Người Đức Dạy Con Tự Kiểm Soát Bản Thân
2. Khả năng đối mặt với khủng hoảng của con bạn thế nào – Bản thân bạn vững vàng trước khủng hoảng đến mức nào?
Những kĩ năng cần thiết để cha mẹ và con cái có thể hiểu nhau trong cuộc sống hàng ngày. Bạn hãy kiểm tra điều này.
⇢ Bảng câu hỏi tự đánh giá
Bạn đánh giá con mình như thế nào?
BẢN ĐÁNH GIÁ SAU ĐÂY phù hợp nhất cho trẻ em từ 2 đến 8 tuổi. Bạn vẫn có thể áp dụng nếu con bạn mới 2 tuổi nhưng đã biết nói tốt, hiểu những điều bạn nói.
Bạn có thể điền nhanh vào các mục và đánh giá ngay lập tức. Tuy nhiên, bản đánh giá này không phải để bạn có thể đưa ra được những tiên đoán tương lai cho con bạn hay giúp bạn nhận ra xem con mình thuộc nhóm trẻ “bình thường” hay nhóm “có vấn đề”. Thay vào đó, bạn sẽ tính số điểm để nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu của con mình. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá tính cách của con tốt hơn.
Bản đánh giá của tôi dựa trên những nghiên cứu phân tích khoa học tôi sử dụng trong quá trình thực hành nghề. Tuy nhiên, cần phải nói trước là bản thăm dò ý kiến của tôi có một sự khác biệt rõ rệt: Các nhà tâm lý học luôn sử dụng “Bảng câu hỏi vấn đề”, tức là họ thường đặt ra những câu hỏi liên quan đến cách thức cư xử tiêu cực, rắc rối ở trẻ, thường là những vấn đề mà phụ huynh không mong muốn. Và khi thấy một đứa trẻ thường xuyên có những thái độ, cách hành xử tiêu cực giống như các vấn đề được nêu ra trong bảng câu hỏi đó, thì có nghĩa là đứa trẻ có “vấn đề”, và cần phải được điều trị bằng liệu pháp tâm lý.
Tôi thấy việc khiến cha mẹ tập trung quá nhiều vào những hành xử không hay của con mình là một cách không hợp lý. Sẽ tốt hơn nếu ta suy xét: Điều gì con làm được tốt và ở mức độ thường xuyên? Vì suy cho cùng, những gì tốt đẹp đều khiến cho cha mẹ và con cái vui vẻ. Nhiều bậc cha mẹ lại hay chú tâm quá đến những gì con mình chưa làm được, hay làm chưa tốt, và lại không để ý tới những điều tích cực ở con mình. Thật đáng tiếc!
Vì vậy, tôi đã xây dựng bản đánh giá mang tính tích cực sau đây và liệt kê những cách hành xử được coi là “bình thường”, tích cực và đáng mong đợi ở con trẻ. Nhiệm vụ của bạn là xem con thường xuyên có những cách hành xử tích cực này không, và tần suất là bao nhiêu. Trong thực tiễn, bản đánh giá của tôi đã chỉ ra rằng: Người ta phát hiện được không chỉ những điểm mạnh mà qua đó cũng hé lộ những điểm yếu của trẻ. Tuy nhiên, ở mỗi đứa trẻ đều có ít nhất một lĩnh vực “bình thường” hay tích cực, thậm chí là rất nhiều điều, nhiều yếu tố tích cực để cha mẹ khám phá.
Tôi đã lựa chọn năm chủ đề đặc biệt quan trọng như sau:
-
Khả năng xã hội của trẻ
-
Sức chịu đựng và khả năng tập trung
-
Sự tự tin
-
Sự thân thiện và sẵn sàng hợp tác
-
Phản ứng của trẻ với việc ngủ, ăn uống và tắm gội
- Khả năng xã hội
Nếu bạn đánh giá con mình đặc biệt tích cực về mặt này, bạn đã có thể hài lòng vì con hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để học hỏi từ những trải nghiệm bản thân và có khả năng tự chịu trách nhiệm. Kể cả khi có xung đột xảy ra, con bạn cũng có thể xử lý được nhờ vào khả năng xã hội cháu đã có. Khi bạn định đưa con ra khỏi “chiếc hộp-con-muốn” hay yêu cầu con vào trạng thái “con-phải”, có thể con sẽ khó chịu đôi chút nhưng chúng sẽ tìm được cách để hiểu điều đó.
