Nhà Tài Phiệt Cuối Cùng

CHƯƠNG 2



Chín giờ đêm, một đêm trong tháng Bảy. Tiệm thuốc tây xế cửa phim trường vẫn còn bóng người đang lúi húi bên trong. Tôi ngừng xe, kiếm chỗ đậu. Lão già Johnny Swanson với bộ quần áo cao bồi nửa mùa đứng ở góc phố, ngẩng mặt nhìn trời. Hình ảnh của lão cũng đã từng vang bóng một thời trên màn bạc chẳng thua gì Tom Mix, Bill Hart. Lão có vẻ buồn, không muốn nói chuyện. Tôi vội vã băng qua đường, đi vào cổng phim trường.
Không khí trong phim trường không bao giờ im lặng hoàn toàn. Mặc dầu ban đêm, cũng vẫn có những toán chuyên viên làm việc tại phòng kỹ thuật tráng phim, phòng thâu thanh. Những người này thỉnh thoảng đi ra, đi vào trong câu lạc bộ. Nhưng về đêm, những tiếng động đã trở nên rõ rệt hơn: tiếng của một bánh xe lăn trên lối đi, tiếng động cơ nổ đều đều và giọng hát soprano của một ca sĩ từ loa phóng thanh vọng ra. Trong góc phim trường một người đi giày ống cao su đang lúi húi rửa chiếc xe lấp loáng dưới ánh đèn. Những tia nước phun lên lóng lánh trọng thật đẹp mắt. Tôi đi chậm lại khi trông thấy ông Marcus đang đứng thò đầu vào trong xe ông ta đậu trước cửa văn phòng hành chánh. Ông ta nói với người trong xe khá lâu trong khi đó giọng soprano trong máy phóng thanh vẫn vang lớn. Lại đây, lại đây, ta chỉ yêu có mỗi mình nàng. Câu hát cứ lặp đi lặp lại mãi. Tôi còn nhớ mãi bài hát này, vì trong suốt cuộc động đất xảy ra năm phút sau đó, cô ta cũng vẫn tiếp tục hát.
Văn phòng ba tôi đặt tại tòa nhà cũ với ban-công chạy dài có chấn song sắt. Ba tôi ở phòng chính giữa lầu hai, Stahr ở một đầu và đầu kia là phòng ông Marcus. Đêm nay đèn ở cả ba phòng đều bật sáng. Tim tôi đập mạnh, dạ dày cũng muốn cuồng lên vì cảm động khi tôi tiến lại gần phía phòng Stahr. Dù sao tôi vẫn còn đủ bình tĩnh. Trong một tháng ở nhà lần trước, tôi chỉ được gặp Stahr có mỗi một lần.
Văn phòng của ba tôi làm việc có nhiều điều rất lạ, nhưng ở đây tôi chỉ kể vắn tắt vài chi tiết. Muốn vào văn phòng ông, phải đi qua một phòng ngoài, phòng này có ba cô thơ ký, mặt cô nào cũng lạnh như đồng. Tôi còn nhớ tên của cả ba, đó là Birdy Peters, Maude gì gì đó và Rosemary Schmiel. Không biết có phải tên thực cô ta như vậy không, nhưng tôi vẫn nghe gọi thế. Dưới gầm bàn viết của cô này có gắn một cái nút điện tự động mở cửa phòng làm việc của Ba tôi. Cả ba trự này đều say mê những người giàu có và chính cô Birdy đã nghĩ ra cái biện pháp là các thơ ký đánh máy nếu trong một tuần bị bắt gặp ngồi ăn chung với nhau từ hai lần trở lên, sẽ bị lôi ra cảnh cáo. Trong thời gian này phim trường rất sợ những âm mưu lộn xộn.
