Giáo sư Bạch là người đáng kính không chỉ do tuổi tác. Những công trình khoa học của ông, dù lớn hay nhỏ, đều khiến đồng nghiệp và bạn đọc nói chung ngạc nhiên trước hết bởi tính đa tài của chủ nhân. Cùng một lúc ông là nhà ngôn ngữ học, văn hoá học, sử học, nhà phê bình, nhà thơ, triết gia… Nhưng ông thích mọi người gọi theo lối xưng hô hiện đại: Giáo sư Bạch.
Giáo sư Bạch có hai thứ có thể xem là tài sản lớn thực sự: Giá sách khổng lồ theo thiên hướng bách khoa thư và con vẹt mà ông gọi âu yếm là Nàng. Giá sách được chính chủ nhân của nó mô tả như sau: “Nó là thư viện riêng của tôi, ngày ngày tôi gặm chúng như một kẻ đói khát gặm bánh mì” (trích trả lời phỏng vấn). Còn con vẹt: “Tôi không muốn phản bội Nàng bằng cách tiết lộ những bí mật thuộc về tình cảm riêng tư” (dẫn từ tài liệu trên).
Trước khi tiếp tục hầu chuyện quý vị, xin được sơ qua một vài sở thích của nhân vật số hai – Giáo sư Bạch có thể xem đó như một thứ cá tính, một dạng của phong cách, một thói quen đậm màu sắc bác học thường chỉ thấy ở những nhân vật tầm cỡ.
Trước hết ông rất hay ngoáy mũi, móc răng đưa lên ngửi ngay cả khi đang nói chuyện trước đám đông. Thứ hai là ông thích đóng bộ thật xuya để lên truyền hình. Trước màn ảnh với đủ thứ xảo thuật vi tính, ông giống như một chú bé con vậy. Trong những công trình mang màu sắc văn hoá, thì nghe, nhìn luôn luôn chiếm phần lớn mối quan tâm của ông. Ông sẵn sàng khẳng định truyền hình sẽ thống trị tuyệt đối trong tương lai. Ông coi việc con người từ chỗ cúi xuống đọc, đến chỗ nhìn lên để xem, giống như bước chuyển của giống vượn từ lom khom đến đứng thẳng lên hai chi sau. Giáo sư Bạch có thể nói là nghiện truyền hình. Ông trở nên khác hẳn, ít ra là xuất sắc hơn trong diễn đạt, diễn xuất khi biết đang có ống camera chĩa vào. Truyền hình nhân gấp mười sự nổi tiếng vốn dĩ của ông. ông rất hứng cảm với ý nghĩ (và sự thật như vậy) rằng khi đó, khi ông đang nói cho hàng trăm triệu người nghe, xem, hình ảnh ông tràn ngập không gian. Xuyên qua cả tầng ô-zôn trước khi phủ kín lên mặt đất đa phần là tăm tối.
Một trong những sở thích nữa cần kể ra nếu quý vị muốn có một hình dung đúng đắn về một con người hoàn hảo. Đó là thói quen tự kiểm tra mọi hành vi, lời nói của mình. Nó hoàn toàn khác với cách xưng tội của con chiên đạo Kito. Ở ông là sự tự vấn khốc liệt. Vì thế câu cửa miệng của ông có sức mê hoặc đặc biệt: “Tôi là kẻ không hoàn hảo thưa các bạn quý mến”. Chúng tôi sẵn sàng cắt lưỡi kẻ nào dám bảo đó là một lối kiểu cách. Nhưng nói thế về một vi giáo sư đa tài, khả kính đã vượt quá cả sự sàm sỡ, vì thế chúng tôi xin dừng ở đây để vào câu chuyện chính.
Giáo sư Bạch không phải là người yêu chim thú. Thậm chí ông ác cảm ra mặt với chúng. Vì thế trong quan hệ giữa ông với con vẹt mà ông âu yếm gọi là Nàng cho thấy ở ông luôn tiềm ẩn những cái phi thường. Hơn cả sở thích, vượt xa một thói quen trưởng giả, ông dành cho Nàng sự mê đắm sâu sắc. Ông có thể ngồi ngắm bộ lông sặc sỡ của Nàng hàng giờ liền. Thường khi đó là lúc vừa ra khỏi thư phòng, ông trở nên lười nhác kinh khủng trên chiếc ghế xích đu. Các bắp thịt lỏng ra, chảy xuống khiến các đầu dây thần kinh tha hồ ngọ ngoạy. Chúng làm ông buồn buồn, đê mê, đầy kích thích. Nó khiến ông thèm khát những gì mềm mại và ông giải tỏa những xung lực ma mãnh, bí ẩn – như đẩy lũ giun trở về hang tối – bằng cách trêu chọc Nàng.
