Nhắm Mắt Thấy Paris
Chương 12: SÉT ĐÁNH NGANG TAI
Càng gần đến Noel, thời tiết càng khó chịu, có hôm ban ngày mà nhiệt độ vẫn không lên hơn được hai độ C. Paris và cả châu Âu chìm trong giá rét dù chưa phải đỉnh điểm của mùa Đông. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt, nặng nề và sà thấp như thể sắp đổ ụp xuống đầu những người khách bộ hành đang co ro trên phố. Những quán phở trong quận 13 trở nên đắt khách, dù trời lạnh, khách vẫn kiên nhẫn xếp hàng trước cửa. Viễn cảnh được ăn một tô phở nóng sực, thơm tho đang bốc khói đủ khiến người ta chịu đựng cảnh đợi chờ. Mỗi lần đi ngang những dòng người xếp hàng trước các quán phở, Mai bật cười thú vị. Một cảm giác tự hào, hả hê và có phần giễu cợt quấn lấy cô. Họ là Việt kiều, người Pháp và cả các khách du lịch nói những thứ tiếng xa lạ. Họ chờ được ăn món phở của Việt Nam trong làn gió đông tê tái. Trong khi đó, Mai chẳng mấy khi thèm các món Việt Nam, dù mùa lạnh được ăn một tô phở gà hoặc tô bún bò quả là lý tưởng. Cô thích cầm trên tay ổ bánh mì baghette nóng hổi được phết những lát bơ Bretagene béo thanh dễ chịu. Vừa đi vừa cắn ngập những miếng bánh mì giòn rụm, cảm nhận bơ tan chảy trên đầu lưỡi, Mai thấy yêu Paris thêm một chút.
Những ngày cuối năm thành phố nhộn nhịp trang hoàng khắp nơi để hút khách du lịch và hào hứng bước vào một dịp kinh doanh hứa hẹn. Mỗi lần đi field ở các quận trung tâm Mai đều ngoái nhìn những cửa hàng được trang trí thật sáng tao. Cũng bấy nhiêu cây thông, kim tuyến, quả chuông, ngôi sao … mà dân Paris biết nghĩ ra nhiều cách tạo hình thật lạ mắt. Ở những quảng trường nổi tiếng, các tiểu cảnh được dựng lên vô cùng tráng lệ. Nào là hồ nước long lanh như đóng một lớp băng mỏng, hàng thông phủ tuyết trắng bạc đầu, những quả cầu pha lê trong vắt treo lơ lửng … Place concorde, place Dauphine, place de la Bastille, place the VoSài Gònes … tha hồ khoe sắc, mặc sức phô diễn cơ man những tiểu cảnh Giáng sinh rực rỡ ánh màu. Một lần đi ăn trưa chung với Sophie ở quản trường Bastille, nhìn một tiểu cảnh tuyệt đẹp vừa được dựng lên, Mai buột miệng ngâm nga: “Places, ô place de Paris, place au spectacle infini …” 1, làm cô đồng nghiệp bất ngờ: “Bồ học ở đâu vậy?”. Mai không nhớ là mình đã đọc ở đâu trong vô vàn những cuốn sách mình đã học ở Việt Nam, không hiểu sao cô lại chối:”Tôi đọc được trên một tấm áp phích quảng cáo ngoài phố!”. Dường như với đồng nghiệp Paris, Mai không thích lộ rõ mình là người xuất thân học hành đàng hoàng, cô muốn mọi người nhìn mình như một kẻ rất “bụi đời”, có khả năng “lăn xả” mọi nơi và “chịu chơi” mọi lúc. Thừa biết mình chẳng thể cạnh tranh lại “quí tộc Pháp”, Mai thà tự nhận mình “cao bồi Mỹ” cho xong.