Tôi đi lên lầu. Hồi này ông giám đốc nào cũng có phòng thật rộng. Nhưng phòng của ba tôi vẫn là lớn nhất. Căn phòng của ông cũng là phòng đầu tiên có chiếc cửa sổ kiểu Tây, gắn loại kính một chiều, ở ngoài nhìn vào không thấy gì. Tôi còn nghe người ta nói rằng giữa phòng có một cơ quan bí mật để đẩy những người khách khó chịu vuống một cái hầm bên dưới. Nhưng tôi không tin có chuyện đó. Trong phòng có một bức họa của Will Rogers, được treo thật cẩn thận. Tôi chắc bức tranh này được treo ở đây để cố tình nói lên sự liên hệ mật thiết giữa Ba tôi và Thánh Francis của Hollywood. Ngoài ra còn có một bức ảnh của Minna Davis với chữ ký bên dưới. Nàng chính là người vợ quá vãng của Stahr. Nhiều ảnh tài tử nổi danh khác và một bức ảnh lớn chụp hai mẹ con tôi. Cửa sổ mở ánh trăng sáng vằng vặc tự do lọt vào trong phòng. Mãi tận chiếc bàn tròn ở tuốt phía trong cùng, ba tôi đang ngồi với Jacques La Borwitz và Rosemary Schmiel.
Hình đáng ba tôi như thế nào, tôi chưa bao giờ để ý quan sát hay mô tả. Chỉ có một lần tình cờ gặp ông ở Nữu Ước, tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi, cao lớn, hơi có vẻ thiếu tự tin. Người đó lại gần và tôi nhận ra chính là Ba tôi. Một cảm giác hoang mang chạy khắp người, có thể Ba tôi là người đàn ông rất lôi cuốn, với lưỡng quyền hơi cao và nụ cuời đặc biệt của dân Ái Nhĩ Lan.
Còn về Jacques La Borwitz thì khỏi nói. Tôi chỉ biết vắn tắt ông là một trong những phụ tá của Stahr, hạng người thuộc vào loại thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, loại người khô khan vô tình cảm. Người ta không biết Stahr đã nhặt được những hạng người này ở đâu về. Hoặc giả chính những người ấy đã ép Stahr phải mướn họ. Dĩ nhiên Jacques La Borwitz cũng phải có tài riêng của ông ta, nhưng đó chỉ là cái tài của loại siêu vi khuẩn, cái tài của những con chó đực rình rập, đánh hơi chó cái và những khúc xương. Tacques La… đồ quỷ sứ!
Qua nét mặt và dáng điệu của ba người, tôi chắc họ đang nói về Stahr. Stahr vừa đưa ra một lệnh, một điều cấm? Có căng thẳng giữa Ba tôi và Stahr? Hay là Stahr vừa vất xó một cuốn phim của La Borwitz? Họ ngồi phản đối Stahr trong đêm tối và sự chống đối của họ không được ai hưởng ứng. Rosemary Schmiel ngồi với bảng ghi chú trong tay, làm như sẵn sàng chép lại những lời phản đối.
Tôi nhìn Ba tôi:
– Con phải đưa Ba về ngay, không thì quà tặng sinh nhật của Ba thối hết.
Jacques làm bộ ân hận:
– Ừa, hôm nay sinh nhật anh, vậy mà tôi không hay! Thế năm nay anh bao nhiêu nhỉ?
– Bốn mươi ba.
Thực ra số tuổi của ông nhiều hơn bốn tuổi. Jacques biềt điều đó và lão cầm bút viết vào cuốn sổ đang cầm trong tay. Không cần nhìn môi hắn lẩm nhẩm tôi cũng có thể đọc được. Cô Rosemary Schmiei cũng đang hí hoáy viết mãi có một chữ trên tấm bảng kẹp giấy trắng ghi chú trong tay. Khi cô ta vừa bắt đầu gom đi thì mặt đất rung chuyển dưới chân chúng tôi.
Chấn động ở đầy không mạnh bằng ở Long Beach, nơi mà nhà cửa bị hất đổ tung ra đường phố, cả một khách sạn trôi luôn ra biển. Nhưng trong suốt một phút đồng hồ, chúng tôi nằm dán bụng xuống mặt đất và tưởng chừng như cuống rún đã được nối liền trở lại với tử cung trong lòng đắt.
