỉ ở bên một mình con thôi. Không quan trọng bao nhiêu lâu. Nhưng con cần bố mẹ, để bố mẹ nhìn ngắm và nghe con, xem những điều con đã làm, cái nhà con đã xếp được hay bức tranh con đã vẽ. Và để kể cho con nghe, đọc truyện cho con, hát cùng con và chơi trò đóng kịch hay quan trọng nhất là làm gì đó mà bố mẹ cũng thích. Con có thể học được rất nhiều từ bố mẹ. Và cùng chơi với bố mẹ con có thể sẽ có rất nhiều niềm vui.

  • Sự dịu dàng

Bố mẹ thân yêu!

Con cần bố mẹ nhìn con trìu mến và mỉm cười, vuốt tóc con hoặc nhấc bổng con lên và ôm con vào lòng. Chỉ đơn giản như vậy vì bố mẹ có con. Con cũng cần cả giọng nói của bố mẹ nói yêu con. Đôi khi con cần được vòng tay ôm âu yếm, nhất là những lúc con bị ốm. Nhưng đôi khi con cũng muốn được yên tĩnh. Con vẫn yêu bố mẹ ngay cả những lúc con không muốn ôm bố mẹ.

  • Sự tin tưởng, an tâm

Bố mẹ thân yêu!

Con rất cần cảm giác là có một người luôn ở bên con. Không nhất thiết phải là mẹ, mà có thể là bố. Hay là bà hay cô bảo mẫu. Tốt nhất là hãy cho con luôn biết trước được điều đó. Với con, thế giới thật vô cùng rộng lớn. Điều đó đôi khi làm con sợ. Khi con biết được chuyện gì sẽ đến, con sẽ cảm thấy an tâm hơn.

Nếu bố mẹ chia tay nhau, con phải biết được con sẽ sống với ai, khi nào và bao lâu sẽ lại được đến thăm người kia. Con phải được biết rõ điều đó. Con phải biết ai sẽ đưa con đến trường, ai sẽ đón, ai sẽ đưa con đi ngủ, khi nào được ăn, khi nào con đi ngủ, con được nghe bao nhiêu câu chuyện và buổi sáng con phải dậy vào lúc nào. Tất cả sẽ làm cuộc sống của con trở nên dễ dàng hơn. Con cũng yêu thích cả sự bất ngờ. Nhưng nếu cuộc sống hình thành hoàn toàn từ những sự bất ngờ, con sẽ không định hướng được nữa.

  • Sự chăm lo, săn sóc

Bố mẹ thân yêu!

Con biết bố mẹ làm rất nhiều thứ vì con. Hàng ngày con cần bố mẹ vì thật nhiều việc: đánh thức con, mặc quần áo cho con, thay tã, nấu ăn, đến bác sĩ, đi công viên. Bố mẹ thường xuyên phải mua quần áo cho con vì con lớn thật nhanh. Và đồ chơi nữa. Thật nhiều thời gian, công sức và tiền của – tất cả là dành cho con. Nói thật lòng là đôi khi con không để ý điều đó. Nhưng khi mẹ ốm thì con mới nhận thấy sự chăm lo của bố mẹ là cần thiết biết bao.

  • Sự bảo vệ, chở che

Bố mẹ thân yêu!

Hãy chăm sóc con. Hãy giữ con tránh xa khỏi những thứ nguy hiểm. Đôi lúc con không biết sợ hãi, đôi khi lại sợ hãi quá nhiều. Hãy chỉ cho con biết bố mẹ hiểu biết thế giới này và con có thể tin tưởng nó được. Hãy cho con biết bố mẹ mạnh mẽ và có thể bảo vệ con. Con thật cần bố mẹ. Con cảm thấy bị bỏ rơi và không được che chở nếu không có sự bảo vệ của bố mẹ. Đừng để con một mình khi con còn quá nhỏ. Hãy làm con mạnh mẽ mỗi khi con sợ hãi.

  • Được tự trải nghiệm

Bố mẹ thân yêu!

Con cần bố mẹ, để con có thể học được mọi điều. Nhưng khi con đã nhìn và quan sát đủ, con muốn tự mình trải nghiệm nó. Hãy để con tự làm những điều con có thể làm được. Hãy cho con thấy bố mẹ tin tưởng con. Con cảm thấy việc mình tự làm được điều gì đó thật quan trọng và đáng tự hào. Hãy quan sát con. Và từ đó, bố mẹ có thể biết được con đã tự làm được gì và không làm được gì. Và khi con chậm hơn những bạn khác: hãy kiên nhẫn với con. Đừng thúc giục con. Hãy cho con thời gian. Đừng đòi hỏi ở con những điều quá sức.

Những điều cha mẹ cần

TRẺ EM NHẬN ĐƯỢC NHỮNG THỨ CHÚNG CẦN TỪ CHA MẸ MÌNH. Vì vậy chúng phụ thuộc vào cha mẹ. Có lẽ sau khi đọc đoạn trên, bạn sẽ nghĩ về tuổi thơ của mình: Bạn đã nhận được tất cả những gì bạn cần? Hay bạn cảm thấy chạnh lòng vì đã thiếu thốn một thứ gì đó?

