Chuyến đi đã được ấn định vào ngày mốt, 22 tháng 12. Quả thật, không ai hi vọng tìm được thuyền trưởng Grant ngay trên vĩ tuyến 37 mà họ đã quyết định bám sát suốt hành trình. Nhưng ít nhất cũng có thể trông cậy phát hiện được những dấu tích nào đó về sự có mặt của Harry Grant. Và, dù sao đi nữa, thì vĩ tuyến ấy cũng dẫn thẳng đến nơi con tàu bị nạn. Điều ấy mới là chủ yếu.
Nếu Ayrton đồng ý tham gia cùng đoàn thám hiểm, dẫn họ đi qua các khu rừng của tỉnh Victoria, đến vùng duyên hải phía đông, thì như vậy cuộc hành trình thừa sức bảo đảm thành công. Glenarvan biết thế, nên muốn được người đồng hành trước đây của Harry Grant giúp đỡ. Ông hỏi người chủ nhà xem có đồng ý cho Ayrton tháp tùng họ không. Paddy O’Moore cho biết ông rất tiếc, nhưng không khước từ lời đề nghị ấy.
– Sao Ayrton, ông đồng ý cùng chúng tôi tham gia cuộc tìm kiếm những người bị nạn của tàu “Britania” chứ?
Ayrton không trả lời ngay câu hỏi ấy. Thậm chí anh ta còn do dự vài phút. Nhưng sau khi đã suy nghĩ, anh ta nói:
– Tốt thôi, thưa huân tước, tôi sẽ đi với các ông. Thậm chí nếu tôi không giúp ông tìm được dấu tích của thuyền trưởng Grant thì tôi cũng sẽ đưa các ông đến nơi tàu của ông ta bị nạn.
– Cám ơn ông, Ayrton, – Glenarvan nói.
– Cho phép tôi hỏi huân tước một câu.
– Ông cứ hỏi.
– Các ông hẹn gặp “Ducan” ở đâu?
– Ở Melbourne.
– Thế còn thuyền trưởng…?
– Thuyền trưởng sẽ đợi lệnh của tôi tại cảng Melbourne!
– Thôi được, thưa huân tước, – Ayrton nói – ngài có thể trông cậy vào tôi.
– Tôi sẽ trông cậy vào ông, ông Ayrton, – Glenarvan đáp.
Các hành khách của tàu “Ducan” nồng nhiệt cảm ơn viên hoa tiêu ấy. Những đứa con của thuyền trưởng Grant không biết làm sao biểu lộ lòng trìu mến của mình đối với ông ta.
Glenarvan uỷ thác cho Paddy O’Moore lo việc cung cấp cho đoàn thám hiểm phương tiện vận chuyển để vượt qua Australie. Sau khi ký kết giao kèo và hẹn với Ayrton, các nhà thám hiểm trở lại tàu “Ducan”.
Ai nấy ra về vui vẻ. Tình hình đã đổi khác, không còn phải do dự phân vân gì nữa. Bây giờ đoàn thám hiểm dũng cảm khỏi cần tiến hành việc tìm kiếm một cách mò mẫm dọc theo vĩ tuyến 37. Harry Grant đang ở trên lục địa này, điều đó không còn phải hoài nghi. Vì vậy, ai nấy trong lòng tràn ngập niềm vui. Hai tháng nữa thôi, nếu tình hình thuận lợi, “Ducan” sẽ đưa Harry Grant đặt chân trở lại bờ biển Scotland.
John Mangles rất muốn tham gia cuộc hành trình sắp đến. Chàng đã viện đủ mọi cớ để thuyết phục Glenarvan. Sau khi nghe chàng thuyền trưởng trẻ giãi bày tâm sự của mình, Glenarvan nói:
– Chỉ có một điều là anh hoàn toàn tin cậy được người phó của mình chứ?
– Hoàn toàn tin được, – John đáp. – Tom Austin là một thuỷ thủ giỏi. Anh ta sẽ đưa được “Ducan” đến Melbourne, biết lo liệu việc sửa chữa và sau đo, đưa tàu đến nơi hẹn đúng ngày.
– Thôi được, John, tôi quyết định cho anh đi cùng chúng tôi, – Glenarvan mỉm cười nói tiếp. – Để anh được có mặt trong lúc tìm thấy cha của Mary, dẫu sao vẫn hay hơn chứ, phải không?
– Ồ, thưa huân tước! – Đó là tất cả những gì mà chàng thuyền trưởng trẻ có thể nói được. Chàng tái mặt đi, nắm chặt cánh tay của Glenarvan chìa ra cho anh bắt.
Ngay hôm sau, John Mangles cùng với một thợ mộc và mấy thuỷ thủ mang lương thực trở lại trang trại của Paddy O’Moore. John cần phải cùng người Islande ấy lo tổ chức đi lại cho đoàn thám hiểm.
Cả gia đình người lưu vong đã chờ đợi John và sẵn sàng bắt tay vào việc theo sự hướng dẫn của anh ta. Ayrton cũng có mặt ở đây và không hề hà tiện những lời khuyên giúp.
Paddy và Ayrton đều đồng ý với nhau là phụ nữ cần phải đi xe bò kéo, còn đàn ông thì đi ngựa. Người Irlande đảm nhận cung cấp cho đoàn thám hiểm cả xe lẫn bò. Chiếc xe được đóng và trang bị khá đầy đủ tiện nghi cần thiết cho những người phụ nữ đi đường xa. Sàn xe trải thảm dày, có bàn trang điểm và hai đi văng nhỏ cho huân tước phu nhân Glenarvan và Mary. Ban đêm, để chống lạnh đã có những bức rèm bằng da dày buông xuống. Cùng lắm thì cánh đàn ông cũng có thể vào xe trú mưa, nhưng bình thường thì họ vẫn phải ngủ đêm trong lều.
