Nhìn ngược nhưng hãy đi xuôi

PHẦN I: GIỚI THIỆU



“Có lẽ bạn nên đọc phần này, vì nó sẽ quyết định bạn có đủ hứng thú dành thời gian cho những trang phía sau hay không?! Có thể tôi chẳng là ai, có thể tôi chẳng có gì đáng quan tâm nhưng tôi tin những gì tôi suy nghĩ thấm thoáng đâu đó cũng chính là suy nghĩ của các bạn – những chủ nhân của thế kỷ 21.”

Lời ngỏ

Trong cuộc sống hối hả, đôi khi chúng ta bỏ quên đi những điều thật sự giá trị, chỉ đơn giản vì chúng quá gần gũi, thân quen mà chỉ khi đánh mất nó ta mới chợt nhận ra. Nhìn ngược nhưng hãy đi xuôi là một cái nhìn đa diện, là chiếc gương soi để chúng ta tìm lại chính mình, tìm lại những giá trị đích thực trong cuộc sống.

Với những bài viết có khuynh hướng “ngộ” như Kỹ năng sáng tạo dành cho người không sáng tạo, Năm lý do nên rớt đại học hay Phỏng vấn để được rớt… Nhìn ngược nhưng hãy đi xuôi không phải là một biểu trưng cho sự bốc đồng nổi loạn, mà đó là hình ảnh đại diện cho tâm tư của các bạn trẻ – những con người luôn khát khao sống hết mình cho những suy nghĩ, chính kiến riêng, luôn mong muốn được thể hiện chính mình, phá bỏ những giới hạn và nguyên tắc cũ kỹ không còn phù hợp với thời đại mới.

Bên cạnh đó với những dòng cảm xúc, chiêm nghiệm đa chiều về cuộc sống, Nhìn ngược nhưng hãy đi xuôi cũng muốn gửi thông điệp đến các bạn trẻ, đó là chúng ta hãy luôn chấp nhận là những người trẻ, là những kẻ nổi loạn nhưng sẽ không bao giờ là những kẻ nổi điên, chấp nhận thất bại nhưng không bao giờ chấp nhận thất vọng, chấp nhận bước đi nhưng không bao giờ chấp nhận điểm đến, chấp nhận thể hiện cái TÔI nhưng không bao giờ chấp nhận lôi thêm cái TỘI, chấp nhận hiện tại nhưng không bao giờ quên quá khứ và thôi nghĩ về tương lai.

Dù bạn có là ai, thấp bé hay to cao, bình thường hay xuất chúng, chỉ cần bạn luôn là chính mình thì đó là điều giá trị nhất.
^_^

Đôi nét về tác giả

Nếu vô tình một ngày nào đó bạn bắt gặp một gã thừa xương thiếu mỡ, mắt dán hai cái đít chai con cận con loạn, luôn ngồi đăm chiêu nghĩ về hòa bình thế giới mặc cho bộ đồ một tuần chưa giặt đang “tỏa hương” nghi ngút, thì đó chính là Cục Ghét.

Thiên hạ đồn, gã là một người đứng xa thì khó gần, mà đứng gần thì khó xa, luôn nhìn cuộc đời bằng kính viễn vọng và soi mọi thứ diễn ra xung quanh bằng kính hiển vi. Gã thích cafe một mình, làm việc một mình, nói chuyện một mình… (đừng cười, độc thoại trong đầu, không phải lảm nhảm ra miệng đâu ^^), gã thích cảm giác được đứng ở một góc khuất của cuộc sống để chiêm nghiệm sự bận rộn của cuộc đời.

Là người ít nói nhưng lắm lời. Bao tử to nhưng thịt mở teo. Miệng hôi sữa nhưng họng hôi cồn. Mù màu nhưng thích màu mè. Không thích đọc văn nhưng lại thích viết văn. Không thích tạo phiền phức nhưng lại thích mang phiền phức của người khác vào mình. Ghét sự lãng mạn nhưng lại luôn tìm kiếm nguồn cảm hứng từ nó. Chẳng muốn nói gì nhưng luôn mong chờ sự thấu hiểu và cũng dễ dàng thấu hiểu người khác mà chẳng đợi phải nói nhiều.
Thật kỳ cục. Sao thế nhỉ?! Vì, gã là Cục Ghét!

Nguồn gốc Cục Ghét

Trong suốt cuộc đời, hằng ngày làn da của chúng ta luôn thực hiện một quá trình, đó là sản sinh tế bào mới và đào thải lớp biểu bì cũ bên ngoài. Lớp biểu bì bên ngoài qua tác động của môi trường xung quanh như cát, bụi, nắng gió kết hợp với mồ hôi sinh một hợp chất “có mùi, có vị”. Khi bạn chà và se lại, “sản phẩm” đó gọi là CỤC GHÉT. Nghe có vẻ kinh nhỉ?!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.