Từ ngày sếp Céline cử Mai vào Ủy Ban tổ chức lễ hội Noel, cô càng bận rộn hơn vì vừa muốn tiếp tục làm những công việc của Langôma vừa muốn tham gia càng nhiều càng tốt công tác chuẩn bị với Momental. Ngày nào Mai cũng đi một quãng đường dài dưới métro đến công viên Các Hoàng Tử xem tiến độ thực hiện. Gọi là công viên với tên gọi “Parc des Princes” nhưng thực chất đây là sân vận động chuyên nghiệp dành cho các giải bóng đá nhà nghề. Mai chắc L’Aurore Paris phải thuê sân vận động với một cái giá cao ngất để tổ chức một ốti vui cho nhân viên. Tổng cộng mười ngàn thiệp mời đã được in ký tên ông Chủ tịch Tập đoàn. Những tấm thiệp dày cộp, thiết kế sắc sảo, sang trong đung tầm Monsieur De Buffon sẽ được phát hành cho khoảng tám ngàn nhân viên làm việc ở Paris và các vùng lân cận. Số thiệp còn lại sẽ được gửi qua bưu điện cho khắp các managers thuộc tập đoàn L’Aurore ở khắp nơi trên thế giới. Công tác gởi thiệp, nhận phản hồi sẽ tham dự hoặc từ chối, đặt phòng ở khách sạn cho khách ở xa, tổ chức xe đưa rước cho những vị này là cả một núi việc cần phải được sắp xếp cẩn thận. Hàng ngày công viên Các Hoàng Tử lại thay đổi hơn với các giàn giáo đã thành hình, những tấm vật liệu vằng nhựa chuyên dùng để xây dựng nhà tạm được chở đến. Người ta sẽ dựng những dãy nhà dành cho phòng tiếp khách, phòng nhận giữ áo khoác, phòng tiệc tối, tiệc khiêu vũ, hệ thống nhà vệ sinh … và đặc biệt là khán phòng có sức chứa mười ngàn người và cái sân khấu hoành tráng. Tất cả đều có mái che và hệ thống sưởi ấm dành cho mùa Đông. Mỗi ngày Mai lại chắc lưỡi xuýt xoa khi đứng nhìn dự án đang tiến triển một cách thật chuyên nghiệp. Hôm nay người ta đã chở ghế đến và chuẩn bị lắp đặt hệ thống âm thanh và ánh sáng.
– Cô ổn chứ? – giám đốc dự án Pierre Fabrice đi ngang qua – Ngày nào cũng thấy cô đến đây!
– Tôi ngưỡng mộ công việc của ông – Mai thành thật – công ty tổ chức sự kiện Momental của ông quá chuyên nghiệp!
– Cảm ơn cô. Chúng tôi phải trải qua mất buổi đấu thầu căng thẳng lắm mới được nhận dự án này của Tập đoàn L’Aurore.
– Nếu ở Việt Nam, tôi chẳng thể nào tưởng tượng nổi một công trình thế này – Mai thấy mình vô cùng may mắn – Mọi thứ từ con số 0, thế mà đến nay chúng ta đang có một nơi tổ chức tiệc Noel thật hoàn hảo.
– Chưa xong đâu – Pierre bật cười trước vẻ khâm phục của cô gái trẻ – Linh hồn của buổi tiệc sẽ là những màn tạp kỹ xiếc, những bài hát về Noel do các ca sĩ nổi tiếng thực hiện. Chúng ta có Patrick B., Patricia K., Elsa …
– Lạy Chúa! Họ thật xuất sắc. Tôi không ngờ có ngày được nghe họ hát tại Paris – Mai xúc động – Mà lại còn được tiếp xúc trực tiếp nữa. Ông đã hứa cho tôi đến gặp họ hôm chạy thử chương trình vào tuần tới phải không?
Pierre Fabrice gật đầu cười. Những ca sĩ này đã xa rời ánh hào quang nhưng họ vẫn là những ngôi sao thật sự. Họ sẽ đủ sức đốt cháy khán phòng trong đêm tiệc và nhân viên L’Aurore sẽ hoàn toàn hài lòng.
° ° °
Càng gần đến Noel, không khí làm việc trong L’Aurore càng sôi động. Mọi người tranh thủ từng phút để hoàn thánh các kế hoạch trong năm cũ và bận rộn chuẩn bị những chuyến đi nghỉ dài ngày. Môi nhân viên trong nhóm Langôma đều sẽ rời Paris, ngay cả chị tạp vụ Zeneb gốc người Maroc cũng khoe sẽ dắt con về quê chơi. “Mai, em cũng đi đâu chứ? Đi lên núi trượt tuyết? Về miền Nam sưởi nắng? Hay quay về Việt Nam thăm người yêu?”. Mai bật cười, vui lây với vẻ chộn rộn của chị tạp vụ nghèo hèn. “Những ngày cuối năm ở Paris không khí háo hức như Việt Nam sắp đón Tết âm lịch. Nhưng em không có tâm trí để nghĩ đến cuộc sống ngaoì công việc. Mục tiêu trước mắt là lễ hội cuối năm ở công viên Các Hoàng Tử”. Zeneb thật thà: “Nhưng sau sự kiện này, toàn bộ nhân viên L’Aurore Paris sẽ nghỉ phép đi chơi, em không sợ ở lại Paris một mình cô đơn sao?”. Mia gục gặt đầu “Đành vậy!” rồi chuẩn bị khoác áo đi field. Cô kịp nghe Zeneb hứa với theo khi chạy vội ra thang máy: “Chị sẽ có quà Maroc cho em!”. Giờ Mai cũng có khả năng đi như chạy với một vận tốc “rất Paris”. Tối qua trong một phóng sự về tốc độ cuộc sống đô thị trên đài TF1, người ta đã kết luận: Dân Paris đi nhanh nhất thế giới. đặt biệt phụ nữ Paris đạt kỷ lục đi nhanh mà vẫn mang giày cao gót. Điểm này thì Mai thua, vì thế trong balô cô luôn thủ sẵn một đôi cao gót bảy phân, cần thì lôi ra cho xứng đào xứng kép.