Bức ảnh mẹ tôi rớt xuống, để lộ ra chiếc kết sắt nhỏ chôn sâu trong tường phía sau bức ảnh. Tôi và Rosemary ôm cứng lấy nhau, và cùng kêu lên những âm thanh quái đản vang khắp cả phòng. Jacques đã biến đi đâu mất, còn Ba tôi thì đang níu chặt lấy cạnh bàn và nhìn tôi la to:
– Có sao không?
Bên ngoài cửa sổ, tiếng nhạc từ loa phóng thanh vẫn tiếp tục vang lên. Câu “Tôi chỉ yêu có em” được hát lên tới nốt nhạc cao nhất, ngừng một lát, rồi lại bắt đầu hát lại. Có lẽ bản nhạc đã được phát ra từ máy quay băng.
Căn phòng tạm trở nên yên tĩnh, tuy mặt đất vẫn còn hơi rung chuyển. Chúng tôi ùa chạy tất cả ra cửa. Jacques cũng vừa xuất hiện trở lại, tất cả chạy ra ngoài ban công. Đèn đuốc tắt hầu hết, và người ta la khóc, tiếng gọi nhau ơi ới. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần để chờ đợi sự rung chuyển nữa, nhưng không thấy. Sau đó tất cả chạy vào phòng Stahr.
Phòng làm việc của Stahr lớn, nhưng không bằng phòng của Ba tôi. Stahr đang ngồi dụi mắt ở sa lông. Động đất xảy ra vừa rồi trong lúc Stahr đang ngủ, và ông ta nghi ngờ không biết chuyện thật hay là mình nằm mơ. Chúng tôi cho ông ta biết động đất thiệt vừa xảy ra, ông ta có vẻ khoái lắm. Chuông điện thoại reo. Tôi nhìn Stahr chăm chú. Nét da Stahr hơi xám và có vẻ mệt mỏi trong lúc nghe điện thoại và những lời báo cáo từ máy nội thoại. Mất Stahr chợt sáng lên:
– Ống nước cái bị bể, nước đang tràn về phía phim trường.
Ba tôi lên tiếng:
– Gray đang quay mấy cảnh làng kiểu Pháp ở phía sau phim trường.
– Lụt cả ở nhà ga, phía rừng, và một góc thành phố. Cái gì?… À, không có ai bị thương.
Đặt điện thoại xuống, Stahr đi lại bắt tay tôi thật lâu:
– Lúc đó cháu ở đâu, Cécilia?
Ba tôi hỏi Stahr:
– Anh có tính đi ra quan sát bên ngoài không?
– Để chờ một lát coi có nhận được tin gì khác nữa không. Một đường dây điện bị đứt. Tôi đã bảo Robinson tới sửa.
Stahr mời tôi ngồi xuống ghế và muốn được nghe tôi kể lại trận động đất vừa rồi.
Tôi bảo Stahr với giọng cứng cỏi của một người mẹ:
– Trông chú có vẻ mệt.
– Đúng. Tại buổi chiều không biết đi chơi đâu, nên chú lại ngồi làm việc.
– Để cháu dẫn chú đi chơi vào mỗi chiều thứ Bảy.
– Hồi còn độc thân, chiều thứ Bảy nào chú cũng đi đánh phé, rồi tất cả cùng nhậu say bí tỉ.
Cô Doolan, thơ ký của Stahr vào cho hay những thiệt hại. Stahr quay qua trấn an Ba tôi:
– Cứ yên trí, tôi đã gọi Robinson về. Hắn ta đủ sức lo mấy chuyện đó.
Stahr nhìn tôi nói tiếp:
– Ông này trước là một chuyên viên điện thoại làm ở Minnesota. Ông ta là người tháo vát và vui tính lắm. Lát nữa ông ấy tới thế nào cháu cũng có cảm tình ngay.
