Trước khi gọi cổng một gia đình mà tôi sẽ nghỉ qua đêm ở đấy, ông trưởng thôn, một người khá tốt bụng, phân trần:
– Nhà báo thông cảm cho địa phương nhé. Chẳng có khách sạn như những nơi khác đâu.
Tôi đùa, cốt để ông trưởng thôn khỏi áy náy:
– Tôi chán khách sạn rồi. Tôi muốn ở trong một gia đình đặc nông dân để có dịp sống lại những năm tháng trước đây.
– Thế thì nhà báo sẽ được như ý. Gia đình này chỉ có một bà cụ, đã ngoài tám mươi tuổi nhưng rồi anh sẽ thấy, kịp được cụ cứ là còn khướt. Cụ lại rất hay chuyện, nhớ lâu, biết nhiều… anh tha hồ mà khai thác. Có điều nếu chả may đêm bị chuột gặm chân thì đừng kêu toáng lên nhé.
Tôi ghé tai ông trưởng thôn nói nhỏ một câu đùa tiếu lâm khiến ông ưỡn ngực cười váng. Đoạn ông hắng giọng:
– Cụ Giáo có khách nhá!
– Giờ này thì chỉ có kẻ trộm thôi – một giọng sang sảng cất lên và quả là không thể tin được nó là giọng của người đã ngoài tám mươi.
Trong khi chờ bà cụ ra mở cổng, ông trưởng thôn nói tiếp:
– Khách của thôn đều ngủ nhờ chỗ cụ. Nhưng mà rồi anh sẽ thấy nó là dịp may cho mà xem. Bà cụ sống hay lắm.
Tôi im lặng ngước nhìn trời sao. Đêm tháng mười hình như nhà trời cũng bận rộn gặt hái, thóc vương vãi khắp nơi. Từng đợt gió se se lạnh thổi vào từ ngoài bãi khiến càng đượm không khí thôn dã.
– Đàn ông hay đàn bà đấy? – Tiếng hỏi của bà cụ.
– Cụ cứ chuẩn bị cho cái ổ rơm, một chiếc điếu cày… – ông trưởng thôn nói oang oang.
– Cái gì rồi cũng có.
Cổng mở. Tôi ý tứ vào sau trong khi ông trưởng thôn đã đập dép bèn bẹt ở bậc tam cấp. Tôi cất tiếng chào bà cụ. Cụ cười đáp lại và bảo: “Vào đi! Cứ như ở nhà anh ấy”.
Ông trưởng thôn làm xong thủ tục giới thiệu xin phép ra về. Tiễn ông xong tôi quay vào gian giữa của ngôi nhà cổ khá rộng. Toàn bộ gian giữa dùng làm nơi để chiếc bàn thờ to tướng và kê một bộ sập gụ chân quỳ cũng khá cổ. Cụ Giáo hỏi thăm tôi một cách tỉ mỉ, miệng không ngớt nhai trầu. Đúng như lời ông trưởng thôn, ngữ như tôi, mới ngoài bốn mươi đầu đã hói, mắt thâm quầng… theo được cụ còn mệt. Hàm răng đen nhánh của cụ vẫn còn nguyên và đều tăm tắp. Làn da nhăn nheo của cụ khá săn trong khi cặp mắt vẫn đủ làm cho khuôn mặt bừng lên thứ ánh sáng rất lạ. Cụ sống một mình nhưng không có một biểu hiện tí ti của sự cô đơn, không có thứ gì tạm bợ. Tất cả đều sạch sẽ, ngăn nắp, lạc quan và tràn ngập một thứ hạnh phúc, y như hạnh phúc của những người đang yêu nhau mãnh liệt.
Tôi rụt rè hỏi:
– Thưa cụ, thế con cháu cụ đâu. Sao cụ không đến sống với họ cho vui?
– Chán anh bỏ xừ – cụ mắng nhưng mắt nheo lại. – Thế tôi sống ở đây không vui chắc.
Tôi đâm ra bối rối như người lỡ lời. Còn đang tìm cách gỡ lại thì cụ đã hạ giọng:
– Cũng toan đi với các em nó vài bận nhưng ông ấy không bằng lòng. Có lần, nói anh đừng cười, ông ấy đến tận chỗ con trai cả của ông ấy khi tôi đang bế cháu cho nó, vào tận chỗ tôi nằm bảo: “Bà định dứt tình với tôi thật đấy à”. Người đâu có thứ người bạc miệng đến thế.