Giờ đây chính bạn đã trở thành cha mẹ. Có những điều bạn cần nhưng lại không thể nhận được từ con cái và lại càng không thể nhận được những thứ mà ngày trước có lẽ bạn đã mong nhận được từ cha mẹ của mình. Có thể bạn may mắn khi được chung sống với một người bạn đời hiểu mình và hai người sẽ cho nhau những gì mình muốn có. Tuy nhiên, dù bạn có một người bạn đời đáng yêu hay không thì khi đã làm cha mẹ, người ta cần phải tự kiếm cho mình những thứ họ cần. Bạn có trách nhiệm thỏa mãn chính nhu cầu của mình. Nếu bạn xao nhãng điều này, thì cuối cùng con cái sẽ là người bị ảnh hưởng.

  • An toàn

Chính những bậc cha mẹ cũng cần có sự an toàn. Sự an toàn để có thể chăm sóc cho chính mình và con cái. Một cuộc sống vững chắc là nền tảng để đảm bảo bạn có thể sống thoải mái với con cái. Việc một đứa trẻ ở độ tuổi đến trường có những hành vi tích cực hay tiêu cực, ngoan hay không ngoan sẽ phụ thuộc nhiều vào việc gia đình của em có thuộc nhóm đối tượng “cần trợ cấp xã hội” hay không (theo kết quả đã được thống kê). Những bậc cha mẹ phải nuôi con trong hoàn cảnh kinh tế tài chính khó khăn không nên nhụt chí khi nghe thấy điều này.

  • Sự công nhận

“Con rất vui vì có cha mẹ!” – thật tuyệt vời biết bao nếu con nói với bạn điều này. Quan trọng hơn cả là cảm giác về giá trị của bản thân mình. Hãy tự nhận thấy việc đưa ra quyết định có một hay nhiều con có ý nghĩa thế nào với bạn: vì chính bạn tự đặt mình vào một trọng trách lớn, bạn đủ can đảm để làm điều đó. Bạn sẽ phải chi phí rất nhiều – nuôi một đứa trẻ đến lúc trưởng thành tiêu tốn ngang với chi phí mua một ngôi nhà và phải từ bỏ nhiều thứ.

Bạn có biết thực tế hiện nay gần một nửa phụ nữ đã tốt nghiệp đại học không sinh con cái hay không? Tại sao có nhiều người phụ nữ thông minh lại không đủ can đảm để làm điều đó? (Quan điểm của tôi là: Mặc dù thông minh nhưng họ không biết rằng đã bỏ qua điều tuyệt vời nhất của cuộc sống).

Người nào có một công việc tốt đều có ít nhất một sự công nhận, cụ thể là thông qua mức lương họ được trả cho công sức của mình. Nhưng với con cái thì ngược lại, bạn không được phép trông chờ ở con mình bất kì một sự công nhận nào cho những công sức và cống hiến của bạn dành cho các con.

Bạn hãy tự cảm nhận ý nghĩa của việc chăm sóc con hàng ngày

 

Có thể một ngày nào đó, con sẽ ôm bạn và nói: “Mẹ là người mẹ tốt nhất trên đời”. Nếu điều đó xảy ra, hãy thầm cảm ơn con và coi đó là món quà quý giá. Nhưng bạn không thể đòi hỏi điều đó từ con mình, mà có lẽ từ bạn đời của mình khi họ để bạn quyết định việc nuôi dạy con cái. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là việc bạn tự ý thức được những việc hàng ngày bạn đã làm, công sức hàng ngày bạn bỏ ra cho con cái mình.

  • Sự phát triển bản thân

Mỗi người đều có quyền tự do hình thành, phát triển cá tính, nhân cách của mình. Tuy nhiên, liệu cả cha mẹ và con cái có thể cùng lúc thực hiện được điều này không? Liệu cha mẹ có phải bỏ qua những mong muốn của chính mình khi họ có con nhỏ? Tôi không nghĩ như vậy. Ai cũng có thể phát triển bản thân một cách không ngừng kể cả những người không có con cái. Thậm chí ngay cả một nghề nghiệp được coi là thú vị nhất thì phần lớn cũng bao gồm các phần việc có vẻ tẻ nhạt, nhàm chán mà người ta vẫn thực hiện hàng ngày.

Có một điều luôn đúng với các bậc cha mẹ và cả những người trưởng thành không có con cái: Người hạnh phúc luôn là người biết đón nhận những thách thức của cuộc sống và cố gắng vượt qua những thách thức ấy một cách tốt nhất. Chẳng hạn, ngay khi bạn nghỉ việc để ở nhà làm nội trợ và làm mẹ, thì tất cả mọi việc cũng vẫn rất ổn: Bạn nhận trọng trách này vui vẻ và vẫn có thể phát triển bản thân. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy thú vị với việc chăm sóc con cái và dọn dẹp nhà cửa, thu vén việc nhà. Nhưng hãy làm những điều bạn thích với sự nhiệt tình và lòng đam mê.