Đối với đàn ông thì mọi việc đơn giản hơn. Bảy con ngựa đã được chuẩn bị cho huân tước Glenarvan, Paganel, Robert Grant, Mac Nabbs, John Mangles và hai thuỷ thủ Wilson và Mulrady. Ayrton ngồi vào vị trí của người xà ích, còn chàng Olbinett không thích cưỡi ngựa đã được thu xếp ngồi trong khoang hành lý.
Mọi việc đã được chuẩn bị xong. Sáu chú bò được thắng xe theo từng cặp một. Ayrton tay cầm một chiếc roi dài, đầu nhọn, sẵn sàng đợi lệnh của ông chủ mới…
Từ mũi Bernouilli đến biên giới tỉnh Victoria dài gần sáu mươi hai dặm. Họ đi mất hai ngày. Sau đó, sáng sớm ngày 24 tháng 12, họ lại tiếp tục lên đường. Cho đến ngày 26, dọc đường chẳng có gì đặc biệt đáng nói.
Hôm sau, lúc 11 giờ sáng, chiếc xe bò đã đi đến bờ sông Wimerra, gần kinh tuyến 143. Con sông rộng nửa dặm, dòng nước trong veo chảy giữa những hàng xiêm gai và cây keo cao ráo. Không có cầu, không có phà, thế mà lại phải vượt qua bờ bên kia. Ayrton bắt đầu lội đi tìm chỗ nước nông. Ngược dòng độ một phần tư dặm, thấy sông không sâu lắm, anh ta quyết định cho xe qua sông ở chỗ ấy. Ayrton đo thử mấy chỗ khác, thấy nước ở đây sâu chưa đầy một mét, nghĩa là xe bò kéo có thể đi qua được mà không mạo hiểm gì lắm!
– Không có cách nào khác để qua được bờ bên kia sao? – Glenarvan hỏi người hoa tiêu.
– Không, thưa huân tước. – Ayrton đáp. – Những chỗ này tôi thấy không nguy hiểm đâu, thế nào ta cũng qua được mà.
– Huân tước phu nhân và cô Mary có cần phải xuống xe không?
– Không nhất thiết phải xuống. Những con bò của tôi vững chân lắm, tôi sẽ khiến chúng đi theo đường bảo đảm.
– Thôi được, Ayrton, – Glenarvan nói, – tôi trông cậy ở ông.
Những người cưỡi ngựa vây quanh chiếc xe bò kéo nặng, cả đội dũng cảm đi xuống nước. Thông thường, khi xe bò lội qua sông, người ta gắn thêm vào chung quanh xe những chiếc thùng phuy rỗng để giữ cho xe nổi trên mặt nước. Nhưng ở đây không có phao an toàn, nên phải trông cậy vào linh cảm của những con bò và sự thận trọng của người xà ích, Ayrton ngồi trên ghế xà ích, điều khiển xe. Thiếu tá và cả hai thuỷ thủ rẽ dòng nước xiết tiến lên phía trước vài mét. Glenarvan và John Mangles đi hai bên sẵn sàng hỗ trợ phái nữ, Paganel và Robert đi khoá đuôi…
Đến giữa dòng Wimerra, mọi việc diễn ra tốt đẹp. Nhưng tại đó đáy sông trũng xuống và nước ngập quá bánh xe. Mấy con bò bị nước cuốn mạnh, hẫng chân đi chệch hướng, khiến chiếc xe nghiêng ngả. Ayrton dũng cảm lao xuống nước, nắm lấy sừng bò bắt chúng đi vào đúng đường. Vừa lúc ấy, cỗ xe bất ngờ vấp phải chướng ngại nào đó, phát ra tiếng kêu rắc khá mạnh, rồi nghiêng hẳn đi. Nước ngập đến chân hai người ngồi trong xe. Mặc dù Glenarvan và John hết sức cố gắng bám vào thành xe níu lại, nhưng cỗ xe vẫn bị nước xô đi. Tình thế hết sức nguy nan.
May sao, mấy con bò đã bứt mạnh lên được phía trước, kéo cả cỗ xe theo. Đáy sông bắt đầu cao dần, và chẳng bao lâu, những con vật và các nhà thám hiểm ướt sũng nước đã sang được bờ bên kia an toàn.
Cỗ xe bị gãy bánh trước. Còn ngựa của Glenarvan thì bị long mất móng. Cần phải chữa ngay những chỗ hư hỏng ấy càng nhanh càng tốt. Các nhà thám hiểm còn đang phân vân nhìn nhau thì bỗng Ayrton đề nghị cho đi đến ga Black- Point cách đó hai mươi dặm về phía bắc để kêu thợ rèn đến sửa.
– Tất nhiên phải như vậy rồi, ông đi đi, Ayrton thân mến! – Glenarvan nói – Ông cần thời gian bao lâu cả đi lẫn về?
– Độ mười lăm tiếng đồng hồ, không hơn.
– Nếu vậy thì ông hãy đi ngay, còn chúng tôi sẽ nghỉ lại trên bờ trông Wimerra này đợi ông.
Mấy phút sau, viên hoa tiêu đã phóng con ngựa của Wilson khuất sau những hai hàng cây gai rậm rạp.