Rất khó để nói những gì trẻ làm được là kết quả của sự nuôi dạy con rất tốt của bạn hay đơn giản chỉ là một món quà Thượng đế ban tặng. Điều quan trọng hơn ở đây là bạn hãy trân trọng những điểm mạnh của con và hãy luôn thể hiện với con niềm vui đó. Điều này giúp con có thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện nhân cách một cách tích cực.
Nếu con bạn chỉ đạt được dưới 13 điểm thậm chí dưới 7 điểm thì bạn hãy dành sự chú ý đến con nhiều hơn, đặc biệt là hãy chú ý khuyến khích con mỗi khi con có được một hành động ngoan ngoãn, thái độ tích cực, để con luôn được động viên và sẽ phát huy các điểm mạnh của mình nhiều hơn nữa trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Để học được những kĩ năng xã hội, trẻ em rất cần sự ủng hộ từ phía cha mẹ. Trong phần tiếp theo, bạn sẽ tìm thấy những câu hỏi cụ thể hơn về vấn đề này.
Câu hỏi 1: Học các qui tắc
Việc con có thái độ như thế nào với những qui tắc đặt ra sẽ nói lên rất nhiều về khả năng thích ứng xã hội của chúng. Có thể con bạn cần rất nhiều bài học đến khi chúng hiểu được rằng có những qui tắc cần phải được tuân thủ, và hiểu được rằng nếu chúng đặt câu hỏi: “Nếu con không nghe theo thì bố mẹ sẽ làm gì?” Cha mẹ sẽ luôn chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Thì bố mẹ sẽ tìm cách để cho con phải tuân thủ qui tắc.”
Câu hỏi 2: Giữ bình tĩnh
Khi con đang sợ hãi hay thất vọng, chúng có thường làm cho nỗi sợ hãi hoặc thất vọng lớn thêm không? Rất nhiều cha mẹ gặp trường hợp này. Trước hết, bạn phải chịu đựng điều đó. Tuy nhiên, bạn có thể giúp con qua rất nhiều bài học: Bạn hãy tin tưởng rằng đến lúc nào đó, con sẽ tự mình kiềm chế và quay trở về trạng thái bình tĩnh. Bản thân bạn cũng nên giữ bình tĩnh và tỏ ra thân thiện. Bằng cách đó, bạn sẽ cho đứa trẻ thấy là con phải tự chịu trách nhiệm về sự bực tức của mình. Rất ít đứa trẻ có thể thật sự giữ được bình tĩnh. Và nhiều trẻ nhỏ thật sự là một thách thức với cha mẹ chúng vì chúng thường xuyên nổi cáu, bực tức và giận dỗi.
Câu hỏi 3: Hài lòng
Con bạn rất hiếm khi tỏ ra hài lòng và ít khi cảm thấy phấn khởi thực sự về những điều chúng đã làm được? Thông thường, cha mẹ lại hay cư xử theo cách chỉ làm tình hình tồi tệ hơn: “Sao mặt mũi con lại như đưa đám thế kia!”, “Giờ thì vui vẻ lên cho mẹ nhờ!”. Những câu nói như vậy chỉ làm cho tâm trạng của trẻ trở nên nặng nề hơn.