Ngoài phố, những bản nạhc Giáng sinh vui nhộn vang lên khắp nơi, có những bài cũ rích như “Vive le vent” và cả những bản lạ hoắc Mai không biết tên nhưng rất thích đoạn điệp khúc “Anh sẽ yêu em suốt đời”. Dân Pháp thật lạ, cả thế giới đều biết họ là một dân tộc đa tình, yêu nhiều, ngoại tình lắm, ly dị đếm không xuể, tái hôn cũng chóng mặt. Vậy mà họ luôn ngây thơ tin vào những cuộc tình vĩnh cửu, yêu lần nào cũng như lần đầu, hôn cái nào cũng đắm say như thuở mười ba, và những lời hứa thì ngây ngất “suốt đời, trọn kiếp, mãi mãi”. Một lần dạo rừng Vincienne với maman Chiristine, thấy một cặp ngoài tám mươi chống gậy dìu nhau, họ âu yếm hôn nhau nhu thể cả thế giới chỉ có đôi ta, Mai thán phục: “Ở Việt Nam làm gì có cảnh này, mấy ông bà già Pháp biết giữ lửa tình yêu, lấu nhau mấy chục năm mà còn hôn được như vậy!”. Maman Christine cười hặc hặc: “Sao con không nghĩ họ … mới cưới nhau?”. Kể cả maman Christine, dạo này hình như đang yêu ai, bà trốn Paris đi sang Luân Đôn mỗi tuần.
° ° °
Cuối cùng ngày trọng đại cũng đến. Công viên Các Hoàng Tử dập dìu ngựa xe. Nhân viên L’Aurore Paris được yêu cầu tập trung tại các chi nhánh công ty, xe đưa rước tập thể đến đón nhằm tránh tình trạng kẹt xe và thiếu chỗ đậu. Vậy mà cũng phải huy độn một đội ngũ cả trăm nhân viên trong khu parking. Mai chạy đủ chỗ kiểm tra mỗi nơi một chút, tai đeo điện đàm “walkie – talkie”, cổ lủng lẳng thẻ “pass – partout” đặc biệt của ban tổ chức. Với vẻ bề ngoài rất chuyên nghiệp đó, cô có thể xộc cả vào phòng hóa trang của các diễn viên tạp kỹ, chui dưới đàn piano của ca sĩ lừng danh Patrick B. hoặc trùm vào người bộ váy lông chim của nữ ca sĩ Patricia K. Cơ hội cho Mai chơi trò nghịch ngợm với những tài tử – giai nhân của kinh thành ánh sáng quả là ngàn năm có một. Nhưng thời gian không còn nhiều, cô phải chạy xuống khán đài kiểm tra ghế ngồi của các vị managers, phải chắc hcắn những trụ cột cũa tập đoàn đã yên vị vào những dãy VIP dành riêng cho họ.
Một người đàn ông dáng dấp thật quen thu hút Mai từ xa trong dãy ghế dành cho các giám đốc từ các nước được mời về Paris: Daniel Ng. Không hiểu sao Mai vội quay mặt ngó lơ dù thoáng thấy anh nhìn mình trong bóng tối. Cô đang đứng ở vùng ánh sáng rực rỡ từ sân khấu rọi đến trước giờ khai mạc. Đột nhiên, một bóng người lách đến chạm vào vai Mai.
– Cô đây rồi! – tổng giám đốc L’Aurore Việt Nam lên tiếng trước – Chào!
– Chào Jean – Paul – cô mỉm cười tự tin trước Lafatoine – Thật vui gặp lại ông!
Dù không thật sự thích sếp cũ, Mai vẫn thấy cảm động khi gặp lại người quen giữa Paris. Cô thấy ông thân thiện hơn, gần gũi hơn, có thể vì giờ đây ông không còn là sếp của cô nữa. Lafatoine nheo mắt ngắm Mai chăm chú làm cô thoáng bối rối.
