Người Ở Đâu Về

VII.



CHIẾC xe chở đồ màu xanh có một đầu máy thật tốt. Hai người đàn ông ngồi trong Cabin thay phiên nhau cầm tay lái, họ không nói chuyện nhưng nếu có nói gì là chỉ nói độc nhất về cái môtơ. “Ðồ tốt chi lạ” thỉnh thoảng họ vừa lắc đầu vừa nói, lắng tai nghe tiếng máy nổ ròn tan, trầm trầm, rất đều đặn, không có một nghịch âm nào làm xáo trộn. Ðêm nóng bức và tối om, con đường đưa họ về hướng Bắc đôi khi bị trở ngại vì những chiếc xe nhà binh, xe ba gác; nhiều lần họ đã phải hãm phanh một cách đột ngột vì không kịp nhận thấy một đoàn công voa đang đi tới làm cho họ một chút nữa thì lọt, thì đâm sầm vào cái khối những bóng đen ngòm dị hình dị dạng trên đầu có đèn rọi sáng. Ðường sá quá chật hẹp, xe chở đồ, xe thiết giáp, xe công voa không thể đi ngang nhau, nhưng xe càng tiến về hướng Bắc thì đường càng rộng chỗ và người ta có thể cho xe chạy thả ga một lúc lâu mà không bị phiền nhiễu: khối hình nón ánh sáng do đèn pha chiếu ra hắt lên cây cối, nhà cửa, đôi khi ở một chỗ ngoẹo nào đó, ánh sáng quét lên một cánh đồng làm cho cây cỏ nổi bật lên với những đường nét rõ ràng, toàn là bắp um tùm hay cà chua. Lâu rồi đường sá cũng trở thành vắng tanh, người tài xế bắt đầu ngáp và cho xe đi vào một con phố nhỏ của một ngôi làng nào đó để nghỉ. Tháo túi dết ra, họ cầm chiếc bầu lên, hít nhè nhẹ mùi cà phê nóng và nồng, mở những chiếc hộp sắt mỏng và tròn đựng sô cô la, lặng lẽ sửa soạn bánh mì, mở hộp bơ ra ngửi ngửi vào bên trong và phết một lớp bơ dày lên trên mặt bánh trước khi đặt vào đấy những khoanh xúc xích lớn màu đỏ, rỉ mỡ, lấm tấm hạt tiêu. Họ ăn uống thong thả. Nét mặt rầu rĩ và mệt mỏi của họ đã khởi sắc và một người trong bọn, người ở bên tay trái và đã ăn xong, châm một điếu thuốc lá và rút từ trong túi ra một lá thư; hắn mở thư, từ chỗ gấp của tờ giấy lôi ra một tấm ảnh: tấm ảnh chụp một cô bé xinh xắn đang chơi trong bồn cỏ với một chú thỏ con. Chìa tấm ảnh cho người bên cạnh, hắn nói.

– Nhìn này, con gái của tôi đấy, dễ thương chứ? Hắn cười, một đứa con sinh ra nhờ giờ nghỉ phép của bố đó.

Mắt dán vào tấm ảnh, người kia vừa nhai vừa trả lời:

– Dễ thương… một lần nghỉ phép? Mà nó đã lên mấy tuổi rồi?

– Lên ba.

– Anh không có ảnh của vợ à?

– Có chứ.

Người đàn ông ngồi ở bên tay trái móc ví ra, nhưng đột nhiên rụt tay lại và nói:

– Anh có nghe thấy không? Chúng điên à?

Từ bên trong chiếc cam nhông nổi lên những tiếng ồn ào khàn đục và thô bạo rồi có tiếng một người đàn bà thét lên rất to.

– Câm mồm đi một chút nào, người đàn ông ngồi ở tay lái quát lên.

Người kia mở cửa xe và nhìn chăm chăm vào con đường trong làng. Bên ngoài trời nóng và tối đen, nhà cửa không có một ánh đèn le lói; mùi cứt bò xông lên, một mùi cứt bò nồng nặc và trong một ngôi nhà nào đó có tiếng chó sủa. Người đàn ông nhảy xuống, miệng lẩm bẩm nguyền rủa những đống phân dày và lầy nhầy trên mặt đường nhưng hắn vẫn phải đi vòng quanh chiếc xe cam nhông. Từ bên ngoài, người ta nghe thấy tiếng lục đục rất khẽ; chỉ như tiếng khò khè trong một chiếc hộp, nhưng trong làng lại có tiếng sủa của một con chó thứ hai, rồi một con thứ ba; một cánh cửa sổ đột nhiên bật sáng làm cho người ta thoáng thấy bóng của một người đàn ông. Bác tài xế tên là Srơđơ không muốn mở những cánh cửa nhồi bông nặng nề, không cần thiết lắm, bác nghĩ. Bác vớ lấy cây súng tiểu liên, dùng báng bằng thép giáng vài cú thật mạnh xuống thành xe; trong xe liền im lặng tức khắc. Srơđơ sau đó trèo lên bánh xe để xem sợi kẽm gai ràng lỗ chiếu thiên trên mui xe có còn ở đó không. Nó còn ở đó. Bác trở vào cabin: Plôrin đã ăn xong, hắn vừa uống cà phê vừa hút thuốc, và vẫn còn giữ ở đàng trước tấm ảnh đứa con gái lên ba đang chơi với con thỏ.

– Con bé này dễ thương thật. Hắn vừa nói vừa ngẩng đầu lên một lúc. Chúng câm mồm cả rồi, anh có ảnh của vợ anh đấy không?

– Có đây.

Srơđơ lại móc ví, mở ra, rồi rút một tấm ảnh đã nhàu nát, ảnh của một người đàn bà khoác áo choàng lông cừu, người nhỏ nhắn, đã luống tuổi. Người đàn bà mỉm cười một cách đần độn, nét mặt không còn trẻ trung lắm, tỏ ra mệt mỏi, có thể nói rằng đôi giày đen gót quá cao đã làm cho bà đau đớn. Mái tóc dày và nặng nề, màu vàng sậm, gợn sóng một cách giả tạo.

– Xinh đấy, Plôrin nói. Thôi ta lên đường.

– Ừ, Srơđơ đáp, đi thôi.

Hắn ném một cái nhìn cuối cùng ra bên ngoài: bây giờ có nhiều tiếng chó sủa trong làng, nhiều cửa sổ bật sáng, và trong bóng tối dân làng gọi nhau có chuyện.

– Đi thôi, hắn vừa nói vừa đóng sập cửa. Nổ máy đi.