Hãy là một người mẹ chứ không phải một bà nội trợ

Bản thân tôi chưa bao giờ là một bà nội trợ giỏi. Nấu nướng, quét dọn, mua sắm – thật sự tôi đều không thích. Làm một người mẹ là điều khiến tôi vui thích hơn là làm một bà nội trợ, mặc dù có những trò chơi với lũ trẻ tôi không hề thích thú chút nào, ví dụ như làm thủ công, nhất là làm đèn lồng thủ công vào ngày lễ. Tôi thực sự rất vui mừng và thấy nhẹ cả người vì không phải làm thủ công cho con nữa khi cháu bé thứ ba nhà tôi học xong mẫu giáo. Nhưng bù lại, tôi rất thích hát cùng con, kể chuyện cho chúng, đọc sách và chơi trò đóng kịch với chúng. Phần lớn thời gian trong ngày của tôi là dành để chơi với các con trên tấm thảm trải sàn nhà.

Hãy duy trì sở thích của bạn

Bạn hãy chú ý đến những điều bạn thích làm. Điều này sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn khi phải đón nhận những công việc khó nhằn. Có thể bạn gặp may mắn khi làm tốt được cả hai việc: vừa giáo dục con cái lại vừa được làm công việc của mình. Quả thực là có đôi lúc bạn mệt mỏi, chán nản vì quá sức và có cảm giác là cả hai việc chăm con cũng như công việc xã hội đều không thể làm tốt được. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, những bà mẹ chỉ ở nhà chăm con và không đi làm thì không phải lúc nào cũng thấy thoải mái và hài lòng hơn.

Bạn hãy cố gắng đừng để mất đi những sở thích của mình ngay cả khi có một hay nhiều con. Bạn luôn có thể gọi điện với cô bạn thân nhất, tập thể thao một lần một tuần hay thỉnh thoảng có một buổi tối thảnh thơi – khi không có bảo mẫu, thì trong trường hợp cần thiết hãy đổi ca với bạn đời của mình. Hãy cố gắng làm những điều đó. Khi bạn chỉ biết có chăm con và hết lòng lo lắng cho con thì những xung đột hàng ngày sẽ dễ dẫn đến khủng hoảng hơn. Lúc ấy thì một sự thất bại nhỏ cũng có thể được bạn nhìn nhận như kiểu “Tôi đã thất bại rồi” hay “Tôi là một bà mẹ tồi tệ”. Điều này không có lợi cho bất cứ ai – và tự nhiên lại khiến cho con phải nhận quá nhiều trách nhiệm về mình, vì thấy bạn như thế con sẽ có thể nghĩ rằng: “Mình có lỗi vì đã làm bố mẹ buồn hay cãi nhau.”

Không gian riêng tư với bạn đời cũng góp phần giúp bạn phát triển bản thân. Hãy dành thời gian nói chuyện riêng tư mà không có con cái ở bên, uống một cốc rượu vang và tận hưởng hứng thú quan hệ tình dục mà không bị ai làm phiền. Hãy chú ý đến những sự tự do của mình, cho dù chỉ là những điều rất nhỏ, bằng cách cho con đi ngủ đúng giờ – tốt nhất nên để trẻ nằm ở giường riêng.

Ngay cả cha mẹ cũng cần có không gian riêng

  • Sự tôn trọng

Những bậc phụ huynh không được con cái tôn trọng thường cảm thấy rất tuyệt vọng. Cha mẹ cần được con cái tôn trọng. Tuy nhiên, họ không thể chỉ đòi hỏi điều này, mà phải tự làm sao để có được sự tôn trọng của con cái. Hãy nói chuyện với con để chúng coi trọng những gì mình nói. Hãy nói là làm, ngay cả khi điều đó không dễ dàng chút nào. Bạn có thể tìm thêm thông tin về phần này trong những cuốn sách khác của tôi.

Khi bạn thường xuyên nhượng bộ vì sợ con khóc lóc, ăn vạ thì dần dần con sẽ không còn sợ và tôn trọng bạn nữa.

Một yếu tố quyết định nữa là thái độ cư xử của các bậc cha mẹ với nhau: Liệu các bạn có xứng đáng là tấm gương, có thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau để con trẻ noi theo hay không?

  • Sức mạnh

Chắc chắn rằng những bậc cha mẹ luôn muốn làm công việc của mình tốt như mình đã hi vọng. Có thể bạn thường suy nghĩ rằng, liệu bạn đã thật sự cho con mình được một sự an toàn tuyệt đối hay chưa và liệu những ngày tiếp theo bạn có còn làm tốt những công việc khó khăn trước mắt như những gì bạn làm được ngày hôm nay không. Và những điều này có thể trở nên rất căng thẳng, nên tốt nhất bạn luôn cần có đủ thời gian cho riêng mình.

  • Và cha mẹ còn cần những gì?

Thần kinh vững. Sự thanh thản. Khả năng tổ chức. Sáng tạo. Sự vững vàng trước khủng hoảng. Sự lạc quan. Khả năng quản lý (bạn quản lý một công ty gia đình nhỏ). Và khi bạn không có đủ tất cả những thứ đó? Cũng không sao cả. Cha mẹ không nhất thiết phải hoàn hảo. Họ có thể trưởng thành trong quá trình thực hiện những trọng trách của mình.

Hãy chú tâm đến bản thân, để bạn có thể chăm sóc tốt cho con cái của mình!

Đôi khi cha mẹ ngăn cấm bằng những lời lẽ gay gắt: “Dừng lại. Không được như thế!” Khi đó, bạn hoàn toàn kiệt sức và căng thẳng, bạn không thể cho con mình tình yêu và sự quan tâm như nó cần.

