Người truyền ký ức
Chương 02
2
Jonas nhìn Bố rót một cốc cà phê mới. Cậu chờ đợi. “Con biết đấy,” cuối cùng ông lên tiếng, “khi còn bé, cứ đến tháng Mười hai bố lại rất háo hức. Và bố chắc rằng con và Lily cũng vậy. Mỗi tháng Mười hai đều mang đến nhiều đổi thay.”
Jonas gật đầu. Cậu vẫn nhớ cái tháng Mười hai khi cậu đã trở thành, xem nào, hình như là Bốn. Những lần trước đó thì cậu không nhớ nổi. Nhưng năm nào cậu cũng tham dự, và vẫn còn nhớ những tháng Mười hai đầu tiên của Lily. Cậu nhớ khi gia đình cậu đón nhận Lily, cái ngày cô bé được đặt tên, cái ngày cô trở thành Một.
Nghi lễ cho những đứa Một lúc nào cũng ồn ào và tràn ngập tiếng cười. Cứ đến tháng Mười hai, tất cả những bé mới sinh ra vào năm đó đều thành Một. Nếu không đứa nào bị phóng thích, thì nhóm của mỗi năm bao giờ cũng có năm mươi đứa. Lần lượt từng đứa một được những Người Nuôi trẻ, những người chăm sóc chúng từ khi sinh ra, đưa lên sân khấu. Một số đã có thể lẫm chẫm đi trên đôi chân non nớt; số còn lại, mới chỉ vài ngày tuổi, bọc kín trong chăn, được những Người Nuôi trẻ ôm lên.
“Con rất thích Lễ Đặt tên,” Jonas nói.
Mẹ cậu mỉm cười đồng tình. “Cái năm gia đình ta có thêm Lily, tất nhiên mọi người đều biết chúng ta sắp đón bé nữ của nhà, vì chúng ta đã đăng ký và được chấp thuận. Nhưng mẹ cứ nghĩ, nghĩ mãi không biết tên em con sẽ là gì.”
“Anh đã có thể xem lén danh sách trước buổi lễ,” Bố tiết lộ. “Hội đồng luôn làm trước danh sách, và nó được đặt ngay trong văn phòng Trung tâm Nuôi trẻ.”
“Nhưng dĩ nhiên là,” ông nói tiếp, “anh cảm thấy hơi có lỗi khi làm điều đó. Nhưng chiều nay anh quả thực đã đi xem xem họ đã lên danh sách Đặt tên năm nay chưa. Nó ở ngay trong văn phòng, và anh đã tìm số Ba mươi sáu – là cậu nhỏ đang làm anh lo lắng – vì anh chợt nghĩ nếu có thể gọi nó bằng một cái tên, thì có lẽ sẽ chăm sóc nó được tốt hơn. Và đương nhiên là chỉ gọi khi không có ai thôi.”
“Bố có tìm thấy không?” Jonas hỏi, cậu như bị cuốn vào câu chuyện của Bố. Đó xem ra cũng chẳng phải luật lệ gì to tát, nhưng việc bố cậu mà cũng vi phạm luật khiến cậu mê hồn. Cậu liếc nhìn Mẹ, người chịu trách nhiệm về việc tuân thủ các luật lệ, và an tâm hơn khi bà cười.
Bố cậu gật đầu. “Tên của đứa bé đó sẽ là Gabriel, tất nhiên nếu nó được tham dự Lễ Đặt tên mà không bị phóng thích. Vậy nên bố đã thì thầm cái tên đó với nó khi cho nó ăn cứ bốn tiếng một lần, trong lúc vận động và trong giờ chơi, nếu không có ai nghe thấy.”
“Thật ra thì bố gọi nó là Gabe,” ông nói, và cười khoái chí.
“Gabe,” Jonas thử đọc. “Cái tên được đấy,” cậu nghĩ.