Plôrin kéo đề ma rơ, động cơ nổ ngay, Plôrin để cho máy chạy một vài giây, nhấn ga và chiếc xe chở đồ màu xanh lướt nhẹ ra đường cái.

– Máy tốt thật, Plôrin khen, cái máy này tốt một cách lạ.

Tiếng động cơ bao trùm cả ca bin, tai của họ đầy những tiếng động vù vù, nhưng chỉ vừa mới đi được một chút, họ đã nghe thấy tiếng ầm ầm lục đục trong xe.

– Hát lên một cái gì đi. Plôrin bảo Srơđơ.

Srơđơ cất tiếng hát. Hắn hát mạnh mẽ, giọng ca đầy nghị lực, không hay lắm, cũng không đúng lắm, nhưng hắn để cả tâm hồn vào lời ca, nhất là trong những đoạn tình tứ, và có nhiều chỗ người ta có cảm tưởng như sắp trông thấy hắn khóc vì hắn hát một cách quá say mê, nhưng hắn đã khóc. Một bài ca làm cho hắn thích thú đặc biệt là bài Đức mẹ đồng quê, đó có thể là bài tủ của hắn. Hắn hát gần trọn một giờ, hát rất mạnh; khoảng một giờ sau, chúng đổi chỗ và bây giờ đến lượt Plôrin ca.

– Rất may là lão già không nghe thấy tiếng chúng ta, Plôrin vừa nói vừa cười.

Srơđơ cũng cười và Plôrin trở lại bài ca. Hắn hát gần hết những bài mà Srơđơ vừa hát nhưng hiển nhiên là hắn thích bản Đoàn công voa xám hơn cả bởi vì bản này được hát đi hát lại nhiều lần hơn, lúc thì hắn hát chậm rãi, lúc thì hắn hát mau, và những đoạn nào đặc biệt hay, đoạn mà sự tuyệt vọng và sự cao cả của một cuộc sống anh hùng nổi bật lên một cách mãnh liệt, những đoạn ấy, hắn hát bằng một tiết điệu hết sức thong thả, cảm động, và hắn hát đi hát lại nhiều lần như vậy. Srơđơ lúc ấy đang ngồi cầm lái nhìn chăm chú trên đường, cho động cơ chạy thả ga, và huýt sáo phụ họa theo tiếng hát. Họ không nghe thấy một tiếng động nào nữa trong chiếc xe chở đồ màu xanh.

Ngồi trong ca bin, cảm thấy khí trời bắt đầu lạnh, họ lấy mền quấn chung quanh ống chân, thỉnh thoảng hớp một ngụm cà phê. Họ đã thôi không hát nữa, và trong xe mọi người đều im lặng. Thật ra, tất cả đều yên tĩnh: đồng quê yên ngủ, đường cái vắng vẻ và ẩm ướt. Chắc là trời đã mưa ở đây, làng xóm họ đi qua đều như đã chết bỗng có khi lại sáng lên trong bóng đêm: nhà cửa, hay một ngôi nhà thờ bên đường nhô ra một lúc từ bóng tối rồi lại rơi vào sự hoang vắng đàng sau họ.

Vào khoảng bốn giờ sáng, họ dừng lại một lần thứ hai. Cả hai người đều đã mệt mỏi; mặt họ buồn bã và bẩn thỉu, và họ không nói gì với nhau nữa, hình như là đoạn đường mà họ còn phải đi trong một giờ đồng hồ nữa, kéo dài ra như không bao giờ hết. Họ chỉ dừng lại một chốc lát, dừng ngay ở đường cái, ăn bánh mì một cách không ngon lành mấy, nốc cạn chỗ cà phê còn lại, nhai hết mấy miếng sô cô la giữ lạnh trong hộp sắt mỏng, rồi châm một điếu thuốc lá. Họ cảm thấy dễ chịu hơn khi bắt đầu cho xe chạy lại và Srơđơ đến lượt cầm lái chúm môi huýt lên một điệu sáo miệng trong khi Plôrin quấn mình trong mền nằm ngủ. Bên trong chiếc xe chở đồ màu xanh là cả một sự im lặng tuyệt đối.

Trời bắt đầu lất phất mưa và chạng vạng sáng khi họ bỏ đường cái, lái ngoằn ngoèo trong những phố nhỏ của một ngôi làng rồi vượt qua nhiều đồng ruộng, đến một cánh rừng. Sương mù nghi ngút tỏa. Sau rừng là một cánh đồng cỏ với một trại lính, rồi lại đến một ngôi rừng nhỏ, một cánh đồng cỏ nữa rồi trước một chiếc cổng lớn dựng bằng cột gỗ và dây thép gai, chiếc xe cam nhông dừng lại và bóp còi inh ỏi. Sát lối vào là một bót gác sơn màu đen trắng đỏ và một chòi canh, trên có một người đội mũ đứng gác bên cạnh một khẩu súng cối. Lính trực mở hàng rào, sáp cái mặt nhăn nhó vào gần ca bin rồi chiếc xe chở đồ đi vào bên trong.

Người lái xe huých người bên cạnh một cái, nói:

– Chúng mình tới rồi.

Họ mở ca bin ra, nhảy xuống với dụng cụ của họ.

Chim líu lo trong rừng, mặt trời rạng đông chiếu sáng những lùm cây xanh, báo trước một ngày đẹp trời. Một làn sương mỏng bao trùm tất cả.

Mệt nhoài, Plôrin và Srơđơ đi về phía lều trại đàng sau chòi canh. Bước chân lên một vài bậc thềm, họ thấy lối đi trong trại đã bị choáng bởi một đoàn xe sẵn sàng khởi hành.

Trại im phăng phắc, không có gì cử động, chỉ có những ống khói của lò hỏa táng đang nhả một cột khói đen ngòm.

Ủ rũ trước một chiếc bàn, viên tiểu đội trường đang ngủ. Khi ông ta giật mình thức dậy, hai người đang quan sát ông cười khẩy với một vẻ chán nản rồi nói:

– Chúng tôi đây.

Viên tiểu đội trưởng đứng dậy, vươn vai vừa ngáp vừa nói: “Tốt”, rồi châm một điếu thuốc lá bằng dáng điệu uể oải, đưa tay lên vuốt lại tóc, đội mũ vào, sắp lại dây lưng, liếc mắt trong gương một cái, giụi mắt để cạy gỉ.

– Chúng nó bao nhiêu? ông hỏi.

– 67, Srơđơ vừa trả lời vừa ném gói hồ sơ lên mặt bàn.

– Những người cuối cùng hả?

– Vâng, cuối cùng, Srơđơ đáp. Có gì mới không?