Yêu cầu quan trọng nhất để có được sự giáo dục tốt là khả năng yêu thương. Ai biết yêu thương, người đó có thể nuôi dạy con cái tốt.ư

Mô hình “Những chiếc hộp-giáo-dục”

CHO TRẺ TẤT CẢ NHỮNG GÌ CHÚNG CẦN – yếu tố này trong việc giáo dục con cái không khó khăn mà thậm chí còn mang lại rất nhiều niềm vui. Rất nhiều thứ chúng ta đem lại cho con cái chính là những thứ chúng thực sự mong muốn có được và luôn đón nhận từ chúng ta một cách vui vẻ và đầy cảm kích.

Đáng tiếc rằng chúng ta cần phải gánh cả trọng trách làm “kẻ phá bĩnh”, nhất là những lúc chúng ta đặt ra những qui định, những giới hạn cho con cái mình. Qua mô hình “Những chiếc hộp-giáo-dục” tôi muốn chỉ cho các bạn thấy khi chúng ta ra qui định với con cái thì khủng hoảng và mâu thuẫn sẽ hình thành như thế nào, cha mẹ có thể gặp phải những trường hợp khó xử ra sao và nên giới hạn con cái ở mức nào cho phù hợp. Tôi đã phát triển mô hình này từ thực tiễn quá trình trị liệu cho trẻ em và chỉ cho các cặp cha mẹ và con cái biết tại sao trong gia đình họ thường xảy ra “xung đột”, khi đó thì mỗi người có trách nhiệm như thế nào.

Ta có thể tóm gọn tất cả những gì quan trọng với trẻ nhỏ vào hai chiếc hộp: “Chiếc hộp-con-muốn” và “Chiếc hộp-con-phải”.

  • “Chiếc hộp-con-muốn”

Tất cả trẻ em đều yêu thích “chiếc hộp-con-muốn” này. Trong chiếc hộp này chứa tất cả những gì chúng thấy tuyệt vời – và muốn có được. Cùng với đó là tất cả những việc trẻ thích làm – và mong muốn được làm. Trẻ em sẽ rất thích dành cả ngày của mình cho chiếc hộp này. Có thể làm tất cả mọi thứ và nhận được tất cả những gì chúng cần – đây chính là thiên đường đúng nghĩa nhất. Mỗi đứa trẻ lại có một “chiếc hộp”, hay nói cách khác là có mong muốn khác nhau:

  • Julia (5 tuổi) có rất nhiều thứ khác nhau trong chiếc hộp này: con thỏ, những cô bạn, toàn bộ nhà trẻ, chiếc xe đạp, thật nhiều bánh kẹo, muốn được thức chơi lâu, xem tivi, chơi với mẹ, chơi giải đố.

  • Rene (6 tuổi) yêu thích tất cả những thứ liên quan đến công nghệ. Trong “chiếc hộp-con-muốn” của em có hộp dụng cụ của bố và rất nhiều thứ em đã tháo rời ra, hoặc cả các đồ vật em định tháo hoặc lắp vào. Trong đó có cả trò chơi bóng đá và tất cả những trò vận động khác.

  • Trong chiếc hộp của Daniel (3 tuổi) có những con thú dữ như khủng long Rex, vũ khí, thanh gươm la-ze và rất nhiều từ chửi bậy, ngón tay thối, đánh nhau, cơn cáu giận của những đứa trẻ khác.

  • Paul (3 tuổi rưỡi) chỉ có một điều duy nhất trong chiếc hộp này: “Con muốn quyết định!”. Không có thứ gì khiến em say mê lâu, và ngược lại thì cũng có những thứ mà em nổi hứng thích làm. Quan trọng là em luôn tự quyết định mình sẽ làm việc gì bao lâu và lúc nào chứ không phải bất kì ai khác. Nếu Paul được tự quyết định, em trở nên rất dễ thương, vui vẻ và hạnh phúc. Em đặc biệt hài lòng khi được ra lệnh cho người khác: “Mặc quần áo cho con!”, “Cho con ăn!”, “Đọc truyện cho con nghe!”. Em cũng có thể chơi rất lâu nếu em tự cho mình quyền quyết định chơi vào lúc nào. Đặc biệt là Paul thường cố tình chơi thật lâu, trong khi nhẽ ra phải chuẩn bị xong xuôi để đi nhà trẻ.

  • Marie (4 tuổi) khi mới được hỏi chỉ thích xem tivi và ăn đồ ngọt. Khi hỏi cặn kẽ hơn thì biết cháu thích chơi với mẹ, nô đùa ở khu vui chơi và đã sớm thích học chữ cái và số.

  • “Chiếc hộp-con-muốn” của Florian (7 tuổi) chỉ toàn máy bay: Cháu không muốn gì khác ngoài việc được chơi trò chơi. Sau một hồi suy nghĩ cháu nói còn thích nghe nhạc, xem tivi và chơi điện tử.

Tất cả những thứ đồ đẹp và mang lại niềm vui

Bọn trẻ luôn cảm thấy thoải mái khi “chiếc hộp-con-muốn” của chúng có thể đáp ứng được nhu cầu của chúng. Ngay cả với cha mẹ cũng có thể thấy chiếc hộp này khá thú vị. Vì sau cùng họ cũng cảm thấy hạnh phúc khi lũ trẻ có được niềm vui. Thông thường họ cũng ở cùng trong chiếc hộp này với lũ trẻ: chẳng hạn khi cùng con cái chơi trò gì đó mà mọi người đều thấy thú vị.