Cái năm gia đình cậu đón nhận Lily và biết tên em, dù mới chỉ là Năm, Jonas vẫn nhớ rõ sự háo hức, những cuộc thảo luận ở nhà dự đoán về cô bé: trông em thế nào, em là ai, em sẽ hòa nhập ra sao với tổ gia đình đã ổn định. Cậu nhớ những bước chân theo từng bậc lên sân khấu cùng với cha mẹ, năm đó Bố đi cùng cậu, thay vì đứng giữa những Người Nuôi trẻ, vì đó là năm ông sẽ được đón nhận bé mới của mình.
Cậu nhớ khi Mẹ đón bé mới, em gái cậu, trong vòng tay, trong lúc văn bản được đọc lên cho những tổ gia đình đang xúm xít. “Bé mới. Hai mươi ba.” Người đặt tên dõng dạc, “Lily.”
Cậu nhớ đôi mắt Bố lúc đó ánh lên vẻ vui sướng, ông thì thầm: “Đó là một trong những đứa bé bố thích nhất. Bố đã hy vọng sẽ được nhận nó.” Đám đông vỗ tay chúc mừng, còn Jonas thì cười rất tươi. Cậu thích tên em gái của mình. Lily chỉ hơi tỉnh ngủ, vung vẩy nắm tay bé xíu của em. Rồi họ bước xuống để nhường chỗ cho tổ gia đình tiếp theo.
“Khi còn là một cậu Mười một,” bố cậu đang nói, “như con bây giờ, Jonas, bố rất nóng lòng chờ tới Lễ Mười hai. Hai ngày đó thật là dài. Bố còn nhớ rằng, như mọi khi, bố đã rất thích thú xem nhóm Một không để tâm lắm đến các lễ khác, trừ nghi lễ của em gái bố. Năm đó cô ấy sang nhóm Chín, và được nhận xe đạp. Trước đó bố đã dạy cô tập xe của bố, mặc dù nói đúng ra thì việc đó là không được phép.” Jonas cười lớn. Đó là một trong số ít luật không quá được coi trọng và gần như luôn bị vi phạm. Tất cả trẻ con đều được nhận xe đạp khi lên Chín; trước đó chúng không được phép đi. Nhưng gần như lúc nào cũng vậy, các anh chị lớn đã bí mật dạy các em nhỏ từ trước. Jonas cũng đã nghĩ đến chuyện dạy Lily rồi.
Đã từng có thảo luận về việc sửa luật và cho phép trẻ con đi xe đạp sớm hơn. Một hội đồng đang nghiên cứu ý kiến này. Khi có điều gì đó đưa tới hội đồng nghiên cứu, nó trở thành đề tài bỡn cợt của mọi người. Họ nói rằng khi luật được sửa thì các thành viên trong hội đồng đã thành Bô lão cả rồi.
Rất khó có thể sửa đổi luật lệ. Đôi khi, nếu đó là một luật rất quan trọng – không giống như luật giới hạn tuổi đi xe đạp – thì rốt cuộc nó sẽ được đưa tới Người tiếp nhận để đưa ra quyết định. Người tiếp nhận là Bô lão quan trọng nhất. Jonas thậm chí chưa từng nhìn thấy ông ta, những người quan trọng đến mức ấy luôn sống và làm việc một mình. Nhưng hội đồng sẽ chẳng bao giờ làm phiền Người tiếp nhận về vấn đề xe đạp; họ chỉ tự mình băn khoăn và tranh cãi về nó năm này qua năm khác, cho tới khi dân chúng quên bẵng mất đã từng đề đạt với họ vấn đề này.
Bố nói tiếp, “Thế là bố đã đứng xem và cổ vũ khi cô Katya chính thức lên Chín, tháo nơ buộc tóc và nhận xe đạp. Sau đó bố không để ý lắm đến đám Mười và Mười một. Và cuối cùng, đến cuối ngày thứ hai, cái ngày tưởng chừng kéo dài vô tận ấy, rốt cuộc cũng đến lượt bố. Đó là Lễ Mười hai.”