– Cô thay đổi một cách tích cực hơn, ý tôi muốn nói về mặt ngoại hình – Sếp cũ không giấu vẻ kinh ngạc – Paris có vẻ hợp với cô. Cô đeo thẻ của Ủy Ban tổ chức lễ hội? Cô được làm việc với ngài Chủ tịch? Chúa ơi! Thật tuyệt!
– Nhờ ông đã gởi tôi sang đây tu nghiệp – Mai cười hồn nhiên – Ở Việt Nam dạo này thế nào? Mọi người ra sao? Tôi nhớ họ lắm! Tôi cũng nhớ ông nữa, thật đó!
– Đừng thêm chữ “thật đó”, nó tố cáo cô đang nói dối. Tôi biết cô cũng chả nhớ ai, kể cả người cô nên nhớ nhất. Giá mà Louis De Lechamps thấy cô lúc này – Lafatoine xuýt xoa khá kịch – Anh ta sẽ tiếc đứt ruột!
– Tại sao? – Mai ngơ ngác.
– Vì anh ta đã cặp bồ với Pink Lady!
– Sao?
Mai nghe sét đánh bên tai, ánh đèn màu bất chợt rọi thẳng vào mặt. Mắt cô nhòe đi, choáng váng. Mai đưa hai tay lên che trước trán, cảm thấy hàng vạn mũi tên đang cắm xuống đầu. Cái giọng cay độc của Lafatoine vẫn còn rõ từng từ:
– Họ – đã – dọn – đến – sống – chung. Tôi lại còn thấy cái bụng Pink Lady đã tròn – tròn. Không ai ở L’Aurore Việt Nam báo tin cho cô à? Cô nên hôc cách xây dựng hệ thống tai mắt ở khắp nơi …
– Vâng … – Mai lắp bắp – Thôi tôi phải đi …
– Chưa khai mạc mà, chúng ta có thể ra hành lang nói chuyện thêm chút nữa – Lafatoine không tha – Tôi mong cô không từ chối. Dù sao tôi cũng từng là sếp cũ của cô mà. Đừng vì đang làm việc tại Paris mà ngó lơ tôi chứ!
Mai thấy mình đi như trôi ra hành lang, sau lưng là bàn tay uy quyền của Lafatoine đang điều khiển cô theo ý mình. Họ dừng lại một điểm giữ áo khoác. Lafatoine đắc thắng, thông tin mình tung ra đã có tác dụng làm Mai đau đớn. Ông không thật sự ghét cô nhưng bản tính táo tợn và sở thích tra tấn người khác khiến ông muố tiếp tục ra đòn. Trong tương lai gần, khi Mai hết hạn tu nghiệp ở Paris, cô sẽ quay về Việt Nam, khi đó cô cũng không còn là nhân viên dưới quyền Lafatoine. Cô sẽ nhận lệnh và báo cáo trực tiếp cho sếp vùng từ Singapore hoặc từ Paris. Sản phẩm Langôma trong giai đoạn mới tung ra thị trường không được quyền sai sót. Lafatoine không muốn cô nhân viên trẻ có cơ hội ngênh ngang. Thái độ luôn nghĩ mình giỏi của Mai làm ông điên tiết. Như đa số các sếp, Lafatoine thích người biết nghe lời hơn là người có năng lực.
Nhìn Mai tái mét và run rẩy trong ánh đèn nhập nhòe hắt ra từ sân khấu, Lafaroine nhếch môi cười hài lòng. Ông không biết rằng chỉ trong một tiếng sắp tới, ông sẽ phải trả giá cho những ý nghĩ độc ác luôn muốn giày vò thiên hạ.
° ° °
Email Jean – Paul Lafatoine gởi Daniel Ng
Subject: Hãy hỗ trợ tôi!
Daniel thân mến,
Lẽ ra tôi nên bay sang Sing apore để gặp trực tiếp anh, nhưng tôi bối rối quá. Tôi cũng không thể phone cho anh vì biết mình không bình tĩnh. Cuối cùng, tôi đành viết mail này cho anh. Tôi khẩn thiết mong anh hãy giúp tôi, tôi xin ghi nhớ công ơn này.