Tuy nhiên, cho dù các trò chơi có hữu dụng và giúp ích đến đâu đi nữa thì đến lúc nào đó, khoảng thời gian vui chơi sẽ phải qua đi – đó là lúc con bạn phải đi ngủ hay đến nhà trẻ, hoặc khi mẹ đưa chúng cùng đi mua sắm, hoặc đến giờ ăn. Đây là những lúc mà con bạn sẽ cần phải thoát ra khỏi chiếc hộp này.

Những chiếc hộp khác nhau

Với Julia và Rene thì điều này không khó vì cả hai đều ngoan ngoãn, biết nghe lời. Tất cả những gì chúng thích làm, thích chơi đều được cha mẹ đồng ý. Khi Julia và Rene được gọi, chúng thường sẵn sàng dừng chơi và chạy đến ngay. Có thể nói chúng tự chạy ra khỏi “chiếc hộp-con-muốn”.

Những đứa trẻ khác thì không tự giác như vậy, bố mẹ cần phải ép chúng ra khỏi chiếc hộp này, vì bố mẹ thấy trong hộp đó có nhiều thứ không hề có lợi cho chúng: Cha mẹ của Daniel không hề hài lòng với những trò chơi súng ống, họ cũng không chịu được những câu chửi thề hay cãi lộn. Nhưng vì Daniel không chịu tự dừng lại, nên cha mẹ cậu luôn phải đưa Daniel ra khỏi chiếc hộp đó. Và mỗi khi bị lôi ra khỏi đó, ngay lập tức Daniel lại tìm cách quay trở lại và lại tiếp tục với trò vô bổ khác.

Mẹ của Paul cũng phải giải quyết vấn đề tương tự. Vì Paul chỉ cảm thấy thoải mái khi tất cả mọi việc đều do em quyết định, nên em cũng phải bị ép ra khỏi “chiếc hộp-con-muốn” đó. Ngay cả khi mẹ nói một cách thân thiện: “Chào buổi sáng, con yêu. Dậy đi nào!” hay “Đồ ăn xong rồi. Con có xuống ăn không?” cậu cũng có thể coi đó là một sự ra lệnh. Vì vậy, khi mẹ muốn “ra lệnh” gì đó cho Paul thì hoàn toàn làm cậu mất hứng và cậu bé sẽ không hài lòng.

Với Marie và Florian, “chiếc hộp-con-muốn” đặc biệt quan trọng. Khi đi mua sắm cùng mẹ, nếu Marie nhìn thấy bánh kẹo thì cháu muốn mua ngay. Như vậy nghĩa là Marie lúc này vẫn đang ở trong “chiếc hộp-con-muốn” – làm sao mẹ của cháu nỡ khiến cháu buồn? Khi Florian nhìn thấy một chiếc máy bay bày bán trong cửa hàng, cháu cũng phải có nó bằng được, có ngay lập tức. Nếu không được mua thì sẽ có một thảm họa đáng sợ. Thế giới sẽ sụp đổ. Ít nhất thì cháu sẽ cảm tưởng như vậy nếu mẹ nói: “Không” và không mua cho cháu thứ cháu thích.

Mẹ là người phá bĩnh

Mâu thuẫn luôn xảy ra khi lũ trẻ không thể tự dừng lại, khi chúng không thể chấp nhận một lời từ chối, một câu nói như “Để đó”, “Không phải bây giờ”, hay “Đủ rồi”. Lúc này ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Khi tôi hỏi những đứa trẻ trong quá trình thực hành, tôi thường nhận được những câu trả lời giống nhau: “Đó là do mẹ.” Trong gia đình, người cha thường ít phải đóng vai là “kẻ phá bĩnh” hơn.

Sự cằn nhằn và tâm trạng khó chịu

Điều gì xảy ra khi cha mẹ đưa trẻ ra khỏi “chiếc hộp-con-muốn”? Lúc này, đứa trẻ bị bắt buộc, chúng không vui vẻ chút nào. Không khí trở nên căng thẳng. Đứa trẻ phản đối, phàn nàn hoặc la khóc.

Tùy vào bản tính, tính cách của trẻ mà ta thấy được chúng sẽ phản đối mạnh mẽ tới mức nào và sự căng thẳng đến đâu. Để thể hiện sự không hài lòng, chúng sẽ cằn nhằn – hoặc thậm chí là một “cơn giông bão kèm sấm, sét, mưa và gió mạnh”.

Ai muốn lôi trẻ ra khỏi trạng thái “con muốn”, thường nhận đủ sự bực mình

  • “Chiếc hộp-con-phải”

Chiếc hộp này không phải để đưa đứa trẻ ra khỏi trạng thái “con muốn”. Việc giúp trẻ làm quen và tiếp cận với trạng thái thứ hai của cuộc sống, tức là “chiếc hộp-con-phải” còn khó khăn hơn nhiều. Trong “chiếc hộp-con-phải” này bao gồm tất cả những điều cần thiết, nhưng lại thường phiền nhiễu và không thật sự gây hứng thú. Đó có thể là việc thay tã hay mặc quần áo, đánh răng, đi vệ sinh, dọn dẹp, thức dậy vào mỗi buổi sáng hay đi ngủ, ngồi ăn tại bàn, nghe theo mệnh lệnh và hướng dẫn của bố mẹ.