Jonas rùng mình. Cậu hình dung bố mình, hẳn đã từng là một cậu bé ít nói và bẽn lẽn, bởi giờ đây ông vẫn ít nói và bẽn lẽn, đang ngồi với nhóm của mình, chờ đến lượt được gọi lên sân khấu. Lễ Mười hai là Nghi lễ cuối cùng. Nghi lễ quan trọng nhất.
“Bố vẫn nhớ vẻ tự hào của ông bà nội con, và cả em bố nữa; dù rất muốn ra ngoài để đạp xe một cách công khai, cô ấy cũng thôi bồn chồn và ngồi im rất chăm chú khi đến lượt bố.”
“Nhưng Jonas ạ, nói thật,” ông nói, “bố không hồi hộp chờ đến Nghi lễ như con. Vì bố đã biết khá rõ Nhiệm vụ của mình là gì.”
Jonas rất ngạc nhiên. Thật sự là không có cách nào để biết trước được điều đó. Đó là một sự lựa chọn bí mật, được thực hiện bởi những người lãnh đạo cộng đồng. Hội đồng Bô lão, những người thực hiện trách nhiệm của mình một cách cẩn trọng tới mức trước giờ chưa từng có ai bỡn cợt gì về những Nhiệm vụ cả.
Mẹ cũng tỏ ra rất ngạc nhiên. “Làm sao anh biết trước được?” Bà
Bố nở nụ cười mỉm dịu dàng quen thuộc. “Chà, với anh thì chuyện rất rõ ràng – và sau đó bố mẹ anh cũng thừa nhận rằng họ cũng đã biết rõ – năng khiếu của anh là gì. Anh luôn yêu mến những đứa bé mới hơn tất cả mọi thứ. Khi các bạn cùng lứa đang đua xe đạp, hoặc dựng đồ chơi xe cộ hay cầu cống với bộ xếp hình, hoặc…”
“Tất cả những việc con làm với các bạn,” Jonas nhắc, còn mẹ cậu thì gật đầu đồng tình.
“Thì đương nhiên là bố cũng có tham gia, vì khi còn nhỏ chúng ta đều phải trải qua tất cả những thứ đó. Và ở trường bố cũng rất chăm học, như con vậy, Jonas ạ. Nhưng càng ngày, trong những lúc rỗi rãi, bố càng thấy có tình cảm đặc biệt với những bé mới. Bố đã dành hầu hết những giờ tình nguyện để giúp việc ở Trung tâm Nuôi trẻ. Hẳn là nhờ theo dõi, các Bô lão cũng biết việc này.”
Jonas gật đầu. Trong năm vừa qua cậu đã nhận ra mức độ theo dõi càng ngày càng tăng. Ở trường, trong các giờ giải lao hay giờ tình nguyện, cậu đã để ý thấy các Bô lão quan sát cậu và những bạn Mười một khác. Cậu thấy họ ghi chép. Cậu cũng biết rằng các Bô lão thường hội họp rất lâu với toàn bộ các Thầy dạy của cậu và các bạn Mười một khác trong mọi năm học ở trường.
“Vậy nên bố rất mong chờ và vui sướng, nhưng không ngạc nhiên chút nào, khi Nhiệm vụ của bố được thông báo là Người Nuôi trẻ,” Bố giải thích.
“Mọi người có vỗ tay hoan hô không, khi mà họ chẳng ngạc nhiên chút nào?” Jonas hỏi.
“Ồ, có chứ. Họ mừng cho bố, vì bố được nhận Nhiệm vụ mình mong muốn nhất. Bố thấy mình thật may mắn.” Bố cười.
“Năm đó có đứa Mười một nào thất vọng không?” Jonas hỏi. Khác với Bố, cậu không biết Nhiệm vụ của mình sẽ là gì. Nhưng cậu biết một số nhiệm vụ sẽ làm mình thất vọng. Dù rất tôn trọng công việc của Bố, nhưng Người Nuôi trẻ không phải việc cậu mong muốn. Và cậu cũng chẳng ham làm Lao công tẹo nào.
