Người Thông Minh Giải Quyết Vấn Đề Như Thế Nào
Lời nói đầu
Chúng ta luôn phải đưa ra những quyết định trong đời. Dù bạn là sinh viên hay là phụ huynh học sinh, là doanh nhân, hay có là tổng thống Mỹ đi nữa thì ngày ngày bạn vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề cần được giải quyết. Những vấn đề ấy có thể rất khác nhau: Có thể bạn phải vượt qua kỳ thi môn toán, phải quyết định xem nên sống ở đâu, hoặc đang phải tìm cách cải thiện tình hình hoạt động của công ty… Cũng có khi vấn đề của bạn chỉ là bạn muốn giảm đi vài cân hay đơn giản hơn chỉ là làm sao để chơi golf giỏi hơn.
Dù vấn đề của bạn lớn hay nhỏ, chúng ta đều phải đặt ra những mục tiêu cho chính mình, dám đối mặt với thử thách và nỗ lực vượt qua.
Tôi viết cuốn sách này với mong muốn mang lại cho mọi người một phương pháp đơn giản để đương đầu với những vấn đề rắc rối trong cuộc sống. Nhưng tôi sẽ không đưa ra một tập hợp những kỹ năng. Giải quyết vấn đề không chỉ cần các kỹ năng, mà còn cần hơn là một hệ thống tư duy giúp con người phát huy tối đa khả năng của mình và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Những người muốn giải quyết vấn đề thực sự ít khi chấp nhận những điều kiện hiện có mà luôn chủ động tìm cách cải thiện môi trường xung quanh mình. Hãy tưởng tượng thế giới sẽ thay đổi ra sao nếu những nhà lãnh đạo như Mahatma Gandhi, Martin Luther King Jr., Eleanor Roosevelt, John F. Kennedy và Steve Jobs thiếu đi những tác phong ấy.
Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ truyền động lực cho trẻ em và cả người lớn để chúng ta phát triển lối tư duy chủ động, trước tiên là bằng cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống bản thân. Sau khi đã học được cách giải quyết những vấn đề cá nhân, bạn sẽ thấy rằng mình hoàn toàn có thể vươn tới những mơ ước và thành tựu lớn lao.
Tại sao tôi viết cuốn sách này?
Trước khi bắt tay vào viết cuốn sách này, tôi là cố vấn của tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company. Suốt sáu năm liền, tôi làm việc với nhiều công ty lớn trên thế giới nhằm giúp họ giải quyết những khó khăn trong kinh doanh bằng một bộ công cụ đơn giản nhưng hết sức hiệu quả.
Đó là những công cụ mà ai cũng có thể sử dụng. Những công cụ này không đòi hỏi phải có phần mềm máy tính phức tạp hay tập hợp những chuyên gia phân tích hàng đầu mà chỉ là cách tiếp cận giúp tư duy của một cá nhân trở nên thoáng hơn và có trật tự hơn đối với vấn đề, để từ đó tìm ra một giải pháp khả thi thật rõ ràng.
Năm 2007, thủ tướng Nhật chọn ngành giáo dục làm ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Khi cả nước hướng sự tập trung vào hệ thống giáo dục, tôi bị thôi thúc làm bổn phận của mình. Mặc dù những chủ doanh nghiệp, các nhà sư phạm và nhiều chính trị gia từ lâu đã thường nói đến sự thay đổi từ “phương pháp giáo dục chú trọng vào trí nhớ” sang “phương pháp giáo dục chú trọng vào giải quyết vấn đề” nhưng chưa ai tìm ra một giải pháp vững chắc và hiệu quả để hiện thực hóa điều này.
Thế nên tôi quyết định rời khỏi McKinsey để viết cuốn sách này và giảng dạy trực tiếp cho các em học sinh. Mục tiêu của tôi là dạy cho trẻ em Nhật cách suy nghĩ giải quyết vấn đề, đóng vai trò chủ động trong công cuộc giáo dục dành cho chính các em và cải thiện cuộc sống của chính các em. Tôi cố gắng đúc kết những công cụ đã được sử dụng ở McKinsey thành một phương pháp tư duy khá thú vị và dễ tiếp cận để các em thấy rằng cách áp dụng những kỹ năng giải quyết vấn đề vào thực tiễn sẽ đưa các em tới những thành công. Mặc dù tôi không khẳng định mình là một chuyên gia giáo dục nhưng tôi hy vọng ít nhất cuốn sách này cũng mang lại được cho các em một điểm khởi đầu lý thú. Điểm khởi đầu này sẽ chuyển những tranh cãi xung quanh việc chúng ta có nên đưa các kỹ năng giải quyết vấn đề vào giáo dục hay không thành việc làm thế nào để thực hiện được điều đó.