Một vài đứa trẻ ngoan ngoãn làm theo lời cha mẹ. Với những đứa trẻ này, “chiếc hộp-con-phải” hoàn toàn bình thường và không đáng sợ. Tuy nhiên, phần lớn trẻ con đều không thích chiếc hộp này. Chúng cho rằng bố mẹ đòi hỏi chúng phải làm những thứ rất nhàm chán, phiền nhiễu hay toàn ép trẻ thực hiện nhiệm vụ của chúng. Chúng sẽ phản đối, có tâm trạng không vui và bắt đầu phản kháng hoặc kêu khóc. Hậu quả là bầu không khí trở nên căng thẳng và tức giận. Mỗi đứa trẻ có cách thể hiện sự cáu giận, bực tức khác nhau, tùy vào tính cách cũng như tùy từng sự việc, hiện tượng.

  • Julia và Rene không hay phản ứng thái quá hoặc bực mình. Cứ cha mẹ nhắc nhở, chúng sẽ vâng lời. Chúng tự ngồi yên khi ăn và tự giác đi ngủ. Tất nhiên đôi khi chúng cũng giận dỗi và khóc. Một “cơn bão” thực sự thường hiếm xảy ra với Julia và Rene – và chúng thường bỏ qua rất nhanh. Hai đứa trẻ này không gặp khó khăn nhiều với “chiếc hộp-con-phải”.

  • Điều này hoàn toàn khác với trường hợp của Daniel. Đơn giản là cháu không thể ngồi yên, kể cả khi ngồi trên ghế ở nhà trẻ, hoặc khi ăn ở nhà, và cũng không lúc nào ngồi yên trước tivi. Câu nói “Ngồi yên!” rõ ràng là một điều Daniel phải thực hiện.

  • Paul thì chẳng có chút hứng thú khi cha mẹ yêu cầu và hướng dẫn làm gì đó. Với Paul, tất cả mọi thứ người khác nói đều nằm trong “chiếc hộp-con-phải”. Thường thì cháu không phản ứng gì hoặc làm hoàn toàn ngược lại. Khi cha mẹ bắt buộc cháu phải làm điều không muốn, cháu phản kháng một cách dữ dội.

  • Marie ghét dọn dẹp đồ đạc. Buổi sáng, cháu không hề thích chuẩn bị để đi nhà trẻ, lúc nào cũng tìm cách chần chừ và chần chừ.

  • Với Florian thì việc lên giường đi ngủ vào mỗi buổi tối thực sự là một yêu cầu tồi tệ nhất, vì cháu luôn nghĩ ra lý do gì đó để trốn không phải đi ngủ đúng giờ.

 

Khi cha mẹ cũng tự đặt mình vào “giông bão”, khủng hoảng chắc chắn sẽ xảy ra.

Hai cách thức xử sự

Ai cần phải đưa trẻ vào “chiếc hộp-con-phải”, ai phải đưa ra những yêu cầu không mấy dễ chịu “Làm việc này, ngay bây giờ!”? Một lần nữa tất cả trẻ đều trả lời không cần suy nghĩ: “Mẹ”. Nếu bố trẻ cũng tham gia thì mọi việc sẽ tốt hơn. Ở đây không quan trọng là ai giúp trẻ để trẻ yêu quí mình hơn, mà phải giúp chúng nhanh chóng vượt qua nỗi thất vọng. “Chiếc hộp-con-phải” càng đầy thì càng có nhiều căng thẳng hơn. Đứa trẻ nào càng có ý chí mạnh mẽ và bốc đồng thì chúng càng phản ứng mạnh hơn. Dù bạn đặt con vào trạng thái “con-phải” hay đưa chúng ra khỏi trạng thái “con-muốn” thì đều bị con giận và cuối cùng bạn đã làm con mất vui. Có hai khả năng để xử lý các tình huống này:

  • Khả năng đầu tiên: Bạn ôm sự cáu giận của con vào người, cũng cáu kỉnh, bực tức và gây “giông bão” bằng “sấm sét”. Mắng mỏ, quát tháo trong lúc này đặc biệt rất tai hại: Có khi chỉ từ một câu nói đơn giản “Thế là đủ rồi.” có thể sẽ dẫn đến xung đột thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Xu hướng thường xuyên mắng mỏ một đứa trẻ tính khí mạnh mẽ và ương bướng sẽ dễ xảy ra nhiều lần trong ngày, vì mỗi lần muốn lôi con ra khỏi “cái hộp-con-muốn” là sẽ kèm theo một cơn thịnh nộ.

Mọi cơn bực tức sẽ qua đi. Bạn hãy bỏ qua nó và đừng để mình bị cuốn vào nó.