Bố suy nghĩ một lát. “Không, bố nghĩ là không. Chắc chắn các Bô lão rất cẩn thận trong việc theo dõi và lựa chọn.”
“Mẹ nghĩ có lẽ đó là công việc quan trọng nhất trong cộng đồng chúng ta,” Mẹ bình luận.
“Cô Yoshiko bạn bố rất ngạc nhiên vì được chọn làm Bác sĩ,” Bố nói, “nhưng cô ấy sướng điên lên. Còn cả Andrei nữa – bố nhớ hồi bé cậu ta không bao giờ chạy nhảy, đùa nghịch. Cậu ta dùng toàn bộ giờ giải lao có được cho bộ dựng hình, còn giờ tình nguyện thì luôn ở những khu xây dựng. Đương nhiên là các Bô lão biết điều đó. Andrei được giao Nhiệm vụ là Kỹ sư và cậu ta rất sung sướng.”
“Sau này Andrei đã thiết kế ra câ cầu bắc qua con sông phía Tây thị trấn,” mẹ Jonas nói. “Hồi bố mẹ còn nhỏ thì chưa có nó.”
“Rất hiếm khi có người thất vọng, Jonas ạ. Bố nghĩ con không cần phải lo lắng về điều đó,” Bố trấn an cậu. “Mà nếu có thì vẫn có thủ tục kháng nghị mà.” Nhưng tất cả đều cười vì câu nói đó – các kháng nghị sẽ được đưa đến hội đồng nghiên cứu.
“Con hơi lo về Nhiệm vụ của Asher,” Jonas thú thực. “Asher rất vui tính, nhưng có vẻ như cậu ta chẳng thật sự quan tâm đến cái gì cả. Cậu ấy đùa cợt với mọi thứ.”
Bố tủm tỉm cười. “Con biết không,” ông nói, “bố nhớ hồi Asher còn là một bé mới ở Trung tâm Nuôi trẻ, trước khi được đặt tên. Cậu ta không bao giờ khóc, mà gặp thứ gì cũng cười. Tất cả nhân viên đều rất vui khi chăm sóc Asher.”
“Các Bô lão hiểu Asher mà,” Mẹ nói. “Họ sẽ tìm cho cậu ấy một Nhiệm vụ xứng đáng thôi. Mẹ không nghĩ điều đó đáng lo đâu. Nhưng Jonas này, mẹ phải cảnh báo con về cái điều có thể con chưa nghĩ tới. Mẹ biết, mẹ cũng không nghĩ tới nó cho tới khi Lễ Mười hai qua đi.”
“Gì vậy ạ?”
“À, con biết đấy, đó là lễ cuối cùng trong các Nghi lễ. Sau Mười hai, tuổi tác không còn quan trọng nữa. Thậm chí sau một thời gian, hầu hết mọi người còn không nhớ mình bao nhiêu tuổi nữa, dù thông tin được lưu trữ tại Sảnh Hồ sơ Mở, và ai muốn có thể đến xem. Điều quan trọng là sự chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành, và quá trình tập huấn con sẽ trải qua trong Nhiệm vụ của mình.”
“Con biết mà,” Jonas đáp. “Mọi người đều biết điều đó.”
“Nhưng điều đó có nghĩa là,” Mẹ nói tiếp, “con sẽ chuyển sang một nhóm mới. Và các bạn con cũng vậy. Con sẽ không còn chơi với nhóm Mười một cũ nữa. Sau Lễ Mười hai, con sẽ đi cùng nhóm Nhiệm vụ của mình, tập huấn cùng với họ. Không còn giờ tình nguyện. Không còn giờ giải lao. Và vì vậy, con và các bạn sẽ không còn thân như trước nữa.”
Jonas lắc đầu. “Asher và con mãi mãi là bạn,” cậu nói chắc chắn. “Và bọn con vẫn phải học trong trường mà.”
“Đúng vậy,” Bố đồng ý. “Nhưng mẹ con nói cũng đúng đó. Sẽ có những thay đổi.”
