Những điều trường Havard thật sự dạy bạn

Lời nói đầu



Tôi không định đến Trường Kinh doanh Harvard (HBS) để viết sách về những gì trải qua. Thực ra, sau mười năm làm báo, tôi đến nơi này để thoát khỏi nghiệp viết lách, để không còn moi móc chuyện ngoài đời đưa lên những trang báo. Tôi muốn học về kinh doanh để làm chủ vận mệnh tài chính và quan trọng hơn, làm chủ thời gian của mình. Tôi đã quá mệt mỏi với việc phải kè kè chiếc điện thoại di động hay suốt ngày bị sếp hoạnh họe. Tôi hy vọng tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) sẽ giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về hoạt động của thế giới và có nhiều lựa chọn hơn cho cuộc sống của mình.

Thực ra, tôi viết cuốn sách này không phải để “vạch áo cho người xem lưng”. Xét về nhiều mặt, tôi yêu quý hai năm ở Harvard. Các bạn học của tôi rất lịch thiệp và ân cần. Hầu hết giảng viên trong khoa tận tụy truyền cho sinh viên niềm say mê môn học. Cơ sở vật chất và con người đều rất tốt. Chẳng có chỗ nào quan sát chủ nghĩa tư bản tốt hơn nơi này. Đối với tôi và với những người tôi biết, Harvard đã làm thay đổi cách nhìn nhận tương lai và cơ hội bằng con đường kinh doanh.

Nhưng đó cũng là thời kỳ căng thẳng hơn tôi nghĩ rất nhiều. Khối lượng bài học nặng nề, nhất là trong những tuần đầu tiên, chúng tôi phải đánh vật với các lĩnh vực chuyên môn của kinh doanh như tài chính, kế toán, điều hành, marketing và ứng xử trong tổ chức. Vài tháng sau, bản thân áp lực tìm việc, một công việc “thích hợp”, đã là một quá trình giáo dục riêng, vượt xa những gì xảy ra trong lớp học.

Cuốn sách này là nỗ lực mô tả trải nghiệm của tôi và các bạn học trong cái nôi của chủ nghĩa tư bản này. Sau khi đọc lại nhật ký hai năm ở Harvard, tôi ngạc nhiên trước cảm xúc nảy sinh từ những gì đã trải qua. Tôi đã cho rằng thời gian học ở trường kinh doanh sẽ là một thời kỳ vô tư, chỉ có học và chuẩn bị chuyển nghề. Nhưng chúng tôi đã trò chuyện nhiều về khát vọng và cuộc sống tương lai cho mình và gia đình. Điều đó được thể hiện rõ trong cuốn sách này, bên cạnh những gì chúng tôi học được, những gì các diễn giả nổi tiếng diễn thuyết và những quyết định về công việc của chúng tôi… Cơ hội học ở HBS là một món quà quý giá.

Năm 1960, mới chỉ có 5.000 người tốt nghiệp MBA từ các trường của Mỹ. Đến năm 2000, con số này tăng lên hàng trăm nghìn. Hiện nay, có đủ các loại khóa học MBA: khóa học điển hình toàn thời gian hai năm tại trường hoặc các khóa học bán thời gian, trực tuyến, buổi tối hay từ xa. Số lượng người đăng ký học MBA tại Trung Đông, Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng vọt. Những người có bằng MBA có xu hướng hưởng lương cao hơn và công việc tốt hơn. MBA ba chữ cái quý báu này trở thành tấm vé “vào cửa”, trong một số trường hợp còn là điều kiện tiên quyết, để thành công trong kinh doanh.

Tôi học tại HBS từ năm 2004 đến 2006. Cho tới thời điểm đó, trong số các cựu sinh viên của trường gồm có Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Thị trưởng New York, chưa kể CEO của các tập đoàn lớn như General Electric, Goldman Sachs và Procter & Gamble (P&G). Theo danh sách Fortune 500 thì cựu sinh viên HBS chiếm tới 20% số những người đảm nhiệm các vị trí cao nhất trong công ty. Trong các quỹ đầu tư cũng đầy những MBA của Harvard. Mỗi khi trở lại trường, họ được tiếp đón như những ông hoàng.

HBS cho rằng những đức tính cần có để thành công trong kinh doanh cũng cần thiết cho tất cả các ngành khác như chính trị, giáo dục, y tế và nghệ thuật. Tôi không xuất thân từ giới kinh doanh và về bản năng, tôi phản đối quan điểm doanh nhân có thể điều hành mọi thứ. Quan điểm này xuất hiện liên tục trong hai năm qua và lý giải vì sao một cuốn sách viết về tấm bằng MBA ở Harvard lại là mối quan tâm của đông đảo bạn đọc, không chỉ những người đã có hay muốn có bằng MBA. Ngôn ngữ, thói quen và phong cách lãnh đạo được dạy trong khóa học MBA ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Các trường dạy kinh doanh không chỉ sản sinh ra các nhà lãnh đạo trong kinh doanh.

Các khóa học MBA còn quyết định cách sống, giờ giấc làm việc, các kỳ nghỉ, nền tảng văn hóa, sự chăm sóc y tế mà chúng ta nhận được và cả nền giáo dục cho con cháu chúng ta. Từ năm 2000, ngài Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh đã có những quyết định quan trọng về mặt lịch sử và toàn cầu. Tóm lại, tấm bằng MBA, nội dung của nó và mạng lưới những người sở hữu tấm bằng này là rất quan trọng. Và nó có tham vọng để trở nên quan trọng hơn nữa.

Cuốn sách này thể hiện quan điểm cá nhân tôi. Không một MBA nào có thể đại diện cho 900 sinh viên niên khóa 2006 của HBS. Mọi điều trong cuốn sách này đều đúng như tôi mô tả. Nhưng tôi đã đổi một số tên nhân vật và các chi tiết liên quan vì hai lý do: thứ nhất là vì sự riêng tư. Lớp học của HBS là một môi trường học tập an toàn, một nơi để thử và sai. Các bạn cùng lớp không biết tôi sẽ viết về những điều chúng tôi đã trải qua. Lý do thứ hai là việc thay đổi đó cho phép tôi mô tả trung thực những gì trải qua mà không phải lo lắng về danh tiếng của những người tôi yêu quý và khâm phục. Các giáo sư, vì vị thế thầy giáo của họ là công khai, cũng như các diễn giả từng đến nói chuyện, sẽ xuất hiện đúng như trong thực tế. Tôi dự định kết hợp các cách tiếp cận này để cung cấp một bức tranh chân xác về thời gian tôi ở HBS.

Khi khóa học của chúng tôi kết thúc vào tháng 6 năm 2006, chúng tôi nhận được một bức thư ngỏ của thầy hiệu trưởng Jay Light. Ông viết: “Khi các bạn hòa vào đội ngũ cựu sinh viên HBS khắp nơi trên thế giới, tôi hy vọng các bạn tiếp tục giữ liên lạc với trường, chia sẻ suy nghĩ và quan điểm về những năm học ở đây”. Đây là suy nghĩ và quan điểm của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.