  • Khả năng thứ hai: Bạn xem xét cơn giận của con mình một cách đầy cảm thông và nhẹ nhàng, không tỏ ra nóng giận và không nổi cơn thịnh nộ với “giông bão” và “sấm sét”. Thay vào đó bạn tự bảo vệ mình với một “chiếc ô” đến khi nó qua đi.
  • Chịu đựng khủng hoảng: Những “chiếc hộp-giáo-dục” trong cuộc sống hàng ngày

Các bậc cha mẹ thường không được con trẻ yêu quý khi làm chúng mất hứng hay bắt chúng phải làm những việc nhàm chán và phiền nhiễu. Tuy nhiên, đây là một phần quan trọng của việc giáo dục con cái. Bạn có thể và phải chỉ cho lũ trẻ thấy rằng chúng không cần thiết phải có được tất cả những gì chúng muốn. Và có những điều chúng không muốn nhưng lại rất quan trọng và cần thiết. Hãy dự đoán trước rằng con bạn có thể thất vọng và ít nhiều tức giận. Điều này hoàn toàn bình thường. Bạn không hề có lỗi gì cả. Dù con có bực tức hay cáu giận thì bạn cũng không bị đánh giá là một bà mẹ hay ông bố tồi. Khi con bạn còn nhỏ, chúng chưa biết kiềm chế những nỗi bực tức và thất vọng của mình. Bạn là người lớn và có thể làm điều đó tốt hơn chúng.

Dọn dẹp “chiếc hộp-con-phải”

Mỗi lời yêu cầu, mỗi câu “Con làm đi!” có thể dẫn đến một cơn thịnh nộ với nước mắt. Vì vậy rất cần thiết để suy xét điều gì thuộc về “chiếc hộp-con-phải” và điều gì không. Bạn hãy dọn dẹp chiếc hộp này. Đừng đòi hỏi quá nhiều từ con bạn. Hãy vất bỏ những gì không cần thiết và sắp xếp theo thứ tự những thứ còn quan trọng. Chiếc hộp càng trực quan thì con bạn càng dễ dàng hiểu được nó hơn. Kinh nghiệm cuộc sống có thể giúp bạn trong quá trình phân loại: Những điều gì bạn đã làm tốt khi bạn còn nhỏ? Những yêu cầu nào bạn muốn giữ lại cho con mình? Hãy cùng bàn bạc với bạn đời của mình. Đây là một chủ đề rất thú vị.

  • Nhận biết “sự chuyển hướng”: Có những đứa trẻ là thiên tài trong việc tìm ra những lỗ hổng để đi ra khỏi “chiếc hộp-con-phải” – và sau đó luôn là một “sự chuyển hướng” để quay lại “chiếc hộp-con-muốn”. Bạn nói: “Ừ, một lúc nữa.” Nhưng “một lúc nữa” có nghĩa là “Không bao giờ”. Tức là lũ trẻ bắt đầu làm một việc không mong muốn, nhưng không làm việc đó đến nơi đến chốn. Hoặc chúng làm việc không mấy dễ chịu đó bằng một cách gây thích thú, ví dụ như khi chúng tự nguyện đi tắm nhưng chẳng tắm mà lại nghịch ngợm, làm lung tung, lộn xộn những chai dầu tắm và mỹ phẩm thành một đống hỗn độn trong phòng tắm. Cha mẹ luôn phải ở bên theo dõi đến khi con làm xong việc để có thể phát hiện ngay được một “sự chuyển hướng” của con và có thể xử lí một cách phù hợp.

  • … Đưa ra những lựa chọn tốt hơn: Tốt nhất bạn hãy tự chủ động. Việc con tự mặc quần áo vào mỗi buổi sáng sẽ trở nên thú vị nếu đó là một cuộc thi mặc quần áo với mẹ. Việc đi ngủ sẽ đỡ khổ sở hơn khi nó gắn liền với một thói quen nho nhỏ thú vị, ví dụ như một câu chuyện chúc ngủ ngon. Một công việc phiền toái sẽ trở nên dễ dàng hơn khi gắn liền với một điều gì đó khiến trẻ hào hứng: “Ngay khi con dọn dẹp xong, mẹ con mình sẽ cùng ra sân chơi nhé!”. Trò chơi dọn dẹp cũng đáng để thử: “Mẹ sẽ cất những chiếc ô tô, còn con cất Lego. Để xem ai nhanh hơn, con nghĩ sao?” Hãy nghĩ ra một điều gì đó thú vị cho trẻ và bạn sẽ thấy mọi cố gắng của mình được đền đáp.

  • Phân chia nhiệm vụ nuôi dạy con một cách công bằng: Tôi có ấn tượng rằng rất nhiều cặp cha mẹ không phân chia công việc một cách tối ưu nhất. Ai ở nhà nhiều hơn – thường là các mẹ – sẽ phải dạy bảo con mình nhiều hơn.

Thông thường điều này không thay đổi được. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ khác: Người cha cư xử với con mình như thế nào – mỗi khi ở nhà? Rất nhiều người sẵn sàng gánh trách nhiệm trong khả năng của mình. Tuy nhiên, một vài ông bố chỉ muốn được yên tĩnh – thực ra thì họ muốn nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Họ thường lấy cớ đứa trẻ quấy nhiễu để đổ lỗi cho vợ không biết dạy con. Những ông bố này đặc biệt thích nuông chiều con cái, vì bằng cách đó họ có thể tránh được nhiều mâu thuẫn.