“Nhưng là những thay đổi tích cực,” Mẹ nói thêm. “Sau Lễ Mười hai của mình, mẹ đã phải bỏ lại những thú vui tuổi thơ. Nhưng khi tham gia đợt tập huấn về Luật và Công ty, mẹ thấy mình được ở bên những người chung sở thích. Mẹ kết bạn ở một mức độ mới, bạn bè ở mọi lứa tuổi.”
“Sau tuổi Mười hai mẹ có còn chơi không?” Jonas hỏi.
“Thỉnh thoảng,” mẹ cậu trả lời. “Nhưng điều đó với mẹ không quan trọng nữa.”
“Bố thì có,” Bố cười lớn. “Bố vẫn chơi. Ngày nào ở Trung tâm Nuôi trẻ bố cũng chơi nhong nhong, ú òa và đi tàu bay.” Ông vươn tay vuốt mái tóc rất gọn gàng của Jonas. “Vui thú không kết thúc khi con trở thành một cậu Mười hai đâu.”
Lily xuất hiện ở phía cửa ra vào, đang mặc đồ ngủ. Cô bé sốt ruột thở dài. “Cuộc nói chuyện riêng này thực sự dài quá mức,” cô bé than thở. “Vậy mà có người đang phải chờ đồ ôm của nó đây.”
“Lily,” Mẹ trìu mến nói, “con sắp thành Tám rồi đấy, và lúc đó thì đồ ôm của con sẽ bị lấy đi. Nó sẽ được chuyển xuống cho những đứa bé hơn. Con nên tập đi ngủ mà không có nó đi là vừa.”
Nhưng Bố đã đi về phía giá đồ và lấy con voi nhồi bông để trên đó xuống. Phần lớn các đồ ôm, cũng như của Lily, đều là những sinh vật tưởng tượng nhồi bông rất mềm. Đồ ôm của Jonas từng được gọi là gấu.
“Của con đây, Lily-chim ri,” ông nói. “Để bố giúp con tháo nơ buộc tóc.”
Jonas và Mẹ đảo tròn mắt, nhưng họ vẫn âu yếm nhìn theo khi Lily và Bố vào phòng ngủ của cô bé với con voi nhồi bông, đồ ôm em đã được phân khi mới sinh ra. Mẹ ngồi vào chiếc bàn lớn của mình và mở cặp tài liệu; công việc của bà xem chừng chẳng bao giờ hết, kể cả buổi tối khi bà ở nhà. Jonas về bàn mình và bắt đầu lục trong đống sách vở tìm bài tập tối. Nhưng đầu óc cậu vẫn chỉ nghĩ về tháng Mười hai và Nghi lễ sắp tới.
Dù đã phần nào yên tâm sau buổi nói chuyện với bố mẹ, cậu vẫn không thể hình dung chút gì về Nhiệm vụ mà các Bô lão sẽ chọn cho tương lai của cậu, và khi ngày đó đến, cậu sẽ cảm thấy thế nào.
3
“Á, xem kìa!” Lily ré lên vui thích. “Trông có yêu không này, bé xíu à! Nhóc này có đôi mắt buồn cười như anh ấy, Jonas ạ!” Jonas lườm em gái. Cậu không thích cô bé nhắc đến đôi mắt của mình. Cậu chờ Bố kỷ luật Lily, nhưng ông lại đang bận tháo chiếc nôi sau xe đạp. Jonas bước tới xem.
Đó là thứ đầu tiên đập vào mắt Jonas khi nhìn đứa bé đang tò mò nhòm ra ngoài. Đôi mắt màu nhạt. Hầu hết mọi cư dân trong cộng đồng đều có màu mắt sẫm. Bố mẹ, Lily, và tất cả những thành viên trong nhóm cậu và bạn bè cậu đều như vậy. Nhưng cũng có một vài trường hợp ngoại lệ: bản thân Jonas, và một bé Năm nữ mà cậu từng để ý, có đôi mắt không giống mọi người, màu mắt sáng hơn nhắc đến những thứ như vậy cả; đó không phải là luật, nhưng sẽ bị coi là khiếm nhã khi gây chú ý về những đặc điểm bất ổn hoặc khác thường của người khác. Lily, cậu quyết định, sẽ phải sớm học được điều đó, nếu không cô bé sẽ bị kỷ luật vì nói năng vô ý tứ.