Thế rồi một điều kinh ngạc đã xảy ra: cuốn sách như một quả bom bùng nổ mạnh mẽ trong nhiều giới độc giả – không chỉ là những độc giả nhỏ tuổi như ban đầu tôi dự đoán. Nó bắt đầu bùng cháy trong phân khúc doanh nhân và trở thành cuốn sách bán chạy nhất về đề tài kinh doanh tại Nhật Bản trong năm 2007. Sau đó cuốn sách được độc giả trong giới giáo dục ráo riết kiếm tìm. Và còn rất nhiều những độc giả khác cũng săn lùng và coi cuốn sách này như một cuốn cẩm nang cho riêng mình. Hóa ra có rất nhiều độc giả ở tuổi trưởng thành của Nhật Bản, từ những bậc phụ huynh học sinh, những giáo viên cho đến những nhà lãnh đạo quản lý cấp cao của nhiều tập đoàn lớn đều đang khao khát tìm kiếm một phương pháp hướng dẫn những kỹ năng giải quyết vấn đề đơn giản và hiệu quả.
Lúc này tôi bắt đầu tập trung vào việc giúp trẻ em áp dụng các phương pháp giải quyết vấn đề vào thực tiễn. Tôi nghĩ chúng ta cần nhấn mạnh vào những kinh nghiệm mà bọn trẻ thu nhận được từ khi trong đầu chúng xuất hiện một ý tưởng, rồi bắt tay vào khởi đầu ý tưởng đó và cuối cùng là rút ra bài học từ cả thành công và thất bại. Vì vậy, tôi tạo cơ hội cho các em học hỏi từ những bài học tình huống thực tế trong cuộc sống nhiều hơn thay vì chỉ học những bài học trên lớp.
Khi tiến hành công việc dạy dỗ bọn trẻ, tôí không mở đầu bằng cách dạy những kỹ năng trong cuốn Người thông minh giải quyết vấn đề như thế nào? trên lớp. Thay vào đó, tôi để cho chúng được học theo cách như Warren Buffett đã từng học. Buffett đã học được kinh nghiệm kinh doanh đầu tiên của mình khi ông chỉ mới sáu tuổi, bằng cách mua những chai Coca từ cửa hàng của ông nội và bán lại kiếm lời. Các học trò của tôi bắt đầu kinh doanh đồ ăn và nước uống trên một chiếc
Volswagen đời 1965 mà tôi đã dành công sức sửa lại làm cửa hàng lưu động cho bọn trẻ. Bọn trẻ tự quyết định sẽ bán những đồ ăn và nước uống gì, bán ở địa điểm nào và làm thế nào để vượt quá được những nhóm bán hàng khác chỉ bằng chính những sản phẩm tự tay mình nấu nướng và chế biến. Bọn trẻ không những đã học được những kỹ năng giải quyết vấn đề mà còn lĩnh hội được cả những kỹ năng lãnh đạo, cộng tác, tính sáng tạo, sự kiên trì, khả năng thu hút khách hàng và liên tục đổi mới để biến mục tiêu thành hiện thực. Chỉ sau trải nghiệm đó, tôi mới hỗ trợ bằng cách đưa ra những câu hỏi quan trọng để trao cho các em những kỹ năng giải quyết vấn đề mà chúng sẽ thấy vố cùng bổ ích trong những dự án tương lai.
Rõ ràng là giá trị của lối tư duy tập trung vào giải quyết vấn đề đã được mở rộng, vượt xa khỏi phạm vi lớp học để đi vào mọi mặt của đời sống. Nó giúp ta kiểm soát những khó khăn thử thách và cũng giúp ta tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Trân trọng,
Ken Watanabe(*)
NOTES
(*)Ken Watanabe lớn lên ở Nhật và theo học tại trường Đại học Yale và trường Kinh tế Harvard ở Mỹ. Ông từng là cố vấn quản lý ở tập đoàn McKinsey & Company trong sáu năm. Hiện nay ông đang là người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Giáo dục, Giải trí và Truyền thông Delta Studio của mình. Hiện ông đang sống tại Tokyo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.