– Chúng ta nhổ trại… chiều nay.

– Chắc không?

– Ừ, không khí bắt đầu nóng bức.

– Về hướng nào?

– Hướng Ðại Đức. Tỉnh Biên trấn Ðông.

Viên tiểu đội trưởng bật cười.

– Ði ngủ đi, viên ấy nói, các anh sẽ còn một đêm mệt nhọc nữa, khởi hành đêm nay từ bảy giờ đúng.

– Còn trại thì sao? Plôrin hỏi.

Viên tiểu đội trường bỏ mũ ra, chải lại đầu một cách kĩ lưỡng, tay phải cầm lấy bờm nhấc lên. Hắn là một gã đẹp trai, thân hình mãnh dê, tóc tai màu nâu. Hắn thở dài.

– Trại à, hắn nói, không còn trại nữa; từ bây giờ đến đêm sẽ không còn trại nữa, trại trống trơn rồi.

– Trống trơn? Plôrin hỏi.

Hắn đang ngồi và đang chậm chạp di tay áo trên khẩu súng liên thanh còn ướt hơi sương.

– Trống trơn, viên tiểu đội trưởng nhắc lại với một tiếng cười khẩy nhẹ và một cái nhún vai, tôi đã nói với anh là trại này trống trơn, như thế chưa đủ sao?

– Đổi đi chỗ khác? Srơđơ còn gạn hỏi nữa, mặc dầu đã đi ra đến cửa.

– Ðồ ngây thơ, viên tiểu đội trưởng nói, thôi cút hẳn đi cho tôi nhờ, tôi đã nói trống trơn chứ không phải là dời đi chỗ khác, trừ ban đồng ca.

Hắn cười ngạo.

– Ông ấy mê mẩn vì ban đồng ca, lão già. Anh sẽ thấy ông ta sẽ còn mang ban ấy đi nữa.

– Càng tốt! Hai người cùng nói một lúc, càng tốt!

Và Srơđơ nói thêm:

– Ông ấy mê mẩn thực sự, đó là bệnh si nhạc mà! Cả ba đều cười ngất.

– Thôi ta chuồn đi, Plôrin nói tôi để chiếc xe lại, không thể lái được nữa.

– Ðể đó, viên tiểu đội trưởng đáp, Vili sẽ lái vào ga ra.

– Vậy thì chúng ta không có đó…

Hai ngưòi tài xế đi ra. Viên tiểu đội trưởng gật đầu đồng ý, đi đến phía cửa sổ và ngắm chiếc xe chở đồ màu xanh đang đậu bên lối đi vào trại, ngay trước đoàn xe sẵn sàng khởi hành. Trại hoàn toàn yên lặng.

Người ta chỉ mở chiếc xe ra một giờ sau, khi viên đội trưởng Filcai đến trại. Filcai có mái tóc màu đen, kích thước trung bình và khuôn mặt xanh xao, thong minh, thở ra sự tinh khiết. Ông rất nghiêm ngặt, chú trọng đến trật tự, không tha thứ một hành động phạm lỗi nào. Lúc ông thi hành thì đó là chiếu theo quy luật. Ông nghiêng đầu chào lại bọn lính trực, nhìn qua chiếc xe chở đồ màu xanh rồi đi vào bót gác. Viên tiểu đội trưởng chào rồi tường trình.

– Họ mấy người? Filcai hỏi.

– Sáu mươi bảy, thưa ông Ðội trưởng.

– Tốt, Filcai nói, tôi chờ một giờ nữa để nghe họ hát.

Ông ngoắc đầu một cái, vẻ mặt hờ hững, bỏ điếm canh đi ra và băng ngang qua sân trại. Ðây là một cái trại hình chữ nhật, một hình vuông có bốn lần bốn dãy lều với một khoảng trống nhỏ ở về phía nam lối đi vào. Các góc trại đều có chòi canh. Ở giữa là dãy lều dùng làm nhà bếp và nhà cầu; trong một góc trại, sát chòi canh phía đông nam là những phòng tắm hơi ngạt và bên cạnh phòng tắm là lò hỏa táng. Trại hoàn toàn yên lặng nếu không phải là có một người trong bọn lính gác, người ở chòi canh phía đông nam, đang ngâm nga: ngoài điều này ra, sự yên lặng thật là hoàn toàn. Một làn khói xanh nhè nhẹ tỏa lên từ nhà bếp trong khi từ cửa lò tuôn ra một thứ khói đen dày, cũng may ngọn khói này lại ngả về hướng nam: đã từ khá lâu miệng lò đã khạc ra dữ dội những luồng hơi ngạt dày đặc. Filcai thả mắt nhìn bao quát tất cả, gật gật cái đầu và đi vào căn phòng đặt ở bên cạnh nhà bếp. Ông ném chiếc cát két lên bàn và gật gật cái đầu một lần nữa: ông bằng lòng, tất cả đều ngăn nắp. Ý tưởng này đáng lẽ đã có thể khêu dậy một nụ cười trên môi ông, nhưng Filcai không mỉm cười bao giờ. Ông nhận thấy cuộc đời là một cái gì nghiêm trang, công việc là một cái gì nghiêm trang hơn, nhưng cái nghiêm trang hơn hết cả là nghệ thuật.

Viên đội trưởng Filcai yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Ông có một tầm vóc trung bình, tóc đen và nhiều người đã cho là ông đẹp trai với nét mặt xanh xao và thông minh, nhưng chiếc cằm xương xẩu và quá lớn kéo hẳn về phía sau phần còn lại của bộ mặt thực ra rất thanh, thêm vào cho vẻ thông minh của ông một nét tàn bạo vừa kinh khủng vừa bất ngờ.

Ðã có một dạo Filcai học âm nhạc, nhưng ông đã quá yêu âm nhạc để biểu thị một sự khách quan tối thiểu là điều mà một con người nhà nghề không bao giờ thiếu: ông xin làm nhân viên ngân hàng và vẫn tỏ ra say mê âm nhạc. Sở thích của ông là hợp ca. Là một người chịu làm việc và có nhiều tham vọng, một cách rất chắc chắn, ông đã mau chóng được thăng chức chánh sự vụ. Nhưng đối tượng chính của lòng ông vẫn là âm nhạc, và đặc biệt là hợp ca. Lúc đầu ông chỉ chủ tâm đến ban hợp ca giọng nam.