Con Vẹt quả là rất đẹp. Còn hơn thế, hơn tất cả, nó là quà tặng của một người rất quan trọng với ông. Nó lại trở thành quà tặng trong một tình huống ngoạn mục. Ngài quan trọng, trong cơn xúc động sau khi nghe giáo sư phát biểu, đã cao hứng ban cho ông con vẹt này. Ngài vẫy tay bảo gia nhân “khoắng lấy một con trong số năm chục con” đem đến và ngài tự tay trao cho vị diễn già mình hâm mộ. Từ khi về với ông, nó trở thành duy nhất, vô giá. ông đã chăm chút nó với một ý nghĩ tinh tế và đầy tính bổn phận rằng, ông đang làm tăng giá trị của quà tặng – một cử chỉ luôn luôn là lịch lãm. Vì thế con vẹt được thể trở nên õng ẹo, kiểu cách. Mỗi lần dùng môi chúm thức ăn cho nó, ông thường nói như van: “Hôn tôi đi nào!”. Ông chạy vòng quanh để tránh một hành động tuỳ tiện bất nhã rất có thể xảy ra của Nàng. lần nào cũng phải rất khổ sở Nàng mới chiếu cố cho ông một vài miếng.
Trong một trạng thái phải nói là xuất thần, ông nghĩ ra sáng kiến rất độc đáo, ông sẽ dành thời gian dạy con vẹt học nói thứ ngôn ngữ cao cấp. Ông bắt đầu bằng những từ biểu cảm mạnh. Những buổi thụ giáo đầu tiên Nàng tỏ ra khó chịu, thường phản ứng bằng cách chúc đầu xuống đất. Nhưng sự kiên nhẫn của ông cuối cùng được đền đáp: Nàng đã chịu nghe ông.
Yêu! – Ông phát âm rành rõ.
Nàng, con Vẹt, nhìn ông như nhìn một kẻ quấy rối tình dục, đầy vẻ khinh bỉ và cảnh giác. Ông xoay tròn quanh chiếc lồng khiến Nàng cũng phải xoay theo.
– Lại nhé: Yêu!
Nhiều ngày cứ thế trôi qua và không ít lần giáo sư Bạch thấy nản lòng. Nhưng ông luôn được an ủi, tiếp sức bởi cái ý nghĩ ngọt ngào kia: mình đang làm tăng giá trị của quà tặng cơ mà! Và thế là ông lại kiên nhẫn bắt đầu từ điểm xuất phát. Mặc dù vẫn câm như hến nhưng Nàng đã bớt cảnh giác hơn. Dường như với Nàng, ông vẫn là kẻ quấy rối tình dục nhưng không có khả năng thực hiện đến cùng. Nàng đã có thể thây kệ ông chạy vòng quanh, thản nhiên dùng mỏ vuốt lại đám lông ở hai bên lườn.
Rồi con Vẹt biểu hiện triệu chứng kì lạ: Cổ nó, nhất là yết hầu, nên những cơn co giật. Người nó nẫu ra rã rời, không thiết ăn uống gì. Thoạt đầu ông tưởng Nàng động tình. Nhưng không có dấu hiệu kinh tởm đó. Dường như nó chỉ có vấn đề từ ngực trở lên. Cụ thể nó cứ phải nuốt xuống (hoặc oẹ ra) cái gì đó vướng ở cổ. Mỗi lần vươn người lấy hơi, nó lại bị sặc. Sau hai ngày liền không ăn, sang ngày thứ ba, khi giáo sư Bạch lại mang trứng sấy tẩm mật ong đến trong tâm trạng tuyệt vọng, thì thấy Nàng đứng bất động, cổ cứng đơ, toàn thân lên gồng. Cùng lúc, một cái gì vừa được tống ra ngoài khiến con vẹt thả chùng người xuống, giáo sư Bạch nghe mấy tiếng “eo” yếu ớt. ông vừa kinh sợ vừa mừng muốn nhảy cẫng lên. Trong khi đó Nàng xù lông một cách tàn tạ như vừa trải qua một trận cưỡng hiếp. Không chờ Nàng óng mượt trở lại, ông nóng ruột khích lệ:
– Lại xem nào! Yêu.