Thái độ của Stahr khiến tôi bật cười. Làm như là ông ta đã sắp đặt mọi chuyện, kể cả trận động đất này, để tôi được trông thấy Robinson của ông ta. Ông ta còn cố nhắc lại:
– Nhất định cháu sẽ có cảm tình với Robinson ngay mà. À, chừng nào cháu trở lại trường nhi?
– Thưa, cháu cũng vừa mới về tới nhà thành ra chưa định gì cả.
– Cháu định ở lại đây suốt cả kỳ hè sao?
– Chắc cháu sẽ đi sớm hơn.
Tôi suy nghĩ mông lung. Có thể Stahr đã bắt đầu cảm tôi. Nhưng nghĩ như thế có lẽ là vội vàng đốt giai đoạn quá chăng. Dù sao thì tôi cũng là gái nhà giàu và còn trẻ. Ý tưởng lấy Stahr lúc này tôi cũng không thấy hấp dẫn lắm. Có lẽ lấy một bác sĩ còn khoái hơn, bởi vì Stahr có bao giờ rời khỏi văn phòng làm việc trước mười một giờ đêm đâu.
Stahr nhìn Ba tôi:
– Còn mấy năm nữa thì cháu ra trường vậy anh?
Ba tôi chưa kịp trả lời thì Robinson bước vào. Tôi muốn la to lên, rằng tôi học thế là đủ rồi, tôi không cần phải học thêm gì nữa cả. Stahr chỉ Robinson và nhìn tôi giới thiệu:
– Đây là ông Robinson đó cháu.
Tôi ngắm người đàn ông vừa bước vào, chân ông ta đi hơi khập khiểng và có bộ tóc đỏ hoe. Tai tôi còn nghe Stahr nói:
– Ngồi đây, Robinson.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi và người đàn ông này nhất định phải được gọi là một cuộc gặp gỡ định mệnh. Sau này chính ông ta đã nói cho tôi hay về tình yêu của Stahr trong đêm đó.
 
* * * * *
 
Dưới ánh trăng, khu đất trống phía sau phim trường trông thật là tiêu điều, xơ xác, chẳng khác gì một cuốn truyện bằng tranh rách nát từ thời thơ ấu. Trong khu đất rộng lớn này có đủ cả, nào là cảnh rừng già Phi châu, lâu đài cổ nước Pháp hay cảnh đường phố Broadway về đêm. Nhưng lúc này nhìn những cảnh đó chẳng còn thấy giống chút nào. Trong đêm thanh vắng, khu đất trống này trông tựa như một ngôi nhà không mái.
Lúc Stahr và Robinson trở lại thì trên khu đất ngập lụt tiêu điều, người ta đã bắt những ngọn đèn điện để soi sáng các hố sâu nguy hiểm. Robinson nói:
– Chúng ta phải bơm nước này ra ngoài phố. Làm vậy cũng bậy thiệt, nhưng tại ông trời, chớ tại ai.
– Ô, coi kìa!
Theo ngón tay chỉ của Robinson, tôi thấy một bức tượng gỗ lớn đang trôi bồng bềnh trên dòng nước lụt. Đây dường như là tượng thần Siva của Miến Điện gì đó. Điều buồn cười là ở bên trên có hai người đàn bà đang xử dụng bức tượng gỗ như một con thuyền lướt trên mặt nước, thoạt nhìn thấy giống như họ đang đi ngoạn cảnh giữa dòng sông vậy. Robinson la to:
– Hai mụ kia làm gì vây!
Hai người đàn bà bám chặt lấy đầu tượng. Mắt họ nhìn về phía chúng tôi cầu cứu. Pho tượng vẫn trôi theo dòng nước, thỉnh thoảng bị rác rến hay chỗ nước nông cản lại. Robinson xắn quần lội ra sát mé nước để nhìn cho rõ hơn:
– Phải để cho hai mụ này trôi xuống cống luôn mới được. Nhưng mà không được, tuần tới đạo diễn DeMille phải xài tới cái tượng đó.