Vào thời kỳ này, bây giờ cũng đã khá lâu rồi, bởi vì tính ra đến nay thấm thoắt đã mười lăm năm, ông điều khiển ban hợp ca Đồng tâm gồm toàn giọng nam; ông hai mươi tám tuổi và người ta xưng tụng ông là giám đốc mặc dầu ông chỉ là một tay tài tử; thực ra người ta không bao giờ tìm đâu được một nhạc sĩ nhà nghề có thể đeo đuổi những mục đích của Hội một cách tỉ mỉ và hăng hái hơn ông. Thật là say mê khi nhìn ông điều khiển ban hợp ca, nét mặt nhợt nhạt được khởi sắc bằng những rung động nhè nhẹ, đôi bàn tay thanh tú. Các bạn đồng nghiệp ca sĩ rất ngán ông vì ông quá câu nệ về tiểu tiết; không một nốt sai nào mà ông không biết đến, hơi sơ suất một chút đã làm cho ông điên lên vì tức giận, đến nỗi có một dạo vì chán ghét cái tính chặt chẽ và nhiệt thành không biết mỏi của ông mà các ca sĩ đáng thương này đã đi chọn một ông giám đốc khác. Cũng vào thời gian này ông còn điều khiển ban hợp ca nhà xứ mặc dầu ông chẳng thích thú gì các lễ nghi tôn giáo; đó là thời kỳ ông muốn lấy mọi cơ hội để sử dụng một ban đồng ca. Cha sở mà các con chiên gọi là ông Thánh là một người hiền lành, hơi lập dị một chút, đôi khi cũng biết giữ một vẻ rất nghiêm nghị; đầu bạc và cao tuổi, cha không biết gì về âm nhạc nhưng đã không bỏ sót một cuộc tổng duyệt nào và thỉnh thoảng có một lối cười mỉm mà Filcai ghét, nụ cười của tình thương, thứ tình thương hại và thương xót. Ngoài ra, nét mặt của cha sở thỉnh thoảng có vẻ nghiêm nghị và Filcai cảm thấy càng ngày càng thù hận các lễ nghi tôn giáo thêm đồng thời cũng ghét cái lối cười mỉm kia hơn. Lối cười này như muôn nói: vô ích, thật vô ích… nhưng cha thương con… Filcai không muốn cho ai thương và càng lúc càng phát ghét cả các bài ca trong nhà thờ và cả nụ cười của cha sở. Khi bị ban Ðồng tâm giải nhiệm, ông đã thừa dịp bỏ luôn ban đồng ca nhà xứ. Nhưng nhiều lúc nụ cười này vẫn còn đi qua trí não ông, cái vẻ nghiêm nghị vẩn vơ đi theo một cái nhìn đầy tình thương, “một cái nhìn Do thái” như ông nói, và sự pha trộn giữa thực tế và lòng bác ái này hành hạ tâm hồn ông, nhồi đầy thù hận trong tim ông.

Người kế thừa ông là một giáo sư thích xì gà ngon, rượu bia và truyện tiếu lâm, nghĩa là tất cả những cái mà Filcai ghê tởm: ông không hút thuốc, không uống rượu, không hướng chiều về đàn bà.

Triết lí tôn chủng đáp ứng lí tưởng thâm sâu của ông lôi cuốn ông, thế là ngay sau đó ông gia nhập đoàn thanh niên Hítle, được mau chóng cất nhắc làm trưởng ban đồng ca quận, tổ chức các ban hợp ca, sáng tác các bản hợp xướng đồng thoại và khám phá ra sở thích của ông: lối hợp ca giọng nam pha giọng nữ. Ở ngoại ô Đuyselđoóc ông có một căn phòng bày biện một cách sơ sài như buồng lính; ông nằm nhà đọc sách, tất cả những sách mà ông có thể tìm được về âm nhạc hợp xướng và triết lí tôn chủng. Kết quả của cuộc nghiên cứu lâu dài và sâu xa này là một tác phẩm do chính tay ông viết ra và được ông nhan đề là, Về sự tương quan giữa âm nhạc hợp xướng và chủng tộc. Ông mang tác phẩm đến đệ trình một viện âm nhạc quốc gia nhưng bị viện này trả lui với những lời phê chú mỉa mai ở ngoài lề. Sau đấy, Filcai được biết rằng viên giám đốc của viện âm nhạc này tên Neumann là một người Do thái.

Năm 1933 ông bỏ hẳn ngân hàng để hoàn toàn hiến thân cho những dịch vụ âm nhạc của đảng. Tác phẩm của ông đã được một viện âm nhạc chấp thuận và được đăng tải trong một hình thức ngắn hơn trên một tờ chuyên san và từ đấy Filcai bắt đầu tự mình soạn nhạc lấy. Ông đã lên đến cấp bậc chủ tịch đoàn thanh niên Hítle nhưng cũng phụ trách những đoàn S.A và SS nhờ ở khả năng đặc biệt của ông về đồng thoại, đồng thoại giọng nam cũng như đồng thoại giọng nam pha giọng nữ. Những đức tính điều khiển của ông không cần phải biện luận. Khi chiến tranh bùng nổ, ông ba chân bốn cẳng chạy cho bằng được để khỏi bị động viên tại chỗ, và đã nhiều lần đệ đơn xin tình nguyện gia nhập đoàn Đầu lâu. Đã hai lần ông bị từ chối vì bộ tóc màu đen, dáng người thấp nhỏ và sự liên hệ hiển nhiên của ông vào loại “mật chủng”. Người ta không thể ngờ rằng ở nhà ông đã đứng hằng giờ trước gương để ngắm mình một cách tuyệt vọng với một mục đích duy nhất là kiểm chứng một sự kiện quả tang, để tìm hiểu tại sao ông không thuộc vào một chủng tộc mà ông sùng bái một cách nhiệt thành, một chủng tộc đã từng là chủng tộc của Lohengrin. Nhưng khi ông đệ đơn lần thứ ba, đoàn Ðầu lâu hoan nghênh ông, căn cứ trên những lời chứng nhận tối hảo mà tất cả các tổ chức của Ðảng đã cấp phát cho ông.

Trong những năm đầu của chiến tranh, ông là nạn nhân của thanh danh nhạc sĩ: đáng lẽ gửi ông ra mặt trận, người ta đã gửi ông đi dạy nhạc, rồi điều khiển các khóa trình huấn nhạc, rồi lại điều khiển một khóa trình cho các giám đốc khóa trình; chính ông đã đôn đốc chương trình huấn luyện âm nhạc cho toàn thể các binh chủng SS; một trong những thành tích lớn của ông là đã thiết lập một ca đoàn gồm những lính lê dương thuộc mười ba quốc tịch và nói mười lăm thứ tiếng khác nhau, một ban đồng ca đặc sắc có thể hát một bản hợp xướng trong nhạc kịch Tanhoidơ. Sau này ông được lãnh danh dự bội tinh quân vụ đệ nhất hạng, một vinh dự hiếm có trong quân đội, nhưng mãi cho đến lần đăng quân thứ hai mươi ông mới được phép theo học một khóa huấn luyện để đủ khả năng phục vụ ngoài tiền tuyến. Ðó là năm 1943, trại tập trung nhỏ bé mà người ta giao cho ông được thiết lập tại Đức quốc và chỉ vào năm sau người ta mới bổ nhiệm ông làm quản đốc một xóm Do thái ở Hung gia lợi; khi người Nga tới, xóm Do thái này phải triệt thối, người ta cho ông cai quản cái trại mà ông đang ở ngày nay, về phía Bắc.