– “Eo”… – Lần này tiếng “eo” không tắt ngay mà chảy dài ra như tiếng đài bị méo do yếu điện. Nó vẫn khiến giáo sư Bạch sởn gai ốc mặc dù rõ ràng ông đã thành công. Ngay lập tức ông tự chiêm ngưỡng thành quả của mình bằng một bài viết rất có hứng về khả năng ngôn ngữ của loài vật. ông vạch một đường thẳng từ chim tới người và cam đoan con vẹt là nhân chứng bác bỏ tính thần bí của tiếng nói.
Cảm thấy mọi việc đều mĩ mãn, giáo sư Bạch chỉ còn dành thời gian cho con vẹt, đồng thời kiểm nghiệm tính chân lí trong những suy luận của ông. Nàng tỏ ra thông minh hơn ông tưởng. Nàng nhận ra ngay sự tiện dụng của tiếng nói, nhất là dùng để lừa gạt hoặc cầu xin gì đó. Vì thế khi ông phát âm mẫu một từ nào đó, con vẹt nhắc lại cả tràng dài. Ông phát hiện thêm một điều, có những từ, nhóm từ con vẹt bắt chước rất nhanh, trong khi có những từ, nhóm từ khác nó luôn phải cố gắng một cách chật vật. Giống như ông, vốn tính từ của con vẹt trội hẳn lên so với các loại từ khác. Những tiếng xuýt xoa mỗi khi ngắt câu của con vẹt cho thấy nó có thể chuyển tải tâm trạng vào những ngữ cảnh cụ thể. Điều này khiến giáo sư Bạch nảy ra một kế hoạch ngộ nghĩnh và đầy chất thơ: biến con vẹt thành một nhà ngôn ngữ, thậm chí một nhà thơ, một nhà báo, một nhà phê bình… và đi đến kết luận: chỉ cần 100 từ là có thể làm luôn một lúc cả ba nhà. Hoá ra sự lặp lại các từ cao gấp một trăm lần chính số từ được tung vào tác phẩm nào đó và thực chất của sáng tạo chỉ là bắt chước cho khéo, cho điêu luyện…
Ý tưởng biến con vẹt thành nhà ngôn ngữ khiến giáo sư Bạch sống trong tâm trạng phấn khích lạ thường. “Mọi người sẽ bổ chửng cho mà xem”. Ông hy vọng một ngày nào đó chính con vẹt, với cử chỉ cúi chào kiểu cách, sẽ cất những lời du dương cảm ơn ân nhân của ông. Chính nó sẽ đọc câu thần chú “Vừng ơi mở cửa ra” để ông bước vào lâu đài tráng lệ. Mọi người bỗng nhiên ít thấy giáo sư Bạch xuất hiện trên các diễn đàn xuân thu nhị kì. Nhiều người tắt tivi vì chờ mãi không thấy “câu chuyện chỉ nói với một người” do ông tự biên, tự diễn. Hằng ngày ông đóng vai một người tình, người thầy, nhà tâm lí, triết gia, thi sĩ, nhà nhân chủng học… trong việc dạy và theo dõi khả năng bóc từng lớp vỏ ngôn ngữ của con vẹt. Khi ông cao giọng đọc câu thơ bằng âm điệu du dương, ông thấy rõ con vẹt đổi chân liên tục tạo ra một vũ điệu lắc lư khá tinh tế. Như vậy Nàng không những không vô cảm mà còn có thể cảm nhận được vần điệu, nhạc điệu, vẻ tráng lệ của âm thanh do từ ngữ tạo ra. Ai dám bảo là nó không hiểu cả những ẩn dụ? “Chưa biết chừng… – ông quay lại nói với những khán giả vô hình – chưa biết chừng…” – ông thâm trầm nhắc lại nhưng không nói vế sau cho trọn câu.