– Cụ đang nói về cụ ông ạ? – Tôi tròn mắt hỏi bởi tôi nhớ ông trưởng thôn bảo cụ Giáo sống một mình.
– Thì còn ai vào đây nữa. – Cụ Giáo xuýt nước trầu.
Tôi đang định hỏi “Thế cụ ông đâu” thì bà cụ, vừa cười một mình, vừa bảo:
– Lát nữa về bây giờ đấy. – Cụ nhìn nhanh ra cổng như một thói quen hơn là tâm trạng của người mong ngóng. Tôi đâm ra hồi hộp thật sự. Bạn ở vào hoàn cảnh tôi bạn cũng sẽ như vậy. Vừa muốn xem mặt ông chủ, vừa tìm cách vượt qua những giây phút đầu… nói chung nó khiến tôi chộn rộn, thoáng một chút lo lắng. Giả sử cái bản mặt tôi lại không thuộc diện ông cụ ưa thích thì khó tránh khỏi một sự bất tiện. Nhưng điều đó không đủ sức phá vỡ của tôi một đêm yên tĩnh tuyệt vời. Lâu lắm rồi, từ khi rời khỏi ngôi nhà của mình ở một làng hẻo lánh, tôi mới lại được sống trong cảm giác bình yên bởi sự bao bọc của những Bảo Mẫu Vĩ Đại là bóng đêm, hồn quê và những Thiên sứ tôi không nhìn thấy nhưng tôi tin họ vẫn đi tuần khi tôi ngủ. Nó khiến tôi vừa lãng mạn nghĩ về tương lai, vừa da diết hoài niệm những gì không bao giờ trở lại. Mặc dù ra khỏi cửa là chạm vào muôn vàn điều bí ẩn nhưng tôi lại chỉ thấy ấm lòng. Và tôi bật cười bởi một phát hiện ngộ nghĩnh: Hạnh phúc là ngồi khoanh tròn trên ổ rơm nghe gió lạnh quất ràn rạt bên ngoài cửa sổ. Nhưng bỗng tôi thấy sợ. Cứ như xung quanh chết cả rồi học mọi thứ đang đông cứng. Con người ta lạ thế. Thèm khát sự yên tĩnh nhưng không thể quen được với nó khi đã bén mùi phố xá. Đến phục bà cụ gần chín mươi tuổi này, cái gì cho bà cụ sống khoẻ đến thế, lúc nào cũng thấy hạnh phúc trong mắt, trong từng lời nói.
– Để tôi nhẩn nha kể cho anh nghe chuyện về ông lão nhà tôi. Ai ngờ người cũng khó tính thế. Chả bù cho hồi trẻ, thế nào cũng xong. Mà anh tính hồi đó muốn tinh tướng cũng chả được với tôi. Ông ấy nằm vùng, trốn ngay trong nhà tôi. Cụ thân sinh ra tôi là đồ Nho nên đám chức sắc cũng có phần nể mặt. Chứ họ mà biết cụ giấu ông du kích con rể tương lai thì họ cũng chả nương tay đâu.
Bà cụ lại cười bả lả:
– Nghĩ lại mới thấy hồi ấy mình bạo thế. Ai đời gái chưa chồng mà đêm nào cũng mò mẫm vào căn buồng tối om. Có hôm rờ vào cả… – Cụ cười ngả cười nghiêng – chết tiệt cái bọn đàn ông các anh, cấm có giấu được cái gì…
– Thế rồi sau đó nên vợ nên chồng chứ ạ? – Tôi cũng bật cười.
– Con khỉ gió! Còn lâu. Gớm, báu gì cái bọn cả ngày ở dưới hầm, độc mùi đất, hôi ơi là hôi. – Cụ lại cười như không thể nhịn được. – Thế mà cũng có bận dỗi với tôi giời ạ. Nghĩ lại đến giờ vẫn thấy thương. Mà anh biết dỗi thế nào không? Trả cơm lại cho tôi, không ăn. Tôi mới làm mặt lạnh: “Không ăn cứ để đấy. Còn khối người khác đang chờ”. Doạ chơi thế mà lại khiến anh chàng sợ, làm đánh nhoáng một cái hết bay, cười hì hì. Rõ ghét thế đấy.