Ông để tất cả danh dự vào việc thi hành đúng đắn những mệnh lệnh đã nhận được. Ông sớm khám phá ra những năng khiếu âm nhạc vô biên tiềm tang nơi tù nhân, nơi những người Do thái nữa, điều làm cho ông rất ngạc nhiên. Ông áp dụng thuyết đào thải tự nhiên bằng cách triệu tập các người mới tới trại, cho họ hát và ghi trên điểm phiếu kết quả của cuộc thi này. Thang điểm của ông đi từ 0 đến 10. Với điểm số không, điểm ít có, người hát được gởi ngay vào ban đồng ca, và với điểm số mười, người hát ít được may mắn sống thêm hai ngày nữa. Khi nào phải di chuyển tù nhân, ông lựa chọn một cách thế nào đề giữ lại một số ca sĩ căn bản gồm những nam nữ ca sĩ tốt giọng, cốt để duy trì toàn bộ ban đồng ca. Ban đồng ca này, được điều khiển với một kỉ luật nghiêm minh của thời kì có ban Ðồng tâm, là sự hãnh diện của ông. Ông đã có thể loại trừ mọi sự cạnh tranh nếu các thính giả duy nhất của ông, hỡi ôi, không là những tù nhân đang hấp hối và những lính gác.

Tuy nhiên một mệnh lệnh đối với ông còn thiêng liêng hơn cả âm nhạc, và có nhiều mệnh lệnh đã được truyền đạt xuống ông mấy ngày nay, làm suy yếu hẳn ban đồng ca. Bởi vì người ta triệt thoái các trại và các xóm Do thái ở Hung gia lợi; những trại lớn mà trước kia ông đã cho giải người Do thái tới đã bị bãi bỏ, cái trại nhỏ của ông lại không được nối liền với đường rày, do đấy ông đã bị bắt buộc phải hạ sát họ tai chỗ; nhưng, dù sao, cũng còn nhiều cỏ vê, bếp nước, lò, phòng tắm hơi ngạt, để sắp đặt công việc ít nhất là cho những ca sĩ đặc sắc.

Filcai không thích giết người. Riêng ông, ông chưa bao giờ giết ai và một trong những sự thất vọng của ông chính là đã cảm thấy bất lực trong hành động ấy. Dù vậy, ông vẫn hiểu sự cần thiết phải làm, tôn trọng mệnh lệnh và thực thi những mệnh lệnh ấy một cách chặt chẽ; vả lại, điều thiết yếu không phải là lấy làm thú vị khi được thi hành mệnh lệnh, mà chính là phải tìm hiểu sự lợi ích của những mệnh lệnh ấy, tôn trọng chúng và bảo đảm sự thi hành.

Filcai đi ra phía cửa sổ và nhìn ra ngoài: từ phía sau chiếc xe chở đồ màu xanh, hai chiếc cam nhông đi gần tới; xuống xe, các bác tài lết những bước mệt mỏi lên những bậc đưa tới điếm canh. Sau đó, người ta có thể nhìn thấy viên tiểu đội trường Blase với năm người tùy tùng, bước qua lối đi vào rồi mở những cánh cửa to lớn và nặng nề của chiếc xe chở đồ. Những người ở bên trong hét lên, ánh sáng làm cho họ chói mắt, họ la lên, gào lên và những người đi ra vừa chập chững vừa hướng đến chỗ mà Baoơ đã chỉ.

Ðầu tiên là một người đàn bà trẻ mặc áo choàng xanh, mái tóc màu đen sậm; nàng ta nhớp nhúa, áo của nàng đã bị rách bởi vì nàng phải giữ chịt lấy áo choàng một cách lo sợ; tay nàng dắt một con bé gái khoảng mười hai tuổi. Không một ai trong hai người có hành lí.

Ðàn ông vừa chui ra vừa chập choạng đi đến chỗ đang điểm danh; Filcai lẩm bẩm đếm từng người; sáu mươi mốt người, đàn ông, đàn bà và trẻ con, rất khác nhau về cách ăn mặc, đi đứng và tuổi tác. Chiếc xe màu xanh không còn thải ra gì nữa. Như vậy là phải có sáu người chết. Chiếc xe xanh từ từ tiến đến và dừng lại ở đầu trại, trước lò. Filcai gật đầu, thỏa mãn: đó chính là sáu tử thi mà người ta hạ xuống để kéo về trại lều.

Hành lí được chất đống trước bót canh. Người ta cũng dỡ hành lí ở hai chiếc cam nhông xuống; Filcai đếm những đường hàng năm được sắp xếp dần dần, có tất cả là hai mươi chín hàng như thế. Qua ống khuếch thanh, tiểu đội trưởng Baoơ lên tiếng:

– Tất cả chú ý. Các anh đang ở trong một trại tiếp liên. Các anh sẽ không ở đây lâu.Từng người một các anh đến phòng phiếu lí lịch rồi từ đấy các anh đến nhà Ông Quản đốc trại, ông sẽ cho các anh qua một kì thi đặc biệt, sau đó, mọi người qua phòng tắm, phòng bắt chấy rồi các anh sẽ có cà phê nóng. Người nào hơi tỏ vẻ chống đối sẽ bị hạ sát tại chỗ. Baoơ chỉ cho họ thấy những chòi canh có súng cối đã sẵn sàng chĩa về chỗ họ, và năm người đang đứng ở sau lưng hắn, tay lăm le khẩu súng liên thanh.

Sau cửa sồ, Filcai đi đi lại lại một cách nôn nóng. Ông đã tìm ra nhiều người Do thái vàng. Có nhiều người Do thái vàng ở Hung gia lợi, Filcai không thích họ bằng những người Do thái đen, mặc dầu trong bọn họ cũng có những mẫu người đáng được có mặt trong một tập ảnh về chủng tộc bắc phương.