Có thể con bạn vẫn hài lòng, thậm chí còn hài lòng hơn so với nhiều đứa trẻ khác, nhưng ở đây đơn giản là cháu không biết thể hiện những cảm xúc tích cực của mình. Vậy thì bạn hãy là một tấm gương cho chúng. Hãy để cho con thấy được những niềm vui của bạn khi chúng mải mê chơi đùa hay tự mình làm được một điều gì đó. Hãy khen ngợi chúng mỗi khi chúng tự đảm nhiệm được việc gì, chẳng hạn như: “Chà, con mẹ đã tự mình làm được rồi!”, “Nhìn con làm thật vui!”, “Mẹ vui lắm vì con làm việc đó rất tốt”. Qua đó, bạn có thể khuyến khích con để con dần dần trở nên hài lòng, ít bất mãn hơn, tuy nhiên cũng có thể bạn không thành công lắm trong việc này. Đúng là rất khó để chấp nhận và chịu đựng sự bất mãn của trẻ. Nhưng sự công nhận của bạn với những gì con làm được chính là điều tốt nhất dành cho chúng: chúng cần điều đó để có thể vượt qua được những khó khăn của bản thân.
Câu hỏi 4: Chơi trò đóng kịch
Tự mình đóng các vai trò khác nhau, nhìn nhận thế giới dưới một con mắt khác: Điều này rất tốt cho việc học hỏi kĩ năng xã hội. Khi con bạn không muốn chơi đóng kịch, hãy chơi cùng con. Hãy đóng giả là các con thú chẳng hạn, tùy theo mong muốn của con. Hoặc bạn để con đóng vai “Vua”, trong khi bạn đảm nhiệm vai “Người hầu”. Khi đó, chúng sẽ không thể phản đối được! Bạn hãy chơi với con trò “Bác sĩ” hay “Trung tâm mua sắm”. Hãy học các trò chơi hát múa mà con bạn được dạy ở trường mẫu giáo. Bạn có thể có cảm giác mình hơi dở hơi khi chơi những trò “Chú thỏ trong hang” hay “Chim cánh cụt trên tảng băng”? Chẳng sao cả. Vì bản thân bạn cũng sẽ học được rất nhiều điều khi nhập vai vào thế giới của trẻ thơ.
Câu hỏi 5: Kể chuyện của mình
Con bạn quá kín đáo, hiếm khi kể về những trải nghiệm của chính mình? Hãy tận dụng những cơ hội để nói chuyện cùng con, chẳng hạn như ở bữa ăn hay những lúc chuẩn bị đi ngủ. Hãy hỏi con mỗi tối trước khi đi ngủ: “Ngày hôm nay con có vui không? Con có chuyện gì bực mình không?” Bạn cũng nên kể cho con nghe xem hôm nay có điều gì khiến bạn vui vẻ hoặc bực mình. Nên kể nhiều chuyện vui, có ích để con bạn có thể đi ngủ với một tâm trạng tốt. Ngay cả câu hỏi: “Đêm nay con muốn mơ thấy gì?” cũng giúp cho bé thể hiện những cảm xúc và mong muốn của mình. Nếu con bạn vẫn rất ít nói và kín đáo, hãy chấp nhận điều đó. Có lẽ con là những bông hoa nở chậm và đến một ngày nào đó mới thật sự cởi mở.
- Sức chịu đựng và khả năng tập trung
Nếu con bạn đạt được 13 điểm hoặc hơn trong phần này thì bạn có thể vui vẻ được rồi. Chúng có đủ những yếu tố cần thiết để thể hiện khả năng của chúng một cách tốt nhất, luôn sẵn sàng học hỏi và học rất tự lập. Nếu con bạn chỉ đạt được số điểm khiêm tốn ở mục này, thì phần sau cuốn sách sẽ đưa ra một số cách cũng như phương pháp hỗ trợ trẻ có sự chịu đựng và khả năng tập trung cao hơn.
- Tự tin
Phần lớn trẻ nhỏ cần có thời gian để có thể tự tin hơn và bớt nhút nhát, sợ hãi, nhất là trong môi trường mới lạ. Điều này không phải do trẻ thiếu sự tự tin, mà là do chúng còn đang nghi ngại với những gì hãy còn mới mẻ, xa lạ với chúng.
Rất nhiều trẻ em không muốn mình bị chú ý trong nhóm và luôn làm mọi thứ một cách “đúng đắn”. Cho dù đôi khi ở nhà chúng cũng nghịch ngợm phá phách, nhưng khi đến trường mẫu giáo hoặc đến nhà người khác chúng vẫn tỏ ra ngoan ngoãn, dễ bảo.