– Ngày hai cụ đến với nhau chắc phải đáng nhớ lắm? – Tôi gợi chuyện.
– Có biết đến với nhau lúc nào đâu mà nhớ. – Cụ Giáo lấy lại giọng nghiêm trang. Trước ngày lão ấy ra vùng tự do để chuẩn bị cùng chủ lực quay lại, cứ nắm riết tay tôi. Chả hiểu sao mà tôi cũng cứ để lão ấy nắm, lại còn mân mê ngón út nữa chứ. Ngày ấy để đàn ông nắm tay là coi như đã ăn nằm với nhau, núi tan biển cạn cũng chỉ biết cắm sào chờ. May mà sau hoà bình lão ấy lò dò trở về chứ nếu chết ngóm ở góc trời nào thì cũng coi như mình goá chồng. Nói thì các anh các chị bảo chúng tôi cổ hủ chứ như bây giờ, muốn bỏ nhau người ta đem nạo béng cái thai trong bụng đi thì tân tiến để làm gì.
Cụ Giáo đứng dậy lọm khọm đi xuống bếp bê lên một ấm nước nụ vối. Cụ rót ra ba bát mời tôi uống thử. Thú thật tôi đang ước được uống nước nụ vối nên bê ngay một bát đưa lên miệng thổi, xuýt xoa khen thơm. Cụ Giáo thong thả hơn và trước khi bê bát nước, cụ nói rất to:
– Ông về uống sau nhé. Có khách nên tôi không chờ đâu.
Cụ uống một hơi, chép miệng bảo:
– Chỉ mình tôi hãm vối là ông ấy uống. Về già đổ tính xấu ra đấy anh ạ.
Rồi cụ lại say sưa kể tất cả những chuyện liên quan đến ông cụ. Cụ kể về ngôi nhà, về chiếc cối đá thủng trôn đặt ở trước hiên, về chiếc điếu bát bằng đồng đỏ… là những vật mà ông cụ rất giữ gìn để thêm một lần giải thích với tôi vì sao cụ không muốn rời đi nơi khác.
Đêm có lẽ đã rất khuya bởi tôi có cảm giác mình đang lặn rất sâu vào cái khoảng tối đen ngọt ngào kia. Chỉ có ở nông thôn người ta mới thấy chiều sâu huyền bí ấy. Tôi cố cưỡng lại cơn buồn ngủ phần vì câu chuyện của bà cụ đâm ra hấp dẫn, phần vì tôi muốn ông cụ về nhà khi mình còn thức. Nó đỡ cho tôi cảm giác thất lễ, đỡ cho ông cụ sáng mai phải dậy sớm. Trong khi đó cụ Giáo bà đã bắt đầu gà gật. Kiểu ngủ của người sắp thành thánh nhân, hiền nhân giống như những khoảng chớp mắt khi ngẫm nghĩ điều gì đó. Bởi vì vừa gáy khò khò, cụ bừng ngay dậy, cười tươi:
– Cái điếu bằng đồng đỏ ấy có người giả tôi một cây vàng rồi đấy. Nhưng đừng hòng ông ấy cho bán.
Cụ lại đứng dậy, vừa trải đệm bằng một chiếc chăn trấn thủ, vừa nói to:
– Ông ấy khảnh lắm, cứ bo bo như thần giữ của ấy. Ông mà không cho tôi bán là tôi chết đói đấy. – Cụ nói như than thở: – Đi với con không cho đi. Làm gì cũng không cho làm. Biết thế này hồi ấy tôi cho chết đói ở dưới hầm.
Cụ bảo tôi:
– Thôi, anh đi ngủ đi. Ổ rơm của ông ấy đấy. Nếu ông ấy về giở quẻ thì cứ mặc xác ông ấy nhé. Tôi cũng đi ngủ đây ông ạ!