Bố dựng xe vào chỗ đỗ. Rồi ông nhấc chiếc nôi lên và mang vào nhà. Lily đi theo sau ông, nhưng cô bé còn quay lại liếc nhìn Jonas và chòng ghẹo, “Có khi anh và nó có chung một Mẹ đẻ ấy nhỉ.”
Jonas nhún vai rồi theo cả hai vào nhà. Nhưng đôi mắt bé mới đã làm cậu giật mình. Có rất ít gương trong cộng đồng; chúng không bị cấm, nhưng không thực sự là cần thiết, và đơn giản là Jonas chẳng bao giờ cần ngắm mình quá thường xuyên kể cả khi cậu ở nơi có một cái gương. Lúc này, khi nhìn bé mới và nét biểu cảm trên mặt nó, cậu chợt nhớ rằng đôi mắt sáng màu không những hiếm, mà khiến người sở hữu nó có một vẻ – nói thế nào nhỉ? Sâu thẳm, cậu quyết định; cứ như người ta đang nhìn xuống dòng sông trong vắt, tới tận đáy, nơi ẩn giấu những thứ chưa từng được khám phá. Cậu thấy không thoải mái khi nhận ra rằng, mình cũng có cái vẻ như thế.
Cậu ngồi vào bàn, vờ như không hứng thú gì với bé mới. Ở phía bên kia căn phòng, Mẹ và Lily đang cúi xem Bố tháo lớp chăn bọc em bé.
“Đồ ôm của em ấy gọi là gì ạ?” Lily hỏi khi nhặt sinh vật nhồi bông được đặt trong nôi cạnh bé mới lên.
“Bố liếc nhìn và nói. “Hà mã.”
Lily khúc khích cười khi nghe cái từ lạ lùng đó. “Hà mã,” cô bé nhại lại, và đặt đồ ôm xuống chỗ cũ. Lily dán mắt vào bé mới đã được cởi chăn, nó đang khua đôi tay bé xíu.
“Những bé mới dễ thương thật đấy,” Lily thở dài. “Hy vọng con sẽ được phân công làm Mẹ đẻ.”
“Lily!” Mẹ nạt. “Đừng nói thế. Nhiệm vụ đó chẳng vinh dự chút nào đâu.”
“Nhưng con đã nói chuyện với Natasha. Mẹ biết cái chị Mười sống ở góc phố không? Trong các giờ tình nguyện chị ấy thỉnh thoảng làm ở Trung tâm Sinh nở. Và chị đã nói với con là các Mẹ đẻ được ăn thức ăn rất ngon, chỉ phải luyện tập rất nhẹ nhàng, và hầu hết thời gian họ chỉ chơi đùa và giải trí với nhau trong lúc đợi đến lượt. Con nghĩ con cũng thích như thế,” Lily hờn dỗi nói.
“Ba năm,” Mẹ đanh giọng bảo cô bé. “Ba lần sinh, thế là hết. Sau đó họ sẽ trở thành Lao công suốt cuộc sống trưởng thành còn lại, cho tới ngày vào Nhà Dưỡng lão. Con muốn như thế à, Lily? Ba năm nhàn rỗi, rồi sau đó cật lực làm lao động chân tay cho tới già?”
“Ừm, không, chắc là không…” Lily miễn cưỡng thừa nhận.
Bố lật cho bé mới nằm sấp trong nôi. Ông ngồi bên cạnh và nhịp nhàng xoa tấm lưng bé bỏng của nó. “Dù sao, Lily-chim ri ạ,” ông trìu mến nói, “những Mẹ đẻ thậm chí không bao giờ được nhìn ngắm những bé mới. Nếu con thích trẻ con đến vậy thì con nên hy vọng Nhiệm vụ của mình sẽ là Người Nuôi trẻ.”