Lí do không phải là chúng thiếu tự tin với bản thân, mà đây có thể gọi là “yếu tố nhút nhát” của trẻ, một yếu tố lại giúp chúng hòa nhập xã hội và tự kiểm soát bản thân rất hiệu quả. Khi không ở nhà, con trẻ lại tuân thủ những qui tắc do bố mẹ chúng đã dạy tốt hơn nhiều.
Bạn hãy vui lên khi thấy con mình dù có chút nhút nhát, sợ hãi nhưng vẫn có thể phát triển bản thân một cách tự do, thoải mái, miễn là chúng thấy vui và cảm thấy an toàn. Nhưng nếu sau một khoảng thời gian làm quen, nỗi sợ hãi vì bố mẹ không ở bên vẫn rất lớn khiến trẻ không hề nói chuyện với người khác hay hơi một tí là khóc nhè, thì lí do chính là con bạn quá sợ hoặc không đủ tự tin vào bản thân chúng.
- Thái độ bình tĩnh và sẵn sàng hợp tác
Khi bạn cho con mình 20 điểm hoặc hơn ở phần này, bạn đã có một đứa con thật sự ngoan, biết nghe lời và “dễ nuôi”. Có thể bạn cũng biết là rất nhiều phụ huynh thấy việc nuôi dạy con khó khăn và căng thẳng. Có nên đổ lỗi cho họ vì chính bản thân họ mắc nhiều sai lầm trong việc nuôi dạy con cái hay không? Không đơn giản như vậy. Trong một gia đình hoàn toàn có thể xảy ra tình huống là một đứa trẻ rất ngoan, trong khi đứa trẻ khác cực kì bướng bỉnh và “sẵn sàng phản kháng”. Những phụ huynh có con bướng bỉnh thường đến văn phòng của tôi để xin lời khuyên, kể cho tôi nghe về những xung đột trong việc dạy bảo con cái hàng ngày. Theo tôi, với vấn đề này thì bốn mục đầu tiên của bản đánh giá cực kì quan trọng. Nếu bạn cho con mình ít điểm ở phần này, chắc hẳn bạn phải đối mặt thường xuyên với khủng hoảng về vấn đề ngủ, ăn và tắm gội của con.
Ở phần này, độ tuổi của đứa trẻ đóng một vai trò rất quan trọng. Kể cả trẻ lên 6 tuổi thì việc giữ người khô ráo, sạch sẽ hàng đêm, không tè dầm cũng không đơn giản. Ở đây không cần phải căn cứ vào tổng số điểm, mà mỗi trục trặc nhỏ cũng có thể khiến cả gia đình bị ảnh hưởng: Khi trẻ khó ngủ, hoặc ngủ không sâu giấc, bạn sẽ đánh giá con mình là trẻ thuộc nhóm “khó nuôi”, mặc dù chúng có thể luôn luôn giữ cơ thể sạch sẽ và ăn uống đâu vào đấy. Dù gì thì phần này cũng liên quan đến nhu cầu cơ thể của con bạn. Vì vậy, bạn cần phải đặc biệt cẩn trọng, vì trong trường hợp này chỉ có con bạn mới là người biết rõ chúng cần gì. Những chỉ dẫn cụ thể bạn sẽ tìm thấy ở phần sau.
Bạn tự đánh giá chính mình như thế nào?
NGAY CẢ CHA MẸ CŨNG CÓ NHỮNG ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU. Với bản đánh giá sau đây, bạn có thể nhận biết mình mạnh ở những lĩnh vực nào và bạn còn cần phải học hỏi điều gì – nếu bạn trả lời một cách thành thực. Sẽ còn thú vị hơn nếu bạn để người bạn đời của mình đưa ra nhận xét, đánh giá về bạn – để xem đáp án có thật sự giống nhau?