Ông thấy người đàn bà đầu tiên, người đàn bà có chiếc áo choàng xanh và chiếc áo rách nát, đi vào lều hồ sơ; ông ngồi xuống, đặt khẩu súng lục đã nạp đạn lên mặt bàn trong tầm tay. Vài phút nữa nàng sẽ ở đó để hát thử.

Đã từ mười giờ qua Ilôna mong mỏi để được sợ. Nhưng sự sợ hãi đã không đến. Nàng đã phải chịu đựng và đã nhận thấy nhiều chuyện trong suốt mười giờ này: ghê tởm và kinh ngạc, đói và khát, áp bức và thất vọng lúc ánh sáng đụng đến người nàng, cùng với một thứ hạnh phúc cụ thể một cách lạ lùng khi nàng được ở một mình trong nhiều phút hay nhiều khắc đồng hồ nhưng sự sợ hãi, nàng đã đợi chờ nó một cách vô vọng. Sợ hãi đã không đến. Cái thế giới mà nàng đã sống suốt mười giờ thật là hư ảo, cũng hư ảo như thế giới thực, cũng hư ảo như những điều mà nàng đã nghe nói về nàng, nhưng nghe nói về những điều ấy làm nàng dễ sợ hơn là sống ở trong đó. Vào lúc này, nàng không ao ước gì nhiều nữa, nhưng một trong những điều ước nguyện của nàng là được ở một mình để có thể đọc một kinh thực sự.

Nàng đã tưởng tượng cuộc sống của nàng khác hẳn. Cho đến lúc ấy, dòng đời đã trôi qua trong veo và đẹp đẽ, phù hợp với những dự tính của nàng, cũng được gần như là nàng đã hình dung dù đôi khi những toan tính của nàng đã bị phát hiện là sai lầm nhưng tất cả những gì đã xảy ra cho nàng bây giờ, nàng đã không mong đợi, nàng còn hi vọng là sẽ tránh khỏi.

Nếu tất cả đều tiến hành tốt đẹp; nội trong nửa giờ nữa nàng sẽ chết. Nàng đã gặp may, nàng là người đầu tiên. Nàng biết rõ thế nào là tắm như người đàn ông đã nói, nàng chờ có thể có được mười phút để hấp hối, nhưng cả những sự đau đớn này cũng không làm cho nàng khiếp sợ, vì nó có vẻ còn xa xôi quá. Trong cam nhông nàng đã phải chịu đựng nhiều cái đã đụng đến nàng gần gũi thực, nhưng nó chưa thấu nhập vào nàng. Có người đã thử cưỡng hiếp nàng, một đứa mà nàng đã ngửi thấy sự dâm đãng từ trong bóng tối, bấy giờ nàng gắng nhận diện nó nhưng không được. Một người khác đã bảo vệ cho nàng chống lại thằng kia, một người đã có tuổi nào đó, người ấy đã nói nhỏ ngay sau đó vào tai nàng là ông đã bị bắt giam vì một cái quần, độc nhất chỉ vì một cái quần mà một sĩ quan đã bán cho ông ta: cả cái ông này nữa, nàng cũng chưa nhận diện được. Thằng kia đã lần mò sờ vào vú nàng, đã xé toang cái áo của nàng ra, đã hôn lên gáy nàng nhưng may mắn là ông kia đã chận ngang được. Người ta cũng hất rơi chiếc ga tô nàng đang cầm trong tay, đó là một cái gói nhỏ, một vật duy nhất nàng đã mang được theo; gói ấy rơi xuống đất, nàng đã sờ soạng mãi trong bóng tối mới vớt vát được một vài mẩu bột lẫn lộn với những chất bẩn và kem bơ. Nàng đã ăn những mẩu bột ấy cùng với Maria; một mảnh bánh ngọt này còn sót lại trong túi áo choàng và đã bị bẹp gí, nhưng rồi khi giờ này giờ kia qua, nàng nhận thấy miếng bánh ấy tuyệt diệu, nàng ngắt dần những hòn bột nhỏ, trao cho con bé và chính nàng cũng ăn và công nhận là tuyệt diệu, chiếc bánh bột sữa pha trộn với đủ thứ nhơ nhớp mà nàng moi dần đến mẩu cuối cùng bằng cách cài vào đáy túi áo choàng. Một vài người đã tự tử, họ để cho máu chảy không một tiếng động, nép trong một góc xe, họ có một cách thở hổn hển và rên rỉ kì dị, như thế mãi cho đến khi những người bên cạnh bị trượt chân trên vũng máu cất tiếng hét lên như những người điên dại. Nhưng họ đã thôi không hét nữa khi có người đập vào thành xe. Những tiếng đập này có vẻ dọa nạt và dữ đội, người nào đã đập như thế không thể là một con người được, đã từ lâu rồi họ không còn ở giữa loài người nữa.

Cũng là vô vọng nữa khi nàng mong mỏi được hối hận. Thật chẳng có ý nghĩa gì cả khi nàng rời bỏ người lính mà nàng yêu thiết tha, không biết tên anh ta là gì, vô nghĩa thực. Ngôi nhà của cha mẹ nàng đã trống trơn, nàng chỉ còn thấy đứa con của bà chị, khiếp đảm và hoảng hốt, chính cô bé Maria này, khi ở nhà trường về, cũng đã thấy nhà cửa trống không. Bố mẹ và ông bà đã ra đi, người hàng xóm kể lại là người ta đến tìm các cụ từ trưa. À mà cả hai dì cháu đã chạy đến xóm Do thái để tìm các cụ thì có ích lợi gì về sau không? Cũng như thường lệ, họ vào đó bằng cách đi qua phía sau một hiệu cắt tóc, và sau khi đã chạy qua những khi phố vắng, hai dì cháu đã đến hơi sớm để rồi bị dính vào chiếc xe chở đồ đang sắp rồ máy này vì hi vọng là sẽ tìm lại được gia đình. Họ đã không tìm được cha mẹ cũng không tìm được ông bà, các cụ không có ở trên chiếc cam nhông ấy. Ilôna lấy làm ngạc nhiên tại sao không có một người láng giềng nào đã chạy đến trường báo cho nàng biết, ngay cả Mari cũng không có một ý kiến gì về vụ này. Nhưng có lẽ có được báo trước thì cũng chẳng ăn thua gì nào…

Giữa đường có người giúi vào miệng nàng một điếu thuốc lá đã châm, sau này nàng mới biết người ấy chính là người đàn ông đã bị dẫn đi vì chiếc quần. Đây là điếu thuốc lá đầu tiên nàng đã hút từ đó, nó làm cho nàng có can đảm hơn. Nàng không biết ai đã cho nàng, không một ai ra mặt cả, kể cả gã thanh niên dâm đãng có hơi thở phì phò và cái ông đã muốn điều tốt cho nàng, và khi một que diêm bùng sáng, tất cả các bộ mặt đều giống nhau, trông dễ sợ, đầy lo ngại và căm thù.