“Khi nào lên Tám và bắt đầu có giờ tình nguyện, con có thể dành ít thời gian ở Trung tâm Nuôi trẻ,” Mẹ gợi ý.
“Vâng, có lẽ con sẽ làm thế,” Lily trả lời rồi quỳ xuống cạnh chiếc nôi. “Bố nói tên em bé là gì ấy nhỉ? Gabriel đúng không? Chào em, Gabriel,” cô bé ngân nga rồi sau đó cười khúc khích. “Ái chà,” em thì thầm, “xem ra em bé ngủ rồi. Có lẽ con nên im lặng.”
Jonas quay về phía những bài tập để trên bàn. Ít ra cũng có lúc, cậu nghĩ. Lily không bao giờ ngừng nói. Đáng ra nó nên cầu mong được nhận Nhiệm vụ làm Phát thanh viên, như thế nó có thể ngồi cả ngày trong văn phòng với cái micro mà thông báo mọi thứ. Cậu cười thầm một mình, hình dung ra cảnh em gái đều đều nói với một giọng đầy vẻ quan trọng mà dường như mọi Phát thanh viên đều dần mang lấy, nói những câu đại loại như CHÚ Ý, XIN NHẮC NHỞ MỌI NỮ DƯỚI CHÍN TUỔI LÀ NƠ BUỘC TÓC PHẢI LUÔN THẮT GỌN GÀNG.
Cậu quay về phía Lily và hài lòng khi nhận ra dây buộc tóc của cô bé vẫn như mọi khi, bị tuột và đang bay phất phơ. Thông báo đó sẽ sớm có thôi, cậu cảm thấy chắc chắn về điều đó, và sẽ chủ yếu là nhằm vào Lily, dù hẳn nhiên là tên cô bé sẽ không được nhắc đến. Mọi người đều biết mà.
Mọi người đều đã biết, cậu nhớ lại đầy hổ thẹn, rằng lời thông báo CHÚ Ý, XIN NHẮC NHỞ MỌI NAM MƯỜI MỘT LÀ ĐỒ TRONG KHU GIẢI TRÍ KHÔNG ĐƯỢC MANG ĐI VÀ ĐỒ ĂN VẶT LÀ ĐỂ ĂN CHỨ KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ DÀNH là nhằm vào bản thân cậu, vừa tháng trước hôm cậu mang một quả táo về nhà. Không ai nhắc gì đến điều đó, kể cả bố mẹ cậu, vì một thông báo công khai cũng đủ gây hối hận cần thiết rồi. Và tất nhiên là cậu đã vứt quả táo đó đi và sáng hôm sau, cậu đã xin lỗi Giám đốc Giải trí trước toàn trường.
Jonas lại nghĩ về lần đó. Đến giờ nó vẫn khiến cậu bối rối, không phải vì thông báo hay lời xin lỗi cần thiết; đó là những thủ tục đúng mẫu mà cậu đáng phải nhận – mà chính bản thân sự việc đó khiến cậu lúng túng. Lẽ ra cậu đã phải nhắc đến sự bối rối của mình vào tối đó trong nghi thức chia sẻ cảm xúc của tổ gia đình. Nhưng cậu không thể chọn lọc và tìm ra từ diễn tả nguyên nhân sự rối loạn đó nên đã bỏ qua nó.
Chuyện xảy ra trong giờ giải lao, khi cậu đang chơi với Asher. Jonas bâng quơ cầm một quả táo trong giỏ đồ ăn vặt lên và ném về phía bạn mình. Asher ném trả lại, và chúng bắt đầu chơi chụp bắt.
Điều đó chẳng có gì đặc biệt cả; đó là việc cậu đã làm cả nghìn lần: ném, bắt, ném, bắt. Với Jonas thì nó dễ dàng, thậm chí là nhàm chán nữa, dù Asher tỏ ra rất vui thú, và chơi chụp bắt là một hoạt động cần thiết với Asher vì nó sẽ tăng cường khả năng phối hợp tay và mắt của cậu ấy vốn còn chưa đạt chuẩn.