Nhiều ông bố sẵn sàng tự nguyện cùng con mình đi vào “chiếc hộp-con-muốn”: Họ nô đùa, chơi bóng đá, kể chuyện, chơi trò đóng kịch tưởng tượng với con – nhưng họ tìm cách ra khỏi chiếc hộp này một cách kín đáo. Họ thường dành những công việc như thay tã, mặc quần áo, đưa trẻ đi ngủ hay việc cấm đoán con cái không được làm cái này, cái kia cho các bà mẹ. Điều này không công bằng. Ngay cả những ông bố cũng nên tham gia vào một phần của việc dạy dỗ con cái, dù không hề dễ chịu chút nào, kể cả họ có thường xuyên ở nhà hay không. Mặt khác, các bà mẹ cũng phải chú ý rằng họ không nên trở thành “những kẻ phá bĩnh” đúng nghĩa. Nếu bạn rơi vào trường hợp này: hãy đừng tự chịu đựng. Hãy luôn đòi hỏi bố phải dành thời gian cho con cái. Ngay cả bạn lúc nào cũng có một công việc vất vả – làm mẹ và bà nội trợ. Cả bố và mẹ đều phải có trách nhiệm trong việc giáo dục con!

Mỗi đứa trẻ khác nhau sẽ học hỏi một cách khác nhau

Có những đứa trẻ rất ngoan. Chúng hợp tác và ưa thích sự hòa bình và hòa hảo. Việc giáo dục những đứa trẻ này sẽ không quá khó. Điều này hoàn toàn khác với những đứa trẻ bướng bỉnh. Chúng phản ứng mạnh mẽ khi không có được những gì mình muốn, có thái độ chống đối, phản ứng quyết liệt với những việc tưởng như rất đơn giản như phải ra khỏi bồn tắm hoặc khi bố mẹ bảo chúng tắt tivi đi.

Những đứa trẻ này vốn không phải khó bảo hay là không ngoan ngoãn. Đơn giản là chúng chưa học để hiểu được rằng, những mong muốn của mình không phải lúc nào cũng được thỏa mãn. Rằng những người khác cũng có những nhu cầu riêng mà mọi người cần phải chú ý. Một vài đứa trẻ học điều này một cách nhanh chóng và không cần cố gắng nhiều. Nhưng đối với nhiều đứa trẻ khác thì bố mẹ phải cần vô số kinh nghiệm, thậm chí trải qua nhiều cơn thịnh nộ và mắng mỏ.

Khi bạn thấy con mình rơi vào trường hợp này: Hãy chấp nhận nó. Cũng không nên đổ lỗi cho chính mình. Trẻ em vốn ngay từ khi chào đời đã có những yêu cầu, đòi hỏi bẩm sinh khác nhau rồi.

Bạn – với tư cách là cha mẹ – có trách nhiệm cho con mình có được tất cả những bài học này và phải luôn có sự thông cảm và kiên định. Đứa trẻ cần luôn cảm nhận được rằng, bạn phản ứng cứng rắn nhưng vẫn không nuông chiều chúng. Bảng câu hỏi trong phần tiếp theo sẽ giúp các bạn đánh giá con mạnh ở những lĩnh vực nào và trong những lĩnh vực nào chúng “gặp khó khăn”.

Công bằng nhưng kiên định

Rất nhiều bậc phụ huynh biết rõ họ có thể đối mặt với mâu thuẫn và khủng hoảng như thế nào. Họ đặt ra cho con mình những yêu cầu rõ ràng, cư xử đúng mực ngay cả khi đứa trẻ phản kháng – cùng lúc đó họ cũng cho chúng sự an toàn để được yêu thương và chấp nhận. Họ công bằng, nhưng vẫn rất kiên định. Nếu bạn chưa làm được điều này, cuốn sách này sẽ giúp bạn.

§ TỔNG KẾT

⇒ Con cái cần gì?

  • Được chấp nhận

  • Thời gian và sự hy sinh

  • Sự mềm mỏng

  • Sự tin tưởng

  • Sự chăm sóc

  • Được bảo vệ và có cảm giác an toàn

  • Được tự trải nghiệm

  • Cha mẹ cần phải đưa con ra khỏi “chiếc hộp-con-muốn”: Trẻ em không phải luôn luôn được làm những điều chúng thích.

  • Những đứa trẻ thường không đơn độc trong “chiếc hộp-con-phải”. Cha mẹ cũng phải làm sao cho trẻ được trải nghiệm cảm giác: Không phải lúc nào công việc phải làm cũng khiến chúng vui vẻ.

⇒ Cha mẹ cần gì?

  • Sự an toàn

  • Sự công nhận

  • Được phát triển bản thân

  • Sự tôn trọng

⇒ Trong khi dạy dỗ con cái, đôi khi cha mẹ phải là người “phá bĩnh”.

Mô hình “Những chiếc hộp-giáo-dục” đã chỉ rõ điều này:

  • Cha mẹ cần phải đưa con ra khỏi “chiếc hộp-con-muốn”: Trẻ em không phải luôn luôn được làm những điều chúng thích.

  • Những đứa trẻ thường không đơn độc trong “chiếc hộp-con-phải”. Cha mẹ cũng phải làm sao cho trẻ được trải nghiệm cảm giác: Không phải lúc nào công việc phải làm cũng khiến chúng vui vẻ.

⇒ Mâu thuẫn và khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi

  • Cha mẹ cần phải chịu đựng được mâu thuẫn.

  • Khi đặt ra giới hạn và luật lệ cho con cái, cha mẹ cần phải chú ý đến cá tính riêng của từng đứa trẻ, phải công bằng và đồng thời kiên định.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.