Nhưng nàng cũng có thì giờ đọc kinh lâu; ở nhà dòng nàng đã học thuộc lòng tất cả các kinh; các bài kinh cầu, một phần lớn các nghi thức riêng cho ngày lễ và trên cam nhông, nàng bằng lòng vì đã thuộc nhiều kinh. Cầu nguyện làm cho nàng tràn ngập một sự bình thản sáng suốt. Nàng không cầu nguyện để mong nhận được cái gì hay để được tránh khỏi tai nạn, cũng không phải là để được chết mau chóng và không đau đớn, càng không phải là để được sống: nàng cầu nguyện để cầu nguyện, và bằng lòng được dựa lưng vào cánh cửa nhồi bông, tự cảm thấy được biệt lập ít nhất là về phía bên này. Ðầu tiên nàng ngồi quay lại, lưng kề vào gối người kia, và khi nàng ngã nhào vì quá mệt, thân xác của nàng chắc đã khêu dậy trong lòng anh chàng mà nàng đã ngả lên trên một ham muốn điên rồ, một dục vọng với hơi thở hổn hển đã làm cho nàng sợ hãi thực nhưng đã không làm cho nàng mất lòng, có thể ngược lại là khác, nàng có cảm tưởng như là đã tham dự vào tội lỗi ấy, nàng đã là một phần của anh chàng vô danh kia…

Một khi đã được đỡ lên, nàng rất vừa ý vì ít nhất chiếc lưng của nàng cũng được thoải mái, dựa vào chỗ nệm được nhồi bông cốt để bảo vệ cho các đồ đạc đắt tiền. Nàng ôm sát Mari vào ngực, mãn nguyện nhìn con bé ngủ. Nàng đọc kinh, gắng đọc kinh một cách sốt sắng như ngày xưa mà không thể nào đạt tới được, nó cứ như là một chuỗi tư tưởng tiếp theo nhau một cách lạnh lùng mà thôi. Cuộc sống đã bị xoay chiều một cách khác hẳn với điều nàng tưởng tượng: năm hai mươi ba tuổi nàng đã thì đỗ vào ngành giáo sư rồi sau đó vào nhà dòng. Tuy rằng thất vọng, gia đình đã không phản đối nàng. Nàng đã trải qua một năm tròn ở nhà dòng, một năm tuyệt hảo; nếu sau đấy nàng muốn làm một nữ tu khấn trọn đời thì bây giờ nàng đã là một dì phước ngoan ngoãn ở Á căn đình, đã dạy học trong một tu viện đẹp, chắc hẳn rồi. Nàng đã không làm vì cái ham muốn lấy chồng và có nhiều con đã nổi dậy mạnh mẽ đến nỗi, dù đã trải qua một năm, nàng đã không thể nào chế ngự được; và như vậy nàng đã hoàn tục. Nàng rất thành công trong ngành dạy học, nàng hành nghề một cách hứng thú, rất thích hai môn mà nàng đã chọn là Ðức ngữ và âm nhạc; nàng cũng yêu trẻ em và không tưởng tượng được rằng còn có một cái gì đẹp hơn một ban hợp xướng nhi đồng, chính nàng đã sáng lập ra ban hợp ca nhi đồng này, cái ban hợp ca đã thành công một cách rực rỡ này. Những bài thánh ca do chúng hát, những bài thánh ca bằng tiếng la tinh tập dượt vào những ngày lễ trọng, thực sự đã thấm nhuần trung tính thuần khiết của thiên thần: chúng hát như bị dao động bởi một niềm vui sâu xa và hồn nhiên, cho dù không hiểu nổi nghĩa cảm động của lời ca đi nữa như vậy trong một thời gian dài, cuộc sống đối với nàng rất đẹp, gần như là không bó buộc. Nỗi phiền độc nhất của nàng là nhu cầu được yêu thương và có con; nàng đã không tìm được ai, đó là điều làm cho nàng phiền lòng: nhiều người đàn ông đã để ý đến nàng, nhiều người đã tỏ tình với nàng và nàng đã để cho một vài người hôn, nhưng nàng chờ đợi để cảm thấy một cái gì không thể mô tả được mà nàng không gọi là ái tình, có nhiều hình thức ái tình, đúng ra đó là một thứ ngạc nhiên mà nàng mong đợi và hình như là nàng đã cảm thấy điều ấy khi người lính mà nàng không biết tên đứng ở bên cạnh nàng; trước bản địa đồ và cắm vào đấy những lá cờ nhỏ. Nàng biết hắn đã phải lòng nàng, đã từ hai ngày hắn đến nhà nàng ở lì đấy hàng giờ tán dóc và nàng nhận thấy hắn rất dễ thương mặc dầu bộ quân phục của hắn làm cho nàng e ngại và sợ hãi đôi chút. Nhưng bỗng nhiên, trong những phút đứng ở bên hắn và đang lúc hắn có vẻ đã quên nàng, bỗng nhiên cái vẻ trang trọng và đau khổ của hắn và bàn tay của hắn dò dẫm trên bản dư đồ châu Âu đã làm cho nàng ngạc nhiên, nàng đã cảm thấy vui vui và muốn cất tiếng hát. Ðó là người đàn ông đầu tiên đã được nàng hôn lại…

Nàng từ từ đi lên những cấp bậc dẫn đến lều, tay kéo Mari đi theo; nàng ngước mắt lên nhìn một cái ngạc nhiên khi người tùy phái lấy nòng súng liên thanh đập vào hông nàng quát: “Nhanh lên, nhanh lên”. Nàng đi nhanh hơn.

Ở bên trong, ba người thư kí đã ngồi sẵn ở bàn, trước những gói hồ sơ dày cộm lớn bằng những cái nắp hộp xì gà. Người ta đẩy nàng đến chiếc bàn thứ nhất, Maria đến bàn thứ hai, và chiếc bàn thứ ba để cho lão già rách rưới chưa cạo râu đang mỉm cười với nàng một cách thoáng qua: nàng mỉm cười trả lại hắn, có lẽ đó là người ân nhân của nàng. Nàng khai danh tính, nghề nghiệp, ngày sinh, tôn giáo và tỏ vẻ lạ lùng về việc người thư kí còn hỏi cả tuổi nàng.

– Ba mươi ba tuổi, nàng đáp.