Nàng học rất chăm chỉ và đầy hứng thú, tiến một cách bí ẩn vào lĩnh vực ngôn từ. Nó không chỉ thuộc ngay những câu cách ngôn, những lời răn dạy, những phương ngôn xử thế hiện đại… mà thỉnh thoảng cố ý đọc chệch đi để tạo ra một nội dung mới. Cái khả năng và ý hướng sáng tạo của con vẹt là điều duy nhất khiến giáo sư Bạch khó chịu. Ông cần nó như một con vẹt thực sự bởi chỉ như vậy ông mới kiểm soát được. Vì thế mỗi khi nàng có ý định lẳng lơ định nói trại đi một từ nghiêm túc, ông trừng mắt, phồng mồm bắt chước rắn hổ mang, ngụ ý cho Nàng thấy một hình phạt cứng rắn. Sự kiên quyết của ông, bề ngoài xem ra có tác dụng. nàng đọc chuẩn hơn, cam chịu hơn, đúng ngữ pháp hơn, thứ ngữ pháp không thể sai bởi nó làm mất vẻ uy nghi của các mệnh lệnh. ông cũng bắt đầu chuyển sang dạy nàng những câu phức hợp. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì vô song. Nàng luôn luôn có ý định phá bĩnh trước một câu đa nghĩa. Nhưng chưa bao giờ giáo sư Bạch thừa lòng nhẫn nại đến như vậy. Ông được tiếp sức bởi cái viễn cảnh ông là chủ nhân của một con vẹt thi sĩ, triết gia, nhà ngôn ngữ. Nó đem theo tư tưởng, thói quen và cả giọng nói đầy cám dỗ của ông đi khắp thế giới. Nhưng rồi điều nằm ngoài dự kiến của giáo sư Bạch đã xảy ra. Ban đầu ông không tin khi thấy con vẹt thỉnh thoảng hình như tỏ ra nghi ngờ ông. Nó không nhắc lại ngay lời thầy mà có vẻ muốn cân nhắc xem lời thầy đúng hay sai. Thoạt đầu giáo sư Bạch tưởng nó đãng trí. Nhưng dần dần, bằng sự nhảy cảm được thử thách, ông nhận ra con vẹt muốn sửa chữa một vài chỗ trong những câu mẫu của giáo sư. Ý định bướng bỉnh và ngông cuồng này ngày càng lộ rõ. Và đỉnh điểm của sự phản kháng là một lần, sau khi ông đọc rành rõ một câu đang được giới học giả ưa thích nhất, thì một giọng nói nửa chim nửa người cất lên:
– Tôi phì cười đây này…
Giáo sư Bạch choáng váng đến mức tai ù đi. Còn đang chưa tin hẳn vào tai mình thì ông thấy vang lên một chuỗi cười. Tiếng cười chói lên lanh lảnh, rít ở âm vực cao, đầy vẻ nhạo báng. Rồi nó hạ xuống cung trầm, âm thanh như rung lên từ một cây đàn chùng dây. Giáo sư Bạch như bị một nhát búa tạ quai vào đầu. Ông bất lực và sợ hãi ấp tay lên mặt để trấn tĩnh trở lại. Khi ông bỏ tay ra thì thêm một sự kinh ngạc nữa: con vẹt giễu cợt nhìn ông chỉ bằng một mắt. Mắt bên kia của nó cố tình nhắm lại. Quả là cái nheo mắt của chim nhiều ngụ ý hơn cái nheo mắt của người!
Giáo sư Bạch hoang mang thực hành một phương pháp mới: ông tạo cho con vẹt cơ hội được lựa chọn bằng cách mỗi câu ông đọc ba lần. Nếu con vẹt không có biểu hiện gì nghĩa là nó không thích. Ông tiếp tục đọc câu khác, cũng chậm rãi, rành rõ và cũng đúng ba lần. Suốt cả ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba…, con vẹt không chọn được một câu nào. Giáo sư Bạch đã toan nổi khùng bởi đó là những câu đã thuộc về máu thịt ông. Chả lẽ nó không có ý nghĩa gì với một con vẹt hay sao? Lòng nặng trĩu, ông bỏ đi ra ngoài, lang thang bách bộ cốt tìm sự thư thái. Tuy nhiên ngay cả khi ông tỏ ra mềm mỏng hơn, con vẹt vẫn câm lặng như một cục đá. Nó cũng thôi không còn thiết gì đến chuyện ăn uống, chỉ ngước nhìn trời xanh bên ngoài chiếc lồng, nơi thỉnh thoảng có một bầy chim bé tí xíu nô giỡn rồi bay ào đi.