Tôi chìm ngay vào giấc ngủ chỉ có thể nói là ngọt lịm, đúng hơn tôi vừa chết mấy tiếng đồng hồ. Sáng bạch tôi mới mở mắt, tinh thần nhẹ lâng lâng, vô cùng sảng khoái. Xộc vào mũi tôi là mùi hương trầm siêu thoát. ý nghĩ đầu tiên của tôi hướng về ông cụ, chắc phải rất khuya đêm qua mới về. Tôi đưa mắt tìm kiếm một cái ba-toong hay một vật gì chỉ giành cho đàn ông. Mọi vật dường như chẳng có gì xáo trộn ngoại trừ ấm nước vối đã được dọn đi.
Tôi ra sân làm vài động tác thể dục. Chà, tuyệt quá. Khoẻ quá. Yên tĩnh quá, Thanh thản quá. Cảnh sắc cứ xôn xao sống động. Chắc ông cụ có hội tổ tôm ở quanh đây. Chỉ có tổ tôm mới giữ được chân các cụ chặt thế. À, hoá ra ông trưởng thôn bảo bà cụ sống một mình cũng không sai. Chưa sáng đã đi, quá nửa đêm mới về, ông cụ được lắm nhưng mà cũng tệ.
Tôi đang lan man với đủ thứ ý nghĩ thì thấy cụ Giáo loẹt quẹt bê theo chiếc rổ đậy lá chuối từ đâu về.
– Anh cũng dậy rồi à?
Tôi hơi ngượng:
– Hôm qua cháu thức khuya quá, lại đi đường mệt…
– Ai bảo anh đã vội dậy. Cứ ngủ cho đẫy mắt đã xem nào.
– Chúng cháu phục các cụ quá. Ăn, ngủ như đùa mà cứ khoẻ đến già.
– Mọi hôm tôi cũng còn ngủ. Nhưng hôm nay vừa may anh đến đúng vào hôm nhà bố Ngãi mổ lợn. Tôi phải sang sớm để lấy tiết canh. Ông lão nhà tôi chỉ mê độc món tiết canh thôi.
Tôi lò mò nhìn theo cụ đi vào bếp, thực ra là có ý tìm kiếm xem cụ ông đang ở đâu. Lát sau, với nét mặt hoan hỉ cụ bê ra một khay ở trên đặt mấy bát tiết canh, một đĩa lòng bốc khói và một cút rượu trong vắt, loại rượu chưa uống tôi đã biết nó có thể làm quăn đầu lưỡi. Cụ Giáo bê khay đồ nhắm lên nhà, dùng đầu gối đi trên chiếc sập gụ. Tôi gần như nín thở. Cụ Giáo vén tấm mành che bàn thờ lên, để lộ ra một tấm ảnh khá lớn. Cụ đặt khay đồ nhắm lên bệ, ngay phía dưới tấm ảnh rồi vừa châm hương, vừa nói:
– Mời ông xơi trước đi, hôm nay có cả cổ hũ đấy.
Bạn có thể đoán ra bộ mặt tôi lúc ấy thế nào không? Nó y như của một thằng ngố Tàu trong các tích tuồng cổ. Tôi tưởng không tin vào tai, mắt… mình. Mà tôi không tin là phải. Bởi vì tôi hoàn toàn ở ngoài rìa cuộc sống của những người tưởng đơn giản như chiếc bánh, chỉ cần bóc lớp lá ra là biết hết bên trong. Nó đơn giản đến mức tôi thường nghĩ không biết nó có thực sự là cuộc sống hay không! Giờ đây tôi đã vỡ lẽ ra tất cả, vừa muốn cười phá lên, vừa sợ bất cứ sơ suất nào của mình cũng phạm tội báng bổ. Trong khi đó thì bà cụ Giáo vẫn đang kể lể, trách móc, dặn dò gì đó. Nghe giọng hồn nhiên của cụ tôi đâm ra nghi ngờ: Họ và tôi, ai là người đang thực sự có cuộc sống, theo đúng nghĩa linh thiêng của nó?
– Có ngon miệng không hả ông? – Giọng bà cụ vỡ ra. – Hôm nay không kề cà được đâu. Đêm qua ông dặn gì tôi quên khuấy mất rồi.
Lát sau cụ Giáo quay ra gọi tôi:
– Mời anh vào ăn sáng. Mỗi lần thằng cả nhà tôi về nó vẫn thường rất thích uống rượu sáng với lòng lợn. Nhưng mà phải nóng hôi hổi phải có đủ cả, chóp chài… Nó cũng khó tính y như thằng cha nó ngày còn ở trên dương.