“Còn được nửa giờ nữa”, nàng nghĩ. Có lẽ rằng dù sao nàng cũng còn có cơ hội được ở một mình một lúc. Ðiều mà nàng thấy khác thường là sự vô tình ngự trị trong văn phòng này, nơi mà người ta chỉ huy sự chết. Tất cả được thi hành một cách máy móc với một chút khó chịu và nôn nóng, với một vẻ cau có như khi phải làm bất cứ một công việc gì ở bàn giấy: nhưng đó là những người của nhiệm vụ, họ phải thanh toán dù công việc tỏ ra khó chịu đến đâu.

Người ta không xô đẩy nàng, nàng vẫn chờ đợi sự kinh hãi mà nàng đã lo ngại. Nàng đã sợ hãi kinh khủng ngày nàng rời bỏ nhà dòng trên đường đi đến xe điện, với chiếc va li, những ngón tay ướt át, co rúm trên số tiền cần thiết cho cuộc hành trình. Ðời đã xuất hiện trước mắt nàng như một cái gì xa lạ và xấu xí, cái cuộc đời mà nàng đã ao ước trở về để có được một người chồng và có con; một số thỏa mãn mà nàng đã thiếu ở tu viện, đến bây giờ, trong lúc đang đi về phía xe điện, nàng không hi vọng tìm lại được nữa. Ngày ấy nàng đã tự trách nặng lời là đã sợ.

Ðến trước cái lều thứ hai, nàng tìm một bộ mặt quen giữa những người đang đợi nhưng không tìm ra được ai; nàng bước lên bậc, điệu bộ bồn chồn, người tùy phái ra hiệu cho nàng đi vào khi hắn thấy nàng do dự; nàng bước vào, kéo Mari theo sau. Ðó không phải là thói quen và hành động độc ác thứ hai mà nàng nhận thấy là hành động của người tùy phái đã giật đứa bé ra khỏi tay nàng và đã lôi tóc nó khi con bé chống cự. Nàng nghe thấy tiếng kêu của Mari và đi vào trong phòng, phiếu lí lịch ở trên tay. Căn này đã bị một ông mặc sắc phục sĩ quan chiếm: trên ngực ông đeo một huy chương hình thập giá nạm bạc, tinh xảo, rất hấp dẫn; nét mặt xanh xao có vẻ ốm yếu và khi ông ta ngửng đầu lên để nhìn nàng, nàng cảm thấy ghê ghê vì cái cằm to lớn đã làm cho khuôn mặt của ông ta méo mó. Ông ta giơ tay ra không nói một lời, nàng trao tờ phiếu cho ông và chờ đợi: sự sợ hãi vẫn chưa thấy tới. Sau khi dọc suốt tờ phiếu; người đàn ông nhìn nàng và nói một cách điềm nhiên:

– Hát một cái gì đi. Nàng kinh ngạc.

– Kìa, ông ta giục một cách nôn nóng, hát một cái gì đi, gì cũng được.

Nàng nhìn ông ta, hé môi. Kinh cầu các thánh, như nàng đang hát, là một bản kinh mà nàng vừa mới khám phá ra và đã để dành để tập cho học trò. Vừa hát, nàng vừa quan sát người kia và lúc ấy, khi ông ta ngẩng lên để chăm chú nhìn nàng, thốt nhiên nàng hiểu thế nào là sợ hãi.

Nàng tiếp tục hát trong khi khuôn mặt mà nàng thấy trước mặt co dúm lại, giống như một cái cây ghê sợ đang lên kinh. Nàng hát hay và mỉm cười mà không biết trong khi sự sợ hãi đưa lên dần dần trong người nàng, làm nghẹn họng nàng bằng một vật gì mà nàng muốn khạc ra không được.

Khi nàng vừa cất tiếng hát, tất cả đều trở thành yên lặng, cả ở bên ngoài nữa cũng vậy và Filcai nhìn chăm chăm vào nàng: nàng đẹp. Ðó là một người đàn bà và Filcai chưa bao giờ biết đàn bà; cuộc đời ông trôi qua trong một sự chay tịnh đến hết được. Khi ông ta ở một mình, khung cảnh của đời ông thường là một tấm gương, trong đó ông đã hoài công khám phá ra nhan sắc, uy quyền, sự toàn mĩ chủng tộc, nay bỗng nhiên ông có trước mặt nào là nhan sắc, nào là uy quyền, sự toàn mĩ chủng tộc, thêm vào đó một cái gì nó đặt ông vào một tình trạng tê liệt hoàn toàn: đức tin. Ông không hiểu tại sao ông lại để cho nàng hát, hát ngay sau cả phần nhập ca, có lẽ ông đang mơ mộng, và trong ánh mắt của nàng, mặc dầu ông thấy nàng run, trong ánh mắt của nàng, ông tin rằng đã đọc được một cái gì như là tình yêu, ít ra đó cũng không phải là sự khinh thị. Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế, nàng hát như ông ta chưa bao giờ từng được nghe một người đàn bà hát bao giờ.

Hỡi linh hồn Chúa, giọng nàng mạnh mẽ, ấm áp rõ ràng một cách không ngờ. Ông mơ mộng thực nhưng những lời mà nàng ta sắp hát lại trở về với ông. Ba ngôi cũng là một đức Chúa Trời. Và nàng hát: Ba ngôi cũng là một đức Chúa Trời, những thằng Do thái công giáo, ông ta nghĩ, thật là điên cái đầu. Ông ta chồm đến phía cửa sổ; mở mạnh cánh cửa: chúng nó ở đó và đang yên lặng đứng nghe. Filcai cảm thấy ông đang run, ông thử kêu lên nhưng từ cổ họng của ông chỉ xổ ra một tiếng chửi câm lặng và khô khan và từ ngoài tỏa ra một sự yên lặng cố nín, mở về phía giọng hát của người đàn bà.

Mẹ là mẹ thánh của đức Chúa Trời… Ngón tay run rẩy của ông vớ lấy chiếc súng lục, quay lại và bắn mù quáng vào người đàn bà; nàng gục xuống và kêu lên. Rồi khi tiếng hát kia đã im, ông mới tìm lại được giọng nói của mình:

– Bắt chúng nó xuống đi, ông hét lên, bắt chúng nó xuống hết, tiên sư chúng nó, kể cả ban hát nữa, cho nó đi luôn.

Và ông bắn cả loạt đạn lên người đàn bà, nàng nằm lăn trên mặt sàn, nôn tháo sự sợ hãi của nàng ra cùng với những nỗi đau đớn khốc liệt.

Ở ngoài sự tàn sát bắt đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.