- Rèn luyện khả năng giữ bình tĩnh
Bạn có biết tha thứ và quên không? Bạn có giữ được bình tĩnh không? Ngay cả lúc bạn tranh luận gay gắt, bạn vẫn giữ được bình tĩnh chứ? Bạn có thể xin lỗi con, khi không giữ được bình tĩnh không? Bạn càng thường xuyên áp dụng được những điều này thì càng tốt cho bạn. Nếu bạn được ít hơn 10 điểm thì bạn cần xem xét lại mình. Hãy theo dõi chính bản thân bạn và cố gắng để tăng điểm số. Con bạn càng bốc đồng và ngang bướng thì bạn càng khó giữ bình tĩnh, nhưng làm được việc đó lại càng quan trọng hơn. Một đứa trẻ ngang bướng, dễ nổi khùng và không giữ được bình tĩnh, càng cần bố mẹ có thần kinh thép, giữ được bình tĩnh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Và bạn khó thực hiện điều đó? Bạn có ý nghĩ: “Mình không hành động khác được, mình rất dễ nổi nóng” không? Bạn là người lớn. Bạn có thể thay đổi có ý thức và có động lực hơn con bạn.
- Nói rõ ràng
Bạn có nói để con bạn lắng nghe bạn không? Bạn có tập trung được vào điều bạn định nói thay vì sa đà vào việc tranh cãi với con không? Nếu bạn được tối thiểu 8 điểm hoặc hơn, thì bạn có khả năng nói rõ ràng khá tốt. Nếu được ít điểm hơn thì bạn phải cố gắng tăng điểm số. Bạn có thể đọc chi tiết những áp dụng cụ thể vào từng tình huống tranh luận ở trang 76.
- Cư xử nhất quán
Hành động nhất quán là bước tiếp theo của việc nói rõ ràng. Nếu việc nói suông không có tác dụng thì bố mẹ phải biến lời nói thành hành động và phải công minh và rõ ràng. Trẻ phải chấp nhận những hậu quả của việc mà chúng đã làm hoặc từ chối. Bạn có nói rõ cho con bạn những qui định của bạn không? Bạn có phản ứng công minh và nhất quán, nếu con bạn không tuân theo qui định không? Nếu mọi việc chưa ổn thì bạn phải thực hiện tiếp. Bạn phải đạt được tối thiểu 10 điểm. Khả năng hành động nhất quán với lời nói đặc biệt quan trọng, khi bạn có một đứa con ngang bướng, thích tự mình quyết định tất cả mọi việc.
- Thể hiện sự quan tâm
Bạn chắc chắn biết, chú ý đến điểm mạnh của con, thể hiện sự quan tâm đến con và khuyến khích sự tự tin của con là rất quan trọng. Nhưng bạn có luôn nghĩ về điều đó? Nhiều lần trong ngày? ở đây bạn không cần đạt được quá nhiều điểm. Tình yêu và sự quan tâm của bạn là thứ mà con bạn đang rất cần. Sự quan tâm và yêu thương con cái sẽ giúp bạn xoá bỏ sai lầm trong những việc khác
§ TỔNG KẾT
Với một phiếu câu hỏi trắc nghiệm, bạn có thể biết được, ở lĩnh vực nào trẻ cư xử tốt và khi nào trẻ gặp “khó khăn”. Những điều đặc biệt quan trọng là:
-
kĩ năng sống
-
sự bền bỉ và tập trung
-
sự tự tin
-
sự sẵn sàng hợp tác
-
ngủ, ăn và vệ sinh
Trẻ nhà bạn càng thực hiện được nhiều điều trên thì trẻ càng vững vàng vượt qua khủng hoảng.
Với phiếu câu hỏi thứ hai bạn có thể xác định được điểm yếu cũng như điểm mạnh của bạn trong cách cư xử với con cái. Những khả năng sau đây đóng một vai trò đặc biệt quan trọng:
-
rèn luyện khả năng giữ bình tĩnh
-
nói rõ ràng
-
hành động nhất quán với lời nói
-
thể hiện sự quan tâm
Bạn càng thực hiện được nhiều điều trên thì bạn càng vững vàng vượt khủng hoảng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.