Robinson đã lội ra ngoài xa, nước ngập tới mông ông ta. Tay cầm chiếc sào khều bức tượng, động tác của Robinson khiến cho bức tượng vừa quay vòng tròn và vẫn tiếp tục trôi theo dòng nước chảy xiết. Những người khác chạy tới phụ với ông ta và cuối cùng lôi được bức tượng với hai người đàn bà vào bờ. Đó là hai thiếu nữ khá trẻ và một trong hai cô rất đẹp. Vì bám chặt nên họ đã làm long đầu pho tượng ra và đang cầm trong tay. Robinson la:
– Ráp vào trả cho người ta đi, định lấy làm kỷ niệm nữa hay sao?
Người đàn bà ráp cái đầu pho tượng vào và Robinson kéo bà ta lên chỗ đất khô. Người kia tỏ vẻ lưỡng lự rồi cũng làm theo bạn. Robinson nhìn Stahr:
– Mấy người này bây giờ làm sao, thưa ông?
Stahr không trả lời. Cách ông ta hơn một thước, chính là khuôn mặt của người vợ đã chết đang sống lại mỉm cười với ông. Cặp mắt ấy, làn môi ấy, vầng trán kia, tất cả đều giống hệt Minna, không sai một mảy may nào. Hình ảnh cuối cùng của người vợ đã chết ngày nào hiện lên. Stahr như ngửi thấy cả mùi hương nến, đèn hoa phúng điếu trong phòng. Stahr muốn la to lên. Bỗng nghe cả tiếng Minna vọng bên tai:
– Xin lỗi quý vị, chúng tôi đi theo chiếc xe vận tải và bị lạc vào trong phim trường.
Lúc này một đám đông hiếu kỳ đã bu tới, gồm có những người thợ điện, thợ ống nước, tài xế. Robinson quát người này, sai người kia, xông xáo như một con chó săn giữa đàn trừu.
– Đem máy bơm lớn tới sân khấu số bốn… Cột dây thừng vào cổ tượng kéo lên… Bơm nước ra khỏi khu rừng cây, lẹ lên… Trời đất, mấy cái ống nhựa khốn nạn!…
Stahr đứng yên nhìn hai thiếu nữ theo viên cảnh sát đi ra khỏi cổng phim trường. Ông đi thử coi chỗ đau ở đầu gối đã hết chưa. Một chiếc xe ủi được đưa tới để đọn dẹp. Mọi người trông thấy Stahr đều hỏi thăm, chào hỏi:
– Thưa ông… Dạ, thưa ông, đêm nay ớn quá… Thưa ông, ghê quá, may mà không ai việc gì!…
Stahr vừa trả lời, vừa giơ tay làm hiệu đáp lại những câu hỏi thăm đó. Trong đêm tối, mọi người lăng xăng dọn dẹp xung quanh Stahr. Nhìn quang cảnh, tôi liên tưởng tới cảnh một vị Hoàng đế đứng giữa đám ngự lâm quân. Tuy không nói ra, nhưng họ coi Stahr là một vị anh hùng. Và Stahr quả có như thế thực. Hầu hết những người này đều làm ở đây từ lâu, có những người ngay từ lúc mới khởi đầu. Họ đã cùng với Stahr chia sẻ những thời kỳ vinh quang, phát đạt, cũng như chịu đựng những ngày dài trong ba năm trời lỗ lã vừa qua. Dù gặp hoàn cảnh khó khăn, Stahr không bao giờ để cho họ bị thiệt thòi. Lòng trung thành tin tưởng đó hiện thời đang bị lung lay khá mạnh. Hiện thời, ai cũng có thể bị sụm bất cứ lúc nào, giống như những bức tượng khổng lồ chân bằng đất sét. Dù sao, những người này vẫn còn tin tưỡng ở Stahr, như dân chúng tin vào vị hoàng tử cuối cùng của họ. Những lời chào hỏi của họ hình như nhuốm vẻ sa sút, chứng tỏ tinh thần không được cao cho lắm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.