Tôi không biết anh đã được biết cái tin mà tôi vừa nhận chưa. Tôi giả định rằng chưa để có cơ hội kể lại với anh một cách chi tiết. Ngay trong buổi lễ Giáng sinh, lúc đang ngồi ăn buffer, chợt ông Christ Hubert đến bên tôi nói nhỏ: “Có một tin vui cho cậu, cậu sắp được thăng chức, cậu sẽ là sếp vùng Trung Phi!”. Chúa nhân từ, đó là cái tin xấu nhất tôi nhận được từ ngày gia nhập vào Tập đoàn L’Aurore. Vùng Trung Phi là nơi ai cũng biết toàn mấy nước nghèo xác xơ. Tập đoàn đặt trụ sở ở những nước đó chỉ vì lý do chính trị. Đến những nhu cầu thiết yếu là bữa cơm hàng ngày người dân còn không lo nổi, vậy anh hãy nói với tôi ai sẽ là khách hàng mua mỹ phẩm cao cấp của L’Aurore đây? Sự nghiệp của tôi đang trên đà phát triển, sau Việt Nam sẽ là những nước tốt đẹp hơn như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật. Hoặc tệ lắm cũng là Philippines. Đưa tôi sang Trung phi, dù là sếp vùng, sự nghiệp của tôi coi như bị gãy ngang rồi. Ông Christ Hubert là một trong những công thần khai quốc của Tập đoàn L’Aurore. Chính ông ấy đã tiến cử tôi từ vị trí Sales Director của Algérie sang làm tổng giám đốc ở Việt Nam. Nay cũng chính ông ấy muốn tôi sang Trung Phi. Chắc anh cũng thừa biết, tôi, hay anh, chúng ta chỉ là những con cờ giúp các sếp lớn làm chính trị để ngoi lên. Tôi không cách gì từ chối vị trí sếp vùng Trung Phi cả. Điều làm tôi đau đớn nhất là nhiệm kỳ bốn năm của tôi ở Việt Nam vẫn chưa kết thúc, tôi chỉ mới bước sang năm thứ ba. Bao nhiêu dự án đang triển khai sắp đến hồi thu lợi thì nay để lại thành quả cho người đến sau thừa hưởng. Ông Christ Hubert xác nhận tôi phải sang Trung Phi ngay trong tháng Giêng vì vị trí đó khuyết cần người nhận gấp. Chính vì thế ông ấy mới báo tin cho tôi gấp gáp ngay trong lễ hội Giáng sinh. Tôi có hỏi vị trí tổng giám đốc ở Việt Nam sẽ do ai thay thế, ông Christ Hubert chần chừ cho biết tạm thời sẽ cử Chanchura, tổng giám đốc của Thái Lan, sang lo cùng lúc hai nước. Sau đó sẽ tìm người thế.
Daniel, tôi biết anh là một người có tầm nhìn xa trông rộng. Anh là một người sếp tuy trẻ tuổi nhưng luôn biết trân trọng các tài năng và phát triển nhân lực cốt lõi. Trong thời gian qua, làm sếp trực tiếp của tôi, chắc anh cũng nhận ra sự tận tâm tôi đóng góp cho VIệT NAM, và cũng là đóng góp cho thành quả chung của vùng châu Á mà anh là người chịu trách nhiệm cao nhất. Tôi thiết tha mong anh can thiệp với Christ Hubert sao cho tôi được tiếp tục ở lại Việt Nam. Bởi lẽ, như anh hẳn phải lo ngại, một mình Chanchura lo cả hai nước sẽ không trọng vẹn và sẽ làm doanh số của cả hai nước giảm đáng kể. Khi đó mục tiêu kinh doanh chung của vùng châu Á sẽ không đạt, Sự nghiệp của anh đương nhiên cũng không thuận lơi. Anh là ngôi sao sáng, là một người quản lý trẻ tuổi tài năng mà Tập đoàn L’Aurore may mắn có được. Tôi tin anh sẽ thuyết phục được Christ Hubert. Bởi lẽ, vùng châu Á hiện là nơi có tốc độ tăng doanh thu cao nhất thế giới. Nếu anh đe dọa bỏ đi, Christ Hubert không thể không nhượng bộ. Dù gì, tôi hy vọng tình thế không đến mức căng để anh phải ra tối hậu thư. Dù sao tôi cũng lớn tuổi hơn anh và là người Pháp, đồng hương với Christ Hubert, cho phép tôi khuyên anh cách đối phó với ông ta: Đừng nhượng bộ và tỏ ý do dự! Tôi chúc cuộc thương lượng giữa anh và Christ Hubert sẽ có kết quả win – win hai bên cùng hài lòng.
Trân trọng,
Jean – Paul Lafatoine.
——————————–
1 Places, ô places de Paris, place au spectacle infini: “Những quảng trường, ôi những quảng trường Paris, nơi những quang cảnh không bao giờ ngơi” (thơ của Rainer Maria Rilke trong “Elégies de Duino”).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.