Nhưng đột nhiên, khi dõi mắt theo quả táo bay trong không khí, Jonas nhận ra, quả táo đã – chà, đó chính là chuyện cậu không thể lý giải thỏa đáng – nó đã biến đổi. Chỉ trong một thoáng. Cậu nhớ là nó đã thay đổi ở giữa không trung. Ngay sau đó nó đã nằm gọn trong tay cậu, và cậu ngắm nghía nó thật kỹ, nhưng vẫn là quả táo đó mà, có thay đổi gì đâu. Vẫn nguyên kích cỡ và hình dạng: một hình cầu hoàn hảo. Vẫn sắc độ nhờ nhờ ấy, cùng một sắc độ như áo trùm của cậu.
Quả táo đó hoàn toàn chẳng có gì đáng chú ý cả. Cậu tung nó lên và thảy qua thảy lại giữa hai bàn tay vài lần, rồi lại ném về phía Asher. Và lẫn nữa – trong không trung, chỉ trong một thoáng – nó đã thay đổi.
Nó xảy ra bốn lần liền. Jonas đã thử chớp mắt, nhìn quanh, rồi thử thị lực của mình, cậu nheo mắt nhìn vào dòng chữ nhỏ xíu trên bảng tên gắn trên áo. Cậu đọc tên mình khá rõ. Cậu cũng thấy rõ Asher ở cuối sân ném. Và cậu dễ dàng bắt được quả táo.
Jonas thấy hoang mang cực độ.
“Asher?” Cậu gọi. “Cậu có thấy gì lạ không? Quả táo ấy?”
“Có,” Asher cười lớn đáp lại. “Nó tự nhảy khỏi tay tớ xuống đất rồi!” Asher lại vừa làm rơi quả táo một lần nữa.
Thế là Jonas cũng cười theo, cậu cười để cố phớt lờ đi cảm giác đáng lo ngại là có điều gì đó đã xảy ra. Nhưng cậu đã mang quả táo về nhà, dù thế là phạm luật của khu giải trí. Chiều hôm đó, trước khi bố mẹ và Lily về tới nhà ở của họ, cậu đã cầm quả táo và xem xét rất kỹ lưỡng. Bây giờ nó bị dập một chút do Asher đã làm rơi mấy phát. Nhưng bản thân quả táo thì chẳng có gì bất thường cả.
Cậu đã lôi một cái kính lúp ra và bắt đầu soi. Cậu còn tung quả táo ngang qua phòng vài lần, quan sát, rồi lại lăn đi lăn lại trên mặt bàn, chờ đợi việc đó xảy ra một lần nữa.
Nhưng nó không lặp lại. Việc duy nhất xảy ra là lời thông báo qua loa phóng thanh tối hôm đó, lời thông báo nhắm thẳng vào cậu mà không cần nói tên, lời thông báo đã khiến cả Bố và Mẹ liếc nhìn quả táo vẫn đang ở trên bàn đầy ẩn ý.
Giờ đây, ngồi bên bàn và nhìn bài tập đang làm, trong khi cả gia đình tụ tập bên bé mới đang nằm trong nôi, cậu lắc đầu, cố gắng quên đi sự kiện kỳ lạ đó. Cậu buộc mình phải sắp xếp sách vở và cố học một chút trước giờ ăn tối. Bé mới, Gabriel, quẫy đạp và khóc thút thít, còn Bố thì thấp giọng giải thích cho Lily về cách cho bé ăn trong khi đang mở hộp đựng sữa bột và các đồ cần thiết.
Tối hôm đó diễn ra như mọi buổi tối của tổ gia đình họ, của nhà ở này, của cả cộng đồng: im ắng, trầm ngâm, khoảng thời gian để phục hồi và chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Chỉ khác là có thêm một bé mới với đôi mắt màu nhạt, nghiêm nghị, đầy hiểu biết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.