Những giấc ngủ của giáo sư Bạch trở nên nặng nề, u ám. Một đêm nọ ông rơi tõm vào cơn ác mộng sau khi quá mệt mỏi. Trong mơ ông thấy mình ở trong lồng còn con vẹt thì đang đi đi lại lại, bóp đầu tìm những câu có thể dạy cho ông. Nó đi lạch bạch trên đôi chân ngắn cũn cỡn. Chợt nó dừng lại như một nhà hùng biện, ngửa cổ, ưỡn ngực đọc ngân nga chính khổ thơ mà ông cho dán ngay trước bàn làm việc. Con vẹt đọc một cách đắc chí rồi cứ thế ngửa cổ cười sằng sặc. Ông choàng tỉnh dậy khi trong mơ ông thét vào mặt con vẹt:
– Ta thà chết…
Trong đêm tối, tiếng vọng của một câu nói bằng thứ giọng nửa chim, nửa người còn âm âm, u u quanh quất đâu đây. “Ta nói hay nó nói?” – Ông tự hỏi bằng tâm trạng gần như mê sảng. ông ngồi bất động, mồ hôi túa khắp cơ thể. Rồi ông thở trút ra bởi mọi sự vẫn như cũ, nghĩa là ông và con vẹt vẫn ở đúng vị trí của mỗi người. Ông dỏng tai hướng về phía mà ông vẫn để chiếc lồng chim. Ông nghe rõ tiếng con vẹt gáy, tiếng gáy như giun kêu nhưng nhịp gáy ấy nghe quen quá. ông không đủ sức để nghe cái thứ âm thanh quái đản ấy, bèn trở lại giường. Chợt tim ông đứng lại khi từ phía chiếc lồng chim, nơi bóng tối phủ một lớp dày đặc, vang lên thứ giọng chói sắc nhưng hùng tráng: con vẹt đang đọc một đoạn trong luận văn của ông, như một thứ thơ văn xuôi. Vừa ghê sợ, vừa tò mò, ông vừa mong nó đọc tiếp, vừa mừng rú khi sau vài câu nó im bặt đột ngột. Nhưng chưa kịp định thần thì cả chuỗi cười, cũng ở âm vực cao, không phải của chim cũng không phải của người cất lên. Trong đêm tối, nó vừa như ở sát cạnh ông, lại vừa nhưtừ một nơi nào sâu hun hút. Nó đắc ý, khinh miệt, nham hiểm khoay sâu vào từng góc kín bưng trong tâm hồn ông. Mỗi tiếng cười như một mũi kim phóng về khiến ông co quắp, lăn lộn như người lên cơn động kinh.
Mọi chuyện sau đó được hoàn tất rất nhanh: Giáo sư Bạch khẽ trườn mình xuống đất, lê lệt xệt về phía pát ra tiếng cười. Đêm tối mở dần ra đón ông. Những động tác tiếp theo chỉ là: ông đu mình vào một vật gì đó đứng dậy. Tiếng cười cùng với con vẹt làm bật ra luồng khí âm ấm. Ông mở cửa lồng, uốn bàn tay lẹ làng lách vào.
Trong giấc mơ con vẹt thấy như nó bị sặc nước. Và hình ảnh cuối cùng đọng lại vĩnh viễn trong kí ức nó, cả khi ở trần gian cũng như lúc đã lên thiên đường là một con rắn nhiều đầu cùng vươn cổ bổ tới…
Giáo sư Bạch trở dậy khi trời đã sáng. Ông không định nhớ lại gì cả. Giống như mọi hôm, với vẻ mặt tuyệt vời vốn có, ông hớn hở nói với Nàng giờ đây nằm sã cánh, y như miếng giẻ lau, miệng ngậm máu: Dậy, dậy thôi. Một ngày mới đã lại bắt đầu. Hôn tôi đi nào!